Mẹ kính thương
Mẹ ơi! Thấm thoát mà đã ba mươi chín mùa Vu Lan rồi con xa Mẹ. 39 năm nơi xứ lạ quê người. Vu Lan cũng là mùa chớm sang thu, nhìn những chiếc lá bắt đầu đổi màu, trời chớm lạnh, đôi khi có những cơn mưa phùn giăng mắc là lòng con buồn không nguôi, con nghe trong lòng thổn thức.
Hôm nay là rằm tháng 7, ngày Vu Lan Thắng Hội, con ngồi đây cầm cuốn sách "Kính Lạy Đức Thế Tôn" trên tay nghe trong lòng biết bao cảm kích, hai hàng nước mắt con tuôn chảy, đằng sau cuốn sách là hình ảnh hai Mẹ con, mà Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng với lòng từ bi luôn nâng đỡ chúng đệ tử, Thầy đã tốn bao công sức để cho Mẹ, cho con nhân mùa Vu Lan này, món quà quá bất ngờ mà với con vô giá, nhắc con đời đời kiếp kiếp dù ở đâu con cũng phải nhớ ân Tam Bảo và chữ hiếu hàng đầu.
Con còn nhớ, sáng sớm ngày 1.8 con vừa thức giấc, đọc tin thầy Nguyên Tạng gửi hình cuốn sách với dòng chữ "chúc mừng chị Diệu Danh", bìa sách là hình Đức Thế Tôn, đằng sau là hình ảnh Mẹ, con đã đọc cho Chí nghe, không ra lời, vì con quá xúc động.
Mẹ kính yêu
Bao lâu rồi thưa Mẹ?
Nơi xứ lạ quê người
Con lạc loài đơn côi
Mỗi năm Vu Lan về,
con nghe lòng tái tê!
Làm sao con quên được,
Khi con còn bé nhỏ,
Mẹ dắt con đến chùa
Nấp sau áo dài Mẹ,
Con ước Mẹ sống lâu
Mẹ thắp hương xì xụp
Con nghe Mẹ khấn rằng:
Cho các con Mẹ ngoan,
Sau thành người hữu dụng
Hai bàn tay bé bỏng,
Con chấp lại thì thầm:
Con cầu xin Trời Phật
Cho Ba Mẹ sống lâu
Trăm tuổi bạc đầu râu
cho con được nương nhờ,
bên vòng tay Cha Mẹ
Rồi ngày tháng thoi đưa,
Quê Hương mình đổi đời
Con rời xa Cha Mẹ,
Con hứa sẽ trở về,
Nhưng định mệnh khắt khe,
Mẹ mất con không về
Đêm đó con nằm mơ,
Mẹ mở cửa đi vào
Con giật mình tỉnh giấc,
Lòng tràn đầy âu lo
Thế rồi hung tin đến
Mẹ đã cõi đi về!
Con ngồi yên bất động,
Trong khoảng trống bao lung
Trong thế giới khôn cùng
Con tìm đâu dáng Mẹ?
Mẹ ơi có chờ trông?
Giờ Mẹ về bên con
Con sờ soạn kiếm tìm
Mẹ đâu? Mẹ ở đâu?
Trong đớn đau tột cùng
Con thấy bàn tay Mẹ
Đưa qua khỏi bến bờ.
Con run run cầm lấy
Chỉ nắm vào hư vô
Mẹ ơi con mất Mẹ
Cõi Phật Mẹ đi về
Hai tay con chấp lại
Tiễn Mẹ về nơi Quê
Quê Hương Đức Phật đó
Rồi con cũng sẽ về
Cùng chư Vị Thánh Chúng
Con hòa niệm Nam Mô
Mẹ ơi con sẽ về
Cùng Mẹ niệm Nam Mô
Thế rồi, nhân chuyến qua Âu Châu để tham dự Hiệp Kỵ về nguồn lần thứ 13 cũng là ngày kỷ niệm mười năm Hòa Thượng Khánh Anh viên tịch, Thượng Tọa Nguyên Tạng ghé qua Tổ Đình Viên Giác Hannover, Thầy cho phép con ghé thăm Thầy, ban đầu con định đi xe công cộng, nhưng rồi cháu Thanh Tâm, cháu ngoại của Mẹ nói đi xe lửa lúc này bỏ chuyến hoài, sẵn dịp em Anh Tú từ Áo cũng về cả nhà đi cùng đi viếng chùa lễ Phật, con vui mừng biết bao, vì đây là lần đầu tiên từ ngày các cháu lớn khôn, các cháu đòi theo Mẹ đến chùa, đồng thời con cũng lo, vì các cháu không giỏi tiếng Việt, ít giao tiếp với đồng hương. Con lo, nhưng rồi nghĩ cũng tại mình, khi các cháu còn bé con đi làm nhiều, không có thời gian với các cháu, con nguyện cầu mãi cho các cháu. Trên đường đi các cháu rất vui, vì nghe con kể về câu chuyện cuốn sách mà TT Nguyên Tạng đã in và gửi cho TT Thích Thiện Minh, người bị 26 năm lưu đầy, và các anh chị con bên Việt Nam.
Dù không có cơ hội để sinh hoạt, nhưng thỉnh thoảng chúng con vẫn kể cho các cháu nghe về Việt Nam, về Ông Bà Ngoại. Cũng may các cháu hiểu, và luôn có sự chia sẻ trong những công việc từ thiện nho nhỏ của con để gửi về quê nhà.
Như đã ước hẹn, trên đường lái xe còn khoảng một tiếng nữa đến chùa, con nhắn tin cho Thầy: con sẽ đến chùa vào lúc 12.30. Thầy Nguyên Tạng có vẻ vui vì con đúng hẹn, Thầy nói khi nào tới trước cổng chùa thì báo tin Thầy sẽ xuống đón con, và hôm nay không có Hòa Thượng Thích Như Điển, Ngài chỉ gặp con ở ít phút cuối, tiếp con có HT Thích Bảo Lạc từ Úc và thầy Tích Lan. Trời ơi! nghe vậy, con hồi hộp vô cùng, một lần nữa con lại xin TT Nguyên Tạng thưa với các Ngài bỏ lỗi cho nếu các con con có điều gì sơ xuất.
Xe đến cổng con nhắn tin cho Thầy, loanh quanh một lúc trước tượng Quán Thế Âm thì bác Nguyên Trí gọi con ơi ới: "Ai là Diệu Danh đi theo, đi theo bác nè". Con chấp tay A Di Đà Phật chào Bác, cả gia đình lẻo đẻo theo sau Bác, lòng con hồi hộp. Cháu Tâm thấy vậy nói: "Mẹ, có mình mà, Mẹ đừng cảm động nha". Nghe con bé nói tiếng Việt không hiểu học ở đâu bao giờ mà biết dùng chữ cảm động, con bật cười vì sung sướng.
Bước vào phòng khách của chùa con thấy Hòa Thượng Bảo Lạc, Hòa Thượng Tiến sĩ Bokunoruwe Devananda Thero, Thầy Nguyên Tạng trong chiếc y màu đà, màu của đất, màu giải thoát mà con rất ưa thích. Thầy khệ nệ ôm chồng sách ra, con thành kính chấp tay chào quý Ngài, mà con xúc động vô cùng, nước mắt chỉ chực trào ra. Lạy Phật, con cứ tưởng như trong mơ! Thượng tọa Nguyên Tạng quá chu đáo, Thầy sắp xếp bánh, kẹo, trà nước để đón người con phương xa mà chưa bao giờ gặp mặt, con biết nói sao với lòng thương kính, biết ơn của con đối với thầy Nguyên Tạng, Thầy đã tạo cho cho con và các cháu gieo trồng cây phước hạnh để gặp được những vị chân tu. Thầy đã sắp xếp mọi thứ, ngay cả bác nhiếp ảnh gia của tu viện Quảng Đức là Bác Nguyên Trí, Nguyễn Văn Tâm để chụp hình lưu niệm.
Sau khi thầy Nguyên Tạng giới thiệu sách con viết, Thầy bảo con giới thiệu về gia đình, chồng và các con. Thầy đã khéo léo dẫn dắt cháu Thanh Tâm bước vào đường Đạo qua câu chuyện Rächer để cháu kể, một tình thương bình đẳng mà người con Phật phải trải tâm từ đi khắp nơi như trong kinh Từ Bi mà Đức Phật đã dạy "không bỏ sót một chúng hữu tình nào". Thầy bảo cháu kể chuyện bằng tiếng Anh để cho HT Devananda nghe được, Quý Ngài đã lắng nghe cháu kể trong niềm cảm xúc giữa tình thương của cháu với Rächer. Cháu về nhà rất vui đem theo hình ảnh của Chư Vị Tôn Đức, người lãnh đạo cho Phật Giáo, luôn thể hiện lòng từ đối với tất cả chúng sanh. Thầy giới thiệu những bài thơ con viết để lưu niệm khi Ngài Devananda viếng thăm chùa Long Sơn tại Nha Trang, đi cùng HT Tâm Phương viếng bảo tháp Đức Trưởng Lão HT Thích Như Ý (1934-2019), viếng thăm tư gia mẹ Tâm Thái, Ngài cũng đi cùng mẹ Tâm Thái và dì Sáu chụp những con đường ở Khánh Hòa, Nha Trang vùng thùy dương cát trắng, hiền hòa mà đã được nhiều người viết thành nhạc.
Mẹ ơi! Con không ngờ, thầy Nguyên Tạng đã tạo duyên lành cho con gặp gỡ Ngài Devananda bằng xương, bằng thịt, xúc động biết bao, cháu Thanh Tâm đã nhìn được đức từ bi của Ngài qua thân giáo, con mừng lắm, con đã được đảnh lễ quý Ngài, HT Bảo Lạc rất từ bi, giọng Ngài hiền hòa, đã làm con thấy gần gũi. Bác Nguyên Trí rất dễ thương, vừa chụp hình, vừa sắp xếp vị trí, vừa nói, "đẹp lắm con, cháu ngoại đứng bên này nè!" thật thân mật làm chúng con cảm động vô cùng.
Hòa Thượng Bảo Lạc với lời nhắn nhủ con cố gắng đọc, viết cho trang nhà Quảng Đức nhiều hơn. Con đã thưa với Hòa Thượng, thật ra đó chỉ là sự nâng đỡ, xách tấn của Thượng Tọa Nguyên Tạng cho con mà thôi, chứ con biết, con không có khả năng nhiều trong việc viết lách. Sau hơn nửa tiếng đồng hồ, Quý Thầy chúc gia đình chúng con về thượng lộ bình an, ngày mai quý Thầy còn phải qua Paris tới chùa Khánh Anh làm lễ ba ngày. Con tiếc rằng, vì quá xúc động nên con không nhớ được hết, đầu óc con mơ màng; mọi việc xảy ra như trong giấc mơ. Hình ảnh này đã để lại cho Chí, các cháu và con một kỷ niệm thật đẹp với hình ảnh Tăng Đoàn. Khi viết đến những dòng chữ này cho Mẹ, con thành kính đảnh lễ Thập Phương Thường Trụ Tam Bảo, con đảnh lễ HT Bảo Lạc, HT Như Điển, HT Devananda, TT Nguyên Tạng đã cho con suối nguồn yêu thương của gia đình Tâm Linh mà không phải ai cũng có được phước duyên này.
Trưa hôm đó, chúng con được thầy Trụ Trì cho dùng một bữa cơm trưa thật ngon lành và ấm cúng, con kính cám ơn Thầy trụ trì, và các chị nhà bếp đã niềm nở tiếp đãi, hạnh phúc làm sao khi về ngôi nhà tâm linh trong tình thương đại đồng. Sau đó chúng con lên chánh điện lễ Phật, vào đảnh lễ Ngài Địa Tạng, con chỉ cho các cháu hình ông bà Ngoại và bác Cường thờ ở đó, một lần nữa con lại mủi lòng, nhớ ngày nào các cháu còn bé bỏng, quấn vành khăn tang làm lễ 49 ngày cho ông Ngoại, thấm thoát mà đã 29 năm rồi, hai mươi chín năm hình ảnh ngày nào Bố chở con bằng chiếc xe gắn máy trở thành chiếc xe đạp (vì máy đã hư và được tháo bỏ) từ Yên Đổ tới đường Trần Hoàng Quân tới trường dự bị luật khoa để học, với bao niềm hy vọng vẫn còn nguyên vẹn, hình ảnh người Cha suốt đời tận tụy để nuôi các con trưởng thành, hình ảnh Bố tiễn con ra phi trường, trên hành lang Tân Sân Nhất, chòm râu dài, bay phất phới, nhìn theo chiếc máy bay, bay khuất vào đám mây, Bố đừng cùng với chư Tăng đưa tiễn đã làm con khóc ngất...
Các cháu chấp tay chào Ông Bà Ngoại qua hình ảnh với lòng kính yêu.
Dạo qua vườn sau chùa, hôm nay bồn hoa sen nở thật đẹp, một gương sen, hai nụ búp sen, một cành hoa sen cánh hồng nở bung với nhụy vàng giữa trưa hè nắng ấm, và đây cũng là lần đầu tiên các cháu của Mẹ được hiểu, thế nào là nhụy sen, gương sen và đài sen. Cháu Anh Tú nói: "Mẹ coi kìa, bốn cái bông giống Bố, Mẹ, Lu và Mi, ngộ không Mẹ?".
Con kể các cháu nghe ngày con còn bé, cứ mỗi sáng qua cầu Công Lý có bờ sông ở đó, con hay lội xuống để lượm những hoa sen của ai đó đổ ra trôi dạt vào bờ, ngồi trên bãi cỏ tách những hột sen trên gương sen nghe lách tách, con rất ưa những nhụy vàn bé nhỏ, ngày thơ ấy qua nhanh...
Những ngày sau khi đi Viên Giác về các cháu Mẹ rất vui, ngồi bên con nghe con kể chuyện về Mẹ, về những ngày lễ hội ở các ngôi chùa Việt Nam. Các cháu kể lại những kỷ niệm ngày còn bé, cháu Thanh Tâm hỏi con: Mẹ, Mẹ có biết cái gì hồi nhỏ làm con thích nhất không? Nó không phải là thức ăn nhưng với con nó ngon hơn cả bánh bèo (cháu của Ngoại thích bánh bèo nhất), con nói Mẹ không biết, Mẹ quạt cho con? Cháu đố em nó, cũng không biết, cháu lại nói, ngon lắm Mẹ ơi, còn hơn tất cả những gì con được ăn, đó là Mẹ xoa lưng, Mẹ gãi nhè nhẹ cho con, con thích lắm, con cảm thấy được Mẹ che chở, Mẹ thương, đâu có thức ăn nào ngon hơn bàn tay Mẹ phải không Mẹ? Ôi cảm động làm sao, cháu của Mẹ đó. Ngày xưa con đâu biết nói với Mẹ câu nói đó, ngọt ngào sao sự ngây thơ bé bỏng của các con con, của cháu ngoại Mẹ, (dù các cháu bây giờ đã quá tuổi trưởng thành).
Con nhớ năm ngoái, khi cháu viết về những ngày còn nhỏ của cháu qua một đoạn văn bằng tiếng Đức: " Mẹ ơi, con còn nhớ con đã nhổ những sợi tóc trắng trên mái tóc đen huyền của Mẹ. Mẹ nói Mẹ đã già rồi, và con đã tin là như vậy, vì lúc đó con còn trẻ con. Phải chi hồi đó con thấy trước được ngày hôm nay thì con hẳn nhận ra rằng : dường như Mẹ không có tuổi, vì tóc Mẹ đã bạc nhiều hơn xưa.
Khi đó Mẹ chỉ hơn tuổi con bây giờ là 10 tuổi. Lúc đó Mẹ chưa già, nhưng có lẽ Mẹ cho là Mẹ già rồi. Bởi vì trong Mẹ và sau lưng Mẹ đã từng có nhiều cuộc đời rồi, bởi vì Mẹ đã bỏ lại một Quê Hương, một gia đình và một quãng đời của Mẹ, bởi vì trong Mẹ đã đong đầy những biến cố của Mẹ, của riêng Mẹ,và những biến cố của những thế hệ đi trước Mẹ, đi sau Mẹ nối tiếp nhau.
Có lẽ hồi đó Mẹ đã không thể tưởng ra được cuộc sống của Mẹ ra sao, và nó sẽ đem lại những gì cho Mẹ.
Giờ đây, con biết khi xưa Mẹ chưa già, Mẹ chỉ xấp xỉ tuổi con bây giờ thôi. Con đã kiếm những sợi tóc trắng trên mái tóc đen tuyền của Mẹ, và nhổ chúng. Đó là một cách con biểu lộ sự quan tâm chăm sóc của con đã dành cho Mẹ.
Con đã nhổ đi những lo âu, phiền muộn ra khỏi mái tóc của Mẹ, đôi khi cả luôn những sợi tóc cứng quăn mà Mẹ bảo với con chúng làm cho Mẹ nhức đầu.
Mẹ ơi, có lẽ đó là phương cách ở cái tuổi thơ ngây con đã nghĩ rằng con có thể có mặt bên Mẹ, trong khi con cảm nhận Mẹ có mặt bên con, nhưng con không bao giờ nắm giữ được. Tuy vậy Mẹ cũng như bao đấng sanh thành khác. Mẹ luôn sống vì con, các con của Mẹ.
Hồi đó đôi khi con và em con cũng ngồi chung nhổ tóc cho Mẹ. Đó, chính là gia đình. Con lại còn nhớ, con cũng nhổ tóc trắng cho ông Nội, mọi người đều khen con nhổ tóc giỏi.
Con cũng nhớ, có vài lần con nhổ tóc trắng cho Bố. Hồi đó Bố không bao giờ cho rằng Bố già, Bố không bao giờ già.
Giờ đây con hiểu, đó là một phần văn hóa của chúng ta: lo cho nhau, và có mặt cho nhau; dù ở tuổi nào cũng vậy. Khi lời nói không thể diễn đạt được, thì cử chỉ sẽ bắc cầu cho lời nói.
Chúng con đã nhổ đi những sự mất mát của Bố Mẹ, Ông Bà, Chú, Dì để tìm trong đó niềm an ủi và xoa dịu mà đôi khi chính mình cũng không biết.
Nghe được tiếng lòng của cháu đối với con, con cảm động và yêu cháu biết bao.
Tiếng Anh Tú lại kể với chị nó: còn Mimi, đố chị, cái gì làm Mi thấy đã nhất, chưa nghe chị Tâm trả lời cháu nói: "Mỗi lần sắp đi ngủ, Bố sấy cái mền cho mình hết lạnh, ấm thiệt là ấm, hồi nhỏ cái lưng Bố là chiếc ghế êm nhất cho mình". Các cháu kể về tình yêu của chúng con dành cho các cháu, cảm động làm sao, những hình ảnh đó đã theo chúng đến ngày nay. Con không dạy, nhưng các cháu biết đi đâu hay về đều đến bàn thờ Phật và Ông Bà để thưa trình, con vui vì các cháu có niềm tâm linh, mà con nghĩ rằng rất cần cho đời sống.
Hồi Mẹ mất, lúc đó cháu Anh Tú còn trong bụng con, con buồn bã biết bao, con luôn cảm thấy mình đã mất Mẹ, và con chơi vơi, nắm bắt, tìm kiếm vào khoảng không, không bao giờ được, cái cảm giác đó đã làm con cả thời gian dài đau khổ, và tới giờ này lâu lâu vẫn lập lại.
Cháu chào đời, nằm trên bụng con, con tủi thân làm sao, con nhớ Mẹ, nhớ thật nhiều, con bất hiếu, Mẹ bệnh đau con không được cận kề. Con nhớ, năm cháu còn bé, hơn hai tuổi, con đang ôm cháu và nhớ về Mẹ, mắt con ươn ướt, con bé lấy bàn tay bé bỏng xoa trên má con, miệng cháu méo xệch, con hỏi: sao vậy con? Cháu òa lên khóc, ngọng ngịu nói nhớ ngoại, Mẹ ơi, tim con như thắt lại, con có ghi lại qua bài Nhớ Mẹ để kỷ niệm cho cháu. Con đọc Mẹ nghe đây:
Ngày hai tuổi con vừa nói thạo,
Con nói rằng con nhớ Ngoại Mẹ ơi!
Mắt lưng tròng Mẹ vuốt tóc con yêu
Con ngoan lắm Ngoại con giờ đã khuất.
Ngoại chết hả Mẹ? Òa to con khóc
Lòng quặn đau Mẹ ôm lấy con thơ
Con ôm Mẹ, hai mẹ con cùng khóc
Mẹ có con, con có mẹ con ơi!
Ngoại con giờ nơi đó mỉm cười
Hay cũng khóc như mình đang cùng khóc
Cháu Tú của Mẹ nay đã 30 tuổi rồi, cháu vừa lập gia đình năm ngoái, thời gian qua nhanh quá Mẹ ơi, cháu lại tiếp nối quãng đời của con, như con đã tiếp nối quãng đời của Mẹ, làm Mẹ để biết thế nào là nỗi khổ của Mẹ Cha, vui trong cái vui của con và buồn khổ khi các cháu gặp điều không may mắn.
Năm nay Vu Lan về, con và các cháu, cả Chí đều cảm thấy ấm áp vì Thầy Nguyên Tạng đã cho con hình ảnh Mẹ, cả hình ảnh của bà Nội các cháu khi vào mùa covid chúng con đến thăm Nội các cháu mà con đã ghi lại, cảm động lắm Mẹ ơi! Con cảm thấy như được gần gũi, nghe hơi ấm Mẹ bên con, và cũng bàn tay Mẹ, quạt cho con những trưa hè nắng gắt vơi giọng ru xứ Bắc ngày nào:
À ơi, cái ngủ mày ngủ cho ngoan, mẹ mày đi cấy a... đường xa chưa về. À ơi....
Cũng như giọng Bố con ru, đầy thương yêu và hàm chứa lời dạy dỗ cho sau này lớn lên con phải chăm học:
"Ai về chợ huyện Thanh Vân, hỏi thăm cô Tú đánh vần được chưa?
Đánh vần năm ngoái năm xưa, năm nay chưa biết chữ i, chữ tờ"
Các cháu của Bố Mẹ sẽ giữ mãi những hình ảnh này, hình ảnh đầy thương yêu, thánh thiện mà Quý Thầy đã từ bi cho chúng con, và tất cả chúng sanh
Nam Mô Đại Hiếu Mục Kiền Liền Bồ Tát
Offenbach 01/09/2023
Con của Mẹ,
Diệu Danh Vũ Thị Tuyết Mai