CHÙA ĐẠI TUỆ, NGHỆ AN
Chùa Đại Tuệ có tên gọi khác là chùa Cao, chùa Đại Huệ, tọa lạc ở xã Nam Anh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Chùa nằm trên đỉnh cao nhất của núi Đại Huệ, còn gọi là Phong Vân Sơn, ở độ cao 450m so với mực nước biển, có diện tích 20 hecta.
Theo truyền thuyết, chùa được vua Mai Hắc Đế cho xây dựng từ năm 713.
Đến thế kỷ 15, chùa được Hoàng đế Hồ Quý Ly và Hoàng đế Hồ Hán Thương cho phục dựng vào năm 1407 để thờ Phật Mẫu Đại Tuệ, tạ ơn Phật Mẫu đã phò hộ cho các ông hoàn thành công việc xây thành Hồ Vương ở núi Đại Huệ chống quân xâm lược của nhà Minh.
Chùa được gắn với nhiều câu chuyện kể của người dân trong vùng: Vua Mai Hắc Đế đã dựng cờ, khởi nghĩa tại đây. Vua Quang Trung trên đường kéo quân ra Bắc năm 1789cũng từng dừng binh tại đây, cùng Bộ chỉ huy vào chùa Đại Tuệ dâng hương lễ Phật. Ở chùa có ngôi mộ đá cổ là ngôi mộ của vua Cảnh Thịnh (1783-1802), khi bị nhà Nguyễn truy sát, vua đã về tu ở chùa…
Chùa được trùng tu nhiều lần. Ngày 16/4/2011, Thượng tọa Thích Thọ Lạc đã cho xây dựng mới khu chùa Thượng thành ngôi phạm vũ uy nghiêm, to đẹp với các hạng mục công trình: Đại hùng bửu điện(diện tích 1.200m2), Tổ đường (diện tích 300m2),nhà thờ Ngũ Đế (5 vua: Hùng Vương, Mai Hắc Đế, Hồ Quý Ly, Quang Trung, Cảnh Thịnh)(diện tích 300 m2),bảo tháp … Chùa Trung được xây dựng ở lưng chừng núi. Chùa Hạ, chùa Trình được xây dựng ở chân núi.
Chùa Thượng với ngôi chánh điện 2 tầng và bảo tháp Đại Tuệ 9 tầng, cao 32m thờ: Thất Phật Thế Tôn, Phật Mẫu Đại Tuệ và Bồ tát Di Lặc.
Điện Phật được bài trí tôn nghiêm, thờ: Tam Thế Phật, Di Đà Tam Tôn, Thích Ca Tam Tôn, tòa Cửu Long … và các ban thờ: Bồ tát Quán Thế Âm, Bồ tát Địa Tạng, Hộ Pháp, Tôn giả A Nan, Trưởng giả Cấp Cô Độc. Ở đây có nhiều cuốn thư bằng thư pháp Việt như: Sáng đạo trong đời,Tỏa ánh từ quang,Trí tuệ sáng ngời, Tự tại giải thoát ở hương án giữa; Từ bi rộng khắp ở ban thờ Bồ tát Quán Thế Âm; Hạnh nguyện không cùng ở ban thờ Bồ tát Địa Tạng; Ủng hộ Phật pháp và Lợi lạc quần sinh ở hai ban thờ Hộ Pháp; Trải rộng tình thương ở ban thờ A Nan và Hộ trì chính pháp ở ban thờ Cấp Cô Độc.Ở tòa Tam Bảo, có các câu đối khắc bằng thư pháp Việt:
1/Núi linh khí thiền trượng mở đường che chở năm Vua dựng hồn dân tộc,
Rừng đại hùng Tổ sư khai lối độ sinh bốn biển vang tiếng nước Nam.
2/Lòng thương cứu vớt chúng sanh tật bệnh tai ương đều dứt sạch,
Trí sáng khai đường muôn loại trầm luân khổ não thảy đều tan.
3/Đấng Thế Tôn tùy duyên khắp chốn độ tam đồ về bến an vui,
Tâm từ bi tỏa khắp muôn nơi đưa tứ chúng đến bờ giải thoát.
Đặc biệt, pho tượng Phật Mẫu Đại Tuệ (tên đầy đủ là Phật Mẫu Bát Nhã Ba La Mật Đa) được đúc bằng chất liệu đồng đỏ, cao 2,30m, bệ rộng 1,15m, nặng 1.100kg. Tượng được đúc tại xưởng Đoàn Kết (Nam Định), lễ rước lên thờ tại chùa Đại Tuệ vào ngày 01/01/2012.
Chùa có 32 tượng thờ bằng gỗ dâu nguyên khối ở ngôi chánh điện, 16 tượng thờ bằng hồng ngọc ở bảo tháp. 50 câu đối, cuốn thư ở chùa đều ghi bằng thư pháp Việt, bao gồm hệ thống câu đối, cuốn thư ở Tam Bảo và nhà thờ Tổ.
Trong ngôi bảo tháp, có các cuốn thư ghi bằng thư pháp Việt: Phật do tuệ sinh, Tuệ từ tâm định, Định nơi giới tịnh, Hương thơm giải thoát, Rừng thiền tĩnh lặng, Suối nguồn tự tại, Bến bờ giác ngộ và Từ bi tỏa sáng.
Ở nhà Tổ có các cuốn thư: Lưu truyền chánh pháp, Hương thiền ngát tỏa, Đuốc tuệ sángsoi và câu đối:
Ơn Tổ ngàn năm như nhật nguyệt soi đường hậu thế,
Nghĩa Thầy vạn kiếp tựa sơn lâm tiếp bước tiền nhân.
Chùa đã có một số kỷ lục Phật giáo được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập như sau:
01. Pho tượng Phật Mẫu Đại Tuệ bằng đồng lớn nhất (27/10/2012)
02. Ngôi chùa trên núi có hệ thống câu đối, cuốn thư bằng chữ thuần Việt nhiều nhất (19/02/2016)
03. Ngôi chùa trên núi có hệ thống tượng hồng ngọc nhiều nhất (19/02/2016)
04. Ngôi chùa trên núi có hệ thống tượng bằng gỗ dâu nguyên khối nhiều nhất (19/02/2016)
05. Ngôi chùa trên núi có hồ nhân tạo lớn nhất (19/02/2016)
Trong khuôn viên chùa có hồ nhân tạo (hồ Tiên)rộng 350m2 và giếng Ngọc cổ.
Hoàng giáp Bùi Huy Bích có bài thơ đầy cảm xúc về phong cảnh nơi đây:
Bậc đá lần lên đến đỉnh cao,
Núi non man mác dạ nao nao.
Trời chăng rặng núi như xòe cánh,
Đất uốn dòng sông tựa móc câu.
Lối cũ ngõ xuyên, sư bỡn hổ,
Đường về roi phất, trẻ dong trâu.
Lạ cho giếng ngọcvừa tầm lạ,
Múc mãi mà nguồn có hết đâu!
(Trích trong bài: “Chùa Đại Tuệ: quá khứ- hiện tại - tương lai”, PGS.TS. Nguyễn Quang Hồng)
Năm 2017, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An đã công nhận chùa Đại Tuệ là điểm du lịch địa phương.
Hằng năm, chùa tổ chức Lễ hội Hoa đào - khai bút cầu trí tuệ đầu Xuân thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách khắp nơi tham dự với nhiều hoạt động: Khai hội hoa đào, rước và triển lãm tôn tượng Phật ngọc lưu ly, tặng chữ thư pháp, khai mở bánh chưng và trao lộc mừng năm mới …Về ý nghĩa của lễ hội, Thượng tọa trụ trì Thích Thọ Lạc cho biết: Trên tinh thần hiếu học của quê hương xứ Nghệ, chùa Đại Tuệ duy trì Lễ khai bút đầu Xuân như một lời nhắc nhở, động viên nhân dân cũng như thế hệ con cháu kế thừa lưu giữ, phát huy truyền thống hiếu học của cha ông.
Chùa Đại Tuệ, ngôi cổ tự ở Nghệ An, ngôi danh lam Việt Nam ngày nay.
Võ Văn Tường
Ảnh 01, 02. Toàn cảnh chùa
Ảnh 03, 04. Đường lên chùa
Ảnh 05. Chùa Thượng
Ảnh 06, 07. Điện Phật
Ảnh 08. Ban thờ Bồ tát Quán Thế Âm
Ảnh 09. Ban thờ Bồ tát Địa Tạng
Ảnh 10, 11. Ban thờ Hộ Pháp
Ảnh 12. Ban thờ Tôn giả A Nan
Ảnh 13. Ban thờ Trưởng giả Cấp Cô Độc
Ảnh 14-16. Điện thờ Phật Mẫu Đại Tuệ
Ảnh 17. Bảo tháp 9 tầng
Ảnh 18-25. Tượng thờ trong bảo tháp
Ảnh 26-28. Các ban thờ trong nhà Tổ
Ảnh 29. Các ban thờ trong nhà thờ Ngũ Đế
Ảnh 30. Tháp chuông
Ảnh 31. Điện Phật ngôi chùa Đại Tuệ xưa
Ảnh 32. Tượng Bồ tát Quán Thế Âm
Ảnh 33. Mộ vua Cảnh Thịnh
Ảnh 34. Giếng Ngọc
Ảnh 35. Bảng giới thiệu lịch sử chùa