Mỗi năm đến hè lòng tôi buồn lắm, chứ không buồn man mác đâu! Vì đấy là Mùa Vu Lan, mùa nhớ mẹ!
Mặc dù tôi đã cài hoa hồng trắng đến hơn hai mươi năm rồi, nhưng vẫn không quên những câu nói, những hình ảnh thân thương của Bà ngày nào: "Con là hơi thở của mẹ". Ôi câu nói xúc động chạm đến tận lục phủ ngũ tạng của tôi và đã lấy không biết bao nhiêu nước mắt của người con gái mất mẹ trong những ngày Đại lễ Vu Lan.
Mẹ tôi là người đàn bà đẹp, mà đối với bất kỳ một người con nào, mẹ mình chả là người đàn bà đẹp nhất trên đời! Có phải thế không?
Bà sinh ra trong một gia đình giàu có tại Hải Dương, vừa xinh đẹp lại vừa giỏi giang, mới mười mấy tuổi đầu đã giữ tay hòm chìa khóa cho Thầy Đẻ (tiếng gọi bố mẹ của vùng miền). Năm mười ba tuổi đã có người đi sêu Tết dạm ngõ, chắc cũng môn đăng hộ đối nên ông bà ngoại tôi đã nhận lời. Mẹ tôi sợ phát khiếp không muốn lấy chồng, chỉ thích ra sông ôm cây chuối tập bơi và bắt chuồn chuồn cắn rốn cho mau biết bơi.
Sêu Tết cũng được mấy năm, rồi đến một năm cặp ngỗng đem sang bỗng dưng con ngỗng đực lăn cổ ra chết, ông ngoại tôi sợ điềm chẳng lành, sợ con gái mình góa chồng sớm nên từ hôn. Thế là mẹ tôi thoát nạn!
Lúc ấy loạn lạc nổi lên khắp nơi, mẹ tôi cứ phải xách tay nải hết chạy từ quê lên tỉnh, từ vùng quốc gia sang vùng Tề, hay ngược lại, không còn thì giờ để kén chồng nữa. Vả lại con trai thời bấy giờ đã bị bắt đi lính hết cả rồi, nếu không vào bưng thì cũng đi lính cho Tây. Mẹ tôi lưu lạc trên Hà Nội và gặp được bố tôi, một mối tình đẹp và thơ mộng nhất trên đời. Nghe mẹ tôi kể lại với đôi mắt xa xăm và nụ cười duyên dáng với hai má lúm hạt gạo, đến đoạn hai người dắt nhau đi dạo Hồ Tây dưới hàng liễu rũ ven hồ, ghé hàng Bánh Tôm Hồ Tây gọi một đĩa bánh xơi hết cả rổ rau.
Bố tôi hay tặng hình thể thao chụp bên trái banh với hàng chữ: "Tặng em Lan yêu quý". Và ngày tôi ra đời, ông nhất định đặt cho cái tên Lan Hương, nghĩa là hương của em Lan yêu quý của ông. Cuộc tình đang đẹp như mơ như thế mà chỉ một năm sau bố tôi đã hy sinh trên chiến trường, để mẹ tôi làm góa phụ ở lứa tuổi đương xuân.
Với khăn tang còn quấn trên đầu, mẹ tôi đã cùng bà nội tôi bồng bế con thơ leo lên chiếc tàu Há Mồm di cư vào Nam. Một quyết định sáng suốt của Bà, nếu ở lại tương lai của tôi chỉ có thể đi mót lúa để sống chứ đừng mong đến trường đi học, vì quan tài bố tôi được phủ cờ vàng có lính đi khiêng. Thuộc thành phần phản động thấy rõ!
Gia đình tôi định cư tại Nha Trang, có sóng biển rì rào lẫn cát trắng thơm tho, nhưng thời ấy còn có "Cọp Khánh Hòa, ma Bình Thuận", dân cư còn thưa thớt chứ không như bây giờ. Đất chật người đông chẳng có con ma hay con cọp nào dám sống chung với người!
Mẹ tôi được ưu tiên vào làm thơ ký cho Sở Tạo Tác gần ga xe lửa của thành phố, sáng xách ô đi tối xách về, cuộc sống của ba thế hệ chúng tôi rất hài hòa và hạnh phúc. Mẹ tôi xem mẹ chồng như mẹ ruột, bà nội tôi đóng vai người mẹ chăm sóc nuông chiều tôi, còn mẹ tôi đóng vai bố thật là nghiêm khắc. Bà hay đem ca dao tục ngữ ra để răn dạy như:
"Nuôi con chẳng biết dậy răn.
Thà rằng nuôi lợn béo lăn lấy tiền", hay "Bé không vin cả, lớn gẫy cành".
Ra vào phải đi thưa về trình rất quy tắc.
Chẳng là lúc bé tôi hay nghịch ngợm leo trèo, đúng như câu phán của bà nội tôi: "Bà mụ nặn lầm ra con bé này rồi! Phải chi ra thằng cu thì đúng hơn". Phải rồi các cụ chỉ mong tôi là con trai để nối dõi tông đường và để mẹ tôi có chỗ nương tựa tuổi già không phải đi thêm bước nữa. Ai lại ở chung với con rể bao giờ!
Thế mà mẹ tôi vẫn thủ tiết thờ chồng, nuôi dạy con gái cho nên người cho đúng với câu khấn Bà thường suýt xoa van vái trước bàn thờ bố tôi trong những lần giỗ Tết: "Anh có sống khôn chết thiêng, về phù hộ cho con bé được khỏe mạnh, ăn no chóng lớn. Em hứa sẽ nuôi con ăn học thành tài để anh được ngậm cười nơi chín suối".
Cũng vì lời hứa này mà mẹ tôi đã từ chối không biết bao lời cầu hôn của các chàng hay trồng cây si trước nhà.
Rồi ngày hạnh phúc nhất đời của Bà cũng đến, cái ngày tôi được học bổng Quốc Gia cho đi du học sang Đức với ngành Hóa học thực phẩm. Hàng xóm láng giềng cản ngăn, khuyên mẹ tôi nên chọn rể hiền chứ một mẹ một con như thế sao để đi xa. Nhưng mẹ tôi vẫn nhất quyết lo cho tương lai của cô con gái, ở nhà gả chồng rồi lại góa bụa như mẹ nữa sao? Tình hình chính trị của những năm đầu 70 rất căng thẳng, ngày tôi bước lên máy bay sang Đức là ngày mẹ tôi thắp hương bên bàn thờ bố tôi khấn vái: "Em đã làm tròn bổn phận với anh, mong anh được ngậm cười nơi chín suối!".
Nhờ sự sáng suốt của mẹ, tôi đã thoát được hai lần đại nạn, không phải sống một ngày dưới chế độ cộng sản.
Kể từ đây chim đã xổ lồng, tôi thoát khỏi vòng tay mẹ, tự lo liệu việc học hành và tự tìm ý trung nhân. Không còn cảnh cha mẹ đặt đâu con ngồi đó nữa mà ngược lại hoàn toàn. Tôi lấy một anh chàng sinh viên thuộc loại lãng tử con nhà giàu, nếu gặp nhau tại quê nhà chắc chắn mối tình sẽ gặp nhiều trắc trở không thành. Nhưng tất cả đều là duyên phận!
Rồi cũng đến lúc mẹ con được đoàn tụ bên trời Âu, bà ngoại trông cháu và làm vườn trồng hoa tiêu khiển. Đóa hoa thược dược là hình ảnh gắn liền với mẹ tôi, năm nào vườn nhà tôi cũng nở rộ những cánh hoa thược dược muôn sắc lẫn muôn màu. Ai đi ngang qua cũng dừng chân lại ngắm rồi trầm trồ khen ngợi. Nhưng có biết đâu, người trồng hoa đã đổ không biết bao nhiêu là công sức tưới tẩm, đã dùng tay tuốt từng con bọ trên lá lẫn trên hoa.
Thời gian mẹ con bà cháu xum họp hạnh phúc bên nhau chỉ kéo dài được mười hai năm, rồi đến chuyện tử biệt sinh ly như bao nhiêu gia đình khác trên cõi hồng trần này. Mẹ tôi mắc phải căn bệnh ung thư, ước nguyện sau cùng của Bà là được chết trên tay cô con gái, người mà Bà luôn gọi là "Con là hơi thở của mẹ". Thời gian ấy tôi phải xin nghỉ việc để ở nhà chăm sóc mẹ. Với cơn bệnh di căn vào giai đoạn cuối, mẹ tôi phải chịu đựng nhiều nỗi đớn đau chỉ còn biết vin vào viên thuốc morphine giảm đau và an thần.
Bà bảo, trong một ngày 24 tiếng chỉ có lúc được tôi tắm rửa, dội nước lên người mát rượi, bà mới được hạnh phúc vài ba phút. Tôi ứa lệ, nhớ mãi câu nói này để tìm ra cách sống cho đời mình, phải làm sao thân tâm được an lạc cả ngày lẫn đêm. Không đi vào vết xe đổ, suy nghĩ triền miên rồi sinh bệnh như Bà.
Tình cảm của mẹ tôi đối với bố tôi quá sâu đậm, đã yêu một lần rồi là đến chết cũng chẳng phai, giống như bài Nỗi lòng của nhạc sĩ Nguyễn Văn Khánh "Yêu ai, yêu cả một đời". Cứ đến trước ngày giỗ bố tôi chừng vài ngày, mẹ tôi lại thấy bần thần ruột gan đến khó tả, cảm giác này trôi nhanh sau khi cúng giỗ xong xuôi và kéo dài đến lần giỗ thứ 44, đó là lần giỗ chồng cuối cùng của Bà.
Về đức tính thủy chung của Bà, tôi nghĩ, cho dù ở vào thời đại mới không câu nệ đến chuyện thủ tiết thờ chồng. Nhưng Bà vẫn khép kín cửa lòng, nhất quyết không đón nhận một hình bóng nào khác nữa, vì trong tim đã chứa đầy hình ảnh của bố tôi.
Hoa Lan.
Mùa Vu Lan 2021.