Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tháng Bảy Trời Mưa

13/08/201819:50(Xem: 9243)
Tháng Bảy Trời Mưa

troimuavathu_1       
Tháng Bảy Trời Mưa

 

                             
                             Tiết tháng bảy mưa dầm sùi sụt
                             Toát hơi may lạnh buốt xương khô
                             Não người thay buổi chiều thu
                             Ngàn lau nhuốm bạc lá ngô rụng vàng…(1)

 

Tháng bảy đây là tháng bảy theo âm lịch. Bốn câu thơ mở đầu của cụ Nguyễn Du trong bài Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh đã phác họa cho chúng ta cái cảnh tiêu điều ảm đạm của một buổi chiều thu, một buổi chiều tháng bảy có mưa dầm dề, không dứt và mưa như khóc như than, như nức nở cho nên mưa sụt sùi. Vì đâu ? Rồi chúng ta sẽ tìm hiểu sau.

 

Cũng mới tháng bảy mà hơi may lạnh buốt, ngàn lau thì nhuốm bạc, lá ngô thì rụng đầy đưòng, đầy sân, vạn vật tô điểm một mảu vàng úa.

Đừng quên các mùa xuân hạ thu đông được tính từ tháng giêng ta, được xem là Lập Xuân, cho nên từ tháng bảy, tháng tám, tháng chín ta là đã bước qua Lập Thu. Và cũng tùy miền tùy vùng mà thời tiết, khí hậu không đồng đều. Tháng bảy mà cụ Nguyễn miêu tả trên đây, chắc hẳn là miền Bắc nước Việt ta. Trời đã nhuốm vào thu, hơi sương, gió heo may đã thổi về, đem theo cái lạnh trong không khí, gợi hồn thi sĩ, văn nhân biết bao là áng thơ văn. Ít có tâm hồn nhậy cảm nào mà không rung động trước mùa thu.

 

Tháng bảy ở bên trời Tây thì đúng ra là tháng hè nóng nực, vậy mà năm nay, không hiểu có phải vì ảnh hưởng xấu của môi trường, mà tháng bảy lại mưa dầm sùi sụt, không thể nào không liên tưởng đến bài Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh của cụ Nguyễn !

Một đằng khác, dù là kẻ tha hương, người Việt mình, nhất là phật tử thì không thể quên ngày rằm tháng bảy, đón lễ Vu Lan, cái lễ mang ý nghĩa của sự Báo Hiếu cũng như tưởng nhớ đến người quá cố.

 

Mưa tháng bảy ở đây không dính líu gì với những cơn mưa mùa hè. Hãy nghĩ đến một tháng bảy không có nắng oi ả và đừng chờ đợi một cái gì thơ mộng dưới cơn mưa như đôi tình nhân ôm nhau trú mưa dưới gốc cây, chiếc áo lụa trắng của em ướt sũng nước mưa, mái tóc thề của em lấp lánh những giọt mưa, trên má, trên môi em lăn dài những hạt mưa như những hạt ngọc…

 

Độc giả sẽ hoàn toàn thất vọng. Những cơn mưa bàn đến ở đây mang một màu âm u như những câu thơ mở đầu của cụ Nguyễn !

Vào Thu, những cơn mưa đầu mùa thường không liên tục, mưa rả rích rồi ngưng, rồi lại tiếp tục, những cơn mưa như thế, nghe như khóc rồi ngưng, ngưng rồi lại khóc, cho nên mới có chữ sụt sùi và cũng là tên gọi của cơn mưa Ngâu, có nguồn gốc từ chuyện đời xửa đời xưa : tương truyền có nàng con gái của Trời, hay Ngọc Hoàng, tên là Chức Nữ, suốt ngày chăm lo công việc là dệt vải. Nàng được xe duyên cùng chàng là Ngưu Lang, chăm sóc đàn trâu của nhà Trời. Tình yêu thiết tha, đằm thắm, hạnh phúc, hạnh phúc quá, đến nỗi Chàng và Nàng chỉ biết yêu nhau mà lơ là công việc Trời giao phó. Như vậy là không hoàn thành nhiệm vụ một cách nghiêm túc rồi, Trời tức giận mới đày hai vợ chồng xuống nơi bờ sông Ngâu, nhưng chia rẽ cặp đôi, chồng ở bên bờ này và vợ bờ bên kia. Họ chỉ được gặp nhau một lần vào đúng ngày mồng bảy tháng bảy, theo âm lịch. Và khi gặp nhau, chắc chắn là họ chỉ biết ôm nhau mà khóc ! Nước mắt của họ rơi xuống trần gian và thành mưa Ngâu.

Những người dị đoan cũng thường kiêng kị không tổ chức đám cưới vào đúng ngày mồng bảy tháng bảy này. Sợ phải có số vợ chồng chia lìa như Ngưu Lang Chức Nữ !

 

Trong văn học chúng ta tìm thấy tháng bảy và mưa Ngâu với các câu thơ của Trần Tế Xuơng :

                                      Sang tuần tháng bảy tiết mưa Ngâu

                                      Nắng mãi thì mưa cũng phải lâu. (2)

Hay qua ca dao :

                                      Tháng năm tháng sáu mưa dài

                                      Bước sang tháng bảy tiết trời mưa Ngâu.

                                      Nhớ ai như vợ chồng Ngâu

                                      Một năm mới gặp mặt nhau một lần (3)

                                      …

                                      Tháng sáu lo chửa kịp tiền

                                      Bước sang tháng bảy lại liền mưa Ngâu

                                      Tháng bảy là tháng mưa Ngâu

                                      Bước sang tháng tám lại đầu trăng thu…(4)

 

Như đề tựa của bài viết thì ở đây nói đến những cơn mưa của tháng bảy, nhưng là tháng bảy ta, và như thế cũng là nói đến những cơn mưa giữa mùa Thu, không phải những trận mưa dông, mưa rào, những trận mưa bất ngờ của mùa hè oi bức hay những cơn mưa phùn của những ngày cuối đông.

Không phải là mưa Ngâu thì cũng là mưa Thu mà trong văn học, nghệ thuật, âm nhạc không hề thiếu:

                                      Ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi 

                                      Trời lắng u buồn, mây hắt hiu ngừng trôi

                                      Nghe gió thoảng mơ hồ trong mưa thu

                                      Ai khóc ai than hờ…(5)

Những lời thơ cũng như âm điệu thật buồn của bài hát Giọt Mưa Thu làm ta không thể nào không liên tưởng tới số phận thật ngắn ngủi của nhạc sĩ Đặng Thế Phong, tác giả bài hát, chỉ sống vỏn vẹn hai mươi bốn năm trên trần thế, cũng là một trong những nhạc sĩ tiên phong của Tân nhạc Việt Nam.

Khi nghe qua bài hát Diễm Xưa của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, ta cũng thấy được ngay những cơn mưa của mùa Thu và lá thu thì cũng rơi như những cơn mưa vậy :

                                      Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ

                                      Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao

                                      Nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ

                                      Đường dài hun hút cho mắt thêm sâu. (6)

Qua bài Ướt Mi, ta có thể nghĩ rằng những cơn mưa mà nhạc sĩ nói đến cũng là những cơn mưa giữa mùa Thu :

                                      Ngoài hiên mưa rơi rơi

                                      Lòng ai như chơi vơi

                                      …

                                      Buồn ơi trong đêm thâu

                                      Ôm ấp giùm ta nhé

                                      Người em thương mưa Ngâu…(7)

 

Mưa Thu trong bài hát của Đoàn Chuẩn-Từ Linh thì man mác nỗi sầu chia ly :

                                      Mây bay về đây cuối trời

                                      Mưa rơi làm rung lá vàng

                                      Duyên ta từ đây lỡ làng…(8)

 

Và chắc chắn nỗi sầu ly biệt của nhạc sĩ Dzoãn Mẫn cũng nằm trong mùa Thu :

                                      Biệt ly nhớ nhung từ đây

                                      Chiếc lá rơi theo heo may

                                      Người về có hay…(9)

 

Để làm nên mùa Thu, ngoài những cơn mưa, thì phải có lá vàng rơi rụng, và những ngọn gió heo may. Có vậy tâm hồn thi nhân mới có thể lai láng vần thơ được. Và có thơ thì phải có bóng dáng của giai nhân mới làm thơ trở thành tuyệt phẩm. Và bóng dáng giai nhân thì hầu như không cần phải…theo mùa, theo màng gì hết :

                                      Em là giai nhân ta là thi sĩ

                                      Gặp em một lần mà nhớ chung thân…(10)

 

                                      Đôi mắt lệ giai nhân

                                      Ướp tím dòng sông ấy

                                      Để chiều thu anh lặng

                                      Dõi tìm hoài bóng em.(11)

 

                                      Tài tử với giai nhân sẳn nợ

                                      Giải cấu nan là chữ làm sao…(12)

 

Hình ảnh lá rụng, biểu tượng của mùa Thu, cũng được dân gian ví von thật đậm đà tình cảm :

                                      Cây đa rụng lá đầy tình

                                      Bao nhiêu lá rụng thương mình bấy nhiêu.(13)

 

Nhưng trong bài này ta hãy tạm không nhắc đến giai nhân và lá rụng hay gió heo may mà trở lại với những cơn mưa tháng bảy.

 

Phải đúng vào « Tiết tháng bảy mưa dầm sùi sụt » với những cơn mưa đúng vào tháng bảy này, tượng trưng một nét gì khá trầm buồn, hẩm hiu của phận người, để được bày ra những lễ khá quan trọng của người Phật tử như lễ Vu Lan, lễ Cúng Cô hồn, hay còn gọi là Xá Tội Vong Nhân.

Lễ Vu Lan, ngoài mục đích là báo hiếu mẹ cha, còn là một lễ cúng tế để cầu siêu cho thân bằng quyến thuộc, hay cả những người không họ hàng thân thuôc, chỉ là những người đã qua đời, quá cố. Những người còn sống, muốn nhớ nghĩ đến người đã khuất, xa hay gần, thân hay không thân, đểu có thể tham dự vào lễ này, như một chút tình gởi gắm, một cử chỉ gì đó nói lên sự không lãng quên, ruồng bỏ đối với một người đã ra đi, lìa khỏi cõi trần thế.

Những cơn mưa « sùi sụt » như than như khóc này thực ra chỉ là những cơn mưa trong lòng người ở lại. Hãy có cái nhìn như thế, nếu không thì chẳng bao giờ tìm ra trong thực tế những cơn mưa đúng ngày đúng tháng như vậy !

Hãy đọc trọn bài thơ của Verlaine, để thấy nỗi buồn bên ngoài thực ra chỉ là nỗi buồn tự bên trong, :                            

                                       Il pleure dans mon coeur
                                      Comme il pleut sur la ville
                                      Quelle est cette langueur
                                      Qui pénètre mon coeur ?

                                      Ô bruit doux de la pluie
                                      Par terre et sur les toits !
                                      Pour un coeur qui s'ennuie,
                                      Ô le chant de la pluie !

                                      Il pleure sans raison
                                      Dans ce coeur qui s'écoeure.
                                      Quoi ! nulle trahison ?...
                                      Ce deuil est sans raison.

                                      C'est bien la pire peine
                                      De ne savoir pourquoi
                                      Sans amour et sans haine
                                      Mon coeur a tant de peine ! (14)

Tạm dịch :
                                      Tim tôi đang khóc

                                      Như ngoài kia phố xá trời đang mưa

                                      Có điều chi uể oái chán chường

                                      Như thấm đẫm tim tôi ?

                                      Ôi tiếng mưa rơi nhẹ nhàng

                                      Xuống mặt đất và trên mái nhà !

                                      Cho con tim chán chường

                                      Ôi khúc hát của cơn mưa !

                                      Con tim ray rức khóc chẳng lý do

                                      Cớ gì ! Chẳng duyên cớ phụ bạc ?

                                      Cho một đám tang

                                      Không một lý do.

                                      Chẳng có gì tệ hại hơn

                                      Là khi không biết tại sao

                                      Không tình yêu cũng không hận thù

                                      Mà tim tôi quá sầu khổ !


Không khác gì câu thơ của cụ Nguyễn nước ta :

                                     Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ (15)

Trong suốt bài Văn Tế, thì những cơn mưa thực sự đã làm tan nát lòng người nhưng cũng bởi lòng người đã tan nát vì âm dương cách biệt rồi :                                   
                                    Đường bạch dương bóng chiều man mác      
                                    Ngọn đường lê lác đác mưa sa                                                                  
                                    Lòng nào lòng chẳng thiết tha                                                             
                                    Cõi dương còn thế nữa là cõi âm.(16)                   
                                 

                                     Trời thăm thẳm mưa gào gió thét               
                                     Khí âm huyền mờ mịt trước sau                               
                                     Ngàn mây nội cỏ rầu rầu                    
                                     Nào đâu điếu tế, nào đâu chung thường ?(17)   
                                     ….                                                              
                                     Gặp cơn mưa nắng giữa trời      
                                     Hồn đường phách sá lạc loài nơi nao ?(18)

Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh của cụ Nguyễn cũng là một tuyệt tác, không kém gì chuyện Kiều, song ít người đọc và nhắc đến vì nó chỉ dành để đọc trong các trường hợp đặc biệt như cúng tế cô hồn, nội dung buồn thảm, âm u, đọc xong thì tâm hồn chùng xuống như trời xanh bỗng dưng mây đen kéo phủ, cơn dông sắp đổ xuống. Nhưng nếu chịu khó lắng lòng để nghe những lời thiết tha đầy tính nhân văn, từ bi, thương xót đến những số phận hẩm hiu, những cái chết không đợi, không chờ, không ngờ của một kiếp người mà cụ Nguyễn nhắc đến với tất cả chân tình :

                                      Có khôn thiêng nhẽ lại mà nghe kinh (19)   
                                      ….                                                                      
                                      Nam mô chư Phật Pháp Tăng                     
                                      Độ cho nhất thiết siêu sanh thượng đài. (20)

Thì bất chợt ta cũng thấy chạnh lòng xao xuyến. Biết bao người thân quen đã xa lìa ta, rất xa mà chỉ một cơn mưa tháng bảy sùi sụt có thể như trở về rất gần với ta.

                                                          Lê Khắc Thanh Hoài
                                                Paris, Tháng Bảy Trời Mưa, 2014


     Chú Thích :

  1. Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh. Nguyễn Du
  2. Mưa Tháng Bảy. Trần Tế Xương
  3. Ca dao VN
  4. Ca dao VN
  5. Giọt Mưa Thu. Đặng Thế Phong
  6. Diễm Xưa. Trịnh Công Sơn
  7. Ướt Mi. Trịnh Công Sơn
  8.         Thu Quyến Rũ. Đoàn Chuẩn-Từ Linh
  9.         Biệt Ly. Dzoãn Mẫn
  10. Giai Nhân. Phạm Thiên Thư
  11. Mắt Lệ Giai Nhân. Việt Hoài Phương
  12. Tài Tử…Giai Nhân. Cao Bá Quát
  13. Ca dao VN
  14. Il Pleure Dans Mon Cœur. Verlaine
  15. Kiều. Nguyễn Du
  16. 17.18.19.20 : Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh. Nguyễn Du

         

 

 

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
01/04/2024(Xem: 22213)
Phật giáo Việt Nam trong hai thế kỷ cận đại và hiện đại, xuất hiện một số nhân vật đạo hạnh cao vời, kỳ tài xuất chúng, có những cống hiến to lớn, dài lâu cho Đạo pháp và Dân tộc. Ngôn ngữ nhà Thiền xưng tụng những vị này là Bồ-tát, Đại sĩ, Thánh Tăng, hay Long Tượng, là những tôn danh chỉ được tìm thấy trong kinh điển, sử sách, trong lịch sử truyền miệng hoặc trên những bia đá ngàn năm nơi cổ tháp. Triết gia Phạm Công Thiện trong buổi ra mắt tác phẩm “Huyền Thoại Duy Ma Cật” của Hòa thượng Tuệ Sỹ tại thành phố Houston, tiểu bang Texas ngày 04 tháng 11 năm 2007, đã gọi tác giả là “bậc Long Tượng: Tuệ Sỹ” và diễn giải thêm, “Long Tượng là bậc Thầy của cả một dân tộc, nếu chưa muốn nói là bậc Thầy của thế giới.”
17/04/2024(Xem: 307)
Đường về núi cũ chùa xưa Phật thiêng trên cõi phù du vô thường Cỏ hồng hiu hắt quê hương Trên đồi Trại Thuỷ nở vườn kỳ hoa Chân trời cao rộng xuất gia Đi tìm vô hạn mây hoà với thơ Điêu linh mặt đất bến bờ Vòng tay cát bụi đợi chờ ôm mang
17/04/2024(Xem: 282)
Xứ Úc hiền hoà nay xảy ra quá nhiều xô xát ! Hành vi đâm chém (stabbing ) có thể do phẫn nộ ẩn giấu bên trong Học lại bài kinh “Ví dụ cái cưa “ mới cảm thông (1) Vì lòng từ bi, Đức thế Tôn đã giáo giới !
17/04/2024(Xem: 81)
Đời ta, chiếc lá Bồ Đề Thăng trầm muôn nỗi.. rồi về cội xưa Đời ta, là tiếng chuông chùa Ngân nga theo gió bốn mùa nhân gian Đời ta, là một nén nhang Tỏa làn hương .. nguyện bình an khắp cùng Thu tàn, Đống đến, sang Xuân.. Thì ta vẫn thế, sống trong hiện tiền.
13/04/2024(Xem: 144)
Các anh là chiến sĩ oai hùng Hiên ngang chiến đấu khắp mọi vùng Chí cả sáng ngời như Nhật Nguyệt Dâng hiến đời vì lợi ích chung. Các anh là chiến sĩ tài hoa Vạn tâm hồn là vạn tinh hoa Sống hiên ngang trong thời ly loạn
11/04/2024(Xem: 882)
Đến một lúc chợt bàng hoàng thảng thốt! Thì ra cuộc sống này phù du đến thế ư? Chỉ là bao gồm ý nghĩa của những danh từ “Tư tưởng, ý niệm, hành xử, cảm xúc” Trước đối tượng Cảnh, Người được ta liên tục nhận thức !
03/04/2024(Xem: 242)
Lạy Mẹ hiền Quán Thế Âm Diệu âm tiếng dội ngàn năm Tạ ơn tình thương cao cả Con nguyện đốt đuốc soi đường. Hình hài một tấm sơ sinh Nguyên vẹn ánh đạo quang minh Thanh tâm này kim chỉ hướng Tây phương là chốn con về.
03/04/2024(Xem: 723)
Danh và thực trong đời sống xã hội là nói cái tên gọi và thực chất, chức danh và khả năng, danh vị và tài đức. Danh mà không đi đôi với thực thì gọi là hữu danh vô thực (1). Tổ chức có nhiều kẻ hữu danh vô thực rất dễ dẫn đến sự phân rã, suy yếu, thất bại. Xã hội có quá nhiều kẻ hữu danh vô thực chắc chắn sẽ dẫn đến rối loạn, suy đồi, khó tiến bộ. Ở những địa vị cao trong giai tầng xã hội, danh với thực mà quá cách biệt thì nói không ai nghe, trên dưới không đồng lòng, dù có kế sách gì hay cũng không thực hiện được chu toàn.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567