Nhân lễ Phật Đản 2644
tìm lại ý nghĩa thiêng liêng của hai chữ Khánh Đản
của bậc Đại Đạo Sư trong tâm linh người Phật tử.
Phải đợi đến hơn 10 lần tham dự lễ Phật Đản , và năm nay tự thiết lễ một mình tại tư gia tôi mới nhận ra được trong tôi có sự chuyển hoá lớn .
“Tình thương của Phật bao la và vĩ đại thì một người mang danh Phật tử đáp lại cũng phải rộng mở đối với mọi loài chúng sinh và ngày ngày phải cảm nhận được Đức Phật đã cùng sống trong ta từ vô thỉ “ hãy vui mừng như ngày hội lễ Khánh Đản mỗi ngày vì sự biểu trưng của Đấng Toàn Giác bằng sự ra đời nơi thế gian .
Thì ra tuổi nào cũng cần phải học từ một chuyện thật bình thường nhưng nếu còn vô minh che lấp thì những căn bản phiền não ( tham, sân, si, mạn,nghi, ác kiến ) vẫn luôn nằm đó và tật xấu nào trong ta vẫn mãi mãi còn đấy và kết quả đừng hỏi tại sao phải trôi lăn trong luân hồi sinh tử.
Chưa bao giờ tôi nghe lòng mình dạt dào và rung động lạ kỳ như lúc này để đọc lại những lời xưng tán Đức Phật của triệu triệu những bậc đạo sư trên khắp thế giới nhân ngày Khánh Đản của Ngài, có lẽ vì có thời gian đọc lại những tác phẩm của các bậc danh tăng mà trong đó các Ngài đã dâng trọn lòng ngưỡng mộ và kính phục tột cùng đối với Đấng Đạo Sư siêu việt và từ từ đã thấm dần và lan tỏa trong tôi .
Hãy nghe bốn câu thơ trong bài Đêm Phật Đản của Cố Đệ Ngũ Tăng Thống Thích Quảng Độ :
“Ôi đau thương đây thế giới Sa Bà
Cực Lạc Niết Bàn cũng là đây hiện thực
Ánh Đạo rọi giữa lòng tôi sáng rực
Bao ưu phiền trút sạch tựa mây tan ...”
Phải thành thật thú tội cùng các bạn mới hôm qua thôi không hiểu sao cả ngày mùng tám tôi cứ thẩn thờ leo lên phòng thờ ngắm nhìn ảnh tượng Đấng Thế Tôn rồi lại đi xuống , cứ như vậy 4, 5 lần có lẽ vì ngày này rơi vào ngày 30/4 dương lịch vậy đó sao ?
Để tránh tình thần bị chi phối tôi liền mở YouTube nghe các kinh nhạc Phật Giáo với loa (speaker )để tiếng vang thật lớn hầu mọi chúng sinh hữu hình hay vô hình cùng nghe ( một thói quen từ khi sống cô độc một mình ) và để tạm gọi là thiết lễ Phật Đản tại tư gia cho long trọng .
Thế nhưng trong tôi vẫn còn chút gì u hoài man mác và để đổi không khí phải nhờ đến nhạc tình cảm Abba, nhưng lạ kỳ thay chỉ nhìn vào bản nhạc với tựa đề “The day before you came “ thì dường như tôi thấy
không cần nghe nữa , tôi đã hiểu được tôi ... Và bao ký ức lại gợi về từ ngày chưa biết đạo và chưa bao giờ biết bất cứ ngày lễ trọng đại nào của Đấng Thế Tôn , bao nhiêu u mê vô minh từ ngàn kiếp đã che lấp ...
“Tuổi đã trung niên, tâm linh mờ mịt ,
Còn mẹ già gầy yếu chốn quê nhà
...Vẫn cầu danh đua đòi vật chất xa hoa .
Dù tha hương xứ người bao vất vả!
Thời gian qua ...khi vô thường quật ngã ...
Người thân yêu cứ lần lượt ra đi
Hụt hẵng tìm nương dựa bớt sầu bi
Từ dạo ấy, Đức Thế Tôn xuất hiện !”
Từ dạo ấy, nhận ra điều mầu nhiệm
Giáo lý Ngài dần khơi mở ...giống ẩn tàng
Tận đáy sâu, nhiều lớp bụi kéo màn
Nay luồng gió mạnh thổi vào bay tức khắc !
Lễ Phật Đản lần tham dự đầu tiên gợi nhắc ...
Tắm Phật chính là gội sạch nhiễm ô
Chuyển hoá dần mọi hành động tục thô
Tìm lại được bản chất xưa từng có !
Đảnh lễ Phật , kính đa tạ điều dạy rõ !!!!
( thơ HH)
Bài kệ tắm Phật cho ngày lễ Phật Đản hằng năm lại hiện ra trong đầu
“Ngã kim quán mộc chư Như Lai
Tịnh trí trang nghiêm công đức tụ
Ngũ trược chúng sanh linh ly cấu
Đồng chứng Như Lai tịnh pháp thân
Già Da thành lý bất tằng sanh
Ta la thọ gian bất từng diệt
Bất sanh bất diệt lão Cù Đàm
Viễn ly huyễn tưởng vô ngôn thuyết”
Và tôi lại ao ước mình nên đón mừng ngày sinh nhật của Đức Từ Phụ mỗi ngày để rửa sạch những nhiễm ô đã thâm căn chất chứa nhiều đời để tự xoay về nội tâm mình quán chiếu và dùng nước thanh tịnh để tắm cho ông Phật pháp thân của chính mình.
Thật ra truyền thuyết cho rằng, khi đức Phật ra đời, cung trời Phạm Thiên có mưa thơm tắm Phật. Do noi theo truyền thuyết đó, mà hằng năm trong ngày đại lễ Phật Đản, có cử hành nghi thức tắm Phật. Và nghi thức nầy đã trở thành một tục lệ truyền thống nhưng một khi học Đạo thì phải biết rằng : Đã là Phật pháp thân thì làm gì có hình tướng để chúng ta tắm rửa? Bởi Phật pháp thân vốn thanh tịnh sáng suốt, có cấu bợn gì đâu mà phải tắm? Đây quả là mang một ý nghĩa biểu trưng, tức nương “Sự” để hiển “Lý” hay ngay nơi “Tướng” mà nhận lại “Tánh”. Nương ngón tay để thấy mặt trăng ( lời trong bài viết của một vị Thầy )
Cũng nhân lúc này tôi mới chợt nhận ra từ lâu tánh tham và muốn chiếm đoạt dành cho riêng mình vẫn hiển hiện một vài lần trong năm thoảng qua trong các sinh hoạt và nhất là càng rõ rệt hơn trong đạo tràng tu học khi mình không được ưu ái như các bạn đạo thâm niên kỳ cựu.
Nhưng bây giờ tôi mới hiểu rằng các bậc Thầy đã không thiên vị bất cứ một đệ tử nào mà có chăng là các Ngài đã thấu rõ căn cơ duyên phận của người đệ tử đó trong nhiều kiếp. Và lòng tôi trở nên bình yên và tĩnh lặng như đã tìm ra một điều gì thỏa đáng cho câu hỏi vẫn từ lâu ấp ủ...
Phật Đản 2644 đã giúp tôi tìm lại được ý nghĩa thiêng liêng về ngày sinh nhật, Khánh tuế của những bậc trưởng thượng cao tăng và sự có mặt của các Ngài nơi thế gian này phải chăng đã là một dấu ấn cho lịch sử trong Phật Giáo và các Ngài đã tiếp tục truyền đăng nối tiếp mạng mạch từ cội nguồn .
“ Kính mừng Khánh Đản Đấng Thế Tôn siêu việt
Ánh đạo thiêng đã chiếm trọn hồn con
Hai sáu bốn bốn năm thế giới hân hoan
Đón chào Bậc Toàn Giác Vĩ Đại hiện diện
Giáo lý Ngài truyền khắp năm châu bốn biển
Khoa học ngày nay chưa sử dụng được câu :
DUY NGÃ ĐỘC TÔN huyền nghĩa quá thâm sâu
Nên chiến tranh, ngục tù vẫn còn mãi !
Kính ngưỡng mong một ngày nào lời Phật dạy
Thâm nhập vào tâm khảm mọi công dân
Để hoà bình an lạc được quý trân
Như Ngọc Ma Ni diệu kỳ như ý ....
Huệ Hương
Gửi ý kiến của bạn