BẢN CHẤT CỦA
TỔ CHỨC TRONG ĐẠO PHẬT
Nguyên Vinh-Nguyễn Ngoc Mùi
Tổ Chức Chỉ Là Phương Tiện – Đạo Là Tự Giác Tự Nguyện
Trong đạo Phật, sự tự do nội tâm, tỉnh thức trong thực tại và giác ngộ cá nhân luôn được đặt lên hàng đầu. Đức Phật không lập giáo điều, không lập giáo hội,không áp đặt niềm tin, cũng không thiết lập một cơ chế tổ chức mang tính quyền lực hay mệnh lệnh. Ngài chỉ chỉ bày con đường như ngón tay chỉ mặt trăng: Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo – con đường đưa đến thân lạc tâm an, tỉnh thức mọi lúc và giải thoát khổ đau. Vì thế, tất cả những văn bản, văn kiện, định chế như Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Nội quy Gia đình Phật tử Việt Nam, hay Quy chế Huynh trưởng, Giáo Hội, Gia Đình Phật Tử (GĐPT) xét cho cùng, đều không phải là “pháp quy” mang tính cưỡng chế như luật pháp đời thường, như định chế quyền lực thế tục. Chúng chỉ là những cam kết tự nguyện, mang tính tu học và điều hợp, nhằm giữ gìn nền nếp cho một đoàn thể lấy tâm linh làm cốt lõi.
1. Pháp không nắm bắt, tổ chức không ràng buộc
Đạo Phật dạy rằng: “Pháp là vô tự tính, tùy duyên mà hiện khởi.” Trong tinh thần đó, mọi cơ cấu tổ chức trong đạo Phật chỉ là phương tiện thiện xảo – tức là những hình thức tạm thời để giúp người tu học thuận lợi hơn trên hành trình chuyển hóa thân tâm. Một hiến chương, một nội quy – dù được soạn thảo chặt chẽ mang tính ràng buộc đến đâu – vẫn không thay thế được tâm nguyện chân thành của người con Phật. Không có giới luật nào cao quý bằng giới tự giữ tâm thanh tịnh. Không có quy chế nào mạnh mẽ bằng sự tự giác hành trì Chánh pháp.
2. Gia đình Phật tử – tổ chức giáo dục dựa trên tình thương và sự tỉnh thức
Gia đình Phật tử không phải là một tổ chức hành chính, càng không phải là một đoàn thể phân định thứ bậc để tranh chấp quyền lực. GĐPT là môi trường tu học chung, nơi các thế hệ cùng nhau rèn luyện thân tâm, phát triển trí tuệ và nuôi dưỡng lòng từ bi. Những điều khoản trong Nội quy hay Quy chế chỉ đóng vai trò như những chiếc bóng của mái chùa, như ánh trăng rọi qua kẻ lá trong một đêm tĩnh lặng- nội quy, quy chế không nhằm dựng nên thành trì hay tường cao, mà chỉ để nhắc chúng ta nhớ rằng trong mỗi hơi thở, trong mỗi bước chân, đều có thể là sự trở về. Trở về vơi nhau . Trở về vơi chính mình. Và trở về con đường thanh tịnh giác ngộ của Phật tánh, đầy hương hoa. Không ai bị ép buộc phải vào GĐPT. Nhưng một khi đã phát nguyện gia nhập để sinh hoạt để tu học, đã phát nguyện đeo hoa sen trắng trên ngực, thì sự tự giác gìn giữ giềng mối Phật pháp và hòa hợp thân ái, thanh tịnh đoàn thể trong niềm vui chân chính chính là nền tảng giúp tổ chức được trường tồn và phát triển.
3. Đạo Phật không chủ trương quyền lực – chỉ đề cao chánh hạnh
Trong lịch sử Phật giáo, chưa từng có một triều đại tăng lữ nào tham gia vào nguồn máy cai trị xã hội như một đế chế. Các vị tổ sư, dù có ảnh hưởng đến đâu, cũng chỉ “thị hiện” để dẫn đạo chứ không bao giờ áp đặt. Vì thế, trong một tổ chức Phật giáo – nhất là tổ chức GĐPT – sự lãnh đạo không đến từ quyền uy mà đến từ tâm đức, hạnh tu, và khả năng truyền cảm hứng sống theo Chánh pháp.
4. Giải quyết mọi khó khăn bằng Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo
Nếu có tranh chấp, mâu thuẫn, bất đồng – dù trong tổ chức GĐPT hay trong giáo hội – thì đó là biểu hiện của khổ (dukkha). Và như Đức Phật đã dạy, khổ có nguyên nhân, có con đường dẫn đến đoạn diệt khổ. Nếu từng cá nhân quay về chiêm nghiệm Khổ, Tập, Diệt, Đạo và tu tập đúng Bát Chánh Đạo (Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ…), thì mọi mâu thuẫn sẽ tan biến như mây sương trước mặt trời chánh niệm.
Tổ chức để tạo nên chức vụ và cấp, bậc không phải là mục đích để đi đến. Văn kiện lập quy -Hiến Chương, Nội Quy, Quy Chế - không thể thay thế sự tinh tấn hành trì tu tập. Nếu mỗi thành viên GĐPT, mỗi huynh trưởng, mỗi tăng sĩ, đều lấy Tứ Diệu Đế làm kim chỉ nam, lấy Bát Chánh Đạo làm bản đồ hành trì, thì dù không cần một điều lệ nào, không cần một tổ chức nào chúng ta vẫn có thể sống hòa hợp, thương yêu, và phát triển tổ chức một cách vững bền.Tâm người là nền tảng của tổ chức. Giới luật chân thật là giới luật không cần ép buộc.