( Cảm nhận sau khi nghe TT GS Thích Nguyên Tạng thuyết giảng trong buổi trực tuyến Zoom online của ban Ban Truyền bá Giáo lý Hoằng Pháp Âu Châu ngày 19/9/2024 với Chủ Đề “Đại Sư Thiếu Khang - Ngũ Tổ Tịnh Độ Liên Tông“ )
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Kính bạch TT Giảng Sư Thích Nguyên Tạng, Trụ trì Tu Viện Quảng Đức / Melbourne kiêm Tổng Thư Ký GHPGVNTN Hải Ngoại Úc Châu & Tân Tây Lan
Kính bạch Thầy và quý chư Tôn Đức cùng quý đạo hữu hiện diện và MC Ngọc Sáng,
Thật là một buổi pháp thoại tuyệt vời và thú vị đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực ảnh hưởng trực tiếp và chuyển hoá được người nghe khiến chúng con rất thú vị về pháp môn Tịnh Độ nhất là nhờ vào câu Niệm Phật, hẳn phải nhờ vào tài đức của một vị giảng sư giỏi toàn diện (do tích lũy kinh nghiệm, trau dồi trí thức, và hội đủ phước duyên)
Con trộm nghĩ nếu câu Niệm Phật được thực hiện đúng, nghĩa là luôn được gắn chặt vào một suy nghĩ bất cứ lúc nào thì suy nghĩ duy nhất này sẽ đẩy ra tất cả những suy nghĩ khác thì đương nhiên tác động kỳ diệu của việc niệm Phật rất giống với Thiền.( một yếu tố bắt buộc trong việc học Phật .)
Hơn thế nữa con được nghe rằng “ Học lịch sử mà không làm sống lại được nhân vật và hoàn cảnh lịch sử thì nào có bổ ích gì" nhấn mạnh rằng việc học lịch sử không chỉ đơn thuần là ghi nhớ các sự kiện, ngày tháng, hay tên tuổi mà còn phải hiểu rõ bối cảnh, tâm tư và động lực của những nhân vật trong lịch sử. Nếu chỉ học theo cách máy móc mà không thể thấu hiểu và cảm nhận được những giá trị ẩn sau sự kiện, ta sẽ bỏ lỡ những bài học quan trọng nhất.
Vì thế việc học về Chư Tổ Tịnh Độ cũng thế, qua bài pháp thoại này, với kinh nghiệm đã có sẵn Giảng Sư đã kết nối những chi tiết của 33 vị Tổ Sư Thiền Tông Ấn Hoa vào hành trạng của Đạo Sư Thiếu Khang đã khiến cho thính chúng thấy được sự thiêng liêng mầu nhiệm đến từ tâm trí thánh thiện trong sáng của những bậc hiền nhân.
Và để chứng minh điều con cảm nhận , kính xin được phép tường thuật lại một cách chi tiết đầy đủ tuy không bằng cách phiên tả mà bằng kỹ năng chú tâm lắng nghe.
Và bây giờ chúng ta bước vào buổi pháp thoại nhé,
Hành Trạng của Ngũ Tổ Thiếu Khang rất ngắn, nhưng đã được Giảng Sư phân làm 3 đoạn :
1)-Đoạn thứ nhất nói về cơ duyên xuất gia của Ngũ Tổ Thiếu Khang “Thiếu Khang Đại Sư họ Châu, (?-805) người đời nhà Đường, ở vùng núi Tiên Đô xứ Tấn Vân. Từ buổi sơ sanh, ngài im lặng không nói. Năm bảy tuổi nhân lễ trai hội, ngài theo mẹ vào chùa lạy Phật. Bà chỉ tượng Phật hỏi đùa rằng: “Con có biết đó là ai chăng?” Ngài bỗng ứng tiếng đáp: “Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Thế Tôn!”. Biết con mình có duyên lành với Phật pháp, cha mẹ ngài liền cho đi xuất gia. Căn cơ linh mẫn, đến mười lăm tuổi ngài đã thông suốt được năm bộ kinh” .
Giảng Sư đã triển khai các triều đại Trung Hoa từ thời nhà Đường , Tống, Nguyên, Minh, Thanh để dẫn chứng chư Tổ Tịnh Độ truyền thừa tuy có gián đoạn nhưng đã xuất hiện xuyên suốt qua các triều đại đó (như Tổ Diên Thọ đời Tống- Tổ Liên Trì, Ấn Quang đời nhà Thanh) khác với Tổ Sư Thiền Tông thì tiếp nối liên tục từ Ngài Ca Diếp đến Bồ Đề Đạt Ma và sau đó các thế hệ không hề gián đoạn,
Nhờ vào kinh nghiệm của 323 bài giảng trong mùa Đại Đích COVID, Giảng Sư đã trao cho thính chúng những sự trùng hợp giữa Tổ Sư thứ 9 Thiền Tông Phục Đà Mật Đa (từ lúc sanh ra đến năm mươi tuổi không nói) {kính trích đoạn . Tổ Phục Đà Mật Đa (Buddhamitra), sanh sau Đức Phật nhập Niết bàn 322 năm. người xứ Đề-già, đã năm mươi tuổi mà miệng chưa từng nói một lời, chân chưa từng đi một bước. Một hôm, gặp Tổ thứ tám (Phật-đà-nan-đề), nghe Tổ nói, Phục-đà-mật-đa đúng là đệ tử của Tổ, Tôn giả liền đứng dậy, đỉnh lễ Tổ và nói kệ rằng: (Phụ mẫu phi ngã thân, thùy thị tối thân giả? Chư Phật phi ngã đạo, thùy thị tối đạo giả?” ) “Cha mẹ chẳng phải thân-Thì ai là thân nhất?Phật chẳng là đạo ta-Thì đạo ai hay nhất?”
Tổ viết: “Nhữ ngôn dữ tâm thân, phụ mẫu phi khả tỷ; nhữ hành dữ đạo hiệp, chư Phật tâm tức thị.”
“Lời cùng tâm ngươi thân, Cha mẹ không thân bằng Hành của ngươi hơp đạo-Đó là tâm chư Phật”
Nghe kệ xong, Tôn giả liền đi bảy bước.
Tổ Phật Đà Nan Đế bèn nói tiếp : – Đứa bé này đời trước thông minh lắm, ở trong Phật pháp do lòng đại bi muốn làm lợi ích lớn cho chúng sanh, cho nên thường nguyện: “Nếu tôi sanh chỗ nào không bị tình phụ tử ràng buộc, tùy duyên lành kia liền được giải thoát.” Miệng nó không nói là tiêu biểu đạo không tịch. Chân nó không đi là tiêu biểu pháp không đến đi.
Nghe Tổ nói vậy, nên cha mẹ và gia đình Ngài xin Tổ cho Ngài theo Tổ xuất gia và Tổ chấp nhận.}
2)-Giảng Sư giảng tiếp phần 2/ Cơ duyên về hành trạng của Ngũ Tổ Tịnh Độ Thiếu Khang
“Niên hiệu Trinh Ngươn năm đầu, Đại Sư đến viếng chùa Bạch Mã ở Lạc Dương. Thấy chỗ để sách trong đại điện phóng quang, ngài lại tìm xem, thì áng sáng phát xuất từ tập văn Tây Phương Hóa Đạo của Thiện Đạo Hòa Thượng, ngài liền khấn rằng: “Nếu tôi có nhân duyên với Tịnh độ, nguyện tập văn này phóng quang một lần nữa!” Khi lễ chơn tượng của ngài Thiện Đạo, Ngài thấy tượng ngài Thiện Đạo hóa thành thân Đức Phật A Di Đà, Ngài liền khởi tâm tu hành Tịnh Độ.Vừa dứt lời, ánh sáng lại càng chiếu ra rực rỡ, trong ấy ẩn hiện hình dạng các hóa Bồ Tát. Ngài chấp tay nói: “Kiếp đá có thể mòn, nguyện này thề không dời đổi!”.
Nhân đó, Đại sư đến Trường An, chiêm lễ di tượng của Thiện Đạo Hòa Thượng. Đang khi lễ, tượng của Nhị Tổ bỗng bay lên, bảo ngài rằng: “Ông nên y theo lời dạy của ta mà phổ độ chúng sanh, ngày kia công thành, sẽ sanh về Cực Lạc!”. Đi ngang qua Giang Lăng, ngài gặp một Sư cụ bảo: “Ông muốn hoằng hóa, nên sang xứ Tân Định, cơ duyên ở nơi đó!” Nói xong bỗng biến mất..
Tuy hành trạng ngắn gọn như thế, nhưng việc linh thiêng mầu nhiệm khi Ngài cảm nhận chứng tỏ việc này có liên quan rất nhiều đến cơ duyên và đạo hạnh của bậc chân tu trong nhiều kiếp quá khứ với những đại nguyện tu theo Tịnh Độ. Đươcj biết “Theo Vô Lượng Thọ Kinh, chư Bồ tát ở cõi Tịnh độ có Ngũ nhãn và thường được hiểu là: Nhục nhãn: trong suốt, không có gì là không phân biệt tỏ rõ; Thiên nhãn: thông đạt, vô lượng, vô hạn; Pháp nhãn: quan sát cùng tột thật tướng của các pháp; Huệ nhãn: thấy được chân tướng, có thể độ chúng sanh sang bờ an vui; Phật nhãn: con mắt thấy đầy đủ, thông suốt vạn pháp”.
Đặc biệt trong đoạn này Giảng Sư giải thích về tiểu kiếp, trung kiếp, và đại kiếp mà Kiếp Đá còn gọi là BÀNG THẠCH KIẾP, một trong những tên gọi để miêu tả thời gian của một tiểu kiếp là 16800 năm như GIỚI TỬ KIẾP( hạt cải) VI TRẦN KIẾP (hạt bụi ) HÀ SA KIẾP ( hạt cát )
Tuy nhiên có thể một kiếp cũng chỉ là một sát na tuỳ theo cấp độ chứng đạo của chúng ta và căn cơ nhanh lẹ mà thôi.
3) Giảng Sư chia phần ba này để chỉ đạo hạnh và công đức hoằng pháp của Tổ .
“Sau thời gian ấy, Đại sư, đến Tân Định, thấy người xứ này chưa biết niệm Phật là gì. Dùng phương tiện, ban sơ ngài quyên tiền dẫn dụ trẻ con niệm Phật. Nếu đứa nào niệm Phật được một câu; ngài liên thưởng cho một đồng tiền. Như thế hơn một năm, rồi không cần thưởng tiền, chúng nó cũng niệm. Tập quán lần quen, về sau lúc gặp đại sư ở trong nhà hay đi chơi ngoài đường, chúng cũng vẫn niệm. Từ đó, nam nữ, già trẻ, hễ thấy ngài đều niệm: A Di Đà Phật! Nhân sự việc này, dân chúng vùng ấy lần lượt phát tâm thờ cúng niệm Phật rất nhiều.
Thấy cơ duyên đã có phần thuần thục, Đại Sư thành lập Tịnh độ đạo tràng ở Ô Long Sơn, xây đàn tam cấp. Cứ đến ngày trai, thiện nam tín nữ đều họp nơi đó để niệm Phật nghe pháp. Thường thường số người họp có trên ba ngàn. Mỗi khi thăng tòa, ngài chấp tay to tiếng niệm Phật, thì đại chúng ở dưới đều xướng niệm hòa theo, các ngày trai giới Ngài thường thăng tòa xướng tụng lớn danh hiệu Đức Phật A Di Đà, khi Ngài niệm thì hình tượng của Đức Di Đà từ miệng Ngài đi ra, nếu Ngài niệm đến mười tiếng thì có mười Đức Phật đi ra theo hình bận chuổi, Có lúc Đại sư xưng một câu Phật hiệu, hội chúng thấy một đức Phật từ miệng ngài bay ra. Niệm đến mười câu, trăm, ngàn câu đều có mười, trăm, ngàn, ngàn vị Phật bay ra, liên tiếp như xâu chuỗi. Đại sư bảo: “Qúi vị đã được thấy Phật, chắc chắn đều sẽ vãng sanh!” Mọi người nghe nói đều có cảm niệm vui mừng an ủi”.
Kính tri ân Giảng Sư đã mượn hình ảnh này để nhắc về Thiền Sư Bạch Ẩn Huệ Hạc (Hakuin Ekaku) còn được gọi là Thiền Sư “Thế À”, một bậc kiến thức uyên bác về thi ca Trung Hoa, nhất là đối với Lý Bạch, Đỗ Phủ, và sau này sư đã trở thành bậc thầy về thư họa trong cách viết chữ thảo - một sự tổng hợp giữa Hán tự và âm tự Nhật. Đại Sư cũng từng cho tiền trẻ con để khuyến khích tu Đạo và một điểm độc đáo khác khi Giảng Sư ngâm lại toàn bộ bài thơ 84 câu để khuyên người Niệm Phật do cụ bà Tâm Thái ( thân mẫu Giảng Sư ) truyền trao lại cho đạo tràng tu học (2011) bằng cách đọc thuộc lòng không quên một chữ dù lúc ấy đã 79 tuổi và bản thân Giảng Sư khi ấy cũng không biết bài thơ này xuất xứ từ đâu và do H T nào biên soạn .
Kính trích đoạn SÁM NGUYỆN NIỆM PHẬT
Một lòng giữ niệm Di Đà,
Phật danh sáu chữ thật là rất cao.
Năng trừ tám vạn trần lao,
Người đời nên sớm hồi đầu mới hay.
Khuyên ai xin chớ mê say,
Tịnh tâm niệm Phật việc gì cũng an.
Niệm Phật tội nghiệp tiêu tan,
Muôn tai ngàn họa khỏi mang vào mình.
Niệm Phật mở trí cao minh,
Bao nhiêu hôn chướng chẳng sinh vào lòng.
Niệm Phật cứu đặng tổ tông,
Khỏi nơi biển ái thoát vòng sông mê.
Niệm Phật thân tộc đề huề,
Một nhà sum hợp chẳng hề ghét nhau.
Niệm Phật khỏi khổ khỏi đau,
Bao nhiêu bịnh tật mau mau hết liền.
Niệm Phật có phước có duyên,
Tấn tài tấn lợi bình yên cửa nhà.
Niệm Phật trừ đặng tà ma,
Yêu tinh quỷ quái lánh xa ngàn trùng.
Niệm Phật năng khử độc trùng,
Các loài ác thú hóa hung ra hiền.
Niệm Phật hết khùng hết điên,
Có gương trí huệ, có đàng quang minh.
Niệm Phật khỏi sự bất bình,
Sự người chẳng nhớ, sự tình chẳng ưa.
Niệm Phật cứu số long đong,
No cơm ấm áo thung dung mãn đời.
Niệm Phật cảm động khắp nơi,
Ai ai cũng mến, người người đều thương.
Niệm Phật sanh dạ hiền lương,
Từ Bi thì có, bạo cường thì không.
Niệm Phật trời cũng thương lòng,
Thường thường ủng hộ cả ngày lẫn đêm.
Niệm Phật, Thần cũng kính vì,
Thường hay trợ niệm trong khi đứng ngồi.
Niệm Phật lòng chẳng bồi hồi,
Như cây không gió, nhánh chồi chẳng rung.
Niệm Phật khỏi sự hãi hùng,
Gian tà đạo tặc sẽ không đến nhà.
Niệm Phật giấc ngủ an hòa,
Chiêm bao không có, niệm tà đều không.
Niệm Phật oan trái trả xong,
Nợ trần kiếp trước hết mong khỏi đòi.
Niệm Phật trăm việc xong xuôi,
Dầu sanh dầu tử cũng vui tấm lòng.
Niệm Phật hết sự đèo bồng,
Chẳng ham tài lợi, bỏ vòng công danh.
Niệm Phật uế nhiễm chẳng sanh,
Cái gương tâm tánh như vành trăng thu.
Niệm Phật lòng có sở cầu,
Muốn tu thời đặng dễ đâu sai lầm.
Niệm Phật huờn được Chơn-tâm,
Bao nhiêu nghiệp cảm tiêu trầm biển khơi.
Niệm Phật chắc sống trọn đời,
Khỏi vòng nước lửa, khỏi nơi hung tàn.
Niệm Phật thân thể bình an,
Khỏi vương ách nạn, chết oan trên đời.
Niệm Phật bổ đức các nơi,
Phá tan địa ngục rã rời ma quân.
Niệm Phật, Phật phóng hào quang,
Các vị hóa Phật ngồi ngang trên đầu.
Niệm Phật, Phật chẳng bỏ đâu,
Niệm đâu Phật đó phải cầu chi xa.
Niệm Phật, Phật sẽ rước ta,
Tây phương đã sẵn một tòa bông sen.
Niệm Phật phải niệm cho chuyên,
Thì bông sen ấy liền liền tốt tươi.
Niệm Phật niệm niệm không rời,
Tinh thần đã sớm dạo chơi Liên Trì.
Niệm Phật lơ láo ích chi,
Sen kia khô héo khó mà tốt tươi.
Niệm Phật cần phải chí thành,
Giữ cho thanh tịnh trong mình lục căn.
Niệm Phật như nước với trăng,
Nước trong trăng tỏ, nước nhăn trăng lờ.
Niệm Phật có lắm huyền cơ,
Miễn đừng đem dạ nghi ngờ là xong.
Niệm Phật giữ một tấm lòng,
Di Đà oai đức mênh mông biển trời.
Đức Phật biến hóa khắp nơi,
Thương người cứu vớt những người trầm luân.
Chí tâm niệm Phật tinh cần,
Lâm chung hậu nhựt trọn phần vãng sanh. (84 câu)
Tiếp theo là phần chót của hành trạng “Năm Trịnh Ngươn thứ hai mươi mốt, vào tháng 10, Đại sư họp hết hàng đạo tục đến dặn bảo rằng: “Các vị nên phát tâm chán lìa cõi ta bà ác trược, ưa thích miền Tịnh độ an vui, mà cố gắng tu hành tinh tấn. Giờ phút này ai thấy được quang minh của ta, kẻ ấy mới thật là hàng đệ tử”. Nói xong, ngài phóng vài tia sáng lạ đẹp dài, rồi ngồi yên lặng mà tịch. Ngài thị tịch vào năm thứ 21 niên hiệu Trinh Nguyên đời Đường, tháp Ngài được dựng ở Châu Đông Đài Tử Nham. Năm thứ 3 niên hiệu Càn Hựu , Đức Thiều Thiền Sư ở Núi Thiên Đài trùng kiến tháp của Ngài, bấy giờ mọi người đều tôn danh hiệu của Ngài là Hậu Thiện Đạo, được tôn xưng là Tổ thứ năm của Tịnh Độ Tông.Đại chúng xây tháp ngài ở Đài Nham, tôn hiệu là Đài Nham Pháp Sư.”
Đó là những gì mà Giảng Sư đã mượn từ tài liệu của HT Thích Thiền Tâm, và đó cũng phần GS trình bày về hành trạng Ngũ Tổ Tịnh Độ Liên Tông, Đại Sư Thiếu Khang, thời gian cũng vừa trôi qua đúng một giờ, hiện diện online đã có được 43 người rất vừa đúng lúc cho những câu hỏi rất thú vị từ quý đạo hữu tham dự trực tiếp,
1- MC Ngọc Sáng, “ Vào thời của Tổ Thiếu Khang, mỗi câu niệm Phật là 1 quan tiền, kính bạch Thầy, nếu ở Úc vào thời đại này, mình cần cho bao nhiêu để khuyến khích ?”
Đáp : Có lẽ 10 đô Úc, nhưng thật ra cũng không cần lắm vì thời nay các Phật tử đều đã thuần thục và nhất là trong các gia đình Phật tử các huynh trưởng đã khuyến khích rất nhiều và phải nói là rất thuận duyên trong việc giúp các em nhớ tưởng Phật .
Cũng trong câu hỏi này, Giảng Sư đã nhắc lại một phương tiện thiện xảo khi đi làm việc từ thiện ở một làng quê, Ni Sư Như Lan đã thuật lại đã gặp một em cương quyết không chịu niêm Phật trước khi nhận quà và mãi đến giờ chót Ni Sư phải khuyến khích bằng một số tiền khá lớn để em phát tâm niệm Phật.
2- Đạo hữu THỊ HIỆN - Nguyễn Hữu Lộc : “ Có cần đem nghệ thuật âm nhạcvào câu niệm Phật ?”
Đáp “, Phương tiện hữu đa môn “ngày nay câu niệm Phật NAM MÔ A DI ĐÀ đã rất phổ biến dưới dạng một bài hát cũng như các bài kinh, chú đại bi nhờ các văn nghệ sĩ Phật Tử . Đây cũng là nhờ công đức của Đại Sư Tinh Vân ( Phật Quảng Sơn ) Ngài đã chủ trương biến cõi Ta Bà thành nhân gian Tịnh Độ. Và sau này có HT Tịnh Không đã đột phá đưa nghi lễ Phật Giáo lên sân khấu nữa
3- MC Ngọc Sáng “ Qua đoạn cuối về hành trạng của Ngũ Tổ Thiếu Khang đã khuyên dạy nên nhàm chán Ta Bà , kính bạch Thầy chỉ cách cho chúng con làm sao nhàm chán Ta Bà mà không bị quần yếm thế”
Đáp: Thật ra Ngũ Tổ Thiếu Khang khuyên nhàm chán Ta Bà, đó là Ngài muốn chúng ta thực hành giống theo Bổn Nguyện , đó là là làm thế nào nhổ sạch bóng tối của vô minh trong mỗi con người , nghĩa là không đắm nhiễm trong mỗi trạng thái của đời sống, và yểm ly ngay trong lời nói và hành động để không còn phiền não
Tu Tịnh Độ nghĩa là phải vãng sanh ngay trong giờ phút hiện tại, mà hiện tại sinh diệt trong từng sát na . Do vậy Người tu Tịnh Độ phải thongdong tự tại, không sợ chết vì chúng ta đã chết trong mỗi sát na, chết các tư tưởng xấu ác, lời nói thô độc, ganh tỵ .
4- Đạo hữu Đức Trí Diệu Như “ Trong cuộc sống vì thân tình mà cho mượn tiền, nhưng đến lúc đòi lại không được thì làm sao thong dong tự tại ?”
Đáp: Cổ nhân thường dạy để tránh phiền não,nếu có thể giúp đỡ thì nên CHO hẳn luôn , chứ đừng cho mượn vi trong dân gian thường truyền nhau “ Của xài thì hết, của cho thì còn “
5- Đạo hữu Thị Thiện : Con có người bạn thân rất tinh tấn tu học, nay đã 80 tuổi nhưng vẫn không chịu quy y, Kính bạch Thầy chỉ giúp cách khuyên bảo “
Đáp : Không quy y cũng là một hình thức Hoài nghi ( một trong 6 căn bản phiền não, , cũng có thể bác ấy đã có một chút hiểu lầm về quy y Tăng , mà không biết rằng Tăng đoàn phải gồm 4 người trở lên, một cá nhân Tăng sĩ không đại diện cho Thánh Tăng. Cũng cần phải nhắc bác ấy rằng chỉ có quy y mới có thể bước vào hàng dự lưu được. Thầy cũng quy y cho rất nhiều người từ khi thọ giới đàn và cũng gặp rất nhiều bác chỉ quy y khi trước giờ cận tử , do đó bác ấy một lúc nào đó cũng quy y thôi
6- câu hỏi Đức Trí Diệu Như “ Con đã cho tiền để giúp họ trì chú Đại Bi mà họ vẫn không thể nào chấp nhận vì không thể nào học thuộc! “
Đáp : Rất tán thán công đức của đạo hữu vì đã phát tâm theo hạnh nguyện của Ngũ Tổ Thiếu Khang, nhưng có lẽ họ chưa đủ duyên và theo Kinh Tiểu Bổn Đi Đà muốn về Cực Lạc phải là người có thiện căn, Phước đức và nhân duyên từ vô lượng kiếp vậy .
Đến đây đã gần hết giờ Đạo hữu Minh Đạo đã kính dâng tặng Giảng Sư bài thơ vừa tóm tắt bài giảng vừa tri ân Thầy rất hay..
Kính trân trọng tri ân TT Giảng Sư, và kính hy vọng những gì con tường thuật đúng như những gì con đã chú tâm nghe và nếu có khiếm khuyết, kính xin đạo tràng online tha thứ cho.
Nam Mô A Di Đà Phật,
Lời kết:
Thật là bài pháp thoại rất tuyệt vời, kính trân trọng tán thán công đức của TT Giảng Sư, Ngài đã cho chúng con thấy được thấy “Chìa khoá kỳ diệu” để thu nạp sự mầu nhiệm bằng cách niệm Phật, đó là một đức hạnh, là trạng thái tĩnh lặng bình an rất gần gũi giúp chúng con đạt đến mục tiêu hướng về cõi Cực Lạc.nhờ vào bài sám khuyên người niệm Phật.
Hơn thế nữa chìa khoá trong việc tu tập, không những pháp môn Tịnh Độ mà bất cứ pháp môn nào cũng cần bắt buộc phải có, đó là một niềm tin mãnh liệt. Dù vậy con đường rèn luyện tinh thần và tìm kiếm tâm linh không phải là một con đường dễ dàng, nó không dành cho những trái tim yếu đuối. Nó là một con đường tự thân, không ai có thể tu tập hay chữa lành vết thương giùm chúng ta, mà phải có đức tin vào đức Phật và chính mình, từ đấy nó sẽ chữa lành tất cả.
Vậy thì “Hãy dựa vào câu niệm Phật và tập thành một thói quen tốt bằng cách dừng hết mọi suy nghĩ, và tập trung vào câu niệm Phật và hãy hy vọng điều tốt nhất, hãy mong chờ điều tốt nhất , hãy làm hết sức mình cho những điều tốt nhất giống như bài sám nguyện niệm Phật rồi cuối cùng mọi thứ sẽ đến với chúng ta thôi”
Khoa học ngày nay đã khám phá về quy luật Hấp Dẫn, quy luật này không chỉ là một khái niệm tâm linh hay một phương pháp tư duy. Nó còn là một quy luật vũ trụ giống như quy luật về trọng lực. Quy luật Hấp Dẫn nói rằng những suy nghĩ, cảm xúc và niềm tin của chúng ta sẽ thu hút những sự kiện, hoàn cảnh và những người xung quanh có cùng năng lượng tần số. Điều này có nghĩa là chúng ta có khả năng thay đổi, và kiến tạo cuộc sống của mình thông qua những suy nghĩ, cảm xúc, và niềm tin của mình bằng cách nhớ nghĩ đến 48 đại nguyện của Đức Phật A Di Đà và chú tâm niệm Phật đến một lúc nào đó nó không cần phát ra tiếng mà vẫn hiển hiện trong đầu ta .
Được biết các khoa học gia cũng đã khám phá thêm rằng “ Não bộ của chúng ta rất khôn ngoan , nó sẽ chủ động lên những gì mà thói quen ta thường lập đi lập lại hằng ngày và nó sẽ phát triển và thay đổi tạo ra sự kết nối mới theo khuôn mẫu mới “
Kính chúc sức khỏe Giảng Sư thật dồi dào để ban cho thính chúng nhiều bài pháp tuyệt vời nữa, và kính tri ân Ngài đã ban “ Món quà của sức mạnh tinh thần đến từ câu niệm Phật” , và nếu chúng con tập trung tâm trí toàn bộ vào niềm tin về đức Phật A Di Đà chúng con sẽ trở nên đồng nhịp với năng lực vĩ đại này.”
Kính đa tạ Giảng Sư, truyền trao nhiều lợi ích
từ bài pháp thoại tưởng chừng như rất ngắn !
Khiến cho niềm tin tạo sức mạnh,
phát năng lượng bình an
Rút ra được bài học về Tịnh Độ nhân gian
Chỉ cần duy trì thói quen bằng câu Niệm Phật !
Như cơn mưa mùa hạ ,
bài sám “khuyên người niệm Phật” dịu đi cơn bức bách
Phát huy sức mạnh tâm linh, dựa vào khả năng
Dứt mọi phân tán suy nghĩ, bằng cách tập trung
Niệm Phật liên tục, sẽ gia tăng công hạnh
Với niềm tin kiến cố, đánh thức nguyện vọng
Làm sao “Vãng sanh trong từng mỗi sát na “
Hưởng thụ tự tại , dù sống nơi …
đời ác năm trược của cõi Ta bà!
Kính đa tạ Giảng Sư, chỉ tìm ra chìa khoá
Hầu thu nạp bao điều kỳ diệu,
rất thiêng liêng mà chuyển hoá
Ẩn tàng trong vô thức với sáu chữ hồng danh
Nam Mô A Di Đà Phật, ánh sáng vô lượng trong lành
Cực lạc Tây phương, ôi huy hoàng chân thật độc nhất !
Úc Châu cuối đông 21/9/2024
Phật tử Huệ Hương
🙏🙏🙏🌼🍁🌺🍀🌹🥀🌷🌸🏵️🌼🍁🌺🍀🌹🥀🌷🌸🏵️
- 🌹Thiếu Khang Liên Tông Ngũ Tổ (thơ)
- 🌹Khuyên Người Niệm Phật (thơ)
- 🌹Lược truyện Đại Sư Thiếu Khang, Tổ Thứ Năm Tông Tịnh Độ