Nam Mô A Di Đà Phật
Kính bạch Sư Phụ
Bạch Sư Phụ, hôm nay chúng con được học bài kệ thứ 29 trong Nghi Đảnh Lễ Tam Bảo của Hoà Thượng Thích Trí Thủ, Đức Quảng Bác Thân Như Lai.
Sư Phụ đã diễn xướng bài kệ này như sau:
Ngũ uẩn giai không thoát nghiệp trần
Tùy duyên ứng hiện bách thiên thân
Mộng trung ngộ mộng trùng mê mộng
Thân ngoại phi thân khước thị thân.
Nhất tâm đảnh lễ Nam Mô Quảng bác thân Như Lai.
Cư Sĩ Hạnh Cơ dịch Việt:
Năm uẩn đều không, dứt nghiệp trần,
Tùy duyên ứng hiện trăm ngàn thân.
Trong mộng thấy mộng, chồng chất mộng,
Ngòai thân không thân, chính thật thân.
HÒA: Một lòng kính lạy đức Quảng Bác Thân Như Lai.
Sư Phụ giải thích Đức Quảng Bác Thân Như Lai tiếng Phạn gọi là Vipulakàya-tathàgata, danh hiệu khác của đức Đại nhật Như lai, là hóa thân của Đức Tỳ Lô Giá Na. Vì thân của Ngài trùm khắp pháp giới nên gọi là Quảng bác thân. Theo kinh Cứu Bạt Diệm Khẩu Ngạ Quỷ, nếu loài ngạ quỷ được nghe danh hiệu của đức Như lai Quảng bác thân thì liền nghiệp lửa trong cuống họng nhỏ như cây kim của họ ngừng đốt, được mát mẻ thanh lương, ăn uống món gì cũng đều được vị cam lộ ngon ngọt và no đủ như ý.
Bài kệ được Sư Phụ giải thích như sau:
1-Ngũ uẫn giai không thoát nghiệp trần.
Đức Phật giảng kinh Bát Nhã suốt 22 năm nhằm chỉ rõ về ngũ uẩn, sắc thọ tưởng hành thức.
Nếu thấy ngũ uẩn là không thì hành giả thoát khỏi mọi khổ đau.
Sắc thân thuộc về tứ đại: Đất là cơ thịt, xương. Nước là chất lỏng như máu. Gió là hơi thở. Lửa là thân nhiệt. Sắc thân nầy sẽ tan rã khi qua đời, là không thật là giả hợp.
Thọ uẩn, là vui buồn luôn thay đổi do xúc chạm, không tồn tại, cũng là không thật.
Tưởng uẩn, là tri giác phán xét nhất thời như nhìn sợi giây tưởng là con rắn, cũng không thật.
Hành uẩn là ý định, là nhất thời, cũng không thật.
Thức uẩn là sự nhận thức đưa tới hành động, hay thay đổi, cũng không thật.
Không thật có, không tự tánh nên vô thường là giả hợp, đều phải theo quy luật thành, trụ, hoại, không.
Khi nhận thức được ngũ uẩn là không thì không còn muốn bám víu, giữ chặt, nên không khổ đau khi mọi duyên hoại diệt. Tâm sẽ thảnh thơi tự tại, giải thoát mọi nhất thiết khổ ách.
2-Mộng trung ngộ mộng trung mê mộng.
Trong giấc mộng thường không biết là mộng nên đam mê hoặc hoảng sợ.
Đức Quảng Bác Thân Như Lai khuyên không nên bám víu vào thân tứ đại vốn là một giả hợp của ngũ uẩn, mà bị khổ lụy, nên từ thân ngũ uẩn này mà thanh tịnh hoá để đạt đạo.
Sư Phụ có kể chuyện giấc mộng Nam Kha, trong mộng tưởng đã trải qua 30 năm, nhưng tỉnh dậy thì chỉ trong chốc lát.
Giấc Nam Kha khéo bất bình
Bừng con mắt dậy, thấy mình tay không.
Sư phụ kể câu chuyện “Mộng giữa ban ngày” của Tăng Hộ cháu ở vườn Kỳ Viên Cấp Cô Độc. Chuyện kể về vị Tăng Hộ cháu đứng quạt hầu Sư phụ của mình, vừa là cậu ruột vừa là Sư phụ có tên là Tăng Hộ, đứng quạt sau lưng Sư phụ nhưng tâm ý tán loạn mộng tưởng đủ điều.
Sư phụ diễn đọc bài thơ “Gá Thân Mộng” của Hoà Thượng Thanh Từ rất hay:
“Gá thân mộng,
Dạo cảnh mộng.
Mộng tan rồi,
Cười vỡ mộng.
Ghi lời mộng,
Nhắn khách mộng.
Biết được mộng,
Tỉnh cơn mộng”.
Sư Phụ có đọc câu đảnh lễ rất chí thành tôn kính Hoà Thượng Thanh Từ như sau: Chí tâm đảnh lễ Nam Mô Trúc Lâm Thiền Viện Thanh Từ Hòa Thượng Tôn Sư.
Kính bạch Sư Phụ, hôm nay chúng con được Sư Phụ ban cho bài pháp, ngũ uẩn giai không, rất thiết thực về khổ do chấp ngã, nhưng đòi hỏi hành giả phải hiểu và tự quán chiếu, tự giải khổ.
Bạch Sư Phụ, trong mùa cách ly vì bệnh dịch Covid ,Sư Phụ vẫn không ngừng nghỉ biên soạn trao truyền những bài pháp lợi dưỡng cho chúng Phật tử khắp nơi đuợc sáng tỏ đạo lý giải thoát của Đức Thế Tôn.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Cung kính và tri ơn Sư Phụ,
Đệ tử Quảng Tịnh Tâm
(Montréal, Canada).