Hội đồng Quân đội Myanmar đang Khủng bố
nhắm Mục tiêu vào Chế độ Tu hành Phật giáo
(Buddhist Monastics Targeted in Ongoing Crackdown by Myanmar’s Military Junta)
Hình 1: Chư tôn tịnh đức Tăng già Phật giáo biểu tình phản đối cuộc đảo chính quân sự tại thủ đô Yangon. Ảnh: myanmar-now.org
Sáu tháng sau khi quân đội Myanmar lật đổ Chính phủ được bầu của bà Aung San Suu Kyi trong cuộc đảo chính ngày 1 tháng 2 vừa qua, người dân của quốc gia Đông Nam Á này tiếp tục sống trong nỗi sợ hãi, trong bối cảnh hỗn loạn diễn ra sau cuộc đảo chính Quân đội. Với các cuộc đàn áp bạo lực công khai đối với những người bất đồng chính kiến, và các cuộc biểu tình trên đường phố - tiếp tục diễn ra ở quy mô bất chấp sự đàn áp do quân đội lãnh đạo – chính quyền quân sự đã củng cố quyền lực của mình. Ngay cả Tăng đoàn Phật giáo được tôn kính của quốc gia cũng đã bị chính quyền quân sự bạo lực bắt giữ, được biết với ít nhất 23 vị tăng sĩ đang bị giam giữ, một số người trong số họ đã bị tra tấn bạo lực.
Thầy Yazinna, vị tăng sĩ Phật giáo từ tu viện New Masoeyin ở Mandalay, thành phố lớn thứ hai của Myanmar, kể lại những trải nghiệm của mình trong một chiến dịch quân sự vào ngày 28 tháng 5 vừa qua. Thầy Yazinna đã tích cực biểu tình chống lại cuộc đảo chính trong hơn ba tháng khi hàng trăm thường dân trên khắp đất nước bị mất mạng và hàng nghìn người bị bắt giữ. Kể từ đó, nhiều người bị bắt giam giữ biệt tích đến nay.
“Chúng tôi vừa rời khỏi tu viện thì họ (quân đội) đến bố ráp và bắt đầu nổ súng,” Thầy Yazinna nhớ lại. “Tất cả mọi người đã tháo chạy một cách hoảng loạn. Tôi đã cố gắng nhảy lên một chiếc xe máy để thoát thân, nhưng họ đã rắp tâm tong vào tôi bằng một chiếc ô tô”. (Myanmar Now)
Thầy Yazinna cho biết, sau đó ông đã bị ba người lính đánh liên tục trước khi bị bắt giam, họ buộc thầy phải cởi áo cà sa và đưa đến trung tâm thẩm vấn tại Cung điện Mandalay. Thầy Yazinna cho biết, ông đã bị tra tấn cùng với nhiều Phật tử, những người đã phản đối chế độ quân sự chính quyền.
Một vị tăng sĩ Phật giáo khác, Thầy Eainaka cũng bị buộc phải cởi áo cà sa sau khi bị lực lượng quân đội bắt giữ vào ngày 11 tháng 3 vừa qua, tại một cuộc biểu tình ở thành phố Mogok, miền bắc nước này. Sau đó, Thầy bị kết tội kích động theo Mục 50b của Bộ Luật Hình sự Myanmar và bị kết án ba năm tù giam.
Theo số liệu điều tra dân số năm 2014, những người xuất gia vào nhập hàng ngũ Tăng đoàn Phật giáo, được tôn kính trong toàn xã hội Myanmar, có ảnh hưởng lớn ở Myanmar, một quốc gia chủ yếu theo Phật giáo Nam tông, nơi 88% dân số khoảng 60 triệu người là Phật tử. Các vị Tăng sĩ Phật giáo đứng đầu trong các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ, chống lại Chính quyền quân sự độc tài trước đó vào năm 2007, một phong trào với danh xưng “Cuộc Cách mạng áo Cà sa”, đã giúp tăng cường ủng hộ cơ sở. Chư tôn tịnh đức tăng già được ước tính lên đến hơn 500.000 vị, chủ yếu tập trung và ở xung quanh các thành phố Yangon và Mandalay, cùng với khoảng 75.000 nữ tu Phật giáo.
Một số nhà quan sát đã minh họa ra sự tương đồng giữa các cuộc đàn áp hiện tại và Cuộc Cách mạng áo Cà sa, khi Chính quyền quân sự tìm cách bịt miệng chư tôn tịnh đức Tăng già Phật giáo như một tiếng nói chính trị; sau đó 61 cơ sở tự viện Phật giáo đã bị đóng cửa và ít nhất 300 vị tăng sĩ Phật giáo bị vây bắt và giam giữ.
“Nhớ lại năm 2007, chúng tôi đi khắp thành phố và tụng Kinh Từ Bi (Metta Sutta), và họ đã nổ súng vào chúng tôi,” Thầy Min Thone Nya nói, người nhớ lại việc mình tham gia Cuộc Cách mạng Áo Cà sa để lật đổ chế độ độc tài với sự đàn áp, vi phạm nhân quyền, nghèo đói và hỗn loạn. “Sau đó, họ đột kích vào các cơ sở tự viện Phật giáo và bắt giữ chúng tôi như những tên tội phạm. Họ không quan tâm nếu họ làm tổn thương thậm chí giết chết chúng tôi”. (Myanmar Now)
Theo Thầy Min Thone Nya, chư vị tôn túc giáo phẩm cao cấp có ảnh hưởng đã bị nhắm mục tiêu kể từ đầu cuộc đảo chính. “Nếu họ thực sự muốn bảo vệ chủng tộc và tôn giáo truyền thống của chúng ta, họ sẽ không bắt giữ các nhà sư được kính trọng vì lý do như thế này”, Theo Thầy Min Thone Nya. (Myanmar Now)
Hòa thượng Ariyabiwuntha, trụ trì Tu viện Mandalay’s Myawaddy Mingyi, nhà phê bình thẳng thắn với quân đội, đã bị bắt vào tháng 2, khi bắt đầu cuộc đảo chính quân sự, và bị giam giữ. Sau đó, Hòa thượng được trả tự do.
“Khoảng 20 cảnh sát đã đến tu viện và để bắt giữ”, Thầy nhớ lại. “Như thường lệ, họ nói rằng họ muốn tôi cùng đi gặp sĩ quan cấp trên của họ. Họ giam tôi tại đồn cảnh sát qua đêm và hôm sau họ đọc lệnh bắt giữ và buộc tội theo điều khoản 500 vì tội phỉ báng”. (Radio Free Asia)
“Mặc dù họ không bắt giam tôi vào tù, một nhà sư vẫn là một nhà sư bởi chúng tôi đã là người xuất gia. Áo cà sa không làm thay đổi địa vị tu sĩ Phật giáo”, Hòa thượng Ariyabiwuntha kể lại. “Chúng tôi đã và đang thuyết giảng về công lý, dân chủ và nhân quyền như những thực hành tốt cho mọi người phù hợp với chính pháp Phật đà. Nhưng họ xem đó là hoạt động chính trị. Nhiệm vụ của Tăng đoàn Phật giáo là giáo hóa mọi người làm lành lánh dữ, thanh tịnh hóa tam nghiệp ý nghĩ, lời nói và hành động. Không dễ để đối đầu với (một) chế độ độc tài quân sự, nhưng chúng ta phải lên tiếng vì lợi ích chung cho đất nước và toàn dân”. (Radio Free Asia)
Hòa thượng Ariyabiwuntha nói tiếp: “Hệ thống chính trị thối nát này . . . sẽ làm hỏng mọi thứ. Có một câu nói của người Myanmar: ‘Khi bầu trời sụp đổ, không ai còn sống sót’. Một ngày nào mà hệ thống chính trị đang chìm trong vũng nước bẩn tham nhũng, thì toàn bộ các tổ chức xã hội, tôn giáo, văn hóa, giáo dục, kinh tế, sinh kế đều bị suy thoái. Mọi thứ sẽ trở thành một đống đổ nát. Tôi không nghĩ những thứ đó, chứ đừng nói đến tôn giáo hay bản thân đất nước, sẽ tồn tại dưới một chế độ thối nát như vậy. Thực sự tôi rất đau lòng khi nhìn thấy một số người đang phá hủy nền văn hóa chính trị nhân danh một điều gì đó thiêng liêng”. (Myanmar Now)
Chính quyền quân sự độc tài đã ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài một năm vào ngày 1 tháng 2 vừa qua, và đến ngày 11 tháng 2 năm 2021, Quân đội Myanmar đã bắt giữ Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi, Tổng thống Win Myin và các thành viên khác của đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD), tuyên bố lật đổ chính phủ và đình chỉ Hiến pháp. Cuộc đảo chính diễn ra chỉ vài giờ trước khi Quốc hội của đất nước sẽ được triệu tập sau cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11 năm ngoái, trong đó bầu cử đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) đã đạt được nhiều lợi ích đáng kể.
Bà Aung San Suu Kyi, được trao giải Nobel Hòa bình (1991), một nữ Phật tử gương mẫu trong nhận thức và hành động, thể hiện qua phong trào đấu tranh bất bạo động bền bỉ và trung thực nhiều năm qua (2016-2021), sau một cuộc đấu tranh lâu dài cho sự tự do dân chủ đã đảo lộn nhiều thập kỷ cai trị của Quân đội, vẫn bị quản thúc tại gia, đối mặt với nhiều cáo buộc từ các nhà lãnh đạo cuộc đảo chính, trong một nỗ lực rõ ràng là cung cấp giấy tờ hợp pháp cho việc giam giữ bà. Trước khi lãnh đạo Chính phủ dân sự, nữ Cư sĩ Phật tử Aung San Suu Kyi hiện 75 tuổi, đã trải qua gần 15 năm bị quản thúc vì những nỗ lực mang lại nền dân chủ cho Myanmar.
Trong cuộc bầu cử quốc gia, Quân đội, lực lượng ủng hộ phe đối lập, đã khẳng định rằng họ giàn dựng cuộc đảo chính để phản ứng với gian lận bầu cử, tuy nhiên Ủy ban bầu cử quốc gia cho biết, không có bằng chứng nào chứng minh những tuyên bố này. Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) đã giành được khoảng 80% số ghế Quốc hội hiện có trong cuộc bỏ phiếu bầu năm ngoái.
Vào ngày 31 tháng 7 vừa qua, Tổ chức theo dõi nhân quyền (HRW) là một tổ chức phi chính phủ nghiên cứu về và cổ vũ cho nhân quyền, có trụ sở tại Thành phố New York, Hoa Kỳ đã lên tiếng chỉ trích hành động đàn áp bạo lực của Chính quyền quân sự Myanmar đối với các cuộc biểu tình, và giam giữ những người biểu tình, và chỉ trích trong sáu tháng trước đây, báo cáo rằng tổ chức này đã bao gồm hành vi vi phạm các Công ước Nhân đạo Quốc tế(*).
“Chính quyền quân sự Myanmar đã đáp lại sự phản đối của đông đảo quần chúng nhân dân đối với cuộc đảo chính bằng những vụ giết người, tra tấn và giam gữ tùy tiện những người chỉ muốn kết quả bầu cử năm ngoái được tôn trọng, và một Chính phủ phản ánh ý chí của quần chúng,” ông Brad Adams, Giám đốc Ban Á Châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói cho biết trong một tuyên bố. “Những cuộc tấn công vào số lượng dân cư này tương đương với tội ác chống lại loài người, mà những kẻ có trách nhiệm phải bị quy trách nhiệm”. (Tổ chức theo dõi nhân quyền)
Kể từ khi nắm chính quyền, Hội đồng Hành chính Nhà nước (SAC), do Tổng tư lệnh Bộ Quốc phòng Min Aung Hlaing làm Chủ tịch, đã đơn phương sửa đổi Luật Phản quốc và quân đội sẽ hành động mạnh tay đối với kẻ “phá rối” an ninh, chống lại Chính quyền Quân sự.
Một phong trào “bất tuân dân sự” (CDM) trên toàn quốc đã nhanh chóng tập hợp khẩn cấp sau cuộc đảo chính, với hàng trăm nghìn người biểu tình ở các thị trấn và thành phố trên khắp đất nước, tố cáo Chính quyền quân sự và kêu gọi trả tự do cho các nhà lãnh đạo dân sự bị giam giữ. Phong trào CDM, bắt đầu từ các nhân viên y tế, được thực hiện bởi các giáo viên, kỹ sư, công nhân đường sắt, nhân viên ngân hàng, thậm chí một số nhân viên của lực lượng cảnh sát, những người đã được chứng kiến một số người đã chuyển phe tham gia biểu tình.
“Bằng mọi giá, chúng ta phải lật đổ chế độ quân phiệt độc tài này”, Thầy Min Thone Nya nhấn mạnh. “Nếu như chúng ta thất bại, đó sẽ là sự kết thúc của Phật giáo. Nếu họ tiếp tục đàn áp chư tôn tịnh đức tăng già nắm giữ và truyền bá Chính pháp Phật đà, tất cả những gì còn lại sẽ là những điều ô nhục”. (Myanmar Now)
Theo Hiệp hội Hỗ trợ tù nhân chính trị (AAPP), Tổ chức Nhân quyền có trụ sở tại Myanmar và Thái Lan, cho biết tính đến ngày 5 tháng 8, 7.055 người đang bị giam giữ, 8.948 người đã thiệt mạng, 65 người bị kết án tử hình kể từ khi chính biến xảy ra.
Lip video
Blocking roads, banging pots: Myanmar protests continue despite military crackdown
https://www.youtube.com/watch?v=Tqw7rYeLZkU
Myanmar: Tens of thousands take to streets despite junta's warning of 'loss of life'
https://www.youtube.com/watch?v=7FbNdgCvLTM
Thích Vân Phong biên dịch
(Nguồn: 佛門網)
(*)Luật Nhân đạo Quốc tế là một phần chủ yếu của Công pháp quốc tế và bao gồm những quy tắc mà trong thời chiến, đều nhằm bảo vệ những người ngoài vòng chiến đấu hoặc đã bị loại khỏi cuộc xung đột, đồng thời nhằm hạn chế những phương pháp và phương tiện sử dụng trong chiến tranh.