Hiệp hội Thanh niên Phật tử Indonesia
Kính mừng Quốc lễ Vesak 2023 trong Tinh thần Hòa hợp Xã hội
(Young Buddhist Association of Indonesia
Celebrates Vesak in the Spirit of Social Harmony)
Quốc lễ Vesak PL.2567 – DL.2023, đại lễ kỷ niệm ba sự kiện trọng đại trong cuộc đời Đức Phật Thích Ca, người sáng lập đạo Phật: ngày Phật Đản sinh, ngày Phật Thành đạo và ngày Phật nhập Niết bàn, Hiệp hội Thanh niên Phật tử Indonesia (YBA) đã tổ chức một loạt các sự kiện cho công chúng thưởng lãm, nhằm nâng cao nhận thức về các gia trị phổ quát của đạo Phật và thúc đẩy sự hài hòa trong đa dạng xã hội.
Học viện Công nghệ Quốc tế Indonesia (YBS) chia sẻ với Buddhistdoor Global: “Quốc lễ Vesak PL.2567 – DL.2023 được tổ chức từ các ngày 31 tháng 5 đến ngày 4 tháng 6 vừa qua. Sự kiện này được tổ chức thường niên tại một khu vực công cộng, với mục đích giới thiệu các giá trị phổ quát của Phật giáo tới công chúng, cũng như tổ chức một lễ kỷ niệm và đánh giá cao Phật pháp. Quốc lễ Vesak năm nay được thực hiện trên tinh thần tương trợ và phát triển vẻ đẹp của cuộc sống ở Indonesia quốc gia đa tộc, và một nền văn hóa thống nhất trong đa dạng, với chủ đề ‘Sự hài hòa trong Trung đạo’. (Harmony in the Middle Way)”
Hiệp hội Thanh niên Phật tử (YBA) là tổ chức Thanh niên Phật tử hàng đầu ở Indonesia. Thông qua niềm tin sâu sắc vào thông điệp từ bi, trí tuệ và hùng lực của Đức Phật, YBA thúc đẩy lối sống tích cực trong giới trẻ nhằm vun đắp một xã hội dựa trên trí tuệ, từ bi tâm và lòng tri ân. YBA tham gia vào việc thành lập các tổ chức Phật giáo trên toàn quốc, truyền bá việc nghiên cứu, tu học Phật pháp trong giới trẻ và đào tạo kỹ năng lãnh đạo.
Hiệp hội Thanh niên Phật tử Indonesia (YBA) nhấn mạnh: “Quốc lễ Vesak PL.2567 – DL.2023 đã giới thiệu các giá trị phổ quát của đạo Phật tới công chúng. Một loạt bộ sưu tập tranh ảnh sâu sắc và thú vị đã được trưng bày trong dịp này, một trong số đó mô tả sự ra đời của Đức Phật tương lai theo truyền thống Phật giáo Trung Hoa. Ngoài ra còn có một bức tượng Phật cao 12 mét, một bức tranh thật to hình ảnh Đức Phật Nhập Đại Niết Bàn, các cột trụ đá do vua Asoka khắc dựng từ truyền thống Ấn Độ. Chúng tôi cũng chuẩn bị sắp đặt tương tác hơn bởi nhiều tác phẩm, bao gồm cả ‘Chuyển pháp luân’ dưới dạng Bánh xe Chuyển pháp luân và Thẻ ước nguyện nơi du khách có thể viết lên những tấm thể ấy những niềm hy vọng và ước mơ được sống hòa thuận.
Du khách thập phương hành hương cũng được thưởng ngoạn giải trí nhiều màn biểu diễn văn hóa nghệ thuật thú vị và hấp dẫn phản ánh sự điều tiết trong đa dạng hóa của Indonesia: các loại khiêu vũ truyền thống của dân tộc Đông Java; biểu diễn Angklung tương tác từ Tây Java; điệu múa Sufi của Thổ Nhĩ Kỳ; Wayang Potehi (biểu diễn múa rối Trung Hoa); và múa Sư tử. Ngoài ra còn có các buổi biểu diễn của trẻ em từ các cơ sở tự viện Phật giáo địa phương, cộng với các hoạt động khác nhau để hỗ trợ vẻ đẹp của sự đa dạng văn hóa, xã hội và tôn giáo.”
Quốc lễ Vesak được quan sát trên khắp đất nước Indonesia, nơi quốc gia vạn đảo thường phát âm là Waissak. Vesak đã được tổ chức như một ngày lễ cấp Quốc gia thường niên kể từ năm 1983. Quốc lễ Vesak năm nay, lễ chính thức của Indonesia được cử hành vào ngày 4 tháng 6 vừa qua.
YBA cho biết: “Ngày đầu tiên của Quốc lễ Vesak trùng khớp với lễ kỷ niệm 730 năm Ngày thành lập Surabaya, thành phố lớn thứ hai của Indonesia, tỉnh lỵ của tỉnh Đông Java, sự kiện này đã trở nên sôi nổi hơn với sự xuất hiện của Thị trưởng Surabaya, Cak Eri Cahyadi, Bộ trưởng Tôn giáo thứ 22 của Indonesia, Tiến sĩ (H. C) K. H. Lukman Hakim Saifuddin, cùng với chư tôn đức Tăng già Bhante, và các vị khách danh dự đặc biệt khác, những người đã thỉnh chuông chính thức khai mạc Quốc lễ Vesak PL.2567 – DL.2023.”
Thị trưởng Surabaya, Cak Eri Cahyadi có một bài phát biểu, lưu ý rằng: “Thành phố Surabaya sẽ nằm trong tay của các thanh niên Phật tử, vì chúng ta, những thế hệ trẻ, sẽ là những người lãnh đạo phương hướng của Thành phố Surabaya – dù tốt hay xấu, tất cả đều nằm trong tay của các thế hệ trẻ”.
Tiến sĩ Lukman Hakim nhận xét: “Thật không thể tin được, theo ý kiến của tôi, các bạn trẻ do Hiệp hội Thanh niên Phật tử quy tụ tại đây, có thể nắm bắt được cách chia sẻ và truyền đạt những giá trị tôn giáo này, thông qua các phương tiện quen thuộc với giới trẻ ngày nay. Thậm chí chúng tôi đã có thể đạt được kỷ lục về tượng Phật Gandhara được tôn trí trong ngôi nhà cao nhất ở Indonesia, cao khoảng 12,3 mét.”
Mặc dù chính thức là một quốc gia thế tục, Indonesia là nơi có nhiều cộng đồng và truyền thống tôn giáo và tâm linh. Theo dữ liệu quốc gia năm 2018, Đạo Hồi là tôn giáo phổ biến nhất, được 86,7% dân số tín thụ phụng hành. Các truyền thống Cơ đốc giáo tổng cộng chiếm 10,7%, Ấn Độ giáo 1,7% và Nho giáo, dân gian và các truyền thống khác tổng cộng chiếm 0,08%.
Phật giáo chiếm 08% dân số là Phật tử - khoảng hai triệu người – là truyền thống tâm linh lâu đời thứ hai ở Indonesia sau Ấn Độ giáo. Theo các tài liệu lịch sử, Phật giáo lần đầu tiên phát triển mạnh mẽ trên quần đảo vào khoảng thế kỷ thứ sáu, sau đó là sự trỗi dậy và suy tàn của một số Đế chế Phật giáo hùng mạnh, bao gồm triều đại Shailendra (thế kỷ 8-9), đế chế Srivijaya (c. thế kỷ 7–12), và đế chế Mataram (khoảng thế kỷ 8–11). Ngày nay, phần lớn Phật tử Indonesia theo các trường phái Phật giáo Đại thừa, mặc dù vẫn tồn tại cộng đồng hành giả Phật giáo Nguyên Thủy và Phật giáo Kim Cương thừa.
Hiệp hội Thanh niên Phật tử giải thích: “Bằng cách đưa ra các giá trị phổ quát có thể được công chúng tiếp nhận, Quốc lễ Vesak này là một nền tảng mở cho sự hợp tác đa tôn giáo và đa văn hóa. Chúng tôi thực sự hy vọng rằng những hoạt động này có thể đóng một phần trong việc thiết lập lòng khoan dung giữa những khác biệt, đặc biệt là ở thành phố Surabaya và các vùng lân cận, và để giúp mang lại hạnh phúc và hòa bình sẽ đoàn kết tất cả các tôn giáo ở Indonesia.”
Tác giả: Craig C Lewis
Việt dịch: Thích Vân Phong
Nguồn: Buddhistdoor Global