Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Thiền sư Liễu Quán (1667-1742) Sơ Tổ Thiền phái Liễu Quán tại Việt Nam, Tổ Sư đời thứ 35 của Tông Lâm Tế 💐🌼🌸🏵️🌻🌼

01/06/202108:46(Xem: 15628)
Thiền sư Liễu Quán (1667-1742) Sơ Tổ Thiền phái Liễu Quán tại Việt Nam, Tổ Sư đời thứ 35 của Tông Lâm Tế 💐🌼🌸🏵️🌻🌼





Thiền sư Liễu Quán (1667-1742) Sơ Tổ Thiền phái Liễu Quán tại Việt Nam,
Tổ Sư đời thứ 35 của Tông Lâm Tế

Thuyết giảng: TT Thích Nguyên Tạng
Bài trình pháp: Cư Sĩ Quảng Tịnh Tâm & Cư Sĩ Huệ Hương
Diễn đọc: Cư Sĩ Diệu Danh ; Lồng nhạc: Cư Sĩ Quảng Phước





Nam Mô A Di Đà Phật

Kính bạch Sư Phụ

Bạch Sư Phụ, hôm nay chúng con được học về Thiền Sư Thiệt Diệu Liễu Quán là người Việt Nam đầu tiên được ấn chứng nối pháp Thiền Lâm Tế đời thứ 35 sau Lục Tổ Huệ Năng, và là Tổ thứ 72 (tính từ sơ tổ Ca Diếp).

Bài pháp thoại hôm nay là bài giảng thứ 241 của Sư Phụ bắt đầu từ mùa cách ly do Đại dịch Corona.

Sư ra đời ngày 18-11-1667 năm Đinh Mùi, quê ở làng Bạch Mã, huyện Đồng Xoài, tỉnh Phú Yên (sông Cầu bây giờ).

Sư Phụ kể có một sự trùng hợp về ngày sanh và năm sanh của Sư Phụ với Tổ Liễu Quán. Ngày sanh của Sư Phụ, 11-1967 năm Đinh Mùi, 300 năm sau, Sư Phụ ra đời cùng tháng và cùng năm Đinh Mùi với Tổ Liễu Quán.

Sư Phụ cũng đồng chơn xuất gia như Tổ, và hôm nay Sư Phụ giảng pháp về hành trạng đời tu của Tổ, bạch Sư Phụ con kính mạn phép tưởng tượng rằng có thể Sư Phụ có duyên với Tổ nên đã tái sanh trở lại tiếp nối con đường của Tổ từ 3 thế kỷ trước.

Năm 6 tuổi, Sư mồ côi mẹ, được cha đem đến chùa Hội Tôn thọ giáo với Hoà Thượng Tế Viên.
Năm 7 tuổi, Hoà Thượng viên tịch, Sư ra Thuận Hoá xin học với Giác Phong Lão Tổ ở chùa Báo Quốc.
Năm sau, Sư về phụng dưỡng cha già.
Năm 1695, thân phụ mất, Sư ra Thuận Hoá thọ giới Sa di với Hoà Thượng Thạch Liêm.
Năm 1697, Sư thọ giới cụ túc với Hoà Thượng Từ Lâm ở chùa Từ Lâm.

Năm 1702, Sư đến chùa Long Sơn tham yết với Hoà Thượng Tử Dung cầu dạy pháp tham thiền. Tổ Minh Hoằng Tử Dung cho pháp hiệu là Thiệt Diệu, và dạy Sư tham câu: “Vạn Pháp Quy Nhất, Nhất Quy Hà Xứ", tức là "muôn pháp về một, một về chỗ nào?”.


Sư Phụ giải thích câu công án ngộ đạo này của Tổ Liễu Quán: “muôn pháp về một" nghĩa là muôn pháp đều lưu xuất từ tâm mình và rồi cuối cùng cũng gom về với tâm. "Một về chỗ nào ?", một khi tâm đã lặng lẽ,  vô niệm, vô tướng, tức là ngay trong giờ phút này ở đây tâm không khởi nghĩ, không vọng tưởng, điên đảo, mà không vọng tưởng là không khởi nghĩ, không khởi nghĩ là không tạo nghiệp, không tạo nghiệp thì không bị nghiệp dẫn dắt đi tái sanh, ngay đó ta đạt đến chỗ vô sanh, tịch tịnh Niết bàn, dung thông tự tại, không đến và không về đâu cả. Tổ Liễu Quán đã nhận ra chỗ này mà ngộ đạo.

Con cảm ơn Sư Phụ đã giải thích bí mật ngộ đạo này của Tổ Sư Liễu Quán, quá hay, quá tuyệt vời, con xin khắc nghi mãi mãi lời này đến mãi ngàn sau, vì đây là cốt tủy của Thiền Đốn Ngộ, là chiếc chìa khóa vàng mở cửa giác ngộ của đời con.


Sau 8 năm tham cứu, nhân đọc sách Truyền Đăng Lục, tới câu “chỉ vật truyền tâm, nhân bất hội xứ”, Sư thoát nhiên đại ngộ.
Năm 1708, Sư ra chùa Long Sơn cầu xin Tổ Tử Dung ấn chứng.

Sư Phụ giải thích câu: “chỉ vật truyền tâm, nhân bất hội xứ”.
Tất cả pháp đều lưu xuất từ tâm của chúng ta, không bị pháp trần làm chủ.

Ngài Liễu Quán sau 8 năm, nhờ tiệm tu, tham cứu kinh Kim Cang Bát Nhã, Pháp Bảo Đàn Kinh...ngài đã tỏ rõ nhờ lãnh hội ý chỉ của Lục Tổ trong 36 pháp đối để giáo hoá chúng đệ tử: trời-đất, nhựt-nguyệt, sáng-tối, âm-dương, nước-lửa; có-không, sắc-không; hữu lậu-vô lậu, cấu-tịnh, sinh-diệt, phàm-thánh, tăng-tục, ngu-trí, phiền não-bồ đề, sinh tử-niết bàn…

Sư đem sở chứng trình với Sư Phụ Minh Hoằng Tử Dung. Sư Phụ Tử Dung bảo là có ngộ nhưng chưa triệt ngộ.

Sáng hôm sau, tổ Tử Dung thấy Sư đi ngang liền gọi lại bảo: “chuyện hôm qua chưa xong, nói lại xem!”
Sư thưa: “sớm biết đèn là lửa, cơm chín đã lâu rồi”.
Bấy giờ tổ Tử Dung mới cả khen và ấn chứng. Sư đã cầm đèn trong 8 năm đi tìm lửa trong khi cầm lữa trên tay mà không biết.

Sư Phụ giải thích thêm, sớm biết trong thân này có pháp thân thanh tịnh, thì đã ngộ lâu rồi, tâm phải trầm lắng yên thì mặt trời trí tuệ tỏa sáng.


Sau đó Sư vào rừng trên núi Thiên Thai lập am tranh để tiếp tục tu (sau này là chùa Thiền Tôn).

Năm 1072, tổ Minh Hoằng Tử Dung vào Quảng Nam dự lễ, Sư Liễu Quán dâng kệ Dục Phật (tắm Phật).
Tổ hỏi: “tổ tổ truyền nhau, Phật Phật truyền nhau, chẳng hay truyền nhau cái gì?”.
Sư đáp: “Búp măng trên đá dài một trượng
Cây chổi lông rùa nặng 3 cân”.
Tổ đọc: “Chèo thuyền trên núi cao
Phi ngựa dưới đáy bể”.
Rồi hỏi: “tại sao”
Sư đáp: “Trâu đất gãy sừng rống suốt đêm
Đàn tranh đứt dây dãy trọn ngày”.
Tổ thấy Sư biện luận lành lẹ, ứng biến rất phù hợp nên vui mừng và ấn chứng kế thừa là Tổ thứ 35 của Thiền Phái Tông Lâm Tế.

Sư ra hoằng pháp, lập hai chùa ở Huế, chùa Thiên Thai và chùa Thiền Tôn, lấy thiền làm tông chỉ, xuất phát dòng Thiền Liễu Quán. Sư lập Tổ đình Viên Thông sau núi Ngự Bình, chùa Cổ Lâm, chùa Bảo Tịnh ở Phú Yên.


Sư phụ có nhắc 2 câu thơ của Thi Sĩ Bùi Giáng minh chứng rằng bản thân không khùng điên sau năm 1975 như lời đồn thổi:

“Dạ thưa xứ Huế bây chừ
Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương”.


Năm 1733-1735, Sư mở ba đại giới đàn cho đệ tử xuất gia và tại gia.

Năm 1742, lập đại giới đàn cho 4000 chúng xuất gia và tại gia.

Sư là Sơ Tổ của Thiền Phái Lâm Tế Liễu Quán tại VN và ngài đã biệt xuất bài kệ truyền thừa như sau:

“Thiệt tế đại đạo

Tánh hải thanh trừng

Tâm nguyên quảng nhuận

Đức bổn từ phong

Giới định phước huệ

Thể dụng viên thông

Vĩnh siêu trí quả

Mật khế thành công

Truyền trì diệu lý

Diễn xướng chánh tông

Hạnh giải tương ưng

Đạt ngộ chân không”.


Sư Ông Nhất Hạnh dịch nghĩa:


“Thực tế đường lớn

Biển tánh lắng trong

Nguồn tâm nhuần khắp

Gốc đức từ phong

Giới định phước huệ

Thể dụng viên thông

Trí quả vĩnh siêu

Thầm hợp thành công

Truyền giữ lý mầu

Tuyên dương chánh tông

Biết làm đồng nhất

Đạt ngộ chân không”.

(Bài do Sư Ông Nhất Hạnh dịch)


bai ke truyen thua to lieu quan-2

Sư Phụ giải thích: Đây bài kệ truyền thừa nối pháp trong dòng thiền Liễu Quán, hiện nay đã truyền đến đời thứ 13 rồi (đến chữ Đức). Sư phụ đã cắt nghĩa từng câu trong bài kệ này như sau:

Thiệt Diệu, thật Diệu là sự thật nhiệm màu là Phật tánh chân như, là định hướng tu tập của đệ tử.

Thiệt tế đại đạo là con đường lớn giúp cho đệ tử dẫn đến địa hạt, phạm vi của “thật tại hiện tiền”, đó là chơn tâm, là Phật tánh.

Tánh Hải thanh trừng là tâm lắng yên, trí tuệ phát sanh để vào biển tánh thanh tịnh pháp thân Tỳ Lô Giá Na.

Tâm Nguyên quảng nhuận, là nguồn tâm tuệ giác thấm nhuận khắp nơi.

Đức Bổn Từ Phong, là gốc đức của mình phải vun bồi để làm nền tảng vững chắc. Đức là âm bên trong. Phước là thấy bên ngoài. Phước và Đức phải lưỡng toàn mới bước vào Phật địa.

Thể dụng viên thông, thể là bên trong, dụng là bên ngoài, phải viên thông.

Vĩnh siêu trí quả, là người đạt đến quả vị thánh trí sẽ siêu thoát vĩnh viễn vượt qua cõi giới luân hồi, không còn trở lại.

Mật khế thành công, lặng lẽ nhưng khế hợp mới thành công.

Truyền trì diệu lý, xiểng dương chánh tông, đệ tử của thiền phái này sau khi liễu ngộ rồi phải biết gìn giữ lý mầu để truyền trao cho thế hệ kế tiếp, đó là trách nhiệm, bổn phận “nối đèn tiếp lửa” để mang ánh sáng Chánh pháp giúp cho mọi người đạt đến chơn không diệu hữu, điều mà Tổ Liễu Quán mong muốn.

Sư phụ cũng giải thích thêm bài kệ truyền thừa của Tổ Liễu Quán đã truyền đến Hoa Kỳ, Canada, Âu Châu và Úc Châu, ví dụ thầy trò tại Tu Viện Quảng Đức, Melbourne, Australia là đệ tử đời thứ 9 (Tâm Phương), đời thứ 10 (Nguyên Tạng, Nguyên Như, Nguyên An, Nguyên Đà...) và đời thứ 11 (Quảng Trí, Quảng Tịnh, Quảng  Như....)

Vào mùa đông năm 1742, nhằm ngày 21 tháng 11 âm lịch, tại tổ đình Viên Thông, ngài dạy đồ chúng đem bút mực ra để viết bài kệ như sau:

Thất thập dư niên thế giới trung,

Không không sắc sắc diệc dung thông,

Kim triêu nguyện mãn hoàn gia lý,

Hà tất bôn mang vấn tổ tông ?

Nghĩa là :

Ngoài bảy mươi năm trong thế giới,

Không không, sắc sắc đã dung thông,

Hôm nay nguyện mãn về chốn cũ,

Nào phải ân cần hỏi tổ tông?

Ngày 22 tháng 11 năm Nhâm Tuất (18/12/1742), sau khi uống trà, pháp thoại và hành lễ buổi sáng xong, Tổ đã ngồi kiết già an nhiên thị tịch, thọ thế 76 tuổi, đệ tử xuất gia kế thừa pháp có 49 vị, đệ tử tại gia có đến hàng vạn người. Chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738 – 1765) quý trọng đạo hạnh của Tổ nên dâng tặng thụy hiệu: “Chánh Giác Viên Ngộ Hòa Thượng” để khắc vào bia. Sau khi Tổ viên tịch gần ba tháng, vào ngày 19 tháng 2 năm Quý Hợi (1743), nhục thân của Ngài đã được chúng đệ tử cung tiễn đến nhập bảo tháp dưới chân núi Thiên Thai, cách bảo tháp 800 mét là chùa Thiền Tôn do chính Tổ khai sơn


Kính bạch Sư Phụ, hôm nay chúng con được Sư Phụ ban giảng bài pháp về Thiền Sư Thiệt Diệu Liễu Quán, chúng con cảm thấy hãnh diện nước Việt Nam với bốn ngàn năm văn hiến, có vị thiền Sư Việt Nam vào chùa vừa 6 tuổi trong sáng tinh khôi, được thấm nhập dòng suối Tào Khê linh diệu tuôn chảy từ sơ tổ Ca Diếp xuyên suốt qua Trung Hoa đến Việt Nam, và đặc cách thiêng liêng, Sư Phụ thuộc dòng Liễu Quán đời thứ 10, có tháng sanh, năm sanh cùng giống tổ và cùng xuất gia từ tuổi thơ và con được hãnh diện là đệ tử của Sư Phụ trong dòng thiền có sơ tổ là người Việt Nam được truyền từ sơ tổ “niêm hoa vi tiếu” ở Linh Thứu sơn. Con mong trong đời mình có cơ duyên trở về thăm chốn Tổ để tảo tháp của Ngài vào ngày 22/11 như lời dạy của Sư phụ.


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Cung kính và tri ơn Sư Phụ,
Đệ tử Quảng Tịnh Tâm
(Montréal, Canada).


241_TT Thich Nguyen Tang_Thien Su Thiet Dieu Lieu Quan-2



Thiền Sư Liễu Quán với kệ thị tịch
minh chứng cuộc đời tu chứng và kệ truyền pháp phái
để định hướng cho đệ tử thuộc tông phái mình
phương cách để đạt tới cứu cánh : thấy được Phật Tánh , Chân Như!


Thiền sư Liễu Quán (1667 – 1742)
Sơ Tổ Thiền phái Liễu Quán tại Việt Nam,
Tổ Sư đời thứ 35 của Tông Lâm Tế.



Kính dâng Thầy bài thơ trình pháp sau khi nghe bài pháp thoại rất tuyệt vời về Thiền Sư Thiệt Diệu Liễu Quán. Thật là bất ngờ và rất vui mừng khi được nghe Thầy kể về một sự trùng hợp lạ kỳ về ngày, tháng năm sinh của Thầy và Tổ Liễu Quán sau đúng 300 năm và được biết trong thời gian tại chùa Pháp Vân ( Gia Định / Saigon) Thầy đã được nhà thơ Bùi Giáng viết lại tiểu sử của chính đời mình trong sổ tay của Thầy và được Thầy phổ biến rất hy hữu . Không hiểu đây có phải là hiện tượng tái sinh nên Thầy đã có túc duyên xuất gia và truyền bá Tổ Sư Thiền từ Ấn Độ , Trung Hoa và Việt Nam .
Kính đảnh lễ Thầy và kính chúc Thầy pháp thể khinh an , HH





Kính đảnh lễ Cao Tăng Việt Nam đời 35 Tông Lâm Tế !
Pháp danh, đạo hiệu dự tri đã rõ bày (1)
Triệt ngộ đúng thời sau 8 năm kinh sách dùi mài (2)
Kệ thị tịch và kệ truyền pháp phái ...(3)
.....Tóm gọn phương cách đạt cứu cánh (4)


Kính đa tạ Giảng Sư tổng hợp 5 tài liệu về Thiền Sư Liễu Quán (5)
Đúc kết thành bài pháp thoại quá tuyệt vời
Từng chi tiết nhỏ được ghi trong cuộc đời
Từ thân thế, công hạnh vị Tổ Sư chân chính (6)



Chỗ hoá duyên rất rộng :
Chùa Thiền Tôn, Tổ Đình Viên Thông, Chùa Cổ Lâm, Bảo Tịnh (7)
Làm nền móng vững chắc cho Việt Nam hoá đặc thù (8)
Mỗi câu kệ truyền phái là một pháp tu,
Kính tri ân Giảng Sư :
......Kính ghi lại khi thính pháp chăm chú (9)
Kính cúng dường đến Tổ, Thầy, đại chúng những gì tiếp thụ !


Nhất Tâm Đảnh Lễ Từ Lâm Tế Tổ, Tam Thập Ngũ Thế, Biệt Xuất Pháp Phái, Thiền Tôn Tàng Thể,
Thượng THIỆT Hạ DIỆU, Thụy Danh CHÍNH GIÁC, Bảo Tháp VIÊN NGỘ, Pháp Hiệu LIỄU QUÁN Đại Lão Tổ Sư Thùy Từ Chứng Giám.


Huệ Hương
Melbourne 1/6/2021





(1) Đạo hiệu là Liễu Quán, pháp danh là Thật Diệu.

Liễu là hiểu được, quán tức là quán chiếu, là nhìn cho sâu.

Thật là sự thật, diệu là sáng tỏ, chiếu sáng, sự thật chiếu sáng. Cũng là Sự Thật nhiệm mầu , là Phật Tánh , là thể tánh tịnh minh

(2)

Đến năm Nhâm Ngọ (1702), Sư lại Long Sơn tham yết Hòa thượng Tử Dung cầu dạy pháp tham thiền. Hòa thượng dạy Sư tham câu:

Vạn pháp qui nhất, nhất qui hà xứ?

(Muôn pháp về một, một về chỗ nào?)

Sư ngày đêm tham cứu đến bảy, tám năm mà chưa lãnh hội, trong lòng tự lấy làm hổ thẹn.

Một hôm, nhân đọc Truyền Đăng Lục đến câu: “Chỉ vật truyền tâm, nhân bất hội xứ”, thoạt nhiên Sư được tỏ ngộ. Nhưng vì núi sông cách trở, Sư không thể đến ngài Tử Dung để trình sở ngộ được.mãi Đến mùa xuân năm Mậu Tý (1708), Sư trở ra Long Sơn cầu Hòa thượng ấn chứng.

Sưđem chỗ công phu của mình mỗi mỗi trình bày, đoạn nói đến câu “Chỉ vật truyền tâm, nhân bất hội xứ”, Ngay lúc đó liền bảo:

- Bờ thẳm buông tay, tự nhận đảm đang,
Chết rồi sống lại, dối người chẳng được.

(Huyền nhai tán thủ, tự khẳng thừa đương,
Tuyệt hậu tái tô, khi quân bất đắc.)

Sư liền vỗ tay cười ha hả!

Hòa thượng bảo:

- Chưa nhằm.

Sư nói:

- Trái cân vốn là sắt (bình thùy nguyên thị thiết).

Hòa thượng bảo:

- Chưa nhằm.

Hôm sau Hòa thượng gọi Sư đến bảo:

- Chuyện hôm qua chưa xong, nói lại xem!

Sư thưa:

- Sớm biết đèn là lửa,
Cơm chín đã lâu rồi.

(Tảo tri đăng thị hỏa,
Phạn thục dĩ đa thì.)

Bấy giờ, Hòa thượng mới chấp nhận và khen ngợi.

Sau đó đến mùa hạ năm Nhâm Thìn (1712), Hòa thượng vào Quảng Nam dự lễ Toàn Viện (?), Sư đem trình bài kệ Dục Phật (tắm Phật).

Hòa thượng hỏi:

- Tổ Tổ truyền nhau, Phật Phật trao nhau, chẳng biết truyền trao cái gì?

Sư thưa:

- Búp măng trên đá dài một trượng,
Phất tử lông rùa nặng ba cân.

(Thạch duẩn trừu điều trường nhất trượng,
Qui mao phủ phất trọng tam cân.)

Hòa thượng nói:

- Thuyền chèo trên núi cao,
Ngựa đua dưới đáy bể.

(Cao cao sơn thượng hành thuyền
Thâm thâm hải để tẩu mã.). hỏi yếu nghĩa là sao?

Sư đáp:

- Cây đàn không dây trọn ngày gẩy
Trâu đất gẫy sừng rống suốt đêm.

(Chiết giác nê ngưu triệt dạ hống
Một huyền cầm tử tận nhật đàn.)

Sư biện tài lanh lẹ, lâm cơ ứng biến, như nước với sữa rất phù hợp. Hiển bày Bát Nhã

Hòa thượng rất vui mừng ấn khả.cho Ngài nối pháp

( 3) (Kệ Thị Tịch của Tổ Sư Thiệt Diệu Liễu Quán)

Thất thập dư niên thế giới trung,

Không không sắc sắc diệc dung thông,

Kim triêu nguyện mãn hoàn gia lý,

Hà tất bôn mang vấn tổ tông ?

Dịch nghĩa:

Ngoài bảy mươi năm trong thế giới,

Không không, sắc sắc đã dung thông,

Hôm nay nguyện mãn về chốn cũ,

Nào phải ân cần hỏi tổ tông?

Trước khi ngài viên tịch, ngài phú pháp cho hàng đệ tử và truyền kệ như sau:để định hướng cho thiền phái Liễu Quán của Ngài,

Sư có bài kệ pháp phái rằng:

Thật tế đại đạo
Tánh hải thanh trừng
Tâm nguyên quảng nhuận
Đức bổn từ phong.
Giới định phước tuệ
Thể dụng viên thông
Vĩnh siêu trí quả
Mật khế thành công.
Truyền trì diệu lý
Diễn sướng chánh tông
Hạnh giải tương ưng
Đạt ngộ chân không.

Tăng đồ và tín đồ miền Trung và miền Nam hiện nay hầu hết là thuộc dòng Lâm Tế,

Mùa xuân năm Nhâm Tuất (1742), Sư lại dự lễ giới đàn ở chùa Viên Thông. Cuối mùa thu năm ấy, Sư có chút bệnh, gọi môn đồ đến dạy rằng:

- Nhân duyên ta đã hết, ta sắp đi đây.

Môn đồ kêu khóc ầm lên. Sư lại bảo:

- Các ngươi kêu khóc mà làm gì? Chư Phật ra đời còn nhập Niết-bàn; nay ta đi lại rõ ràng, về ắt có chỗ, các ngươi không nên khóc lóc và đừng buồn thảm lắm.

Đến ngày 22 tháng 2, buổi sáng, sau khi dùng trà cùng các đồ đệ hầu chuyện và làm lễ xong,

Đến quá trưa, Ngài hỏi mấy giờ. Các đồ đệ thưa: Giờ Mùi, sau khi dạy đệ tử vài điều, ngài vui vẻ thị tịch, thọ 76 tuổi.

Nhục thân Tổ Liễu Quán tôn trí tại bảo tháp tổ đình Thuyền Tôn, trên núi Thiên Thai, Huế. Ngôi bảo tháp được chúa Nguyễn Sắc làm bia và xây dựng kiên cố, trải qua thời gian hơn hai thế kỷ mà vẫn giữ vẻ uy nghiêm mỹ lệ.

(4) Tất Cả 12 câu trong kệ pháp phái , mỗi câu là một pháp môn tu và đã được tóm gọn trong 6 lý mầu vi diệu sau đây:

Thể tánh vắng lặng
Tâm thức thanh tịnh ( từ bi, trí tuệ )
Lộ trình công phu tu tập ( nhờ Phước Đức bồi đắp để có Giới Định Tuệ )
Trí tuệ viên mãn khi dung thông lẽ Sắc, Không
Hoá độ chúng sanh
Thành tựu Chánh Quả
(5) theo lời Giảng Sư đã tổng hợp từ các tài liệu của HT Tín Nghĩa, HT Thích Thái Hoà, HT Thích Thiện Siêu, HT Thích Nhất Hạnh , Cư sĩ Tâm Huy Huỳnh Kim Quang

(6)

Sư tên Lê Thiệt Diệu, quê làng Bạch Mã, sinh năm Đinh mùi tháng 11 1667huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên (Sông Cầu bây giờ). Lúc sáu tuổi, Sư mồ côi mẹ, cha đem đến chùa Hội Tôn thọ giáo với Hòa thượng Tế Viên (người Trung Hoa).

Được bảy năm thì Hòa thượng tịch, Sư ra Thuận Hóa xin học với Giác Phong lão tổ (người Trung Hoa) ở chùa Báo Quốc.

Ở đây được một năm, nhằm năm Tân Mùi (1691), Sư phải trở về phụng dưỡng cha già, lấy nghề kiếm củi độ nhật.

Qua bốn năm thân phụ mất, nhằm năm Ất Hợi (1695), Sư lại trở ra Thuận Hóa thọ giới Sa-di với Hòa thượng Thạch Liêm.

Năm Đinh Sửu (1697), Sư lại thọ giới Cụ túc với Lão hòa thượng Từ Lâm (người Trung Hoa) ở chùa Từ Lâm.

Năm Kỷ Mão (1699), Sư đi tham lễ khắp Thiền lâm trải qua biết bao sự khó khăn khổ nhọc. nguyện học pháp môn nào mà mình có thể lãnh hội liễu ngộ

Và sau 8 năm liễu ngộ Đến mùa xuân năm Mậu Tý (1708), Ngài trở ra Long Sơn cầu Hòa thượng Tử Dung ấn chứng.

Sau đó, ngài Liễu Quán vào núi Thiên Thai lập am tu thiền. Hằng ngày Tổ sống khắc khổ, đạm bạc bằng vật thực mọc ở ven hồ chẳng cần lương thực gì khác.

Trú xứ hóa duyên của ngài rất rộng, ngài thường xuyên ra vào Huế, Phú Yên để hóa đạo. Từ năm Canh Dần (1710) đến năm Tân Sửu (1721), Tổ đã chống tích trượng đi khắp nẻo làng quê của đất Phú Yên từ hòn Mõ, ra tận hòn Chuông để hoằng hóa chánh pháp, tiếp Tăng độ chúng, khai lập chùa chiền. Tổ đã khai sơn chùa Bảo Tịnh tại Tuy Hòa.

Đến năm Nhâm Dần (1722), ngài trở ra Huế cùng với vị đệ tử út tên là Tế Vĩ trụ tại Thiên Thai Huyền Tôn tự tiếp tục việc hoằng hóa ở đất Thần kinh.

Từ năm Năm Quý Sửu (1733), năm Giáp Dần (1734) và năm Ất Mão (1735), ngài được sự thỉnh cầu của các tông môn ở Huế, chứng minh các Đại giới đàn tại đây.

Năm Canh Thân (1740), ngài tấn đàn Long Hoa phóng giới cho đàn hậu tấn. Thời ấy chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát (1738 – 1765) rất mến đạo hạnh của ngài nên thường đến chùa Viên Thông đàm đạo và thỉnh ngài vào cung để bàn luận Phật pháp nhưng ngài từ chối khéo không vào.

Mùa Xuân năm Nhâm Tuất (1740), ngài làm Hòa thượng Đàn đầu cho Đại giới đàn tại chùa Viên Thông.có hơn 4000 người tham dự

Ngài có bốn vị đệ tử lớn: Tổ Huấn, Trạm Quan, Tế Nhân và Từ Chiếu.

(Từ Chiếu, húy Tế Căn. Khai sơn chùa Hồ Sơn, Tuy Hòa, Phú Yên)

Bốn ngài này đã tạo lập bốn trung tâm hoằng dương chánh pháp lớn lao khắp đó đây ở đàng Trong. Và, từ thế kỷ thứ 18 trở về sau này nghiễm nhiên với danh xưng Thiền Phái Liễu Quán.

(7)

Chỗ hóa duyên của Sư rất rộng, thường ra vào Huế, Phú Yên để giáo hóa luôn, không nề khó nhọc.,

Ngài đã lập nhiều đạo tràng để truyền giáo như :

– Tổ đình Thuyền Tôn ở núi Thiên Thai, xóm Ngũ Tây, huyện Hương Thủy vào năm 1708, nhưng mãi đến năm 1747, chúa Nguyễn Phúc Khoát mới ban biển sắc tứ cho chùa nầy; đồng thời, Đại Hồng Chung đang được thờ tại đây cũng được đúc cùng năm nầy, tức là năm Cảnh Hưng thứ tám.

– Tổ đình Viên Thông sau lưng núi Ngự Bình (Chúa Nguyễn Phúc Khoát rất sùng kính uy đức và đạo hạnh của ngài, nhiều lần thỉnh ngài vào kinh để tham vấn giáo lý, ngài đều từ chối, vì không muốn dính líu sự lui tới ra vào với triều đình; do đó, chúa và quần thần hay vào tổ đình Viên Thông để hỏi đạo, nên núi nầy có tên là núi Ngự).

– Tổ đình Hội Tôn, Tổ đình Cổ Lâm và Tổ đình Bảo Tịnh ở Phú Yên

(8)

Tổ sư Liễu Quán đã làm cho thiền phái Lâm Tế trở thành một tông phái đặc thù và linh động, có một nền móng vững chắc ở đàng trong (tức là từ Thanh hóa trở vào). Trước khi Tổ Liễu Quán xuất hiện, thiền phái Lâm Tế ảnh hưởng của Trung quốc (vì có ngài Nguyên Thiều, ngài Thạch Liêm, ngài Tử Dung, v.v..). Chính Tổ Liễu Quán đã Việt hóa tất cả từ văn hóa, kiến trúc và nghi lễ, v.như bài thơ ngồi thiền buổi sáng đã được HT Nhất Hạnh dịch nghĩa như sau:

Pháp thân tỏa sáng buổi ban mai

Tỉnh tọa lòng an miệng mỉm cười

Ngày mới nguyện đi trong tỉnh thức

Mặt trời trí tuệ rạng muôn nơi

(9)

Từ bài kệ truyền pháp phái được HT Thích Nhất Hạnh đã dịch cho thấy mỗi câu là một pháp tu mà Giảng Sư đã giải thích rất tường tận cho chúng đệ tử thâm hiểu hơn

Thực tế đường lớn (con đường mình phải theo đúng lộ trình để được thể tánh tịnh minh)

Biển tánh lắng trong ( muốn đến biển tánh tỳ lô giá na cần phải thanh tịnh trong sạch )

Nguồn tâm nhuần khắp( chỉ khi nào điều phục Tâm mình thì Tuệ giác mới tỏa rộng và thấm nhuần đến khắp nơi )

Gốc đức từ phong( muốn vậy công Đức phải vun trồng )

Giới định phước huệ ( và người tu phải tu Phước thì Giới Định Tuệ mới viên thành và giữ được )

Thể dụng viên thông ( Thể. Tướng , Dụng bên ngoài và bên trong đều vô ngại )

Trí quả vĩnh siêu ( trái quả sẽ siêu việt và Vĩnh viễn không tái sinh lại kiếp luân hồi )

Thầm hợp thành công( ( lặng lẽ nhưng làm được rất nhiều việc , chỗ nào làm việc gì cũng thành công )

Truyền giữ lý mầu ( cần phải giũ đạo lý này và truyền cho thế hệ mai sau )

Tuyên dương chánh tông( Đó chính là cách phổ biến quảng bá nhất cho Chánh Tông )

Biết làm đồng nhất( đó là thực hành và giáo thuyết học được phải đi song đôi và đồng nhất )

Đạt ngộ chân không.( thì mới gọi là đã vào Phật địa , thấy được Như LaiTạng , Thể tánh tịnh minh )

Đặc biệt là 3 câu cuối đều rốt ráo quy về Phật Tánh , tìm được Ông Phật của chính mình là cứu cánh




facebook-1


***
youtube
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
25/09/2024(Xem: 1375)
Con vừa ghi lại buổi pháp thoại Thầy thuyết giảng về "Đại Sư Thiếu Khang, vị Tổ thứ 5 của Tịnh Độ Tông Trung Hoa", con kính gửi Thầy xem và chỉnh sửa thêm trước khi online. Con kính cám ơn Thầy cho phép con phiên tả, vì đây là cơ hội để con chú tâm để hiểu ít nhiều về Phật pháp thêm vào vốn liếng giáo lý quá ít ỏi của con. Bạch Thầy, con chợt nhận ra rằng, Thầy đã dùng phương tiện này để dẫn dắt con, thay vì như Tổ Thiếu Khang cho tiền để trẻ niệm A Di Đà, Thầy đã khéo léo bảo con tường thuật để cột tâm con vào một mối không đi lang thang như khi ngồi nghe giảng hay tụng kinh. Con kính tri ân Thầy.
21/09/2024(Xem: 1589)
Con trộm nghĩ nếu câu Niệm Phật được thực hiện đúng, nghĩa là luôn được gắn chặt vào một suy nghĩ bất cứ lúc nào thì suy nghĩ duy nhất này sẽ đẩy ra tất cả những suy nghĩ khác thì đương nhiên tác động kỳ diệu của việc niệm Phật rất giống với Thiền.( một yếu tố bắt buộc trong việc học Phật .) Hơn thế nữa con được nghe rằng “ Học lịch sử mà không làm sống lại được nhân vật và hoàn cảnh lịch sử thì nào có bổ ích gì" nhấn mạnh rằng việc học lịch sử không chỉ đơn thuần là ghi nhớ các sự kiện, ngày tháng, hay tên tuổi mà còn phải hiểu rõ bối cảnh, tâm tư và động lực của những nhân vật trong lịch sử. Nếu chỉ học theo cách máy móc mà không thể thấu hiểu và cảm nhận được những giá trị ẩn sau sự kiện, ta sẽ bỏ lỡ những bài học quan trọng nhất.
16/08/2024(Xem: 2272)
Video Books Kinh Trung Bộ, Trường Bộ & Ương Ưng Bộ của Hòa Thượng Thích Minh Châu
07/03/2023(Xem: 4712)
Hạnh Phúc Trong Từng Hơi Thở (bài giảng của SC TN Giới Bảo)
07/03/2023(Xem: 3096)
Kinh Lương Hoàng Sám- S.C Giới Bảo Dẫn Chúng Trì Tụng Năng Lực Tiêu Trừ Nghiệp Chướng Lớn
23/12/2022(Xem: 19057)
Các video sau được sưu tập và biên tập sao cho mỗi video đều có mục lục chi tiết (ngoại trừ các bài giảng lẻ), kèm theo thời điểm lúc giảng các mục để người xem có thể dễ dàng theo dõi. Ngoài ra nếu vô tình nghe một đoạn bất kỳ cũng có thể biết được Sư bà đang giảng tới mục nào vì tên mục đó có ghi phía dưới màn hình.
26/03/2022(Xem: 14778)
❝Trên đường đạo không gì bằng tinh tấn, Không gì bằng trí tuệ của đời ta, Sống điêu linh trong kiếp sống ta bà, Chỉ tinh tấn là vượt qua tất cả.❞ Kính chia sẻ cùng chư Tôn đức, Pháp hữu và qúy Phật Tử Lịch Pháp thoại và khóa tu tại Hoa Kỳ trong tháng 4 và tháng 5-2022 với sự hướng dẫn của Tỳ kheo Như Nhiên. Th Tánh Tuệ CHƯƠNG TRÌNH HAI NGÀY TU HỌC tại Tu viện Đạo Viên tiểu bang Maryland Khóa tu chủ đề: TIẾP XÚC VỚI THỰC TẠI. Với sự hướng dẫn của thầy Thích Tánh Tuệ California, Thầy Viên Ngộ trụ trì Tu Viện Đạo Viên, Maryland và Thầy Tâm Nguyên trụ trì Tu Viện Hạnh Phúc, Florida. Tu học hai ngày thứ Bảy & Chủ nhật (April 09 & 10, 2022) và ngắm Hoa Anh Đào vùng thủ độ Hoa Thịnh Đốn vào ngày thứ hai sau khóa tu.
07/02/2022(Xem: 21194)
Kính đa tạ Thầy đã giới thiệu 14 lời vàng của HT Thích Trí Tịnh (1916-2014 ) một Bồ Tát thị hiện đã mang kho tàng kinh các đến với Phật Tử VN trong và ngoài nước nhưng cuối cùng di chúc để lại cho đời chỉ vỏn vẹn 14 lời vàng này lại là Kim Chỉ Nam cho những ai muốn tu tập giải thoát ( LÀM LÀNH-LÁNH DỮ-THƯƠNG NGƯỜI- THƯƠNG VẬT-ĂN CHAY-NIỆM PHẬT -TỤNG KINH ) và Bộ Toàn tập Kinh Hoa Nghiêm 4 quyển cũng như Ngũ Kinh Tịnh Độ mà Ngài đã thọ trì hằng ngày từ A lại da thức khởi phát.
01/02/2022(Xem: 35231)
48 Đại Nguyện của Đức Phật A Di Đà (loạt bài giảng của TT Thích Nguyên Tạng trong mùa dịch cúm Covid-19)
09/12/2021(Xem: 21219)
Cách đây vài ngày đọc trên một tờ báo tại Sydney , khi nói về chủng thể Omicron vừa phát tán và lây lan do xuất phát từ các nước Nam Phi , tôi chợt mỉm cười khi đọc được câu này " Chúng ta đã học từ nạn đại dịch một điều rằng : Đừng nên hy vọng một điều gì , vì chắc chắn điều mình hy vọng ấy sẽ chỉ là THẤT VỌNG " If there’s one thing COVID has taught us , it is to expect nothing, except disappointment . What it comes to that COVID really delivers
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com