TƯƠNG ƯNG GIỮA “GIỚI-ĐỊNH-HUỆ”
VÀ “BÁT CHÁNH ĐẠO”
Thích Nữ Hằng Như
-------------------------
I. DẪN NHẬP
Ngày xưa chúng đệ tử của Đức Phật có nhiều hạng người khác nhau. Tùy theo căn cơ của mỗi người, Đức Phật áp dụng phương pháp giáo hóa khác nhau. Pháp thực hành ban đầu có khác, nhưng tất cả đều nhắm đến mục tiêu cuối cùng. Đó là giúp cho mỗi hành giả thân tâm được thanh tịnh. Nhờ tâm thanh tịnh nên dễ dàng phát sanh trí huệ, đi đến chỗ hoàn toàn giải thoát giác ngộ. Vì thế, Giáo pháp của Đức Phật nhìn chung có nhiều pháp môn, nhưng xem xét kỷ lại thì không ra ngoài ba yếu tố căn bản là “Giới, Định, Huệ”.
Giới-Định-Huệ là ba môn học của Phật giáo, trong kinh gọi là “tam vô lậu học” tức ba môn học giúp hành giả vượt thoát sự trói buộc của mọi phiền não, lậu hoặc, đạt được trạng thái tâm thuần tịnh, trong sáng, định tỉnh, tự do, tự tại… Từ đó đưa đến giác ngộ, chứng nhập quả vị giải thoát hoàn toàn.
Muốn thân tâm trong sạch thanh khiết, Đức Phật đưa ra nhiều pháp tu trong đó có pháp tu Bát Chánh Đạo. Bát Chánh Đạo là đế thứ tư trong bài kinh “Tứ Diệu Đế”, là Đạo Đế trong bốn đế gồm Khổ đế, Tập đế, Diệt đế. Đạo đế là con đường tu chân chánh gồm tám chi, đó là: Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Định. Hành trì nhuần nhuyễn tám pháp này hành giả sẽ đạt được sự trong sạch toàn bộ về thân-khẩu-ý, đồng thời khi tâm hành giả hoàn toàn yên lặng thì “tiềm năng giác ngộ” tức Tánh giác hiển lộ, trí huệ tâm linh phát huy.
Kết quả cuối cùng của “Giới-Định-Huệ” và “Bát Chánh Đạo” có điểm giống nhau là thoát khổ, giác ngộ và giải thoát. Như vậy hai pháp này có sự tương đồng với nhau. Mà tương đồng như thế nào? Chúng ta thử tìm câu giải đáp đó qua đề tài: “Tương Ưng Giữa Giới Định Huệ Và Đạo Đế: Bát Chánh Đạo”.
II. TÌM HIỂU KHÁI QUÁT VỀ TAM LẬU HỌC “GIỚI, ĐỊNH, HUỆ”
A. GIỚI HỌC
- Giới: Tiếng Pãli là “Sila” , được hiểu là những điều răn, những lời dạy của Đức Phật nhằm ngăn ngừa hoặc đình chỉ các nghiệp ác do thân-khẩu-ý sanh ra, và từ đó có khả năng làm tăng trưởng nghiệp thiện. Như vậy Giới đặt trên căn bản để giữ thân-tâm được thanh tịnh, dần dần triệt tiêu những phiền não tham, sân, si.
Giới được đặt trên nền tảng tự lợi và tự tha. Đối với tự thân mình, Giới giúp hành giả nâng cao phẩm cách trở nên một người cao thượng được sự kính trọng quý mến của người chung quanh. Giới giúp gia tăng phẩm chất đời sống tu hành, vì thân-khẩu- ý không bị ô nhiễm. Giới giúp tâm trí được hài hòa, an nhiên, tự tại, dần dần dẹp được lậu hoặc… Đối với tha nhân, nếu hành giả trì Giới đúng, người đó có cuộc sống hài hòa đạo đức, sẽ ảnh hưởng tốt tới những người chung quanh. Ngoài ra, trên con đường tâm linh, nghiêm trì Giới Luật sẽ giúp hành giả vượt qua những khó khăn trong việc thiền Định và phát huy trí huệ. Mặt khác, người có Giới đức là người đức hạnh, đức hạnh là hành trang, là thuyền bè đưa hành giả vượt thoát biển khổ luân hồi.
Giới luật được xem là phương tiện để ngăn chặn những điều ác phát khởi qua thân-khẩu-ý. Đồng thời đoạn trừ những phiền não xuất hiện trong tâm. Như vậy về phương diện tự lợi, Giới giúp cá nhân hành giả trở nên một con người có tư cách với nếp sống đạo đức. Về phương diện tự tha, Giới luật chính là sự nỗ lực thực hiện các điều thiện lành mang lợi ích cho chúng sanh. Ý nghĩa đó được tóm gọn trong bài kinh Pháp cú 183 như sau:
Chư ác mạc tác (Không làm các điều ác)
Chúng thiện phụng hành (Làm các việc lành)
Tư tịnh kỳ ý (Giữ tâm ý trong sạch)
Thị chư Phật giáo. (Đó là lời Phật dạy)
Giới có nhiều mức độ từ 5 Giới, 10 Giới đến 250 Giới hay 348 Giới, có Giới trọng (tội nặng), Giới khinh (tội nhẹ), Giới tướng (những lỗi được gọi tên), Giới thể (Giới trong sạch tâm) v.v… Ngoài ra, Giới được chia thành hai loại: Giới Thế Gian và Giới Xuất Thế Gian.
1) Giới thế gian: Giới luật này đồng nghĩa với luân lý đạo đức, sống hướng thượng đưa đến quả báo hữu lậu, được hưởng phước Nhân Thiên. Gọi là phước hữu lậu vì vẫn còn phải chịu luân hồi trong ba cõi: Dục giới, Sắc giới, Vô Sắc giới.
- Thí dụ 5 giới thuộc về nhân thừa: Là đệ tử tại gia, tự nguyện thọ Tam quy, ngũ giới, tức là nương tựa vào Tam Bảo, chấp nhận giữ gìn năm giới căn bản của đạo Phật là: 1. Không sát sanh; 2. Không trộm cắp; 3. Không tà dâm; 4. Không nói dối; 5. Không uống rượu hay xử dụng chất say nghiện. Người giữ được năm Giới này, khi thân hoại mạng chung được tái sanh trở lại Cõi Người.
- Thập thiện nghiệp giới: Người Phật tử cũng có thể tự nguyện thọ trì thập thiện nghiệp giới nghĩa là giữ 10 giới, gieo nhân tốt, đời sau gặt kết quả tốt đẹp là sanh lên cõi Trời, hưởng phước lạc đầy đủ. Mười giới đó là: 1. Không sát sinh; 2. Không trộm cướp; 3. Không tà dục; 4. Không nói dối; 5. Không nói thêu dệt; 6. Không nói lưỡi hai chiều; 7. Không nói lời hung ác; 8. Không tham muốn (Tham); 9. Không giận hờn (Sân); 10. Không si mê (Si).
2) Giới xuất thế gian: Là Giới đưa hành giả đến quả vị vô lậu, tức được tự tại thoát khỏi tam giới, không còn bị rơi trong vòng sanh tử luân hồi.
Thí dụ người thực hành Giới Tỳ-Kheo hay Tỳ-Kheo-Ni chuyên cần đến mức hoàn hảo, đoạn trừ năm hạ phần Kiết Sử và năm thượng phần Kiết Sử.
1-2: Năm hạ phần Kiết sử: 1) Thân kiến (tin cái ngã thật sự hiện hữu, đồng hóa cái Ta là ngũ uẩn); 2) Hoài nghi Tam Bảo (không tin Phật, Pháp, Tăng); 3) Giới Cấm Thủ (tin tưởng sai lầm cho rằng các pháp tu khổ hạnh sẽ đưa đến giải thoát; hoặc tuân thủ các hình thức nghi lễ tôn giáo rườm rà mê tín dị đoan…); 4) Tham (tài, sắc, danh, thực, thùy); 5) Sân (Tức giận, căm thù).
2-2: Năm thượng phần Kiết sử: 1) Sắc ái (Tham ái cõi dục sắc giới là cõi chúng sanh có thân và tâm); 2) Vô Sắc ái (Tham đắm với cõi dục Vô Sắc. Đây là cõi chúng sanh không còn thân, họ sống với Thức. Hoặc chúng sanh ở cõi này, có hình tướng nhưng rất vi tế, mắt phàm phu không thể thấy được); 3) Mạn (Có 3 loại: Thắng mạn là tự phụ cho mình cao quý hơn, giỏi hơn; Đẳng mạn tự phụ cho mình ngang bằng; Ty liệt mạn là tự ty cho mình thua kém) 4) Trạo Cử (Thân tâm lăng xăng, dao động); 5) Vô Minh (không hiểu biết các pháp Phật dạy).
Vị tỳ kheo hay tỳ-kheo-ni nào nghiêm trì Giới vô lậu, diệt bỏ năm hạ phần Kiết Sử và năm thượng phần Kiết Sử kể trên, vị ấy đã diệt tận mọi khổ đau phiền não gọi chung là lậu hoặc, vị ấy hoàn toàn giải thoát nhờ Chánh trí, đắc quả A-La-Hán. Giới này mới thực sự đúng nghĩa là “Giới Vô Lậu ”.
Tóm lại, Giới là nền tảng của đạo Phật, là một trong ba môn học “vô lậu” nhằm chấm dứt các lậu hoặc đưa đến giải thoát. Trên mặt lý thuyết, Giới giữ một vai trò quan trọng, vì Giới chiếm một phần ba của Tam Tạng kinh điển. Đó là Luật Tạng, hai tạng kia là Kinh tạng và Luận tạng. Về mặt thực hành, Giới đóng vai trò mấu chốt trong đời sống Tăng đoàn. Một người muốn xuất gia cầu đạo, trước hết phải thọ Giới Sa Di (10 Giới). Sau một thời gian tu tập Giới đức, mới được thọ Cụ Túc Giới. Cụ Túc Giới là Giới Tỳ Kheo (nam tu sĩ) 250 Giới . Sa-di-ni phải qua thời gian thọ Thức-Xoa Ma-Na Ni Giới (Căn bản 4 Sự, 6 Pháp, 292 hành pháp), rồi mới thọ Tỳ kheo ni 348 Giới.
B. ĐỊNH HỌC
- Định: Tiếng Pãli là “Samãdhi”. Người Trung Hoa dịch là “Tam muội”. Định mang nhiều ý nghĩa như: Tập trung (concentration); làm cho chắc chắn, không dao động (make firm); sự tĩnh lặng (tranquillity); sự yên lặng (calmness); trạng thái tập trung sâu (a deep concentrated state)
Trong Trung Bộ Kinh 1, có hai định nghĩa về Định:
- Bài Kinh số 30: Định là “Nhất tâm” (P: cittass’ekaggatã: mental one-pointedness) cũng có nghĩa là “Nhất niệm”. Đây là trạng thái tâm đồng nhất với đối tượng, nơi đó không có Ý thức hiện hữu mà chỉ có “đơn niệm biết” (a single thought of awareness). Nghĩa là tâm hoàn toàn yên lặng không dao động (wavering) bởi các đối tượng bên ngoài giác quan.
- Bài Kinh số 36: Định được xem là “trạng thái tâm thuần nhất” (P: Cetaso ekodi: unity of the mind). Đây là trạng thái tĩnh lặng của tâm (a state of mental tranquillity) hay trạng thái không hai của Ý thức ( A nondualistic state of consciousnesss). Trong đó nội tâm thiền gia không còn Tầm Tứ (trạng thái tâm không còn chú ý (tầm) và bắt dính (tứ) theo đối tượng).
- Theo Thiền tông, trong “Pháp Bảo Đàn Kinh”, Lục Tổ Huệ Năng mô tả: “Nội tâm bất loạn là Định”; Ngài Hàn Sơn thì nói: “Bát phong xuy bất động” nghĩa là tám gió thổi, tâm không động, là Định. Tám gió này là: Lợi (lợi lộc); Suy (suy sụp, suy đồi); Hủy (phỉ báng, làm ô nhục); Dự (lời ca tụng, tán dương); Xưng (khen tặng, đề cao); Cơ (chê bai, nói xấu); Khổ (sự đau khổ hay bất toại nguyện); Lạc (vui vẻ hay an lạc).
- Tổ sư Thiền Chân Không-Thường Chiếu là Đại Lão Hòa Thượng Trúc Lâm tại Việt Nam cũng dạy môn đệ: “Vọng tưởng dừng là Định”. Do đó, nếu người hành thiền dừng được vọng tưởng một phút thì người ấy đạt được Định một phút, dừng được 30 phút thì đạt được Định 30 phút.
Nhưng điểm cần lưu ý là khi vọng tưởng dừng thì cái gì xảy ra trong lúc đó? Cố Hòa Thượng Thông Triệt (Thiền Tánh Không) giải thích về trạng thái Định như sau: “Đó là cái biết thường hằng lặng lẽ hay trạng thái biết không lời của tánh giác”. Bởi vì muốn đạt được “tâm thuần nhất” hay “tâm bất loạn” hoặc “tám gió thổi không động” thì người thực hành thiền phải đạt được cái biết không lời. Nếu biết có lời, dù lời rất đúng vẫn không phải là tâm thuần nhất. Cho nên khi rơi vào trạng thái Định mà tâm ngôn vẫn còn khởi lên thì Đức Phật gọi đó là “Định Có Tầm Có Tứ” tức Sơ Thiền. Còn tâm ngôn yên lặng, Phật gọi là “Định Không Tầm Không Tứ”. Đây chính là tầng thiền thứ Hai còn gọi là Nhị Thiền.
Vì Định có nhiều mức độ, nên trong phạm vi kỹ thuật, Định còn có nghĩa là cái “khung”. Trong cái khung đó chứa nội dung thực hành. Nội dung này chính là chủ đề, thiền gia chọn áp dụng vào việc hành trì của mình. Nền tảng cái khung đó được đặt trên “cơ sở năng lượng biết của Tánh giác”. Năng lượng biết càng mạnh, Định lực càng sâu. Chính vì thế, ở phạm vi này Định được xem là một tiến trình được hình thành trên cơ sở sức mạnh của Tánh giác hay Tánh biết. Khi Tánh biết chưa vững chắc, chưa trở thành sức mạnh thì Định chưa có mặt.”
Trong đạo Phật, Định không phải là mục tiêu chính, mà chỉ là cái cầu để bước tới Huệ. Tuy nhiên muốn Huệ phát sáng, thiền gia nhất định phải thông qua Định để phát triển năng lực biết vững chắc, hầu khai triển tiềm năng giác ngộ, tức Phật tánh. Như vậy, Định một mặt là phương tiện cơ bản để đạt được Huệ tức Giác ngộ, mặt khác Định là tác nhân đào thải tận gốc tập khí hay lậu hoặc đưa đến Giải thoát.
C. HUỆ HỌC
Như trình bày ở trên, Huệ là một môn học trong ba môn “Giới-Định-Huệ”. Danh từ Huệ thường đi chung với từ Trí gọi là Trí Huệ. Trí Huệ trong giáo lý nhà Phật còn gọi là Bát Nhã. Bát Nhã là Hán ngữ dịch âm từ tiếng Panna (Pãli) hay Prajna (Sanskrit ) có nghĩa là sự phát sáng của trí hiểu biết, sau khi tẩy sạch phiền não và vô minh.
1) Trí thức hay Kiến thức thế gian
Trình bày về sự hiểu biết của con người, chúng ta cần phân biệt Trí Thức khác với Trí Huệ. Trí thức hay Kiến thức là những người có học thức, có bằng cấp thế gian. Người trí thức được xem là người thông minh vì có sự hiểu biết rộng rãi. Những hiểu biết, nhận thức đó đến từ bên ngoài, được tích lũy từ gia đình, trường lớp, rút tỉa kinh nghiệm thành công hay thất bại trong đời sống. Cái biết này, hay nhận thức này, được xem như là cái biết hay nhận thức của thế gian, nên gọi là “Tục đế.”
2) Trí Huệ trong đạo Phật
Trí Huệ là nhận thức biết, phát xuất từ bên trong do tu tập thiền Định mà có. Đây là nhận thức xuất thế gian. Trí Huệ (Bát Nhã) có hai cấp bậc:
a) Thấp là Trí: Nàna (P); Jnàna (Skt). Tiếng Anh là: Insight. Trí này là trí hiểu biết về Phật pháp do học hỏi từ các bậc Thầy hay từ trong tam tạng kinh điển. Sự hiểu biết này, tuy có mùi vị đạo nhưng vẫn còn thuộc về Kiến thức (Phật học) bởi do học từ bên ngoài.
Thí dụ: Chúng ta nghe các bậc Thầy giảng về Chân lý Tứ Diệu Đế, chúng ta hiểu rõ bốn đế: Khổ, Tập, Diệt, Đạo thì chúng ta “có tuệ tri về Khổ đế, Tập đế, Diệt đế, Đạo đế”. Hay chúng ta học và hiểu rõ chủ đề: Lý Duyên Khởi, Mười hai Nhân Duyên, chúng ta “có tuệ tri về Lý Duyên Khởi, Mười hai Nhân Duyên” v.v… Trí này không phải do tự chúng ta biết, nên vẫn bị xem là tục đế. Nhưng vì chuyên học và ghi nhận những Nhận thức của Đức Phật chứng ngộ nên được xếp là “Tục đế Bát nhã”.
b) Cao hơn Trí, là Huệ (Bát Nhã) : Panna (P); Prajna (Skt), tiếng Anh là Wisdom. Là Trí Huệ tự phát, do công phu tu tập thể nhập thiền Định. Thể nhập có nghĩa là qua dụng công thực hành, Ta và đối tượng là một. Nhưng muốn đạt được Huệ phải đi từ Trí, nghĩa là học hỏi từ bậc Thầy, rồi thực hành thiền Định để kinh nghiệm Thân chứng, Tâm chứng và Trí chứng.
Trí Huệ này là Huệ siêu vượt (Transcendental wisdom), có nhiều tên gọi khác như: Huệ Bát Nhã, Huệ tự phát hay Phật tánh, hoặc tiềm năng giác ngộ, Chân Như ..v.v… được xếp là “Chân đế Bát nhã”.
3. Đặc điểm của TUỆ TRÍ và HUỆ (BÁT NHÃ)
- TRÍ (hay TUỆ TRÍ) : (Trí căn: Vùng Tiền trán, bán cầu não trái và phải). Hiểu biết hay Nhận thức giới hạn trong chủ đề học. Là cái biết có lời. Cái biết hữu Sư do học từ kho báu của Đức Phật, học từ sự truyền dạy của các bậc Thầy. Có người học nên có Ngã. Kết quả có tuệ tri về những điều đã học. Lậu hoặc vẫn còn nhưng nằm yên. Chưa thoát khỏi luân hồi. Được xếp là Tục đế Bát Nhã.
- HUỆ (hay TRÍ HUỆ) : (Huệ căn: Phía sau bán cầu não trái). Cái biết không lời của Tánh nghe, Tánh thấy, Tánh xúc chạm. Nguyên tắc phát huy Huệ lực ở giai đoạn này do tác động của phản xạ giác quan. Tâm trong giai đoạn này được xem như là Tâm bậc Thánh.
Sâu sắc hơn là Tâm Phật (Tánh Nhận Thức Biết). Giai đoạn này mới là Huệ Bát Nhã, tức Huệ tự phát do hành trì nhập Định sâu, rơi vào phản xạ thụ động kích thích tiềm năng giác ngộ phát Huệ. Trí huệ này là kho báu của hành giả, Vô Ngã, Vô Sư, không lời. Trí huệ tâm linh phát huy vô hạn. Kết quả do dụng công, Định-Huệ đồng thời. Chấm dứt lậu hoặc. Chấm dứt luân hồi. Giải thoát. Đây mới thực sự là Chân đế Bát nhã.
4. TU TẬP ĐỂ THÀNH TỰU HUỆ BÁT NHÃ
Có 4 mức độ tu tập, bắt đầu từ Trí Thế Gian, Trí Bậc Thánh, Thượng Trí, Trí Bát Nhã.
1. Trí Thế Gian (Tâm trí phàm phu): Là trí học hỏi, cóp nhặt, tổng hợp từ trường lớp có khả năng hiểu biết (knowledge) về Lý luận, Khoa học, Văn chương, Nghệ thuật v.v… Tất cả những hiểu biết này là sự lặp lại từ hiểu biết của người khác, không có sự sáng tạo của riêng mình. Do cái Ngã làm chủ nên có nhiều tham sân si. Lúc nào cũng ganh đua, tranh đấu để đạt được điều mình muốn. Bên dưới tâm phàm phu đầy vẫy tập khí, lậu hoặc, kiết sử, tùy miên. Mớ ô nhiễm này luôn chi phối ảnh hưởng lên thân-khẩu-ý tạo nhiều nghiệp. Trí này là Trí thế gian, tuy có giúp ích cho cuộc sống con người, nhưng đa phần huân tập phiền não khổ đau. Khi quá mỏi mệt với những lụy phiền, vui ít buồn nhiều như vậy, Trí năng chợt tỉnh ngộ muốn thoát ra khỏi những ràng buộc của sầu, bi, ưu, khổ, não. Ước muốn này, là giai đoạn đầu tiên, Tâm phàm phu quyết định tìm Thầy học đạo.
2. Trí Xuất thế gian: Trí năng tỉnh ngộ hướng dẫn Ý căn, Ý thức học hỏi Phật pháp như: Tứ Diệu Đế; Tam pháp ấn; Lý Duyên Khởi Pháp Duyên Sinh; Tương quan nhân quả; Quán, Chỉ, Định, Huệ ; hiểu biết Tánh giác, tâm Phật, hiểu biết con đường tu tập (37 phẩm trợ đạo) để chấm dứt lậu hoặc v.v…
Trí năng tỉnh ngộ học hỏi nên cái biết của Trí này là Cái Biết Có Lời. Học từ Thầy, từ kho báu của Đức Phật nên là Trí Hữu Sư. Trong lúc học Phật pháp tâm yên lặng, lậu hoặc không khởi lên, ngang với Tánh giác nên tạm xem đây là Trí của bậc Thánh.
3. Thượng Trí hay Trí Siêu Vượt: Trí năng tỉnh ngộ học những pháp cao siêu hơn trong Pháp Phật đó là các chủ đề về: Như Thật, Chân Như, Không, Huyễn đạt được Như Thật Trí, Chân Như Trí, Không Trí hay Huyễn Trí.
Người có Thượng Trí cũng học giáo lý từ Thầy, từ kho báu của Đức Phật. Tuy còn Biết Có Lời nhưng trong lúc học Pháp, lậu hoặc không khởi lên, nên cũng có thể sánh ngang với Tánh giác ở mức độ cao như Nhất Thiết Chủng Trí, nhưng chưa chứng ngộ vì chưa thực hành, chưa thể nhập.
4. Thực hành để Huệ Tự Phát (Phật tánh, tiềm năng giác ngộ): Sau khi thông hiểu nhuần nhuyễn giáo lý, bây giờ là giai đoạn thiền Định. Tiến trình dụng công từ Biết Không Lời (Chánh niệm, thực hiện các chủ đề liên quan đến Tánh Nghe, Thấy, Xúc chạm qua phản xạ giác quan). Ở mức độ này Huệ bắt đầu phát huy nhưng đơn sơ.
Tiếp theo, để an trú trong Nhận Thức Biết Không Lời thiền gia thực hành chủ đề siêu vượt bằng cách khởi ý chủ đề rồi buông. Kỹ thuật này kích thích phản xạ thụ động, phát ra những điều mới lạ gọi là Ngộ hay Chứng Ngộ (Realization hay Enlightenment) trên ba mặt: Thân, Tâm và Trí như: Trực giác, siêu trực giác, tánh sáng tạo, từ trường tứ vô lượng tâm (từ bi, hỷ, xả); biện tài vô ngại v.v… Những đặc điểm kể này phát huy từ thấp đến vô lượng. Đây mới chính là kho báu của hành giả tu tập từ Biết Có Lời đến Biết Không Lời, an trú trong Nhận Thức Không Lời.
Tóm lại học và hiểu pháp thế gian thì gọi là Trí Thức, học và hiểu pháp Phật thì gọi là Trí (Tuệ). Tọa thiền dụng công có kinh nghiệm trên Thân, Tâm, Trí là Huệ (Bát Nhã).
III. BÁT CHÁNH ĐẠO: TÁM CON ĐƯỜNG CAO THƯỢNG
Bát Chánh Đạo là Giáo Pháp nồng cốt, thực tiễn mà Đức Phật đã chứng đạt trong tầng thiền thứ Tư. Bát Chánh Đạo hay Đạo đế là phần cuối của bài Pháp Bốn Chân Lý Cao Thượng (Tứ Diệu Đế: Khổ đế, Tập đế, Diệt đế, và Đạo đế) được Đức Phật giảng đầu tiên cho nhóm năm anh em đạo sĩ Kiều Trần Như, đồng tu cũ với Phật. Trước tiên Ngài muốn năm vị này nhận rõ Con đường đi đến giải thoát không phải bằng khổ hạnh thái quá, cũng không phải bằng sự lợi dưỡng thái quá; mà bằng Con đường Trung đạo.
Đạo đế hay Bát Chánh Đạo là Con đường đưa đến chấm dứt toàn bộ Khổ. Đây là phương pháp đưa đến chấm dứt “xung đột” nội tâm, và chấm dứt luân hồi. Phương pháp này gồm tám chi phần, mỗi chi phần được ghép thêm thuật ngữ “sammã” có nghĩa là “kiện toàn” hay “hoàn toàn” (perfect) thường được dịch là “Chánh” (right). Vì là pháp tu đưa đến đắc quả A-La-Hán, nên các nhà Phật giáo Theravãda xem đây là Thánh Đạo. Những ai còn dính mắc nhiều với tâm phàm phu hay tâm nhị nguyên, thì không thể hội nhập vào Con Đường này.
Thông qua học và thực hành Bát Chánh Đạo, hành giả sẽ tự mình thay đổi những quán tính cũ do bị trói buộc bởi Kiết Sử: từ truyền thống gia đình, học đường, xã hội, tôn giáo hay tín ngưỡng. Khi thực sự thông hiểu Bát Chánh Đạo, hành giả sẽ nhận ra chân tánh hiện tượng thế gian qua những quy luật Vô thường, Khổ, Vô ngã; Duyên sinh hay Tương quan Nhân Quả. Hành giả chuyên cần tu tập Bát Chánh Đạo sẽ đưa đến kết quả thân-tâm hài hòa, trí huệ tâm linh phát huy, bước vào dòng Thánh.
IV. KHAI TRIỂN KHÁI QUÁT VỀ “BÁT CHÁNH ĐẠO”
Bát Chánh Đạo gồm tám chi hay tám phần: Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Định.
1. Chánh Kiến: Là thấy đúng, nhìn đúng, hiểu biết đúng, là nhận thức sáng suốt hợp lý trên căn bản đạo đức của cuộc sống. Có trí tuệ nhận biết sự việc nào đúng, sự việc nào sai, sự việc nào thiện, sự việc nào ác. Nhận thức đúng về bản thể của vạn vật là Vô thường, Khổ, Vô ngã, về Lý Duyên khởi Pháp Duyên sinh, về Thập nhị nhân duyên. Nhận biết đúng về Khổ, nguyên nhân của Khổ, sự diệt Khổ và Con đường đưa đến hết Khổ. Hiểu thế nào là Trung đạo, không Chấp thường, Chấp đoạn v.v…
Khi Chánh kiến có mặt thì Trí năng không còn mê chấp, nó chuyển hóa khiến tâm người phàm phu trở thành tâm cao thượng. Cho nên Chánh Kiến là bước quan trọng đầu tiên đưa đến tuệ trí.
2. Chánh Tư Duy: Là suy nghĩ chân chánh, đúng đắn. Chánh Tư Duy là không để đầu óc mình suy nghĩ về những điều bất thiện như tham dục, sân si, não hại. Nếu ý nghĩ không chân chánh, bất thiện, ác độc… thì hành động tiếp theo là thân và lời sẽ theo đó mà phát sinh hại người và hại cả mình. Cho nên Chánh Tư Duy là hướng sự suy nghĩ theo chiều thiện lành, buông thả những gì cần buông thả, suy nghĩ về con đường giải thoát, từ bi hỷ xả giúp đỡ chúng sanh, nuôi dưỡng tinh thần bất bạo động, nhẫn nhịn và trầm tĩnh.
3. Chánh ngữ: Ngôn ngữ đúng đắn, ngay thẳng, không thiên vị, không dối trá, không nói lời chia rẽ, xuyên tạc, dua nịnh không nói hai lưỡi hay hung bạo căm thù. Ngược lại lời nói mang tính cách nhu hòa chánh trực, sách tấn, khuyến tu. Nói những lời lẽ tạo niềm tin, xây dựng đoàn kết, tương thân hòa hợp, thương yêu và lợi ích chung.
4. Chánh nghiệp: Hành vi có tác ý đúng đắn, hành động chân chánh, phát xuất từ Chánh Kiến, Chánh Tư Duy là Chánh Nghiệp. Người sống với Chánh Nghiệp là người không tạo Nghiệp ác bởi hành động sát sanh. Người đó không trộm cướp, không hành dâm phi pháp, không vọng ngữ, không tham, sân, si. Nói chung là giữ ba nghiệp thân-khẩu-ý thanh tịnh đưa đến một đời sống hiền lương, trong sạch, đạo đức. Ngoài ra, ở mức độ cao hơn trong Đại Kinh Bốn Mươi, Đức Phật phân biệt có hai loại Chánh Nghiệp.
a) Thực hiện những việc có ích lợi cho mọi người bằng tâm rộng lượng, hòa hợp, không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm, không tham, sân, si. Đó là những việc làm tốt tạo Thiện nghiệp. Khi thực hiện những công tác thiện lành với tâm mong cầu có được phần công đức, thì Thiện nghiệp này thuộc Chánh nghiệp hữu lậu, vẫn còn bị tái sanh.
b) Làm việc thiện với tâm cao thượng , tức làm trong Chân tâm hay Tánh giác hoặc trong niệm Vô niệm. Trong tiến trình làm việc, lậu hoặc không sinh khởi. Đây là Chánh nghiệp Vô lậu. Khi làm việc như thế, hành giả không mong cầu quả báo thiện trong đời này hay đời sau. Đây là Chánh Nghiệp hoàn hảo của bậc Thánh.
5. Chánh mạng: Mạng là thân mạng, sự sống của mình. Chánh mạng là đời sống chân chánh, nghĩa là nuôi sống thân mình bằng nghề nghiệp chân chánh lương thiện, không bóc lột, lừa gạt, xâm hại đến lợi ích của người khác, không buông lung lười biếng, nương tựa ăn bám vào người khác. Không sống bằng nghề nghiệp bất thiện như buôn bán hàng lậu, cần sa, ma túy, không buôn bán sinh vật sống … Tóm lại Chánh mạng là sống thanh cao, đúng Chánh pháp.
6. Chánh tinh tấn: Để hoàn thành mục tiêu của Bát Chánh Đạo, hành giả luôn nỗ lực cố gắng ngăn ngừa không làm những việc ác chưa sanh, quyết tâm chấm dứt điều ác đã sanh. Nỗ lực làm việc thiện và duy trì phát huy việc lành việc thiện.
Đối với việc tu Thiền thì đây là nỗ lực làm sinh khởi niệm Chân Như hay Vô Niệm hoặc Nhận Thức Biết Không Lời. Tuy nhiên, Chánh Tinh Tấn đối với người tu Thiền là siêng năng, miên mật, nhưng không phải là sự nỗ lực hay cố gắng quá mức trong lúc tọa Thiền, bởi vì trong lúc tọa thiền càng tinh tấn, tâm càng có đối tượng để hoạt động. Không còn tinh tấn, tâm trở nên yên lặng. Lúc bấy giờ chỉ có niệm Biết hiện diện, mới thật an trú trong hiện tại bây giờ và ở đây.
7. Chánh niệm: P: Sammã-sati, Skt: samyak-smrti (right awareness or right mindfulness). Là sự nhận biết đúng hoặc sự chú tâm đúng, thường được dịch sang tiếng Anh là “right mindfulness”. Trong Phật giáo từ “sati” có những nghĩa tương ứng với tiếng Việt như: suy nghĩ, sự nhớ lại, sự ngẫm nghĩ, sự chú ý, sự lưu tâm, sự chú tâm, sự nhận biết…
- Chánh niệm theo nghĩa thông thường: Thông thường từ “sati” được dịch sang tiếng Anh là “mindfulness”, có nghĩa là “chú tâm”, “chú ý”. Khi “có chú tâm, chú ý” đến một Khách thể là đối tượng nào đó, tất nhiên phải có Chủ thể là Tự ngã (Trí năng, Ý thức). Nếu không chú ý đến đối tượng hay công việc đang làm thì tâm sẽ lo ra, tạp niệm sẽ xen vào làm hỏng mục tiêu nhắm đến của chúng ta ngay. Trong chiều hướng này nội dung Chánh niệm có Trí năng, có tự ngã và có ý muốn đạt được điều gì.
Chánh niệm (mindfulness) này cần thiết cho những người tâm tưởng hay bị tán loạn, hoặc là ở bước đầu mới học Thiền, nhưng không phù hợp với Chánh niệm (awareness) trong Bát Chánh Đạo vì nó không giúp hành giả loại bỏ tâm nhị nguyên, dính mắc với ngoại trần. Lý do là vì tâm chưa thuần nhất, Tánh giác chưa có mặt, hay tâm chưa ở trong trạng thái “trống không”, mà ở trong nhị nguyên có đối tượng, có Ta, có Trí năng, có mục đích, có ý đồ. Nói chung có sự đối đãi trong đó.
- Chánh niệm theo nghĩa trong Bát Chánh Đạo: Chánh niệm theo nghĩa của Bát Chánh Đạo là một loại kinh nghiệm thẳng về đối tượng không dựa trên suy nghĩ, tri thức và những cảm nghĩ của người khác hay của truyền thống hoặc qui ước xã hội. Chánh niệm này không có nội dung, nghĩa là không bao hàm mục đích tìm tòi soi mói về tướng chung hay tướng riêng của đối tượng. Đây chỉ là sự nhận biết tức khắc, rõ ràng về đối tượng mà không có tự ngã. Do đó, khi xuất hiện trong Bát Chánh Đạo, “sati” có nghĩa là “sự nhận biết” (awareness). Sự nhận biết đối tượng mà vọng tâm không có mặt. Nó không giống như sắc thái “chú tâm”, “chú ý”.
Tác dụng của Bát Chánh Đạo là dẹp tan năng lực của tự ngã, phát triển trí tuệ tâm linh. Nếu tu tập Chánh niệm, mà nội tâm lúc nào cũng dính mắc với hiện tượng thế gian thì không thể nào đạt được giác ngộ giải thoát. Vì thế, Chánh niệm theo pháp tu của Đức Phật, không phải là tâm tập chú vào ngoại trần. Chánh niệm là cái biết rõ ràng mọi hành động và sự kiện trong hay ngoài thân mà không vướng mắc với nó, nghĩa là không có sự quyết đoán, so sánh, phủ nhận hay chấp nhận, tán thành hay không tán thành. Từ đó gốc rễ xung đột nội tâm không có cơ hội khởi phát. Sự nhận biết này là “tuệ trí không lời” (wordless insight).
Chánh niệm là pháp được Phật dạy đệ tử áp dụng bất cứ lúc nào trong 4 oai nghi: đi, đứng, nằm, ngồi, như lúc ăn uống, mặc áo, bước đi, xoay người, nhìn quanh, nằm xuống v.v…. Nếu thành tựu vững chắc, tâm sẽ luôn luôn ở trạng thái an lạc, vọng tưởng không khởi, lậu hoặc không huân tập thêm và sáu căn không dính với sáu trần. Như vậy, Chánh niệm được xem là cội nguồn, là gốc rễ để tâm được an tịnh, nói cách khác Chánh niệm là nền tảng của Chánh định.
8. Chánh định: Samã-Samãdhi (p), Samyak-Samãdhi (Skt): Chánh định là bước thứ tám trong Bát Chánh Đạo cũng là giai đoạn thứ tư trong Tứ Thiền do Đức Phật thiết lập. Đây là trạng thái 3 hành không động.
Chánh định là bước cuối cùng của Bát Chánh Đạo. Nó được đặt trên cơ sở Chánh niệm tức “niệm biết rõ ràng mà không lời”. Nó là trạng thái tâm định tĩnh, lặng yên vững chắc, với cái biết thuần tịnh (pure awareness) bên trong không có nhị nguyên. Sự nhận biết (awareness) đã trở thành một năng lực biết rõ ràng nhưng không dính mắc với cái gì hết. Và nó đã trở thành nhân chứng hoàn toàn khách quan. Thiền Nguyên Thủy có 4 tầng Định:
1) Sơ Thiền: Tương đương với Định Có Tầm Có Tứ (Sát-Na Định) và Định Có Tầm Không Tứ, hoặc Sơ Định. Trong tầng Định này những đam mê ghiền nghiện tạm thời nằm yên nên tâm hành giả được an tịnh, niềm hỷ lạc xuất hiện. Trong kinh giải thích trạng thái hỷ lạc có được, là do Bồ Tát đã “ly dục và ly bất thiện pháp”.
2) Nhị thiền: Nếu tiến trình tâm yên lặng kéo dài và sâu, “niệm biết” trở thành năng lực vững chắc, ngũ chướng (năm triền cái: Tham, sân, hôn trầm, trạo hối và nghi) yên lặng. Tầm và Tứ cũng yên lặng. Tâm hoàn toàn thanh tịnh. Cái Biết Không Lời của Tánh giác có mặt theo ý muốn. Hành giả cảm thấy hỷ lạc khắp toàn thân. Trong kinh giải thích trạng thái hỷ lạc này do Định sanh. Đây là Định Không Tầm Không Tứ.
3) Tam Thiền: Hành giả ở trong trạng thái Định Không Tầm Không Tứ. Hỷ lạc tràn ngập khắp châu thân, nhưng tâm không còn dính với cảm thọ nữa. Trong kinh mô tả trạng thai này là “Ly hỷ trú Xả” hay “Chánh niệm tỉnh giác” nghĩa là hành giả biết rõ thân tâm có hỵ lạc, nhưng không dính mắc với hỷ lạc, mà chỉ trú trong Xả. Xả là trạng thái tâm định vững chắc, nghĩa là không làm gì hết, nó hoàn toàn yên lặng, thanh thản nhưng có dòng Nhận thức biết không lời.
4) Tứ Thiền: Tức Chánh Định. Đây là trạng thái ba hành không động: 1) Ngôn hành không động: Tầm tứ yên lặng. 2) Ý hành không động: Thọ, tưởng yên lặng. 3) Thân hành không động: Thân đã lặng yên trong lúc tọa thiền, bây giờ hơi thở ngưng từng chập thuật ngữ gọi là “tịnh tức”. Trong kinh gọi trạng thái này là “Định Bất Động” là Tâm Như. Ở trong Tâm Như, trí huệ tâm linh phát triển theo nhịp gia tăng cường độ của nhận thức biết không lời.
V. KẾT LUẬN
TƯƠNG ƯNG GIỮA “GIỚI-ĐỊNH-HUỆ” VÀ “BÁT CHÁNH ĐẠO”
- “Giới-Định-Huệ” là môn học thù thắng giúp hành giả vượt khỏi sự trói buộc của phiền não lậu hoặc, phát huy trí huệ. Tuy phân làm ba để dễ dàng trong việc giải thích, thật ra chúng tương quan mật thiết và nương tựa lẫn nhau. Do giữ Giới mà thân tâm không loạn động, nên tâm trí được Định, nhờ đó trí não dần dần phát sang, đó là Huệ. Ngược lại, trí não phát sáng thì tâm dễ Định, tâm đã Định thì giữ Giới dễ dàng. Giới-Định-Huệ tương liên mật thiết như vậy, pháp này tăng thì hai pháp kia cùng tăng theo và ngược lại.
- “Bát Chánh Đạo” là tám phương pháp tu tập thực tiễn nhằm giúp hành giả vượt thoát biển khổ. Tuy chia thành tám chi hay tám phần nhưng tất cả đều liên hệ mật thiết với nhau. Nếu thiếu Chánh Kiến, Chánh Tư Duy thì hành giả không biết phương hướng nào đúng để đi. Nếu thiếu Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp. Chánh Mạng thì hành giả sống trong buông lung tạo nghiệp chẳng lành. Nếu thiếu Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Định thì không thể nào đoạn trừ lậu hoặc.
Tu tập theo “Giới Định Huệ” hay “Bát Chánh Đạo” một cách đúng đắn, thì kết quả sau cùng là tâm hoàn toàn sạch lậu hoặc, tham, sân si… chứng quả vị A-La-Hán thoát khỏi luân hồi sanh tử.
Nhìn chung, hai pháp tu “Giới-Định-Huệ” và “Bát Chánh Đạo” dù pháp tu chia thành nhiều phần khác nhau, nhưng cách tu rốt ráo cũng như nhau. Cho nên, hai pháp môn này có những điểm tương ưng với nhau như sau:
1) Giới tương ưng với ba chi: Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp và Chánh Mạng.
2) Định tương ưng với ba chi: Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Định.
3) Huệ tương ưng với hai chi: Chánh kiến và Chánh Tư Duy.
Tóm lại, tùy theo căn cơ của chúng sanh mà Đức Phật có nhiều phương thức, nhiều pháp môn hướng dẫn đệ tử tu tập để đạt quả vị giải thoát tối hậu, nhưng chung quy cũng chỉ dựa trên cái sườn chính, đó là Tam Vô Lậu Học: Giới-Định Huệ. Học Giới-Định-Huệ là học cả ba tạng kinh. Học Giới là học Luật tạng. Học Định là học Kinh tạng. Học Huệ là học Luận tạng. Bước đầu tu tập hành giả phải học giáo lý để hiểu rõ và có nhận thức về những Nhận thức chứng ngộ của Đức Phật. Sau đó phải thực hành thể nhập những lời Phật dạy để trí huệ tâm linh của chính mình phát sáng. Nếu lý thuyết giỏi, mà không có kinh nghiệm hành trì, thì kiến thức thu thập cũng không ích lợi gì, mà nhiều khi kiến thức đó chỉ tô bồi thêm cái Ngã ngày một lớn mà thôi!
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật