Thích Bảo Lạc
Đi trên quảng đường dài, bằng phẳng, chắc chắn, kỹ thuật cao này từ Perth đến Broome, từ Broome đến Darwin, rồi từ Darwin của miền Bắc Úc (Northern Territory) đến Alice Springs – Eyers Rock của vùng Trung Úc (Central) bằng xe car (bus) du khách mới chứng kiến được cảnh trời cao đất rộng, thiên nhiên hùng vĩ đãi ngộ cho con người và vạn vật biết là bao. Dù đường đi bộ – so với đi trên không hay nói khác hơn là ngồi máy bay lơ lững ở trên trời cao nhìn xuống thiên hạ – ta có thấm mệt vì tuyến đường dài đấy, nhưng được cái là mình quan sát tha hồ, đã con mắt, mõi rồi lại đọc hay ngủ tùy ý thích. Những Coaches xe nầy có thể nói là quá ít khách, mỗi đoạn đường dài trên 2000 Km như vầy mà lưa thưa chỉ đếm không đầy trên đầu ngón tay số người. Có thể hãng Grey Hound chúng tôi chọn ế khách chăng? Không phải đâu, hỏi ra mới biết hiện giờ chỉ còn hãng đó duy nhất chạy đường trường, còn các hãng khác như Australian Pacific Touring, viết tắt là APT chỉ bao thầu miệt dưới tức lãnh thổ phía Bắc mà thôi, trong khi hãng Fire Fly (Hỏa Tiễn) chọn độc quyền Sydney – Melboure, Sydney – Brisbane hay Melboure – Adelaide mà thôi. Các hãng bus nhỏ khác như Mc Cafferty, hầu như dẹp tiệm từ lâu. Bởi vì ế khách như đã nêu trên. Ngồi trên xe, tôi suy nghĩ miên man số lượng khách thế này làm sao hãng duy trì được cũng là chuyện lạ. Thắc mắc này đã được giải đáp gọn gàng, thực tế, cụ thể qua mắt thấy, tai nghe, miệng chia sẻ tiếp xúc với bác tài xế. Bởi lẽ, ngoài việc chở khách ra, hãng còn lãnh thêm dịch vụ đưa thư cho nhà nước nữa. Đây thật quả là một công hai việc mà cả đôi bên chính quyền và hãng tư nhân đều được lưỡng lợi cả. Ở những vùng sâu, xa xôi ngút ngàn tới cả 5, 7 ngàn cây số như vậy, cho dù có tiền kho đi nữa chính quyền cũng không thể nào chịu nổi dịch vụ bưu tín tốn kém được. Hãng xe bus và nhà nước thương lượng ký hợp đồng với nhau làm công việc đưa thư này thật quả là tuyệt vời, đáng tán dương công đức. Mặc dù công việc làm nào cũng phải tốn tiền cả, sao lại phải nói công đức ở đây cho thêm phần tổn thọ? Quý bà con đừng nghĩ lan bang mà đứt bóng sớm đấy! Nói tán dương vì nhà nước biết tiết kiệm được ngân quỹ quốc gia mà quốc gia là ai? Có phải là tiền đóng thuế của người dân trong đó có chúng ta không? Còn bên hãng xe tư nhân vẫn duy trì được dịch vụ đưa rước khách, cho ta có phương tiện đi lại với giá rẻ, đó không phải lợi cho ta và chủ hay sao? Thôi, xin bỏ qua đi tám! Không ai hơi sức đâu viết quảng cáo dùm cho hãng xe bus không công đâu ! Nói dông dài lung ra ngoài tí xíu như thế để ta chia sẻ một công việc làm dù tầm thường như hãng xe đưa rước khách, cũng có liên hệ hổ tương trong cuộc sống chúng ta. Với tất cả mọi vấn đề thuộc cộng đồng xã hội. Quý vị có biết người viết đang nhắm tới đối tượng gì trong phần tiếp theo sau đây hay không? Đó là con đường hay hệ thống đường sá giao thông tiện lợi trên toàn quốc Úc Đại Lợi đấy. Chắc có người nghĩ: Ồ, tưởng là triết lý, luận thuyết hay ho sâu sắc gì mới nên viết cho người đọc chớ; còn như một việc quá tầm thường, xưa như trái đất “đường sá” như thế, ai còn lạ gì mà phải mất công ngồi viết và tốn thì giờ để đọc cho nó tổn hơi, bù tóc, khô cổ, mỏi con mắt không xứng với đồng tiền bát gạo hay công lao cả! Đúng đấy, nhưng xin làm phước, làm ơn nghĩ tới công lao khó nhọc của nhiều người đóng góp mồ hôi, nước mắt và có khi cả mạng sống của họ nữa để cho ta được sống còn, hưởng dụng mà như vô tình con người cứ phớt tỉnh Ăng Lê cho cuộc đời thêm chông gai, rắc rối. Điều này đức Phật dạy người xuất gia rất kỹ ngay trong từng bửa ăn phải quán chiếu 5 điều:
Kệ năm phép quán:
Một kể công nhiều ít, suy nghĩ chỗ kia đem đến
Hai xét đức hạnh mình, đủ thiếu mới thọ dùng
Ba ngăn phòng tâm tội lỗi, vì tham là cội gốc
Bốn như là vị thuốc hay để chữa trị bệnh gầy
Năm muốn thành đạo nghiệp, mới thọ thức ăn nầy.
“Câu kệ thứ nhất của năm phép quán nói về cách thọ dụng thức ăn, đại ý là “đồ ăn được mang đến cho chúng ta trải qua nhiều khó nhọc, cho nên khi ăn phải khởi quán niệm”. Nguyên văn: “Một kể công nhiều ít, so chỗ kia đem đến”. Chữ công nghĩa là việc làm, có nghĩa là phải dùng nhiều công sức mới có được. Ví dụ một hạt cơm đưa vào miệng có biết bao nhiêu liên hệ với những công sức của người khác, tất cả công sức ấy hợp lại gọi là “công”. Nói cách khác, để dùng một hạt cơm, chúng ta cũng phải bỏ ra nhiều công sức cho nên phải xem thử công đức của ta nhiều ít. Chữ “nhiều ít” không chỉ có nghĩa là ít hay nhiều mà còn làm mạnh lên, làm rõ nghĩa chỗ nhiều, nên phải dùng chữ ít để so sánh. Đó là thủ pháp của chữ Hán vậy. Nếu dịch ý sẽ là “Những đồ ăn này trước khi mang đến để dùng đã có người bỏ biết bao công sức, phải nhớ nghĩ và cám ơn, nhất là Thần Phật gia hộ”. Đâu đó, có một câu ca dao về chữ “Mễ” (hạt gạo) rằng: “Muốn có mễ (hạt gạo), phải có 88 bàn tay”. Thật vậy, nếu viết bằng chữ Hán phân tích ra rõ ràng ( ) biểu hiện như vậy. Thật là ý nghĩa. Tuy nhiên, cách nhìn không giới hạn công sức ở con số 88. Khi ăn cơm, nâng bát cơm phải nghĩ rằng một hạt tấm, một hạt gạo cho đến khi cho vào miệng của chúng ta, là công sức của nhiều người, là ơn huệ của đất trời. Như mừng thọ 88 năm của một cụ già, lễ ấy gọi là “Mễ thọ”. Như câu ca dao đã nói, gộp ba lần chữ bát, số 8 mới thành chữ “Mễ” hay nói ngược lại, chữ “Mễ” tổng hợp của 88 lần mà thành. Bản thân tôi (tác giả Matsubara Taidoo) từ nhỏ nghe cha mẹ dạy rằng:
“Con ơi phải trân quý hạt cơm, bởi vì một hạt gạo cho đến khi đưa vào miệng phải trải qua 88 bàn tay”. Số 8 là con số có nhiều ý nghĩa, mà ở đây chỉ giới hạn nói về công sức trong “kể công nhiều ít” mà thôi. Ngoài ra, chữ “Mễ” cũng đọc là “Yone” mà tên của người con trai hay con gái vẫn hay dùng. “Yone” có nghĩa là “căn bản cuộc đời”, là cái gốc của cuộc đời, nên sống trong đời phải bảo tồn cái gốc ấy trước tiên.
Phật giáo cũng ghi nhận Motoori Norinaga (Bổn Cư Tuyên Trường mất năm 1801), một học giả quốc gia thời Tokugawa (Đức Xuyên) viết tác phẩm:”Ngọc Thắng Gian” trong đó ghi rằng :”Hạt gạo là Bồ Tát”. Các nhà ngôn ngữ học cho rằng, tiếng Triều Tiên xưa gọi Mễ là “Sar”. Chữ “Sar” và “Posar” nghe âm gần nhau. Mà “Posar” đọc âm trại như là “Bồ Tát”. Tổ tiên ông bà gọi hạt gạo là “Ông Bồ Tát”. Vì thế, trước khi dùng cơm phải chấp tay lại cảm niệm. Điều này không phải là mê tín, mà phải hiểu rằng đó là một niềm tin có ý nghĩa thật sâu sắc.
... Không ai có thể tự sống cô độc một mình. Năm 1732, Hương Bảo (Kyoboo) năm thứ 77 đời Kiết Tông (Yoshimune) tướng quân Tokugawa đời thứ 8, khắp cả nước Nhật bị nạn đói hoành hành, đặc biệt ở địa phương Sikoku (Tứ Quốc) bị hại nặng nhất. Đói và chết mỗi ngày một nhiều. Có một người nông dân làm lính bảo vệ ở Y Dự Tùng Sơn Phiên (Trấn), có một sự hy sinh vô cùng cao cả. Anh chứng kiến cha anh ta, cả người vợ rất đẹp của anh và đứa con trai đầu lòng của anh lần lượt vĩnh viễn ra đi vì đói. Thế nhưng người nông dân làm lính này quyết ăn gốc cỏ và trái cây, cũng như vui vẽ ra đồng làm việc, với lòng bảo lòng: “Việc nông là việc của mình”. Ngày gieo lúa, anh vừa cõng đứa con gái trên lưng vừa làm ruộng, nhưng đói quá không còn đủ sức lực đứng nổi; và con gái của anh ta nằm chết ngay trên lưng anh. Trước cảnh tình như vậy, nhưng anh vẫn không dám bốc một hạt lúa mạch bỏ vào miệng con. Thấy vậy, có người hỏi anh: tại sao không cho con ăn một ít lúa mạch đi? Anh trả lời trong niềm đau xót vô vàn : “Nếu ăn hết giống không lấy gì mà gieo, sang năm không có lúa mạch. Một hạt lúa mạch bây giờ, nhưng sang năm sẽ sinh ra cả vạn cây. Bỏ một hạt lúa mạch vào miệng con tôi, cũng không thể kéo dài mạng này qua khỏi một năm. Nhưng gieo một hạt lúa mạch vào ruộng, sang năm nhiều người có thể sống được”. Gieo vụ mùa xong, anh ta cũng chết mất!
Cho đến bây giờ, ,mỗi khi nhắc đến “Người nông dân lính vệ ấy” ở Y Dự (huyện Aichi: Ái Tri) người ta đều cảm phục. Chuyện này tôi (Matsubara Taidoo) học được trong sách giáo khoa từ lúc còn học tiểu học, vẫn còn lưu lại ấn tượng sâu đậm trong lòng. Hiện tại đang sống trong thời buổi đồ ăn uống dồi dào, nhưng chưa chắc trên thế giới này không còn ai giống như người lính nông dân kia, đang sống một cuộc đời bi thảm. Sự thật ít ai có thể nghĩ đến được.
Chẳng phải chỉ là vấn đề thực phẩm, chúng ta sống ở đây sự thật nhờ biết bao nhiêu duyên khác nữa; nên phải nhận thức một cách chân thành rằng sử dụng tự lực chúng ta không thể tồn tại trên đời này.
Câu kệ thứ hai trong năm phép quán về “Đức hạnh”, nguyên văn: “Nhị thổn kỷ đức hạnh, toàn khuyết ứng cúng”, nghĩa là phải tự xét “có đủ đức hạnh để nhận lãnh bát cơm này không? Đủ thiếu thế nào? Đức hạnh là hành vi của cái đức. “Đức” là những điều lành, vốn chìm ẩn bên trong không thể biết được. “Đức hạnh” không phải là tri thức cho nên không thể truyền trao chỉ dạy được. Mỗi người tự biết rằng ngoài mình không ai làm được. Khi đức hạnh ngày càng cao hơn, càng được mọi người thương yêu và tin tưởng. Hơn nữa, đức hạnh càng dày năng lực hoạt động càng rộng lớn hơn. Những người tăng sĩ đức hạnh cao thượng thường có cuộc sống đơn giản nghèo khó, được mọi người quý mến hỏi thăm. Đức hạnh đầy đủ, việc ăn mặc được phụng dưỡng đầy đủ. Đức hạnh không những làm phẩm chất cao đẹp mà còn là tiết kiệm lãnh thọ để tích đức nữa. Ngược lại với tích đức là tổn đức, nghĩa là chỉ biết đến mình, không nghĩ người khác và tạo nên những hành vi xấu; việc thô lỗ và có hành vi hại đến người khác, nên gọi là tổn đức. Ví dụ như khi vo gạo, không để gạo chảy mất, vì sợ tổn đức. Chỉ riêng việc ấy thôi, cũng phải tích chứa cái công đức cho Tam Bảo. Ngoài ra, nếu phụ trách nấu thức ăn cho Tăng chúng, phải dụng tâm thế nào để chư tăng dùng không bị tổn đức, mà tích đức thêm. Đại ý của câu kệ thứ 2 trong ngũ quán là “phải xem đủ thiếu”, nghĩa là có đầy đủ không? Có khiếm khuyết không? Có tích chứa được các đức hạnh không? Hoặc đã chẳng làm được gì cả? Nên suy nghĩ như thế để nhận của cúng dường, mới có thể ăn cơm.
Nếu dịch ý của câu kệ thứ hai trong ngũ quán có thể dịch như sau : “Không đầy đủ đức hạnh mà nhận đồ ăn, thật là trái quá”. Đồ ăn không chỉ giới hạn là cơm, bánh mà tất cả những tư lương để nuôi thân, tâm của ta được lớn khôn vậy, là những đồ vật mình phải cảm ơn. Bởi vì nhờ đó mà ta có thể ăn để sống. Đem công việc làm của mình mà so sánh với những thực phẩm được thọ nhận, lòng hỏi lòng có đủ tư cách để lãnh thọ hay không?.
... Khi chúng ta bưng bát cơm và đôi đũa lên phải ý thức rằng mình đang dùng cơm. Hoặc giả dùng giấy lau miệng, húp canh, nhai cơm v.v.. phải làm sao không được to tiếng. Ngay cả, khi gắp thức ăn, cho thức ăn vào miệng, phải biết liệu cơm gắp đồ ăn, từ từ, nhẹ nhàng và khiêm tốn.
Ngoài ra, sống, làm việc và ăn uống là nhu cầu của cuộc sống nên không ai không bị miếng ăn chi phối. Tuy nhiên, không thể nói rằng, để sống và làm việc nên cần phải ăn, không có gì gọi là cảm ơn cả! Thái độ cho rằng tất cả là khả năng của mình chỉ biểu thị sự khoa trương đầy tham vọng mà thôi, thật tế không có tinh thần khiêm nhường trong đời sống. Đó là sự thật .
Câu thứ ba của ngũ quán là “Đề phòng tâm tội lỗi, vì tham là cội gốc”. Chữ “Đề phòng tâm” là đề phòng phiền não. Phiền não nói chung là những bịnh hoạn của tâm gây ra não phiền, bất như ý, mang lại khổ đau không chỉ nơi tâm mà còn nơi thân nữa. Trước khi cầm đũa, phải nhớ nghĩ thật sâu xa:
“Lìa tâm si mê, vì tham dục đã tích chứa sâu dày”. Triển khai câu kệ thứ ba sẽ là : “Dầu đồ ăn ngon, dầu không ngon, không nên khởi tâm thích hay không thích, phải đề phòng tâm tham lam khởi lên khi dùng thức ăn”.
Vã lại, “phòng cái tâm tội lỗi vì tham là gốc”, và “vượt qua tâm không thích ăn” nữa. Câu trước thuộc về Thiền Lâm Tế, và câu sau là cách đọc theo phái Tào Động. Tuy cùng là thiền, nhưng giữa Tào Động và Lâm Tế có cách đọc khác nhau. Nhưng dẫu sao đi nữa, điều quan trọng vẫn là quan niệm đối với việc ăn uống không được chê, khen thích hay không thích. Đối việc không ưa thích cũng phải yêu mến nỗ lực làm việc tiếp tục.
Trong hiện tại đời sống vật chất quá dư thừa, cho nên cả người lớn lẫn trẻ con đều phung phí và càng ngày càng hảo ngọt. Điển hình là thức ăn, người ta đề cập đến thích hay không thích rất nhiều. Nhưng dù chẳng thích đi nữa cũng phải ăn, vì ngoài thức ăn ấy ra không có gì khác để ăn. Không được bỏ, phải ăn tiếp tục, từ từ sẽ thấy ngon . . . Bản thân tôi (Matsubara Taidoo) hồi nhỏ không thích rau đắng, bữa ăn nào cũng lải nhải rằng “Con ớn rau đắng quá!”. Cha mẹ tôi ngày nào cũng luộc cho tôi cả rổ rau đắng, và nói như ra lệnh: “Chỉ có rau đắng thôi, không có rau nào khác”. Tôi cũng phải ăn, và nhờ vậy mà sau này tôi không còn ớn rau đắng nữa.
Ngài Takada (Cao Điền Hảo Dận) quản trưởng chùa Dược Sư, lúc nhỏ cũng thích và ghét, bị mẹ mắng tơi tả. Ngày nào trong ba bữa ăn, bà cũng dọn cho Takada những món không thích. Nhờ vậy bây giờ Ngài ăn món gì, cũng thấy ngon và rất nhớ ơn từ mẫu . . .
Nếu suy nghĩ như trên, thức ăn không lệ thuộc vào phương pháp tiêu hóa. Cảnh ngộ thuận nghịch trong cuộc sống không lệ thuộc vào bản thân chúng ta, hay thời gian dài ngắn. “Đề phòng tâm tội lỗi vì tham là cội rễ” là câu kệ thứ ba đã chỉ rõ, chúng ta đã hiểu.
Chữ “tham” trong câu kệ chỉ cho dục vọng. Sự ham muốn càng ngày càng tăng, không dừng nghĩ. Trong tư tưởng Phật giáo, tham là cội gốc của sự mê muội. Đức Thế Tôn từng dạy không nên tham lam. Sự ăn uống cũng giống như dùng thuốc để chữa bệnh. Nội dung của câu kệ thứ tư của ngũ quán là “Tứ chánh sự lương dược vị liệu hình khô”, có nghĩa là đồ ăn uống giống như thuốc hay - lương dược – để chữa bệnh gầy. Nếu dịch ý như thế này: “Xin nhận đồ ăn này dùng để nuôi thân như là vị thuốc hay”. Chữ “hình khô” trong đó chữ “hình” nghĩa là thân này; chữ “hình khô” nghĩa là thân thể con người bị suy nhược. Khi đồ ăn cho vào miệng, giống như uống thuốc, cho nên dù thích hay không thích, không nên nêu lên lý do, mà nhẫn chịu như câu kệ này vậy. Buổi ăn tối gọi là Dược thạch. Vào thời Ấn Độ cổ đại, người tu theo đạo Phật mỗi ngày ăn một bữa trước giờ ngọ mà thôi, sau giờ ngọ không được phép cho cái gì vào miệng cả. Đó là điều giới luật răn để tiến vào con đường Phật đạo. Thế nhưng, khi Phật giáo được truyền từ Ấn Độ vào Trung Quốc, vì khí hậu, phong thổ khác biệt, nên ngày ăn ba bữa để sống. Trong Thiền môn mới gọi bữa ăn chiều là “Dược thạch”. Phật giáo Ấn Độ thực hành tác pháp theo giới luật mỗi ngày ăn một bữa đã quen, nhưng vì phòng ngừa bệnh tật do đói khát, việc xem ăn uống như là phương pháp chữa bệnh cho nên buổi ăn chiều gọi là “Dược thạch”. Ngày xưa người ta dùng thạch châm để chữa bệnh, vì thế áp dụng vào việc ăn uống chỉ đổi thành “Dược thạch”. Vã lại, chữ “thạch” cũng có nghĩa là “ôn thạch” trộn đá và đất lại với nhau, dùng lửa và muối nung lên rồi áp vào bụng, bụng sẽ ấm lên. Ngày xưa trong các Thiền viện ở Trung Quốc và Nhật Bản chẳng phải chỉ dùng phương pháp chữa bệnh bằng cách để bụng đói mà còn dùng ôn thạch để chữa nữa.
Tư duy chánh niệm trong khi ăn là trước tiên phải biết rằng đồ ăn này giúp cho thân thể và đời sống chúng ta phát triển, để làm việc và sanh sản. Do vậy, tư duy phải có chánh niệm chân chánh bao dung. Ăn là một tác pháp cần yếu, ta phải cảm nhận như thế.
“Năm là nguyện thành đạo nghiệp mới thọ cơm nầy”. Chữ “Đạo nghiệp” là mục đích hướng tới của người tu, phải hoàn thành trên con đường Phật Đạo, giống như ý nghĩ thành đạo vậy.
Bản năng ăn uống chắc chắn một điều không sai để nuôi cái thân mạng này. Đó là vấn đề căn bản, không thể thiếu. Thế nhưng, cái mệnh lệnh của bản năng hành động phải biết rằng, mang đến cho con người nhiều điều bất hạnh, cho nên trí tuệ siêu việt mà con người có được thật sự quý giá hơn và đẹp đẽ hơn. Bản năng nuôi dưỡng sinh mệnh của con người có tính cách sanh vật ấy chẳng có giá trị gì cả, nếu không nỗ lực một cách cao thượng cho đến khi nào hiểu rõ con người vốn là con người chân thật, khi ấy mới nói được : “Bây giờ tôi xin được ăn cơm”. Đây là ý nghĩa của câu kệ cuối cùng trong năm phép quán vậy”.( Trích Thiền Lâm Tế Nhật Bản – wa ngá ie no Shukyo (Nihon no) Linzai Shu của tác giả Matsubara Taidoo, do T.T. Thích Như Điển dịch, nhà ấn hành Sariputra xuất bản năm 2006, lược)
Sở dĩ phải dẫn chứng qua năm phép quán như vậy cho ta dừng lại đi sâu vào thực tế cuộc sống một chút để con đường chúng ta đi được thuận duyên và đi đến nơi đến chốn khỏe khoắn bình an. Ngồi quãng đường dài hằng chục nghìn cây số, quý vị thử làm bài toán cộng trừ nhân chia xem do đâu mà có “con đường” tráng nhựa rộng tốt mênh mông này để ta sử dụng ngày nay? Nếu không, cũng chả biết làm gì cho hết thì giờ mà lại thêm phí phạm của Tam Bảo không đúng cách nữa. Thế nên trước hết phải nghĩ tới công khai phá của tiền nhân phác họa lúc đầu. Khai phá hay khai sơn phá thạch phải hiểu là buổi sơ khai chưa có người lui tới nơi vùng xa xôi hẽo lánh. Vạn sự khởi đầu nan là câu đầu môi chót lưỡi khi ta bắt tay vào làm bất cứ một công việc dù nhỏ hay lớn đến bao nhiêu. Dự phóng làm đường cũng không ngoài hệ quả tất yếu đó, có nghĩa người chủ trương phải hy sinh công sức, tiền bạc, chịu khó khổ, nhẫn nại, đối phó, đương đầu, thử thách, thời tiết, biến cố, tai nạn hay ngay cả an toàn bản thân, nếu cần phải bỏ cả thân mạng cũng không tiếc, mới làm được việc đại sự, việc hữu ích về lâu dài. Ngày nay công việc làm đường sá trở nên dễ dàng nhờ máy móc tối tân; còn ngày xưa làm được con đường như thế này quả là vất vả, chậm chạp, tốn kém mà tốn kém nhiều nhất phải nói là sức con người. Những xa lộ phía Bắc, phía Tây, phía Nam hay Trung Úc thực hiện ra sao không rõ, riêng đối với xa lộ Pacific Highway, Hume High Way, Great Western highway tại NSW được nghe kể lại do những tù nhân từ Anh Quốc (1780-1800) được gởi sang làm việc. Nói đúng hơn họ bị đày qua đảo quốc hoang vu này và việc làm đường như là hình phạt đoái công chuộc tội. Thế nhưng, điều không ngờ rằng những người tù nhân đầu tiên này lại là những người định cư sớm nhất tại châu lục giàu đẹp này từ những ngày phôi thai của 209 năm về trước. Tính từ năm 1788, thuyền trưởng James Cook và thủy thủ đoàn cập bến cảng Sydney đầu tiên. Chắc hẳn những tuyến đường đi xa, đi sâu tới phía Bắc, miền Trung như thế này chỉ mới thực hiện sau này từ 150 năm trở lại đây là nhiều. Thế mới biết, hồi trước đây cha ông chúng ta cũng đã có trình độ kỹ thuật cao, kỹ sư giỏi, đo đạc tài tình của ngành địa chất v.v.. để tạo thành những xa lộ, quốc lộ, tỉnh lộ bằng phẳng, đẹp đẽ, chắc bền và dài dằng dặc cả hàng chục nghìn cây số như thế. Xin dành một phút mặc niệm tri ân chư vị, các Ngài đã vì tương lai của đất nước mà tận lực hy sinh kể cả mạng sống cho ta ngày nay trọn hưởng. Làm thế nào vẽ ra con đường, chương trình thực hiện, tiền bạc, nhân công v.v.. và hằng trăm công việc phát sinh, phụ thuộc khác. Thật quả là không đơn giản chút nào. Không đơn giản có nghĩa là công việc gặp khá nhiều phức tạp mà người xưa đã thành công. Đáng thán phục biết bao!
Dự án làm đường, đo đạc, kỹ sư: đây cũng chỉ là mấy công việc phác thảo, vấn đề có liên quan tới nhiều yếu tố quan trọng khác, sẽ đề cập sau. Dự án chắc phải thực hiện nhiều năm tháng mới xong được, nhất là phải tính toán, đo đạc làm sao cho có lợi về mọi mặt nhân công, vật liệu, độ bền ... để người sử dụng ít tốn thì giờ và cũng hài lòng trên tuyến đường đi qua. Muốn được vậy, phải cần những viên kỹ sư công chánh giỏi, nên dự án cũng có nghĩa là dự phóng nhắm tới 200 năm, 500 năm sau. Đây là một công việc cần đòi hỏi trí óc nhiều hơn tay chân. Trong xã hội loài người, người làm việc tay chân chiếm tới ba phần tư, trong khi người có kỹ năng chỉ độ một phần tư mà thôi. Dù là tay nghề chuyên môn hay dân phu lao động, theo cái nhìn kinh tế, khả năng đóng góp ngang nhau. Không ai hơn ai và cũng chẳng có người nào bị loại ra bên lề cuộc sống cả. Đó mới mang tính xã hội và điều này cũng giúp cho đất nước phát triển lâu dài do công và sức lực của nhiều người đóng góp trải qua nhiều thế hệ tùy theo năng khiếu mỗi người mà việc làm có giới hạn thuộc lãnh vực chuyên môn. Anh muốn có tài ba lỗi lạc, phải nỗ lực chịu khó học hành đến nơi đến chốn, sau khi học thành tài mới đem ứng dụng sở học đúng nơi đúng chỗ. Dự án công việc cần đòi hỏi ở những kỹ sư mà kỹ sư có rất nhiều ngành; hệ thống đường sá là một trong số đó. Khác hơn ngành kỹ sư ngồi nhà mát như vẽ họa đồ, điện năng, computer, thiết kế đô thị v.v.. người kỹ sư công chánh phải đi ra ngoài chịu áp lực của khí hậu nắng mưa mới theo dõi được công trình và thành công dự án, đem lại sự hoan hỷ cho nhiều người. Vai trò của viên kỹ sư công chánh có liên hệ tới vấn đề quan trọng khác: Tiền bạc.
Ngân khoản dự chi: ngân khoản lấy ở đâu ra? Chi bao nhiêu tiền? Dự án có thuyết phục được các phía đối lập không? Cho nên cái tài của kỹ sư vẽ dự án là làm sao thực hiện được. Có nhiều dự án vẽ xong rồi đành xếp lại cất vào ngăn tủ làm kỷ niệm. Vì quá tốn kém không đủ sức và ngân khoản thực hiện dự chi, cho nên công việc phải ngưng lại để chờ một dịp khác. Một dịp khác nói đây không phải nằm chờ như kiểu anh chàng lười biếng nằm ngửa mặt lên trời, chờ quả sung rụng ngay miệng để được no bụng mà khỏi cần làm gì hết! Trong tình thế này, người kỹ sư xem xét lại dự án, vẽ lại họa đồ cho phù hợp với lòng người, lòng ông trời, và vấn đề then chốt vẫn phải là tài chánh. Anh phải thuyết phục cách sao cho mọi người thấy đồ án đưa ra là khả thi ở một số điểm cần thiết: con đường tương lai không phải chỉ sử dụng cho riêng địa phương mà còn dùng cho cả liên bang nữa. Vì vậy, ngân khoản chính quyền địa phương chỉ bỏ ra một phần ba; hai phần ba còn lại do chính phủ liên bang tài trợ. Vạn nhứt, bị kẹt tài chánh không giải quyết được, nên nghĩ tới giải pháp vay nợ rồi trả lại từ từ, hay cho người sử dụng chia xẻ đóng thuế. Hễ đã có quyết tâm thế nào dự án cũng thành với bất cứ giá nào. Vấn đề quan trọng là liệu ta có chịu suy nghĩ đặt kế hoạch cho công việc đạt tới thành công hay không, mới mang tính thuyết phục cao. Đi xe trên con đường tráng nhựa, ta nghĩ tới bao nhiêu nguồn nhân lực, tài lực, tiền bạc v.v. đã đổ xuống lót đường êm nhẹ để cho khách đi tới nơi về tới chốn an toàn. Mà trong đó người thiết lập còn phải nghĩ vật liệu và cách chuyên chở nữa.
Vật liệu, chuyên chở: Vật liệu làm đường gồm những thứ căn bản như: sắt, cement, đá, cát, nước hay hắc ín trộn lẫn với nhau theo đúng lượng có nghĩa là không quá lỏng mà cũng không quá đặc. Vì cả hai hình thức ấy đều hỏng cả công trình thực hiện. Cũng như người tu hành nên giữ trung đạo – con đường giữa – không nghiêng lệch phía hữu phía vô một cách thái quá, là tiến trình giải thoát bị ngăn ngại, chướng duyên không thể đạt đến đích được. Khi có đủ vật liệu, người ta phải nghĩ tới việc chuyên chở nữa. Mọi thứ đã sẵn sàng mà vấn đề vận chuyển không đạt, thợ không thể bắt tay làm đường được. Cũng như có gạo để sẵn không chịu nấu cơm hay ra chợ mua gạo về nấu cơm, dù muốn có chén cơm ngon để ăn cũng không làm sao có được. Một việc tuy đơn giản, nhỏ nhoi như thế, có nhiều khi ta vẫn vấp phải thất bại như thường mà trong ấy có nhiều lý do giải thích cho trường hợp này: vì quá tự tin nên không chịu ghé mắt dòm ngó công việc, do lười biếng không chịu làm việc, ỷ y có người làm thay cho v.v.. Tất cả do ta đều trông cậy người khác, còn mình lại thúc thủ, không chịu nỗ lực phấn đấu, dấn thân tức là con người muốn dựa tha lực hơn. Đây là một ví dụ: Một người mẹ Á Đông dẫn đứa con nhỏ bốn tuổi lót tót chạy theo sau trên đường tới trường vườn trẻ vào một buổi sáng thứ Hai đẹp trời. Người mẹ cứ mãi bước đi, đứa bé chạy theo vấp té ngã lăn dưới đất. Bà ta quay lại hỏi: Sao vậy con? Con đau ở chỗ nào? Người mẹ nựng con và ôm đứa bé vào lòng an ủi vỗ về. Thay vì nín khóc, đứa nhỏ được trớn khóc lớn hơn, vì nó chỉ té xoàng xỉnh có đổ máu, trầy rách tay chân gì đâu. Một lát sau, một người đàn bà Úc cũng dẫn đứa bé trai chừng ấy tuổi tiến tới cổng trường mẫu giáo. Vì sơ ý bà ta để con cách xa chừng 10 bước, đứa nhỏ vừa chạy vừa réo gọi mẹ. Bất thần thằng bé té nhào đau điếng, người đàn bà vẫn cứ bước tới như phớt tỉnh Ăng lê không quay lại. Bắt buộc đứa nhỏ tự chế cố gắng lồm cồm ngồi dậy chạy theo cho kịp mẹ. Lúc này bà mới nói: Đáng đời con chưa? Ai làm cho con té vậy? Chúng ta, những ai là các bà mẹ nên học theo cách giáo dục trẻ thơ của người Tây như thế để giúp con mình chóng trưởng thành trong sự cứng cáp và bản lĩnh nhiều hơn, để mai này chúng vào đời thong dong tự tại. Có thể nói, bà mẹ là ông kỹ sư đại tài hay nhà chuyên viên kỹ thuật giỏi biết các mánh, mẹo gồm đủ tánh cương, nhu dạy dỗ con nên người. Thợ chuyên về kỹ thuật: người có óc kỹ thuật do học hỏi mà nên hay nhờ khéo tay mới được. Nước Úc hiện giờ đang học áp dụng theo chính sách của Hoa Kỳ là mua chất xám từ ngoại quốc. Nói cho dễ hiểu, những sinh viên du học từ ngoại quốc, sau một thời gian học thành tài, thay vì về lại xứ sở làm việc, họ ở lại đây luôn vì có nhiều điểm lợi: được luyện thêm tay nghề tinh vi, đồng lương cao, môi trường tốt v.v.. Nếu phải về nước, người sinh viên gặp thực tế phủ phàng: đồng lương thấp, môi trường làm việc không thoải mái, không dùng tới ngoại ngữ tiếng Anh... cách tuyệt chiêu mà Hoa Kỳ áp dụng từ lâu nay là mua nhân tài ngoại quốc về làm việc cho xứ sở bằng những ưu đãi trước mắt như: cho sinh viên bảo lãnh vợ, con sang sum họp gia đình, trả lương cao, công việc làm bảo đảm. Như vậy ai lại không ham chứ? Chỉ có các xứ nghèo là bị thua thiệt thôi. Nhân tài tức là chất xám là những sinh viên du học rồi mất hút luôn ở ngoại quốc, bởi lẽ chính phủ không đủ sức giữ họ lại được. Nên đa số những tài năng trẻ ở các nước nghèo thường bị mấy nước giàu có mua khoán trọn gói. Thế mới biết những chuyên viên kỹ thuật thời nào, nước nào cũng quý và được trọng dụng cả. Để ý nhìn cách phóng con đường như tránh chỗ núi đồi, sông suối ... dù phải đi bọc xa hơn một chút nhưng đỡ tốn kém bạc triệu cũng tiết kiệm được ngân quỹ chung, ta biết là do những kỹ sư tay nghề kỹ thuật cao mới làm được. Có thể nói không lầm rằng kỹ thuật là chiếc chìa khóa vạn năng đưa con người tiến xa vượt bực vào thế kỷ thứ 21 này. Nhật Bản sở dĩ giàu mạnh là nhờ kỹ thuật phát triển mạnh, nhất là ngành điện tử. Trên thế giới hầu như không nước nào chê món đồ điện của Nhật sản xuất cả. Còn lãnh vực đường sá phải nói Hoa Kỳ là số một. Vì các hệ thống xa lộ dọc ngang chồng chéo lên nhau 5, 10 cây cầu uốn khúc, thẳng, xiên ... đủ kiểu, đủ ngỏ vô ra tấp nập, nhất là ta có dịp viếng thăm thành phố Houston hay Texas sẽ thấy sự thực này. Khi xem đường sá của Hoa Kỳ rồi trở lại Úc mới thấy xa lộ tại Úc như những con đường tỉnh lộ miền quê không khác. Có điều là kỹ thuật làm đường của Úc cũng khá đạt tiêu chuẩn, tuy chưa thể sánh với Hiệp Chủng Quốc, nhưng cũng đâu thua gì Pháp, Anh, Canada chứ? Nói kỹ thuật không chưa đủ, nó liên hệ tới thời gian thực hiện công trình hay thời tiết cũng dự phần quan trọng không kém. Vì Úc là xứ nóng nên hầu hết hệ thống đường thay vì làm bằng bê tông cốt sắt như Hoa Kỳ, ở đây lại đúc bằng loại hắc ín, vì có độ dãn nở theo thời tiết nên giữ được độ bền và chắc.
Con đường tráng nhựa: trải qua các giai đoạn khó khăn thực hiện xong phần cơ bản mới tới phần tráng nhựa này. Đây được coi như việc trang điểm hoa lá cành con đường thêm xinh xắn, trơn láng, phẳng lì..., như người đầu bếp khéo biết cho gia vị cho món ăn ngon hợp khẩu vị thực khách mà thôi. Ngoài ra lớp nhựa phía trên mặt cũng giúp cho con đường khỏi bị nứt nẻ, ổ gà mà thôi. Vẫn biết đây là phụ, nhưng con đường làm xong không thể không tráng nhựa được, theo cách của Úc mà lị ! Phải trải qua nhiều giai đoạn thực hiện làm đường như thế, người sử dụng nghĩ sao?
Người sử dụng con đường không thể mặc nhiên không cần biết công lao người khác được, mà nghĩ tới công lao người làm đường cho ta đi rồi làm sao nữa? Ta có bổn phận đóng thuế đường, bảo vệ đường sá, không đào xới hai bên làm sạt lỡ đường, không thắng xe quá gấp vì dễ gây ra tai nạn là chính và cũng để tránh làm hư hỏng đường sá nữa. Người nào ở gần đường lộ không nên xây nhà sát đường làm mất vẻ đẹp của khu phố, làm tắt nghẽn lưu thông và không tuân theo luật lệ qui định. Hơn thế nữa, người sử dụng hệ thống đường giao thông còn phải luôn nhớ ân những người tạo ra con đường nữa.
Nhớ ơn người: Đức Phật dạy chúng đệ tử luôn niệm nghĩ tới ân đức mà quốc gia là một trong bốn ân đó. Người Phật tử không những nhớ ân mà còn phải lo đền ân đáp nghĩa sao cho trọn vẹn nữa mới xứng đáng là người con Phật đúng nghĩa. Ân quốc gia Phật dạy hết sức thông thoát, không chỉ biết báo ân quốc gia nơi sinh thành ta mà còn nghĩ báo ân đất nước hiện tại mình đang tạm dung thân nữa. Có thế mới hiểu đúng lời dạy của đức Từ phụ. Nhớ ân hay báo ân là phần cuối của con đường dẫn hành giả đi vào chánh đạo cho mục đích giải thoát.
Chắc chắn ta còn nhớ câu tục ngữ này trên đầu môi : ăn quả nhớ kẻ trồng cây hay uống nước nhớ người đào giếng mà cha mẹ đã dạy cho từ buổi đầu đời, để cho con sau này khôn lớn trưởng thành đi vào đời đừng bao giờ quên gốc gác giống giòng. Nhớ cội nguồn là bài học thật là hết sức thâm thúy, cho dù làm đến chức vị, ngành nghề gì ta cũng không thể nào quên công ơn của tiền nhân đã dày công gầy dựng cho các thế hệ cháu con mới có được như ngày hôm nay. Cũng như thế, những xa lộ, những con đường vạch sẵn cho ta có lối để mà đi, có nơi để đến; đến để làm việc, sinh sống, tham quan, du lịch v.v. hay bất cứ lý do nào khác, bạn nên nghĩ tới công sức của nhiều người đã đổ xuống trên đường mòn mà chúng ta đang sử dụng hôm nay để chiêm nghiệm nghĩ ân đức tiền nhân.
Tu Viện Đa Bảo – Campbelltown ngày 14-02-2007
Thích Bảo Lạc
----o0o---
Trình bày: Tịnh Tuệ