Nam Mô A Di Đà Phật
Kính bạch Sư Phụ
Bạch Sư Phụ, hôm nay chúng con được học về Thiền Sư Hải Chu Phổ Từ (1355-1450). Ngài thuộc tổ thứ 61, tính từ sơ tổ Ca Diếp, đời thứ 27 sau Lục Tổ Huệ Năng và cũng là Tổ thứ 24 của Thiền Phái Lâm Tế.
Thiền sư Hải Chu họ Từ, người tỉnh Giang Tô. Thuở nhỏ, Sư thấy vị Tăng thì phát tâm hoan hỉ. Một hôm Sư nghe nói đến chuyện sanh tử thì phát tâm xuất gia, Sư đến chùa Cảnh Đức trên núi Đại Tuỳ, huyện Bành, Thành Đô (nay là tỉnh Tứ Xuyên), xin xuất gia với Hoà Thượng Chiếu Nguyệt.
Sau khi Hoà Thượng Chiếu Nguyệt viên tịch, Sư vào núi Tây Sơn ẩn tu suốt 8 năm.
Năm 1427 Sư đến Kim Lăng tham vấn với Ngài Vạn Phong.
Sau đó, Sư đến học đạo với Ngài Đông Minh.
Một hôm, tổ Đông Minh hỏi: “ông đã từng tham vấn ai chưa?”
Sư thưa: “bạch Hoà Thượng, con đã tham học với HT Vạn Phong”.
Tổ Đông Minh hỏi: “HT Vạn Phong hiện đang ở đâu?”.
Sư im lặng không trả lời
Tổ Đông Minh quở: “vậy sao ông nói đã từng tham học với HT Vạn Phong?
Sư trở về phòng, suốt ba ngày đêm quên ăn bỏ ngủ, chợt thấy chiếc đèn đang treo bị đứt dây rớt xuống đất, ngài hốt nhiên đại ngộ, liền trình sở chứng lên tổ Đông Minh và được Tổ ấn chứng, HT Vạn Phong đã đi vào pháp giới tánh.
Sư Phụ giải thích:
1-Theo Tổ Sư Thiền hỏi mà không trả lời là đã ngộ. Im lặng là tỏ sự kính trọng. Im lặng bị quở là động lực giúp cho đệ tử được triệt ngộ. Sau ba ngày ba đêm quên ăn quên ngủ, tiếp tục tham công án giúp cho triệt ngộ.
2-hốt nhiên đại ngộ, Hốt-nhiên là bất ngờ, bất chợt, đột ngột, thình lình, tới rất mau, không kịp biết trước; Đại ngộ là giác ngộ rộng lớn. Hốt-nhiên Đại Ngộ là “giác ngộ một cách bất ngờ”, Không có qua bộ óc lý giải mà chơn tâm đột ngột sáng tỏ, tự động nhận ra đúng như thực tế trùm khắp không gian thời gian. Chữ “đại” ở đây có hai ý: 1/Điều cốt lỏi, điều quan trọng nhất. 2/Cường độ mạnh mẽ của “ngộ”.
3-Sư phụ giải thích câu "HT Vạn Phong hiện đang ở đâu?" bằng cách dẫn câu hỏi " Khi Phật Thích Ca nhập diệt tại thành câu Thi Na ngài về đâu ?", Sp giải nghĩa chữ "Như Lai" rất chi tiết để giải đáp thắc mắc.
Như Lai tiếng Phạn gọi là Tathagatha) có nghĩa là: "Đức Phật không từ đâu đến và cũng không đi về đâu, nên gọi là Như lai" (vô sở tùng lai, diệc vô sở khứ cố danh Như lai). Cũng có nghĩa: Đức Phật đến (lai) từ sự thật (Như). Phật có nghĩa là từ chân lý mà đến, do chân như mà hiện thân, cho nên tôn xưng Phật là Như Lai. Trong Kinh Trường A-hàm, quyển 20, kinh Thanh Tịnh, có ghi: “Đức Phật từ đầu hôm thành Vô thượng chánh giác (ở Bồ-đề đạo tràng) cho đến đêm cuối cùng (ở Câu-thi-na), trong khoảng thời gian đó có nói điều gì, thì tất cả những điều ấy đều như thật, cho nên gọi là Như Lai. Lại nữa, Như Lai nói sự việc như vậy, sự việc như vậy mà nói, nên gọi là Như Lai”. Luận Đại Trí Độ, quyển 55, ghi: “Do tu hành 6 pháp ba-la-mật, đắc thành Phật đạo, cho nên gọi là Như Lai; trí tuệ biết tất cả các pháp Như, từ trong Như mà đến, nên gọi là Như Lai”.
Về sự, chúng ta có thể nói “Đức Phật nhập diệt là không đi về đâu, mà là nhập vào pháp giới tánh, vào cõi giới thanh tịnh pháp thân Tỳ Lô Giá Na”.
4-ngài Nam Tuyền trả lời ngài Triệu Châu “bình thường tâm là đạo”, tâm bình thường là tâm không còn đối đãi, tâm không còn tạo nghiệp, vô niệm, chánh niệm, là tâm bất động, là tâm giải thoát. Ngược lại chúng ta tâm luôn giao động, luôn tạo nghiệp nên mới tiếp tục tái sanh khổ đau trong vòng sanh tử luân hồi. Sp dẫn chứng lời Kinh Phật Tự Thuyết ngài dạy về điều này quá hay : “Cái gì có nương tựa, cái ấy có giao động; cái gì không nương tựa, cái ấy không giao động. Không có giao động thời có khinh an, có khinh an thời không có thiên về, không có thiên về thời không có đến và đi, không có đến và đi thời không có diệt và sanh, không có diệt và sanh thời không có đời này, không có đời sau, không có đời giữa. Đây là sự đoạn tận khổ đau.”
Tổ Đông Minh Huệ Nhạc muốn truyền y bát cho Sư nhưng Sư khiêm hạ, không nhận và tạ từ xuống núi. Ngày 18-6-1440, niên hiệu Chính Hoà thứ 5, triều vua Minh Anh Tông, tổ Đông Minh di chúc truyền y bát cho Sư và năm sau tổ Đông Minh thị tịch.
Năm 1451, mãn hạn cư tang, thủ tọa Pháp Tiến thỉnh y bát đến Đông Sơn, Sư đốt hương trầm thọ lãnh ,nối pháp đời thứ 24 của Tông Phái Lâm Tế.
Năm 1461, niên hiệu thứ 5 đời vua Minh Anh Tông, Sư an nhiên thị tịch, đệ tử nối pháp là thiền sư Bảo Phong Trí Tuyên.
Cuối bài giảng pháp, Sư Phụ diễn ngâm bài thơ tán thán công hạnh Thiển Sư Hải Chu Vĩnh Từ (1355-1450) của Hoà Thượng Hư Vân do Hoà Thượng Minh Cảnh dịch Việt.
Tô Hàng, vùng đất mãi sum vinh
Long tượng nơi này vẫn xuất sinh
Đối mặt hỏi liền dường khó đáp
Xoay lưng lò vỡ, dứt vô minh
Trăng treo lơ lửng soi nghìn dặm
Sao sáng khắp nơi chiếu vạn hình
Thay thế Đông Minh hoằng tổ nghiệp
Như dòng tế thủy giữ tông kinh.
Kính bạch Sư Phụ, hôm nay chúng con được Sư Phụ ban giảng bài pháp về thiền sư Hải Chu Phổ Từ, ngài là một vị Sư đặc biệt rất khiêm hạ không nhận tổ Đông Minh truyền y bát, đến mãn hạn cư tang tổ Đông Minh, Sư mới đốt hương trầm thọ lãnh y bát truyền thừa.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Cung kính và tri ơn Sư Phụ,
Đệ tử Quảng Tịnh Tâm
(Montréal, Canada).
Triệt ngộ khi nghiệm ra
“ Như Lai không từ đâu đến và cũng chẳng đi về đâu !”
“NHƯ LAI GIẢ , VÔ SỞ TÙNG LAI
DIỆC VÔ SỞ KHỨ, CỐ DANH NHƯ LAI “ Kinh Kim Cang
Thiền Sư Hải Chu Phổ Từ (1355-1450) Tổ thứ 61 (tính từ Sơ Tổ Ca Diếp),
Đời Đời thứ 27 sau Lục Tổ Huệ Năng và cũng là Tổ thứ 24 của Thiền Phái Lâm Tế.
Kính dâng Thầy bài thơ trình pháp về Tổ thứ 24 thiền phái Lâm Tế ( Hải Chu Phổ Từ). Kính đa tạ Thầy đã bình giải công án mà Tổ 24 đã hốt nhiên đại ngộ ...Quả thật những thí dụ trong bài pháp thoại đã cho chúng đệ tử nhiều kiến thức về Đạo và Đời như vụ án tử hình kẻ dã cho nổ bom Oklahoma và lời tuyên bố của TT Bush và các phẩm kinh trong Pháp Cú , Phật Tự Thuyết liên quan đến sự triệt ngộ của Thiền Sư Hải Chu Phổ Từ . Kính đảnh lễ Thầy và kính chúc sức khỏe Thầy, HH
Hành trạng Ngài Hải Chu Phổ Từ được Giảng Sư đúc kết,
Từ hai tài liệu Phật Giáo rất tài tình (1)
Tuy thời gian chi tiết ngày sinh, mất khó phân minh
Nhưng lý thú nhất vẫn là sự triệt ngộ ( 2)
Kính đa tạ Giảng Sư đã giải đáp công án ...hộ!
Từ kinh Phật Tự thuyết, Đại Trí Độ luận, Kim Cang( 3)
Một chữ Như Lai thâm sâu...tuyệt diệu vô vàn
Thấy được giai trình thực hành để không luân hồi sinh tử (4)
Theo công án "TÂM BÌNH THƯỜNG LÀ ĐẠO" cũng như Pháp cú ( 5)
Chúng sinh sợ quả , Bồ tát sợ nhân
Kính Tri ân Thầy : " một niệm khởi Tham, Sân
Sẽ luân hồi vì tạo ra bao nghiệp ! "
Tự chiêm nghiệm
hậu thế đời sau vẫn còn người trí mẫn tiệp
Như bài tán của Hoà Thượng Hư Vân (6)
Đã liễu tri Long Tượng nối pháp tiền nhân
Rằng mãi mãi dòng suối Tào Khê tràn về khắp chốn !
Nam Mô Hải Chu Phổ Từ Thiền Sư tác đại chứng minh .
Huệ Hương
Melbourne 4/5/2021
(1) - Theo tài liêu từ Phật Tổ Đạo Ảnh và Lịch Sử Truyền Thừa Phái Lâm Tế Chúc Thánh như sau
Sư họ Từ , người Thường Thục Giang Tô
Thuở nhỏ mỗi khi thấy một vị tăng , Sư luôn phát tâm hoan hỷ
Một ngày kia khi nghe được chuyện sinh tử, Sư liền phát tâm xuất gia
Sư đến chùa Cảnh Đức trên núi Đại Tuỵ huyện Bành thuộc Thành Đô xin xuất gia với HT Chiếu Nguyệt
Sau khi HT chiếu Nguyệt viên tịch, Sư vào núi Tây Sơn ẩn tu trong suốt 8 năm
Về sau Sư du phương hành cước đến tham học với HT Thái Sơ có chút sở ngộ , sau lại đến tham học với Ngài Đông Phổ Vô Tế nhưng vẫn không khế ngộ
Niên hiệu Tuyên Đức thứ 2 (1427) Sư đến Kim Lăng tham vấn với Trưởng Lão Vạn Phong và được sung làm Thủ Tọa Cuối cùng Sư đến Cổ Đạo Sơn học với Ngài Đông. Minh Huệ Sảm.
Khi đến Tổ hỏi : Ông đã từng tham vấn ai chưa?
Bạch H T con đã tham học với HT Vạn Phong
Bây giờ Vạn Phong ở đâu ?
Ngài im lặng, Tổ Đông Minh mắng : " Vậy sao Ông nói là từng tham học với Vạn Phong ? "
Ngài trở về phòng suốt ba ngày đêm quên ăn bỏ ngủ , chợt một đêm thấy chiếc đèn đang treo bị đứt dây rơi xuống , Ngài hoắt nhiên đại ngộ liền trình sở chứng với Tổ Đông Minh và được ấn chứng.
Tổ Đông Minh muốn truyền trao y bát cho Sư nhưng Sư không nhận và tạ từ xuống núi
Năm 1437 niên hiệu Chính Thồng thứ 2, do lời thỉnh cầu của Thái Giám Viễn Thành pháp danh Trí Hải , Sư khai pháp tại chùa Dực Thiện ở Kim Lăng
Vào ngày 18/6/1440 niên hiệu Chính Hoà thứ 5 vua Minh Anh Tông, Tổ Huệ Sảm đi chúc cho Sư kế thừa và sau sẽ nối pháp trụ trì Đông Minh
Và năm sau thì Tổ Đông Minh thị tịch
Mãn hạn cư tang thủ Tọa Pháp Tiến thỉnh y bát đến Đông Sơn và Sư đốt hương trầm thọ lãnh nối pháp đời thứ 24 dòng Lâm Tế
Về sau Sư an nhiên thị tịch tuổi thọ rất cao
Đệ tử nối pháp là Bảo Phong Vĩnh Tuyên
Và được tóm tắt như sau qua bài tán của HT Hư Vân
Đương cơ gợi mở
Triệt kiến Vạn Phong
Dần được lỗ mũi ( dần được kiến tánh )
Biệt lập gia phong
Gậy cứu cọp dữ
Vẽ mắt rồng xanh
Mây giăng mưa đến
Nước giúp muôn người
(2)Niên hiệu Tuyên Đức thứ 2 (1427) Sư đến Kim Lăng tham vấn với Trưởng Lão Vạn Phong và được sung làm Thủ Tọa Cuối cùng Sư đến Cổ Đạo Sơn học với Ngài Đông. Minh Huệ Sảm.
Khi đến Tổ hỏi : Ông đã từng tham vấn ai chưa?
Bạch H T con đã tham học với HT Vạn Phong
Bây giờ Vạn Phong ở đâu ?
Ngài im lặng, Tổ Đông Minh mắng : " Vậy sao Ông nói là từng tham học với Vạn Phong ? "
Ngài trở về phòng suốt ba ngày đêm quên ăn bỏ ngủ , chợt một đêm thấy chiếc đèn đang treo bị đứt dây rơi xuống , Ngài hoắt nhiên đại ngộ liền trình sở chứng với Tổ Đông Minh và được ấn chứng.
(3)
Như Lai (zh. 如來, sa., pi. तथागत tathāgata) là một danh hiệu của Phật được dịch từ tathāgata của tiếng Phạn. Chiết tự của tathāgata là tathā + āgata, và có thể được hiểu là "Người đã đến như thế" hoặc "Người đã đến từ cõi chân như". Sinh thời, Thích-ca-mâu-ni sử dụng danh từ này để tránh sử dụng ngôi thứ nhất "ta", "tôi" trong lúc giảng dạy, thuyết Pháp, để thể hiện sự khiêm tốn. Về sau, Như Lai được biến đổi thành một danh hiệu chỉ một Thánh nhân đã đến bậc giác ngộ cao nhất, bậc Chính đẳng chính giác (sa. samyaksambuddha). Như Lai là một trong mười danh hiệu của một vị Phật.
Với sự phát triển của Phật giáo theo thời gian, ý nghĩa của danh từ Như Lai đã biến đổi. Trong Đại thừa, Như Lai chỉ Ứng thân (sa. nirmāṇakāya, Tam thân) của Phật. Đó là con người toàn hảo, có thể xuất hiện dưới mọi dạng khác nhau, có Thập lực (sa. daśabala) của một vị Phật. Như Lai cũng là sự biểu hiện cụ thể của Chân như (sa. tathatā), thể tính của vũ trụ, được xem là sứ giả trực tiếp của Chân như, là gạch nối giữa hiện tượng và bản thể. Trong nhiều trường hợp, Như Lai được xem là đồng nghĩa với Trí huệ (sa. prajñā) và tính Không (sa. śūnyatā).
Trong kinh Kim Cương, đức Phật giảng: Như Lai là một thực tại như thế, không từ đâu đến cũng chẳng đi về đâu[1]
Trong Đại Trí Độ luận có đoạn :
Do tu hành 6 pháp ba là mật được gọi là Như Lai
Trí tuệ Ba la mật biết tất Cả từ Chân Như Lai , mà. Đức Phật là hiện thân của Chân Như (Tathata)
Ngài giáng thế để truyền thọ ánh sáng của Chân Lý cho thế nhân và sau đó đã ra đi mà không để lại dấu vết nào.
Khi Đức Phật được gọi là Như Lai (Tathagata) nhân cách cá biệt của ngài đã được gác qua một bên, ngài được xem như là một loại “kiểu mẫu điển hình” thỉnh thoảng lại xuất hiện trên đời. Ngài là sự thểhiện trên trần thế của “Pháp” (Dharma).
Còn Kinh Kim Cang thì “NHƯ LAI GIẢ , VÔ SỞ TÙNG LAI
DIỆC VÔ SỞ KHỨ, CỐ DANH NHƯ LAI “
(4) -
Trong kinh Phật Tự Thuyết
Đây cũng là lời cảm hứng của Phật về trạng thái Niết bàn giải thoát: “
Cái gì có nương tựa, cái ấy có giao động,
cái gì không nương tựa, cái ấy không giao động.
Không có giao động thời có khinh an,
có khinh an thời không có thiên về.
Không có thiên về, thời không có đến và đi.
Không có đến và đi, thời không có diệt và sanh.
Không có diệt và sanh, thời không có đời này, không có đời sau,
không cô đời ở giữa. Đây là sự đoạn diệt khổ đau”. (VIII, 4)
( 5)
câu chuyện thiền: “Tâm Bình Thường Là Đạo”. Đây là giai thoại thiền nói về nhân duyên ngộ đạo của ngài Triệu Châu khi đến hỏi đạo với ngài Nam Tuyền. Sư hỏi:
Thế nào là đạo?
Ngài Nam Tuyền đáp:
Tâm bình thường là đạo.
Sư lại hỏi:
Lại có thể nhằm tiến đến chăng?
Nếu nói tâm bình thường là đạo, vậy thì mình có thể nhằm tiến tới để được cái tâm bình thường đó chăng? Ngài Nam Tuyền trả lời:
Nghĩ nhằm tiến đến là trái.
Vừa nghĩ tiến đến tức là trái với đạo rồi. Sư bèn hỏi thêm:
Khi chẳng nghĩ làm sao biết là đạo?
Theo quan niệm của ngài Triệu Châu là muốn biết được đạo thì phải do suy nghĩ mới biết, nay không do suy nghĩ tiến đến thì làm sao biết đó là đạo.
Ngài Nam Tuyền liền đáp:
Đạo chẳng thuộc biết, chẳng biết; biết là vọng giác, không biết là vô ký, nếu thật đạt đạo thì chẳng nghịch chẳng nghi, ví như hư không thênh thang rỗng rang, đâu thể dối nói phải quấy.
Ngay đó ngài Triệu Châu liền được đại ngộ.
Vì chợt hiểu rằng Tâm vượt qua sự đối đãi là Tâm bất động nghĩa là lúc nào cũng giữ Tâm ở trạng thái Vô Niệm
Pháp cú có câu :
Thân không gây nghiệp khổ đau
Miệng thơm ái ngữ như hoa câu
Ý trong như tuyết giăng đầu núi
Phiền não còn đâu nhuốm sắc mầu
(6)
(Bài thơ tán thán công hạnh của Thiền Sư Hải Chu Phổ Từ (1355-1450)
của Hòa Thượng Hư Vân, do HT Minh Cảnh dịch Việt)
Tô Hàng, vùng đất mãi sum vinh
Long tượng nơi này vẫn xuất sinh
Đối mặt hỏi liền dường khó đáp
Xoay lưng lò vỡ, dứt vô minh
Trăng treo lơ lửng soi nghìn dặm
Sao sáng khắp nơi chiếu vạn hình
Thay thế Đông Minh hoằng tổ nghiệp
Như dòng tế thủy giữ tông kinh.