Ác ngữ dẫn đến xung đột xã hội
và khẩu nghiệp cho bản thân
*****
Hành động phản ánh được ý thức, tính cách của mỗi người, lời nói, suy nghĩ thế nào sẽ biểu hiện ra hành động như thế đó, vậy nên mỗi người trước khi nói, cần cân nhắc lời nói của mình bởi vì lời nói là thứ dễ phát ra nhưng không dễ thu hồi, việc làm của chúng ta cũng vậy, cũng cần ý thức để tránh gây những tổn thương, tổn hại đến người khác, khi chúng ta có ý thức thì chúng ta sẽ tạo được một việc lành, ngược lại, những lời nói, hành động không tự chủ, thiếu ý thức, gây ảnh hưởng đến nhiều người khác cũng sẽ phản ảnh một cái tâm không thiện, dễ dẫn đến xung đột và bị nhiều người lên án.
Một trong những mâu thuẫn hiện nay mà chúng ta vẫn thường thấy đó là quan điểm giữa việc ăn chay và ăn mặn, đây vốn được xem là quyền tự do của mỗi người trong đời sống hằng ngày, không ai được áp đặt, sai khiến bằng hành động, lời nói để làm tổn thương đối với người có khuynh hướng khác mình. Thế nhưng nhiều người lại lợi dụng sự khác nhau này để tạo nên sự xung đột, vì lợi ích cá nhân hoặc bảo vệ cho thói quen, sở thích của mình.
Riêng đối với việc ăn chay ngày nay, đã có nhiều dẫn chứng khoa học cho thấy tầm quan trọng trong việc sử dụng thức ăn từ thực vật vì nó mang lại một sức khỏe tốt, một đời sống tinh thần an lạc, giảm bớt đi sự ô nhiễm môi trường, đối với người theo Phật giáo, ăn chay còn mang tính tâm linh, từ bi nhằm hạn chế việc sát sinh, ý thức được sự sống của muôn loài là đáng quý. Thế nhưng cũng có những người không ăn chay bởi người ta thấy không phù hợp với thể trạng, không thuận tiện hoặc người ta không yêu thích. Đó là quyền cá nhân mỗi người, không ai bắt buộc.
Ăn chay không phải là việc dễ đối với nhiều người, ăn chay trường càng khó cho nên người ta chỉ đến với ăn chay khi bản thân cảm thấy thích nghi, thấy hạnh phúc và tự nguyện hoặc khi người ta tìm được một ý nghĩa nào đó từ việc ăn chay, chính vì điều này nên việc ăn chay không áp đặt cho bất cứ ai, không co cụm trong một Tổ chức, Tôn giáo nào mà ăn chay được vận dụng đối với những ai yêu thích, cảm nhận và tâm niệm để hướng về điều đó.
Người chọn cách ăn chay đều xuất phát từ sở thích, mong muốn của bản thân và cũng không có Luật nào quy định hay bắt buộc rằng người ăn chay là phải sống thế này hay thế nọ trừ khi họ là người tu hành chính thống vì ăn chay đối với nhiều người cũng chỉ đơn thuần là một loại thức ăn phù hợp với sức khỏe, khẩu vị, cho nên khi áp đặt, gắn kết việc ăn chay với một hành động nào đó theo mong muốn của nhiều người là một suy nghĩ mang tính cá nhân, áp đặt và không có cơ sở.
Đạo Phật chưa từng bắt buộc một ai ngoài những vị tu hành là phải ăn chay, Đạo Phật cũng chưa từng đánh giá hay phán xét người ăn mặn theo hướng tiêu cực nào mà Đạo Phật chỉ cho chúng ta thấy được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc ăn chay, khai mở ra những từ ái trong tâm thức, trong hành động của mỗi người, mang những điều tốt đến cho chúng sinh, và lựa chọn việc ăn chay hay không là tùy vào quan niệm, khả năng mỗi người.
Mỗi chúng sinh dù có là Phật tử hay không thì khi chọn cho mình cách ăn chay cũng là một tâm niệm tốt, ăn chay bản chất đã là một việc thiện lành, nếu không vì cộng đồng, không vì loài khác thì cũng vì sức khỏe cho bản thân người đó, cho nên việc ăn chay luôn được thực niệm, trao đổi trên tinh thần tự nguyện và hoan hỷ, vì vậy những lời quy chụp từ phía người ăn chay hay ăn mặn dành cho nhau đều là những lời không nên có vì nó tạo nên sự thiển cận, xung khắc.
Đối với trường hợp chúng ta chưa sẵn sàng, chưa phát tâm ăn chay thì cũng không nên dùng những lời lẽ đả kích, dè bỉu người ăn chay theo kiểu “Ăn mặn nói điều hay, ăn chay nói dối” vì đó là những lời mang tính xúc phạm, miệt thị không có cơ sở. Bằng chứng nào, căn cứ nào để chúng ta được quyền khẳng định điều đó? Số liệu nào để chúng ta được quyền tuyên bố “người ăn mặn thì nói điều hay, người ăn chay thì nói dối?” Có chắc tất cả đều như vậy hay không? Những lời nói khi phát ra một cách tùy tiện mang tính xúc phạm người khác, mục đích để bao biện cho việc mình không làm được, mình không muốn làm sẽ cho thấy được bản chất cố chấp, sân si và mông muội.
Những từ ngữ tham chấp chủ quan đó không đơn thuần là một lời nói cửa miệng mà đó là lời nói mang tính phỉ báng, xúc phạm đến những người đã phát tâm ăn chay, chọn cho mình lối ăn chay vì tín ngưỡng, tâm linh, nếu đối với những người không thích sát sinh, những người bệnh không thể ăn mặn, những người mà cơ thể không thể dung nạp hay thích nghi với thức ăn từ động vật nên phải chọn thức ăn từ thực vật mà chúng ta nói những lời đả kích, miệt thị, bỉ bôi như vậy có phải chúng ta đang gieo nghiệp ác hay không? Và lời nói đó còn là một sự xúc phạm nghiêm trọng đến những Tôn giáo đi theo khuynh hướng ăn chay, mong con người hướng thiện. Việc dùng ngôn từ mang tính dè bỉu, khiếm nhã đến một cộng đồng dù là cộng đồng ăn chay, cộng đồng LGBT, cộng đồng bảo vệ động vật…thì đó là những phát ngôn, những suy nghĩ mang tính xung đột, cố ý gieo rắc vào đầu người khác cái nhìn, suy nghĩ sai lệch, gây ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm người khác.
Việc đụng chạm đến một tập tục của một Tôn giáo vốn được xem là điều tối kỵ chẳng hạn như khi chúng ta đến những quốc gia theo Đạo Hindu, một Tôn giáo xem Bò là Thần linh để thờ cúng thì Đạo Hindu sẽ kiêng kỵ và không ăn thịt Bò, tại đất nước Ấn Độ, nhiều Đền thờ Bò được lập ra, nếu chúng ta tiếp xúc với người theo Đạo Hindu mà mời họ ăn thịt Bò là một điều xúc phạm. “Ở Thành phố Varanasi, thành phố thiêng liêng bậc nhất ở Ấn Độ, nổi tiếng với truyền thống ăn chay. Điều này ảnh hưởng lớn từ yếu tố tôn giáo”, vậy thì việc tùy tiện phát ngôn, để khẩu hiệu mang tính tuyên truyền, đả khích, miệt thị, bôi xấu người ăn chay cũng là một hành vi xúc phạm, thiếu tôn trọng đối với những Tôn giáo hoặc quốc gia có tập tục, truyền thống ăn chay và khuyến khích người khác ăn chay, làm việc thiện.
Ăn chay là một việc lành, người ăn chay dùng lòng từ ái để mời gọi người khác cùng thực hiện, ăn chay tùy theo khả năng của mình chứ không ai bắt buộc hay áp đặt. Ăn chay là cách để ý thức được “loài nào cũng cần được sống” và ăn chay cũng là một trong những quan niệm tôn trọng quyền sống của muôn loài chứ chưa có người ăn chay nào chê trách người ăn mặn rằng “Ăn chay nói lời hay, ăn mặn nói dối” hay “Ăn chay sống hiền, ăn mặn sống ác”, chưa có khẩu hiệu nào từ người ăn chay mang đi đả kích, xúc phạm đến người ăn mặn theo cách đó thì hà cớ gì người ăn mặn lại nói những lời lẽ miệt thị, xúc phạm người ăn chay? Nếu chúng ta cho rằng việc ăn chay hay ăn mặn không ảnh hưởng đến tính cách mỗi người thì tại sao chúng ta lại khẳng định người ăn mặn nói ngay, người ăn chay nói dối? Như vậy có phải chúng ta đang tự mâu thuẫn với chính mình hay không?
Người ta khuyến khích ăn chay vì ăn chay ngoài tính từ bi, tâm linh còn mang lại nhiều lợi lạc về mặt sức khỏe như lời nhà Sinh Hóa học Ông T.Colin Campbell, Giám đốc cơ quan nghiên cứu của Cornell - China - Oxford đã tiết lộ rằng: “Ăn ít chất béo theo như sự hướng dẫn của Cơ quan Sức khỏe và dinh dưỡng Hoa Kỳ cũng chưa chắc có thể phòng ngừa được các bệnh nan y. Điều cần yếu là chúng ta phải ăn chay với những thức ăn thanh đạm nhưng không kém phần bổ dưỡng”.
Ở phương Tây đã xuất hiện làn sóng ăn chay, họ ăn chay không phải vì họ theo một Tôn giáo nào mà họ ăn chay đơn thuần vì họ muốn khỏe mạnh và giữ gìn vóc dáng, nhiều cửa hàng chay mọc lên ở những đất nước như Anh, Hà Lan, Ba Lan, Pháp, Đức, Hungary, Thụy Điển, Scotland, Tây Ban Nha, Ý…để phục vụ cho sở thích ăn chay của người dân và du khách.
“Vào đêm giao thừa chào đón năm mới 2022, một chương trình nấu ăn trực tuyến mang tên "Chạy đua vì Trái đất" được phát sóng trên các nền tảng mạng xã hội tại Trung Quốc, đây là sự kiện quy tụ hơn 50 đầu bếp cùng chuyên gia thực phẩm chay. Họ chế biến những món ăn có nguồn gốc thực vật, đồng thời khuyến khích người xem nên từ bỏ chế độ ăn nhiều thịt.
Theo Li Yihong, Giám đốc kế hoạch của Good Food Fund (một tổ chức do Quỹ Bảo tồn Đa dạng sinh học Trung Quốc và tổ chức phi lợi nhuận Phát triển xanh điều hành), sự kiện nêu trên chính là một dấu hiệu cho thấy sự quan tâm ngày càng tăng của thế hệ Millennials Trung Quốc đối với chế độ ăn uống dựa trên thực vật”.
Bên cạnh đó, nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Southampton, Anh đăng tải trên tạp chí British Medical đã chỉ ra rằng những người ăn chay có chỉ số IQ cao hơn những người ăn nhiều thịt đến 5 điểm. Nghiên cứu được tiến hành trong suốt 20 năm với hơn 8.000 người tham gia. Kết quả này phần nào cho thấy chế độ ăn giàu rau quả hỗ trợ tích cực cho các hoạt động và chức năng của bộ não.
Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton sau khi trải qua cuộc phẫu thuật đặt stent khi ông xuất hiện những cơn đau tim năm 2010, vào năm đó, ông quyết định ăn chay trường và tập ngồi Thiền để duy trì sức khỏe.
Từ những minh chứng trên, tuy không mang tính tuyệt đối nhưng cũng là một trong kết quả khả quan để nhiều người dân ở nhiều quốc gia trên Thế giới hướng đến việc ăn chay vì những nguyên nhân, lợi ích khác nhau, những lý do đều mang tính khoa học, nhân văn và khách quan từ cộng đồng và xã hội chứ không phụ thuộc vào bản chất, lời nói, tính cách của con người. Hành vi xúc phạm, đả kích việc ăn chay của một số thành phần ngoài việc xuất phát từ lợi ích cá nhân thì bên cạnh đó, tư duy cảm tính, bản chất không thiện cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến cái nhìn phiến diện, đi ngược lại xu hướng mà con người đang hướng đến, điều đó cho thấy hành động lệch lạc về nhận thức, lệch lạc về đạo đức, duy ý chí chủ quan sẽ dễ tạo nên xung đột trong xã hội, tạo ra khẩu nghiệp cho chính bản thân mình.
Võ Đào Phương Trâm
Pháp danh An Tường Anh