Pháp thoại:
Cảm Niệm Và Ý Nghĩa Cúng Dường Phật Đản - Phật Lịch 2562
(English Version)
Phật Đản, Phật lịch 2562 lại trở về với hành tinh trái đất của chúng ta, những người con Phật từ Đông sang Tây, từ Âu đến Á, hàng triệu triệu trái tim như một, triệu triệu niềm tin không hai đã hân hoan đón mừng ngày lễ trọng đại này.
Ấy là ngày mà đức Thế Tôn xuất hiện giữa cõi đời với đại nguyện Trí tuệ và Từ bi, đem lại an lạc và lợi ích cho đa số; dựng đứng lại những gì đã bị xiêu vẹo từ những lưới võng si mê, tà kiến; hàn gắn lại những gì đã bị đổ vỡ từ những quan điểm ngã chấp và những biến thể ích kỷ tầm thường; bật ngọn đèn cho mọi người thấy“bản lai diện mục” của chính mình và dẫn đường cho mọi người vượt ra khỏi đêm dài tăm tối tử sinh.
Mong cầu đời sống an lạc và sống một đời sống có lợi ích, không phải là nhu cầu của một cá nhân, một giai cấp hay một đoàn thể mà là nhu cầu của mọi thành phần xã hội và nói rộng ra, đó là nhu cầu tất yếu của hết thảy con người có nhân tính và hết thảy chúng sinh cóPhật tính.
Không có nhân tính, con người tự đánh mất mình giữa quê hương và đồng loại, mà nhu cầu của nó, chỉ là những tiện nghi vật chất, ăn chơi xa xỉ, chỉ biết sử dụng những phương tiện hay tri thức khoa học để bóc lột con người, muôn vật và thiên nhiên, nhằm thỏa mãn những dục vọng điên cuồng của thú tính và ác nhân.
Không có Phật tính, chúng sinh sinh ra chỉ là nô lệ của vật dục, thần linh và nghiệp báo, nênhọ không có bất cứ cơ hội nào để tự mình vươn lên tạo thành nếp sống văn minh nhân bản và phát triển nền văn minh ấy, đến chỗ hoàn hảo tột cùng, bằng năng lực tự tín, bằng ý thức tự giác và bằng tri thức tự nguyện và không có Phật tính, chúng sinh sẽ không có đại nguyện của Trí tuệ và Từ bi, để có thể tự mình xóa sạch vô minh, và tự mình khám phá châu báu giác ngộ vô hạn nơi biển cả tự tính thanh tịnh, đang chứa đựng ở nơi chínhtâm mình, cũng như nơi tâm tính của hết thảy chúng sinh và không có Phật tính, thì chúng sinh không có khả năng khám phá những gì tốt đẹp từ người khác, để tương quan sinh tồn và lại càng không có khả năng khám phá sự quan hệ sinh tồn mật thiết, giữa con người với sinh môi để tương kính, tương thuận, nhằm cùng nhau giữ gìn, bảo vệ và để cùngnhau hiện hữu trong hòa bình, an lạc. Và lại càng không có khả năng làm thăng hoa đời sống của mình và mọi người ngay ở đời này và đời sau.
Vì vậy, Tăng Ni Phật tử chúng ta kỷ niệm Phật đản, là kỷ niệm ngày đấng Giác ngộ xuất hiện giữa trần gian, khai phóng tri thức cho nhân loại, mở ra một tầm nhìn mới chính xác và hoàn hảo, đối với nhân sinh và vũ trụ bằng tuệ giác “Tương quan duyên khởi” và mở ra một con đường sáng, để đưa thế giới con người thoát khỏi nô lệ Thần linh và vật dục, nhằm đưa nhân loại vượt thoát đêm dài tăm tối, khai thị Phật tri kiến cho con người và muôn loài chúng sinh, khiến cho tất cả họ đều hiểu biết những giá trị hiện hữu của nhau, biết trân trọng sự có mặt của nhau và cùng giúp nhau thăng hoa sự sống trong Trí tuệ và Từ bi, trong Tự do và Khai phóng.
Tăng Ni Phật tử chúng ta kỷ niệm đại lễ Phật đản, vì ấy là ngày của Trí tuệ xuất hiện, bóng đêm vô minh biến mất; ngày của đời sống Từ bi xuất hiện, hận thù hóa giải; ngày của đời sống tự do xuất hiện, đời sống nô lệ niềm tin và tri thức được giải trừ và khai phóng.Và ấy là ngày mà con người lấy lại chủ quyền và được khai phóng từ ngục tù sinh tử và từ ngục tù của mọi ý tưởng hệ phiến diện.
Đệ tử Phật chúng ta, kỷ niệm Phật đản với những ý nghĩa ấy, thì nhất định từ đài sen, đức Thế Tôn sẽ nhìn chúng ta bằng đôi mắt Từ bi, và từ đại định, đức Thế Tôn sẽ mỉm cười với chúng ta bằng nụ cười của trí tuệ.
Nỗ lực đoạn ác hành thiện, giữ gìn tâm ý trong sạch và phụng sự hết thảy chúng sinh, bằng tất cả niềm tin của tâm nguyện Bồ đề, ấy là sự cúng dường Phật đản có ý nghĩa nhất của hàng đệ tử Phật chúng ta.
Nam Mô Thường Tinh Tấn Cúng Dường Bồ Tát Ma Ha Tát.
Tỷ Khưu Thích Thái Hòa
***