Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Lắng Tâm cùng cư sĩ Minh Đạo trong những ngày giáp Tết

17/01/202005:38(Xem: 8164)
Lắng Tâm cùng cư sĩ Minh Đạo trong những ngày giáp Tết
lang tam-tap tho cua cu si minh dao 
 
LẮNG TÂM cùng cư sĩ MINH ĐẠO trong những ngày giáp TẾT
( Tập thơ LẮNG TÂM của Minh Đạo-NXb Hội Nhà Văn 2019)

 

Nhận được tập thơ LẮNG TÂM Của cư sĩ Minh Đạo gởi tăng vào những ngày cuối năm 2019,

dù đã đọc đi đọc lại vài lần, có ý định viết vài lời cảm nhận nhưng lòng vẫn cứ băn khoăn mãi

vì e rằng những lời nhận xét thô thiển của mình sẽ không “chạm” được hoặc không “với tới” ý

tưởng của tác giả. Nhưng suy đi nghĩ lại thì là chổ thân tình với tác giả nên cũng không ngại lan

man vài điều.

Cũng như hầu hết các tác phẩm khác, cư sĩ Minh Đạo vẫn trung thành với thơ Đường, thể thất

ngôn bát cú, cũng có một vài bài phá cách nhưng không nhiều. Những bài thơ trong thi tập đa

phần xoay quanh chủ đề như tên gọi của nó là LẮNG TÂM.

Tâm ta như con ngựa luôn chaỵ lăng xăng từ chổ nay sang chổ khác, ý của ta thì luôn vọng động

như con khỉ chuyền cành không một phút giây nào ngưng nghỉ, thế cho nên mới có câu “tâm

viên ý mã”. Trong cuộc sống hằng ngày tâm ta luôn lăng xăng như thế, khi thì hoài niệm về quá

khứ, khi thì toan tính cho tương lai, làm việc này thì đầu óc suy tư về chuyện khác. Cứ như thế

tâm ta luôn chạy theo ngoại cảnh hoặc sống trong hiện tại mà luôn mơ đến tươg lai, luôn suy tư

về quá khứ.

Lắng tâm để quán chiếu, soi rọi, phản quan tự kỷ lại cái TÂM của mình trong hành trình của

kiếp nhân sinh được được soi rọi qua lăng kính ánh sáng của giáo lý đạo Phật. Như tác giả đã

giải bày trong lời ngỏ “LẮNG TÂM mang tinh thần Đạo và Đời luôn cùng chung nhịp đập giữa

trần gian…”

 

Phật pháp nguồn chơn soi vạn ngã

Nương cùng kệ diệu lắng tâm trong.

 

Mở đầu tập thơ ngay trong bài đầu tiên có tựa đề là “Lắng tâm” tác giả đã đưa ra nhận định hết

sức chính xác về chốn trần gian này

 

Sông mê bể khổ vốn chung dòng

Nghi hoặc ra vào cửa có-không

Thế cho nên phải tự khuyên mình (và khuyên người)

Xả bỏ lòng trần cho sạch bụi

Vun bồi tuệ giác phải dày công

 

Giờ thì chúng ta hãy cùng nhau đi dạo vườn thơ để LẮNG TÂM cùng tác giả nhé.

 

2

 

Khi nói về mùa xuân ai cũng liên tưởng tới vạn vật đều nao nức đón chào với muôn hoa khoe

sắc, với những lễ hội tưng bừng, rộn rã được diễn ra khắp nơi. Thì có những nơi mùa xuân đến

lặng lẽ trong không gian tỉnh lặng của các chốn thiền môn, nhưng cũng chính vì sự an nhiên tỉnh

tại khi xuân về ta mới cảm nhận được chiều sâu của hương xuân đang phảng phất, sắc xuân đang

lan tỏa khắp nơi.

 

Xuân về nắng trải nhẹ nhàng bay

Cửa Phật tôn nghiêm lẳng lặng này

Mấy độ đông tàn rồi cảnh mới

Bao lần kiếp lở bởi tình ngây!

(Xuân về cửa Phật)

 

Bôn ba trong cõi trần thế giữa bon chen với những lợi danh, với những tham ái trong ngũ dục

cho hết kiếp người, cho đến một lúc nào đó gối mỏi chân chồn, đắng cay vùi dập ta chợt nhận ra

rằng tất cả những lợi-danh trong cuộc thế như là sân khấu đời chỉ là phù phiếm, thế nhưng nó đã

đày ải ta ngụp lặn trong đó với bao nhiêu phiền não khổ đau

Tham cầu chẳng dứt khó mà buông

Được mất hơn thua ngẫm dạ buồn

Mộng tưởng hoài đeo chầy thấy cội…

Hư danh mãi bám rối tìm nguồn…

(Tham cầu)

 

Cuộc trần thế là phù du mộng ảo, như là gió thổi mây bay, biến thiên như là bức tranh vân cẩu,

được-mất, bại-thành rồi cũng hóa hư không. Chẳng có gì là miên viễn mà nó lại khiến ta hoài

công đeo đuổi biết bao nhiêu kiếp luân hồi. Thế nên thôi thì dừng lại, không tiếp tục trôi lăn mãi

trong ngũ dục trần gian đầy huyển giả như thế nữa, để rồi một mai giật mình tỉnh giấc mộng kê

vàng chợt thấy ta đã bỏ phí một kiếp người trong những thứ phù hoa giả tạo mà tìm về nương

theo ánh sáng Phật pháp để khai tâm, để tìm chút an nhiên trong tâm hồn, để sống những ngày

trên trần gian nầy thật ý nghĩa

 

Phật tôn nghiêm, mượn lời khai mở

Pháp nhiệm mầu, cầu nghĩa rỏ thông

Tịnh thủy đại bi nguồn giải thoát

Đường thiền nẻo giác lắng tâm không!

 

3

(An lòng)

 

Xa lìa những bon chen tham luyến tìm sự an nhiên trong những ngày tháng thong dong , lấy tình

pháp lữ để làm tri kỷ, lấy thơ văn làm bè bạn, lấy thiểu dục tri túc làm lẻ sống và thực hiện châm

ngôn an bần thủ đạo để mà tiêu dao cùng tuế nguyệt

Lả lướt ươm câu vui có bạn

Thong dong kết phú rộn theo người

Bồng lai cõi thế ta cùng dựng

Gắng giữ xuân lòng mãi mãi tươi

(Hữu hảo)

 

Khi đã chọn cho mình một lối sống đạo giữa đời thường như thế, hành giả sẽ tìm thấy cuộc đời

sao mà đáng yêu quá, nhìn đâu cũng thấy yên bình, mai vàng trúc biếc, ve kêu rộn rả, chim hót

líu lo, bốn mùa vẫn đẹp vì lòng trần giờ đây không còn chút tơ vương nữa rồi

 

An vui lối đạo sống tâm hiền

Rảo bước đường trần lẳng lặng yên

Dạ ổn quy thiền vun trí sáng

Lòng sơ thọ pháp tiếp kinh huyền

(An vui lối đạo)

 

Cho dù là đang sống trong căn nhà thế tục nhưng ta tìm thấy ở đây một lối sống đạo hết sức an

lạc như là chốn thiền môn, còn gì thanh thản hơn nữa khi mà:

Sáng lên kệ sách nương thầy bạn

Chiều xuống bồ đoàn thức cảnh duyên

(Sống đạo bình thường)

Cầu mong vạn nẻo yên bờ giác

Nguyện ước trần gian tịnh cõi bình

(Vô minh).

 

BÌNH THƯỜNG TÂM THỊ ĐẠO là vậy, đó là cảnh tịnh độ giữa trần gian, không còn ranh giới

giữa đạo và đời, trăng bây giờ dù soi sáng ở đâu cũng là trăng thiền, trăng của cảnh giới tịnh độ,

đó là sự phát tâm, lập nguyện của hành giả

 

4

Lập hạnh tâm nguyền xuôi thiện pháp

Vun từ đức ngập rạng chơn nhân

Thâm nghiêm phật quả xuôi dòng kệ

Kính ngưỡng kệ Thầy tỏa sắc hương

(Thiền trăng)

 

Hành giả đã lắng tâm để buông xả những tham đắm chấp thủ giữa cuộc trần ai, lắng tâm để phản

quan tự kỷ soi rọi lại mình để thấy thì ra tâm bình thường là đạo chứ không phải là thứ gì cao

siêu, trừu tượng quá, như Phật Hoàng-Trần Nhân Tông đã viết

 

Ở đời vui đạo hãy tùy duyên

Đói cứ ăn ngay, mệt ngủ liền

Của báu trong nhà đừng nhọc kiếm

Vô tâm trước cảnh hỏi chi Thiền?

(Dịch nôm bài Cư Trần Lạc Đạo của Trần Nhân Tông)

 

Khi mặt hồ yên tỉnh thì ánh trăng soi bóng, khi tâm ta đã hoàn toàn lắng trong thì ánh sáng bát

nhã chiếu rọi

 

Trầm luân vạn nẻo thành quy hướng

Ngắm cả dương trần vẫn lặng nhiên…

(Bình yên)

 

Thi tập có trên 130 bài thơ, Ngoài những bài thơ viết theo chủ đề LẮNG TÂM ra tác giả Minh

đạo còn có những chùm thơ viết theo những chủ đề nhỏ hơn như cảm xúc về mùa Vu Lan, mùa

Phật đản. Vu Lan là báo hiếu thế nên cảm xúc đầu tiên của những người phật tử khi nói về Vu

lan là nhớ về tình mẹ và những nỗi niềm của người con khi còn mẹ trên đời

 

Gió lộng mưa giăng tháng bảy về

Xa xôi bóng mẹ những ngày thê

Âm thầm sinh dưỡng như trời bể

Lặng lẽ chan hòa tựa thủy khê

(Tháng bảy về)

 

Hay là lòng bồi hồi nhớ về công ơn sanh thành dưỡng dục của mẹ với những tháng ngày lao khổ

 

5

Nhớ cảnh quê nghèo thời xót nối

Hờn tìm sữa thiếu lúc nằm nôi

Chưa lần báo đáp người đi vội

Vạn kiếp ân sâu nghĩa khó bồi

 

(Tháng bảy Vu Lan)

 

Hoặc chùm thơ cảm niệm mùa Phật Đản với bài ca ngợi sự ra đời của đấng thế tôn giáng trần

đem ánh sáng Đạo pháp nhiệm mầu cứu khổ trần gian

Cúi đầu đảnh lễ Phật Đản sinh

Cho con ghi dấu phút tư tình

Ân sâu giáo pháp con nguyền thỉnh

Trí Nhã luôn cầu sáng tỏa vinh

(Quy ngưỡng)

 

Ngoài ra còn một số được viết theo cảm hứng như cảm xúc với thiên nhiên cây cỏ, cảm xúc

trước những đổi thay của đất trời theo sự luân chuyển bốn mùa xuân hạ thu đông, hay là tức

cảnh sinh tình. Tất cả đều được tác giả bày tỏ với tư duy của người phật tử thế nên tất cả đều

mang hơi hướng của giáo lý đạo Phật. Cho nên từ ý cho đến tứ thơ ta đểu cảm nhận một sự an

nhiên, một sự bình an tự tại trong từng câu chữ như bài “Xuân viếng chùa” với một lối chơi chữ

thật tinh xảo một cách thú vị

 

Ánh đạo yên bình thêm tuệ ánh

Tơ lòng lắng dịu bớt tình tơ

 

Hay là một mùa xuân thật yên bình, an nhiên tự tại nơi thảo am ở chốn thâm sơn cùng cốc

 

Mấy độ vui nghiền bên khóm trúc

Bao đời lắng đọng túp lều tranh

(Xuân trên non)

An nhiên lý đạo vui kinh pháp

Lặng lẽ đường trần thấm liếp tranh

(Một màu xanh)

 

6

 

Ý và tứ trong thi tập là thế, còn về kỹ thuật chơi chữ của thơ Đường thì phải nói rằng cư sĩ Minh

Đạo là bậc thầy trong cách sử dụng kỹ thuật thơ Đường với những bài thơ chỉnh về niêm, đối,

luật… với các thể đối họa, thuận nghịch độc, vận hồi đầu, lục ngôn, bát vỹ đồng âm… biến hóa

một cách ảo diệu.

Chủ đề chủ đạo trong thi tập như một lời thầm nhắc với chính mình, đống thời sách tấn những

tri âm, bằng hữu và những người hữu duyên rằng trong cuộc trần ai lắm tụy lụy nầy nếu cứ bôn

ba, trôi lăn mãi thì càng thêm khổ lụy “càng cao danh vọng càng dày gian nan!” để rồi cuối

cùng tất cả đều bỏ ta, tất cả chỉ là giấc mơ hảo huyền chẳng có chi là thật cả mà chỉ chuốc lấy

phiền não. Vậy sao không tìm đến nơi chốn bình yên để sống những tháng ngày thật an nhiên,

thật tỉnh lặng trong tâm hồn?! Muốn thế thì xin hãy LẮNG TÂM cùng tác giả.

Xin muợn lời của chính tác giả để khép lại những dòng tản mạn nầy.

 

Pháp Phật nguồn chơn soi vạn ngã

Nương cùng kệ diệu LẮNG TÂM trong!

 

Những ngày giáp tết Canh Tý-2020

Tâm Lễ

 

---------------------------------------------


lang tam-tap tho cua cu si minh dao 

     
                   VÀI CẢM NHẬN NHÂN ĐỌC TẬP THƠ LẮNG TÂM                       
              CỦA THẦY MINH ĐẠO

 

  Nhận được tập thơ LẮNG TÂM do NXB Hội Nhà Văn phát hành cuối thu 2019 của thầy Minh Đạo mà loay quay mãi, không biết dung ngôn từ  nào xác thực nhất để diễn tả tình, ý dù một phần trong tập thơ dày trên 140 trang. Bởi lẽ trong những bài của Thầy viết đều luôn ẩn chứa sâu sắc về tính tĩnh lặng trong từng sự việc, câu chuyện…,nói đúng hơn đều có dáng dấp thiền quán. Hôm nay Phúc Điền xin mạo muội viết lên những thiển nghĩ của mình về tập thơ, có vấn đề gì chưa thấu đáo kính mong Thầy hoan hỷ lượng thứ.

  Ngoài lĩnh vực “Thơ”, đặc biệt là thơ Đường, Thầy còn vẽ và viết Thư pháp nữa.

Cũng như những tập thơ mà Thầy đã phát hành, hầu hết các bài thơ đều xen kẻ nhau giữa Đạo và đời , cả hai hòa quyện vào nhau. Mở đầu của tập thơ bài Lắng Tâm (cũng là tên của tập thơ).đã khái quát  nội dung chủ đạo của tập thơ, biết nhận rõ sự trầm luân đã trôi lăn sáu đường qua lũy kiếp, mơ hồ không phân định đúng sai, quen theo tập tính mà quay vòng trong sinh tử  chịu nhiều khổ đau :

 

                                 Khập khểnh chân tà xa chốn cũ

                                 Sáu đường ngập lối những gai chông…

 

                                                                         ( Lắng Tâm )

 

 Và cũng chính cái mơ hồ không phân định đúng sai đó mà phải nương theo giáo pháp Phật. Đó là biểu đồ, là phương hướng cho kẻ tha thiết tìm về nguồn cội, về Phật tánh ở trong ta vốn tỏa sáng bao trùm cả vũ trụ.

 

                                 Pháp Phật nguồn chơn soi vạn ngã,

                                 Nương cùng kệ diệu lắng tâm trong.

 

                                                                         ( Lắng Tâm )

 

   Khi tâm còn chưa tỉnh, vướng mắc nhiều trong đời sống thường tình thì cần thầy, cần thiện hữu dìu dắt, giúp đỡ để huân tu, để thiền dưỡng, khai rõ cái tính biết chân thật (trí huệ,Trí Bát Nhã) như trong bài Viên Minh có đối họa và Thầy gợi thêm ý:

   

                                 Mến nơi vắng vẻ đường thiền dưỡng,

                                 In dấu bình yên cửa Phật chờ.                                                     

                                 Nặng nợ trần gian tìm đạo sáng,

                                 Huân tu định huệ nguyện qui bờ.

Và:

                                 Mong cửa từ bi còn độ chứa,

                                 In tâm Bát Nhã mãi nương chờ.

                                 Ngày lên gọt động vui tinh tấn,

                                 Hiểu thấu nguồn chơn rõ bến bờ…

 

  Khi đã tìm được cái lý trong đạo, có hướng tiến tu bởi nhận rõ tâm hiện tại của mình ngày đêm còn vướng vít thế gian, luẩn quẩn trong trần tục, tham, sân, si, đúng hơn đó là cái tâm “phàm phu “ thì cần thọ pháp để có hướng quay về và  luôn mang theo Bi, Trí, Dũng trong mọi hoàn cảnh:

 

                                 Bổn pháp chân như chẳng dữ hiền,

                                 Xin nguyền rõ đạo biết thời yên.

                                 Tâm nhơ chỉ quẩn, nào an tịnh,

                                 Tánh lặng hằng trong, vốn diệu huyền.

 

                                                                     ( An Vui Lối Đạo)

 

  Ngay trong những sinh hoạt bình thường hằng ngày như: ăn, uống, ngủ, nghỉ, cuốc đất, trồng khoai, tụng niệm, thiền quán  v. v… tâm luôn an tịnh, việc gì rõ việc đó, không xao xuyến, không hồ nghi, không ưu phiền. Gạt hết vọng động , miệng luôn mỉm cười, mỉm cười trong thanh thản không vướng mắc:

                                  Sáng lên kệ sách nương Thầy bạn

                                  Chiều xuống bồ đoàn thức cảnh duyên

                                  Được thế an vui đừng vướng não,

                                  Hờn chi tuế toái phải mang phiền.

 

                                                                  ( Sống đạo bình thường )

 

  Đã quyết tu thì phải có hạnh nguyện, nguyện đi tới cùng dù khó khăn gian khổ, dù muôn vàn chướng ngại chông gai trên con đường mình đi và luôn có cầu sự trợ duyên, cầu linh điển mười phương chư Phật soi sáng để thêm nghị lực, niềm tin:

 

                                  Sống tu khởi hạnh phải bền lòng.
                                  Tỏa sáng niềm tin dưới ánh hồng.


                                                                   ( Khởi hạnh )

 

  Hãy nhìn rõ ra sự buồn bực, phiền khổ, thị phi … bằng trí huệ, bằng thiền quán để thấy chân tướng của nó, để hóa giải, để biết xa tránh đừng vướng mắc lặp lại:

                                    Lờ đi cái bực tan buồn lã,

                                    Thấy rõ cơn phiền sợ khổ xa.

                                    Thấu thảy đường mê lần họa rã,

                                     Lơi cùng ngõ dục hổng đời sa.

 

                                                                      (Sống nhẫn)

 

  Hầu như bài nào cũng mang một tinh thần thiền quán ở từng góc độ, sự việc khác nhau không rập khuôn mả hài hòa nhằm phân tích, nhắn nhủ  để người đọc nhận ra cái giá trị từng câu, từng chữ,  như trong bài Đã Biết Vô Thường dưới đây:

 

                                     ĐÃ khổ trầm luân vạn nẻo rồi!

                                     BIẾT đời thoáng chốc phận trùng ôi!

                                     VÔ tâm…  lặng lẽ điên không nổi,

                                     THƯỜNG tuệ… bình yên loạn chẳng trồi.

 

   Cũng còn rất nhiều bài mang nhiều ẩn ý, nội dung rất thâm thúy nhưng vì khuôn khổ bài viết có hạn nên tôi không dẫn thêm…

   Thầy luôn tâm niệm “Sống đạo”, mà trên hết là Đạo Hiếu. Bàn về đạo Hiếu đối với Cha Mẹ, Đức Phật đã dạy rất nhiều qua các kinh như: kinh Nhẫn nhục, Tăng nhất A hàm, kinh Báo hiếu, Kinh Hiếu tử v.v…nhưng tôi xin trích ở đây 2 đoạn kinh trong tập Kinh Tăng chi I, và Kinh Tâm địa quán đê biết rõ chữ Hiếu trong đạo Phật:

 

Kinh Tăng chi I, Phật dạy:“Có hai hạng người, này các Tỳ kheo, Ta nói không thể trả ơn được. Thế nào là hai.Là Mẹ và Cha. Nếu một bên vai cõng cha, một bên vai cõng mẹ, làm vậy cho đến trăm tuổi, nếu đấm bóp, thoa nước tắm rửa, thoa gội, và dầu tại đấy có vãi tiểu tiện, đại tiện như thế, này các Tỳ kheo cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ mẹ và cha. Vì cớ sao?Vì rằng, này các Tỳ kheo, cha mẹ đã làm nhiều cho con cái, nuôi nấng, nuôi dưỡng con khôn lớn, giới thiệu con vào đời”.

. Kinh Tâm Địa Quán, viết: “Cha mẹ tại tiền như Phật tại thế, gặp thời không có Phật, khéo thờ cha mẹ tức là thờ Phật vậy”. Kinh Tạp Bảo Tạng, Đức Phật nói rõ hơn:“Nếu có người muốn được vua Phạm Thiên ở trong nhà, hãy hiếu dưỡng cha mẹ, vua Phạm Thiên đã có ở trong nhà. Muốn có Đế Thích ở trong nhà, hãy hiếu dưỡng cha mẹ, Đế Thích sẵn ở trong nhà.Muốn được tất cả thiên thần ở trong nhà, chỉ cúng dường cha mẹ, tất cả thiên thần đều ở trong nhà.Cho đến muốn cúng dường Thánh Hiền và Phật, chỉ cúng dường cha mẹ, các vị Thánh Hiền và Phật đều ở trong nhà”.

Công ơn sinh thành dưỡng dục của Cha Mẹ như trời biển, bổn phận làm con là đền đáp, ngoài tiền bạc, của cài vật chất thì còn có cách báo hiếu cao cả hơn (qua tóm tắt Trong kinh Tăng nhất A hàm) mà Đức Phật đã dạy:

  Nếu cha mẹ chưa có niềm tin, phải khuyết khích cha mẹ phát tâm tin tưởng Tam Bảo.

- Nếu cha mẹ xan tham, phải khuyến khích cha mẹ phát tâm bố thí.

- Nếu cha mẹ theo điều ác, phải khuyến khích cha mẹ hướng về đường thiện.

- Nếu cha mẹ theo tà kiến, phải khuyến khích cha mẹ trở về với chánh kiến.

Làm được như vậy là trả ơn cha mẹ đúng với chánh pháp,

 

  Chữ hiếu hiểu theo Phật đạo, những bài viết của Thầy dù  ở điều kiện hoàn cảnh nào cũng luôn chiếu theo tinh thần đó mà sống cho đúng với đạo lý.

  Trong chùm thơ Vu Lan, bài viết về Mẹ rất cảm động, nói lên nỗi lòng người con chưa đền đáp mà Mẹ đi xa rồi, lời thơ rất thực nhưng làm cho người đọc có sự đồng cảm xót xa, băn khoăn của người con luôn đặt công ơn sinh thành, dưỡng dục lên giá trị hàng đầu trong đời sống.

 

                                        Tháng bảy Vu Lan đã đến rồi

                                        Sương chiều mộ đá, lặng đời côi…

                                          ………….

                                         Nhớ cảnh quê nghèo thời xót nỗi,

                                         Hờn tìm sữa thiếu lúc nằm nôi.

                                         Chưa lần báo đáp Người đi vội,

                                         Vạn kiếp ân sâu nghĩa khó hồi…

 

  Sinh thời Mẹ đã từng dạy cho con đạo hiểu và biết sống đúng theo chánh pháp, biết được sự biến chuyển theo duyên sinh không ngừng trong vạn vật, những vướng mắc vì tham ái làm cho kiếp kiếp  trầm luân v,v và Mẹ đã sống Tâm Như Đất, dù Mẹ đi xa nhưng luôn hiện hữu bên Thầy như trong bài Mẹ Giữa Đời:

                                         ……………………………

                                         Ước cả, con đừng tâm lắng lợi,

                                         Mơ thầm, cháu sống nghĩa đừng vơi.

                                         Từ bi giác ngộ luôn cùng khởi,

                                         Nhân cách soi đều chớ vội ngơi.

                                         Dưỡng dục ân thâm hằng rõ bởi,

                                         Bao thu khuất bóng vẫn đương thời…

 

  Mẹ đã đi xa nên có nhiều bài về Cha Mẹ trong tập này, Thầy thường dùng từ Nguyện  như: Nguyện sống chẳng chê, Nguyện sống tâm từ, v.v…Tôi nghĩ đó là cách báo hiếu của Thầy ở thế gian nầy với Cha Mẹ. Ngoài ra những đoạn trường Mẹ đã trải qua : Kẻo kẹt lưng còng qua dãy phố, bờ đê…, với lời thơ rất dung dị nhưng nghẹn ngào giúp người đọc như đang ở trong tâm trạng của Thầy vậy:

 

                                     Thiếu Mẹ trên đời thấy cảnh thê!

                                     Thái dương khuất bóng… chỉ đêm về,

 

                                      …………………………….

                                      Kẽo kẹt… nuôi mầm qua dãy phố…

                                      Ngậm ngùi… nhắc đoạn suốt bờ đê…

                                      Ân thâm biển lớn con nguyền tạc,

                                      Nguyện sống tâm từ bớt kẻ chê…

 

                                                                            (Thiếu Mẹ)

 Hay:

 

                                      Nghĩa lớn khuyên con nhìn góc bể…

                                      Ơn nhiều bảo cháu biết bờ đê…

                                      Dưỡng sinh trả hết thì đâu dễ,

                                      Chỉ nguyện với lòng sống chẳng chê…

 

                                                                         ( Lá rụng bao mùa )

 

  Nhớ về quê hương, Thầy đề cập đến tuổi thơ gian khó đã sinh ra lớn lên, nơi mảnh đất miền Trung “ Đất cày lên sỏi đá”. Cũng chính nơi ấy đã nuôi dưỡng , rèn luyện một ý chí nghị lực, biết chịu khó, chịu khổ, biết ân tình và Thầy luôn canh cánh bên lòng:

 

                                       Hành trang đất Mẹ ân nào đủ,

                                       Nguyện cả niềm đây mãi sáng hồng.

 

                                                                           (Thời thơ)

 

  Ký ức tuổi thơ luôn mang theo bên mình theo từng thời gian nhưng càng về già ký ức đó càng sâu đậm hơn. Hương đồng thơm mát, lơ lững những cánh diều buổi chiều hè, những buổi theo cha lên nương ,xuống ruộng  và cả  tình làng nghĩa xóm thân thương v,v… Dù tuổi còn thơ nhưng luôn ý thức cảnh thiếu thốn, khó khăn của gia đình. Trong bài Hương Quê  dưới đây Thầy cho ta cảm nhận đó:

 

                                        Mơ về  những buổi dạo chiều trong,

                                        Rộn rã đầy hương tỏa ngát đồng.

                                        ……………………..

 

                                        Kỷ niệm xuân tràn như gió đẩy

                                        Tình dân nghĩa thấm tựa sương lồng.

                                        Nào kêu cảnh khổ nhà  xiêu vách!

                                        Đã biết cơn rầu chặng nổi dông.

                                        Bởi rứa xa rồi lòng  mãi bận,

                                        Ngàn thương chốn Mẹ sáng mai hồng.

 

  Hay trong bài Sông Quê cũng có tâm trạng:

 

                                        Dân tình rõ lối nương đời thuận,

                                        Phước lộc thừa ân để cõi lành.

                                        Bởi nhận lòng đây hoài nỗi nhớ,

                                        Đi cùng kỷ niệm khó rời nhanh.

 

  Hầu như những bài viết về quê hương đều mang dấu ấn tuổi thơ, nơi đó nuôi dưỡng cái tình tương trợ lẫn nhau, biết thương yêu đùm bọc, biết chia sẻ nỗi đau của người khác để hình thành tư tưởng của Thầy sau nầy.

 

  Đọc kỷ tập thơ còn tìm thấy tình bạn bè, thiện hữu mà Thầy đề cập đến nhưng không nhiều.Trong đạo hay đời, “Nhập thế” hay “Xuất thế” trước tiên tìm thấy ở bạn bè là nhân cách sống, hoàn thiện mình trước khi đạt mục đích cao hơn (Thánh cách). Trong kinh Hiền Nhân đức Phật có dạy“Bạn có bốn thứ: một là kết bạn như hoa, hai là kết bạn như cân, ba là kết bạn như núi, bốn là kết bạn như đất”. Bốn ý Đức Phật dạy về tình bạn , trong bài An Cư Kiết Hạ, đối vị Xuất thế , tình bạn vượt hơn hẳn đời thường mà phải giúp nhau trong tu tập, cùng nhau nhìn về một hướng đó là yên bình, tĩnh lặng để xứng hạnh nguyện:

 

                                        Tĩnh mặc, cùng tu hòa rạng điển,

                                        Yên bình, cộng trú giải huyền trang.

 

  Và trong đời thường , khi đã mộng là đi cùng với mơ, mơ là hướng đến nhưng vọng động, rối rắm, cũng chỉ luẩn quẩn mà thôi, nên hòa cùng bạn trong nẻo khuất ấy mà vượt qua ranh giới đó để có hướng chính đáng hơn, an lạc giữa đời thường. Tình bạn trong bài này thật cao quí:

 

                                            Rộn khắp hương trần êm nghĩa tỏa,

                                            Ngây cùng cõi mộng sáng niềm khơi.

                                            Chan hòa nẻo khuất tìm thêm bạn,

                                            Nhận rõ lòng an trải với người.

 

                                                                                 (Thiện Hữu)

  Đối họa với bài Thiện Hữu nhằm khai triển rõ vấn đề hơn bài “Vui Cùng” khẳng định: Chính sự vô thường trong thế gian, xác thân tứ đại của con  người cũng chỉ sớm nở tối tàn, như đèn lung lay trướcgió, nên cùng với bạn sống bằng tình người để tâm trong sáng tươi đẹp:

                                             Tuổi có bao thu, hòa nỗi bạn,

                                             Đời ghi mấy buổi, sống tình người.

                                             Nương dâu biến đổi sao càng dựng?

                                             Quẳng hết ưu phiền dạ sáng tươi.

 

                                                                                   (Vui Cùng) .

 Cuối tập thơ bài “Gió Ngàn Phương” một bài thơ theo dạng Thuận nghịch độc, đọc xuôi, đọc ngược đều có ý nghĩa. Ở đây Thầy đã vận dụng ngôn từ rất khéo: Trong 1 bài thơ mà nói lên cái cốt lõi cả tập thơ:

                                             Lay đời tỉnh trí an bờ giác,

                                             Động cảnh đau niềm xót nỗi vương.

                                             Đầy nợ khổ theo qua lũy kiếp,

                                             Gây nhiều ác chướng lụy hoài nương.

 

Nghịch:

 

                                            Nương hoài lụy chướng ác nhiều gây,

                                            Kiếp lũy qua theo khổ nợ đầy.

                                            Vương nỗi, xót niềm đau cảnh động,

                                            Giác bờ, an trí tỉnh đời lay.

            

                                                                        ( Gió Ngàn Phương ).

“ An bờ giác”, dụng ý của Thầy là từ chữ Hán thường dung trong kinh Phật: là “đáo bỉ ngạn” tức đến bờ  bên kiaKhi đã tu Phật thì ai cũng hiểu: Bờ này là bờ Sanh tử, luân hồi, khổ đau, Bờ kia cõi Phật, chân như rỗng lặng,.Thầy dùng chữ Bờ, bờ giác. Giác ở đây là rõ bổn tánh chúng sanh là nhất như, trong Kinh Viên Giác nói: “Cái tâm nầy nó do duyên theo bóng dáng sáu trần, mà có ra cái tướng tự tâm”, bởi vậy khi chúng sinh tỉnh thức, từ bỏ tâm mê để qui hướng chơn tâm. Tâm mê là lầm lạc gây bao nghiệp chướng cứ thế trôi lăn theo sinh tử, oán thù chồng chất lên nhau…

  Vài cảm nhận nhân đọc tập thơ LẮNG TÂM của thầy Minh Đạo, chắc hẳn không sao nói hết những ẩn chứa những gởi gắm sâu sắc của Thầy đến độc giả, kính mong Thầy lượng thứ. Phúc Điền kính chúc Thầy Thân Tâm thường An Lạc .

 

                                                                   Bảo Lộc, Cuối thu năm  Kỷ Hợi (2019)

                                                                          Nguyễn Trọng Nhân (Phúc Điền)

 

Hiện tại tôi đã biết thêm một khả năng mới nữa ở Thầy, xin “bật mí” đến bạn đọc: Thầy đang viết nhạc, đa số là phổ nhạc một số bài thơ mà Thầy ưa thích, “Thật đáng ngưỡng mộ”. Các bạn chờ thưởng thức nhé…

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08/11/2024(Xem: 199)
Khẩy từ địa ngục thâm u Diệu âm Bát Nhã thiên thu vọng đời Thiền ca đốn tiệm không lời Kim cang uy dũng chuyển dời núi non Xuất thần Kim cổ bác thông Véo von lắng đọng Qua sông thả chèo Tiếng đàn reo Tiếng đàn reo Vượt băng qua khúc ngặt nghèo vô tri
08/11/2024(Xem: 46)
Quy hồi cựu xứ đã về đây Nguyên thể an nhiên chẳng đổi thay Trúc biếc tịnh thanh màu cổ pháp Hoa vàng u nhã nét xưa nay Cát tường diệu thể Tào Khê lộ Biến mãn bảo trân Bát Nhã mây Tam Bảo hồng ân thường chiếu tỏa Cội nguồn huyền tịch khéo vần xoay!
02/11/2024(Xem: 353)
CHỜ khuya hỏi chuyện ngân hà MƯA còn giọt buốt chén trà hoang mang TẠNH mây duyên hội trời quang TA nâng huyền thoại lên ngàn tấn hương TRẢI tâm lấp lối lót đường TRĂNG xưa u mặc tưới vườn thiền ca LÀM cho đá hoá ngọc ngà CHIẾU hoa vi diệu lục hoà ngồi chung
02/11/2024(Xem: 442)
Giữa lúc tuyệt vọng nhất, bạn ơi hãy nhớ: “CUỘC SỐNG CHẲNG BAO GIỜ KHÉP CỬA “ một ai Và chỉ đến do chính mình có đủ sáng suốt, chuyển xoay Ngồi yên mà đợi, khó vượt qua thử thách !
28/10/2024(Xem: 833)
Bạn gửi thông báo chuyến đi cứu trợ bão lũ Kèm theo lời tâm sự xã trưởng một địa phương (1) Bao não phiền vụn vặt thôi hết vấn vương Chừng nào lòng thương cảm, trắc ẩn của một con người được tăng trưởng ?
26/10/2024(Xem: 859)
Hành trình cả đời người là con đường học hỏi ! Mà sự hiểu biết là bao la đại dương Muốn khám phá, 4 nguồn nước phải tỏ tường Chảy vào và nuôi dưỡng từ … Kiến thức, kinh nghiệm, thông minh, trí tuệ !
23/10/2024(Xem: 534)
Bàn tay… Một bộ phận quan trọng trong cơ thể ! Giúp cầm nắm, khả năng sáng tạo tinh vi(1) Nhận diện, định danh cá nhân bất tư nghì Vì đường chỉ tay, dấu vân tay không trùng lập Thuận tay mặt, tay trái thể hiện đặc trưng sinh học (2)
22/10/2024(Xem: 304)
Nếu tin Phước ảnh hưởng lớn trong cuộc đời. Tự nhiên gặp điều Thiện tức thời làm ngay. Lại tin hành Tùy Hỷ Công Đức tuyệt thay. Rất nhiều Phước báo tạo hàng ngày chẳng sai.
20/10/2024(Xem: 307)
Thiệt Dinh-Chánh Hiển bậc Cao Tăng Kiến lập Phước Lâm Phật đạo hoằng Giới đức chu toàn đèn tuệ sáng Tông phong vĩnh chấn thể tâm an Quảng Nam vạn thuở trăng huyền rạng Chúc Thánh bao thu pháp diệu tràn Phố Hội êm đềm gương hạnh dẫn Ân Triêm Hoà Thượng ánh từ quang…!
18/10/2024(Xem: 644)
Hai mươi tháng mười hôm nay Tâm Vân tu nữ tròn đầy sáu mươi Trải qua hơn nửa cuộc đời Chuyên tâm tu niệm, nụ cười vui an Dáng đi thanh thoát dịu dàng Lời kinh nhịp tụng âm vang nhẹ nhàng Người nghe thoáng thấy bình an Tâm tư lắng đọng tỏa lan khí hòa
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com