- Kính tiễn Cư Sĩ Phù Vân Nguyễn Hòa (1939-2023)
- Nhớ Anh Phù Vân (thơ)
- Nén hương tưởng niệm anh Phù Vân (thơ)
- Diễn Đàn Thi Ca Trang Nhà Quảng Đức Kính Tiễn Thi Sĩ Phù Vân 🌹🥀🌷🍀🌷🌸🏵️🌻🙏🙏🙏🌼🍁🌺🍀🌹🥀🌷🌸
- Muội Huynh Tiễn Biệt
- Đại Bàng Yên Giấc (Thơ Phúng điếu chú Phù Vân)
- Điện Thư Phân Ưu của Tự Viện Pháp Bảo, Sydney, Úc Châu
- Điện Thư Phân Ưu của quý Hội Đoàn kính gởi Gia Đình Tang Quyến Cụ Ông Nguyễn Hòa
- Kính tiễn Cư Sĩ Phù Vân Nguyễn Hòa (1939-2023)
- Sen Nở Trời Tây (Kính tưởng niệm Thi sĩ Phù Vân- Chủ bút tập san Viên Giác. Kính nguyện hương linh Thi Sĩ sớm tiêu diêu nơi miền Cực Lạc.)
- Kính Tiễn Lão Cư Sĩ Nguyên Trí Nguyễn Hòa (1938-2023) - Bài viết: Thị Nghĩa Trần Trung Đạo, Diễn đọc: Hoàng Lan Quảng Thiện Duyên
- Ngoài Xa Dấu Chân May (Thơ Nguyễn Hòa Phù Vân, Nhạc Minh Thao, Ca sĩ Hồng Vân)
- Thắp nén hương lòng tiễn Tùy Anh
- Nhạc phẩm: Đời Vẫn Thế Có, Không (Thơ của Phù Vân , Nhạc của Nguyễn Tuấn, do Ca Sĩ Bảo Yến trình bày)
- Tưởng Niệm Chủ Bút Báo Viên Giác, Phù Vân
- Như Áng Phù Vân (Tưởng nhớ anh Phù Vân, cựu Chủ Bút báo Viên Giác)
- Hình ảnh Tang Lễ Lão Cư Sĩ Nguyễn Hòa, Pháp danh: Nguyên Trí (1938-2023), Chủ Bút Báo Viên Giác, Hannover, Đức Quốc
- Thơ Điếu Tiễn Anh Phù Vân về Cõi Phật
- Điếu văn tưởng niệm anh Phù Vân (Nhóm Bút Nữ Báo Viên Giác)
- Sơ lược tiểu sử Lão Cư SĨ Nguyên Trí Nguyễn Hòa (1938-2023)
- Thư Cảm Tạ sau Tang Lễ Lão Cư Sĩ Nguyễn Hòa, Pháp danh: Nguyên Trí (1938-2023), Chủ Bút Báo Viên Giác, Hannover, Đức Quốc
Tưởng Niệm
Chủ Bút Báo Viên Giác, Phù Vân
Ngày 18.8.2023 ngày tổ chức Giới Đàn Minh Tâm tại chùa Khánh Anh Paris, tin từ Phương Trượng Tổ Đình Viên Giác cho biết đạo hữu Nguyên Trí Nguyễn Hòa đã ra đi, tôi không sao khỏi bàng hoàng!
Mới cách đó không lâu vào ngày 14.8 nghe Hòa Thượng Như Điển nói rằng sẽ cùng Hòa Thượng Bảo Lạc, Thượng Tọa Nguyên Tạng ghé bệnh viện thăm đạo hữu Phù Vân, tôi email thăm hỏi; Đạo Hữu Phù Vân còn viết lời cám ơn. Sau đó Thượng tọa Nguyên Tạng gửi hình về, tôi thấy Đạo Hữu mặc bộ quần áo nâu như người tu, ngồi trên chiếc xe lăn, gương mặt rất vui vẻ, tự tại không có gì mỏi mệt cả, tôi đã cảm thấy mừng vui, nghĩ rằng Đạo Hữu ấy sẽ khỏi bệnh, bởi nhờ vào năng lực của Tăng Đoàn.
Vừa lúc tôi nhận được báo Viên Giác số 256, lật từng trang để xem có bài vở của đạo hữu chủ bút Phù Vân, tôi mới biết được ngày 3.6 từ bệnh viện AK Harburg Đạo Hữu đã viết bài thơ mừng sinh nhật bác Nguyễn Đình Tâm 100 tuổi, thông gia của ĐH Phù Vân, lời lẽ rất hào khí và đầy ý đạo rất chân tình:
Giấc mộng trăm năm nay đã thành
Là niềm vinh dự của riêng anh
Thế gian hiếm kẻ tròn Nhân Đức
Nhân thế nào ai vẹn chữ Danh
Nhân ngãi thị phi buông xả hết
Công danh sự nghiệp sạch sành sanh
An bần lạc đạo mong tìm thấy
Dành trọn thời gian gieo hạnh lành
Bác Nguyễn Đình Tâm là người mà tôi rất kính quý. Một lần vào ngày 30.4 cách đây cũng mười năm, gặp Bác phát biểu ở Frankfurt trước lãnh sự quán của cộng sản Việt Nam, lên án chế độ hà khắc, gian tà của cộng sản, và đòi lại nhân quyền cho người dân, giọng Bác rất hùng hồn đã làm tôi cảm phục, tôi bưng ly trà mời Bác uống, mới biết Bác đã 90! Bác cầm ly trà trên tay giọng hiền hòa, đầm ấm: “cám ơn con”, cử chỉ của Bác không bao giờ tôi quên được, rồi không ngờ sau đó, khi ông Võ Đại Tôn qua Đức lần cuối vì muốn nói lời tạ ân đồng bào nước Đức đã giúp đỡ và an ủi vợ, con ông khi bà VĐT cùng đứa con trai nhỏ đi tìm tông tích chồng vì thấy bặt tin, trong những ngày tháng ông trở về Việt Nam để quang phục lại, chẳng may sa vào tay giặc, bị lao tù suốt 10 năm dài.
Tôi lại có dịp gặp Bác Tâm tại tư gia, gặp tôi, Bác rất vui, Bác kể lại những ngày xưa thời Việt Nam Cộng Hòa, sự thanh liêm của Bác càng làm tôi khâm phục, sau này khi anh Trần Trung Đạo qua gặp gỡ bà con ở Berlin, Bác cũng sát cánh với cộng đồng và ca ngợi về đức hạnh của anh Trần Trung Đạo, một nhà văn, nhà thơ trẻ đầy nhiệt huyết, yêu nước. Bác là tấm gương sáng cho thế hệ tiếp nối. Những lần sau nữa, được nghe Bác kể, ngày xưa nới xứ Bắc là thầy giáo dạy môn sử địa trường trung học Nguyễn Trãi, ngôi trường ngày xưa ông xã tôi học ở Saigon, chúng tôi rất vui mừng vì Bác là bậc Thầy của Thầy, nên ông xã tôi gọi bác Nguyễn Đình Tâm là Sư Thái. Sở dĩ tôi kể dài dòng, vì tôi nhận ra rằng, cuộc sống như lời Đức Phật dạy, trùng trùng duyên khởi nối tiếp nhau. Những ngày cuối cùng được hầu chuyện Bác, vẫn giọng hiền hòa nhưng yếu ớt Bác nói: "sao mà độ này Bố nhớ về xứ Bắc, hình ảnh thời thơ ấu tới lúc trưởng thành, xóm giềng, con đường làng cứ hiện ra với Bố, Bố lúc nào cũng nhớ con, con đến thăm Bố bất cứ giờ phút nào Bố cũng rất vui". Bác đã vĩnh viễn ra đi vào ngày 4.7.2023, lời hứa tới thăm Bác tôi vẫn chưa thực hiện được. Hôm nay đọc báo Viên Giác tôi mới biết đạo hữu Phù Vân là xui gia với bác Nguyễn Đình Tâm. Không ngờ rằng hơn tháng sau Đạo Hữu Phù Vân cũng về với Phật. Để ghi lại kỷ niệm về Đạo Hữu, những ai chưa, hoặc không đọc báo Viên Giác, tôi xin ghi lại bức thư cuối cùng của chủ bút Viên Giác, người đã tận tụy cống hiến cho tờ báo suốt chặng đường dài hơn ba mươi năm
THƯ KÍNH GỬI ĐỘC GIẢ
VÀ CỘNG TÁC VIÊN BÁO VIÊN GIÁC
Hamburg, tháng 7 năm 2023
Kính bạch Chư Tôn Đức Tăng Ni,
Kính thưa quý Cộng tác viên, quý Độc giả báo Viên Giác.
Kính thưa Quý Vị,
Trong thời gian sắp tới con/tôi vì bệnh duyên nên không thề dốc toàn lực vào việc biên tập, chăm sóc cho tờ báo Viên Giác như trước đây. Chúng tôi có thưa việc này với HT Thích Như Điển, là người sáng lập và lãnh đạo tinh thần của tờ báo. Trong dịp Hòa Thượng và Chư Tôn Đức đến viếng thăm chúng tôi tại tư gia hai lần vào 21.5 và 30.6. 2023, Hòa Thượng có trao đổi, hội ý chung và đồng quyết định tăng cường nhân sự cho Ban Điều Hành Báo Viên Giác để chúng tôi cùng làm việc tốt hơn.
Được sự phân công của Hòa Thượng, chúng tôi đồng ý nhận nhiệm vụ mới là Chủ nhiệm của tờ báo. Cư sĩ Nguyên Đạo phát tâm nhận nhiệm vụ là Chủ bút. Hai anh em chúng tôi đã từng làm việc chung với nhau hơn 30 năm qua trong nhiều Phật sự tại địa phương Hamburg và cho Đặc San Văn Hóa Phật Giáo hằng năm, cũng như trong dịp các lễ hội tại Tổ Đình Viên Giác Hannover.
Con/Tôi rất tiếc trong thời gian sắp tới sẽ ít liên lạc với quý độc giả cũng như quý cộng tác viên đã đồng hành với tờ báo Viên Giác trong suốt thời gian dài qua. Nếu không có sự ủng hộ liên tục của quý độc giả, cũng như nếu không có sự đóng góp thường xuyên bài vở vô vị lợi của quý cộng tác viên và sự tận tụy làm việc của các anh em ở Tòa soạn, thì báo Viên Giác khó tồn tại đến nay đã 44 năm kể từ năm 1979. Đó là niềm hãnh diện, không những cho vị Chủ Nhiệm Sáng Lập – HT Thích Như Điển – mà còn chung cho toàn ban Biên Tập Báo Viên Giác và cả cho Phật tử Việt Nam tại nước Đức. Đây cũng là niềm vui riêng đối với cá nhân chúng tôi kể từ gần 40 năm về đầu quân dưới Tổ Đình Viên Giác, và 30 năm chính thức được Hòa Thượng giao phó nhiệm vụ Chủ Bút.
Con/Tôi cũng vô cùng hoan hỷ khi được đạo hữu Nguyên Đạo Văn Công Tuấn, một kỹ sư vừa hưu trí, một Phật tử thuần thành có nhiều khả năng – dù đang đảm trách các công tác đặc biệt của Hội Ấn Hành Đại Tạng Kinh Việt Nam kiêm điều hành khâu xuất bản của Viên Giác Tùng thư – đã nhận lời thay thế tôi trong vai trò Chủ bút để tiếp nối chủ trương và đường lối gìn giữ và phát huy nền Văn Hóa Việt Nam và nền Văn Hóa Phật giáo của tờ báo Viên Giác. Tôi nguyện sẽ cố gắng trong nhiệm vụ mới được Hòa Thượng giao phó là Chủ Nhiệm tờ báo.
Con/ Tôi mong rằng quý độc giả và quý vị Cộng tác viên tiếp tục ủng hộ và cộng tác với chúng tôi cũng như Đạo Hữu Nguyên Đạo để tờ báo viên Giác vẫn luôn luôn tồn tại và ngày càng phát triển hơn nữa nhằm đem lại nhiều lợi lạc cho quần sanh.
Con/ Tôi nguyện vẫn luôn gần gũi với quý vị trong vai trò mới. Xin liên lạc và gởi bài vở qua 2 địa chỉ:
Nguyên Đạo Văn Công Tuấn – E-Mail: chubut.viengiac@gmail.de
Nguyên Trí Phù Vân – E-Mail: vongatuong@yahoo.de
Kính chúc Chư Tôn Đức và toàn thể quý vị cùng gia đình thân tâm thường an lạc, vạn sự kiết tường như ý.
Nam Mô Hoan Hỷ Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát
Trân trọng,
Phù Vân
Đọc bức thư của đạo hữu Chủ Bút, lời lễ thắm thiết, chân tình, Đạo Hữu dù đã ngoài tám mươi nhưng lúc nào cũng có ý nguyện đóng góp cho Văn Hóa Phật Giáo và Văn Hóa Việt Nam luôn được phát triển nơi xứ người để giữ gìn giềng mối Dân Tộc, ĐH Phù Vân đúng là một Phật tử thuần thành, người con Việt xứng đáng được tán dương.
Tiếc rằng ước nguyện còn đó mà vì bệnh duyên, không tránh được sự vô thường, Đạo Hữu đã theo mây trời biền biệt ra đi, để lại bao nhiêu niềm mến thương, luyến tiếc cho Tăng Ni và Phật tử.
Hôm nay thứ năm, tuần thứ nhất của Đạo Hữu, xin mời Hương Linh Đạo Hữu về cùng ngồi tụng thời kinh Vô Ngã Tướng mà một thời Đức Phật đã thuyết pháp trong Lộc Uyển gần Bâ-râ.na-si:
Phật Thuyết Kinh Vô Ngã Tướng
Tôi nghe như vầy: Một thời thế Tôn ở trong Lộc Uyển, gần Bâ-râ-na-si.
Lúc bấy giờ Thế Tôn nói với đoàn năm Tỳ Kheo rằng:
Các Tỳ kheo, Sắc là vô ngã. Các Tỳ Kheo, nếu sắc thật là ngã, thời sắc không thể dẫn tới khổ não và có thể mong rằng: sắc của tôi là như thế này; sắc của tôi không như thế này. Này các Tỳ Kheo, vì sắc là vô ngã nên sắc dẫn đến khổ não, và không thể mong rằng: sắc của tôi là như thế này; sắc của tôi không như thế này.
Thọ là vô ngã. Các Tỳ kheo, nếu thọ thật là ngã, thời thọ không dẫn đến khổ não và có thể mong rằng: thọ của tôi là như thế này; thọ của tôi không như thế này. Này các Tỳ kheo, vì thọ là vô ngã nên thọ dẫn đến khổ não, và không thể mong rằng: thọ của tôi là như thế này: thọ của tôi không như thế này.
Tưởng là vô ngã. Các Tỳ kheo, nếu tưởng thật là ngã, thời tưởng không thể dẫn đến khổ não và có thể mong rằng: tưởng của tôi là như thế này; tưởng của tôi không như thế này. Này các Tỳ kheo, vì tưởng là vô ngã nên tưởng dẫn đến khổ não, và không thể mong rằng: tưởng của tôi là như thế này: tưởng của tôi không như thế này.
Hành là Vô Ngã. Các Tỳ kheo, nếu hành thật là ngã, thời hành không thể dẫn đến khổ não và có thể mong rằng: Hành của tôi là như thế này; hành của tôi không như thế này; Này các Tỳ kheo, vì hành là vô ngã nên hành dẫn đến khổ não, và không thể mong rằng: hành của tôi là như thế này; hành của tôi không như thế này.
Thức là vô ngã. Các Tỳ kheo, nếu thức thật là ngã, thời thức không thể dẫn đến khổ não và có thể mong rằng: thức của tôi là như thế này; thức của tôi không như thế này. Này các Tỳ kheo, vì thức là vô ngã nên thức dẫn đến khổ não, và không thể mong rằng: thức của tôi là như thế này; thức của tôi không như thế này.
- Này các Tỳ kheo, các Thầy nghĩ thế nào, Sắc là thường hay vô thường?
- Bạch Thế Tôn, là vô thường
- Cái gì vô thường là khổ hay vui?
- Bạch Thế Tôn, là khổ.
- Vậy dối với các pháp vô thường, khổ, bị biến hoại, có hợp lý chăng khi nhận rằng: cái này là của tôi; cái này là tôi, cái này là bản ngã của tôi?
- Không, bạch Thế Tôn.
- Thọ là thường hay vô thường?
- Bạch Thế Tôn, là vô thường.
- Cái gì vô thường là khổ hay vui?
- Bạch Thế Tôn, là khổ.
- Vậy đối với các pháp vô thường, khổ, bị biến hoại, có hợp lý chăng khi nhận rằng: cái này là bản ngã của tôi?
- Không, bạch Thế Tôn.
- Tưởng là thường hay vô thường?
- Bạch Thế Tôn, là vô thường
- Cái gì vô thường là khổ hay vui?
- Bạch Thế tôn, là khổ.
- Vậy đối với các pháp vô thường, khổ, bị biến hoại, có hợp lý chăng khi nhận rằng: cái này là của tôi; cái này là tôi; cái này là bản ngã của tôi?
- Không, bạch Thế Tôn.
- Hành là thường hay vô thường?
- Bạch Thế Tôn, là vô thường.
- Cái gì vô thường, là khổ hay vui?
- Bạch Thế Tôn, là khổ.
- Vậy đối với các pháp vô thường, khổ, bị biến hoại, có hợp lý chăng khi nhận rằng: cái này là của tôi; cái này là tôi; cái này là bản ngã của tôi?
- Không, bạch Thế Tôn.
- Thức là thường hay vô thường?
- Bạch Thế Tôn là vô thường.
- Cái gì vô thường, là khổ hay vui?
- Bạch Thế tôn, là khổ.
- Vậy đối với các pháp vô thường, khổ, bị biến hoại, có hợp lý chăng khi nhận rằng: cái này là của tôi; cái này là tôi; cái này là bản ngã của tôi?
- Không, bạch Thế Tôn.
- Vì thế, các Tỳ kheo, tất cả Sắc thuộc quá khứ, hiện tại, vị lai, hoặc trong hay ngoài, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, đều phải được quán như thật với chính trí như vầy: cái này không phải của tôi; cái này không phải là tôi; cái này không phải bản ngã của tôi.
Tất cả Thọ thuộc quá khứ, hiện tại, vị lai, hoặc trong hay ngoài, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, đều phải được quán như thật với chính trí như vầy: cái này không phải của tôi; cái này không phải bản ngã của tôi.
Tất cả Tưởng thuộc quá khứ, hiện tại, vị lai, hoặc trong hay ngoài, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, đều phải được quán như thật với chính trí như vầy: cái này không phải của tôi; cái này không phải là tôi; cái này không phải bản ngã của tôi.
Tất cả Hành thuộc quá khứ, hiện tại, vị lai, hoặc trong hay ngoài, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần đều phải được quán như thật với chính trí như vầy: cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi; cái này không phải là bản ngã của tôi.
Tất cả Thức thuộc quá khứ, hiện tại, vị lai, hoặc trong hay ngoài, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, đều phải được quán như thật với chính trí như vầy: cái này không phải của tôi; cái này không phải là tôi; cái này không phải bản ngã của tôi.
Các Tỳ kheo, bậc thánh Thanh Văn nghe nhiều hiểu biết như thế nên nhàm chán sắc, nhàm chán thọ, nhàm chán tưởng, nhàm chán hành, nhàm chán thức; do nhàm chán mà hết tham; do hết tham mà giải thoát; khi giải thoát biết rằng đã giải thoát. Vị ấy biết rõ: tái sinh đã dứt, phạm hạnh đã thành, điều nên làm đã làm, không trở lại thế gian này nữa.
Thế Tôn thuyết giảng như vậy, đoàn năm Tỳ kheo hoan hỷ tín thọ lời Phật dạy, Trong lúc nghe Pháp, đoàn năm Tỳ kheo, bởi không còn chấp thủ nên tâm giải thoát các lậu hoặc
Thân Phật thanh tịnh tựa lưu ly
Trí Phật sáng ngời như trăng sáng
Phật đến thế gian vì cứu khổ
Tâm Phật không đâu không từ bi
Nam Mô tiếp dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật
Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát
Nam Mô Đại Lực Đại Thế Chí Bồ Tát
Nam Mô Đại nguyện Đại Tạng Vương Bồ Tát
Nam Mô Thanh Tịnh Đại Hải chúng Bồ Tát
Đọc đôi dòng về tác giả, để biết rằng cuộc đời của Đạo Hữu Phù Vân thật nhiều phước báu, từ Việt Nam Đạo Hữu đã làm biết bao nhiêu việc giúp ích cho đời. Vì cộng nghiệp chung của Dân Tộc, Đạo Hữu cũng không sao tránh khỏi có những thời gian bị tù tội vì sự trả thù do bên thắng cuộc gây nên. Đạo Hữu đã tìm đường vượt biên để đi tìm tự do. Từ khi định cư, Đạo Hữu làm biết bao nhiêu công ích, từ việc góp phần xây dựng tượng đài Tỵ Nạn Cộng Sản tại Hamburg cho đến Văn Hóa, để lại những tác phẩm cho đời, trong đó Đạo Hữu cũng là Chủ bút của báo Viên Giác, có thể nói là nửa đời người 40 năm, (vì cuộc đời con người ít ai được trăm tuổi) . Quý hóa lắm thay!
Đạo Hữu đã rời xa Quê Hương vì muốn thoát ra khỏi chế độ cộng sản, lá phiếu bằng chân mà cả triệu triệu người dân Việt chúng ta đã lựa chọn là đổi mạng sống của mình để đi tìm hai chữ Tự Do; máu của đồng bào đã hòa theo Đại Dương trên con đường vượt biển, máu đã thấm vào lòng đất lạnh trên con đường bộ vượt biên đầy gian lao thử thách.
Dù không còn được ở trên Quê Hương Việt Nam, nhưng Đạo Hữu Phù Vân đã mang theo Quê Hương và Tình Người, mang theo một phần nền Văn Hóa Việt Nam để mong chuyển tải cho thế hệ mai sau. Đạo Hữu là một phần linh hồn của tờ báo Viên Giác do HT Phương Trượng Tổ Đình viên Giác khai sáng, công đức thật vô lượng.
Đạo Hữu Phù Vân là hình ảnh tờ báo Viên Giác, còn mãi, còn mãi trong những người có duyên cầm trên tay tờ báo. Mai này có ai qua Hamburg, ghé thăm tượng đài Tỵ Nạn Cộng Sản, xin nhớ đến Cha, Ông, chúng ta những người đã có công xây dựng, để ghi lại hình ảnh thời lịch sử khổ nạn tang thương của Dân Tộc sau năm 1975, vì sao chúng ta có mặt nơi đây. Mong rằng thế hệ trẻ đừng quên những hình ảnh này, và cố gắng xây dựng lại một Việt Nam, trong đó không còn hận thù, và Việt Nam sẽ ngẩng cao đầu lên với những cường quốc khác.
Việt Nam! Việt Nam nghe tự vào đời Việt Nam hai câu nói trên vành môi…Việt Nam nước tôi…
Thành kính chấp tay cùng chư Tôn Thiền Đức và Thân Bằng Quyến Thuộc tiễn đưa Đạo Hữu về Quê Hương Phật, một Quê Hương đích thực trong lòng người con Phật.
Hôm nay thất thứ nhất
Mời Đạo Hữu về đây
Dưới Tổ Đình Viên Giác
Cùng Chư Tôn Thiền Đức
Tụng thời kinh Vu Lan
Mùa Báo Hiếu lại về
Trong lòng người con Phật
Cùng tri ân Phụ Mẫu
Tổ Tiên và nòi giống.
Được nghe Thầy nói pháp
Tứ trọng ân khắc ghi.
Thầy nhắc về công trạng,
Đạo Hữu đã hiến dâng
Cho Tờ báo Viên Giác
Cùng bao nhiêu hạnh lành
Đạo Hữu đã gầy công.
Mười tám tháng tám qua
Ngày giới đàn Minh Tâm
Chư Tăng cùng câu hội
Kỵ Lịch Đại Tổ Sư
Đạo Hữu đã rời xa
Thế gian là vô thường
Có gì là của ta?
Tiễn Đạo Hữu hôm nay
Về Quê Hương Cực Lạc
Nghĩa đạo dâng tràn đầy
Không quên người con Phật
Có lòng với Quê Hương
Chủ Bút Báo Viên Giác
Mãi mãi luôn thường còn
Thành kính tưởng niệm
25.8.2023 Diệu Danh