Trung Cộng Kỷ niệm 70 năm Thành lập Khu Tự trị Tây Tạng
& Kêu gọi Chấp nhận sự Cai trị của Đảng Cộng sản
Bắc Kinh đánh dấu Kỷ niệm 70 năm thành lập Khu tự trị Tây Tạng, với lời kêu gọi chấp nhận sự cai trị của nhà cầm quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Hình 1: Một người đàn ông đứng trước tấm biển đánh dấu 70 năm kể từ khi Trung Quốc cai trị Khu tự trị Tây Tạng,
trên Quảng trường Cung điện Potala ở Lhasa, Tây Tạng. Ảnh: Martin Pollard/Reuters]
Kể từ năm 1951, Bắc Kinh đã cai trị khui vực phía tây xa xôi, sau khi Quân đội Giải phóng Nhân dân của họ hành quân, và giành quyền kiểm soát trong cái mà họ gọi là "Giải phóng hòa bình".
Trước ngày kỷ niệm thỏa thuận được ký kết vào ngày 23 tháng 5 năm 1951, đã mở đường cho nhà cầm quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc xâm chiếm quốc gia Phật giáo độc lập này, một thỏa thuận mà các chuyên gia cho rằng Tây Tạng đã bị buộc phải đồng ý, Chính phủ Trung Quốc đã phát hành một sách trắng, miêu tả việc thôn tính này là một "công cuộc giải phóng trong hòa bình".
"Tây Tạng có thể phát triển và thịnh vượng dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản và Chủ nghĩa xã hội", ông Uông Dương (汪洋), Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, vị lãnh tụ quốc gia chịu trách nhiệm đoàn kết tất cả các dân tộc, và tất cả các đảng phái, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cho biết tại sự kiện ở thủ đô Tây Tạng xưa của khu vực Lhasa, vào hôm thứ Năm, ngày 19 tháng 8 vừa qua.
Hình 2: Các nhân viên cảnh sát bán quân sự hoán đổi vị trí trong một cuộc thay đổi bảo vệ trước Cung điện Potala ở Lhasa. Ảnh: Martin Pollard/Reuters
Lễ Kỷ niệm 70 năm thành lập Khu tự trị Tây Tạng, với sự tham gia của gần 10.000 người, được tổ chức dưới chân Cung điện Potala mang tính biểu tượng, một địa điểm Phật giáo Mật tông linh thiêng gắn liền với sự lãnh đạo của Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Một chương trình truyền hình trực tiếp toàn quốc, về lễ kỷ niệm nổi bật với bức chân dung Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cao bốn tầng sừng sững trước khán giả.
Hình 3: Ông Uông Dương, Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc
đến trước lễ kỷ niệm 70 năm Trung Quốc kiểm soát Tây Tạng, ở Lhasa
Các nhà tuyên truyền trong những thập niên 1950 và 1960, từng trưng bày rộng rãi chân dung của Mao Trạch Đông, một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Trung Quốc; nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản và Nhà nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa tại các cuộc mít tinh và lễ kỷ niệm, nhằm khơi dạy sự sùng bái nhân cách xung quanh nhà lãnh đạo Cộng sản vô thần Mao Trạch Đông và nuôi dưỡng lòng trung thành với ĐCSTQ.
Hầu hết các nhà lãnh đạo sau Mao Trạch Đông đều cấm việc này, mặc dù dưới sự cai trị của ông Tập Cận Bình, các bức chân dung cá nhân của ông cũng như những bức ảnh chụp cùng ông và bốn nhà lãnh đạo tiền nhiệm đã được đặt rất nhiều ở Tây Tạng.
Hình 4: Trong bức ảnh do Tân Hoa Xã công bố, Ông Uông Dương, chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc đứng giữa, vẫy tay chào khi ông đến tham dự buổi lễ kỷ niệm 70 năm giải phóng Tây Tạng, tại Lhasa, miền Tây khu tự trị Tây Tạng của Trung Quốc.18.8.2021. Ảnh: AP/PTI
Các nhà lãnh đạo người Hán theo chủ nghĩa Cộng sản vô thần ở Bắc Kinh, cũng đã nỗ lực hơn nữa để nuôi dưỡng lòng trung thành của nhân dân Tây Tạng đối với ĐCSTQ, đa sô nhân dân Tây Tạng những Phật tử sùng đạo và theo truyền thống Kim Cương thừa Phật giáo Mật tông, và họ cung kính Đức Đạt Lai Lạt Ma là vị lãnh đạo tinh thần của họ.
Hiện tại nhà cầm quyền ĐCSTQ coi Đức Đạt Lai Lạt Ma, đang sống lưu vong ở nước láng giềng Ấn Độ, là một kẻ ly khai nguy hiểm, và hiện tại đã thay vào đó công nhận Ban Thiền Lạt Ma tay sai, được nhà cầm quyền ĐCSTQ dựng lên, là nhân vật tôn giáo cao nhất ở Tây Tạng.
Để đánh dấu sự cai trị của nhà cầm quyền ĐCSTQ đối với Phật giáo Tây Tạng, ông Uông Dương (汪洋), Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc đã trao tặng cho Ban Thiền Lạt Ma tay sai một Kỷ niệm chương.
Sau một cuộc nổi dậy năm 1959 chống lại các lực lượng chiếm đóng của PLA, hàng nghìn người Tây Tạng đã rời đi để tìm đến nơi an toàn, bao gồm Đức Đạt Lai Lạt Ma, người ngay lập tức đã bác bỏ thỏa thuận 17 điểm sau khi đến Ấn Độ, nơi Ngài vẫn tiếp tục sống trong tình trạng lưu vong.
Theo các tổ chức nhân quyền, việc ĐCSTQ ép người dân Tây Tạng, những người chiếm hơn 90% dân số ước tính của Tây Tạng là 3,2 triệu người, phải chịu sự đồng hóa qua việc bị giam giữ, giám sát và tra tấn tùy tiện. Các quan chức của ĐCSRQ đã đóng cửa các cơ sở tự viện Phạt giáo, trừng phạt những người bất đồng chính kiến và đàn áp việc dạy tiếng Tây Tạng.
Cuộc đàn áp này tương tự như những nỗ lực của ĐCSTQ nhằm kiểm soát những dân tộc thiểu số khác, bao gồm cả ở Tân Cương và Nội Mông, và đã dẫn đến sự chỉ trích trên toàn thế giới. Theo Reuters đưa tin, vào tháng 2 năm 2021, giám đốc chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu, ông Josep Borrell, đã kêu gọi Trung Quốc cho phép các viên chức nhân quyền của Liên Hợp Quốc được tiếp cận để điều tra cáo buộc về sự ngược đãi đối với người dân Tây Tạng.
Cư sĩ Penpa Tsering, mới đắc cử của Chủ tịch chính phủ Tây Tạng lưu vong cho biết một trong những ưu tiên của ông là nối lại những cuộc đàm phán với Trung Quốc về quyền tự trị của Tây Tạng.
“Chúng tôi sẽ thử tất cả các phương cách khả thi để tìm một giải pháp lâu dài cho vấn đề Tây Tạng”, cư sĩ Penpa Tsering đã phát biểu vào đầu tháng 6 năm 2021, theo trang web tin tức Tibet Sun đưa tin. “Nhưng, trong thời gian này, chúng tôi sẽ vạch trần tất cả các chính sách sai trái đang gây ra sự đau khổ cho người dân và môi trường ở Tây Tạng”.
Thích Vân Phong biên dịch
(Nguồn: Al Jazeera English)