Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chưa gặp lại mà đã chia ly (Kính tiễn giác linh Hòa Thượng Giác Ánh tức anh Lê Hùng Anh, chùa Viên Giác)

09/06/202317:36(Xem: 2722)
Chưa gặp lại mà đã chia ly (Kính tiễn giác linh Hòa Thượng Giác Ánh tức anh Lê Hùng Anh, chùa Viên Giác)
ht giac anh
CHƯA GẶP LẠI MÀ ĐÃ CHIA LY
(Kính tiễn giác linh Hòa Thượng Giác Ánh tức anh Lê Hùng Anh, chùa Viên Giác)


Người anh tôi đang thưa chuyện tên là Lê Hùng Anh một thời ở chùa Viên Giác, Hội An. Hai anh em chúng tôi ăn chung, ngủ chung. Phòng ăn là hai chiếc bàn học dài nối nhau nhìn ra giếng nước sau chùa. Ngồi theo thứ tự tuổi tác nên tôi luôn ngồi phía bên trái anh mỗi bữa ăn. Anh em ngủ chung trong căn phòng nhỏ dành cho các học sinh ở phía cuối nhà đông. Anh lớn hơn tôi vài tuổi và mạnh khỏe nên gánh nước tưới rau. Tôi nhỏ hơn anh và ốm yếu nên quét lá, đánh chuông, lau bàn ghế.

Ngày tôi vào anh đã ở trong chùa rồi. Không giống tôi, anh đến ở để phụ giúp công việc chùa và được yên tĩnh học hành. Anh tháo vát và lo nhiều chuyện trong chùa. Sư phụ, chú Điển, chú Đồng, chú Tùng, chú Thứ, chú Đức, chú Ngô đều quý mến anh.

Thầy và các chú không nhìn anh trong thân phận một học trò côi cút như tôi. Anh tự tin, có đức tính lãnh đạo và có khi còn sai tôi làm các công việc khác trong chùa. Dĩ nhiên anh bảo gì tôi nghe nấy.

Hai anh em chưa bao giờ có dịp ngồi xuống để hỏi han, tâm sự. Không nói ra nhưng dường như mọi người đều hiểu đến chùa là để tu chẳng có gì khác để nói về. Chiếc cổng tam quan hơn trăm tuổi đã cách ngăn quá khứ và tương lai của kiếp làm người.

Ngoại trừ chú Biên thỉnh thoảng tập võ dưới gốc đa, chùa trang nghiêm thanh tịnh. Những bước chân trên sân lát gạch còn nghe tiếng tiếng dội rất xa. Nếu không có chuyện gì cần bàn ít ai tự bắt chuyện để hỏi thăm sức khỏe, nắng mưa. Ngoại trừ những ngày Rằm và Mùng Một đạo hữu đến đông, ngày thường chỉ có tiếng tụng kinh, tiếng mõ, tiếng chuông. Các chú cũng như đám học sinh tuổi đời đều còn rất trẻ nhưng gần như không có tiếng cười đùa. Tuổi thơ và tuổi thiếu niên được xếp lại đâu đó trong ngăn kín của tâm hồn.

Chú Điển rời chùa trước. Chú vào Sài Gòn học xong bậc trung học trước khi đi lên đường du học tại Nhật Bản. Ngày chú Điển đi tôi không biết. Đi đâu đó về thấy vắng bóng chú. Chiếc giường phía bên ngoài gần cửa sổ được dọn sạch. Chiếc thau rửa mặt nhỏ, chiếc khăn chú thường vắt trên vai buổi sáng đã được chú mang theo. Chiếc đồng hồ reo không còn để trên bàn.

Mấy chục năm trôi qua. Ngày nay chú Điển là Hòa thượng Phương Trượng Tổ Đình Viên Giác, Hannover, Đức và một trong những bậc lãnh đạo của Hội Đồng Hoằng Pháp, GHPGVNTN. Thầy trò gặp lại nhau ở Đức. Tuổi tác đã vào thu nhưng khi nhắc lại chuyện xưa tâm hồn vẫn còn là mùa xuân đầy lạc quan hy vọng trong sân chùa Viên Giác ngày nào.

Một ngày trước 1975, tôi không nhớ chắc ngày nào, anh Hùng Anh cũng rời chùa. Anh không trở về nhà bên xã Cẩm Nam mà lên Tịnh Xá Ngọc Cẩm để xuất gia. Các cô Trợ, cô Năm, cô Chiến thỉnh thoảng dắt tôi lên Tịnh Xá nhưng không gặp anh. Tôi chưa bao giờ có dịp hỏi lý do anh xuất gia với hệ phái Khất Sĩ trong khi chùa mình rộng, nhiều bậc tôn sư trong thiền phái Chúc Thánh thương mến anh và chắc chắn sẽ hết lòng dạy dỗ anh.

Nhưng sau này nghĩ lại không hỏi anh là đúng. Hỏi để làm gì. Thầy Giải Nguyên khuyên tôi đi tu nhiều lần tôi đều trả lời không. Nếu thầy bảo tôi giải thích lý do có thể tôi cũng không giải thích được. Mỗi chúng ta đều có hẹn với Nhân Duyên, đến và đi từ Nghiệp.


Không phải mọi điều mình làm được quyết định trong ngày hôm đó, tháng đó hay năm đó mà có khi nối tiếp một hành trình. Hoa không chỉ nở trong một sáng hay một chiều mà từ hạt mầm non của nhiều năm tháng trước. Anh nối tiếp hành trình của anh. Tôi cũng thế. Khi dòng sông chảy qua một thôn làng, một thành phố có thể mang một tên riêng tùy theo thể và dụng của sông. Sông Vĩnh Điện chảy qua thị trấn Vĩnh Điện, sông Hoài chảy qua phố cổ Hội An, sông Cầu Chìm chảy qua thị trấn Nam Phước thương yêu v.v.. nhưng vẫn là một sông Thu Bồn, vẫn là một dòng sông, và nói cho cùng vẫn là một giọt nước từ ban sơ vô thỉ.

ht giac anh-2

Cách đây không lâu tình cờ đọc tin về anh và sau đó nghe anh giảng trên ‘youtube’. Thì ra anh Hùng Anh ngày xưa bây giờ là Hòa thượng Giác Ánh, một bậc tăng tài của tông phái Khất Sĩ. Hòa thượng Giác Ánh đi giảng pháp nhiều nơi ở Việt Nam và cả bên Úc. Tôi định tìm cách đảnh lễ vấn an hòa thượng nhưng chưa có dịp thuận tiện. Dù sao, tôi rất vui. Tiếng chuông từ ngôi chùa ở Hội An đã vang xa nhiều nơi, từ Nhật sang Đức, từ Việt Nam sang Úc. Không gian khác nhau nhưng cùng được một ánh sáng từ quang chiếu rọi.

Một lần Thầy Nguyên Hiền bạch hòa thượng có biết tác giả bài thơ Nhớ Cây Đa Chùa Viên Giác là ai không. Hòa thượng trả lời không biết. Hòa thượng không biết là phải vì ngày đó chưa có bút hiệu Trần Trung Đạo và chung quanh hòa thượng cũng không còn nhiều người biết những kỷ niệm của chúng tôi dưới mái chùa cong ở Hội An hơn 50 năm về trước.

Tôi cũng thế. Nếu tình cờ gặp lại chắc tôi cũng không nhận ra hòa thượng. Nhưng sau khi nghe hết buổi giảng quá khứ tuần tự trở về. Những chiếc lá đa vàng chợt trở màu xanh. Chiếc gàu, đòn gánh, luống rau, giọng nói Quảng Nam, khuôn mặt của anh hiện về. Tôi tự nhủ, hòa thượng đúng là người anh mà mình đã từng được ăn chung một bàn, ngủ chung một phòng. Thời gian rất ngắn nhưng đáng nhớ.

Sáng nay thức dậy đọc tin từ Tịnh Xá Ngọc Hòa Vĩnh Long, Hòa thượng Giác Ánh vừa viên tịch hôm qua, 7 tháng 6, 2023. Chưa gặp lại mà đã chia ly. Tự nhiên nghe trong lòng dâng lên niềm tiếc nhớ. Nhưng nếu nhân duyên chưa dứt một mai chúng tôi sẽ gặp lại nhau ở một thế gian nào đó.

Kính tiễn giác linh Hòa thượng Giác Ánh.

Thị Nghĩa Trần Trung Đạo
(Ảnh trích từ trang Facebook Tịnh Xá Ngọc Hoà)






Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/10/2024(Xem: 406)
Đây là lần thứ hai tôi đến Tu Viện Gaden Shartse Thubten Dhargye Ling (còn được gọi là Chùa TDL) tại Thành Phố Long Beach, Miền Nam California, Hoa Kỳ. Lần đầu tôi đến đây cách nay vài năm để làm phóng sự cho pháp sự kiến tạo Mạn Đà La do chư Tăng từ Tu Viện Gaden Shartse Monastery tại Ấn Độ sang thực hiện.
28/09/2024(Xem: 1111)
Vào lúc 09h00 ngày 27/9/2024 (nhằm 25/8/Giáp Thìn), môn đồ pháp quyến Tổ đình chùa Kỳ Viên Trung Nghĩa đã trang nghiêm thiết lễ Huý nhật thường niên Tưởng niệm Cố Hoà thượng Thích Trí Viên và Hiệp kỵ chư Tôn Sư khai sơn tạo tự. Quang lâm tham dự lễ có sự hiện diện của HT. Thích Quảng Thiện, Hoà thượng Thích Nguyên Quang đồng thành viên Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo Hội, Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Khánh Hoà; cùng chư tôn Hoà thượng chứng minh, chư tôn giáo phẩm Thường trực Ban Trị sự, chư Tôn đức Tăng, Ni và đông đảo quý Phật tử thành phố Nha Trang về tụng kinh, thắp hương tri ân tưởng niệm.
18/09/2024(Xem: 597)
Trong vũ trụ bao la vô bờ bến, từ vô thỉ đến vô chung; với những cơn sóng bạt ngàn giữa lòng đại dương, hay những khe suối ẩn mình chảy róc rách giữa chốn rừng sâu, hay những cơn đại phong thịnh nộ thổi đi những bảo vật ra tận chốn mù khơi! Một chúng sanh có nhiều yếu tố nhân duyên hội tụ để rồi tan hợp, hợp tan. Từ dòng nghiệp thức ấy, đã xuất hiện những bông hoa xinh đẹp, để tô điểm cho cuộc đời này thêm nhiều hương sắc! Kính bạch quý Ngài, thưa Quý vị: Hôm nay, giờ này tại Khánh Anh Tự, Chúng tôi có nhân duyên từ Nam bán cầu, một đất nước xa xôi, đến xứ trời Âu để tham dự ngày Giỗ tổ về nguồn, Đại giới đàn Minh Tâm và tán thán công hạnh của cố Trưởng lão Minh Châu, người đã cống hiến cuộc đời cho Đạo pháp.
17/09/2024(Xem: 458)
Tôi hôm nay hân hạnh được góp một vài ý kiến trong Lễ Vía Đức Phật Thầy Tây An, vị đạo sư đã khai sáng Bửu Sơn Kỳ Hương, một tôn giáo nội sinh trong lòng dân tộc và vì ngài có một thời gian cư trú ở Chùa Tây An (Thiền phái Lâm Tế) dưới chân núi Sam (Châu Đốc), nên vị đạo sư họ Đoàn được người dân một cách tôn kính gọi là Đức Phật Thầy Tây An. Từ gốc rễ đó, Phật Giáo Hòa Hảo do Đức Huỳnh Giáo Chủ sáng lập, thường được coi là sự kế thừa và phát triển của Bửu Sơn Kỳ Hương trong bối cảnh mới.
17/09/2024(Xem: 979)
Vào lúc 09h00 sáng ngày 17-9-2024 (nhằm ngày Rằm tháng 8 năm Giáp Thìn), chư tôn đức Tăng, Ni cùng đông đảo Phật tử đã vân tập tại chánh điện chùa Long Sơn để dự lễ Huý Nhật lần thứ 11 (2013-2024) đức Trưởng lão Hoà thượng Thích Chí Tín, trú trì chùa Long Sơn và hiệp kỵ chư tôn Hoà thượng giáo phẩm, lãnh đạo GHPGVN tỉnh Khánh Hoà qua các thời kỳ. Tham dự buổi lễ Hiệp kỵ có sự hiện diện của HT. Thích Quảng Thiện, Hoà thượng Thích Nguyên Quang – thành viên Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo Hội, Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Khánh Hoà; HT. Thích Minh Thông, UV.HĐTS GHPGVN, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN Tỉnh Khánh Hoà, cùng chư tôn giáo phẩm chứng minh, chư tôn giáo phẩm Thường trực Ban Trị sự, chư Tôn đức Tăng, Ni và quý Phật tử thành phố Nha Trang về tham dự tưởng niệm.
13/08/2024(Xem: 998)
"Vu Lan – nhớ Tứ Trọng Ân" - âm thanh ấm cúng ấy đã trở về, báo hiệu mùa tri ân và báo ân của năm 2024 đang trở về cho tất cả người con Phật khắp năm châu. Trong kinh, Đức Phật dạy có bốn ân lớn nhất đời người là: Ân Cha Mẹ Ân Sư Trưởng Ân Đất Nước Xã Hội Ân Chúng Sanh
12/08/2024(Xem: 969)
Thứ 4, Ngày 07 Tháng 8 Năm 2024 (04/07 Năm Giáp Thìn) 18 Giờ 00: Lễ Nhập Kim Quan Tại Nhà Tang Lễ Hanatomo, Higashi-matsuyama 19 Giờ 00: Lễ Bạch Phật Khai Kinh Lễ Thỉnh Giác Linh An Vị 20 Giờ 00: Lễ Viếng 21 Giờ 00: Luân Phiên Tụng Niệm
26/07/2024(Xem: 1368)
Từ trong quyền quý cao sang Bước chân Trưởng nữ nhẹ nhàng thoát ly Viên Âm lật giở diệu kỳ Duyên sinh huyễn ảo đó đây vô thường Lăng Nghiêm bừng sáng đêm trường Xuất trần nuôi chí chọn đường tầm sư
24/07/2024(Xem: 1454)
Lời thương gởi, một vầng mây thầm lặng. Nhắn chút tình, Thầy giả biệt đi xa, Trời Sài Thành, mưa buồn tuông vô định, Khóc tiễn Thầy, vọng tiếng niệm Di Đà. Lời thương gởi, vùng quê xưa Quảng Trị. Tuổi thanh Xuân, bập bẹ mới lên Năm. Theo chân bước, vào Cố Đô nuôi dưỡng. Chốn Không môn, nung khí tiết Ân thâm.
24/07/2024(Xem: 662)
Kính bạch giác linh Sư Phụ, giữa đêm trăng thanh tịnh, ngồi yên bên thiền thất, nghe dư âm tiếng vọng về hai chữ: Sư Phụ kính thương của chúng con, tâm con như nghẹn lại vì hình dáng ngày xưa của Sư Phụ, đã đi về chốn huyền tịnh lạc bang, chúng con giờ đây không tìm được hình hài dung nghi đức hạnh, nụ cười và những pháp âm vang vọng khuất dần, xa mãi giữa chốn hồng Trần vắng lặng tịch không, trong khoảnh khắc giờ này mãi là những Hoài niệm ký ức xưa. Sau 14 ngày Sư Phụ về Bên Phật Tổ, thời gian ơi ... xin hãy ngừng trôi cho chúng con được phước duyên phụng sự Sư Phụ ân Sư. Tiếng gọi ấy dường như vô vọng, trong cuộc đời này và mãi về sau, nhưng niềm tin mãi bên Phật, và niềm tin mãi bên Sư Phụ là có thật trong con.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com