Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Xây dựng gia đình Phật hóa.

10/04/201313:04(Xem: 3770)
Xây dựng gia đình Phật hóa.



Xây dựng gia đình Phật hóa

HT Thích Thánh Nghiêm
TN Viên Thắng dịch

Thiên vợ chồng ®

*****

Xã hội ngày nay nam nữ bình đẳng, người nữ tuyệt đối không còn lệ thuộc vào người nam, người nam cũng không làm nô lệ vào người nữ. Tổ chức trong gia đình là cả hai cùng phân chia công việc để làm. Vợ chồng ngày nay từ tìm hiểu yêu nhau rồi mới kết hôn. Khi yêu cả hai người thường biểu lộ những đức tính tốt đẹp, lại khéo che giấu những khuyết điểm của mình để làm hài lòng người yêu; cho nên, sau khi họ kết hôn, bản tính xấu lộ ra dẫn đến hậu quả không tốt.

Khi hai người quyết định tiến đến hôn nhân, họ cho rằng danh phận của hai người đã được xác định, mối quan hệ vợ chồng đã bị ràng buộc rõ ràng. Vì thế, quan niệm trước đây cả hai cố khéo che đậy những thói hư tật xấu của mình để lấy lòng người yêu thì nay đã thay đổi, nên họ thể hiện hành động tùy tiện bất cứ lúc nào, vì họ cho rằng đã là vợ chồng thì không cần khách sáo, nếu giữ khách sáo là giả tạo bề ngoài. Nhưng mọi người không biết giữa vợ chồng điều cần nhất là khách sáo. Nếu như chồng (vợ) không hiểu được sự quan tâm của bạn đời mà cứ hờn trách gây ra phiền phức, không khen tánhkhiêm tốn tốt đẹp của bạn đời mà chỉ chê bai những khuyết điểm của họ, đã không khách sáo lại còn muốn khuất phục đối phương phải thuộc về mình. Sống chung lâu ngày, cả hai đều bộc lộ hết những thói hư tật xấu, kết quả sinh ra nhàm chán, họ cảm thấy người bạn đời thật đáng ghét. Đúng như trong kinh Vô Lượng Thọ, đức Phật dạy: “Nhìn vợ thật là chán ghét”. Kinh Ngọc Da Nữcũng nói: “Thấy chồng là không thích”. Hai bên chán ghét không thích nhau, do đó tình cảm dần dần rạn nứt, thậm chí gây ra bi kịch bất hạnh.

Vậy thì vợ chồng làm thế nào để có thể giữ được hạnh phúc suốt đời? Nhất định phải làm theo lời Bồ-tát dạy. Căn cứ theo những điều Phật, Bồ-tát dạy có hai điểm cần chú ý để chúng ta sửa đổi cho tốt đẹp:

1. Nói lời dịu dàng, nét mặt tươi vui.

2. Nhẫn nại.

Đức Phật dạy: “Người nói lời dịu dàng, nét mặt tươi vui sẽ không xảy ra bất hòa”. Đây là yếu tố quan trọng trong đời sống tinh thần của vợ chồng. Nếu như vợ chồng luôn nói lời dịu dàng, nét mặt thường tươi vui thì tình cảm có xảy ra rạn nứt không? Sự cảm thông là điều rất quan trọng trong đời sống vợ chồng. Nếu như cả hai không có sự cảm thông mà luôn chỉ trích, phê bình lẫn nhau, sắc mặt luôn hiện vẻ giận dữ, sự phê bình là viên đá ngầm làm rạn nứt tình cảm. Tông Thiên Thai có câu Ngạn Ngữ: “Tai thích nghe lời hay”. Phê bình sẽ gây ác cảm cho đối phương, họ nghĩ rằng chúng ta xem thường, cười chê họ; do đó mà họ mỉa mai lại, hoặc tức quá hóa giận. Khi cả hai đều nổi giận, có phải tự mình chuốc lấy khổ? Nếu như bạn đời có sai lầm, khi chúng ta muốn góp ý với họ phải tế nhị đừng nói thẳng, nên nhẹ nhàng trao đổi với nhau, đưa ra ý kiến thì họ mới khâm phục. Còn như bạn đời có ưu điểm thì mình phải tán thưởng và khen ngợi một cách chân thành. Trong kinh Hoa nghiêm,Phật dạy: “Người thường nói lời nhẹ nhàng, dịu dàng, nói lời người nghe thích thú, nói lời hay đi vào lòng người, nói lời tao nhã có phép tắc”. Không được nói: “Lời cộc cằn, lời mỉa mai, cố ý nói làm cho người khác tức giận, lời nói như thiêu đốt lòng người, lời nói tự hại mình và người khác”. Khi chúng ta nói điều gì lúc nào cũng phải suy nghĩ kỹ, điều đáng nói thì nói, điều không đáng nói thì im lặng.

Tu hành là sửa đổi hành vi. Nếu chúng ta quyết tâm tu hành thì điều trước tiên là phải sửa đổi từ lời nói thì mới có thể làm được “nói lời dịu dàng, nét mặt tươi vui”. Đây là bước đầu, vợ chồng sống chung với nhau phải thường hâm nóng tình yêu.

Vợ chồng có lúc do sự thay đổi tâm, sinh lý, nên tính tình có lúc thay đổi bất thường; hoặc do hoàn cảnh xảy ra những điều không hài lòng nên thể hiện lời nói, hành động sơ suất là chuyện bình thường. Nếu như cả hai không giữ được giới nhẫn theo đức Phật dạy thì cho dù việc nhỏ mà không nhường nhịn nhau cũng dẫn đến tranh cãi, ai cũng muốn người khác làm theo ý mình; như thế dễ xảy ra đổ vỡ. Chúng ta làm cho bạn đời tức giận thì bản thân mình cũng không tránh khỏi bực bội; đây là hành động hại mình, hại người. Vì sao chúng ta làm việc ngu xuẩn như thế?

Nếu chúng ta muốn nhẫn nại thì phải tu tập. Khi chồng nổi giận cho dù vợ có lý do chính đáng cũng phải tạm thời nhường chồng, không nên tranh luận; bất đắc dĩ thì tạm lánh ra ngoài, đợi sau khi chồng bình tĩnh rồi, vợ mới dịu dàng nói cho chồng biết vợ nhường nhịn không phải là vì yếu thế khuất phục mà sự thật là muốn cho gia đình yên ổn, đây là nghệ thuật sống trong đời sống vợ chồng giữa cương với nhu.

Người vợ biết sống cảm thông, độ lượng chắc chắn sẽ làm cho chồng cảm động, chân lý “nhu thắng cương” chúng ta ứng dụng rất nhiều trong cuộc sống thường ngày. Lại nữa, khi gặp đối phương tức giận mắng chửi thì chúng ta nhớ đến lời bồ-tát Thiên Thân dạy: “Người mắng chửi có hai hạng: một là thật; hai là không thật. Nếu đối phương nói đúng sự thật thì chúng ta phải biết hổ thẹn sửa đổi; còn đối phương nói không thật thì việc đó chẳng liên quan gì đến ta, giống như tiếng vang, như cơn gió thoảng qua, chẳng tổn hại gì; cho nên phải nhẫn”. Chúng ta có thể làm được như thế thì không xảy ra bất hòa. Khi chúng ta thực hành nhẫn là có thể làm cho bạn đời giác ngộ, dễ dàng nhận sự cảm hóa của quí vị, thì nhất định gia đình được sống hạnh phúc an vui.

Đạo vợ chồng là xây dựng từ nền tảng tình yêu mới có sự gắn bó lâu dài. Người vợ phải biết giữ gìn tình cảm vợ chồng, nó có thế lực tiềm ẩn rất lớn. Cho nên muốn cho tình cảm gia đình hạnh phúc mặn nồng thì người phụ nữ thật sự chiếm một vị trí rất quan trọng. Trách nhiệm của người vợ không nhất thiết phải ra ngoài xã hội làm việc. Nếu như người chồng làm thu nhập thấp thì tất nhiên là muốn vợ có việc làm để phụ giúp kinh tế gia đình. Nhưng điều kiện trước tiên là không trở ngại việc nhà và chăm sóc con cái. Nếu người vợ chỉ chú trọng việc kiếm tiền mà không quan tâm đến gia đình và chăm sóc con cái thì sẽ lợi bất cập hại. Sống trong hoàn cảnh đầy đủ vật chất vợ chồng dễ dàng cư xử với nhau. Không may gặp hoàn cảnh khó khăn bị bức bách chuyện cơm, áo, gạo, tiền thì cả hai dễ cãi vã với nhau, đặc biệt bản tính người phụ nữ hay than thở, cho nên dễ mắc phải sai lầm về lời nói và hành động, bất cứ lúc nào cũng có thể xảy ra chiến tranh. Tất nhiên vợ chồng là phải chia bùi xẻ ngọt, nhưng cũng không được quên lúc cùng nhau chịu cay đắng, phải nhớ lời Cổ Đức dạy:

Nếu chẳng một phen sương thấm lạnh

Hoa mai đâu rực sắc hương thơm”.

Cuộc sống càng khó khăn thì chúng ta càng nỗ lực phấn đấu vươn lên làm cho gia đình càng ấm êm hạnh phúc. Vợ chồng từ cảnh cơ hàn phấn đấu làm cho tiền đồ sáng lạn thì mới có ý nghĩa.

Có những người vợ tính tình ngang bướng, tự kiêu tự ngạo, ỷ mình con nhà giàu sang, quyền thế; hoặc có người cho mình xinh đẹp, khi gặp những chuyện trong gia đình có chút không vừa ý thì lớn tiếng la mắng, đánh đập con cái ầm ĩ. Những người vợ như thế là chưa có học qua gia giáo, là không hiểu đạo làm vợ. Người con gái khi về nhà chồng là phải đồng cam chịu khổ. Tại sao ỷ nhà mình giàu sang, quyền thế mà có thể kiêu mạn? Đức Phật dạy phải khiêm tốn, chúng ta không thể không chú ý. Người phụ nữ nào tự cho mình xinh đẹp thì hãy nhớ lời Đức Phật dạy nàng Ngọc Nữ: “Người nữ không nên tự cho mình xinh đẹp đoan chánh, kẻ không vâng theo chồng thì không đoan chánh, tâm ngay hạnh chánh là người phụ nữ đoan chánh”.

Nếu như gặp chồng không tin theo Phật pháp thì vợ phải khuyên nhủ chồng nghiên cứu Phật pháp, dẫn dắt chồng tin Phật, lại còn khuyến khích chồng học Phật. Người vợ dùng tình yêu chân thành của mình chắc chắn chồng sẽ làm theo; bởi vì, chồng chịu học Phật thì nhất định không có hành vi ngoại tình bên ngoài xã hội.

Còn nếu vợ không tin Phật thì chồng phải khuyên vợ tin theo. Vì khi vợ tin Phật có thể thay đổi tính ganh tỵ, tham, sân trở thành người vợ rộng lượng, dịu dàng, hiền thục. Chúng ta làm được như thế thì gia đình sẽ hạnh phúc vui hòa. Đức Phật dạy người đệ tử nữ: “Người nữ phải chung thủy với chồng, không được ngoại tình, không được xem thường chồng; khi chồng đi xa phải lo toan việc nhà chu đáo, không được thay lòng đổi dạ, bằng lòng cuộc sống sướng khổ hiện tại, hết dạ chung tình với chồng, giữ trọn đạo làm vợ, không chuộng vật chất”. Người vợ nào làm đúng lời Phật dạy, thật có phúc cho người chồng.

Thiên giáo dục con cái

*****

Thông thường trẻ em thường hay bắt chước. Khi các em bắt đầu học nói, thích học theo mỗi cử chỉ hành động của người lớn. Vì thế, trong một gia đình muốn con cái học điều hay lẽ phải thì trước tiên bản thân mình phải làm gương. Như chúng ta muốn con cái bỏ những thói quen không tốt thì trước hết phải thường kiểm điểm lại mình xem việc đó có đáng làm hay không. Giả sử như cha mẹ có những thói quen không tốt như hút thuốc, cờ bạc v.v…thì tự mình phải cai bỏ trước. Nếu giữa cha mẹ xảy ra bất đồng ý kiến thì phải giải quyết trên tinh thần hòa hợp có tình lý, không nên để con cái biết, hoặc để chúng nó thấy sự xung đột của hai người; bởi vì, mỗi hành vi của cha mẹ, con cái đều cho là đúng nên cố gắng học theo. Nếu một khi con cái thấy nhược điểm của cha mẹ nên mất niềm tin; cho dù sau đó chúng ta có làm điều tốt, nhưng con cái cũng cho là hành vi xấu mà không chịu học tập theo. Cho nên, bậc làm cha mẹ phải cố gắng làm tấm gương cho con cái noi theo.

Có những bậc cha mẹ còn nặng tư tưởng trọng nam khinh nữ, nên rất chiều chuộng con trai, còn con gái thì lơ là, xem thường; điều này trái với tôn chỉ chúng sanh bình đẳng của Phật giáo. Kinh Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội, Đức Phật dạy: “Người phát tâm Đại thừa không thấy khác biệt nam nữ”. Nam hay nữ cũng đều là người, cũng là cốt nhục của chúng ta vì sao lại phân biệt, khinh trọng? Nếu trong gia đình đối xử con trai và con gái không công bằng thì chẳng những làm rạn nứt tình cảm anh, chị, em mà còn không xứng đáng làm đệ tử của Phật.

Lại có rất nhiều bậc cha mẹ giáo dục con cái rất nghiêm khắc, thường la mắng quở trách, nhưng cũng có những người lại không quan tâm con cái cho chúng nó sống tự do phóng túng. Những bậc cha mẹ như vậy đều là sai lầm.

Cha mẹ nuông chiều con quá đáng, con cái muốn gì thì được nấy, răm rắp tuân theo, vô hình trung cha mẹ đã hình thành cho con thói quen tự kiêu, ích kỷ; sau đó, gặp việc không vừa ý thì chúng nó nổi giận phùng man trợn mắt. Ở nhà chúng nó được cha mẹ nuông chiều làm theo ý mình, nhưng khi trưởng thành bước chân ra ngoài xã hội, chẳng có ai chiều theo ý muốn của chúng; do đó mà xảy ra tranh cãi với mọi người, chúng nó đi đến đâu cũng gặp trở ngại. Đây cũng là cái hại do cha mẹ nuông chiều con cái từ nhỏ.

Có những bậc cha mẹ đối xử với con cái rất nghiêm khắc, dạy con theo cách áp đặt, không thể hiện tình yêu thương đối với con mà luôn lạnh lùng ra lệnh, tạo thành cuộc sống như ngục tù. Cách giáo dục như thế, làm cho tinh thần con cái bị tổn thương, khiến cho chúng nó không cảm nhận được sự thích thú và tình cảm ấm áp của gia đình, chỉ cảm thấy là cha mẹ thật đáng sợ vì do sợ hãi nên chúng nó sinh ra oán hận, từ oán hận mà sinh ra chán ghét. Sau này chúng trưởng thành xem cha mẹ là những ông bà già khó ưa.

Có những cha mẹ không quan tâm con cái, thả chúng sống tự do, không chăm sóc quản lý và chỉ dạy, tất cả mọi việc đều do chúng tự lo liệu; hoặc giao hết cho người giúp việc lo. Chúng ta nên biết, nếu không quan tâm chỉ dạy con cái khi còn nhỏ thì khi chúng trưởng thành sẽ dễ sống tự do phóng túng, không việc xấu nào mà chúng không làm. Lúc con cái còn nhỏ, chúng ta không quan tâm dạy dỗ thì tương lai làm sao chúng trở thành đệ tử trung thực của Đức Phật và một công dân tốt được? Mặc dù chúng được nhà trường giáo dục, nhưng chưa đủ; bởi vì, do thói xấu nuôi dưỡng từ gia đình đã tiêm nhiễm rất nặng, nên không dễ gì dạy dỗ được.

Con gái thường gần gũi với mẹ, có mối quan hệ thân mật hơn cha, cho nên muốn nuôi dạy trẻ thành người có nhân cách hoàn mỹ, thành một Phật tử thì trách nhiệm nuôi dạy con cái phần lớn là do ở người mẹ, tất cả mọi cử chỉ hành động của người mẹ, phải nên làm gương cho con cái. Chúng ta muốn con cái nghe lời, muốn chúng nó học tập theo thì tự thân phải làm mẫu mực, bằng không thì chỉ là nói suông mà bản thân không làm thiết thực; như thế, sẽ mất đi uy tín của người mẹ.

Có những bà mẹ dạy con không được mắng người, nhưng bản thân mình có lúc bất giác lại mắng con: “Mày là thằng bụi đời, ngu như heo v.v…”. Các bà cho rằng đó là sự thể hiện thương yêu chăng? Đức Phật dạy chúng ta: “Lời nói phải đi đôi với việc làm”. Chẳng những ra ngoài xã hội chúng ta nên làm theo Phật dạy mà khi ở nhà đối xử với con cái chúng ta cũng không được sơ suất. Có thể nói người mẹ chỉ nói suông mà không thể hiện bằng hành động thì sẽ đánh mất lòng tin với con cái. Trong kinh Thi la việt, đức Phật dạy cha mẹ đối xử với con cái có ba điều:

1. Nên dạy con bỏ việc ác làm việc thiện.

2. Nên dạy con học tập và làm việc.

3. Nên dạy con trì kinh giữ giới.

Chúng ta dạy con cái bỏ ác làm thiện chính là dạy bỏ những thói xấu hướng đến điều thiện. Chúng ta dạy con cái bất cứ lúc nào, nơi nào cũng chú ý đến lời nói và hành động. Nhưng có một số cha mẹ khi đùa giỡn với con cái, nếu người cha không dạy con đánh mẹ, mắng mẹ thì cũng là mẹ dạy con đánh cha, mắng cha. Chỉ vì tâm ích kỷ mà họ dùng phương pháp thấp hèn này để thử mức độ yêu thương của con đối với mình. Họ không biết rằng hành động đánh mắng thú vui này chính là theo ác bỏ thiện, đây là sai lầm rất lớn. Hành động như vậy là gieo vào ruộng thức thứ tám của trẻ, rồi hình thành thói quen, để lại hậu quả khó lường.

Có những đứa trẻ dùng chiêu tức giận để đạt được sở thích của chúng nó. Khi chúng ta gặp những đứa trẻ như vậy, nhất định không được nhượng bộ trước sự tức giận của chúng nó để thỏa mãn yêu cầu, nhưng cũng không được tức giận đánh mắng chúng. Chúng nó càng mè nheo la khóc thì chúng ta càng phải bình tĩnh, làm như hoàn toàn không để ý, cố gắng dạy cho chúng hiểu tức giận không có lợi ích gì. Ở trước mặt người khác, đặc biệt khi gia đình có đông người, chúng ta càng không được đánh đập, la mắng chúng nó. Nếu không thì, khi lòng tự trọng của trẻ bị tổn thương, chúng đâm ra lỳ đòn, luôn sẵn sàng chịu trận, mặc tình phạm lỗi. Có những đứa trẻ thường xuyên bị đánh mắng nên đâm ra sợ hãi rồi căm ghét, lâu ngày hình thành tâm lý căm thù cha mẹ. Vì thế, đối với những việc lặt vặt chúng ta nên dạy cho trẻ em làm, mặc dù trong nhà có người giúp việc, cũng nên sai chúng nó cùng làm. Tập cho con biết lao động là một việc rất quan trọng, những việc lặt vặt như mặc quần áo, xếp đồ, quét nhà, lau chùi bàn ghế, sắp xếp đồ đạc v.v…đều có thể bảo con làm. Khi con làm xong công việc, chúng ta phải nên khen thưởng, trẻ con có tính hiếu thắng, thay vì trách phạt, chúng ta nên khen ngợi khích lệ. Nhưng khi chúng ta khen ngợi, cũng nên lợi dụng cơ hội để dạy cho con biết cố gắng. Chúng ta phải dạy cho trẻ biết lễ phép với tất cả mọi người. Khi gặp họ hàng, bạn bè, người già cha mẹ đều phải dạy con biết cách xưng hô; hoặc khi con nhận quà phải biết cảm ơn. Lúc khách đến thăm phải dạy con niềm nở tiếp đón. Những điều này, chúng ta phải dạy cho con biết để cho con từ nhỏ đã biết kính trọng người già, giúp đỡ bạn nhỏ, thương yêu người nghèo khó.

Đồng lứa với trẻ em cũng rất quan trọng. Có rất nhiều em từ nhỏ đã nhiễm tính xấu từ các bạn của mình; cho nên, chúng ta muốn con cái mình không tiêm nhiễm những thói xấu thì phải chú ý và chọn bạn cho con, đừng cho chúng chơi chung với những trẻ xấu. Muốn cho con cái không tiêm nhiễm thói xấu thì cách tốt nhất là dùng cách ám chỉ làm cho chúng biết để tránh xa. Như trẻ em hay ăn quà vặt thì chúng ta bảo “bệnh từ miệng vào”, trẻ hay nói càn bậy thì chúng ta nói “họa từ miệng ra”, trẻ không biết lễ phép thì bảo người có hành động thô lỗ thì sẽ không được mọi người kính trọng. Chúng ta uốn nắn sửa đổi như thế, tất nhiên sẽ làm cho thói quen của trẻ dần dần tốt hơn.

Khi con cái tan học về nhà, hoặc ngày nghỉ, chúng ta phải quy định thời gian, nhắc nhở con ôn tập bài học. Nếu có điều gì nghi ngờ, hoặc sai lầm thì chúng ta phải giải thích tỉ mỉ, hoặc sửa chữa để cho con hiểu một cách thấu đáo. Môn toán là khoa học bàn về số và lượng, muốn dạy con học thì phải dạy một cách tuần tự, dạy con làm nhiều bài tập, nhưng thực hành bài tập phải phù hợp, đưa đến sự hứng thú cho con. Khi con gặp bài toán khó không giải được, chúng ta cứ để con tự suy nghĩ tìm cách giải đáp. Nếu sau khi chúng nó suy nghĩ kỹ mà vẫn không giải đáp được thì lúc đó chúng ta bảo con hãy tạm thời để vấn đề qua một bên, nghỉ ngơi một tí; hoặc đi ra ngoài tản bộ. Biện pháp hiệu quả nhất là bảo con ngồi nhắm mắt tĩnh lặng, nhất tâm niệm Phật để thần kinh thư giãn, thân tâm buông lỏng; trong lúc tâm định, rất có khi tự nhiên hiểu ra, giải đáp được vấn đề, vì định phát sinh trí tuệ.

Khi chúng ta dạy con viết chữ, phải chỉ dạy từng nét. Đầu tiên phải dạy con viết bút lông, đợi đến lúc viết quen dần, lại dạy con đồ theo chữ. Tư thế ngồi viết cũng rất quan trọng, thân ngồi ngay thẳng.

Bậc làm cha mẹ tuyệt đối không cho các con xem phim kiếm hiệp, hay những sách tiểu thuyết vô ích, hãy giữ tâm hồn trong sáng cho con. Tốt nhất khi rảnh rỗi nên dùng phương thức kể chuyện làm niềm vui, hay dạy cho con hiểu rõ một vài đạo lý của Phật giáo và những hiểu biết thông thường gần gũi về vệ sinh môi trường, vấn đề xã hội, thiên nhiên. Chúng ta không thể phó thác trách nhiệm giáo dục con cái cho nhà trường; bởi vì, học sinh quá đông, thầy cô không thể quan tâm hết từng em. Ngoài giờ đứng lớp, thầy cô còn lo việc soạn giáo án, chấm bài vở cho học sinh, giải quyết những chuyện mâu thuẫn của các em và còn lo chuyện mưu sinh trong cuộc sống. Họ có nhiều công việc như thế, nên không còn sức lực để dạy dỗ kỹ lưỡng từng em ngoài giờ học. Vì thế, bậc làm cha mẹ, khi sinh con ra phải lo chăm sóc nuôi nấng dạy dỗ, đặt cho con nền tảng thói quen và phẩm hạnh tốt; sau đó, phối hợp sự giáo dục của nhà trường thì mới có thể thành tựu.

Con người không thể không có tín ngưỡng tôn giáo, nhưng trong các tôn giáo, chỉ có Phật giáo là tốt nhất. Chẳng những một mình chúng ta tín ngưỡng Phật giáo mà còn chỉ dạy con cái cùng chung tín ngưỡng. Quan niệm tín ngưỡng được xây dựng nền tảng vào thời của trẻ em là thích hợp nhất, là an ổn nhất.

Giới kinh là chỉ giới luật của đức Phật, chính là những việc mà Ngài chỉ dạy mọi người trong kinh. Chúng ta dạy các em không được trái phạm giới luật, khiến cho trẻ “từ nhỏ đã quen” như thế là có ích suốt đời.

Cho nên, tín ngưỡng Phật giáo quả thật là điều kiện quan trọng tạo cho con người nhân cách cao thượng. Chúng ta thường kể những câu chuyện trong Phật giáo cho các con nghe, và những sự thật cảm ứng Phật, Bồ-tát cứu khổ cứu nạn, khiến cho các em tăng trưởng tri thức, biết được ân đức của Đức Phật thật vĩ đại. Ở thế gian có nhiều sự tích không thể nghĩ bàn, làm cho sự hiểu biết của các em không đến nỗi giới hạn ở trong phạm vi đời sống văn minh, vật chất nhỏ hẹp. Những câu chuyện về Phật giáo và sự thật cảm ứng thiện ác này, Phật hóa trẻ em trong cách dạy dỗ, có sức cảm động nhất, dễ thực hành nhất và thích hợp nhất trong đời sống gia đình. Bởi vì, già, trẻ, trai, gái đều rất thích nghe kể chuyện. Lúc kể chuyện cho trẻ em nghe, những tình cảm mừng, giận, buồn, vui thường phát triển, thay đổi theo cốt truyện, để trẻ có quan niệm thích thiện, ghét ác. Sau khi, chúng nó nghe kể chuyện, tình cảnh và nhân vật trong câu chuyện sẽ để lại ấn tượng sâu sắc, lâu ngày trẻ sẽ nhận được ảnh hưởng tốt từ câu chuyện. Mỗi hành động, lời nói của các em không hẹn mà phù hợp với tiêu chuẩn Phật hóa trẻ em.

Muốn kể chuyện lôi cuốn hấp dẫn thì chúng ta phải đọc sách báo cho nhiều, như kinh Bách dụ là kinh kể chuyện hay nhất. Khi kể, phải đơn giản, rõ ràng có sự thu hút; cũng có thể thường xuyên kể lại những điểm quan trọng đã kể qua để cho các em dễ hiểu. Lúc kể, chúng ta phải ứng dụng kết hợp giọng nói, nét mặt, cử chỉ tay thích hợp để diễn tả cảm xúc tình tiết nhân vật trong câu chuyện, phải sử dụng một cách thích nghi. Ngoài ra cũng thường nêu các câu hỏi, quan sát kỹ xem các em có chú ý lắng nghe hay không? Có thể hiện sự thích thú không? Có cảm xúc không? Cha mẹ phải Phật hóa con cái, phải đặc biệt chú ý câu chuyện. Đây là phương pháp huấn luyện Phật hóa trẻ con thích hợp nhất.

Thiên chí tình

*****

Cư sĩ Thạch Đại Cơ nói: “Khi con người vừa mới sinh ra, không lìa xa cha mẹ một phút. Lúc bé tròn một tuổi, biết rõ người quen, kẻ lạ, nếu cha mẹ ẵm bồng thì nó vui mừng, còn người khác bế thì nó khóc. Từ ba, bốn tuổi đến mười bốn, mười lăm tuổi, đói thì đòi cha mẹ cho ăn, lạnh thì đòi cha mẹ áo ấm. Lúc này, ai ai cũng biết con cái rất gần gũi yêu thương cha mẹ. Nhưng đến khi con cái cưới vợ, lấy chồng, tình cảm vợ chồng mặn nồng thắm thiết nên lạnh nhạt với cha mẹ; cho đến khi sinh con, chúng dành tình thương cho con, nên khoảng cách với cha mẹ ngày càng xa”.

Nếu cha mẹ gặp nàng dâu hiếu thảo, đức hạnh thì may mắn cho gia đình. Còn nếu không may gặp nàng dâu chua ngoa đanh đá, sau lưng nói chuyện thị phi của cha mẹ chồng, trước mặt thì khen tấm tắc, nhưng lại thấy cha mẹ chồng có nhiều điều không phải. Lâu ngày, người chồng chỉ biết gần gũi vợ con, dần dần ít thăm viếng cha mẹ, đối vợ con ngày càng thắm thiết, còn với cha mẹ thì ngày càng lạnh nhạt; chỉ biết lo lắng cho vợ con, bỏ cha mẹ già hiu quạnh cô đơn tuổi xế chiều, chẳng có ai quan tâm chăm sóc. Chúng ta không nghĩ đến mười lăm năm trước khi mình chưa có vợ con thì ai chăm sóc ẵm bồng? Ai lo cơm ăn, áo mặc? Ngày nay, có rất nhiều kẻ bất hiếu. Hiện tại, chúng tôi chỉ nêu ra vài điều, nếu như cha mẹ muốn xin chúng ta vật gì có giá trị một chút thì sao? Cả đời chúng ta tham tiếc của cải không chịu cho cha mẹ. Chúng ta phải biết thân mình là do cha mẹ sinh ra, có sá gì vật ngoài thân? Cha mẹ dặn dò một việc, không có gì là khó làm, nhưng chúng ta tìm cách từ chối. Cha mẹ nói vài câu, hoặc mắng vài tiếng, hay đánh vài roi thì chúng ta tức giận, không chịu phục tùng, thậm chí chống đối lại, trợn mắt nhìn cha mẹ. Nhưng khi ra ngoài xã hội làm việc, chúng ta lại luồn cúi người có quyền thế, nghe theo răm rắp, dù bị người ta đánh, mắng vẫn cam lòng chịu đựng, chỉ có đối với cha mẹ mình thì lại sân hận. Tại sao chúng ta không luồn cúi hầu hạ cha mẹ mình? Chúng ta làm được như vậy thì tính tình tự nhiên sẽ ôn hòa. Huống gì do chúng ta làm sai nên bị cha mẹ đánh mắng, la rầy, điều này cũng chỉ vì muốn dạy chúng ta thành người tốt. Cho dù cha mẹ có làm việc sai trái, hay càm ràm, áp đặt cho chúng ta những điều phi lý, chúng ta vẫn phải vui vẻ đón nhận, huống gì cha mẹ chỉ dạy điều đúng?

Lại có những người lạnh nhạt, bỏ bê cha mẹ chỉ yêu thương vợ con mình. Vì sao chúng ta không thương yêu cha mẹ giống như thương con cái mình? Người xưa có dạy: “Nếu người nào thương yêu vợ con như thương yêu cha mẹ là người chí hiếu. Lại có những cha mẹ bất hòa, phận làm con mà cố chấp ý kiến, không chịu hòa giải cha mẹ. Có bậc cha mẹ làm sai, các con trách móc trước mặt, hoặc nói sau lưng. Những người này đều là bất hiếu”.

Chúng ta vâng lời cha mẹ điều tất nhiên, cũng chính là những điều Đức Phật dạy: “Cha mẹ dạy bảo phận làm con không được chống trái lại”. Hoặc “Không được bỏ chánh nghiệp cha mẹ đã tạo”. Hay nói ngược lại, nếu như cha mẹ thể hiện lời nói và hành động không đúng; hoặc bị mê muội tin theo ngoại đạo, tà kiến, phận làm con chẳng những chúng ta không nghe theo mà còn khéo léo khuyên ngăn cha mẹ, nhưng khi can gián chỉ riêng cha mẹ. Nếu làm con mà chỉ biết thuận tình cha mẹ mà không thuận lý thì kết quả khiến cho cha mẹ làm việc bất nghĩa, tạo thành tội ác; hiếu hạnh như vậy là hoàn toàn sai lầm.

Bí quyết thứ nhất làm cho cha mẹ vui là hiếu dưỡng, cha mẹ sống vui vẻ mạnh khỏe thì được sống lâu. Khi ở bên cha mẹ, chúng ta không được hiện nét mặt buồn rầu, càng không được nói lời oán trách. Bất luận chúng ta gặp hoàn cảnh thuận hay nghịch cũng đều phải kiềm chế cảm xúc để làm cho cha mẹ vui. Cha mẹ thích thứ gì thì ta cũng thích thứ đó; cha mẹ kính ai thì ta cũng kính như vậy, làm vậy mới gọi là người con có hiếu, phụng dưỡng cha mẹ là bổn phận của con cái. Người xưa nói rất hay: “Con cái hiếu dưỡng cha mẹ không từ lao nhọc, chớp mắt chúng ta lại làm cha mẹ, mong muốn báo đáp thì cha mẹ không còn, quay đầu nhìn chỉ thấy con cháu mình”.

Mẹ chồng cũng từng làm dâu và nàng dâu tương lai cũng làm mẹ chồng. Con gái của mẹ chồng phải về làm dâu nhà người ta, mà con dâu của mẹ chồng cũng là con gái của người ta. Nếu một người đã trải qua làm dâu; hoặc con gái mình làm dâu nhà người ta phải chịu những điều oan ức vô lý, tất nhiên nàng dâu buồn rầu. Vậy thì phận mẹ chồng cũng không nên cố tình tìm lỗi lầm của con dâu; nếu con dâu có chỗ sai thì mẹ chồng nên góp ý một cách vui vẻ. Khi góp ý, cũng không nên ở trước mặt mọi người, kẻo con dâu mất mặt. Đức Phật Thích-ca dạy: “Khi góp ý sai lầm của người khác nên nói ở trong phòng”. Nghĩa là khi mẹ chồng góp ý xây dựng chỉ một mình con dâu. Nếu như giữa mẹ chồng và nàng dâu có xảy ra sự xung đột, làm bậc bề trên tốt nhất nên rộng lòng tha thứ, bằng không sẽ dẫn đến sự tranh cãi; còn mẹ chồng luôn thiên vị bênh con mình chê bai con dâu là không tốt. Có rất nhiều bà mẹ chồng cho rằng con gái mình tốt, còn con dâu không phải mình sinh ra nên xấu, vì sự nhận định sai lầm này mà giữa mẹ chồng và nàng dâu không hiểu nhau; do đó, dẫn đến sự hiểu lầm, chuyện bé xé ra to, từ đó gia đình bất hòa luôn tranh cãi với nhau.

Nếu mẹ chồng gặp nàng dâu nhiều chuyện, đâm bị thóc chọc bị gạo làm cho gia đình càng xào xáo bất an. Nguyên nhân này là do mẹ chồng sống không công bằng, không có tấm lòng rộng lượng. Mẹ chồng phải đối xử với con dâu giống như con gái mình; nếu nàng dâu làm việc chưa chu đáo thì nên nghĩ: “Tuổi trẻ ăn chưa no lo chưa tới”. Nghĩ như thế sẽ tha thứ cho con dâu, tất nhiên tình cảm mẹ chồng nàng dâu ngày càng thân thiết. Ngoài ra, nàng dâu cũng đối xử cha mẹ, anh chị em bên chồng như nhà mình, biểu hiện sự thân mật, không được có thái độ phân biệt.

Phận làm dâu phải cẩn thận lời nói, hành động của mình, nên sửa đổi làm theo ý của mẹ chồng, để mong cho bà hài lòng. Điều quan trọng nhất là phải nghĩ: “Tương lai mình cũng làm mẹ chồng, nếu sau này con dâu không làm mình hài lòng thì mình sẽ cảm thấy thế nào?” Vả lại, mẹ chồng là mẹ ruột của chồng mình, tất nhiên phải đối xử giống mẹ ruột mình phải hết lòng phụng dưỡng. Nàng dâu không biết điều, nếu gặp gia đình chồng nghèo khổ, công việc bề bộn, nhà lại đông người, cuộc sống đạm bạc mà cố ý biểu lộ những hành động khiến người khác khó chịu. Lại có những nàng dâu ỷ gia đình mình giàu có, danh vọng, khinh thường cha mẹ chồng và chồng. Những nàng dâu như vậy đều làm cho hạnh phúc gia đình rạn nứt. Ngoài ra, có nàng dâu tính tình kỳ quặc, lười biếng, quen sống xa xỉ v.v…cũng khó giữ được hạnh phúc gia đình. Cho nên, các cô phải tự biết khuyết điểm của mình mà tự sửa đổi.

Cư sĩ Lục Cảnh Tuyên nói: “Nàng dâu không chỉ riêng mình hết lòng báo hiếu cha mẹ chồng mà còn khuyên chồng báo hiếu. Nếu chồng có làm điều gì sai trái với cha mẹ thì nàng dâu phải thay chồng tạ tội. Khi nàng dâu không hiếu thảo làm cho chồng không nghe theo cha mẹ, chẳng phải tội một mình chồng, nàng dâu biết điều khuyên cha mẹ chồng bớt giận, từ nay về sau sẽ khuyên chồng sửa đổi”.

Phận làm con (làm chồng) khi vợ và mẹ xảy ra mâu thuẫn thì phải khuyên nhủ riêng từng người. Đối với mẹ vừa chí thành tạ tội, vừa xin tha thứ; nếu mẹ nói vợ không tốt thì chồng cũng phải thừa nhận hết lỗi lầm, làm cho mẹ hài lòng. Còn đối với vợ cũng biểu hiện sự đồng tình, giải thích và an ủi vợ, chồng tình yêu để cảm hóa sự tức giận của vợ; đồng thời cũng làm vợ vì cảm động tình yêu của chồng mà hiếu kính mẹ chồng.

----o0o---

Trình bày: Tịnh Tuệ

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
22/08/2024(Xem: 327)
Khí hậu Texas (TP Houston) hơi hầm vào Mùa Hè nhưng mọi người về khá đông trong 3 ngày. Đặc biệt, ngày thứ Hai (August 19) số người lên tới gần 1000 người. Vậy nhưng, sự nhẫn nại và lòng kiên trì của tất cả quý Phật tử (gồm nhiều cộng đồng như Tây Ban Nha, Việt, Đài Loan và Mỹ) đã tạo nên một KHOÁ TU MÙA HÈ 2024 đầy rực rỡ và tràn ngập năng lượng yêu thương. Buổi phỏng vấn và phát biểu của quý thiền sinh vào buổi trưa thứ Hai có nhiều người đã bậc khóc vì an lạc! Thiện Trí cảm ơn Thầy Trụ Trì Trúc Lâm đã tạo duyên lành cho Khoá Tu lần thứ 3 này tại Tu Viện Trúc Lâm Houston. Thầy cảm ơn tất cả quý vị volunteer đã dành hết tấm lòng phụng sự để khoá tu thành tựu viên mãn. Chúc lành đến tất cả! Namo Buddhaya 🙏☘️
10/08/2024(Xem: 756)
ột người tâm không tĩnh thì rất khó suy nghĩ cặn kẽ một vấn đề gì đó, xã hội hiện đại là một thời đại rối ren, con người sống và làm việc cũng đều rất kiêu căng, xốc nổi. Chỉ có người nào tĩnh tâm thì mới có thể cẩn thận quan sát thời thế, suy xét một cách sâu sắc để có được cách giải quyết vấn đề hoặc hiểu được con người một cách chính xác.
14/07/2024(Xem: 1044)
Trong cuộc sống hiện nay, sự đa chiều và phức tạp của xã hội từ các mạng lưới truyền thông đã làm ảnh hưởng tâm trí của con người rất nhiều. Sức chứa từ não bộ thì giới hạn mà chúng ta lại ôm vào nhiều thông tin quá tải đã đưa chúng ta đến việc căng não, stress, áp lực và từ đó chúng ta sinh ra sự cáo gắt, trầm cảm, giận vô cớ, khổ đau từ những việc không đâu. May mắn thay, Thiền đã xuất hiện. Thiền Thực Nghiệm giúp đưa chúng ta tìm lại được những khoảnh khắc bình yên cho THÂN và TÂM. Ngoài ra, Thiền còn mang lại năng lượng tích cực tuyệt vời mà chỉ khi nào chính chúng ta cùng ngồi lại thật sự với năng lượng đó trong một lớp học hay khóa tu trọn vẹn, thì mỗi chúng ta mới “cảm” được hết cái năng lượng ấm áp đó từ Thiền tập.
03/07/2024(Xem: 755)
Như vậy là các bạn học sinh sinh viên đã chính thức nghỉ hè. Với các em, đây là quãng thời gian quý giá để nghỉ ngơi, thư giãn, phát triển bản thân, tìm hiểu và học hỏi những gì hợp nhất, cần nhất, tốt nhất cho chính mình. Nắm bắt được nguyện vọng và nhu cầu này, năm nay một chương trình rất thú vị được tổ chức ngay trong những ngày tới. Với chủ đề “Ươm Mầm Thiện Nhân”, trại hè Phật Giáo tổ chức tại chùa Đại Tùng Lâm Hoa Sen mong muốn tạo môi trường sinh hoạt hè bổ ích giúp các bạn trẻ, đặc biệt là gieo thiện duyên để các em biết đến Đạo Phật và được trải nghiệm tu học Phật Pháp, tiếp thu những giá trị tốt đời đẹp đạo mà Đức Phật đã tìm ra và để lại cho chúng ta để ứng dụng vào đời sống học tập, làm việc, sinh hoạt hàng ngày.
07/05/2024(Xem: 2295)
Join us for this 7 day transformational retreat on Serenity island in Fiji with Dr Martin Nguyen TCM 27th May to 2nd June 2024 This Discover Serenity retreat integrates: Body Pulsing Negative Energy Release, Freedom Meditation, Serenity Qi Gong, Kava Ceremony, Transformational Workshops & Group activities, Beach Walks, Sunrise Meditation & Night Star gazing. Fijian Culture and Nature Immersion Inclusions: 6 Nights accomodation in beach front bure with ensuite &AC Organic herbal tea & bottled water Daily detox break fast, Fijian lunch & dinner Serenity island activities: snorkelling, kayaking, fish feeding tour, basket weaving & baby turtle care. 90 min Fijian full body massage x 1 2 hrs Island hopping & snorkelling tour x 1 (optional) 2 hrs Sand bar reef snorkelling tour x 1 (optional) 1 hr Traditional Fijian cooking class x 1 Body Pulsing Negative Energy Release, Freedom Meditation, Serenity Qi Gong, Kava Ceremony, Transformational Workshops & Group activities,
03/04/2024(Xem: 1958)
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật Xin thông báo tổng quát lịch Pháp thoại, khóa tu, Phật sự và hành hương của Thầy Tánh Tuệ năm 2024 Kính chia sẻ cùng chư Tôn đức, Pháp hữu và qúy Phật Tử lịch trình Hoằng Pháp, sinh hoạt tu học & Phật sự... với sự chia sẻ của Th Tánh Tụê cùng với sự hiện diện của chư Tôn đức tham dự trong tháng 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11- 2024
07/10/2023(Xem: 2174)
Thân đau yếu là để dạy cho Tâm biết Vô Thường!! - Thân thể đau yếu, bệnh tật là để tâm khởi lên sự chán ghét thế gian và có tác dụng làm sụp đổ các hy vọng . Tâm điên đảo, vọng tưởng chạy theo đủ thứ suy nghĩ là để giúp cho chúng ta thấy rõ cái đam mê, cái tham ái vào bản ngã.
31/07/2021(Xem: 6247)
Quyển sách nầy có 22 tác giả đóng góp bài vở, cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh. Sách do ba tổ chức tại Hoa Kỳ xuất bản. Đó là: Ananda Viet Foundation, Bodhi M.Foundation và Lotus Media xuất bản nhân lễ Phật Thành Đạo, Phật Lịch 2563, Dương Lịch 2019. Sách có độ dày 280 trang, khổ A5, in trên giấy thường, hình bìa trình bày rất trang nhã. Ban Biên tập gồm ba người. Đó là Đh Tâm Diệu, Đh Nguyên Giác và Đh Tâm Thường Định.
09/06/2021(Xem: 20591)
LUẬN VỀ CON ĐƯỜNG GIẢI THOÁT - Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh quyển thứ 32 thuộc Luận Tập Bộ Toàn. Thứ tự Kinh văn số 1648. Hán văn từ trang 399 đến trang 461 gồm có 12 quyển. - Ngài A La Hán Ưu Ba Đề Sa (Uptissa) còn gọi là Đại Quang tạo luận nầy và vào đời nhà Lương được Ngài Tam Tạng Tăng Già Bà La (Samghaphala) nước Phù Nam dịch từ chữ Phạn sang chữ Hán. - Sa Môn Thích Như Điển, Phương Trượng chùa Viên Giác, Hannover, Đức Quốc, dịch từ chữ Hán sang tiếng Việt tại Tu Viện Đa Bảo, Úc Đại Lợi nhân lần nhập thất thứ ba tại đây. Bắt đầu dịch luận nầy vào ngày 10 tháng 12 năm 2005.
07/06/2021(Xem: 12289)
Trong mùa an cư kiết hạ năm nay (1984), sau khi đã viết xong quyển "Lễ Nhạc Phật Giáo“, tôi định dịch quyển luận "Đại Thừa Khởi Tín" từ Đại Tạng Kinh, cùng với quý Thầy khác, nhưng không thực hiện được ý định đó. Vì quý Thầy bận nhiều Phật sự phải đi xa. Do đó, tôi đình chỉ việc dịch trên. Sở dĩ như thế, vì tôi nghĩ, tài mình còn non, sức còn kém; đem ý thô sơ, tâm vụng dịch lời kinh Phật chỉ một mình làm sao tránh được những lỗi lầm, thiếu sót. Nếu có nhiều Thầy dịch cùng một lúc, văn ý trong sáng mà lại bổ khuyết cho nhau chỗ thừa, nơi thiếu thì hay hơn; thôi đành phải chờ dịp khác vậy.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com