Chống dịch cúm Vũ Hán tại Đức
Năm nay 2020 một năm đầy oan trái, không chỉ riêng xứ Đức mà cả toàn cầu đều chịu chung một số phận. Tất cả đều bị một con vi rút siêu hình nhỏ cỡ mười lũy thừa chín (nano), chỉ thấy bằng kính siêu hiển vi khống chế. Tên của nó thì rất nhiều, thiên hạ cứ tự tiện thay đổi cho phần lợi nghiêng về phía mình. Tôi gọi nó bằng tên nguyên thủy "Vi rút Vũ Hán", cho biết luôn xuất xứ từ đâu?
Về tác hại của nó, đã biết bao giấy mực ghi chép liền tay. Nhưng cái đáng sợ nhất là nó có thể lấy đi mạng sống con người trong tích tắc, vì một hơi thở ra mà không thở vào là xong một kiếp người.
Trong thời gian bị hạn chế đi lại, phải chấp hành nghiêm chỉnh lời kêu gọi của chính quyền sở tại "Stay home", phải ở nhà! Tôi chỉ có một hobby mới lạ, ngồi đếm các số ca nhiễm bệnh và số người tử vong của toàn thế giới, trừ xứ Trung Quốc??!!
Sau nhiều ngày ngồi đếm "xác chết", tôi nhận ra một điều là lạ. Tại sao xứ Đức với ca nhiễm khá cao đứng hàng thứ 5 trên thế giới, chỉ thua Mỹ, Tây Ban Nha, Ý, Pháp mà thôi, nhưng con số tử vong về Covid lại thấp nhất Âu Châu, nhiều khi còn thấp với cả các nước nhiễm bệnh trên thế giới nếu tính theo xác xuất người chết trên dân số.
Một thí dụ điển hình nước Bỉ bên cạnh với dân số 15 triệu, bé tí so với 85 triệu dân Đức. Thế mà theo thống kê ngày 27 tháng 4 có 7.094 người tử vong, còn nước Đức 5.976. Chia ra tính theo xác xuất người chết mỗi một triệu dân thì Bỉ lên đến con số 473 và Đức chỉ 70. Thêm nước Thụy Sĩ với 10 triệu dân, số tử vong 1.620, chia ra cũng được chỉ số 161.
Vậy ta phải đi tìm hiểu xem nước Đức đã làm gì, có biện pháp gì để chống lại dịch cúm Vũ Hán một cách tài tình như thế?
Nước Đức từ xưa đến nay thuộc loại ăn chắc mặc bền, có tiền là đi xây trường học và nhà thương. Chứ không thích ăn chơi thoải mái xây nhà hát lớn, tụ tập hát hò như các nước láng giềng Ý, Pháp, Tây Ban Nha...
Hệ thống y tế và bảo hiểm sức khỏe của Đức là số một, nhiều nước mong cầu.
Khi đại dịch bùng nổ vào cuối tháng giêng, nước Đức đã chuẩn bị sẵn sàng mua thêm rất nhiều máy thở và trang bị các giường bệnh gắn máy móc tối tân cho việc trị liệu. Thời điểm ấy nước Đức có đến 28.000 máy thở, chỉ một tháng sau ngày 2 tháng 4 đã có 40.000 máy chia đều cho 1.900 bệnh viện. Đã biến bệnh viện thường thành bệnh viện cấp cứu. Đã biến các trụ sở lớn làm Hội Chợ Quốc Tế như ICC thành những bệnh viện dã chiến.
Trong khi ấy nước Pháp chỉ có 7000 và Ý 5000, khiến người nhiễm bệnh bị chết như rạ vì thiếu máy thở. Nước Đức chỉ xử dụng có một nửa số giường bệnh nên chuyển bệnh nhân từ Pháp, Ý, Tây Ban Nha sang chữa dùm.
Ngoài ra chính phủ Đức còn đầu tư rất nhiều vào trang bị y tế quần áo cho các thiên thần áo xanh, áo trắng, đội ngũ tiên phong bác sĩ, y tá trong phong trào chống giặc cúm Tàu. Đâu để sơ xuất như các bác sĩ, y tá của Ý và Tây Ban Nha chết vì thiếu áo chống cùng khẩu trang. Chết vì phải nhường máy thở cho người trẻ hơn.
Bệnh viện Charité ở Berlin đã tự chế ra một loại Test nhanh, một loại Test đại trà khoanh vùng những người bị nhiễm bệnh để bắt cách ly. Nước Đức bị nhiễm nhiều vì dân Đức thích đi du lịch, chính phủ phải lập chương trình mang cả trăm ngàn người Đức bị kẹt ở khắp nơi trên thế giới trở về bằng máy bay của chính phủ điều động.
Nước Đức không bị nhiễm cúm Vũ Hán theo con đường tơ lụa như nước Ý, nhưng cửa biên giới EU bỏ ngỏ, ai qua chẳng được! Thế nhưng chính phủ Đức đã ra tay thật sớm, đóng cửa biên giới cùng các biện pháp cách ly, đóng cửa tất cả các hoạt động chỉ trừ siêu thị cửa hàng thực phẩm và nhà thuốc tây.
Để kết thúc bài phóng sự nhanh, người viết xin được nhắc sơ qua giải pháp “Miễn dịch cộng đồng“ tại Đức.
Bà Thủ tướng Đức, Angela Merkel, sau khi hỏi ý kiến các nhà khoa học, các chuyên gia y tế, đã không ngần ngại tuyên bố, để chống lại đại dịch một cách hiệu quả, nước Đức cần một số lượng người bị phơi nhiễm từ 60 đến 70% dân số. Bởi vì sau khi bị phơi nhiễm và "sống sót", cơ thể của số lượng người này đã tự tạo được kháng thể, thành tấm chắn bảo vệ những người còn lại sẽ không bị lây bệnh dễ dàng.
Miễn dịch cộng đồng là một trong những chiến lược phòng vệ trước đại dịch. Một biện pháp "câu giờ", nhằm tránh lây nhiễm quá nhanh trong thời gian ngắn, giúp ngành y tế có thời gian chuẩn bị mọi thứ cần thiết, như giường bệnh, dụng cụ bảo hộ, dụng cụ y tế, máy thở và... tâm lý.
Các nước khác ở Âu Châu như Anh và Thụy Điển cũng áp dụng phương pháp này nhưng thất bại, không kiểm soát nổi cao trào lây lan lên tới đỉnh điểm. Trong khi đó Đức đã đạt được hệ số lây lan R(0) dưới 0,7, nghĩa là một người bệnh chỉ lây cho 0,7 người khác, thật là tuyệt vời! Và thời gian T đủ dài để hệ thống y tế không bao giờ bị quá tải.
Lời cuối cho bài viết, cách phòng chống của Đức khá là sớm hơn các nước lân cận, chính phủ Đức và các nhà khoa học Vi trùng học, phải cập nhật từng ngày. Các bác sĩ và y tá lo bệnh nhân cấp cứu, được nói là những người hùng đứng cửa tử sinh, được huấn luyện rất kỹ càng, cảm ơn, cảm ơn đến những anh hùng vô danh.
Hoa Lan - Thiện Giới.
Tháng 4 - 2020.
Số lượng người nhiễm cúm Vũ Hán vẫn gia tăng chóng mặt,
chưa có dấu hiệu gì giảm xuống, mời quý độc giả xem 2 bản cập nhật mới nhật sáng nay (29/4/2020)
***
Kính mời xem tuyển tập
các bài viết về dịch Cúm Vũ Hán