Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Suy Tư Về Sự Kiện Nhập Thai Và Đản Sanh Của Đức Phật

06/05/202222:10(Xem: 3153)
Suy Tư Về Sự Kiện Nhập Thai Và Đản Sanh Của Đức Phật

phat dan-2


SUY TƯ VỀ SỰ KIỆN
NHẬP THAI VÀ ĐẢN SANH CỦA ĐỨC PHẬT



 

Bồ Tát Hộ Minh trải qua vô lượng vô biên na do tha a tăng kỳ kiếp tu Bồ Tát Hạnh, quán xét nhân duyên thuần thục, chọn lựa Tịnh Phạn Vương và Hoàng Hậu Maya nơi Thành Ca Tỳ La Vệ làm cha mẹ cho báo thân cuối cùng của mình để thành tựu Bồ Tát Hạnh, chứng đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, cứu khổ độ sanh. Mỗi lời nói, cử chỉ, hành động của Ngài đều là khuôn vàng thước ngọc và hàm chứa nhiều đạo lý sâu xa. Cả cuộc đời của Ngài là sự thị hiện tuyệt vời, xuất phát từ nhập thai và đản sanh, phần mở đầu đầy ấn tượng. Nhân dịp Đại Lễ Phật Đản PL 2566 - DL 2022, thật là ý nghĩa và cần thiết để chúng ta cùng chiêm nghiệm và rút ra những bài học quý báu ngay chính những phút giây tuyệt vời đầu tiên mà Ngài đến với sự hiện hữu bằng xương bằng thịt trong hình hài một con người toàn vẹn nhất ở Ta Ba thế giới này.

Có rất nhiều Kinh, nhiều tác phẩm viết về cuộc đời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nhưng thiết nghĩ có hai Kinh căn bản nhất mà mọi Tông Phái Phật Giáo đều công nhận, trân trọng và xem đó là tài liệu gốc, bậc nhất để tìm tòi, nghiên cứu, học hỏi về sự nhập thai và đản sanh Đức Phật là Kinh Hy hữu vị tằng hữu pháp (Acchariya-abbhùtadhamma sutta), Kinh số 123 trong Trung Bộ Kinh[1] và Kinh Đại bổn (Mahàpadàna sutta), Kinh số 14 trong Trường Bộ Kinh[2]Ngoài ra, hai phẩm quan trọng trong Kinh Hoa Nghiêm, đó là phẩm 37 : “Phẩm Như Lai Xuất Hiện”[3] và phẩm 38 :  “Phẩm Ly Thế Gian”[4] có liên quan đến sự nhập thai và hiện hữu cuộc đời của Bồ Tát cũng được đưa vào để phân tích đối chiếu làm sáng tỏ hơn ý nghĩa sự thị hiện vào đời của Như Lai.

Trước hết, vì đại sự nhân duyên mà Như Lai xuất hiện ở đời, như Kinh Hoa Nghiêm nêu rõ : Như Lai xuất hiện chẳng phải do một duyên, chẳng phải do một sự mà được thành tựu, phải do vô lượng duyên vô lượng sự mới thành tựu được”[5]Hạng chúng sanh thông thường thì bị nghiệp dẫn dắt, từ giai đoạn thân trung ấm (sau khi chết, thần thức ra ngoài một thân thể cũ, kiếp trước), nương tinh cha, huyết mẹ, dục tình của hai bên mà vào thụ thai như Đại Viên Thiền Sư trong Quy Sơn Cảnh Sách mô tả : “Vì nghiệp lực kết buộc mà có thân thể, thì chưa ai thoát khỏi cái lụy của hình hài. Nên bẩm thụ thể chất tiết ra của cha mẹ, vay mượn những yếu tố tương quan mà hợp thành.” Bồ Tát đến với cuộc đời bằng “nguyện lực” chứ không phải “nghiệp lực” và có sự chủ động lựa chọn nơi chốn thích hợp để nương duyên nhập thai và đản sinh. Thiết nghĩ, Bồ Tát Hộ Minh quán xét cân nhắc các yếu tố sau đây hội đủ nhân duyên để chọn lựa và quyết định cho việc nhập thai và đản sinh :

 

 

 

1.  Thời điểm đản sinh :

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni quyết định đản sinh khi tuổi thọ con người ở trong giai đoạn kiếp giảm, con người có thể thọ mạng đến 84 000 năm từ Hiền Kiếp về trước vì cộng nghiệp bất thiện giảm dần dần cho đến tuổi thọ trung bình khoảng 100. Hầu hết chúng sinh đang sống trong vô minh, tăm tối, quay cuồng trong dục vọng và xoay chuyển trong luần hồi lục đạo khổ đau. Tuổi thọ 100 cũng là có thể vừa đủ cho việc hiểu biết những nỗi niềm cuộc thế và kịp thời tỉnh ngộ tu tập để hướng về Thánh quả.

2.  Địa điểm, trú xứ đản sinh :

Ca Tỳ La Vệ, Ấn Độ là nơi thích hợp cho việc đản sinh, nơi này hội tụ những tinh hoa triết học, tôn giáo. Giáo nghĩa về Vệ Đà, Áo Nghĩa Thư của Bà La Môn Giáo, tuy khác với Phật Giáo, nhưng dù sao, đó cũng là những sự chuẩn bị cần thiết để tiến lên một bước nữa chấp nhận, học hỏi, tiếp thu và thực hành Phật Giáo sau này rất thuận duyên. Đến nay chúng ta cũng thấy Ấn Độ là xứ rộng, đông dân, gần cả tỷ người, đông dân thứ 2 trên thế giới và với đà sinh sản thế này sẽ sớm vượt qua tỷ người, vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới. Như vậy, đản sinh tại Ấn Độ thì truyền bá được nhiều người, trong quốc gia Ấn Độ và lan truyền khắp thế giới vì Ấn Độ là quốc gia thiên hướng hòa bình, thân thiện, tâm linh, triết học nên kết nối, giao lưu rộng rãi thế giới và khuếch trương du lịch, chiêm bái Thánh Tích, tâm linh,….

3.  Đẳng cấp và dòng họ đản sinh vào:

Bồ Tát Hộ Minh chọn Vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Maya làm cha mẹ của mình không phải như tư tưởng người thế gian ham thích cao sang quyền quý mà chỉ là vì phương tiện độ sanh : giai cấp Sát Đế Lợi có tiếng nói ảnh hưởng rất lớn trong xã hội Ấn Độ, có nhiều phương tiện hỗ trợ Tăng Đoàn và hoằng pháp sau này như chúng ta thấy Vua Tịnh Phạn Vương và sau này nhiều vị Bà La Môn, giáo sỹ ngoại đạo và vua quan khác không gặp trở ngại hay vướng mắc tư tưởng gì khi đến học Đạo, tu tập với Đức Phật – nếu xét vai vế cũng là Thái Tử, nếu ở lại cung thành Ca Tỳ La Vệ cũng lên làm vua. Đạo Giáo nào mà được vua quan, hoàng tộc ủng hộ hết mình thì rõ ràng có nhiều thuận duyên lan rộng trong quần chúng, khắp đất nước. Hơn nữa, từ có tất cả của một ngai vị Thái Tử hóa thành người không có gì cả của một đạo sỹ lang thang là tấm gương chói sáng về sự thoát ly vĩ đại : xả phú cầu bần, xả thân cầu Đạo, vô trụ, vô chấp, vô nhiễm : gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn : đó là tấm gương thân giáo về một sự thoát ly, một chuyển biến vĩ đại và Đạo là hơn cả.

4.  Gia đình và cha mẹ :

Bồ Tát Hộ Minh chọn Tịnh Phạn Vương và Hoàng Hậu Maya làm cha mẹ vì họ là những bậc tài đức song toàn, thương yêu dân chúng, chăm lo phát triển nước nhà. Họ tha thiết có người con và làm nhiều việc thiện để cầu nguyện, đến với họ là mang đến niềm vui, phúc lành. Cố HT Thích Thiện Hoa, đúc kết từ sự nghiên cứu nhiều tài liệu Phật Giáo, đã viết : “ Vị vua trị vì là Tịnh-Phạn, một vị vua thuộc dòng Thích-Ca, là một dòng họ lớn đã mấy mươi đời nối nghiệp trị vì đất nước này. Bà hoàng hậu Ma-Da, cũng là một người thuộc dòng vua chúa đã lâu đời. Cả hai ông bà vua Tịnh-Phạn đều là người đã nhiều kiếp tu hành, có đức hạnh lớn, xứng đáng làm cha mẹ muôn dân.”[6]

Căn cơ thiện và thuần thục của họ dễ giáo hóa và trả ơn sau này, Vua Tịnh Phạn trở thành một vị hộ pháp đắc lực và cuối đời chứng Thánh quả cao nhất có thể cho hàng cư sỹ, Đức Phật cũng lên cung trời thuyết pháp cho vị Trời vốn kiếp trước là mẫu hậu và độ cho Kế Mẫu Ma Ha Ba Xà Ba Đề làm vị Tổ đầu tiên của Ni giới. Duyên thiện lành cộng hưởng với nhau, cảm thông và trợ duyên cho nhau trên đường đời, đường đạo cũng như làm gương mẫu, ảnh hưởng lớn đến quần chúng.

Ngoài ra, độc giả có thể tham khảo Kinh Phổ Diệu ghi chép chi tiết : “Nước nào, dòng họ nào có sáu mươi đức, bậc Nhất sinh bổ xứ mới nên giáng thần”[7] với lời kết luận của Bồ Tát :

Nay dòng họ Thích này rất thịnh vượng, ngũ cốc dẫy đầy, thanh bình an vui, đời sống dân chúng rất sung túc, hưng thạnh, là do trồng các gốc đức. Nước Ca-duy-la-vệ mọi người hòa thuận, trên dưới nương nhau, tâm niệm hòa hợp, bảo vệ tình hình chung, có ba loại kho chứa của, không còn tai ương, bỏ các tà kiến. Tất cả dòng họ Thích đều khát ngưỡng đạo Nhất thừa, kính thờ bậc trưởng thượng tôn túc. Cư sĩ, đại thần, quyến thuộc hòa ái với nhau, sắc tướng xinh đẹp vào bậc nhất.

        Đức vua Bạch Tịnh tánh hạnh rất hiền từ, nhân đức. Phu nhân của vua tên là Khiết Diệu, thùy mị, tánh tình ôn hòa, nhân từ bác ái, nhan sắc không ai bằng, tâm không thay đổi, chưa có con nối dòng, bà nhàm chán thế tục, học đạo không mỏi mệt, giống như Thiên ngọc nữ, ai trông thấy cũng hoan hỷ, không có thói thường của nữ nhân, lời nói chí thành không thô bỉ hung ác, trừ bỏ sân hận, không đi truyền nói việc của người này người kia, ưa thích bố thí, gìn giữ giới cấm không hề bị khiếm khuyết, kính trọng chồng, đúng lúc, tâm không thay đổi, thường định an lành. Màu tóc xanh biếc, sắc mặt sáng sủa, vui tươi, nghĩ kỹ trước khi nói. Dòng họ đó nhân hòa, tánh nết ngay thẳng, không dua nịnh quanh co, thường biết hổ thẹn, tính tình chính chắn không hời hợt. Ba cấu nhẹ mỏng, nhẫn nhục hàng đầu, tay chân mềm mại giống như hoa sen. Giữ gìn thân, khẩu, ý vững như kim cang, như ngọc nữ báu, đức vốn thanh tịnh, năm trăm đời trước đã từng làm mẹ Bồ-tát. Dòng họ Thích luôn luôn khát khao trông đợi nên Ta đến giáng thần vào thai bà.

 

Thời nay, chúng ta thường nghe đến hai khái niệm là “Đức Phật Lịch Sử” – cả cuộc đời hiện thân với những sự việc hoàn toàn giống như người thường, có lịch sử rõ ràng hẳn hoi, không quá nhiều chi tiết thần thoại, xa vời – và “Đức Phật Tôn Giáo” – có những chi tiết thần thoại, mầu nhiệm của một bậc thiêng liêng mang màu sắc tôn giáo. Kinh Pháp Hoa đưa ra hai khái niệm tương tự về “Tích Môn” ( mô tả về Đức Phật có sự tích rõ ràng, thành tựu Ba La Mật và thành Phật trong kiếp đản sinh cuối cùng tại Lâm Tỳ Ni) và “Bổn Môn (với những Chương đặc biệt như : Tùng Địa Dõng Xuất, Như Lai Thọ Lượng,…- mô tả Đức Phật đã thành Đạo từ nhiều đời kiếp, chỉ là thị hiện – một màn biểu hiện thôi – cho kiếp này thôi)

Dù muốn dù không, khi ra đời trong một bối cảnh xã hội như vậy thì tất cả những chi tiết về Lịch Sử Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cũng mang màu sắc văn  chương văn hóa Ấn Độ, có những nét tương đồng nào đó với cách mô tả các Thánh Thần trong Ba La Môn Giáo, có những “ước lệ văn chương” (tức là những quy ước phổ quát ví dụ cành mai hay chim én tượng trưng cho mùa Xuân, hoa Phượng, ve sầu – mùa Hè).

Chính vì vậy, Kinh Hoa Nghiêm đã nêu rõ tính chủ động, lựa chọn, quyết định và thị hiện đản sinh của một vị Bồ Tát để thành tựu Phật Quả :

“Tu Bồ-Tát đạo mà thị-hiện giáng thần, nhập thai, đản sanh, xuất gia, khổ hạnh, đến đạo-tràng, hàng phục chúng ma, thành tối-chánh-giác, chuyển chánh pháp-luân, nhập đại niết-bàn, thần-biến tự-tại không thôi nghỉ, chẳng bỏ bi nguyện cứu hộ chúng-sanh, bất-tư-nghì.

Tâm cùng khắp tất cả Phật xuất hiện, vì đều biết rõ nơi nhập thai, giáng sanh, xuất gia, thành đạo, chuyển pháp luân, nhập niết bàn.”[8]

Sự kiện Bồ Tát Hộ Minh nhập thai được mô tả như sau :

“Một hôm, trong thành Ca-tỳ-la-vệ, là kinh đô của vua Tịnh-Phạn, có lễ vía Tinh tú, vua tôi cùng nhau mở hội ăn chơi. Hoàng hậu Ma-Da, sau khi dâng hương hoa cúng kiến trong cung điện rồi, ra ngọ môn bố thí thức ăn, đồ mặc cho dân bần cùng. Khi trở về cung an giấc, bà nằm mộng thấy một con voi trắng sáu ngà từ trên hư không xuống, lấy ngà khai hông bên hữu của Bà mà chun vào. Bà đem điềm chiêm bao ấy thuật lại cho vua Tịnh-Phạn nghe. Vua ra lịnh mời các thầy đoán mộng. Các nhà tiên tri đoán rằng: “Hoàng hậu sẽ sinh một quý tử tài đức song toàn”. Vua Tịnh-Phạn rất mừng rỡ, vì ngôi báu từ đây sẽ có người truyền nối.”[9]

 Voi trắng : chúng ta thường thấy hình ảnh Bồ Tát Phổ Hiền cũng cỡi trên con voi trắng. Con voi là biểu hiện đại nguyện vững vàng để chuyên chở hành giả đi suốt hành trình. Còn màu trắng tượng trưng cho trắng trong, thuần khiết, cũng như bạch nghiệp (nghiệp trắng) là hết nghiệp xấu xa, tích lũy thiện nghiệp.

Sáu ngà là tượng trưng cho Lục Độ Ba La Mật

Khai hông bên hữu : tượng trưng cho nhập thế, tùy duyên, thuận lưu mà hành Đạo

Vậy “voi trắng sáu ngà từ trên hư không xuống, lấy ngà khai hông bên hữu của Bà mà chun vào”  là dấu hiệu Bồ Tát Hộ Minh từ Trời Đâu Suất mang đại nguyện Lục Độ Ba La Mật, thanh tịnh, thuần khiết, vững vàng, nhập Thai, thuận nhập vào dòng đời để hành Đạo, độ sanh.

Trong Kinh Phổ Diệu, Bồ Tát giải thích rõ lý do chọn voi trắng nhập thai Mẹ như sau :

  Có người hỏi:

        -Dùng hình gì để đến đó?

        Đáp:

        -Thứ nhất là hình voi. Voi trắng sáu ngà, quý đẹp bậc nhất. Hình voi đặc biệt xinh đẹp, oai thần rực rỡ. Sách Phạm ghi chép việc đó như vậy. Nhân đây chỉ rõ ba mươi hai tướng tốt. Vì sao? Ở đời có ba loại thú (lội nước)1. Thỏ; 2. Ngựa; 3. Voi.

Khả năng lội nước của thỏ thì chỉ tự lội. Ngựa tuy có sức mạnh đặc biệt nhưng cũng không biết được chỗ cạn sâu của dòng nước. Riêng bạch tượng thì biết tận đáy nguồn.

        Thanh văn, Duyên giác, cấp bậc đó giống như thỏ, ngựa. Tuy vượt sinh tử nhưng không đạt đến gốc pháp. Đại thừa Bồ-tát giống như bạch tượng, hiểu biết thấu suốt ba cõi, mười hai duyên khởi, rõ suốt gốc ngọn, cứu giúp tất cả, không một loài nào là không được nhờ ân cứu giúp.

        Như vậy, này các Tỳ-kheo, bấy giờ Bồ-tát ở cõi trời Đâu-suất quán sát khắp trong thiên hạ, ý muốn giáng thần vào cung vua Bạch Tịnh.[10]

 

Kinh Hoa Nghiêm[11] đã nêu rõ “Đại Bồ Tát thị hiện ở thai mẹ có mười sự” :

-     Đại Bồ Tát vì muốn thành tựu những chúng sanh tâm nhỏ hiểu kém, chẳng muốn cho họ nghĩ rằng: Nay đức Bồ Tát này tự nhiên hóa sanh trí huệ thiện căn đều tự được chẳng từ công phu tu tập. Vì cớ đây nên Bồ Tát thị hiện ở thai mẹ. Đây là sự thứ nhứt.

Thị hiện đản sanh tu hành thành Phật để làm gương, là nguồn cảm hứng và khuyến khích vô tận cho chúng sanh noi theo : Như Lai là Phật đã thành từ thân người thì tất cả chúng sanh nỗ lực tu hành đều sẽ thành Phật như Quy Sơn Cảnh Sách ghi : “Bỉ ký trượng phu, ngã diệc nhĩ” (người ta đã là đấng trượng phu, Ta cũng có thể được như vậy”.

-     Đại Bồ Tát vì thành thục phụ mẫu và các quyến thuộc, những chúng sanh đồng tu thiện căn từ đời trước nên thị hiện ở thai mẹ. Tại sao vậy? Vì những người này cần phải thấy Bồ Tát ở thai mẹ mới thành thục những thiện căn mà họ đã có. Đây là sự thứ hai.
        Vị Bồ Tát nhập vào thai, nhận các dối tượng làm cha mẹ là giúp cho họ thành tựu thiện hạnh vì đã có duyên thân quyến và cùng tu tập với nhau nhiều đời. Chính vì thế mà Bồ Tát Hộ Minh đã lựa chọn Tịnh Phạn Vương và Maya Hoàng Hậu làm cha mẹ của mình trong báo thân cuối cùng.

-     Đại Bồ Tát lúc vào thai mẹ, luôn chánh niệm chánh tri không mê lầm. Đã ở thai mẹ, tâm Bồ Tát hằng chánh niệm cũng không lầm loạn. Đây là sự thứ ba.

Chúng ta thường nghe Tổ Đức dạy : Bồ-tát còn mê khi cách ấmThanh văn còn muội lúc ra thai”. Nhưng Bồ Tát Hộ Minh thì khăc hẳn, Ngài luôn hằng chánh niệm khi ở trong thai.

-     Đại Bồ Tát ở trong thai mẹ thường diễn thuyết pháp. Chư đại Bồ Tát ở thập phương thế giới cùng Đế Thích, Phạm Thiên, Hộ Thế Tứ Thiên Vương đều đến tập hội, đều làm cho được vô lượng thần lực, vô biên trí huệ. Lúc ở trong thai mẹ, đại Bồ Tát thành tựu biện tài công dụng thù thắng như vậy. Đây là sự thứ tư.

Điều thù thắng, bất tư nghì từ sự thứ tư này cho đến sự thứ mười xảy ra theo lập trường của “Bổn Môn” và “Đức Phật Tôn Giáo”. Chúng ta từng nghe câu chuyện Mẹ của Ngài Xá Lợi Phật khi mang thai Tôn giả mà bà đã biện tài vô ngại. Trong nhà, có ông em tên Trường trảo Phạm-chí, cũng là một nhà luận sư nổi tiếng, nhưng biện luận không lại bà. Tuy người ở trong bào thai nhưng đã tích tụ, huân tập nhân trí tuệ nhiều đời, nhiều kiếp, tục ngữ có câu : “khôn từ thuở lên ba, dại già đầu cũng dại”. Truyền thống Mật Tông Tây Tạng có những Lạt Ma tái sanh khi còn trẻ mà đã lên pháp tòa giảng cho hàng nghìn người nghe, trong đó có những bậc Trưởng Lão nghe, cho nên việc khôn biết hay trí tuệ không phải tính đếm năm tháng học hỏi trong đời này mà đó là kết quả tổng hợp từ nhiều đời nhiều kiếp về trước nữa.

-     Đại Bồ Tát ở trong thai mẹ nhóm họp đại hội, dùng sức bổn nguyện giáo hoá tất cả chúng Bồ Tát. Đây là sự thứ năm.

Hành trình thuyết Pháp độ sanh của một vị Đại Bồ Tát không phải đợi cho đến khi thành tựu chánh đẳng chánh giác mà khi trong bào thai của báo thân vẫn tiếp tục sứ mệnh hoằng Pháp, điều đó giải thích tại sao có vô lượng chư Bồ Tát đã từng thọ ơn Đức Phật Thích Ca Mâu Ni giáo hóa họ từ trong tiền kiếp và Ngài vẫn tiếp tục làm điều đó ngay cả khi đang ở trong bào thai của Hoàng Hậu Maya.

-     Đại Bồ Tát thành Phật ở trong loài người thời phải đủ sự thọ sanh tối thắng. Do cớ này nên thị hiện ở thai mẹ. Đây là sự thứ sáu.

Sự thứ sáu này khẳng định hai điều : 1/ phải thọ sanh, phải mang thân người, chứ không phải là một vị Phật nào đó bay thẳng từ hư không vào Ta Bà thế giới rồi tuyên bố rằng : Ta là Phật đã thành, Ta đến đây để thuyết pháp độ sanh, mọi người hãy lắng nghe với trọn niềm tin tưởng. 2/ Thọ sanh tối thắng : chứ không phải là một thọ sanh bình thường, từ cha mẹ, quốc độ, cho đến nơi chốn đản sinh – Lâm Tỳ Ni, quang cảnh, những hiện tượng xảy ra với 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp, tất cả đều thù thắng.

-     Đại Bồ Tát ở trong thai mẹ, chúng sanh trong Đại Thiên thế giới đều thấy Bồ Tát như thấy bóng mình hiện rõ trong gương. Bấy giờ chư Thiên, Long, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, Nhơn, Phi nhơn v.v…những hàng có đại tâm, đều đến chỗ Bồ Tát để cung kính cúng dường. Đây là sự thứ bảy.

Chúng ta thường nghe Đức Phật là bậc Thầy của Trời Người, cha lành chung muôn loại. Dù Bồ Tát ở trong bào thai nhưng không gián cách, chúng sanh đều trông thấy rõ ràng và đều có cách gần gũi cúng dường Bồ Tát được. Bồ Tát vẫn không ngừng làm điểm tựa, ruộng phước điền cho tất cả hạng chúng sanh.

-     Đại Bồ Tát ở trong thai mẹ, tất cả tối hậu sanh Bồ Tát ở thai mẹ trong mười phương đều đến cùng hội họp diễn thuyết pháp môn đại tập tên là quảng đại trí huệ tạng. Đây là sự thứ tám.

Không phải chỉ có Bồ Tát Hộ Minh mới nhập thai Mẹ để thành tựu Bồ Tát Hạnh mà ngoài Ta Bà thế giới còn có vô lượng vô biên, vô số thế giới, có rất nhiều “tất cả tối hậu sanh Bồ Tát ở thai mẹ trong mười phương” đều đến cùng hội họp diễn thuyết pháp môn đại tập tên là quảng đại trí huệ tạng với Ngài. Đây là ý nghĩa “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” và “đạo cảm thông không thể nghĩ bàn”

-     Đại Bồ Tát ở trong lúc thai me nhập ly cấu tạng tam muội. Dùng sức tam muội ở trong thai mẹ hiện cung điện lớn trang nghiêm tốt đẹp. Thiên cung Đâu Suất không sánh kịp. Nhưng thân mẹ vẫn an ổn vô sự. Đây là sự thứ chín.

Bồ Tát ở trong bào thai không phải khòm cúi, chật chột, ấm ức, khó chịu, nhẫn nại mà lại có thể : Dùng sức tam muội ở trong thai mẹ hiện cung điện lớn trang nghiêm tốt đẹp. Thiên cung Đâu Suất không sánh kịp. Quả nhiên, sự gá mượn chỗ bào thai đó chỉ là thuận theo phong tục vào đời của thế gian mà thôi chứ với các Ngài thì : tùy sở trụ xứ thường an lạc (tùy theo chỗ ở thường an lạc). Không phải các Ngài thụ động trước hoàn cảnh mà là tạo ra hoàn cảnh tối thắng theo ý nguyện nhưng chỉ vì hàng phàm phu không thấy được mà thôi.

-     Đại Bồ Tát lúc ở thai mẹ dùng oai lực sắm đồ cúng dường tên là khai đại phước đức ly cấu tạng khắp đến tất cả thế giới mười phương để cúng dường tất cả chư Phật Như Lai. Chư Như Lai đó đều vì đại Bồ Tát mà diễn nói vô biên Bồ Tát ở pháp giới tạng. Đây là sự thứ mười.

Đó cũng tương ứng với 3 hạnh nguyện đầu trong 10 hạnh nguyện của Phổ Hiền Bồ Tát : Lễ Kính chư Phật, xưng tán Như Lai, quảng tu cúng dường,…Đại Bồ Tát vẫn thực hành những điều này không gián đoạn, cho dù là thời gian đang ở trong bào thai.

 

Tương ứng với 10 sự thù thắng trên được ghi rõ trong Kinh Hoa Nghiêm, Kinh Hy hữu vị tằng hữu pháp (Acchariya-abbhùtadhamma sutta), Kinh Trung Bộ số 123, tuy là thuộc lập trường Phật Giáo Nguyên Thủy với thiên hướng “tả chân” về Đức Phật Lịch Sử cũng nêu ra những điều vị tằng hữu (chưa từng có) như sau :

 

Bạch Thế Tôn, con tận mặt nghe, con tận mặt ghi nhớ từ Thế Tôn: "Chánh niệm tỉnh giác này Ananda, Bồ-tát sau khi từ Thiên chúng Tusita mạng chung, nhập vào mẫu thai". Vì rằng, bạch Thế Tôn, chánh niệm tỉnh giác, Bồ-tát sau khi từ Thiên chúng Tusita mạng chung, nhập vào mẫu thai, con thọ trì sự việc này, bạch Thế Tôn, là một hy hữu, một vị tằng hữu của Thế Tôn.

Bạch Thế Tôn, con tận mặt nghe, con tận mặt ghi nhớ từ Thế Tôn: "Khi Bồ-tát nhập vào mẫu thai, này Ananda, khi ấy một hào quang vô lượng, thần diệu, thắng xa oai lực của chư Thiên hiện ra cùng khắp thế giới, gồm có các thế giới ở trên chư Thiên, thế giới của các Ma vương và Phạm thiên và thế giới ở dưới gồm các vị Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người. Cho đến các thế giới ở giữa các thế giới, tối tăm, u ám không có nền tảng, những cảnh giới mà mặt trăng mặt trời với đại thần lực, với đại oai lực như vậy cũng không thể chiếu thấu, trong những cảnh giới ấy, một hào quang vô lượng, thắng xa oai lực của chư Thiên hiện ra. Và các chúng sanh sống tại những chỗ ấy nhờ hào quang ấy mới thấy nhau và nói: "Cũng có những chúng sanh khác sống ở đây". Và mười ngàn thế giới này chuyển động, rung động, chuyển động mạnh. Và hào quang vô lượng, thần diệu, thắng xa oai lực của chư Thiên hiện ra ở thế giới. Vì rằng, bạch Thế Tôn, con thọ trì sự việc này, bạch Thế Tôn, là một hy hữu, một vị tằng hữu của Thế Tôn".

Bạch Thế Tôn, con tận mặt nghe, con tận mặt ghi nhớ từ Thế Tôn: "Khi Bồ-tát nhập mẫu thai, này Ananda, bốn vị Thiên tử đến canh gác bốn phương trời và nói: "Không cho một ai, người hay không phải loài người được phiền nhiễu Bồ-tát, hay mẹ vị Bồ-tát". Vì rằng, bạch Thế Tôn, con thọ trì sự việc này, bạch Thế Tôn, là một hy hữu, một vị tằng hữu của Thế Tôn".

Bạch Thế Tôn, con tận mặt nghe, con tận mặt ghi nhớ từ Thế Tôn: "Khi Bồ-tát nhập mẫu thai, này Ananda, mẹ Bồ-tát giữ giới một cách hồn nhiên, không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói láo, không uống các thứ rượu nấu, rượu lên chất men". Vì rằng, bạch Thế Tôn, con thọ trì sự việc này, bạch Thế Tôn, là một hy hữu, một vị tằng hữu của Thế Tôn.

Bạch Thế Tôn, con tận mặt nghe, con tận mặt ghi nhớ từ Thế Tôn: "Khi Bồ-tát nhập mẫu thai, này Ananda, mẹ Bồ-tát không khởi dục tâm đối với một nam nhân nào, và mẹ Bồ-tát không bị xâm phạm bởi bất kỳ người đàn ông nào có nhiễm tâm". Vì rằng, bạch Thế Tôn, con thọ trì sự việc này, bạch Thế Tôn, là một hy hữu, một vị tằng hữu của Thế Tôn.

Bạch Thế Tôn, con tận mặt nghe, con tận mặt ghi nhớ từ Thế Tôn: "Khi Bồ-tát nhập mẫu thai, này Ananda, mẹ vị Bồ-tát tận hưởng năm dục công đức đầy đủ, tận hưởng trọn năm dục công đức". Vì rằng, bạch Thế Tôn, con thọ trì sự việc này, bạch Thế Tôn, là một hy hữu, một vị tằng hữu của Thế Tôn.

Bạch Thế Tôn, con tận mặt nghe, con tận mặt ghi nhớ từ Thế Tôn: "Khi Bồ-tát nhập mẫu thai, này Ananda, mẹ Bồ-tát không bị một bệnh tật gì. Bà sống với tâm hoan hỷ, với tâm khoan khoái. Bà thấy trong bào thai của mình vị Bồ-tát đầy đủ mọi bộ phận và chân tay. Này Ananda, ví như viên ngọc lưu ly, thanh tịnh, thuần nhất, có tám cạnh, khéo cắt, khéo dũa, trong sáng, không tỳ vết, hoàn hảo trong mọi phương diện. Rồi một sợi dây được xâu qua viên ngọc ấy, dây màu xanh, màu vàng, màu đỏ, màu trắng hay màu vàng lợt. Nếu có người có mắt để viên ngọc trên bàn tay của mình, người ấy sẽ thấy rõ ràng: "Đây là viên ngọc lưu ly, thanh tịnh, thuần nhất, có tám cạnh, khéo cắt, khéo dũa, trong sáng, không tỳ vết, hoàn hảo trong mọi phương diện. Đây là sợi dây xâu qua, sợi dây màu xanh, màu vàng, màu đỏ, màu trắng hay màu vàng lợt". Cũng vậy, này Ananda, khi Bồ-tát nhập mẫu thai, mẹ Bồ-tát không bị một bệnh tật gì. Bà sống với tâm hoan hỷ, với tâm khoan khoái. Bà thấy trong bào thai của mình vị Bồ-tát đầy đủ bộ phận và chân tay". Vì rằng, bạch Thế Tôn, con thọ trì sự việc này, bạch Thế Tôn, là một hy hữu, một vị tằng hữu của Thế Tôn.

 

Kinh Đại bổn (Mahàpadàna sutta), Trường Bộ Kinh[12], Digha Nikaya số 14 cũng nêu ra những điều thù thắng tương tự khi Vị Đại Bồ Tát nhập thai mẹ.

Tóm lại, Bồ Tát Hộ Minh, nhập thai không phải giống như chúng sinh thông thường với nghiệp lực lôi dẫn, tinh cha huyết mẹ, dục ái kết nên, trong bào thai chật chội, đầy cấu uế mà là với nguyện lực, chủ động, lựa chọn cha mẹ, trú xứ, hoàn toàn tinh khiết, đầy đủ chánh niệm, nghiêm hành giới luật, sáng suốt, chói sáng, chư Bồ Tát, thánh thần, các loài vậy quanh cúng dường, học hỏi và có thể tùy ý gần gũi phụng sự chư Phật mười phương,… Đó quả là những điều thù thắng của một vị Bồ Tát khi nhập thai và ở trong thai mẹ.

 

Thế còn việc đản sanh của Bồ Tát Hộ Minh thì sao?

 

Phật Học Phổ Thông mô tả sự kiện đản sanh Bồ Tát Tất Đạt Đa như sau : “Đến sáng ngày mồng tám tháng tư âm lịch (trước Tây lịch 624 năm), tại vườn Lâm-tỳ-ni, cách thành Ca-tỳ-la-vệ 15 cây số, hoàng hậu Ma-Da đang ngoạn cảnh, trông thấy cành hoa vô ưu mới nở, thơm ngát, bà đưa tay phải vói hái, thì thái tử cũng vừa xuất hiện ngay đấy.

 

Ngày đản sinh thái tử, trong thành Ca-tỳ-la-vệ, cảnh vật đều vui vẻ lạ thường, khí hậu mát mẻ, cây cỏ đều đơm hoa trổ trái; sông, ngòi, mương, giếng nước đều trong đầy; trên hư không chim chóc và hào quang chiếu sáng cả mười phương.”[13]

Kinh Thái tử thụy ứng bản khởi (ĐTK/ĐCTT, T3, tr.473C), do cư sĩ Chi Khiêm dịch vào đời Đông Ngô (222-280) gồm 2 quyển. Nơi quyển 1, đoạn thuật lại ngày Đản sinh của Đức Phật ghi: “… Tức hành thất bộ, cử hữu thủ trụ nhi ngôn“Thiên thượng thiên hạ duy ngã vi tôn. Tam giới giai khổ hà khả lạc giả?”. (... Thái tử liền đi bảy bước, giơ tay phải lên, dừng lại và nói: Trên trời dưới trời, chỉ có Ta là tôn quý. Ba cõi đều khổ, ai là người có thể đem lại sự an lạc?).

Kinh Quá khứ hiện tại nhân quả (ĐTK/ĐCTT, T3, tr.625A), do Đại sư Cầu-sa-bạt-đà-la, dịch vào đời Lưu Tống (420-478), viết: “Bồ-tát tiệm tiệm tùng hữu hiếp xuất... Vô phù thị giả, tự hành thất bộ, cử kỳ hữu thủ, nhi sư tử hống: Ngã ư nhất thiết thiên nhân chi trung tối tôn tối thắng. Vô lượng sinh tử ư kim tận hỷ”. (Bồ-tát dần dần từ nơi hông bên phải sinh ra... không người vịn đỡ, tự đi bảy bước, giơ cao tay phải, lời nói như tiếng sư tử gầm: Ta, đối với tất cả hàng Trời, Người, là bậc tối tôn tối thắng. Vô lượng nẻo sinh tử từ nay sẽ dứt sạch).

 

Kinh Dị Xuất Bồ Tát Bản Khởi trong Trường A Hàm đã mô tả sự đản sinh của Bồ Tát Tất Đạt Đa như sau :

 

“Thái tử chọn lúc nửa đêm ngày mồng tám tháng tư để ra đời. Từ hông bên phải Hoàng hậu, Thái tử bước ra ngoài, bước đi bảy bước, bàn chân không chạm đất cao khỏi mặt đất bốn tấc, đưa tay phái lên cao và nói:

 

-Khắp cõi thế gian trên trời dưới đất, không một ai tôn quý hơn Ta!

 

Ngay khi đó, bốn vị Thiên vương hiện xuống đảnh lễ, rồi đặt Thái tử nằm trên ghế bằng vàng óng ánh, dùng nước ấm rửa sạch thân hình khiến vua, hoàng hậu và mọi người đều kinh ngạc. Lúc Thái tử mới sinh ra, trên đến cõi Tam thập tam thiên, dưới tới địa ngục Nê-lê thứ mười sáu ánh sáng rực rỡ, tỏa rộng ra khắp nơi, một vạn hai ngàn cõi trời đất, đất trời đều chuyển động khi đó Thái tử mới trở lại là một trẻ thơ bình thường. Nhũ mẫu dùng một chiếc túi gấm, đặt Thái tử vào trong rồi trao cho Hoàng hậu lo việc nuôi dưỡng Thái tử, đặt tên là Tất-đạt. Khi mới sinh, thân của Ngài đã có đủ ba mươi hai tướng tốt.”[14]

Có người sẽ thắc mắc : tại sao Giáo Pháp dạy về Vô Ngã, còn câu tuyên bố như vậy : trên trời dưới đất không ai bằng Ta vậy có phải là đang phô trương bản Ngã và tự đề cao mình quá mức hay không? Ngoài ra, câu : Vô lượng nẻo sinh tử từ nay dứt sạch vậy là thế nào? Mới sinh ra chứ có phải là tu hành thành Đạo rồi đâu mà tuyên bố hùng hồn như vậy? Nếu xác định mình đã ra khỏi luân hồi sanh tử thì cần gì phải tìm Đạo hay tu hành gì nữa?

 

Nhưng Thiên thượng thiên hạ duy ngã vi tôn ( hoặc độc tôn), “ngã” ở đây theo Bắc Truyền Phật Giáo ( Phật Giáo phát triển) chỉ cho Chơn Như, Chơn Tâm, Phật Tánh, Như Lai Tạng, Viên Giác, Viên Thành Thật Tánh, … chứ không phải cái bản ngã riêng của một ai đó. Quả nhiên trong trời dưới đất không có gì quý bằng những chơn Ngã hay những thể tánh thanh tịnh sáng suốt, tròn đầy nêu trên. Còn vòng luân hồi sẽ chấm dứt, đó là điều chắc chắn vì Bồ Tát Hộ Minh biết đây là báo thân cuối cùng, đến Ta Bà thế giới để hoàn thành Bồ Tát Hạnh và thành Phật, ra ngoài luân hồi sanh tử, nếu không phải vì vậy thì Ngài đã tiếp tục ở cung trời Đâu Suất chứ chưa đến với Ta Bà thế giới.

Về chi tiết đi trên 7 bước Hoa Sen sau khi đản sinh, Kinh Thái Tử Thụy Ứng Bản Khởi cũng như kinh Ưu Bà Di Tịnh Hạnh Diệu Pháp môn phẩm Thụy Ứng ghi lại như sau: “Sự Đản sinh ấy được đánh dấu qua tiến trình bảy bước nở hoa sen.

1. Bước thứ nhất: 

Đức Phật nhìn về Phương Đông và bảo rằng: “Phương Đông ấy chính là ngọn đuốc soi đường tối thượng cho chúng sinh trong mọi lĩnh vực”. (Thị Đông phương vị chúng sinh vi đạo thủ cố). Đức Phật lấy phương mặt trời mọc để chỉ cho sự phát huy trí tuệ.

2. Bước thứ hai: 

Đức Phật nhìn về phương Nam và bảo rằng: “Phương Nam ấy chính là ruộng phước an lành cho chúng sinh gieo gặt”. (Thị Nam phương vị chúng sinh lương phước điền cố). Đức Phật lấy phương Nam để chỉ cho chúng sinh nhờ phát huy trí tuệ, biết quán chiếu vào sâu trong lòng thực tại nên biết quy hướng về những nghiệp nhân tốt lành.

3. Bước thứ ba: 

Đức Phật nhìn về phương Tây và bảo rằng: “Phương Tây ấy chỉ cho chúng sanh cách hóa giải động cơ sinh tử, chấm dứt sanh thân cuối cùng”.(Thị Tây phương vị chúng sanh dĩ tối hậu thân cố). Phương Tây là phương mặt trời lặn, để chỉ cho sự an nghỉ tuyệt đối của tâm thức.

4. Bước thứ tư: 

Đức Phật nhìn về phương Bắc và bảo rằng: “Phương Bắc ấy chỉ cho chúng sanh là ta đã được đạo quả vô thượng chánh đẳng chánh giác”. (Thị Bắc phương vị chúng sanh ngã đắc A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề). Đến đây, đức Phật bắt đầu vận chuyển bánh xe pháp. Ngài như vị lương y biết bệnh tâm của chúng sinh, ai bị bệnh nặng thì được Ngài cứu trước. Vì vậy, Ngài chuyển qua bước thứ năm tiếp cận với cuộc đời để tùy duyên mà hóa độ.

5. Bước thứ năm: 

Đức Phật nhìn xuống phương dưới và bảo rằng: “Phương dưới ấy ta sẽ giúp cho chúng sanh chinh phục ma lực để vượt thoát khổ đau” (Thị Hạ phương vị chúng sanh dị dục hàng ma cố). Vì lòng thương tưởng đến nhân sinh đang có nhiều đau khổ do cố chấp, tham lam, sân hận… gây ra, nên Ngài tùy duyên tuyên thuyết chân lý để cho mọi người lần lượt từ bỏ những tham chấp ấy.

6. Bước thứ sáu: 

Đức Phật chỉ lên phương trên và bảo rằng: “Phương trên ấy là chỉ cho chúng sanh đang sống đúng với năm nhân cách và tu tập mười thiện nghiệp” (Thị Thượng phương vị chúng sanh quy y thiên nhân cố). Đây là những thiện nghiệp cần hướng tới thực tập để thoát khỏi khổ đau.

7. Và cuối cùng là bước thứ bảy: 

Đức Phật một tay chỉ lên, một tay chỉ xuống và bảo rằng: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn. Vô lượng sinh tử, ư kim hỷ tận”. Ta bị trôi lăn trong ba cõi sáu đường đều do ngã chấp chi phối, và đến kiếp này là sinh thân cuối cùng của ta vậy.”[15]

 

Như vậy đi bảy bước trên bảy hoa sen, chính Đức Phật đã giải thích từng bước đi. Số 7 đó cũng là con số tâm linh, triết học chỉ cho sự các tường, đầy đủ nhất. Mỗi tuần có 7 ngày, nhạc thì có 7 tông, màu sắc cũng có 7 màu chính, vũ trụ hiện hữu gồm có thời gian và không gian, thời gian có 3 : quá khứ, hiện tại, vị lai, không gian có : Đông, Tây, Nam, Bắc.

Thánh quả cũng có 7 quả vị : 4 quả thanh văn + Duyên Giác + Bồ Tát + Phật

Phật Thích Ca cũng là Phật thứ 7 ở Ta Bà thế giới :

1- Phật Tỳ Bà Thi

2- Phật thi Khí

3- Phật Tỳ Xá Phù

4- Phật Câu Lưu Tôn

5- Phật Câu Na Hàm Mâu Ni

6- Phật Ca Diếp

7- Phật Thích Ca


7 bước đi trên 7 hoa sen gợi trực tiếp cho chúng ta về Thất Bồ Đề Phần và đạt được Thất Thánh Tài mà mỗi hành giả phải hoàn thiện trên đường tu tập.

Hoa Sen chỉ cho thanh khiết, không nhiễm ô, Hoa Sen là loài hoa : gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn, cũng như hành giả Bồ Tát ở giữa chốn trần gian mà không bị mảy may ô nhiễm, lại có thể thanh tịnh hóa nhân gian. Ở cõi Tây Phương Cực Lạc, các vị Bồ Tát sinh về nơi ấy ngự trong Hoa Sen.

Phầm trong Kinh Hoa Nghiêm ghi rõ ý nghĩa 7 bước đi của Bồ Tát khi đản sinh :

“Chư Phật tử! Đại Bồ Tát có mười sự mà thị hiện đi bảy bước:
Vì hiện Bồ Tát lực mà thị hiện đi bảy bước. Vì hiện xả thí bảy Thánh tài mà thị hiện đi bảy bước.
Vì cho địa thần thỏa nguyện nên thị hiện đi bảy bước. Vì hiện tướng siêu tam giới nên thị hiện đi bảy bước.
Vì hiện bước đi tối thắng của Bồ Tát hơn hẳn bước đi của tượng vương, ngưu vương, sư tử vương mà thị hiện đi bảy bước. Vì hiện tướng Kim cang địa mà thị hiện đi bảy bước.
Vì hiện muốn ban cho chúng sanh sức dũng mãnh mà thị hiện đi bảy bước.
Vì hiện tu hành thất giác bửu mà thị hiện đi bảy bước.
Vì hiện pháp đã được chẳng do người khác dạy nên thị hiện đi bảy bước.
Vì hiện là tối thắng vô tỷ ở thế gian nên thị hiện đi bảy bước.
Đại Bồ Tát vì điều phục chúng sanh nên thị hiện đi bảy bước như vậy.” [16]

 

Kinh Hy hữu vị tằng hữu pháp đã mô tả sự kiện đản sanh Bồ Tát Tất Đạt Đa như sau :

“ Bạch Thế Tôn, con tận mặt nghe, con tận mặt ghi nhớ từ Thế Tôn: "Trong khi các người đàn bà khác, này Ananda, hoặc ngồi hoặc nằm mà sanh con, mẹ vị Bồ-tát sanh Bồ- tát không phải như vậy. Mẹ Bồ-tát đứng mà sanh Bồ-tát". Vì rằng, bạch Thế Tôn, con thọ trì sự việc này, bạch Thế Tôn, là một hy hữu, một vị tằng hữu của Thế Tôn.

Sanh với tư thế này và khi Hoàng Hậu Maya hái cánh hoa vô ưu thì thật là khỏe nhẹ và sạch sẽ, không cấu nhiễm.

Bạch Thế Tôn, con tận mặt nghe, con tận mặt ghi nhớ từ Thế Tôn: "Khi Bồ-tát từ bụng mẹ sanh ra, này Ananda, chư Thiên đỡ lấy Ngài trước, sau mới đến loài người". Vì rằng, bạch Thế Tôn, con thọ trì sự việc này, bạch Thế Tôn, là một hy hữu, một vị tằng hữu của Thế Tôn.

Vị Bồ Tát có công đức và phước đức lớn, Ngài vốn ở Cung trời Đâu Suất nên chư Thiên thường thân cận, học hỏi, nay Ngài đến Ta Bà thì chư Thiên vẫn luôn quanh quẩn ủng hộ, trợ duyên, đó là đạo nghĩa gắn kết xưa nay giữa Ngài và chư Thiên.

Bạch Thế Tôn, con tận mặt nghe, con tận mặt ghi nhớ từ Thế Tôn: "Khi Bồ-tát từ bụng mẹ sanh ra, này Ananda, Bồ-tát không đụng đến đất. Có bốn Thiên tử đỡ lấy Ngài, đặt Ngài trước bà mẹ và thưa: "Hoàng hậu hãy hoan hỷ! Hoàng Hậu sanh một bậc vĩ nhân". Vì rằng, bạch Thế Tôn, con thọ trì sự việc này, bạch Thế Tôn, là một hy hữu, một vị tằng hữu của Thế Tôn.

Khi Chư Thiên luôn hiện diện kể từ khi Bồ Tát nhập thai thì Chư Thiên sẽ không để Ngài đản sanh phải chạm đất : vừa va chạm thân thể có thể đau đớn, vừa ô nhiễm, chư Thiên đỡ lấy Ngài và màng trao cho Hoàng Hậu là điều hợp lý. Chắc chắn Ngài là một vĩ nhân, vì xưa nay chư Thiên từng tiếp cận học hỏi với Ngài ở cung trời Đâu Suất đã biết rõ điều đó.

Bạch Thế Tôn, con tận mặt nghe, con tận mặt ghi nhớ từ Thế Tôn: "Khi Bồ-tát từ bụng mẹ sanh ra, này Ananda, Ngài sanh ra thanh tịnh, không bị nhiễm ô bởi nước nhớt nào, không bị nhiễm ô bởi loại mủ nào, không bị nhiễm ô bởi loại máu nào, không bị nhiễm ô bởi bất cứ vật bất tịnh nào, thanh tịnh, trong sạch. Này Ananda, ví như một viên ngọc ma-ni bảo châu đặt trên một tấm vải Ba-la-nại. Viên ngọc không làm nhiễm ô tấm vải Ba-la-nại, tấm vải Ba-la-nai cũng không làm nhiễm ô hòn ngọc. Vì sao vậy? Vì cả hai đều thanh tịnh. Cũng vậy, này Ananda, khi Bồ-tát từ bụng mẹ sanh ra, Ngài sanh ra thanh tịnh, không bị nhiễm ô bởi nước nhớt nào, không bị nhiễm ô bởi loại mủ nào, không bị nhiễm ô bởi loại máu nào, không bị nhiễm ô bởi bất cứ vật bất tịnh nào, thanh tịnh, trong sạch". Vì rằng, bạch Thế Tôn, con thọ trì sự việc này, bạch Thế Tôn, là một hy hữu, một vị tằng hữu của Thế Tôn.

Đứa bé thông thường sinh ra từ bụng mẹ thì dơ dáy nhưng Ngài thì khác, với cách sinh với tư thế đứng và chư Thiên đỡ như vậy nên hoàn toàn thanh tịnh, sạch sẽ.

Bạch Thế Tôn, con tận mặt nghe, con tận mặt ghi nhớ từ Thế Tôn: "Khi Bồ-tát từ bụng mẹ sanh ra, này Ananda, hai dòng nước từ hư không hiện ra, một dòng lạnh, một dòng nóng. Hai dòng nước ấy tắm rửa sạch sẽ cho Bồ-tát và cho bà mẹ". Vì rằng, bạch Thế Tôn, con thọ trì sự việc này, bạch Thế Tôn, là một hy hữu, một vị tằng hữu của Thế Tôn.

Nay Lễ Phật Đản có nghi thức “Tắm Phật” xuất phát từ điều này. Nhiều sách vở ghi : chín Rồng phun nước nóng lạnh để tắm gội Thải Tử. Hai vòi đó còn tượng trưng cho sự kham nhẫn, chấp nhận thuận nghịch của cuộc đời. Hành giả tu tập phải luôn luôn lo tẩy uế, tẩy trừ trược cấu nơi mình, như Phật tử thường tụng đọc bài kệ khi tắm Phật :

Con nay rưới tắm các Như Lai

Trí sạch trang nghiêm công đức lớn

Chúng sanh năm trược rời cấu trần

Cùng chứng Như Lai tịnh pháp thân.

Trong thành Tỳ Gia chưa từng sinh

Giữa cây Sa La chưa từng diệt

Bất sinh bất diệt đức Cồ Đàm

Trong mắt nhìn xem càng thêm bớt.

Sáng nay là mồng tám tháng tư

Cung vua Tịnh Phạn sinh Tất Đạt

Chín rồng phun nước ngoài trời đến

Hoa sen đỡ bước theo đất mọc.

Án mâu ni, mâu ni, tam mâu ni, tát bà ha.

Lâm Tỳ Ni là một trong những nơi quan trọng bậc nhất của thánh tích Phật giáo. Nhà khảo cổ người Đức, ông Fuhrer, phát hiện vào năm 1895 tàn tích trụ đá vua A Dục (Asoka) nhân một cuộc du ngoạn dưới chân một ngọn đồi thuộc rặng núi Churia. Lâm Tỳ Ni khi Đại đế Asoka đến viếng thì vẫn còn là một thị trấn thịnh vượng có nhiều cảnh trí nên thơ. Nhà vua đã cho dựng bốn ngọn tháp và một trụ đá bằng sa thạch có tượng một con ngựa trên đầu trụ. Trên trụ đá ngày nay chúng ta vẫn còn thấy hàng chữ: "Sau hai mươi năm lên ngôi, vua Priyadarsi, người được chư Thiên yêu mến, đã thân hành viếng thăm và cúng dường cũng như lễ bái nơi đây, bởi vì Đức Phật, thánh nhân dòng họ Thích, đã được sanh ra nơi đây"[17].

 

Lâm Tỳ Ni đã từng là nơi mà những nhà chiêm bái học giả như Ngài Pháp Hiền vào thế kỷ thứ V và Ngài Huyền Trang vào thế kỷ thứ VII, cũng như Ngài Thích Minh Châu vào thế kỷ thứ XX đến thăm viếng đảnh lễ. Trong cuốn Phật Quốc ký, Ngài Pháp Hiền đã ghi lại: "Năm mươi lý về phía Đông của cung thành là một vườn ngự uyển mang tên Lâm Tỳ Ni; chính nơi đây Hoàng Hậu đã tắm rửa và sau đó đi về phía Bắc khoảng hai mươi trượng. Người vịn vào một nhánh cây, khi dõi mắt về phương Đông, Hoàng Hậu đã sanh ra Thái Tử. Khi sanh ra, Thái Tử đã đi bảy bước và hai vị vua rồng đã phun nước để rửa thân thể Ngài. Nơi này về sau đã được đào thành một cái giếng, ở đây nó giống như là một cái hồ, những nhà sư dùng nước trong đó để uống"[18]

Bạch Thế Tôn, con tận mặt nghe, con tận mặt ghi nhớ từ Thế Tôn: "Bồ-tát khi sanh ra, này Ananda, Ngài đứng vững, thăng bằng trên hai chân, mặt hướng phía Bắc, bước đi bảy bước, một lọng trắng được che lên. Ngài nhìn khắp cả mọi phương, lên tiếng như con ngưu vương, thốt ra lời như sau: "Ta là bậc tối thượng ở trên đời! Ta là bậc tối tôn ở trên đời! Ta là bậc cao nhất ở trên đời! Nay là đời sống cuối cùng, không còn phải tái sanh ở đời này nữa". Vì rằng, bạch Thế Tôn, con thọ trì sự việc này, bạch Thế Tôn, là một hy hữu, một vị tằng hữu của Thế Tôn.

Một lần nữa khẳng định rằng : Bồ Tát Tất Đạt Đa không phải phô trương bản Ngã mà Ngài chỉ tuyên bày sự thật. Sự thật thì Ngài đã tu Ba La Mật vô lượng vô biên a tăng kỳ kiếp và Ngài chờ cơ duyên để đến Ta Bà thế giới thọ nhận báo thân cuối cùng thì không ai có thể hơn Ngài được nữa. Ví dụ, đến ngày Bồ Tát Di Lặc từ cung trời Đâu Suất đản sanh vào thế gian với báo thân lần cuối thì Ngài hoàn toàn có thể tuyên ngôn như vậy, bởi vì đâu có ai đủ công đức phước đức và thọ nhận báo thân cuối cùng để thành tựu Chánh Đẳng Chánh Giác như vị ấy đâu. Đạo Phật dạy mọi người nhìn thẳng, nói đúng và chấp nhận sự thật. Đó là sự thật rõ ràng thì không có gì gọi là : phô trương bản Ngã. Đó chỉ là xác định chí nguyện và hướng đi của mình.

“Nay là đời sống cuối cùng, không còn phải tái sanh ở đời này nữa” : Ngài noi gương các vị Phật tiền kiếp, học Đạo và biết rõ cơ duyên đã đến, đây là lần cuối Ngài thọ nhận báo thân con người. Ngài sẽ hoàn thành Ba La Mật và chức đắc Đạo quả trong kiếp này : đây cũng là biết chắc chắn và là sự thật.

Bạch Thế Tôn, con tận mặt nghe, con tận mặt ghi nhớ từ Thế Tôn: "Khi Bồ-tát từ bụng mẹ sanh ra, này Ananda, khi ấy một hào quang vô lượng thần diệu, thắng xa oai lực của chư Thiên, hiện ra cùng khắp thế giới, gồm có các thế giới trên chư Thiên, thế giới của các Ma vương và Phạm thiên, và thế giới ở dưới gồm các Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người. Cho đến các cảnh giới giữa các thế giới, tối tăm, u ám, không có nền tảng, những cảnh giới mà mặt trăng mặt trời với đại thần lực, đại oai lực như vậy cũng không thể chiếu thấu, trong những cảnh giới ấy một hào quang vô lượng, thắng xa oai lực chư Thiên hiện ra. Và các chúng sanh sống tại các chỗ ấy, nhờ hào quang ấy mới thấy nhau mà nói: "Cũng có những chúng sanh khác sống ở đây". Và mười ngàn thế giới này chuyển động, rung động, chuyển động mạnh. Và hào quang vô lượng thần diệu, thắng xa oai lực của chư Thiên hiện ra ở thế giới. Vì rằng, bạch Thế Tôn, con thọ trì sự việc này, bạch Thế Tôn là một hy hữu, một vị tằng hữu của Thế Tôn.”

Ngài vốn có nhiều công đức, phước đức thì một hào quang vô lượng thần diệu chiếu khắp nơi nơi ấy cũng là điều tất nhiên, dấu hiệu của những bậc Đại Bồ Tát vào đời. Theo văn hóa phương Đông, các nhà chiêm tinh nhìn thấy sao sáng phương nào thì biết nơi ấy có một bậc vĩ nhân. Với văn hóa văn chương như vậy thì có một hào quang vô lượng thần diệu chiếu khắp nơi nơi là điều tất yếu trong ước lệ văn chương mô tả bậc vĩ nhân xuất thế.

Có những giả thuyết sau này cho rằng : vì Hoàng Hậu Maya đi sanh con giữa đường, thiếu phương tiện thuốc men  lúc đó tại Lâm Tỳ Ni cho nên mắc bệnh sản hậu và chết sớm, 7 ngày sau khi Thái tử ra đời. Nhưng nói như vậy là không có cơ sở bởi 2 lý do:

Thứ nhất : Hoàng Hậu Maya khi mang bầu nhiều tháng như vậy và đi xa thì Tịnh Phạn Vương chắc chắn cắt đặt những vị lương y giỏi nhất đi theo cùng để hầu hạ cho Hoàng Hậu.

Thứ hai : ngay trong Phật Học Phổ Thông, sau khi tham chiếu nhiều tài liệu về đản sinh Thái Tử Tất Đạt Đa, cố HT Thích Thiện Hoa cũng nêu rõ : “Hoàng hậu Ma-Da sau khi sinh thái tử được bảy ngày, vui thú quá vì thấy mình đã làm tròn nhiệm vụ cao quý, và đã rửa sạch nghiệp báo nên bà trút được xác phàm và sinh về cõi trời Đao Lợi.”[19]

Tóm lại sự kiện đản sinh Bồ Tát Tất Đạt Đa lại càng có nhiều điều thù thắng chưa từng có : từ một không gian mở, thiên nhiên như Lâm Tỳ Ni để dễ dàng cho Bồ Tát đi trên 7 bước hoa sen và nhiều loài cùng vân tập, vui mừng cho đến cách thức ra đời, mẹ sinh đứng khi hái hoa, đi trên bảy bước hoa sen, có hai vòi nước trong không gian phun vào để tắm, lời tuyên bố hùng hồn, chư Thiên đỡ Bồ Tát trao cho Hoàng Hậu Maya,….tất cả hòa quyện tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp. Đó là một sự kiện quý giá hy hữu mà vô lượng kiếp mới diễn ra một lần. Ngài vào đời để cứu khổ, ban vui, chỉ bày con đường sáng suốt, đưa đến giác ngộ giải thoát :

“Một người, này các Tỳ-khưu, khi xuất hiện ở đời, sự xuất hiện đem lại hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người. Một người ấy là ai? Chính là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác. Chính một người này, này các Tỳ-khưu, khi xuất hiện ở đời, sự xuất hiện đem lại hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người.

Sự xuất hiện của một người, này các Tỳ-khưu, khó gặp được ở đời. Của người nào? Của Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác. Sự xuất hiện của một người này, này các Tỳ-khưu, khó gặp được ở đời.”[20]

Chúng ta, sinh sau thời Đức Phật, không có diễm phúc chứng kiến cảnh đản sanh huy hoàng ấy hay là diện kiến Đức Phật nhưng chúng ta được gợi nhớ lại quang cảnh thù thắng đó hàng năm thông qua các vườn Lâm Tỳ Ni và cảnh trí trong các Đại Lễ Phật Đản. Không gặp được Phật nhưng thọ hưởng được giáo điển – những lời dạy của Đức Phật cũng là có duyên phước lớn lao. Đức Phật đã dạy : “Ai thấy Pháp tức là thấy Phật”. Hiểu rõ hơn về việc nhập thai và đản sinh của Bồ Tát Tất Đạt Đa chúng ta tôn kính và giao cảm với Ngài nhiều hơn, qua đó, tinh cần tu học, đi theo Chánh Đạo mà Ngài đã khai quang. Có như vậy chúng ta không vong phụ lòng Từ Bi, bản hoài của chư Phật : vào đời để cứu khổ độ mê cho chúng sanh.

“Ôi! Thật đáng cho đời kính ngưỡng

Công đức Ngài vô lượng vô biên!

Hỡi chư Phật tử hữu duyên

Nhớ ơn Từ phụ cần chuyên tu hành.

Nay thế giới này còn đầy rẫy dịch bệnh, thiên tai, chiến tranh, tham vọng, tàn sát, đau thương,… Vô minh và cuồng vọng,… đang cấu xé loài người. Hơn lúc nào hết, hình ảnh của Đức Phật, bậc Từ Bi Trí Tuệ vẹn toàn và ánh sáng Phật Pháp sẽ góp phần soi dường cho nhân loại. Như trong thông điệp gửi đến Vesak – 2021, Tổng Thư Ký Liên Hợp Quốc nhấn mạnh :

“Khi tôn vinh sự kiện Đản sinh, Thành đạo và Nhập diệt của Đức Phật, tất cả chúng ta cũng đồng thời được truyền cảm hứng từ những lời dạy của Ngài.

Và khi đại gia đình nhân loại đang phải gánh chịu những tác động của đại dịch Covid-19, thì lời dạy của Đức Phật lại nhắc nhở chúng ta rằng: “Bởi vì tất cả chúng sinh đang bệnh nên Ta cũng bệnh”.

Thông điệp vượt thời gian về sự đoàn kết và phụng sự tha nhân này trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Chỉ khi nào đồng lòng với nhau, chúng ta mới có thể ngăn chặn sự lây lan của virus Corona và hồi phục được.

Nhân ngày Đại lễ Vesak, chúng ta hãy tôn vinh trí tuệ của Đức Phật bằng cách hành động vì người khác trên tinh thần từ bi và hòa hợp, cũng như đổi mới cam kết của chúng ta nhằm xây dựng một thế giới hòa bình.”

(António GuterresTổng Thư ký Liên Hiệp Quốc, Vesak 2021)

 

Đức Phật là một bậc vĩ nhân của nhân loại mà kể từ năm 1999 đến nay, Liên Hợp Quốc xác định có trách nhiệm liên đới cùng tổ chức các Đại Lễ Vesak – mừng Phật đản sanh- củng với các quốc gia Phật Giáo. Hình ảnh và những lời dạy của Ngài vẫn còn sống mãi trong tâm thức loài người, là kim chỉ nam cho hành trình hướng về chân thiện mỹ, an vui, giải thoát.

 

Thật là :

“Hạnh phúc thay, đức Phật giáng sinh!
Hạnh phúc thay, giáo pháp cao minh!
Hạnh phúc thay, chúng Tăng hòa hợp!
Hạnh phúc thay, tứ chúng đồng tu!”

 

Mùa Phật Đản PL 2566 – DL 2022

Thích Đồng Trí

 


Ghi chú : do đang sống và sinh hoạt Phật Pháp ở nước ngoài nên hiện thời tác giả chưa đủ điều kiện để truy cứu sách tiếng Việt ở thư viện để đưa vào trích dẫn chi tiết, đầy đủ tiêu chuẩn, theo cách : Nhà xuất bản, số trang, năm xuất bản,… được.



[1] Có thể tham khảo tại : https://www.budsas.org/uni/u-kinh-trungbo/trung123.htm

[2] Có thể tham khảo tại : https://www.budsas.org/uni/u-kinh-truongbo/truong14.htm

 [5] Kinh Hoa Nghiêm, phẩm 37 : “Phẩm Như Lai Xuất Hiện

[16] https://thuvienhoasen.org/p16a561/38-pham-ly-the-gian

 [17] Lumbini Development Trust, Genesis Publishing, Kathmandu, Nepal/1988, tr. 5

[18] Samuel Beal, Buddhist Records of the Western World, Montilal Banarsidass Publishers, Delhi, 1994, tr. 1

[20] Tăng Chi Bộ Kinh, Chương Một Pháp, Phẩm Một Người, Phần Như Lai (A.i.18)



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
07/08/2024(Xem: 6792)
Ở Hoa Kỳ, có ngày Father's Day và Mother's Day, là những ngày mà người con tỏ lòng biết ơn cha mẹ. Vào những ngày này, họ có thể mang một bình hoa đến mộ, mua một món quà, và đặc biệt là tổ chức một bữa ăn mời cha mẹ. Nhưng câu nói mà người Mỹ không quên trong ngày đó là "con thương cha, con thương mẹ" khi họ ôm cha mẹ vào lòng. Ngày Lễ Vu Lan của Phật giáo Việt Nam cũng là ngày mà con cái biểu tỏ lòng biết ơn đấng sinh thành, dù họ còn sống hay đã ra đi.
19/06/2024(Xem: 2765)
Khi nói tới chuyện trao truyền y bát, chỉ là sử dụng một kiểu ngôn ngữ ước lệ. Nơi đây, chúng ta muốn nói tới một thẩm quyền sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn. Nghĩa là, một thẩm quyền tối hậu để nương tựa. Khi dò lại kinh, chúng ta sẽ thấy câu chuyện phức tạp hơn. Vì có nơi Đức Phật nói rằng sau khi ngài nhập Niết Bàn, tứ chúng hãy chỉ dựa vào Chánh pháp. Kinh lại nói rằng tứ chúng chỉ nên dựa vào Kinh và Luật. Mặt khác, Đức Phật nói rằng có những kinh cần giải nghĩa (tức là, hãy nhìn mặt trăng, chứ đừng chấp vào ngón tay, và từ đây mở đường cho các bộ Luận và Kinh Đại Thừa). Có lúc Đức Phật chia đôi chỗ ngồi và trao y cho ngài Ca Diếp. Có kinh ghi lời Đức Phật trao pháp kế thừa cho ngài A Nan. Và có kinh ghi lời Đức Phật ủy thác quyền lãnh đạo cho Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên. Thế rồi, một hình ảnh thơ mộng từng được kể qua truyện tích Niêm Hoa Vi Tiếu, rằng Đức Phật lặng lẽ, cầm hoa lên, và ngài Ca Diếp mỉm cười. Tích này kể lời Đức Phật nói rằng ngài có một pháp môn vi diệu, không dự
14/06/2024(Xem: 1775)
Mỗi mùa xuân đến, hoa mai hoa đào đua nhau nở, pháo nổ tưng bừng chào đón những ngày mới của năm. Từ người lớn đến trẻ nhỏ, ai cũng xúng xính trong bộ quần áo mới, quây quần bên mâm bánh chưng bánh tét, chúc tết, tặng nhau phong bì lì xì may mắn (lucky money) màu đỏ, đó là lúc chúng ta rất vui vì ai cũng được thêm một tuổi và trưởng thành hơn.
10/06/2024(Xem: 2433)
Hình ảnh Lễ Phật Đản 2648 (Sunday 09/06/2024) tại Tu Viện Từ Ân, Narren Warren, Victoria, Úc Châu
05/06/2024(Xem: 859)
.. Mùa Phật Đản con về bên đức Phật Lắng nhìn tâm.. nở đẹp đóa sen lòng.. Mùa Phật đản đường trần thôi tất bật Ngắm Từ Tôn.. con bước chậm thong dong..
04/06/2024(Xem: 1075)
Thời gian: 10:00 tối thứ 6 giờ Việt Nam (7:00 sáng thứ 7 giờ Cali) bắt đầu học trong 2 tiếng, 2 tuần học một buổi. Dự kiến học trong 3 tháng (nếu có nghỉ buổi nào thì học bù buổi đó) Thời gian bắt đầu: ngày 29 tháng 06 năm 2024 (June 29th) Địa điểm: học online ( qua Google Meet hay Zoom, etc.) Học phí: miễn phí (nhưng người học tự mua giáo trình sách giấy hay sách điện tử hay sách nói, chỉ một cuốn) Giáo trình chính: sách Nguồn Gốc Phật Giáo: Bối Cảnh Hình Thành Những Giáo Lý Ban Đầu của tác giả Richard F. Gombrich giáo sư Phật học Đại học Oxford. Giảng viên: theo hình thức gần như học cùng nhau nên không có một giảng sư chính. Tuy vậy, vẫn có một nhóm nòng cốt điều phối lớp. Có thể học theo hình thức thuyết trình. Tỳ kheo Pháp Cẩn (thạc sĩ Phật học ở Graduate Theological Union, Berkeley, California, Hoa Kỳ) sẽ cùng tham gia học và chia sẻ với lớp.
04/06/2024(Xem: 4022)
Cùng toàn thể giới tử thọ trì Bát quan trai giới một ngày một đêm tại trú xứ Tăng già-lam Phước duyên, thành phố Huế, hiện diện quý mến. Một ngày một đêm quý vị ở trong Tịnh giới với niềm tin thanh tịnh, kiên cố, bất hoại đối với Tam bảo. Nhờ niềm tin này mà quý vị không để cho Giới pháp của mình bị sứt mẻ ở trong đi, ở trong đứng, ở trong nằm, ở trong ngồi, ở trong sự nói năng, giao tiếp. Quý vị có được niềm tin này là nhờ quý vị nuôi lớn sáu tính chất của Tam bảo, khiến cho ba nghiệp của quý vị được an tịnh, an tịnh về thân hành, an tịnh về ngữ hành, an tịnh về ý hành. Sáu tính chất của Tam bảo, quý vị phải thường quán chiếu sâu sắc, để thể nhập và tạo ra chất liệu cho chính mình, ngay đời này và đời sau. Sáu tính chất của Tam bảo gồm:
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]