Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chuyện tình với anh Cu Yên

10/04/201313:13(Xem: 2245)
Chuyện tình với anh Cu Yên
02.apple
Chuyện tình với anh Cu Yên
Người viết Trần Thị Nhật Hưng


Năm tôi mười ba tuổi, vào một buổi tối mùa hè như thường lệ, tôi cùng lũ bạn trong xóm trai có, gái có cùng nhau chơi đá bóng trước sân nhà rộng như sân banh. Cuộc chơi thật hào hứng sôi nổi, tiếng reo hò vang vọng một góc phố. Nhờ khỏe, chạy nhanh, tôi luôn giành được banh về dưới chân tôi. Tôi đang co chân đá trái bóng về phía thằng Tèo, chợt có tiếng mẹ tôi từ trong nhà gọi với ra:
- Thơ ơi, vào đây mẹ bảo!
Tôi ngừng cuộc chơi, chạy vào:
- Dạ, mẹ gọi gì con ạ?
- Bà Bắc Hải nhờ con qua viết giùm bà bức thư. Tôi phụng phịu:
- Mẹ nhờ chị Quỳnh đi. Con đang chơi mà! Mẹ tôi lắc đầu:
- Không, bà Bắc Hải nhờ đích tên con. Con nên qua giúp bà!
Miễn cưỡng vâng lời mẹ, tôi vừa đi vừa vùng vằng, phụng phịu.

Nhà bà Bắc Hải bên kia đường, đối diện xéo với nhà ba má tôi, cũng là tiệm phở và cơm. Lúc tôi bước vào, tiệm của bà đang vắng khách. Dù sống bằng hàng ăn, nhưng trông bà lúc nào cũng thong dong nhàn hạ. Bà luôn ngồi một chỗ trên tấm phản gụ bóng loáng sau kệ tủ thấp kín đáo trông ra nhà trước và chỉ huy người cháu gái gọi bà bằng cô ở nhà sau. Bà Bắc Hải béo ụ. Bộ bà ba thường nhật bằng lụa tơ tằm màu trắng ngà càng làm bà béo hơn. Nhưng trong dáng vẻ đường bệ, nặng nề, khuôn mặt phúng phính, làn da trắng hồng, sáng láng, tươi nhuận trông bà thật phong lưu, giàu sang. Bà sống chung với cô cháu gái tên Mây. Trái với bà, chị Mây thật khô khan, khắc khổ. Đã trên 40 tuổi, chị Mây vẫn chưa lập gia đình. Có người xì xầm cho rằng, chị là tớ gái của bà, theo bà từ Bắc vào Nam. Thấy chị trung thành, tận tụy, lo lắng và phục vụ bà hết mình, bà thương, nhận chị làm con cháu. Hằng ngày chị đi chợ nấu ăn, quần quật ở nhà sau. Khi có khách ăn, bà gọi một tiếng, chị tất bật từ nhà sau chạy lên, nhanh nhẹn dọn cơm cho khách. Còn bà, chỉ ngồi một chỗ thu tiền. Tiệm khá rộng, tươm tất, sạch sẽ, kê được mười bàn ăn, mỗi bàn sáu ghế. Chỉ lai rai vậy thôi, nhưng tiệm của bà cũng khấm khá, có số khách ăn thường nhật và thỉnh thoảng có đoàn lính hành quân ghé tiệm khi có dịp ngang qua thành phố.

Bà Bắc Hải hiện sống độc thân, dù trước đây bà từng có một đời chồng. Dựa theo dung nhan của cậu Cu Yên, con trai bà: Cao ráo, trắng trẻo, đẹp trai có nét tây lai, thiên hạ cho rằng chồng bà là một ông Tây, nhưng ông đã về nước sau biến động của thời cuộc, bỏ lại bà với cậu con trôi nổi vào miền Nam. Trước đây Cu Yên ở chung với bà. Sau khi đậu xong Tú Tài, cậu phải rời miền Trung vào Sàigòn tiếp nối Đại Học.
Buổi tối, từ 20 giờ trở đi, tiệm thường vắng khách. Bà thư thả ngồi nhai trầu, hết miếng này lại miếng khác. Bà ít đi đâu, phần vì mập khó di chuyển tấm thân nặng nề dễ chừng đến 100 ký; phần phải coi nhà; phần nữa bà sống lặng lẽ, khép kín, ít giao tiếp với chòm xóm. Dường như trong niềm cô đơn, bà âm thầm gậm nhấm nỗi đau từ cuộc tình dang dở của bà với ông Tây. Tuy vậy với má tôi, tương đối hai nhà qua lại thân thiện do cùng đồng hương người Bắc di cư. Ở tỉnh lẻ, người Bắc càng ít ỏi, tình đồng hương càng gắn bó đậm đà. Ngoài ra, giữa mẹ tôi và bà còn chơi chung một sở hụi.

- Con chào bác ạ!
Tiếng của tôi cất lên khi tôi vừa bước vào nhà bà. Bà ngước mắt nhìn tôi, mỉm cười, gật đầu:
- Thơ đấy à?
- Dạ, con đây!
- Con ngồi đó đi. Vừa nói bà vừa chỉ cho tôi chiếc ghế đẩu gần tấm phản gụ:
- Năm nay con học lớp mấy?
- Dạ, đệ thất ạ! (lớp 6 bây giờ).
Bà tròn mắt ngạc nhiên, vẻ khâm phục:
- Học tới… đệ thất rồi cơ à?
- Dạ.
- Giỏi quá. Đời chúng bay bây giờ may mắn hơn thời chúng tao.
Bà Bắc Hải vẫn có thói quen xưng hô với tôi loạn cào cào như thế mỗi khi mẹ sai tôi qua nhà bà mua rượu trắng hay lấy số hụi.
- Chúng mày được đi học sướng nhỉ?
- Dạ, sao cơ ạ?
Bà Bắc Hải không trả lời. Ánh mắt bà xa vắng, mơ màng, như dõi hồn về cõi xa xăm.
- Thời chúng tao, đàn bà con gái không được đi học. Bố mẹ bảo, đi học biết chữ chỉ viết thư cho giai, nên bị cấm. Vì thế, tao không biết chữ.
Tôi an ủi bà:
- Bác ơi, bây giờ bác học cũng được, như mẹ cháu. Bà ngạc nhiên:
- Mẹ mày mà còn học cơ à? Tôi hãnh diện:
- Vâng, do tụi cháu dạy. Rồi tôi khoe:
- Mẹ cháu đã đánh vần được rồi đấy. Bà Bắc Hải thán phục:
- Giỏi quá nhỉ.
- Dạ.
Bà tò mò hỏi tiếp:
- Thế mẹ mày đã viết được chưa?
Tôi cười:
- Dạ được. Nhưng….
- Nhưng sao cơ?
- Nhưng chữ này đá lên chữ kia, râu ông kia cắm cằm bà nọ ạ.
Bà Bắc Hải lắc đầu:
- Thế thì nước mẹ gì! Tôi cao giọng:
- Vì thế mẹ cháu còn phải học!
- Thế hôm nào mày dạy cho tao học với nhé?
Tôi cười cười không trả lời, lòng thầm nghĩ: ”Bác ơi, bác muốn học, bác phải làm lễ bái sư, và đóng học phí nữa”. Nghĩ thế, nhưng tôi không nói ra. Thấy tôi lặng thinh, bà xuống giọng:
- Nói thế chứ, tao già rồi, đầu óc đâu để học! Tôi lên giọng cụ non:
- Có chí thì nên. Có công mài sắt có ngày nên kim, bác ạ!
- Nhưng tao nào có chí. Tôi cười:
- Không chí thì sạch đầu, bác ơi!

Có tiếng trái banh đánh “bịch” vào thành tường nhà bà Bắc Hải, tôi nhìn ra, thấy thằng Bình đang đuổi theo lượm banh. Sực nhớ chúng bạn đang nô đùa, tôi sốt ruột hỏi bà:
- Bác gọi con có việc gì cơ?
- Ừ, thì nghe mày hay chữ, nên tao nhờ tí. Tôi lắc đầu:
- Con không hay chữ đâu ạ. Sao bác nghĩ thế?
- Thì ở bên đây tao nghe mày học bài đọc to nhất xóm. Nghe bà giải thích, tôi phì cười. Tôi là chúa lười học, chỉ ham chơi đua đòi với chúng bạn. Hễ chúng học là tôi học, chúng chơi là tôi chơi. Như thằng Tèo, con Cúc, con Minh… nhà đối diện bên kia đường, mỗi tối học bài, chúng đọc to như la làng, la xóm. Bên này đường, tôi cũng tức chí cố gào to hơn. Mấy cái loa đua nhau phát thanh, loa nào cũng mở hết ga mong lấn loa khác. Chú tâm học thì ít, chơi thì nhiều. Thế mà không hiểu sao, những cái loa sát vách nhà bà, bà không nghe thấy, lại nghe rõ cái loa phát ra từ miệng tôi! Tôi cười cười nói với bà:
- Thùng rỗng kêu to bác ạ! Bà lắc đầu:
- Tao nghĩ không rỗng đâu. Tao đã hỏi chuyện với mẹ
mày. Mày ham chơi, nhưng mà cũng ham học.
- Bác khen quá lời.
- Nên vì thế hôm nay tao gọi mày sang đây, nhờ tí.
- Dạ, bác cứ bảo ạ!
- Tao không biết chữ, tao nhờ mày viết hộ tao bức thư.
- Viết thư thăm ai ạ?
- Viết thư thăm Cu Yên, thằng con giai của tao đang học
ở Sàigòn.
Tôi “à” một tiếng không mấy ngạc nhiên. Cu Yên của bà, trong xóm ai cũng biết, đã lớn tồng ngồng, đang là sinh viên đại học mà lúc nào bà cũng âu yếm gọi anh là thằng Cu- Cu Yên như khi anh còn bé; riết rồi, mọi người từ trẻ đến già, từ xóm dưới đến xóm trên, vô tình chung, xem chữ “Cu” như tiếng đệm lót vào tên anh: Anh Cu Yên hay thằng Cu Yên. Hồi anh còn ở miền Trung chưa du học… Saigon, thỉnh thoảng, anh cũng chạy ra sân đứng nhìn chúng tôi chơi ô quan, lò cò, búng dây thun… Anh thuộc bậc đàn anh, cao chói vói, nên không giao du với đám choai choai như chúng tôi và ngược lại. Tôi chỉ nhớ thoang thoáng anh cao lớn, trắng trẻo, mũi cao như Tây, thế thôi.

- Bây giờ tao đọc mày viết nhá. Tiếng bà Bắc Hải lại cất lên. Vừa nói, bà Bắc Hải vừa mở ngăn tủ đưa tôi một tập giấy và bút. Tôi cầm lấy, kéo cái ghế xích lại gần bàn ăn, ngồi ngay ngắn chuẩn bị viết.
- Nào! Bà lên giọng.
Tôi ngước mặt nhìn bà, trông đợi. Bà ậm ự, tằng hắng. Nét mặt bà bỗng nghiêm trọng, xa xôi. Bà như đang gởi hồn vào kỷ niệm. Một lúc lâu lắm, bà mới cất tiếng:
- Nào, viết nhá: "Cu Yên ơi… hu… hu… hu…!" Bà chỉ thốt được mấy chữ rồi bà khóc oà.
Trước sự kiện như vậy, tôi ngớ người ra giương mắt nhìn bà, lòng tôi bỗng xốn xang, tiu nghỉu. Nhưng tôi không ngạc nhiên lâu trước tình mẫu tử thiêng liêng đó, vì chính tôi, khi mẹ đi chợ hơi lâu hay vắng nhà, tôi trông đứng trông ngồi, chưa thấy mẹ về, tôi thương nhớ chui xuống gầm bàn ngồi khóc. Bây giờ nhìn bà Bắc Hải sụt sịt nước mắt nước mũi lèm nhèm vì nhớ con. Tôi trang trọng cảm thông tình cảm đó, nhưng tôi không biết nói gì để an ủi bà, chỉ kiên nhẫn ngồi chờ bà khóc đã đời, cho đến lúc niềm xúc cảm trong bà lắng dịu, bà mới đưa tay vào túi áo lấy khăn giậm mắt rồi ngước nhìn sang tôi, bà hỏi:
- Mày viết tới đâu rồi?
- Dạ, Cu Yên ơi hu… hu… hu…! Bà mở lớn mắt:
- Sao mày lại viết mấy tiếng hu… hu… vào thế?
- Dạ, con thấy bác khóc, con viết mấy chữ đó vào thư để anh Cu Yên cảm động ạ.
Bà gật đầu ưng ý:
- Ừ, thế cũng được. Vậy giờ mày viết tiếp nhá.
Nói rồi, bà cất giọng. Nhưng vừa nhắc đến tên con, niềm xúc cảm lại dâng trào, bà lại khóc. Lần này bà khóc dai hơn, lâu hơn. Bà khóc mãi, khóc hoài. Nước mắt làm như không xoa dịu nỗi niềm nhung nhớ ngút ngàn bấy lâu bà ấp ủ. Bà ngồi khóc muồi mẫn, quên mất tiêu sự hiện diện của tôi.

Còn tôi, từ nãy giờ, tuy đã rất thông cảm, đã kiên nhẫn ngồi đợi nhưng nhìn bà khóc như thể chưa bao giờ được khóc, không biết bao giờ dứt, trong khi ngoài kia tiếng lũ bạn reo hò từng chặp dội lại khiến tôi bắt đầu sốt ruột. Tôi ngao ngán đưa tay che miệng ngáp dài.
Đang khóc, bà Bắc Hải chợt nghe tiếng thở dài khá to của tôi, bà khịt mũi nín thinh, quay lại hỏi tôi:
- Mày đã viết được đến đâu rồi?
- Dạ, cũng chỉ mấy chữ “Cu Yên ơi hu… hu... hu…” thôi ạ.
- Thế à? Vậy giờ lại viết tiếp nhá.
Cứ thế, cái điệp khúc dạo đầu «Cu Yên ơi» của bà kèm với tiếng đệm «hu… hu...» lặp đi lặp lại mãi làm cho tôi nhàm chán. Chợt một ý nghĩ lóe lên, tôi đề nghị với bà:
- Bác ơi, hay để con tự thảo bức thư rồi đọc bác nghe nhé.
Bà lắc đầu, cao giọng:
- Không được. Như thế thì đâu còn là ý thư của tao. Để tao đọc mày viết.
Tôi uể oải cầm bút. Lần này bà đọc, bà cố nén tiếng khóc trong cổ họng nên mỗi chữ thốt ra, bà chấm câu bằng một tiếng nấc nghẹn ngào «Cu… Yên… ơi, hic…, hic…, mẹ …, mẹ…., mẹ nhớ…, nhớ… con lắm, hic…hic.. ». Phải cả tiếng đồng hồ, tôi mới viết xong được bức thư, chỉ vài hàng với… ý thư của bà, nội dung không ngoài thương với nhớ.
Những lần sau đó, mỗi khi phải qua nhà bà Bắc Hải viết và đọc thư anh Cu Yên gởi về, mẹ thường nói với tôi:
- Con qua giúp bà, sau này lớn lên, mẹ gả con cho cậu Cu Yên.
Tôi lắc đầu ngoay ngoảy:
- Con không lấy chồng, con không lấy chồng. Rồi tôi nhõng nhẽo ngả đầu vào lòng mẹ, ôm choàng lấy bà, giọng nhừa nhựa:
- Con chỉ ở với mẹ thôi, rồi con… đi tu!
Mẹ xô tôi ra, âu yếm dí ngón tay lên trán tôi, mắng yêu:
- Con chỉ tu hú. Đuổi đầu con đi, qua ở với bà Bắc Hải. Bà cũng đã nói chuyện với mẹ rồi đấy.
Tôi vùng vằng, dẫy nảy:
- Con không chịu đâu, con không chịu đâu. Mẹ nói thế thì con không qua nhà bà nữa.

Thế nhưng, đã vài năm rồi, vâng lời mẹ và cũng nghĩ thương hoàn cảnh neo đơn quạnh quẽ của bà Bắc Hải, tôi vẫn qua nhà bà tiếp tục làm công việc không mấy thích thú đó. Đã nhiều lần, để tránh sự nhàm chán phải lặp đi lặp lại những nội dung cũ rích, ngoài việc thương với nhớ, dặn dò đủ thứ ăn cho nhiều, cho khỏe, chăm học… theo ý thư của bà, không thể thiếu ở mỗi bức thư, tôi đã viết thêm vào, không hỏi ý kiến bà, kể thêm đủ thứ chuyện vặt vãnh xảy ra quanh nhà bà, trong xóm, trong tỉnh rồi đọc cho bà nghe, thấy xuôi tai, bà cũng không phàn nàn, phản đối. Từ việc ông Cát Nhu khật khùng bất bình thường nhưng nổi tiếng chí hiếu, cả tỉnh ai cũng biết, cũng quí, thường ghé nhà bà xin nước cơm, đồ ăn thừa về nuôi heo, bán heo lấy tiền nuôi mẹ bị mù. Thỉnh thoảng, ông thường bị lũ con nít chúng tôi bu quanh yêu cầu ông làm trò. Cái trò cố hữu, đưa hai ngón tay trỏ bịt vào hai lỗ tai, co một chân rồi vừa cò, vừa chạy, vừa hát ứ…ư… Một lúc, ông đổi chân khác rồi cứ thế diễn tiếp, nhưng lần này ông thêm kiểu bậm môi thổi gió bật ra những tiếng kêu pịp…pịp… Diễn xong, chúng tôi mới chạy vào nhà xách nước cơm heo đưa ông. Tôi còn kể cho anh Cu Yên chuyện bà Cúc điên nữa. Bà lang thang lếch thếch từ đầu trên xóm dưới thường xin cơm ăn ở nhà mẹ của anh. Bà Cúc thường bị lũ con nít chúng tôi theo chọc để được bà… rượt chơi. Vừa rồi không hiểu sao, bà điên đó mang bầu rồi đẻ em bé...

Tôi kể hết cho anh Cu Yên, nhưng không được phép trực tiếp đứng ở vị trí chủ từ mà gián tiếp qua giọng điệu của bà Bắc Hải, của mẹ trò chuyện cùng con để khỏi bị bà trách như thế là đâu còn là ý thư của bà. Ví dụ: ”Hằng ngày có ông Cát Nhu khật khùng vẫn đến xin nước cơm nhà ta. Ông ấy thật chí hiếu…”, hoặc ”Cái con Cúc điên quần áo lếch thếch thế mà vừa rồi lại đẻ em bé, thật tội! Mẹ đã phải trích tí tiền mua quần áo cho con nó. Lũ con nít trong xóm hay theo chọc nó rượt…”. Những đề tài vớ vẩn, trẻ con như thế giúp tôi bớt nhàm chán, riết rồi, tôi có cảm tưởng chính tôi tâm tình với anh Cu Yên chứ không phải bà Bắc Hải. Một lần, anh thắc mắc viết thư về hỏi mẹ: ”Ai giúp mẹ viết thư thế?”. Cũng chính tôi thay bà giải thích cho anh: ”Cái con bé Thơ nhà bà Thành bên kia đường. Con bé thật chăm, ngoan, hiền, tội và… dễ ghét đáo để, con ạ!”. Tôi viết và tự… quảng cáo tôi như thế, anh Cu Yên hiểu sao thì hiểu.

Mùa hè và Tết, anh thường về thăm nhà. Có anh, bà Bắc Hải dường như- chẳng phải dường như đâu- mà rõ ràng bà quên mất tiêu tôi. Thế nhưng, khi con bà vừa đi, bà nhớ con, bà sai chị Mây gọi ngay tôi sang viết thư để bà trút bầu tâm sự. Nghĩ cũng phũ phàng, nhưng tôi không buồn, còn mừng là khác vì ít ra một thời gian, tôi được tự do tung tăng chạy nhảy nô đùa với chúng bạn, thoải mái với thế giới riêng của tôi. Hơn nữa, tôi cũng thông cảm tâm trạng của bà, hai mẹ con bao ngày xa cách, thời gian gặp nhau lại có hạn, để họ quấn quít nhau cũng là điều bình thường thôi. Buồn, giận, ghen, hờn… làm gì cho già người giữa khi tuổi còn con nít!

Rồi cứ thế, thời gian lặng lẽ trôi, thấm thoát mà đã hơn bốn năm trời tôi qua lại viết thư giúp bà Bắc Hải. Với tuổi tròn mười tám, tôi rời bỏ thiên đường tuổi thơ ung dung chuyển mình bước vào thế giới đầy mộng mơ của một cô thiếu nữ. Những bức thư tôi viết giúp mẹ anh ý tứ cũng người lớn hơn, không còn trẻ con vớ vẩn qua những câu chuyện của ông Cát Nhu, bà Cúc điên, mà thay vào đó khung trời mở rộng về cuối chân trời… tím, nơi có những buổi chiều đầy áng mây hồng được rọi sáng bởi tà dương e ấp bên kia đỉnh núi. Rồi thì tôi thả hồn đuổi theo những cặp chim sẻ tíu tít đuổi nhau chuyền cành từ cây phượng đang trổ bông đỏ rực trước cửa nhà anh sang cây si do ba tôi trồng trước cửa nhà. Một hôm xuất hiện một con rắn lục, ba tôi bắt lấy ngâm rượu mua từ rượu trắng nhà bà Bắc Hải. Tôi kể, kể hết, kể nhiều lắm và dường như với thời gian, anh có vẻ bị lôi cuốn, thích thú đọc thư… mẹ anh, nên thấy anh hồi âm liên tục. Cũng vì thế, tôi lại bận rộn giúp mẹ anh đọc và viết thư trả lời anh. Và theo thời gian, tôi bỗng thấy thích thú viết thư cho anh dù là dưới vai trò của một bà mẹ! Còn anh, dù đã biết người viết thư là “con bé Thơ con bà Thành bên kia đường” bày đủ thứ chuyện chứ mẹ anh làm gì viết được, nhưng những bức thư anh gởi về, anh không bao giờ trực tiếp viết cho tôi hay ngược lại, mà lúc nào anh cũng một điều thưa mẹ, hai điều thưa mẹ: ”Mẹ ơi, mẹ có biết không.?” và anh kể cho… mẹ anh nghe nhiều chuyện ở Sàigòn: ”Mẹ ạ, Sàigòn, nơi con ở, mệnh danh hòn ngọc viễn đông, phố xá sầm uất, xe cộ dập dìu, có những căn nhà chọc trời ngạo nghễ bên cảng Bạch Đằng. Trên bờ, hình tượng đức thánh Trần Hưng Đạo thật lớn chỉ tay xuống sông nhắc nhớ chiến công oanh liệt hiển hách của ngài đánh đuổi quân Nguyên xâm lược. Và giữa sóng nước mênh mông tàu bè tấp nập qua lại, cũng có vài tàu đồ sộ thả neo trên bến làm nhà hàng ăn. Buổi chiều và tối tại đây, rất nhiều tài tử giai nhân quần là áo lượt, lả lướt dọc bờ sông, khắp phố trông đẹp mắt lắm. Thế nhưng mẹ ơi, dù Sàigòn có là thiên đường hạ giới, trong con, con vẫn luôn nhớ về mẹ, nhớ từng con đường lối đi, nhớ không khí êm đềm tỉnh lẻ với tình láng giềng chòm xóm đậm đà khắn khít. Con nhớ cả những người bạn nhỏ dễ thương và… dễ ghét đáo để nữa!...”. Bốn chữ” dễ ghét đáo để” anh đóng trong ngoặc kép, tôi biết ngay là anh… nhớ tôi, anh nhắn khéo với tôi. Phải thế chứ, không thôi tôi giận, tôi buồn và không giúp mẹ anh viết thư thăm anh nữa.

Mùa Xuân năm đó, như thông lệ, anh về thăm gia đình, ăn Tết cùng mẹ anh. Lần này, anh cố tình muốn gặp tôi. Anh nhờ chị Mây qua nhà tôi nhắn, bà Bắc Hải có quà từ Sàigòn tặng tôi và nhờ tôi tí việc. Nghe mẹ bảo lại thế và nhất là nghe có quà, tôi chạy sang ngay. Vẫn buổi tối khi tiệm vắng khách, vẫn sập gụ bóng loáng nằm sau kệ tủ thấp ngăn đôi căn phòng, bà Bắc Hải vẫn lù lù ngồi đó, nhưng bên cạnh bà còn có thêm cậu con trai quí tử của bà.

Thấy tôi, cả bà cùng anh mỉm cười chào. Anh đứng dậy đon đả đón tôi, kéo chiếc ghế đẩu đặt gần cạnh phản rồi mời tôi ngồi xuống. Tôi lúng túng thẹn thùng thấy rõ, mặt đỏ bừng lên, không dám nhìn thẳng anh, tảng lờ hướng mặt về phía bà Bắc Hải:
- Con chào bác. Bác gọi con có việc gì ạ? Bà Bắc Hải lắc đầu:
- Chả có việc gì cả. Cu Yên có quà cho con và muốn gặp con. Thôi, chúng mày cứ tự nhiên trò chuyện.
Nói xong, bà ngả người nằm xuống phản, xoay lưng ra ngoài. Tôi sượng tím mặt, lấm lét nhìn sang anh, bắt gặp ánh mắt anh đang nhìn tôi chăm chú. Ôi, ánh mắt đó dịu dàng làm sao, nó không thao láo, trâng tráo như mắt con Minh, thằng Tèo, thằng Xí, con Bo… mà tôi hằng thấy mỗi ngày. Ánh mắt anh sâu thẳm lạ lùng, như cơn xoáy cuốn tôi và nhận chìm tôi xuống lòng biển sâu. Tôi chới với, ngụp lặn, chao đảo, bủn rủn, mềm nhủn, tê liệt… và trái tim tôi thì đập loạn xạ. Cảm giác quái lạ này tôi chưa từng có trong đời. Tự nhiên tôi giận lấy tôi, sao để mất chính mình. Cái vẻ tinh nghịch, hiếu động, ranh mãnh thường ngày giờ để đâu?!
- Anh có quà cho Thơ...
Tiếng của anh Cu Yên cất lên thật âu yếm nhẹ nhàng, cùng lúc anh mở hộc tủ lấy ra một hộp giấy nhỏ được gói cẩn thận đẹp đẽ trên có gắn một cái nơ hồng. Anh cầm đưa cho tôi, tiện dịp, anh luồn bàn tay xuống dưới hộp giấy nắm lấy tay tôi. Eo ơi, trời ơi, tôi giật bắn người như bị điện giật, vội rút nhanh tay về rồi ngồi run như cầy sấy. Cũng may, từ nãy giờ, bà Bắc Hải vẫn nằm xoay lưng lại nên không thấy mọi diễn biến xảy ra xung quanh bà, nhưng tôi vẫn thấy ngượng, miệng lắp bắp:
- Thơ… Thơ… Thơ cám ơn quà… quà của anh.
Nói được bấy nhiêu chữ, tôi cầm quà định chạy về, nhưng không hiểu sao có cái gì đó cứ cột chân tôi ở lại, dán dính tôi trên chiếc ghế.
- Anh cám ơn Thơ mới phải. Thơ đã tốn nhiều công sức, thời gian viết thư cho anh.
Dzô dziên chưa, câu nói đó tự nhiên chạm tự ái trong tôi. Nếu có ai nghe được, có phải tôi là đứa con gái hư “học cho biết chữ để viết thư cho giai”. Đang vui trong lòng, tôi bỗng xấu hổ cúi gằm mặt xuống, lầm lì. Tôi hơi… giận anh rồi đó, vội đứng phắt dậy, không quên cầm theo quà, chạy về nhà. Vừa chạy, tôi vừa quay đầu lại nhìn anh, nói:
- Đâu có, đâu có. Đấy chỉ là những bức thư của… mẹ anh!
Anh Cu Yên chỉ mỉm cười, nhìn với theo, vẫn ánh mắt mê hồn, cho đến lúc tôi khuất khỏi cửa nhà anh.

Ra tới đường, lạng quạng thế nào, tôi đâm xầm vào một xe xích-lô. Gói quà văng khỏi tay. Lồm cồm ngồi dậy… lượm quà, tôi còn nghe ông xích-lô mắng:
- Đi đâu mà quáng mắt… gà như vậy hả con nhỏ kia?
Tôi chả nói, chả rằng, lầm lũi chạy ù về nhà, vào buồng đóng cửa lại, tôi còn nghe tim tôi đập loạn xạ. Ôi, một bản tình ca đầu đời, nó làm tâm hồn tôi bần thần bấn loạn với những cảm giác thật lạ. Tôi nhìn gói quà, tò mò mở ra xem. Một chiếc khăn quàng cổ bằng lụa, thật mềm, màu hồng nhạt điểm lấm tấm những đóa hoa trắng nhỏ li ti. Tôi mân mê một lúc rồi thử quấn quanh cổ, soi mình trong gương và mỉm cười sung sướng.
Tôi nhớ lại ánh mắt anh, khuôn mặt anh. Ôi chao, cái dung nhan ”cao ráo, trắng trẻo, đẹp trai” ngày nào đâu xa lạ gì với tôi. Từ bé, tôi đã từng nhìn thấy, sao bây giờ mới… len lén đi vào hồn tôi một cách lạ lùng như thế. Anh ngự trị trong tôi, như vị vua đi trên thảm đỏ bước đến ngai vàng trong cung điện trái tim tôi và anh ngồi lì nơi đó. Vạn tuế!

Sau Tết, anh Cu Yên trở vô Sàigòn. Anh viết thư ngay về thăm… mẹ anh. Kèm với bức thư lần này, anh còn viết một bức dành riêng cho tôi. Tôi đọc và trả lời, nhưng vẫn với tư cách cố hữu của một người mẹ gởi thư cho con. Tôi không trả lời thư riêng cho anh, lý do đơn giản, tôi sợ mang tiếng ”con gái học biết chữ chỉ để viết thư cho giai”, và nhất là sợ con giai đem thư của tôi bêu rếu lấy le như tôi đã từng thấy từ nạn nhân những bạn tôi. Tuy nhiên, để đáp lại tình anh, cũng như thâm tâm, tôi cũng muốn… viết thư cho giai, tôi đã bóng gió mượn lời mẹ anh, nồng nàn bày tỏ lòng tôi: ”Cái Thơ rất sung sướng nhận quà của con. Con bé quấn khăn đó mỗi ngày, cả lúc mưa lạnh cũng như khi trời nóng nực! Chiếc khăn đẹp quá và nó rất trân quí. Thơ cám ơn con thật nhiều. Hè này con nhớ về thăm nó. Nó mong. Và con cũng đừng quên…quà Sàigòn tặng nó!”. Viết xong, tôi cười. Khi đọc lại cho bà Bắc Hải nghe, tôi dấu phần vòi quà và tỏ lòng mong đợi của tôi.

Thế nhưng, mùa hè năm đó anh không về. Anh bận thi tốt nghiệp ra trường cần nhiều thời gian ráo riết cho bài vở. Còn tôi, tôi cũng bận rộn cho cuộc thi Tú Tài phần một sắp tới. Những bức thư thưa dần, chậm dần. Nhưng hình ảnh anh vẫn lảng vảng ngự trị đâu đó trong một góc trái tim tôi.

Cuối năm đó tôi lấy chồng. Tôi lên xe hoa về nhà chồng giữa khi tôi chưa kịp lớn, giữa khi tôi vẫn cắp sách đến trường. Mẹ đã chẳng cho tôi “chỉ ở với mẹ thôi rồi đi tu” như hồi bé tôi từng nói với mẹ. Mẹ… đuổi đầu tôi ra khỏi nhà khi có người đặt vấn đề muốn… rước tôi. Mẹ nói:
- Nhà có một rổ năm cô con gái như chứa những trái mìn chưa nổ. Tống được đứa nào mẹ mừng đứa đó!
Tôi hỏi mẹ:
- Mẹ sợ mìn như thế, sao mẹ lại đẩy mìn sang nhà người ta?
Mẹ thản nhiên trả lời:
- Ở nhà mình thì nó là mìn chết người. Sang nhà người ta nó trở thành… pháo bông con ạ!
Tôi cười:
- Mẹ chế chất nổ hay thật, tài tình hơn các nhà khoa học thời nay đấy!

Lý sự với mẹ cho vui vậy thôi, chứ tôi cũng hiểu nỗi lo lắng của mẹ, và tôi vâng lời mẹ khăn gói về nhà chồng. Nhưng tôi không về nhà anh Cu Yên với bà Bắc Hải. Tôi về nhà người không cao ráo, trắng trẻo, đẹp trai như anh Cu Yên, mà là người có cơ hội cũng đi lại thân quen với bố mẹ tôi và ở gần bên tôi suốt thời gian từ lúc tôi mười ba cho đến mười tám tuổi. Tình gần vẫn hơn tình xa mà! Và nhất là chàng không “lửng lơ con cá vàng” như anh Cu Yên; trái lại, chàng biết “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến thật vững chắc đến… đám cưới” để thực hiện câu ca dao, phương châm khuyên bảo người đời: "Cưới vợ phải cưới liền tay, chớ để lâu ngày… kẻ khác rước đi!" thế thôi.

Bây giờ, hình ảnh anh Cu Yên đã phai mờ, như vị vua bị truất phế mất ngai vàng, không còn mảy may nào, vị trí nào, dù nhỏ nhoi nhất trong cung điện trái tim tôi. Tất cả đã đi vào… lịch sử, tôi nom na gọi là "lịch sử của tình yêu!"

(Tháng 12-2005)

01.apple
Dư âm một chuyện tình 

Người viết Trần Thị Nhật Hưng
Chiếc điện thoại nằm một góc kệ tủ nơi phòng khách bỗng reo vang khi tôi vừa đặt chân vào nhà. Chưa kịp cởi áo khoác, tôi vội vàng nhanh chân chạy đến, nhấc phone:
- A lô. Tôi là Thơ. Xin lỗi, ai bên kia đầu dây ạ?
- Anh đây. Hùng Uy.
Tôi reo lên:
- A, chào anh. Anh khỏe chứ? Anh gọi em có chuyện gì không?
- Đương nhiên là có. Mà còn là chuyện quan trọng nữa cơ.
Tôi trợn mắt :
- Quan trọng? Anh nói ngay cho em nghe đi.
Bên kia đầu dây, giọng anh Hùng Uy vẫn ôn tồn:
- Một độc giả của "Chuyện tình với anh Cu Yên" muốn tìm em. Độc giả đặc biệt.
Tôi chép miệng:
- Anh làm em sốt ruột quá. Ai mà đặc biệt vậy anh?
- Nhân vật chính của chính truyện đó.
- Anh Cu Yên?
- Đúng thế. Anh ấy gọi về tòa soạn hỏi thăm em và muốn biết địa chỉ cùng số phone của em. Em nghĩ thế nào?
Quá bất ngờ, tôi không khỏi ngạc nhiên, không thể trả lời ngay được nên ngập ngừng đáp:
- Anh cho em suy nghĩ đã. Tới, sau bữa cơm, em gọi lại anh được không?
- Được chứ. Anh sẽ đợi phone em. Chào em nhé. Anh có lời thăm ông xã.
Nói xong, cả hai cúp phone.

Tôi cởi áo khoác máng vào móc nơi kệ tủ nằm gần cửa ra vào rồi xuống bếp chuẩn bị cho bữa cơm tối. Bữa ăn tối hôm nay chắc chắn sẽ không ngon bởi tâm trí tôi hiện tại không đặt trọng tâm vào chuyện nấu, mà hoang mang bần thần nghĩ đến cú điện thoại của anh Hùng Uy!

Anh Cu Yên tìm tôi. Cu Yên là nhân vật có thật trong "Chuyện tình với anh Cu Yên" của tôi vừa được đăng báo cách đây vài tháng. Anh Cu Yên - người đã hơn 30 năm qua bao lớp phế hưng, trôi nổi phương nào, sống chết ra sao, từ lâu, tôi không hề để ý quan tâm đến nữa - nay bỗng dưng vì một truyện ngắn của tôi, viết cho có chuyện đáp ứng nhu cầu của tòa soạn, tôi không ác ý, nhưng dính líu tên anh, anh lù lù hiện về choáng ngộp tâm hồn tôi, như một bóng ma chờn vờn, luẩn quẩn mãi trong trí tơi.

Anh Cu Yên tìm tôi, không biết để hỏi thăm hay hỏi tội? hay để nhắc nhớ lại những kỷ niệm về một chuyện tình thơ mộng, trong trắng thuở ấu thời giữa tôi và anh từ lâu bị bụi thời gian che lấp, hay anh tìm tôi để trách móc, phàn nàn tôi... bươi chuyện của anh, của gia đình anh đưa lên báo. Ôi, lo lắng quá chừng chừng!

Từ khi tôi cầm bút, cũng lắm chuyện vui buồn trong cái nghiệp viết văn. Ai cũng biết văn chương hạ giới rẻ như bèo, câu nói của cụ Tản Đà, nhưng trong thực tế tại hải ngoại, văn chương còn rẻ... hơn bèo. Một chiếc bèo (lục bình) tại hải ngoại rất được nâng niu, không đủ để bán; trong khi đó, một cuốn sách là cả bao công trình sáng tạo bằng trí tuệ, công sức và cả tấm lòng thành của tác giả dâng tặng cho người, cho đời thế mà chả mấy người đoái hoài. Thế nhưng, không phải vì thế mà người cầm bút bỏ cuộc, vì, đã mang lấy nghiệp (văn chương) vào thân thì khó mà giải được nghiệp.
Tôi thường nói với mọi người "viết văn là làm dâu trăm họ", như cô gái về nhà chồng làm việc không công, dù tận tụy đến đâu cũng khó làm vừa lòng hết mọi người. Có những "mẹ chồng" (tức là một vài độc giả nào đó) khó tính đến độ, buông những lời bóng gió xa xôi như ném phi tiêu, ám khí ghim thẳng vào tâm não người cầm bút: "Không phải có bút muốn viết sao là viết. Nhà mấy người, mấy người nên bươi ra. Không được bới móc nhà người ta". Ôi, có ai thông cảm cho rằng, người cầm bút, ngoài vấn đề cá nhân để giải tỏa những uẩn ức chất chứa trong lòng, còn viết để tìm niềm vui tinh thần khi nhớ về kỷ niệm để được sống nồng nàn với những kỷ niệm, quên đi thực trạng đời thường nhàm chán của "một ngày không như mọi ngày" và cả những nỗi chua xót, đắng cay, bực bội mà trong cuộc sống không ai tránh khỏi. Đôi khi người cầm bút còn có một sứ mạng thanh cao chuyên chở những tư tưởng, phản ánh xã hội đương thời, đánh dấu một giai đoạn lịch sử mà họ đang sống. Chỉ cần đọc một bài viết, một số truyện ngắn, truyện dài của bất cứ thời nào, ở đâu, hậu sinh cũng đoán được ít nhiều những diễn biến, nếp sống cùng suy nghĩ của con người thời đó... Vì phản ánh xã hội, đương nhiên, không tránh khỏi những chuyện đụng chạm đến từng cá nhân, gia đình, và cả chính quyền nữa. Và rồi vấn đề sẽ xảy ra khi người nào đó... có tật giật mình!

Tuy nhiên viết thì phải lách. Ngôn ngữ Việt Nam có từ chung chung "viết lách" như hàm ý dặn dò người cầm bút hãy cẩn trọng khi múa bút. Do đó, bao năm qua, tôi cố gắng lách rất nhiều, cố tránh đụng chạm để quí "mẹ chồng" khỏi mắng mỏ. Tôi không dám viết truyện người, quay về viết truyện mình, về mình, mặc dù tôi biết rõ "cái tôi thật đáng ghét". Khổ nỗi, trong ta vẫn có người, trong người lại có ta. Ta và người đang cùng sống trên trái đất này, cùng xã hội này, đương nhiên phải có sự tương quan giữa con người với con người, trừ phi một trong hai phía, một mình định cư ngoài hoang đảo.
Tự dặn lòng và vẫn biết liên quan đến người là có chuyện, thế mà lần này, không hiểu ma đưa đường, quỉ dẫn lối thế nào, khi chuyển hướng viết về chuyện tình, mà chuyện tình của tôi, đương nhiên cũng là chuyện tình của anh, tôi đem ngay tên thật của anh ra viết để phải nhận cú điện thoại đặc biệt ngày hôm nay.

Phân vân và lo lắng rất nhiều, cuối cùng, sau một hồi đắn đo suy nghĩ, tôi quyết định, sau bữa cơm tối, tôi sẽ thông báo đến anh Hùng Uy, đồng ý đưa số phone, địa chỉ, lẫn Email của tôi đến anh Cu Yên rồi sau đó sự thể ra sao thì ra, bất quá anh Cu Yên mắng tôi vài câu; nhưng ít ra, tôi cũng thỏa được nỗi háo hức bồn chồn lẫn hiếu kỳ muốn biết rõ về anh, đời sống anh lẫn tâm trạng anh hiện tại. Chỉ thế thôi...!

Một buổi tối thứ bảy, đang nằm gác... hai chân lên đùi chồng, nghe nhạc - tiếng nhạc du dương trầm bổng phát ra từ chiếc máy Computeur đặt cuối phòng, tôi giật thót mình vì tiếng điện thoại reo. Đã hơn ba tuần nay, kể từ khi bật đèn xanh cho anh Cu Yên tiến tới, tôi bồn chồn trông đợi. Ngày nào đi làm về, tôi cũng kiểm Mail, ngóng phone. Một tiếng reng cất lên, tôi nôn nả đón lấy. Nhưng đã hơn ba tuần rồi, vẫn không phải là tiếng nói của anh. Anh vẫn lặng yên, bặt vô âm tín. Hôm nay cuối tuần, niềm hy vọng tràn trề, thời gian thật thuận lợi nếu hai nước trái giờ nhau và cũng thuận lợi cho cả hai rảnh rang mới có nhiều thì giờ hàn huyên tâm sự. Tôi run run nhấc phone, hồi hộp, ngập ngừng cất tiếng:

- Alô...
Tiếng bên kia đầu giây:
- Em đây!
- Thật quỉ. Tiếng của cô em gái. Tôi hơi bẽn lẽn, cao giọng:
- Có chuyện gì đấy?
- Mai chủ nhật, anh chị đến em ăn bún bò.
- Khỏi.
Tôi đáp cộc lốc, bực bội. Rồi nhận ra sự vô lý của mình, tôi dịu giọng nói với em tôi:
- Anh chị không đi được đâu. Cám ơn nha. Chị bận rồi.

Bận! Có bận gì đâu, ngoài việc dành thời gian ở nhà đợi... trai! Tôi đợi, đợi hết cuối tuần đó, tuần sau qua tháng khác. Cuối cùng... anh ta đã không gọi đến và tôi cũng hết chờ trông! Thế nhưng, đùng một cái, vài tháng sau nữa, vào đúng 9 giờ tối mồng một Tết nhằm chủ nhật, có tiếng điện thọai reo giữa lúc tôi cũng đang nằm gác... hai chân lên đùi chồng nghe nhạc. Tôi chồm dậy, bình thản nhấc phone. Giọng nói đàn ông ồ ồ lạ hoắc hỏi thăm đến tên tôi và tự xưng tên mình, tôi reo lên:
- Anh Cu... không, trời, anh Yên !
Tôi thảng thốt gọi tên anh, rồi ngồi chết trân, yên lặng. Dường như có cái gì đó đang lao xao trong lòng. Trái tim tôi lăn tăn gợn sóng. Sóng chở về bao kỷ niệm êm đềm, từng lớp, từng lớp nhẹ nhàng đưa vào hồn tôi. Hình ảnh bà Bắc Hải, thân mẫu anh, bệ vệ ngồi nhai trầu trên tấm phản gụ, những giọt nước mắt nhòe nhoẹt của bà khi nhắc đến tên anh, mùi phở thơm trong tiệm, cây phượng trổ hoa rực đỏ trước nhà, cả tiếng chim sẻ ríu rít và vóc dáng cao ráo của anh với khuôn mặt trắng trẻo đẹp trai ngày nào nữa. Ôi, bao kỷ niệm, như cuốn phim chiếu chậm, từ từ hiện ra trước mắt. Ngồi bên mép giường, tôi đờ đẩn thẩn thờ, chiếc điện thọai không dây nhẹ hều đang cầm trên tay thiếu điều muốn rơi xuống đất.
- Anh Yên gọi hở em ?
Tiếng của chồng tôi cất lên như kéo tôi trở về thực tại. Tôi bịt máy điện thoại, quay sang trả lời chồng tôi:
- Dạ, anh Yên. Người hôm trước em viết truyện đó.
Rồi như nhận ra sự bất tiện khi nói chuyện với... trai ngay phòng ngủ của chồng, tôi xách điện thoại chạy ra phòng khách.

Bên kia đầu dây, anh Yên lại cất tiếng, giọng đầy xúc động:
- Thơ, Thơ.... Thơ còn đấy không?
Tôi vẫn còn hồi hộp, giọng lạc hẳn đi, lắp bắp:
- Dạ, Thơ... Thơ đây.
Một lúc, đợi cả hai lấy lại bình tĩnh, anh bắt đầu vào chuyện:
- Năm mới, anh gọi sang chúc Tết em và gia đình một mùa Xuân an lành, hạnh phúc.
Tôi thì thầm, nói trong hơi thở:
- Cám ơn anh. Thơ cũng chúc anh và... chị như vậy. Rồi tôi hỏi:
- Sao anh không gọi sớm hơn lúc nhận tin em?
- Thật ra, anh cũng hơi ngại. Không biết chồng em thế nào? có ghen không? Nếu ghen, chắc cũng không nỡ... cho em ăn đòn vì nhằm mồng một Tết.
Tôi cười, đáp:
- Không dám đâu. Chỉ có em... đánh ảnh thì có!
- Em dữ vậy sao ?
- Dữ thì không dữ, nhưng cũng không hiền.
- Như vậy thì tốt, vì hiền dễ bị bắt nạt.
Tôi lại cười :
- Anh kinh nghiệm dữ a. Bộ ở nhà anh bị...
Anh Yên bỗng cười lớn:
- Làm sao bắt nạt được anh?
- Anh cũng dữ vậy sao?
- Dữ thì không dữ, nhưng cũng không hiền.
- Như vậy là anh giống em.
Chàng chậc lưỡi :
- Chúng ta còn nhiều điểm thật giống nhau, thế mà không có duyên để thành người một nhà.
- Cũng tại anh thôi. Sao anh không lên tiếng? Chẳng lẽ em phải cầm hoa hồng đường đột đến hỏi anh "Bao giờ anh mới chịu... gả anh cho em?"
Anh lại cười. Tôi tiếp:
- Ranh giới giữa tình yêu và hôn nhân cách nhau chỉ một sát na. Một lời thốt ra cũng chỉ ngắn một sát na. Tại anh không nói thành ra xa vời vợi...
- Thật anh cũng không ngờ em lên xe hoa sớm thế. Anh có ý đợi em đậu xong Tú Tài 2, cũng như anh, em sẽ... du học Sài Gòn. Thế là chúng ta có nhiều cơ hội bên nhau.
- Thì em cũng xong Tú Tài, cũng vào Sài Gòn học, nhưng mà lúc đó mọi sự đã muộn rồi anh ạ.
- Thôi đành chờ kiếp sau em nhé!
Tôi phá ra cười :
- Kiếp sau?! Kiếp này thuận lợi như thế mà cũng chẳng thành duyên, mong gì ở kiếp sau? Hơn nữa, kiếp sau cũng... lỡ luôn rồi anh ạ.
- Tại sao thế?
- Em đã lấy hẹn.
- Với ai ?
- Với chồng em.
- Sao anh ấy luôn luôn được may mắn?
- Không, anh ấy không may mắn. Em mới may mắn.
- Nghĩa là thế nào?
- Tại em... đì được ảnh, em... đánh được ảnh, em... lấn được ảnh. Nói chung em... ăn hiếp được ảnh. Do đó, em hẹn tiếp.
- Ảnh có đồng ý không?
- Đồng ý chứ. Vì ảnh nói, em đánh không đau.
- Còn anh, anh không "được" đánh mà lại đau!
Tôi an ủi :
- Thôi anh ạ, tình chúng mình như áng mây trôi, bay mãi, bay mãi giữa bầu trời bao la. Vì là mây nên không có điểm dừng. Nếu tình cờ vướng mắc đâu đó ở đỉnh ngọn núi cao, cũng chỉ tụ lại chốc lát rồi lại bay đi. Nhưng như thế tình chúng ta mới lãng mạn, được bao văn nhân, thi sĩ tán tụng. Ông Hồ Dzếnh đã chẳng nói: "Tình chỉ đẹp khi còn dang dở. Đời hết vui khi đã vẹn câu thề".
- Cải lương!
- Chẳng thà cải lương còn hơn ... cãi lộn anh ạ.
- Em nói chuyện thật buồn cười nhưng chí lý.
- Anh xem, có cặp tình nhân nào sau hôn nhân mà không cãi lộn không? Do đó, cũng chính các văn nhân, thi sĩ lại cảnh cáo "lấy nhau rồi... nham nhở lắm em ơi, anh ơi!".
- Anh biết. Nhưng trong cuộc sống ta có thể lựa chọn những điều khả dĩ tốt đẹp nhất.
- Không lựa chọn được đâu anh. Mỗi người đều có một số phận mà định mệnh đã an bài.
- Nhưng không phải vì thế phải đầu hàng trước số phận. Em biết không, ở bên Mỹ, mỗi khi anh nghe Như Quỳnh hát "Sao em nỡ lấy chồng khi tuổi hãy còn son, để con chim đa đa ngậm ngùi đành bay xa..." anh lại nhớ và nghĩ đến em. Xót xa cho tình mình.
- Xạo ke!

Tôi định buột miệng nói ra như thế. Vì rõ ràng sau khi tốt nghiệp đại học, anh ở luôn Sài Gòn. Bà Bắc Hải, mẹ của anh, cũng bán nhà rời miền Trung sau đó. Rồi chiến tranh, rồi biến động 30.4.75 dòng đời xô đẩy hai mẹ con anh trôi nổi phương nào, từ đấy đến giờ đã hơn 30 năm trời, tôi không nghe tin tức, nay mới biết anh đang ở Mỹ. Anh... bay xa vì thời cuộc, chắc gì vì tôi để anh đổ thừa. Miệng lưỡi đàn ông xưa nay tán vẫn khéo, vẫn ngọt; biết vậy, nhưng tôi vẫn giả vờ cảm động nói:
- Cám ơn anh đã có lòng thương tưởng. Nhưng anh làm con đa đa tung cánh vẫn hơn con sáo bị nhốt trong chiếc lồng son.
- Em tù túng vậy sao?
- Không hẳn tù túng, nhưng ít nhiều cũng bị mất tự do. Gái có chồng như gông đeo cổ, như chim vào lồng biết thuở nào ra, mà anh.
- Đấy là quan niệm xưa. Thời nay, các bà, các cô phá củi xổ lồng, tung lưới bắt lại không nỗi.
- Bắt lại làm gì hở anh khi người ta muốn bay. Hơn nữa, đấy cũng là luật bù trừ vì phụ nữ Việt Nam trước đây về nhà chồng trăm bề cơ cực, cay đắng. Nay các bà có cơ hội vùng lên trả thù. Nhưng nhiều bà làm quá đáng, tự làm vữa đời mình ra. Thời trước lên xe hoa cô nào cũng khóc. Khóc vì biết sẽ khổ và rủi nhiều hơn may. Đâu được cười toe toét, hỉ hả và đôi khi còn thản nhiên dắt tay... con tham dự đám cưới của mình!
Tôi chợt thở dài:
- Nghĩ thương cho các thân mẫu của chúng ta, sinh bất phùng thời, luôn cam chịu sự áp bức của số phận.
- Tất cả cũng chỉ do quan niệm thôi em ạ.
- Thì là quan niệm, nhưng quan niệm sai lầm. Anh biết đấy, một thầy thuốc lầm chỉ giết chết một người; làm địa lý lầm giết chết một họ; làm chính trị lầm giết chết một nước; nhưng làm văn hóa lầm giết chết bao thế hệ. Mẹ chúng ta, chính là nạn nhân. Tại sao thời đó phụ nữ không được đi học giữa khi khả năng không thua gì nam giới. Như ở Trung Hoa, một Chúc Anh Đài, một Hoa Mộc Lan... đã phải giả trai đến trường, ra trận để thi thố tài năng.
- Anh cũng nghĩ thế. Nếu mẹ chúng ta được đi học ít ra cũng là... văn sĩ như em.
- Văn sĩ nhằm nhò gì hỡ anh. Mẹ chúng ta thông minh hơn mình nhiều. Được đến trường, không chừng, một bà sẽ là Tổng thống, một bà là Thủ tướng như các nữ Tổng thống, Thủ tướng trên thế giới hiện nay. Chà, lúc đó, thân phận của anh và của em hưởng ké làm hoàng tử, công chúa như ai, chứ đâu... ẹ như bây giờ.
Yên lặng một giây, tôi nói tiếp:
- Kiếp sau, em còn mơ được là hoàng hậu nữa cơ đấy.
Bên kia đầu dây, tôi nghe tiếng anh cười :
- Còn anh, anh mơ làm vua!
Tôi đùa:
- Vua xứ Phi Châu hay Irak hở anh?
- Vua trong cung điện trái tim em!
- Cải lương !
- Cải lương vẫn hơn cãi lộn, em ạ!
Cả hai cười rúc rích. Rồi sực nhớ tới má anh, tôi hỏi:
- Bác vẫn khỏe chứ anh ?

Không có tiếng trả lời. Sự yên lặng như nói lên điều gì bất ổn trong anh. Đúng như tôi dự đoán, một lát, sau tiếng thở dài, anh kể tôi nghe niềm thương cảm của anh về người mẹ cô đơn, lạc lõng nơi xứ người dù đang sống cùng con cháu. Dù vợ chồng anh đã hết lòng chăm sóc nhưng hoàn cảnh xã hội đã bó buộc anh phải tuân thủ vào những điều kiện chẳng đặng đừng. Hằng ngày vợ chồng anh đi làm, hai con anh đi học, anh đã để mẹ già một mình với nỗi cô đơn cố hữu. Chị Mây, người cháu gái của bà ngày nào, từ ngày qua Mỹ cũng cuốn hút theo đời sống. Rồi không lâu sau, một ngày đi làm về, anh nhìn thấy mẹ thiếp ngủ trên sofa, giấc ngủ ngàn thu không bao giờ trở dậy. Hồi còn sống, chỉ mới hơn 70 ngoài, mẹ anh đã lú lẩn. Những sự việc, hình ảnh trước mắt, hiện hữu xung quanh bà trên nước Mỹ, dường như bà không nhận biết hoặc chỉ nhập nhòa lúc nhớ lúc không. Sống bên con cháu mà hồn bà để tận đâu đâu. Những sự kiện của quá khứ nơi quê nhà, từ khoảng thời xa xưa lâu lắm khi bà còn ở miền Bắc cho tới lúc di cư vào Nam luôn hiện về trong tâm trí bà rõ mồn một. Nào lễ hội đình làng, nhất là vào dịp Tết, đám rước như rồng rắn lên mây; trai thanh nữ tú có dịp hò đối nhau mà nên duyên chồng vợ. Nào những lúc con lợn béo ngả thịt làm cổ Tết, cả nhà quây quần gói những tấm bánh chưng xanh, bàn bạc về nồi giả cầy, thịt đông ăn cùng với dưa kiệu hay dưa cải bẹ muối. Nào con đê đầu làng, đám trẻ mục đồng thả sáo diều vi vu, làn khói lam chiều tỏa ra từ những mái tranh nhà hàng xóm... Bà nhớ và kể, kể nhiều lắm, làm như câu chuyện mới xảy ra hôm qua, hôm kia. Rồi đến lúc vào Nam, định cư tại miền Trung, hình ảnh tôi, con bé con 13 tuổi ngày nào, một thời có cơ hội gần gũi với bà, được bà nhắc nhớ nhiều nhất. Hồi đó, với công tác đặc biệt, giúp bà viết thư thăm anh, hoặc lúc bố mẹ sai vặt qua bà lấy số hụi hay mua ruợu trắng, tôi thường hủ hỉ với bà như hai mẹ con. Có những kỷ niệm khó quên, thật dễ thương, tôi ghi dấu mãi trong đời. Một lần, cũng như bao lần, ba tôi sai tôi mua ruợu. Bà Bắc Hải ngồi trên tấm phản gụ nặng nề bước xuống. Cùng lúc đặt mình trên chiếc ghế đẩu con thấp lè tè, bà sai tôi: "Mày nấy hộ tao cái ny". Ở miền Trung, tôi hiểu theo ngôn ngữ địa phương cái ny tức là cái "này", tôi lấy đại từng thứ đưa cho bà, từ cái phểu, cái vá, cái chén... cuối cùng mới đến cái... ly, vật mà bà cần dùng. Cầm cái ly trên tay, bà đưa mắt, hỏi tôi: "Nhà mày cũng người Bắc, nhà mày bảo nó này cái gì?". Tôi chậm rãi đáp: "Dạ, nhà con gọi nó là cái ly". Bà cao giọng: "Thế thì nhà tao cũng bảo nà cái... ny!". Tôi hiểu ra, tôi cười, trong khi bà thản nhiên như không chuyện gì xảy ra.

- Giá em là con dâu của bà. Tuyệt, anh nhỉ?
Tôi hạ giọng, phán một câu. Bên kia đầu dây, anh
Yên buông một tiếng thở dài:
- Cũng tại anh thôi. Tại anh chậm bước nên em đi lấy chồng.
- Tự trách làm gì nữa anh. "Không phải tại anh, cũng không phải tại em, tại trời xui khiến nên chúng mình xa nhau". Ca sĩ Chế Linh hay hát như thế đấy.
"Đừng nhắc nữa anh ơi, xin đừng nhắc nữa làm gì. Duyên phận mình bọt bèo...". Ca sĩ Thanh Tuyền cũng hát như vậy đó. Toàn những lời than thở, thật đúng quá cho những cuộc tình dang dở. Anh nhỉ ?
Nói xong, thấy mình cải lương, tôi phá ra cười, chuyển đề tài:
- Tết bên anh có gì lạ, vui không ạ?
- Cũng ra trò lắm. Cũng pháo nổ, bánh chưng xanh, hoa mai vàng, câu đối đỏ... nhưng tất cả đối với anh chỉ gượng gạo thiếu hồn Việt của quê nhà. Còn bên em ?
Tôi chậc lưỡi :
Một ngày như mọi ngày. Không thấy hoa mai nở. Chẳng thấy xác pháo bay. Nhìn bốn bề tuyết trắng Xuân đã về, ô hay?
Đây là vài câu thơ em ưng ý nhất trong bài thơ
"Xuân tha hương" của ông Lê Thế Hiển, cựu chánh án Long Xuyên và của tỉnh mình đấy. Ông tặng cho em để ngâm nga mỗi độ Xuân về. Tết Thụy Sĩ nói riêng và Âu Châu nói chung chỉ có thế.
- Em ngâm cho anh nghe được không?
Tôi chưa kịp trả lời, bỗng có tiếng gọi vói ra từ phòng ngủ của chồng tôi:
- Em ơi...
Tôi nhìn đồng hồ. Cây kim giờ chỉ đúng số 12. Biết chồng tôi nhắc chừng, tôi vội nói với anh Yên:
- Khuya rồi anh ạ. Chồng em gọi. Hẹn anh dịp khác nhé!
- Bên đây, vợ anh cũng đang chờ cơm trưa. Anh chào em. Hẹn em kiếp sau... nữa nhé .
Tôi cười, nhẹ nhàng bấm nút tắt phone.

Chạy vào phòng ngủ. Chồng tôi vẫn nằm gác hai tay lên đầu, nghe nhạc. Thấy tôi, chàng nhẹ nhàng trách:
- Trò chuyện gì mà lâu thế?
Tôi đánh trống lảng, không trả lời, xà vào ôm chàng, nói:
- Anh này, có một nhà văn nọ viết "Tình yêu là bông hoa tô điểm cho đời, là hương thơm rắc vào cuộc sống, là ánh sáng mặt trời soi rọi làm ấm áp tâm hồn, là dòng suối ngọt tắm mát trong cơn nắng hạn, là ly nước mía thơm ngon giải khát khi trời oi bức, là... là... là...
Tôi chưa kịp nói hết câu: "Anh có đồng ý như vậy không?...", chàng đẩy nhẹ tôi ra, xoay người, chàng nói:
- Lộn xộn, đập chết bây giờ !!!.-

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
05/09/2021(Xem: 8782)
Đôi lời tao ngộ Quý vị đang cầm tác phẩm này trên tay là kết quả của mấy mươi năm học hỏi cũng như tu luyện. Quý Thầy Hạnh Bảo và quý Thầy Giác Ân, Giác Tri đã có ý hay là nên sưu tập những câu nói của tôi được đăng tải đó đây trên các bài viết, tạp chí hay sách vở trong 30 năm qua, nhằm đánh dấu một chặng đường đã đi qua và làm cơ bản cho chặng đường sắp tới của những người đệ tử. Suốt 30 năm trời (1978-2008) là một chuỗi thời gian quá ý nghĩa đối với tôi. Vì đời đã cho tôi một cơ hội để học hỏi. Đạo đã dạy cho tôi biết học hai chữ nhẫn nhục cũng như tánh không. Rồi đây tất cả ai trong chúng ta cũng phải ra đi; nên để lại một cái gì đó cho đời một món quà tinh thần thật ý nghĩa.
01/10/2020(Xem: 4425)
Người đầu tiên hưởng ứng lời kêu gọi hãy đến xứ Nam truyền giáo của chúa Nguyễn là linh mục Buzomi, người Ý, có thể xem Buzomi là người chính thức đặt nền móng cho công cuộc rao giảng phúc âm ở xứ Đàng Trong.
25/04/2020(Xem: 5477)
Lần về Việt Nam, tôi đã được một nhóm bạn rủ đi tham dự ngày “Quốc tế công tác xã hội“ được tổ chức tại đường Tôn Đức Thắng, quận nhất. Chủ đề của buổi họp mặt là “Gặp gỡ yêu thương“, khách được mời chính là các em khiếm thị thuộc “Mái ấm Thiên Ân“ quận Tân Phú và Trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật. Một chương trình khá hay, rất cảm động đầy lòng nhân ái và chủ đề buổi họp mặt thật thấm thía, mang ý nghĩa sâu xa vô cùng!
01/09/2019(Xem: 4956)
Tháng 7 âm lịch hằng năm, mưa trút hạt nơi đây, dày đặc, có khi cả ngày lẫn đêm không ngớt. Xứ này là một trong năm tỉnh thuộc Tây Nguyên. Người dân nơi đây chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số như Thượng, Ê-đê, Ba-na, Xơ-đăng,… nhưng lẫn trong chòm xóm ấy là cơ số người dân di cư từ các tỉnh miền Trung Việt Nam như Quảng Ngãi, Quảng Nam, và Huế. Họ sống thành từng cụm, đùm bọc lẫn nhau. Nguồn sống chính yếu của họ là trồng lúa nước và cà phê; tuy nhiên, canh tác vẫn còn thô sơ, không khác gì mấy chục năm về trước - thời mới ‘đi kinh tế mới’.
29/04/2019(Xem: 5126)
Những ý tưởng trong một bài viết ngót 30 năm trước bỗng hiện về trong giấc mơ đêm qua, cùng với hình ảnh người bạn từng chung bước trên chặng đường tranh đấu cho nhân quyền, khi thuyền nhân trong các trại tỵ nạn đang bị cưỡng bức trả về Việt Nam. Người bạn đó là cố nhạc sỹ Việt Dzũng. Sao giấc mơ lại tới trong thời điểm cuối tháng tư? Với tôi, không phải là tình cờ, vì chính bài viết này lại là một, trong những bài mà Việt Dzũng đã chia sẻ rằng “Xúc động lắm! Những rung cảm này thật quá! Thầm lặng mà lại rõ nét qúa! Chị cho Dzũng gom những bài viết khác của chị lại, in thành sách nhé!” .
14/11/2018(Xem: 6212)
Cách thành phố Mishima không xa có một ngọn núi không cao nhưng rất đẹp. Đó là núi Kanuki. Từ đây có thể ngắm núi Phú Sỹ rất tuyệt vời. Chính tôi đã một lần đi thiền hành lên đây, lên tận đỉnh, trèo lên 2 đài quan sát rất cao, cao nhất, để phóng tầm mắt về 4 hướng. Nhất là ngắm Phú Sỹ lúc buổi chiều. Hôm đó đã rất ấn tượng đối với tôi. Thật khó quên.
20/10/2018(Xem: 3367)
Bão mạnh và sóng thần ở châu Á khiến hàng ngàn người thiệt mạng, hàng ngàn người mất tích; tàn phá nhà cửa, tài sản công và tư, thiệt hại vô kể. Bão lớn quét qua miền Đông và Đông nam nước Mỹ cũng lấy đi mạng sống của ba mươi người và hàng ngàn người còn mất tích… Hàng trăm ngàn người vẫn còn phải chịu đựng sự lụt lội, mất điện, lạnh giá, thiếu nước uống. Trong khi đó, gió Santa Ana như mọi năm đã thổi về, mang hơi nóng hầm hập sau cơn mưa rỉ rả một ngày một đêm của miền Tây nam.
09/10/2018(Xem: 2931)
“Không. Dứt khoát là không. Mấy đứa con của tôi không cần chữ nghĩa mà vẫn sống khoẻ mạnh, khôn lanh chẳng thua kém con nhà ai trong xóm này!”
27/09/2018(Xem: 2303)
Tôi vẫn hay mang bức ảnh chụp chúng tôi ngồi với nhau ở văn phòng công ty sách Thái Hà tại TP HCM trên đường Đào Duy Anh, quận Phú Nhuận chụp cùng với doanh nhân Đặng Quang Trí và một vài anh em chiến hữu doanh nhân khác ra ngắm lại. Gặp nhau bên chiếc bàn giản đơn và bàn về ý tưởng của Trí: tặng 10.000 cuốn sách “Quản lý nghiệp”. Ngày xa xưa là thế đấy.
08/02/2014(Xem: 3219)
Trong đạo Phật tình thương là một năng lượng lớn, có thể ôm ấp và chuyển hóa được khổ đau. Sự giác ngộ không làm cho đức Phật trở nên dửng dưng bất động, không còn cảm xúc nữa, mà ngược lại, nó khiến tấm lòng của ngài trở nên rộng lớn hơn. Đạo Phật gọi đó là tâm từ,metta. Và tâm từ ấy cũng thường được biểu hiện bằng một thái độ biết ơn.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com