Thiền Sư Pháp Hiền ( ?-626)
(Nhị Tổ Thiền Phái Tỳ-Ni-Đa-Lưu-Chi tại Việt Nam)
Nam Mô A Di Đà Phật
Kính bạch Sư Phụ,
Bạch Sư Phụ, hôm nay chúng con được học về Thiền Sư Pháp Hiền (?-626). Ngài là Tổ thứ hai của Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi ở Việt Nam.
Thiền sư Pháp Hiền là vị thiền sư nổi tiếng, nối pháp của thiền sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi, xây dựng chùa Chúng Thiện ở núi Thiên Phúc, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, có 300 đệ tử theo học thiền với Ngài.
Sư họ Đỗ, quê ở Chu Diên (Sơn Tây, phía bắc Hà Nội). Sư tướng mạo đẹp đễ và cao lớn đến 2m30.
Sư Phụ ghi nhận chiều cao của Sư rất đặc biệt, và giải thích một chút theo y học người có chiều cao quá khổ là do đột biến gen từ Tuyến Yên, còn gọi là tuyến não thùy là một tuyến nội tiết có kích thước bằng hạt đậu (vị trí trên não bộ, gần lỗ tai), đây là một tuyến quan trọng giữ vai trò chỉ đạo hoạt động của hầu hết các tuyến nội tiết khác, tuyến yên giúp sản xuất ra hormon tăng trưởng chiều cao.
Sư Phụ cũng cung cấp thêm thông tin về những người có chiều cao như Ngài Pháp Hiền trong thời hiện đại này:
-Tại Việt Nam có Hồ Văn Trung, sinh năm 1984 tại Cà Mau, cao đến 2m57, anh đã qua đời vào ngày 2/11/2019 ở tuổi 35
-Tại Ukraine có anh Leonid Stadnyk, sinh năm 1980, cao đến 2m54, anh đã chết năm 28 tuổi vào ngày 26/8/2014
Tại Thái Lan, có anh Pornchai Saosri, cao 2m64, qua đời ở tuổi 26 vào ngày 9/11/2015.
-Và người cao nhất thế giới vẫn còn sống hiện nay là anh Sultan Kösen, người Thổ Nhĩ Kỳ, sinh năm 1982, nặng 137 ký và cao 2m51.
Khi thiền sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi tới chùa Pháp Vân, Sư Pháp Hiền đang học thiền với Đại Sư Pháp Duyên.
Thiền sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi hỏi Sư Pháp Hiền: “người họ gì”
Sư đáp: “Hoà Thượng họ gì?”
Ngài Tỳ Ni Đa Lưu Chi hỏi tiếp: “ngươi không có họ sao?”
Sư đáp: “Họ thì chẳng không, làm sao Hoà Thượng biết được?”
Ngài Tỳ Ni Đa Lưu Chi nói: “biết để làm gì?”.
Sư bổng nhiên tự tĩnh, liền sụp xuống lạy tạ ơn và được Tổ Tỳ Ni Đa Lưu Chi ấn chứng, từ đây về sau Sư luôn theo hầu tổ.
Sư Phụ kể giai thoại ngộ đạo của Sư Pháp Hiền đối thoại với Tổ Tỳ Ni Đa Lưu Chi giống giai thoại vấn đáp về “Phật tánh và tánh không” của Tứ Tổ Đạo Tín và Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn.
Sư Phụ nhắc lại giai thoại vấn đáp giữa ngài Pháp Hiền và Tổ Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Tổ hỏi: “họ của con là gì”. Ngài không đáp mà hỏi ngược lại Tổ “ Hòa Thượng họ gì ?”
Ý của Ngài hỏi và đợi chờ câu trả lời của Tổ là “họ Thích”, để đáp lại với Tổ rằng “con cũng cùng họ với Hoà Thượng”. Nhưng Tổ không trả lời và hỏi lại :”thật sự người không có họ sao”. Ngài Pháp Hiền thưa: “ họ thì có nhưng Hoà Thượng làm sao biết được “. Tổ quát lớn: “biết để làm gì”.
Lúc đó, ngài Pháp Hiền mới tự ngộ rằng “biết là vọng tưởng, phân biệt, phan duyên, đối đãi, là huyễn thuật” nên ngay đó liền nhận ra bản tâm của chính mình, sụp xuống lạy tạ ơn và được Tổ Tỳ Ni Đa Lưu Chi ấn chứng, sau đó ngài Pháp Hiền theo hầu tổ Tỳ Ni Đa Lưu Chi.
Sau khi tổ Tỳ Ni Đa Lưu Chi viên tịch, Sư vào núi Từ Sơn tu thiền định, thân như cây gỗ, vật ngã đều quên. Các loại cầm thú quấn quýt bên Sư. Người đời thấy thế càng thêm kính mộ, đệ tử tìm đến học đạo càng ngày càng đông. Nhân đó Sư lập chùa nhận đồ đệ ở tu, số học chúng hằng ngày trên 300 vị. Thiền tông phương nam từ đây được thịnh hành.
Thích sử Lưu Phương nghe danh của Sư, bèn dâng sớ về Trung Quốc tâu lên vua nhà Tuỳ: “....cõi này người khâm sùng Phật giáo, lại có những cao đức danh tăng..”.
Vua Tuỳ sai sứ mang năm hòm xá lợi Phật và tờ điệp, bảo Sư xây tháp cúng dường.
Sư bèn xây tháp ở chùa Pháp Vân và các chùa danh tiếng ở các nơi khác.
Về sau, Sư trụ trì tại chùa Chúng Thiện, núi Thiên Phước, huyện Tiên Du.
Sư Phụ kể về Sư Pháp Vân được vua nhà Tuỳ mang cho xá lợi của Phật cũng trùng hợp với trước kia, ngài Khương Tăng Hội thị hiện thần thông đem xá lợi Phật dâng cho vua Ngô Tôn Quyền và nay vua nhà Tuỳ mang xá lợi Phật cúng dường lại cho xứ sở Việt Nam, câu chuyện quá tuyệt vời.
Ngài Khương Tăng Hội từ đất Giao Châu qua Trung Quốc cất am tu và giảng đạo, tới tai triều đình. Nhà vua lúc bấy giờ là Ngô Tôn Quyền. Vua Ngô cho kêu vào hỏi ngài Khương Tăng Hội đạo gì ? Ngài trả lời là tu sĩ đạo Phật. Vua hỏi đạo Phật là gì mà còn tới nay. Ngài Khương Tăng Hội trình rằng “ Phật đã nhập diệt hơn 800 năm nhưng xá lợi vẫn còn trên thế gian và được vua A dục xây 84000 bảo tháp để tôn thờ.
Nhà vua rất thích và bảo ngài Khương Tăng Hội trình ra xá lợi cho vua xem.
Ngài Khương Tăng Hội hứa trong 7 ngày sẽ có. Ngài Khương Tăng Hội đóng cửa niệm Phật ( Sư Phụ lập lại lời niệm của ngài Khương Tăng Hội, Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật....). Sau 7 ngày xá lợi chưa có, ngài Khương Tăng Hội xin thêm 7 ngày nữa, và lại thêm 7 ngày nữa lần thứ ba, vua Ngô thấy ngài Khương Tăng Hội ngồi thiền toả hào quang, và bình xá lợi phát sáng ngũ sắc.
Nhà vua rất vui mừng, đem xá lợi đổ ra mâm đồng, mâm bị nứt ra, vua sợ hãi. Vua cho thử xá lợi đốt không cháy, đập không bể, bỏ vào nước không chìm.
Vua xuống chiếu xây chùa Kiến Sơn cúng dường ngài Khương Tăng Hội.
Niên hiệu Võ Đức năm thứ chín, đời Đường (626), Sư an tường thị tịch. Thiền sư Thanh Biện là người kế thừa dòng thiền của Sư.
Cuối bài giảng Sư Phụ diễn ngâm bài thơ tán thán công hạnh của Thiền Sư Pháp Hiền do Thượng Tọa Thích Thầy Chúc Hiền sáng tác để cúng dường lên ngài Thiền Sư:
Pháp Vân thiền tự kết lương duyên
Học đạo huân tu nối mạch thiền
Vật ngã đều quên quy diệu tánh
Chim muôn thảy kính hướng an miền
Tiên Du giảng đạo khai nguồn diệu
Chúng Thiện hành thiền mở suối thiêng
Tăng tục nơi nơi nương học pháp
Thiền tông vực dậy rạng Nam thiên...!
Kính bạch Sư Phụ, hôm nay chúng con được Sư Phụ ban giảng cho bài pháp về Thiền Sư Pháp Hiền, có sự tương đồng, vua nhà Ngô Tôn Quyền đòi tổ Khương Tăng Hội hoá hiện xá lợi Phật dâng cho vua, và đến đời nhà Tuỳ vua cho đem hòm xá lợi qua cúng dường cho tổ Pháp Vân. Một sự hiện thần biến tướng, một sự kiện nhà Ngô vay và nhà Tuỳ trả lại biểu hiện sự thiêng liêng thần thông diệu dụng, tuệ giác luôn thường hằng trong sáng trong tâm thanh tịnh của tất cả chúng sanh vạn loài, không thêm cũng không bớt.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Cung kính và tri ơn Sư Phụ,
Đệ tử Quảng Tịnh Tâm
(Montréal, Canada).
Những sự trùng hợp kỳ diệu trong vài dòng tích sử
VÀ NGŨ TỔ HOẰNG NHẪN & GIỮA NGÀI TỲ NI ĐA LƯU CHI VÀ THIỀN SƯ PHÁP HIỀN xảy ra đồng thời tại Trung Quốc và Việt Nam
xây dựng Chùa Chúng Thiện ở núi Thiên Phúc, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, có 300 đệ tử..
Thật tuyệt vời ...
Melbourne 17/6/2021
(1) Giữa Ngài Tỳ Ni Đa Lưu Chi và Thiền Sư Pháp Hiền tại Việt Nam
Sư họ Đỗ quê ở Chu Diên (Sơn Tây), thân hình to lớn cao đến bảy thước ba tấc (2m30). Khi mới xuất gia, Sư theo Đại sư Quán Duyên ở chùa Pháp Vân thọ giới. Đến lúc Tổ Tỳ-ni-đa-lưu-chi sang Việt Nam vào chùa Pháp Vân gặp Sư, Tổ nhìn kỹ vào mặt hỏi:
- Ngươi họ gì?
Sư đáp:
- Hòa thượng họ gì?
- Ngươi không có họ sao?
- Họ thì chẳng không, Hòa thượng làm sao biết được?
- Biết để làm gì?
Sư bỗng nhiên tự tỉnh, liền sụp xuống lạy. Tổ Tỳ-ni-đa-lưu-chi ấn chứng, từ đây về sau Sư luôn luôn theo hầu Tổ.
(2) Đồng thời lúc ấy tại Trung Hoa Tứ Tổ đã gặp Ngài Hoằng Nhẫn và đối thoại như sau :
Ngài Hoằng Nhẫn quê ở Hoàng Long Mai (Kỳ Châu), họ Chu, sinh ra đã có dị tướng. Lúc trẻ, sư đi chơi gặp một vị đại sư khen rằng: “Đứa trẻ này chỉ kém Như Lai có bảy tướng”.
Ngày nọ, Tứ Tổ Đạo Tín đến huyện Hoàng Mai, trên đường gặp sư, khi ấy sư còn là đứa trẻ 7 tuổi. Thấy sư thanh tú, kỳ lạ, khác hẳn những trẻ bình thường khác. Tổ hỏi:“Con tính (họ) gì?“ Sư đáp: “Tình thì có, nhưng không phải tính thường“. Tổ hỏi: “ Là tánh gì?“ Sư đáp: “Là tính Phật“. Tổ hỏi: “Con không có tính (họ) à?“, Sư đáp:“ Tính vốn không, nên không có“.
Tổ biết ngay đây là pháp khí. Ngài bảo thị giả đến nhà sư , xin cho sư được phép xuất gia. Người mẹ cho là vốn có duyên xưa , mặt không lộ vẻ từ chối, liền cho con xuất gia theo Tổ làm đệ tử cho đến khi được phó Pháp, truyền Y.
(3) Sau khi Tổ Tỳ Ni Đa Lưu Chi tịch, Sư vào núi Từ Sơn tu thiền định, thân như cây gỗ, VẬT, NGÃ đều quên. Các loài cầm thú thường quấn quít chung quanh Sư. Người đời thấy thế càng thêm kính mộ, đệ tử tìm đến học đạo càng ngày càng đông.
VẬT chỉ cho cảnh cũng quên vì đã phá chấp
NGÃ chỉ cho bản thân phải đạt đến chỗ quên ...phá ngã
(4) Thầy Khương Tăng Hội có ý định chấn hưng Phật pháp và dựng nên một ngôi quốc tự tại miền Giang Tả. Thầy chống tích trượng du hành về Đông Ngô. Vào năm Xích Ô thứ mười (247) nhà Ngô, thầy tới Kiến Nghiệp, dưng một am tranh, đặt lên một tượng Bụt, và bắt đầu hành đạo. Đây là lần đầu người Nước Ngô thấy hình dáng của một vị sa môn. Dân chúng thấy một ông thầy tu, nhưng mà không biết ông ta tu theo đạo nào, cho nên nghi là dị đạo. Hữu Ty tâu lên vua: “Có người ngoại quốc đi vào nước ta, tự xưng là sa môn, tướng mạo và y phục rất khác. Việc này cần phải xem xét.” Vua Tôn Quyền nói: “Ngày xưa vua Minh Đế nhà Hán nằm mơ thấy thần nhân xưng danh hiệu là Bụt. Ông sa môn kia có thể là người theo đạo ấy.” Rồi vua triệu thầy Tăng Hội tới hỏi: “Đạo của thầy có gì là linh thiêng ?” Thầy nói: “Đức Như Lai qua đời đã một ngàn năm, xá lợi của ngài để lại có năng lực chiếu sáng thần diệu không lường. Ngày xưa vua A Dục đã dựng ra tám vạn bốn ngàn chiếc tháp để làm sáng tỏ công đức giáo hóa của Bụt.” Vua Tôn Quyền cho đó là sự khoe khoang quá đáng, liền bảo thầy Tăng Hội: “Nếu thầy làm sao có được một hạt xá lợi như thế thì trẫm sẽ hứa xây cho thầy một chiếc tháp để thờ. Còn nếu đó là chuyện hư dối bày đặt thì nhà nước đã có pháp luật đối xử.” Thầy Tăng Hội hẹn xin sẽ có xá lợi trong bảy hôm. Rồi thầy nói với những vị đệ tử theo học với thầy: “Chánh pháp mà được hưng thịnh hay không là do ở một việc này. Nếu bây giờ chúng ta không có đem hết tâm dạ chí thành (để cầu xá lợi) thì sau này biết làm sao hối cho kịp.” Rồi thầy trò tổ chức nhập thất chay tịnh, lấy bình bằng đồng đặt lên án, đốt hương lạy thỉnh. Thời hạn bảy ngày đã hết, mà không thấy động tĩnh ứng nghiệm gì. Thầy lại xin gia hạn thêm bảy ngày nữa, mà cũng không ứng nghiệm. Vua Tôn Quyền nói: “Thật là đặt điều dối trá khinh mạn.” Nói rồi định trị tội. Thầy Tăng Hội xin thêm bảy hôm nữa. Vua chịu cho. Thầy Tăng Hội bảo các pháp tử của thầy: “Khổng tử có nói: Vua Văn đã băng, đạo không lý không có mặt nơi ta đây sao ? Phép lạ đáng lý đã xảy ra, chỉ vì chúng ta không có đủ đức tin. Nếu không có dạ chí thành thì ta đừng trông cầu ở phép vua làm gì? Giờ đây chúng ta phải tự cam kết là nếu phép thiêng không giáng thì chúng ta sẽ bằng lòng chết theo lời nguyện.”
Đến chiều ngày thứ bảy của tuần lễ thứ ba, mọi người cũng vẫn không thấy động tĩnh gì, ai cũng run sợ. Nhưng khi canh năm vừa tới, tự nhiên nghe có thấy tiếng loảng xoảng trong bình. Thầy Tăng Hội tự thân đến xem thì quả là xá lợi đã hiện ra. Sáng hôm sau thầy cho người trình lên vua. Vua Tôn Quyền gọi cả triều thần đến xem, ai cũng thấy hào quang năm sắc chiếu sáng trên bình. Vua tự tay cầm bình đổ xuống mâm đồng. Xá lợi lăn tới đâu thì mặt mâm đồng vỡ nát tới đó. Vua kinh hãi đứng dậy phán: “Đây là điều lành rất hiếm có.” Thầy Tăng Hội bước tới nói: “Uy thần của xá lợi há chỉ là ánh sáng chiếu ra thôi sao ? Xá lợi này lửa đốt không cháy, chày kim cương đập không nát.” Vua ra lệnh thử. Thầy Tăng Hội lại nguyện: “Mây pháp mới giăng, muôn dân còn trông đợi ơn mưa móc, vậy xin xá lợi tỏ lộ thần tích để biểu thị uy linh.” Rồi người ta đặt xá lợi trên đe sắt, sai lực sĩ dùng búa đập xuống. Đe búa đều nát mà xá lợi vẫn còn nguyên vẹn. Vua Tôn Quyền rất thán phục, phát tâm dựng tháp để thờ xá lợi ấy. Vì đây là lần đầu tiên đất nước này có chùa thờ Phật cho nên đặt tên chùa là Kiến Sơ, và gọi cả vùng đất ấy là Phật đà Lý. Do duyên cớ này mà từ đó tại miền Giang Tả đại pháp của Bụt bắt đầu được hưng thịnh.
(5) Thích sử Lưu Phương nghe danh của Sư Pháp Hiền bèn dâng sớ về Trung Quốc tâu lên vua nhà Tùy:
“... Cõi này người khâm sùng Phật giáo, lại có những vị cao đức danh tăng...”
Vua Tùy sai sứ mang năm hòm xá-lợi Phật và tờ điệp, bảo Sư xây tháp cúng dường. Sư bèn xây tháp ở chùa Pháp Vân và các chùa danh tiếng ở các châu Phong, Hoan, Trường, Ái... cũng đều dựng tháp cúng dường.
(6) Bài Học Của Cuộc Đời
Ngày nay bạn thương mến tôi.
Vâng! Tôi cám ơn bạn.
Song ngày mai kia, tôi không dám nghĩ đến.
Thế gian dành cho chúng ta khá nhiều điều bất như ý.
Chúng ta phải khéo tu để vượt qua những bất hạnh này.
Những thay đổi đau lòng luôn đến với ta,
Khi chúng đến, ta nên cười chẳng nên khóc.
Vì đó là qui luật của thế gian.
(Thiền viện Thường Chiếu, tháng 9. 1996)
Phá Ngã
Mạng sống trong hơi thở
Trong nhịp đập quả tim
Thế nào là mạng sống?
Sự vay mượn liên tục.
Thiền Viện Chân không, (08.1982)