Tản mạn về tiếng Việt và Hán Việt: tại sao Trung Quốc
dùng danh từ khoái 筷 còn Việt Nam dùng đũa (trợ 箸)? (phần B)
Nguyễn Cung Thông[1]
Bài viết này (phần B) cập nhật và tóm tắt buổi trình bày về bài viết "Tản mạn về tiếng Việt và Hán Việt: tại sao Trung Quốc dùng danh từ khoái 筷 còn Việt Nam dùng đũa (trợ 箸)?" tại hội thảo UNC2021_0116 tại Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN (sẽ diễn ra vào ngày 24/4/2021). Các trang bên dưới được trích từ các trang của Power Point Presentation, dựa vào bài viết đã đăng và dán lên đây theo dạng word cho dễ đọc hơn.
Trang 1 - Ba vùng[2] văn hóa ẩm thực: vùng dùng đũa (khoanh lại bằng vạch đỏ), dao/nĩa và tay không
Để ý ảnh hưởng/hiện tượng vùng (areal phenomenon) rất rõ nét qua công cụ dùng trong bữa ăn - so với các nước đồng văn (từng dùng một loại chữ - Trung Hoa, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam). Để ý thêm là có tác giả từng nhận xét đũa TQ/VN đầu tròn đuôi vuông (triết lý âm dương, trời tròn đất vuông) và dài để gắp xa được và chia sẻ đồ gắp[3], đũa Hàn quốc thường bằng kim loại cho thức ăn BBQ (đồ nướng nóng) hay còn có truyền thuyết là do vệ sinh "chống độc". Đũa Nhật Bản thì ngắn và nhọn hơn vì thường gắp món ăn thái nhỏ và chỉ dùng cho từng cá nhân mà thôi (không dùng chung thức ăn và không cần gắp ở xa).
Các chữ viết tắt là Nguyễn Cung Thông (NCT), Hán Việt (HV), Việt Nam (VN), TQ (Trung Quốc), ĐNA (Đông Nam Á), HT (hài thanh), TVGT (Thuyết Văn Giải Tự/khoảng 100 SCN), NT (Ngọc Thiên/543), ĐV (Đường Vận/751), NKVT (Ngũ Kinh Văn Tự/776), LKTG (Long Kham Thủ Giám/997), QV (Quảng Vận/1008), TV (Tập Vận/1037/1067), TNAV (Trung Nguyên Âm Vận/1324), CV (Chính Vận/1375), TVi (Tự Vị/1615), VB (Vận Bổ/1100/1154), VH (Vận Hội/1297), LT (Loại Thiên/1039/1066), CTT (Chính Tự Thông/1670), TViB (Tự Vị Bổ/1666), TTTH (Tứ Thanh Thiên Hải), KH (Khang Hi/1716), VBL (tự điển Việt Bồ La/1651) ĐNQATV (Đại Nam Quấc Âm Tự Vị/1895). Người đọc nên tham khảo bài viết "Tản mạn về tiếng Việt và Hán Việt: tại sao Trung Quốc dùng danh từ khoái 筷 còn Việt Nam dùng đũa (trợ 箸)?" cho được liên tục.
Trang 2 - Các từ HV chỉ đũa - trích từ trang https://www.3rxing.org/question/2d8c1d72dc193021178.html không theo thứ tự thời gian.
1) anh 英
2) đề sách 提策 - sách còn có nghĩa là thẻ gấp, gậy chống
3) trứ/trợ 櫡 (bộ mộc) so với các dạng 筯 𥯄 箸 (bộ trúc) (b)
4) giáp 梜 (a)
5) cân 筋 (c)
6) sao 筲 (đũa tre)
7) doanh 贏
8) khoái 筷 - khoái tử 筷子 (d)
Xem trang sau (trang 4) về các giai đoạn (a) (b) (c) (d). Các học giả TQ thường chịu khó ghi chép, nhất là khi đến các vùng xa và sâu, do đó trong vốn từ Hán (Cổ) có nhiều dữ kiện từ phương ngữ của các sắc tộc khác nhau.
Trang 3 - Một ngữ căn của nác/nước có thể là dạng tiền Nam Á *hdaak để cho ra dạng đak và nác > nước trong các tiếng Bahna, Mnong, Kơho, Mường, Việt … Dạng nác (nước) còn được duy trì trong các tiếng địa phương VN như Quảng Trị, Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hoá (cd. khôn ăn nác, dại ăn xác) … So với dạng dak3 (Mường Bi, Nguồn), dak2 (Chứt), tik/tưk (Khme), dak (Môn, Rơngao, Sakai, Biat), đek/đak (Mnông), đaq (Tà Ôi, Chơro, Kơho) …v.v… Một số địa danh, sông ngòi cũng dùng *đak (nước) cho thấy rõ ràng âm này đến từ phương Nam. Chữ đắc 淂 (thanh mẫu đoan 端 vận mẫu đức 德 nhập thanh, khai khẩu nhất đẳng) - chữ hiếm với tần số dùng là 161 trên 171894734 có các cách đọc theo phiên thiết:
都勒切 đô lặc thiết (NT, TTTH) - NT/TTTH đều ghi là thủy dã 水.
都則切 đô tắc thiết (QV) - QV ghi là thủy mạo 水貌. 的則切,音德 đích tắc thiết, âm đức (TV, LT) - TV/LT ghi thủy mạo, chú thêm là 一曰水名 nhất viết thủy danh (để ý nghĩa mở rộng từ nước/chất lỏng đến hình dạng ướt/nước và tên sông nước ...).
丁力切 đinh lực thiết (QV). 丁力反 đinh lực phản (LKTG). 音得 âm đắc (LKTG). 多則切,音德 đa tắc thiết, âm đức (TVi, CTT) - các tài liệu sau thời TV/LT như TVi/CTT ghi thủy mạo. Xem chi tiết trong bản chụp các tài liệu Hán (Cổ) bên dưới. Các từ có gốc phương Nam (ngữ hệ Nam Á như *dak chẳng hạn) làm vốn từ Hán trở nên rất phong phú.
Trang 4 - giáp (a) > trứ/trợ (b) > cân (c) > khoái (d)
Tiếng Việt (a), (b) bảo lưu các dạng kẹp (*ke:b > giáp) , đũa (*ȡʱi̯wo > trứ/trợ).
Tiếng Hàn, Nhật (b) dùng trợ/trứ.
Tiếng Trung (Quốc) **a, **b, **c, d. Hai dấu hoa thị ** hàm ý đã từng hiện diện trong ngôn ngữ. Tần số xuất hiện (tần suất) của chữ khoái bộ trúc là 2792 trên 434717750, so với chữ trợ bộ trúc và chữ giả HT là 1010 trên 432068615 và chữ trợ bộ trúc và chữ trợ HT là 4 trên 65348624. Các chữ giáp bộ mộc thì rất hiếm và ít có tài liệu sử dụng, thành ra các dữ kiện này cho thấy sự phổ thông của danh từ khoái chỉ đũa thời nay ở TQ. Có lẽ nên nhắc ở đây là đũa tiếng Hàn đọc là jeotgarak 젓가락 (đọc như chở tả rà giọng Nam VN), 젓 là biến âm của trợ (đũa 箸) còn garak là cái/chiếc (que). Từ này hiện diện trong cuốn "Cứu cấp giản dịch phương ngạn giải" 救急簡易方諺解 Gugeupganibang eonhae 구급간이방언해 vào năm 1489. Tiếng Nhật[4] cũng viết là trợ 箸 nhưng đọc là はし hashi (trọng âm ở vần đầu ha-). Theo người viết/NCT thì một cách giải thích có thể là ha một biến âm từ *chia trở thành ha - *chia là một dạng âm trung cổ/xát hóa của giáp (so với *ke:b hay kẹp là âm cổ hơn với phụ âm đầu là âm tắc/gốc lưỡi k-), còn -shi là âm đọc của tử 子. Một cách giải thích khác là ha là âm (Nhật) đọc bát 八 (số tám) và shi là âm đọc tứ 四 (số 4), dựa vào ngày lễ đũa toàn quốc ở Nhật là ngày 4 tháng 8. Tiếng Nhật tháng 8 là Hachigatsu【八月:はちがつ】và 4 là Yon【四:よん】 hay Shi【四:し】 thành ra ghép hai âm để cho ra Ha-Shi 【箸:はし】 chỉ đũa. Dạng âm cổ đũa còn hiện diện trong tiếng Lào ຖູ່ (thū) > ໄມ້ຖູ່ (mai thū ~ đũa), tiếng Myamar တူ (tu ~ đũa). Người Thái dùng đũa khi ăn mì (ảnh hưởng sau này từ các đợt di dân từ Nam TQ và ĐNA) và gọi đũa là ตะเกียบ [ta-kiab] với kiab có khả năng liên hệ đến kẹp (gắp - giáp HV).
Trang 5 - Cập nhật mục số 1 của bài viết đã dẫn (đã có 1.1 đến 1.21)
1. 22 Quảng Nhã, Thích Khí - khoảng TK 3 SCN (Trương Ấp biên soạn) ghi 莢謂之箸 giáp vị chi trứ (tạm dịch/NCT: giáp kêu là trứ).
1.23 Hán Thư, Vương Mãng truyện - năm 111 SCN - ghi 以鐵箸食 dĩ thiết trứ thực (tạm dịch/NCT làm đũa bằng sắt để ăn).
1.24 Một số đũa bằng đồng thiếc (bronze) được khai quật ở tỉnh An Huy (1980) và tỉnh Vân Nam ở TQ (bài viết của Lô Mậu Thôn 卢茂村, hay của Q. Edward Wang sđd). 6 chiếc đũa bằng đồng thiếc được khai quật ở Hồ Nam, niên đại khoảng 1200 TCN. Đũa bạc cũng được tìm thấy trong mộ đời Tùy (581-618) ...v.v...
Trang 6 - Tương quan đ - tr (đũa - trứ/trợ): các chữ dùng trọng 重 làm thành phần hài thanh
1. Các cách đọc chữ 箸 著 櫡 筯 𥯄 là 遲倨切 trì cứ thiết (TVGT, QV), 除魚切 trừ ngư thiết (NT), 遲據切 trì cứ thiết (TV, LT, VH), 陟據反 trắc cứ phản (LKTG), 直據反 trực cứ phản (LKTG), 直據切 trực cứ thiết (TTTH), 陟慮切 trắc lự thiết (TVGT, QV, LT, CV) - TVGT, Hán Thư/TVi ghi trợ là dùng để ăn cơm (食所用也 thực sở dụng dã) ... 丁吕切 đinh lữ thiết (QV) - đây là một cách đọc cho thấy âm cổ có phụ âm đầu là âm tắc/đầu lưỡi/hữu thanh, dẫn đến một dạng âm cổ phục nguyên là *ȡʱi̯wo đọc gần như âm đũa tiếng Việt. Tương quan đ - tr lâu đời hơn so với tương quan đ - d (td. kín dáo ~ kín đáo, cây dea ~ cây đa, bánh dea ~ bánh đa) ghi nhận trong VBL - xem thêm các thí dụ về chữ Nôm bên dưới (trang 7).
2. Đổng 董 - Trọng 重– Gióng/thánh Dóng/Gióng là Phù Đổng thiên vương - một trong Tứ Bất Tử. So sánh với chủng 種 - giống, giồng - trồng cũng có thanh phù trọng重. Chữ Nôm dỏng (giỏng) còn dùng bộ khẩu 口 hợp với chữ Đổng 董: theo Truyền Kỳ Mạn Lục 'dỏng môi mà rao lời gièm chê'. Trên diễn đàn Viện Việt Học (Westminster/California - Mỹ) nhiều năm trước, người viết/NCT đã từng ghi lại nhận xét là nếu biết liên hệ ngữ âm đổng 董 - trọng 重 - gióng (dạng ngạc hóa) thì đỡ biết bao nhiêu giấy mực viết về Phù Đổng và thánh Gióng (td. các học giả tiền bối Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Đổng Chi, Nguyễn Văn Huyên, Đinh Gia Khánh, Bùi Văn Nguyên, Cao Huy Đỉnh, G.Dumoutier ...). Tương quan ngữ âm động - trọng - gióng (dóng) gợi ý về liên hệ giữa các truyền thuyết Phù Đổng - thánh Gióng và (Lý) Ông Trọng trong cổ sử VN (huyền sử thời Hùng Vương). Ngoài ra chữ 棟 có thể đọc là đống (多貢切 đa cống thiết/QV/TV/VH/CV) hay đông (德紅切 đức hồng thiết, hàm ý một loại cây): đống là cột trụ chính trong nhà mà tiếng Việt còn dùng dạng dông trong "đòn dông".
3. Đồng 童 - trống (không có cây cỏ như đồi, đất; không có tóc như đầu hói)
4. Đồng 瞳 (tử) - tròng mắt
5. Đồng 僮- Tráng 壯 (Choang)
6. Động 動 - so với cách dùng tròng trành (ca dao: Tròng trành như nón không quai, như thuyền không lái như ai không chồng) …v.v…
Trang 7 - Tương quan đ - d với vài trường hợp chữ Nôm
1. Khuynh hướng biến âm đ > d như đổng > dóng (gióng) hiện diện trong các dạng chữ Nôm như da ghi bằng đa 多 hay 䏧
根固多朋芙蓉{亇恒}拭粉拾 Căn [vốn dĩ] có da bằng [như] phù dung, hằng xức phấn sáp - Phật thuyết, 15a
門䏧典昌門昌典沃 Mòn da đến xương, mòn xương đến óc [tủy] - Phật thuyết, 24a
Tiếng Mường Bi ta là da, ta tlu ~ da trâu ... nhưng để ý: đao - đao, tao – dao, tào - đào, tã - dạ ...v.v…
2. Dóng chữ Nôm có lúc dùng thanh phù đông 冬 hay đổng 董
咚𥚇麻論等君親 Dóng lưỡi mà luận đấng quân thân - Truyền kỳ, I, Hạng Vương, 9b
鉞鐄馭瑟恆遺底 廊董𡽫鄒 廟[唉]群 Việt [vũ khí cầm tay] vàng ngựa sắt hằng di (doi) để. Làng Dóng non Trâu miếu hãy còn - Hồng Đức, 75b …v.v…
VBL ghi cây da (~ cây đa), kín dáo (~ kín đáo), dớt miệng (~ *đưk miệng > nước miếng) ...
Trang 8 - Nếu tiếng Việt bảo lưu phần nào các dạng âm thanh cổ , thì chữ Hán còn giữ lại hình ảnh (tượng hình) qua các nét khắc/vẽ cổ đại (giáp văn, kim văn …) như trường hợp chữ giáp chẳng hạn: kẹp hay cặp là âm cổ so với chữ giáp 夾 tượng hình bên dưới. Điều này cho thấy hai tiếng Việt (ngữ hệ Nam Á) và Hán đã giao lưu ngay từ thời bình minh của ngôn ngữ khi bắt đầu có chữ viết ghi lại tiếng nói con người.
Oracle bone script ~ giáp cốt văn. Bronze inscriptions ~ chung đỉnh văn (kim văn/minh văn). Slip script ~ triện thư (chữ triện) thời Chu, Tần. Seal script ~ tiểu triện (như thời Thuyết Văn Giải Tự). Liushutong ~ Lục Thư thống 六書統 (thờinhà Minh).
Trang 9 - Khuynh hướng xát hóa và ngạc cứng hóa trong ngôn ngữ
Khuynh hướng xát hóa và ngạc cứng hóa của phụ âm cuối lưỡi k để cho ra các phụ âm ch/gi/s như căn gian, keo giao, kéo giảo, kẹp/kép giáp còn hiện diện trong các ngôn ngữ Ấn Âu: loại hình ngôn ngữ centum (duy trì dạng k như trong cách đọc centum của tiếng La Tinh nghĩa là 100, centum > hundred tiếng Anh) so với loại hình ngôn ngữ satem (k đã trở thành s, satem là 100 tiếng Iran - để ý cent tiếng Pháp cũng đọc với phụ âm s tuy viết là cent), thí dụ trong tiếng Việt như các trường hợp chéo - xéo, chẻ - xẻ, chung quanh > xung quanh, giáp > xáp; cũng như sự phân biệt của *kong/gong (Mân Nam) so với giang HV 江 và sông tiếng Việt (để ý thành phần HT của giang là công 工) ... Loại hình ngôn ngữ centum gồm có các ngôn ngữ ở Tây Âu Châu như Germanic, Ý, Hi Lạp ... Loại hình ngôn ngữ satem gồm có các ngôn ngữ Đông Âu Châu như Ba Tư/Persian, Phạn/Sanskrit, Nga, Latvian, Armenian ...v.v... Tóm tắt các biến âm trên (hay khuynh hướng phân cực thành phụ âm đầu k- và s/x-):
[k] cặp - kẹp - gắp - khép - giáp 夾 - xáp [s]
[k] kong/QĐ ~ không (Mường Bi) (- cống?) - k(r)ong - giang 江 - sông [s]
[k] cắt - cát 割 - gọt - chặt - xắt [s]
[k] công 公 - trống - *klống - sống [s]
[k] quăn - quắn - quyền 捲 (quấn - cuốn) - xoắn - xoắn [s]
[k] quay - quy 規 - xoay [s]
[k] kéo đi (trốn đi/VBL trang 357) - xéo ("Nó xéo mất rồi" VNTĐ) [s]…v.v…
Trang 10 - Ngôn ngữ và tâm lý dân gian - âm thanh và khả năng liên tưởng
1. Truyền thống TQ và VN dựa vào âm thanh và khả năng liên tưởng dẫn đến các cách dùng từ láy (tượng thanh) như đàn cò ke và gánh cò ke (gánh cọt kẹt - VBL trang 353), tránh dùng tên các nhân vật cao cấp/quyền lực hay được kính trọng (tị húy 避諱), dùng các từ gợi ý may mắn (hay tránh dùng các âm gợi ý tiêu cực) ...v.v...
2. Tránh dùng âm tứ (四 ~ số 4, sì theo pinyin) gần/cận âm tử (死 ~ chết, sǐ theo pinyin), số 8 là số may mắn nhất trong truyền thống văn hóa TQ vì âm đọc bát 八 (số 8, bā theo pinyin) gần giống âm phát 發 (> phát tài/phát đạt/phát triển...) hay âm fā theo pinyin) ...v.v...
3. Lí Dự Hanh 李豫亨, học giả thời nhà Minh, trong Thôi Bồng Ngụ Ngữ 推篷寤语 (năm 1571) viết rằng "世有忌諱惡字而呼 為美字者,如立箸諱滯,呼為快子, 今因流 傳已 久, 至有士大夫間已有人呼箸為快子者。忘其始也" - tạm dịch/NCT "Người đời kị húy thường đổi các tiếng chỉ sự xấu xa dơ bẩn thành tiếng chỉ sự đẹp đẽ - như âm trợ (trứ, đũa) kị sự ngừng lại (đình trệ, trú - trụ) thành ra đổi thành khoái tử (khoái là vui, nhanh). Từ đó lưu truyền trong nhân gian, và được dùng trong văn chương là khoái tử thay cho trợ/trứ mà không còn biết cách dùng này bắt đầu từ đâu". Để ý chữ khoái viết là khoái bộ tâm 快 (nghĩa là vui, nhanh, sắc) vào thời Lục Dung và Lí Dư Hanh, sau này mới bộ trúc vào để cho rõ nghĩa đũa hơn. Cũng có thuyết cho rằng trứ/trợ đọc giống như chú 蛀 (zhù theo pinyin ~ mọt gỗ) nên kị. Một điều thú vị nên nhắc ở đầy là đũa (và cơm) cũng dùng trong việc cúng vong linh người quá cố vì khoái bộ trúc 筷 (~ đũa) đọc như khoái bộ tâm 快 (mau, nhanh cũng có nghĩa là vui, sướng),
Trang 11 - Bản đồ các địa phương TQ dùng trợ (vòng tròn tô đậm), khoái (vòng tròn trống) dùng hoàn toàn - so với một phần (vòng tròn tô đậm một nửa, vừa dùng trợ vừa dùng khoái) - cầu cho người quá cố được 'sống' vui vẻ cho đời sau và về sum họp với người thân…
Để ý sự phân bố dày đặc (khu vực dùng trứ/trợ) từ tỉnh Chiết Giang đến Phúc Kiến nhưng thưa dần đi khi đến Hồng Kông nhưng lại tăng lên ở các miền ven biển ở các đảo Hải Nam và Đài Loan. Khuynh hướng phân bố trên cho thấy phương tiện hội nhập bằng đường biển rất rõ nét so với nội địa. Nhìn rộng ra hơn - xem thêm chi tiết bản đồ tiếng Mân (Nam) bên dưới:
Trang 12 - Tiếng Mân Nam ở Trung Quốc và Đài Loan
Bản đồ phân bố ngôn ngữ trên trích từ cuốn "Language Atlas of China" by Stephen Adolphe Wurm, Li Rong, Theo Baumann, and Mei W. Lee - NXB Longman, 1987. Liên hệ Việt Nam và Mân Nam còn thấy trong nguồn gốc nhà Trần, lẫn lộn phụ âm đầu n - l, cách gọi đậu hủ - đậu phụ, Chincheo (Tân Châu) mà người viết (NCT) đã đề cập trong các bài viết trước đây ...
Trang 13 - Các LM dòng Tên và văn hóa ẩm thực Á Đông
Cuốn “De Christiana expeditione apud Sinas[5] …” (tạm dịch từ tiếng La Tinh/NCT: nhiệm vụ truyền đạo của giáo sĩ dòng Tên ở Trung Quốc …) viết bởi LM Matteo Ricci (bản dịch ra tiếng La Tinh từ tiếng Ý bởi LM Nicolas Trigault) được xuất bản vào năm 1615 ở Augsburg (Đức). LM dòng Tên Matteo Ricci (1552-1610) đã viết về đũa dùng ở TQ "Khi ăn họ (người Trung Hoa/NCT) không dùng dao, nĩa hay muỗng nhưng bằng những que đũa trơn nhẵn dài khoảng một bàn tay và một nữa (a palm and a half/NCT) và đút đồ ăn vào miệng mà không đụng đến ngón tay". Palm là lòng bàn tay - đơn vị chiều dài thời Trung cổ ở Ý, La Mã, Pháp ...) - chiều dài này có khác biệt tùy vùng, a palm and a half là khoảng 22 + 11 = 33 cm (đũa khá dài của TQ so với các loại đũa Nhật và Hàn).Các bài viết/báo cáo của giáo sĩ Matteo Ricci là những thông tin đầu tiên và chính xác (từ trải nghiệm cá nhân ngay tại địa phương) cho Tây phương về văn hoá ẩm thực Đông phương. Xem thêm chi tiết trong bài viết liên hệ (NCT) về nhận xét của LM Alexandre de Rhodes (1591-1660) về ba không gian ẩm thực lớn trên thế giới: phương Tây dùng dao/thìa/nĩa, Nam Á (td. Ấn Độ) dùng tay không và phương Đông dùng đũa (PGTN trang 109). Xem thêm chi tiết trên trang này https://folgerpedia.folger.edu/Imagining_China:_the_View_from_Europe,_1500%E2%80%931700 . Không phải chỉ có văn hóa ẩm thực phương Đông, lần đầu tiên các tôn giáo (đặc biệt là Phật giáo) và phong tục xã hội địa phương đã được phương Tây biết đến chính xác hơn. LM Matteo Ricci còn được gọi là "Khổng Tử của phương Tây" (Confucius of the West).
Trang 14 - Cuốn “De Christiana expeditione apud Sinas …”. Ở góc phải cuối trang bìa ghi MCDXV (~ năm 1615) ngay dưới hình vẽ LM Ricci trong trang phục của giới sĩ phu TQ cách đây 4 TK (khác với trang phục của LM dòng Tên Francis Xavier bên trái). Để ý ở giữa là bản đồ TQ và thế giới do LM Ricci hợp soạn cùng một số học giả địa phương, cho thấy ‘vị trí và kích thước tương đối’ của lãnh thổ TQ trong thế giới (hoàn toàn mới lạ đối với TQ thời gian này).
Trang 15 - Kết luận tạm thời cho phần này
Tìm hiểu lịch sử chữ đũa hay trứ/trợ trong tiếng Việt và Hán Việt, đặc biệt là các phương ngữ Nam TQ, cho thấy một quá trình giao lưu văn hóa rất lâu đời. Sau khi giành lại độc lập, tiếng Việt rời xa quỹ đạo của tiếng Hán, tuy nhiên vẫn còn bảo lưu một số âm cổ từ thời kỳ giao lưu tiên Tần. Thí dụ như tên gọi 12 con giáp chẳng hạn: *tlu (~ tru, trâu) là âm cổ của Sửu, Mùi là âm cổ của Vị, Mẹo (mèo) là âm cổ của Mão ...v.v… Đây là những dấu ấn trong ngôn ngữ mà khi tra cứu sâu xa hơn, cùng với các dữ kiện lịch sử, khảo cổ cho ta nhiều kết quả thú vị, và đánh giá lại nguồn gốc của tên gọi 12 con giáp. Vốn từ Hán (Cổ) rất phong phú cũng như tài liệu để lại cho thấy một số từ gốc phương Nam (td. ngữ hệ Nam Á, đák đắc 淂 là nác > nước chẳng hạn) cần được nghiên cứu nghiêm túc hơn để truy nguyên thêm chính xác.
[1] Nghiên cứu ngôn ngữ độc lập ở Melbourne (Úc) – email nguyencungthong@yahoo.com
[3] Xem thêm chi tiết mục "Trang 13" bên dưới về chiều dài chiếc đũa TQ vào cuối TK 16 theo LM Ricci.
[4] Các loại đũa có thể là saibashi (さいばし ~ 菜箸 thái trứ HV) là loại đũa dài hơn để gắp thức ăn ra bát đĩa ... Ở Thượng Hải có viện bảo tàng (上海民间民俗筷箸馆) chứa hơn 1200 đôi đũa và cổ nhất là từ đời Đường.
[5] Đầu đề đầy đủ là "De Christiana expeditione apud sinas suscepta ab Societate Jesu. Ex P. Matthaei Riccii eiusdem Societatis commentariis Libri V: Ad S.D.N. Paulum V. In Quibus Sinensis Regni mores, leges, atque instituta, & novae illius Ecclesiae difficillima primordia accurate & summa fide describuntur"