- Chương 01: Vài Nhận Định
- Chương 02 : Lòng Từ Bi Nhân Ái
- Chương 03: Thiền Định Khai thông sức mạnh của tâm thức
- Chương 04: Trí Tuệ
- Chương 05: Căn bản chung của tất cả các học phái Phật giáo Tây Tạng
- Chương 06: Tâm thức tự tại của ánh sáng trong suốt
- Chương 07: Dẫn nhập về tâm thức thần bí nhất
- Chương 08: Con đường tối thượng của sự nghỉ ngơi
- Chương 09: Tinh thần Vajra và "lòng nhân ái toàn cầu"
- Chương 10: Giáo huấn thứ hai
- Chương 11: Con đường thăng tiến tuần tự
- Chương 12: Giáo huấn thứ ba Sự giải thoát tự nhiên
- Chương 13: Tính cách độc đáo của ba giáo huấn
Khám phá tâm thức thần bí nhất
Đức ĐẠT-LAI LẠT-MA
Hoang Phong chuyển ngữ
Chương 4
TRÍ TUỆ
Mục đích của sự chú tâm
Phát huy sự chú tâm đúng đắn hướng vào một điểm nhằm mục đích gì? Việc luyện tập đó không nhất thiết là chỉ để giúp tâm thức đạt được một mức độ tập trung thật cao, hầu tạm thời loại bỏ tác động của các xúc cảm đau buồn thô thiển. Sự thăng bằng tạo ra bởi phép thiền định đó đúng hơn là để tạo ra một căn bản cần thiết mang lại cho mình một tầm nhìn siêu-thế-tục và chuyên biệt, hầu giúp mình nhận thức được tính cách vô ngã và sự trống không/Tánh không của sự hiện hữu tự tại, nhờ đó mà các xúc cảm đau buồn sẽ có thể được loại bỏ hoàn toàn và vĩnh viễn.
Sở dĩ phải phát huy trí tuệ hầu giúp đạt được sự trống không/Tánh không về sự hiện hữu nội tại, kể cả sau khi đã đạt được sự tập trung cũng vậy, bởi vì đấy là cách sẽ giúp mình loại bỏ được ý nghĩ sai lầm cho rằng mọi sự vật tự chúng hiện hữu do nơi chúng [một cách độc lập] và bởi chính chúng [không tùy thuộc vào một điều kiện nào khác cả]. [Do đó] sự kết hợp giữa sự tập trung và trí tuệ thật hết sức cần thiết (nếu phát huy sự tập trung hướng vào một điểm và dừng lại đó thì đấy cũng chỉ là một sự bất động và tê liệt. Sức mạnh tập trung tạo ra bởi phép thiền định là để làm một cái gì đó, trong trường hợp trên đây là để phát huy trí tuệ giúp mình nhận thấy bản chất trống không của sự hiện hữu của chính mình).
Nếu muốn cho trí tuệ sinh ra trên dòng luân lưu (continuum) của tâm thần hầu giúp mình quán nhận được tính cách vô ngã của chính mình thì nhất thiết phải thấu triệt được ý nghĩa của sự trống không/Tánh không là gì. Khi hiểu rằng thiền định về đức tin là một cách nuôi dưỡng đức tin để khiến cho tâm thức mình phải tin, tức có nghĩa là tạo ra một thực thể của đức tin bên trong tâm thức, thì thiền định về sự vắng mặt của cái ngã cũng vậy. Sự vắng mặt đó của cái ngã hay sự trống không/Tánh không phải được xem là đối tượng của thiền định, một chủ đích của tâm thức. Nếu muốn đạt được điều đó thì cần phải hiểu được vô ngã là gì, sự trống không/Tánh không là gì.
Thật hết sức rõ ràng, theo tập luận Các tiết thơ căn bản về Con đường ở giữa (Mûlamadhyamakakarika, Édition Padmakara, 2014 - gcts, Kinh sách Hán ngữ dịch là: Trung quán luận tụng) của Nagarjuna (Long Thụ) (là một trong các vị trụ trì đầu tiên của đại học Nalanda, sống vào khoảng thế kỷ thứ II và III, là người đưa ra học thuyết về Con đường ở giữa Madhyamaka, được Đức Đạt-lai Lạt-ma thuyết giảng trên đây - gcts) thì mọi hiện tượng đều trống không, thế nhưng điều đó không có nghĩa là chúng không hiện hữu hay không mang một chức năng [thật sự] nào (mọi hiện tượng đều hiện hữu và giữ một chức năng hay một vai trò rõ rệt đối với môi trường, thế nhưng cách hiện hữu và các chức năng đó của chúng không phù hợp, cũng không đúng với sự "hiểu biết", "tưởng tượng" hay "mong muốn" của mình). Nói một cách chính xác hơn là tất cả mọi hiện tượng sở dĩ trống không là vì chúng bị lệ thuộc (dependent/phải ở trong tình trạng lệ thuộc để mà hiện hữu, có nghĩa là phải nhờ vào sự tương liên và tương kết với những thứ khác để mà sinh ra và hiện hữu, tự chúng thì chúng không thể sinh ra và hiện hữu được). Nagarjuna (Long Thụ) không hề nói rằng các hiện tượng trống không là vì chúng không hàm chứa một chức năng (vai trò) nào, mà đúng hơn là vì chúng chỉ [đơn giản] là sản phẩm của một sự tương kết mà thôi. Do đó ý nghĩa của sự trống không/Tánh không cũng chính là ý nghĩa của sự tạo tác lệ thuộc (nhờ sự tương kết mà sinh ra).
Vì lý do tất cả mọi sự vật đều được tạo tác bằng sự lệ thuộc nên không có bất cứ một thứ gì có thể hiện hữu độc lập được. Sự lệ thuộc (dependence) và tính cách độc lập (independence) tự loại trừ lẫn nhau một cách tự nhiên, tạo ra một sự lưỡng phân (dichotomy, tách rời khỏi nhau, không thể cùng kết hợp với nhau được). Do đó một khi các sự vật (mọi hiện tượng) được tạo ra bằng cách lệ thuộc thì tất nhiên chúng sẽ không thể nào có thể độc lập được. Mọi hình thức độc lập có nghĩa là không-lệ-thuộc vào các thứ khác - nói một cách khác là sự tự-tạo-dựng (auto-établissement/self-establishment) của mọi sự vật bởi quyền năng của chính chúng - sẽ được gọi là "cái ngã" trong Phật giáo (nên hiểu tính cách "vô ngã" có thể áp dụng cho con người và cả mọi hiện tượng hay sự vật khác). Bởi vì cái ngã không hề hiện hữu nên chúng ta gọi sự kiện đó là sự "vắng mặt của cái ngã" hay "vô ngã" (non-soi/not-self).
Theo trường phái cao nhất của triết học Phật giáo và cũng là quan điểm do chính Nagarjuna đưa ra, thì vô ngã có hai thể loại: vô ngã của cá thể con người và của các hiện tượng khác. Thế nhưng sự khác biệt thật ra cũng chỉ liên quan đến phương tiện chuyển tải (supports) - tức là con người hay là hiện tượng -, nhưng đối với sự trống không/Tánh không thì như nhau, cả hai đều không có cái ngã hay một sự hiện hữu nội tại nào, nói một cách khác thì không phải là mỗi thứ có một thể loại vô ngã riêng. Khi nói rằng con người và tất cả mọi hiện tượng đều không hề hàm chứa một sự hiện hữu độc lập nào, thì cũng có nghĩa là chúng không có một sự hiện hữu với đầy đủ tư cách (plein droit/full right/đầy đủ quyền lực, chính đáng, đích thật), cũng không phát sinh từ một cội nguồn từ bên trong chúng, độc lập với các yếu tố khác, chẳng hạn như các nguyên nhân và điều kiện tạo ra các thành phần cấu hợp của chúng.
Một cách tổng quát, nếu muốn thấu triệt được ý nghĩa của vô ngã thì phải mượn phép thiền định phân giải và cách phối hợp giữa sự phân tích và suy tư. Chính vì thế nên trong tập luận Các tiết thơ căn bản về Con đường ở giữa, Nagarjuna (Long Thụ) đã đưa ra rất nhiều phương pháp lý luận khác nhau, thuộc các lãnh vực [triết học] khác nhau, nhưng tất cả các phương pháp ấy đều nhắm vào một mục đích duy nhất là chứng minh mọi hiện tượng đều trống không về một sự tạo dựng (tạo lập, hình thành, tạo tác) bằng quyền lực của chính chúng (một cách vắn tắt và dễ hiểu: không có một thứ gì tự nó có thể hình thành, phát sinh hay hiện ra là như thế được. Tất cả mọi hiện tượng - dù là vô hình hay hữu hình - đều phải ở thể dạng kết hợp hay cấu hợp, gồm nhiều thành phần liên kết và tương tác với nhau để tạo dựng ra chúng, và đồng thời cũng phải nhờ vào rất nhiều điều kiện khác giúp chúng không biến đổi "quá nhanh". Các hiện tượng mang tính cách cấu hợp đó lại tương kết với các hiện tượng khác cũng là các cấu hợp như chúng, để cùng nhau tạo tác và biến đổi không ngừng, đưa đến sự phức tạp và chuyển động thường xuyên của cả thế giới hiện tượng. Thiền định là một cách đi ngược lại với sự phức tạp và chuyển động - còn gọi là vô thường - đó, để quán thấy thể dạng đồng nhất, nguyên sinh, đơn sơ và bất động của thế giới đó và cả chính mình). Đó là phép lý luận phân giải cần phải thực thi khi thiền định.
Trong tập Kinh gom tụ các viên ngọc quý (Ratnakutasutra/Kinh Đại bảo tích, một tập kinh bằng tiếng Phạn gộp chung 49 bài kinh Đại thừa, gồm bốn quyển tất cả - gcts) và trong Chương nêu lên các câu hỏi của Kashyapa (Ca-diếp, một đại đệ tử của Đức Phật) có cho biết không phải là vì Tánh không mà hình tướng trống không, (như là một thứ gì đó từ bên ngoài áp đặt cho nó), mà đúng hơn là vì tự nó trống không bởi chính nó. Do đó, sự trống không/Tánh không chẳng hề có nghĩa là một hiện tượng trống không về một thứ gì khác với nó, mà đúng hơn là tự nó trống không về sự hiện hữu tự tại của chính nó - có nghĩa là trống không về một sự hiện hữu mang tính cách tuyệt đối (superlative/quá đáng, hơn cả sự thật) mà người ta cố tình áp đặt cho nó (người ta nghĩ và đoan chắc rằng mọi sự vật tất phải hiện hữu đúng thật như mình trông thấy bằng mắt mình, nhưng thật ra chúng chỉ hiện hữu tạm thời là như thế, nhờ vào sự tương kết với các hiện tượng khác và hỗ trợ bởi vô số các điều kiện khác, chúng luôn ở thể dạng chuyển động và biến đổi, tương tự như ảo giác, có nghĩa là "không thật" như mình trông thấy, mong muốn hay tưởng tượng). Do đó các vật thể đều trống không về một thứ quy chế cực đoan, một hình thức cụ thể hóa (reification) làm gia tăng thêm [một cách giả tạo] giá trị hiện hữu của các sự vật mà chúng ta cố tình áp đặt cho tất cả mọi hiện tượng.
Hãy bắt đầu với chính mình
Chính các bạn, với tư cách là các cá thể, cảm nhận được sự thích thú cũng như các sự đau buồn, và cũng chính các bạn tự tạo ra cho mình mọi thứ khó khăn và tích lũy nghiệp - có nghĩa là các thứ ồn ào và khuấy động gây ra bởi cái ngã của mình - , vì thế nên việc phân tích (tìm hiểu) những thứ ấy phải bắt đầu bởi chính mình. Sau đó, một khi đã hiểu được sỡ dĩ mình hiện hữu là do tự nơi mình, không cần gì đến cái quy chế tuyệt đối trên đây (statut surfait/overvaluated statut, overestimate, tức là cái ngã của mình, nói cách khác là cái "linh hồn" của mình) thì hãy áp dụng sự hiểu biết đó vào những gì mà mình ưa thích, những gì mà mình cảm nhận được và cả những gì mà mình sử dụng (các thứ ấy cũng chẳng có một cái ngã nào, tức là không có một giá trị bền vững và đích thật nào, vì thế mình cũng không nên bám víu vào chúng để mà khổ sở vì chúng). Dưới góc nhìn đó, thì con người mà mình đang có (với tư cách là một chủ thể) sẽ là đối tượng phân tích chính yếu nhất.
Các bạn hãy hồi tưởng lại một dịp nào đó mình gây ra một chuyện thật đáng trách và nghĩ rằng: "Quả thật tôi đã gây ra cả một sự tai hại". Trong lúc đang hồi tưởng đó, ý niệm về cái tôi của các bạn hiện lên dưới hình thức một cá thể rõ rệt, một nhân dạng thật cụ thể, thế nhưng cái tôi ấy không phải là tâm thức cũng không phải là thân xác các bạn, mà là một thực thể mạnh hơn (rõ rệt, chính xác hơn) những thứ ấy rất nhiều, có phải đúng là như thế hay không? (ý nghĩa của đoạn trên đây rất tinh tế: mình phạm vào một điều gì đó sai trái, mình hối hận, "cái tôi" đang hối hận đó rất mạnh, nó không đơn giản chỉ là tâm thức hay thân xác mình, bởi vì các thứ này "vô tình" hơn nhiều so với "cái tôi" đang hối hận: chính "tôi" đã gây ra chuyện đó. Điều này cho thấy là "cái tôi" hay "cái ngã" là một sự tác tạo cực đoan áp đặt thêm vào sự hiện hữu mà mình hiện đang có).
Hoặc trong một dịp khác các bạn nhớ lại mình từng làm được một chuyện gì đó thật tuyệt vời, và trong một dịp khác nữa thì mình từng tạo được cho mình một sự thú vị, khiến mình cảm thấy vô cùng hãnh diện. Cái tôi của mình [trong các trường hợp trên đây] mang giá trị thật to lớn, đáng để trau chuốt và quý trọng, chiếm giữ một vị thế hiển nhiên đến độ khiến nó tự xem mình thật quan trọng và đáng để ngưỡng mộ (trái với cái tôi "nhỏ bé" của sự hối hận, cái tôi của sự mãn nguyện thật "to lớn". Thế nhưng và thật ra thì cả hai cũng chỉ là các sự cảm nhận của tâm thức mà thôi. Người hành thiền khi đã hiểu được điều đó thì sẽ không còn dằn vặt mình, cũng không tự tâng bốc hay ca ngợi mình nữa, bởi vì tất cả những thứ ấy cũng chỉ là các sự cảm nhận mang tính cách xúc cảm, hiện lên bên trong tâm thức mình, tạo ra bởi chính mình, nói một cách khác là mình tự tạo ra cái "linh hồn" của mình).
Qua các trường hợp trên đây, rõ ràng cái tôi mang một ý nghĩa thật hiển nhiên, không chối cãi được. Mỗi khi nhận biết được cái tôi qua các sự biểu lộ hiển nhiên đó, thì các bạn cũng sẽ làm gia tăng thêm một cách thật quá đáng vị thế của nó bên trong tâm thức mình. Vậy các bạn cứ thử giữ nguyên sự biểu lộ ấy của cái tôi với tất cả sức mạnh của nó và len lén quan sát - nếu có thể nói như thế - xem nó có thật sự hiện hữu một cách vững chắc như nó hiện ra hay không?
Các hiện tượng, kể cả dưới hình thức các cảm nhận bằng giác quan cũng vậy, cũng không vững chắc và cụ thể [như mình tưởng], bởi vì các sự khiếm khuyết (lệch lạc, méo mó) là ở bên trong tâm thức mình (hiện tượng không đúng thật là như thế, nhưng tâm thức mình vì vô minh thì cứ cho rằng chúng đúng là như thế). Các sự hiển hiện đó cũng chỉ là các sự lừa phỉnh, thế nhưng chúng ta thì lại cứ tự động (không suy nghĩ gì cả) cho rằng chúng hiện hữu đúng thật bởi chính chúng, bằng quyền lực của chúng, điều đó cũng chẳng khác gì các bạn xem như là thật những gì xảy ra trong một giấc mơ, không hàm chứa một thực thể nào cả. Nếu cứ xem các thứ giả dối (faux-semblants/false pretences, lừa lọc) ấy là thật, thì đấy chỉ là cách mà mình gán thêm cho chúng các đặc tính khác, xuyên qua các quá trình tư duy lệch lạc, kém xây dựng kể cả tàn phá của mình, để mà mang lại thêm cho mình các xúc cảm bấn loạn và khổ đau.
Trước nay, sự trau chuốt cái tôi tiếp tay bởi vô minh luôn ngự trị nơi tâm điểm của trái tim các bạn, thúc đẩy các bạn dồn tất cả mọi sinh hoạt vào việc tìm kiếm hạnh phúc cho riêng mình, thế nhưng thật ra thì đấy chỉ là cách mang lại thêm đủ mọi thứ khó khăn cho mình mà thôi. Các bạn phải hiểu rằng sự ích kỷ (egocentricity/tự xem mình là trung tâm) ngự trị thật sâu kín bên trong con người của mình, là nguyên nhân mang lại cho mình mọi điều bất hạnh. Quả đã đến lúc các bạn phải loại bỏ sự trau chuốt bản thân mình để bắt đầu nghĩ đến việc chăm lo cho kẻ khác, và đấy cũng chính là cách mà các bạn loại bỏ vô minh và đạt được trí tuệ hầu giúp mình quán thấy tính cách vô ngã của chính mình.
Hành trình đến Giác Ngộ
Cách suy tư trên đây về ý nghĩa của sự trống không/Tánh không sẽ dần dần giúp các bạn thăng tiến trên đường Giác Ngộ. Sự thăng tiến đó được nêu lên trong câu man-tra (câu chú mang tính cách thiêng liêng) sau đây trong bản Tâm Kinh về sự Hoàn thiện Trí tuệ (là bản ngắn nhất trong tập kinh Prajna Paramita Hridaya Sutra/Bát-nhã Ba-la-mật-đa Tâm Kinh, tại Tây Tạng, Trung Quốc và Nhật Bản, bản kinh này thường được tụng niệm nhằm làm tan biến các chướng ngại trong việc tu tập của mình - gcts):
TADYATHA GATE GATE PARAGATE PARASAMGATE BODHI SVAHA
Câu man-tra bằng tiếng Phạn trên đây có nghĩa là:
Hãy bước lên, bước lên, bước lên phía bên kia, của bên kia bờ Giác Ngộ!
Vậy thì ai "bước lên"? Có phải đấy là cái tôi thuộc vào dòng luân lưu/continuum của tri thức hay không? Các bạn bước lên, nhưng để đi đâu? Phải chăng là để lánh xa cõi hiện hữu chu kỳ này, tức là tình trạng đang bị chi phối bởi ảnh hưởng tạo ra bởi các hành động ô nhiễm và xúc cảm kém lành mạnh của mình hay không? Các bạn đang bước, nhưng để đi đâu? Phải chăng là để bước vào thể dạng của một vị Phật, mang thân xác Dharma (Dharmakaya/Thân Đạo Pháp" hay "Thân Hiển Lộ" của một đấng giác ngộ, dưới nhiều thể dạng và hình thức khác nhau. Thuật ngữ tiếng Phạn Dharmakaya - tiếng Tây Tạng là Chos-Sku - được dịch bằng nhiều cách: "Thân Đạo Pháp", "Thân tuyệt đối", "Thân hiện thực" hay "Thân Sự Thật"... Trong phép tu tập Đại hoàn thiện, thì Dharmakaya là sự hiển lộ của bản chất tinh anh của sự trống không và sự tinh khiết nguyên sinh của tâm thức. Có thể xem thêm về ý nghĩa của thuật ngữ này trong phần cuối của chương 4, trong tiết mục "Các phẩm tính của thể dạng một vị Phật" - gcts), có nghĩa là đã vĩnh viễn thoát ra khỏi khổ đau và các nguồn gốc mang lại khổ đau (tức là các xúc cảm bấn loạn và tàn phá), kể cả các xu hướng tạo ra bởi các xúc cảm đau buồn đã có từ trước. Vậy sự thăng tiến đó của các bạn sẽ tùy thuộc vào các nguyên nhân và điều kiện nào? Đó là lòng từ bi và trí tuệ, sự kết hợp giữa hai thứ ấy sẽ giúp các bạn thăng tiến trên đường tu tập (nên hiểu rằng nếu không có từ bi thì trí tuệ sẽ không thể sinh ra được, cũng vậy thiếu trí tuệ thì từ bi cũng sẽ chỉ là một sự quờ quạng, vô nghĩa, chẳng ích lợi gì và cũng chẳng mang lại một kết quả thiết thực nào).
Đức Phật bảo các đệ tử của mình hãy bước lên để đến bờ bên kia. Đối với một người [còn đang] tu tập thì bờ bên này là samsara/ta-bà hay là "sự hiện hữu chu kỳ", sẽ rất gần với mình, trong tầm tay của mình. Bờ bên kia rất xa, nơi đó là nirvana/niết-bàn và cũng có nghĩa là "thể dạng của một người đã vượt được sang phía bên kia của khổ đau".
Khi Đức Phật nói lên: "TADYATHA GATE GATE PARAGATE PARASAMGATE BODHI SVAHA" (Ga-tê, ga-tê, pa-ra ga-tê, pa-ra-săn-ga-tê, bồ-đề tát-bà-ha) thì đấy là cách mà Ngài khuyên các đệ tử của mình hãy bước vào năm con đường:
GATE, con đường của sự tích lũy,
GATE, con đường của sự chuẩn bị,
PARAGATE, con đường của sự quán thấy,
PARASAMGATE, con đường của thiền định,
BODHI SVAHA, con đường đưa đến phía bên kia của sự tu tập.
(năm con đường tiếng Phạn gọi là panchamarga tương quan với năm giai đoạn tu tập tâm linh, qua năm giai đoạn này trí tuệ sẽ được sinh ra từ Tánh không và sẽ tinh khiết hóa các luồng khí tinh tế, các kinh mạch và các luân xa (chakras) - gcts)
Vậy thì chúng ta hãy tìm hiểu nội dung chủ yếu của các cấp bậc thăng tiến trên năm con đường đó:
Con đường thứ nhất hay con đường của sự tích lũy là gì? Đấy là con đường biểu trưng cho giai đoạn mà các bạn bắt đầu phát huy động cơ thúc đẩy (lòng quyết tâm của mình) hướng vào kẻ khác nhằm mang lại cho mình thật nhiều phẩm hạnh. [Trong giai đoạn này] dù các bạn đã bắt đầu thực hiện được sự kết hợp giữa động cơ thúc đẩy (lòng quyết tâm hướng vào kẻ khác) và trí tuệ, thế nhưng vẫn chưa có thể thực hiện được sự trống không/Tánh không do sự kết hợp giữa phép thiền định thăng bằng (sự chú tâm tĩnh lặng) và phép thiền định phân giải (sự suy tư về hiện thực và sự hiện hữu của cái tôi và mọi hiện tượng) tạo ra, được gọi là "thể dạng sinh ra từ thiền định". Trên con đường này (tức con đường của sự tích lũy) các bạn chỉ mới bắt đầu nhờ vào việc luyện tập thiền định để phát huy một sự chú tâm thật mạnh nhằm tạo ra "thể dạng sinh ra từ thiền định" giúp thực hiện sự trống không/Tánh không mà thôi. Do đó trên con đường thứ nhất này và cả con đường tiếp theo sau đó, các bạn chỉ mới thực hiện được sự trống không/Tánh không qua các hình thức đối nghịch của nó (nhờ vào sự phân biệt giữa hiện hữu và phi-hiện-hữu), bằng cách kết hợp giữa trí tuệ và sự trống không vẫn còn đang trên đường thực hiện.
Chỉ khi nào đạt đuợc "thể dạng trí tuệ sinh ra từ thiền định" với sự trống không đã thực hiện được đầy đủ, thì khi đó các bạn mới có thể bắt đầu bước vào được con đường của sự chuẩn bị (tức con đường thứ hai) một cách đúng đắn. Càng tập cho quen dần với thể dạng đó (tức thể dạng trí tuệ sinh ra từ thiền định) và càng phát huy động cơ thúc đẩy của lòng từ bi ngày càng mạnh hơn, thì lúc đó các bạn mới dần dần cảm nhận được sự hiển lộ của sự trống không/Tánh không một cách thật minh bạch, xuyên qua toàn bộ bốn giai đoạn của con đường chuẩn bị là: sức nóng, đỉnh cao, sự kiên nhẫn và các phẩm tính tối thượng của thế giới (bốn giai đoạn này của con đường chuẩn bị không thấy giải thích chi tiết trong sách, có thể chỉ là thứ yếu và dài dòng).
Khi nào sự trống không/Tánh không được thực hiện một cách trực tiếp [như trên đây], thì khi đó mọi sự ô nhiễm tinh tế mang tính cách đối nghịch cũng sẽ tan biến hết. Và đấy cũng là giai đoạn mở đầu của con đường thứ ba, là con đường của sự quán thấy - đánh dấu sự thực hiện trực tiếp và tiên khởi nhất về sự thật liên quan đến bản chất sâu xa của các hiện tượng, vượt lên trên cấp bậc thường tình, và cũng có nghĩa là đã đạt được giai đoạn siêu-trần-tục trên con đường quán thấy. Trong giai đoạn này tất cả mọi sự hiển hiện mang tính cách đối nghịch (nhị nguyên) đều biến mất. Theo Đại thừa Phật giáo thì đấy cũng là điểm khởi đầu của mười cấp bậc của người Bồ-tát/Bodhisattva, còn gọi là "Mười Địa giới" ("Thập địa"). Các cấp bậc này sở dĩ được gọi là "địa giới" là để nêu lên hình ảnh các phẩm tính tâm linh nảy sinh trong các cấp bậc đó cũng tương tự như cây cỏ mọc trên đất. Suốt trên con đường quán thấy và cả con đường thiền định, hai thể loại chướng ngại (sự đờ đẫn và bồn chồn) sẽ tuần tự được loại bỏ, trước hết là sự đờ đẫn nhờ khả năng trí thức và sau đó là sự bồn chồn sẽ tự động tan biến một cách tự nhiên.
Các thể dạng tâm thức đạt được bằng trí thông minh đều phát sinh từ các hệ thống tư duy sai lầm. Hãy nêu lên trường hợp của những người tu tập theo một số các học phái Phật giáo cho rằng các hiện tượng đều hiện hữu một cách quy ước, nhờ vào các đặc tính chuyên biệt của chúng (mỗi hiện tượng đều có các đặc tính và chức năng riêng, các đặc tính và chức năng đó "chứng minh" và "bảo đảm" cho sự hiện hữu của chúng). Quan điểm này được dựa vào sự lý luận cho rằng nếu các hiện tượng không được tạo dựng đúng là như thế thì chúng sẽ không thể nào hàm chứa một chức năng rõ rệt được, sự lý luận này hoàn toàn thiếu vững chắc (thí dụ về hai hiện tượng con bò và chiếc xe: nếu con bò không mang các đặc tính của con bò thì nó sẽ không phải là con bò, đối với chiếc xe cũng vậy, nếu nó không mang chức năng chuyển tải của một chiếc xe thì nó sẽ không phải là chiếc xe, do đó con bò và chiếc xe đều hiện hữu một cách quy ước với tư cách là con bò và chiếc xe. Thế nhưng chiếc xe hay con bò trên phương diện sâu xa chỉ là kết quả của những sự cấu hợp mang tính cách tạm thời, luôn chuyển động và đổi thay, do đó sự lý luận cho rằng chúng hiện hữu - dù chỉ là với tư cách quy ước - nhất thiết chỉ mang tính cách hời hợt). Thể loại lý luận lầm lần đó, bị ô nhiễm bởi một hệ thống nguyên lý thiếu vững chắc, được gọi là "giả tạo" hay "đạt được bằng phương tiện trí thức".
Mặc dù không tạo ra thêm bất cứ một xu hướng mới mang tính cách sai lầm nào bởi các khái niệm lẩm lẫn phát sinh trong kiếp sống hiện tại, thế nhưng mỗi cá thể đều cất chứa trên dòng luân lưu/continuum của tâm thần mình các xu hướng đã có từ trước (tức là nghiệp), chẳng qua vì trong các kiếp sống trước đây, mình từng tiếp nhận các quan điểm sai lầm (lưu lại các vết hằn trên dòng tri thức của mình). Các thể dạng tâm thần tiêu cực mang tính cách tự tại (có sẵn từ trước) trên đây đều hiện hữu nơi tất cả chúng sinh (đã giải thích trên đây, đó là nghiệp và cũng là nguyên nhân trói buộc chúng sinh trong cõi luân hồi), từ côn trùng cho đến con người, và (từ những thời gian không khởi thủy (time without beginning or end, timeless). Các thể dạng đó tự vận hành bởi chính chúng, không liên hệ gì đến các chuyện trong Thánh Kinh cũng như các cách lý luận vô căn cứ (những gì trên đây nêu lên một tầm nhìn thật bao quát về sự chuyển động tự nhiên của sự sống nói chung dưới tác động của các xu hướng thúc đẩy nơi mỗi chúng sinh, dù là côn trùng hay con người, dù trong một không gian nào hay một thời gian nào. Sự chuyển động tự nhiên đó phản ảnh sự tiến hóa của toàn bộ sự sống trong toàn thể thế giới hiện tượng. Tầm nhìn rộng lớn và siêu phàm trên đây, vượt khỏi thời gian và không gian, xuyên qua sự sống và mọi hiện tượng, không khỏi mang lại cho chúng ta một sự bàng hoàng nhất là khi nhìn lại vị trí của mình trong thế giới đó, và nếu nhìn vào các câu chuyện trong Thánh Kinh thì quả khó tránh khỏi cảm thấy một sự thật thà và dễ thương nào đó).
Các chướng ngại tạo ra bởi sự hiểu biết trí thức (tức là sự hiểu biết mang tính cách khái niệm và quy ước) hoặc giả tạo (các ảo giác và tính cách lừa phỉnh của các hiện tuợng) sẽ bị loại bỏ trên con đường của sự quán thấy (tức con đưòng thứ ba). Các chướng ngại tự tại (có thể hiểu như là các thứ bản năng của sự sống, dưới các hình thức xu hướng nơi mỗi cá thể) sẽ khó vượt thoát hơn bởi vì chúng được tạo ra bởi các thể dạng tiêu cực của tâm thức từ những thời gian không khởi thủy (khi nói rằng "nghiệp được ghi khắc hay lưu lại từ các kiếp sống trước" thì đấy chỉ là cách mượn một hình ảnh đã được đơn giản hóa và cụ thể hoá để nêu lên các hiện tượng qua các hình thức tương liên và tương tác vô cùng phức tạp và tinh tế, bắt nguồn từ thật lâu đời trong quá khứ, đưa đến sự sống của mỗi cá thể, gồm thân xác và cả tâm thức của cá thể ấy trong hiện tại). Phải loại bỏ các chướng ngại mang tính cách tự tại đó ngay khi nó mới hiện ra với mình lần đầu tiên trên con đường của sự quán thấy, nhờ vào sự luyện tập thiền định thật kiên trì vể sự trống không/Tánh không, và cũng vì lý do đó mà giai đoạn này được gọi là con đuờng của sự thiền định. Thật ra trước cả giai đoạn này các bạn cũng đã bắt đầu luyện tập thiền định về sự trống không/Tánh không, thế nhưng với con đường của sự thiền định thì các bạn phải kiên nhẫn và cần đến một thời gian luyện tập lâu dài hơn để quen dần với phép thiền định đó. Ở cấp bậc này các bạn sẽ bắt đầu bước vào chín Địa giới còn lại của người Bồ-tát. Trong số mười Địa giới thì bảy Địa giới đầu tiên được xem là "chưa tinh khiết" bởi vì trong bảy Địa giới này các bạn vẫn còn phải loại bỏ các chướng ngại đau buồn, chỉ có ba Địa giới sau cùng mới được xem là "tinh khiết". Ngay cả khi mới bước vào Địa giới thứ tám, các bạn cũng vẫn còn phải loại bỏ các xúc cảm đau buồn cuối cùng. Chỉ có sự tĩnh lặng đạt được trong Địa giới thứ tám, và sau đó là các Địa giới thứ chín và thứ mười, mới có thể giúp các bạn vượt được tất cả các hình thức ngăn chận sự hiểu biết toàn năng (để trở thành một vị Phật. Vượt hết mười Địa giới cũng có nghĩa là vượt sang bờ bên kia của sự tu tập).
Đến đây các bạn sẽ sử dụng phép thiền định tập trung [rắn chắc] tương tự như kim cương mà mình đã đạt được sau khi vượt hết mười Địa giới của ngưòi Bồ-tát, tức là toàn bộ các chướng ngại phải vượt qua trên đường tu tập, hầu giúp mình hội đủ khả năng loại bỏ dứt khoát các sự cản trở tinh tế [sau cùng] ngăn che sự hiểu biết toàn năng. Vào chính thời điểm mà tâm thức các bạn đạt được thể dạng tri thức toàn năng, thì tức khắc bản chất sâu kín của thể dạng tri thức ấy cũng sẽ biến thành Thân Tinh Anh của một vị Phật. Đấy là con đường thứ năm và cũng là con đường cuối cùng gọi là "con đường đưa đến phía bên kia của sự tu tập". Luồng khí nội tâm thật tinh tế, còn gọi là khí lực, sẽ hòa nhập với cấp bậc đó của tâm thức (tức là tri thức toàn năng) để trở thành một thực thể duy nhất. Các hình tướng vật chất khác nhau, tinh khiết và cả không tinh khiết, tất cả sẽ hiển lộ một cách tự nhiên nhằm trợ giúp chúng sinh. Người ta gọi các sự hiển lộ ấy là "Thân Hình Tướng của một vị Phật" hay "Thể dạng của một vị Phật", nói lên cội nguồn của mọi sự giúp đỡ và niềm hạnh phúc của tất cả chúng sinh.
Đến đây tôi xin chấm dứt phần giải thích ngắn gọn về sự trống không/Tánh không mà người tu tập căn cứ vào đó để phát huy trí tuệ tiên khởi bằng cách nghe giảng. Sau đó người tu tập sẽ tiếp tục thực hiện sự trống không/Tánh không bằng trí tuệ sinh ra từ sự suy tư, và sau cùng là nhờ vào phép thiền định về sự trống không/Tánh không giúp mình thăng tiến qua các chặng đường. Vậy các bạn cần phải luyện tập đều đặn hầu giúp mình phát huy trí tuệ ngày càng cao rộng hơn. Dầu sao cũng còn phải tùy vào cấp bậc tu tập của mình trong các kiếp sống quá khứ mà mình mang theo với mình trong kiếp sống hiện tại này (trình độ, xu hướng, cơ duyên và cả sự thăng tiến trong việc tu tập của mình trong kiếp sống này mật thiết liên hệ đến các hành động và sự tu tập của mình trong các kiếp sống quá khứ của mình).
(Trên đây Đức Đạt-lai Lạt-ma giải thích phải tu tập như thế nào để "thành Phật", dưới đây Ngài cho biết "thành Phật" là thế nào và sẽ có bao nhiêu thể loại Phật)
Các phẩm tính của thể dạng một vị Phật
Một vị Phật mang nhiều phẩm tính biểu trưng bởi các hình tướng khác nhau gọi là "thân" (kaya/thân thể, thân xác) và được chia thành hai nhóm lớn:
- Dharmakaya/Thân Đạo Pháp, còn gọi là Thân Sự Thật hay Thân Biểu Hiện, phản ảnh những điều tốt lành mà mình thực hiện được cho riêng mình.
- Rupakaya/Sắc Thân, còn gọi là Thân Hình Tướng, nói lên những điều tốt lành mà mình thực hiện vì người khác.
Các thể loại thuộc vào Thân Hình Tướng lại tiếp tục được phân loại tùy theo các cấp bậc "tinh khiết" và "không tinh khiết". Các vị đệ tử thực hiện được các cấp bậc thật cao thâm thì đạt được cấp bậc Sambhogakaya/Báo Thân (còn gọi là Thụ Dụng Thân), tức là Thân Thụ Hưởng hoàn hảo, các vị khác thực hiện được các cấp bậc khiêm tốn hơn thì đạt được các thể dạng khác nhau gọi chung là Nirmanakaya/Hóa thân (còn gọi là Ứng Thân hay Biến Hóa thân), tức là các Thân Biến Hóa (mang tính cách đa dạng).
Dharmakaya/Thân Đạo Pháp cũng được phân chia thành hai thể loại là Thân Tinh Anh và Thân Sự Thật của trí tuệ nguyên sinh. Đối với Thân Tinh Anh còn có các thể loại phụ là: Thân Tinh Anh tự nhiên và Thân Tinh Anh thứ yếu, sở dĩ gọi là thứ yếu là vì thể dạng Tinh Anh này chỉ mang tính cách phụ thuộc tạo ra bởi quy luật nguyên nhân hậu quả.
Thể dạng của một vị Phật đạt được bằng phép luyện tập kết hợp lòng quyết tâm (động cơ thúc đẩy) và trí tuệ, sẽ lưu lại các vết hằn của chúng bên trong thể dạng ấy của một vị Phật. Vết hằn lưu lại bởi động cơ vị tha (lòng quyết tâm thương người) sẽ tạo ra Thân Hình Tướng của một Vị Phật, nhằm mang lại những điều tốt lành cho kẻ khác. Vết hằn lưu lại bởi sự luyện tập trí tuệ sẽ tạo ra Thân Sự Thật của một vị Phật, với mục đích hoàn tất sự chuyển hóa nội tâm của chính mình.
Vậy động cơ thúc đẩy (lòng quyết tâm) và trí tuệ sẽ gồm có các thể loại như thế nào? Động cơ thúc đẩy tiên quyết nhất là trở thành một con người giác ngộ hướng vào kẻ khác. Động cơ thúc đẩy đó được khơi động bởi tình thương yêu và lòng từ bi, sẽ thúc dục mình thực thi các hành động từ bi nói lên các phẩm tính rộng lượng, đạo đức và nhẫn nhục. Thể dạng trí tuệ quan trọng nhất là tri thức thông minh thực hiện được sự trống không/Tánh không của sự hiện hữu nội tại.
Đấy là cách mang lại cho một vị Phật khả năng hiển hiện tự nhiên, không hề mệt mỏi, dưới bất cứ một hình thức thích nghi hay nhu cầu nào nhằm giúp đỡ kẻ khác, nhưng tuyệt nhiên không phải là vì mình và cho mình với tư cách là một vị Phật. Đứng về phía mình có nghĩa là với vị thế của một vị Phật, thì sự thực hiện toàn vẹn Dharmakaya/Thân Đạo Pháp sẽ là thể dạng của mình và mình sẽ an trú mãi mãi trong thể dạng đó.
Các phẩm tính tuyệt vời mang lại từ con đường, tức là thể dạng của một vị Phật, sẽ gồm chung trong "Mười Sức mạnh" và "Bốn điều không sợ hãi", tất cả phản ảnh một cách cụ thể qua tinh thần vajra (vajra có nghĩa là "kim cương" hay "tiếng sét của Indra/Đế-thích". Vajra/kim cương cũng là một pháp khí dùng vào các việc nghi lễ, và cũng là biểu tượng của toàn thể Phật giáo Tây Tạng. Kim cương nói chung biểu trưng cho bản chất rắn chắc không thể bị hủy diệt, không sai lầm, rạng ngời, trong suốt, là các phẩm tính của một tâm thức giác ngộ, tâm thức đó cũng tương tự như kim cương, không thể nào bị nứt rạn được - gcts). Sự hiển lộ của các phẩm tính đó chỉ có thể bị ngăn chận bởi các điều kiện bất thuận lợi xảy ra. Mười Sức mạnh của thể dạng một vị Phật là:
1- Biết được nguyên nhân và hậu quả, tinh khiết và cả không tinh khiết (có nghĩa là biết được nguyên nhân tốt hay xấu của một hành động và hành động ấy sẽ tạo ra hậu quả như thế nào).
2- Biết được sự chín mùi của các hành động (nghiệp đã đến lúc tạo quả).
3- Biết được những gì cao cả và những gì thấp kém, có nghĩa là phân biệt được các chúng sinh ở cấp bậc cao đã đạt được sự quyết tâm, và các chúng sinh yếu đuối còn mang nặng khổ đau.
4- Biết được cảnh huống (tình trạng, xu hướng) của mỗi chúng sinh.
5- Biết được các thể loại đệ tử, kể cả xu hướng và khả năng của họ đối với các hình thức tu tập khác nhau.
6- Biết được các con đường khác nhau đưa đến các thể dạng hiện hữu chu kỳ khác nhau (sáu cõi luân hồi) và cả các con đường khác nhau đưa đến các cấp bậc Giác Ngộ khác nhau.
7- Biết được các thể dạng tạo ra bởi thiền định, biết được các hình thức khổ đau và cả các thể dạng không bị ô nhiễm của kẻ khác.
8- Biết được các kiếp trước, của mình và kẻ khác.
9- Biết được cái chết và sự sinh, của mình và kẻ khác.
10- Biết được sự chấm dứt của tất cả các sự ô nhiễm.
[Ngoài Mười Sức mạnh trên đây] thể dạng của một vị Phật còn hàm chứa Bốn điều không sợ hãi sau đây:
1- Không sợ hãi khi nói lên rằng tôi đã giác ngộ hoàn toàn và dứt khoát đối với tất cả các hiện tượng (nhận biết được bản chất lừa phỉnh của mọi hiện tượng và thực hiện được sự trống không/Tánh không của chúng).
2- Không sợ hãi khi phải thuyết giảng [trước mọi người] về những nỗi khổ đau gây ra bởi sự thèm muốn dục tính, bởi hận thù và vô minh, và đấy cũng chính là các chướng ngại ngăn chận sự giải thoát; đồng thời cũng không sợ hãi khi phải thuyết giảng [trước mọi người] là các thứ biểu hiện lừa phỉnh là chướng ngại ngặn chận sự hiểu biết toàn năng về tất cả mọi hiện tượng; và cũng không sợ hãi khi phải thuyết giảng [trước mọi người] là phải làm cho tất cả các thứ ấy phải chấm dứt.
3- Không sợ hãi khi thuyết giảng về các con đường đưa đến sự giải thoát.
4- Không sợ hãi khi xác nhận là mình đã làm tan biến được mọi thứ ô nhiễm.
Khi đã tạo được cho mình một cách cụ thể các phẩm tính trên đây thì theo kinh sách mình sẽ là người đã đạt được giác ngộ từ khởi thủy (có nghĩa là không những loại bỏ được tất cả các thứ ô nhiễm trong kiếp nhân sinh này mà cả các nguyên nhân và các sự ô nhiễm trong các kiếp sống quá khứ của mình) và tâm thức căn bản của mình đã hoàn toàn trở nên nhân từ.
Trên đây là phần trình bày ngắn gọn và tổng quát về con đường Phật giáo. Trong phần sau chúng ta sẽ tìm hiểu về bài thơ thần cảm và những các lời giảng dạy thật chuyên biệt ẩn chứa trong đó.
Vài lời ghi chú của người chuyển ngữ
Chương 4 trên đây nêu lên thật hết sức rõ ràng con đường và cả mức đến trong việc tu tập Phật giáo nói chung. Hướng đi trên con đường là thiền định giúp phát huy trí tuệ để quán thấy bản chất của chính mình và cả mọi hiện tượng. Mức đến là sự Giác Ngộ ở cuối con đường, ở vào phía bên kia của sự tu tập. Dù đã đi hết con đường thế nhưng mình không sao quên được những người cùng đi với mình trước đây trên con đường đó, dường như họ vẫn còn lận đận phía sau, khiến mình có cảm giác là mình vẫn còn đang bên cạnh họ cùng đi với họ, và cứ muốn ghé vai gánh bớt cho họ cái gánh nặng khổ đau trên vai họ.
Hinh ảnh trên đây tóm lược con đường Phật giáo. Đức Đạt-lai Lạt-ma cho biết là con đường đó gồm có năm chặng tất cả: tích lũy, chuẩn bị, quán thấy, thiền định và mức đến. Thiết nghĩ đôi khi chúng ta cũng nên nhìn lại vị trí và hướng đi của mình trên con đường đó để khỏi bị lạc hướng, chẳng hạn như chỉ biết tu tập xoay quanh các phương tiện thiện xảo mà quên mất con đường..
Sau khi vạch ra cho chúng ta trông thấy hướng đi và những gì phải làm trong năm chặng đường trên đây, thì sau đó Đức Đạt-lai Lạt-ma cũng giải thích thêm thế nào là Thể dạng của một vị Phật, gồm "Mười sức mạnh" và "Bốn điều không sợ hãi", và đấy cũng là các điểm chuẩn giúp chúng ta định hướng. Thật vậy trên dòng lịch sử phát triển của Phật giáo vô số tông phái, học phái, chư Phật và chư Bồ-tát cũng như các phưong tiện thiện xảo được sáng chế thêm, khiến chúng ta không khỏi hoang mang, tương tự như đứng trước một ngã tư đường. "Mười sức mạnh" và "Bốn điều không sợ hãi" là các điểm chuẩn giúp chúng ta thỉnh thoảng nhìn lại chính mình xem mình đã đạt được những sức mạnh nào và những điều không sợ hãi nào, thay vì chỉ biết lo âu, cầu khẩn và hy vọng.
Độc giả có thể xem thêm về "Mười sức mạnh" và "Bốn điều không sợ hãi" được giải thích chi tiết hơn trong quyển sách sau đây của nhà sư Guéshé Kelsang Gyatso:
Ấn bản tiếng Anh:
Tantric Grounds and Paths, Tharpa Publications, UK, USA, Canada, Australia, Asia, 1994
Ấn bản tiếng Pháp:
Les Terres et les Voies Tantriques, Editions Tharpa France, 2009, tái bản, 2013.
(hết chương 4)
Bures-Sur-Yvette, 02.02.18
Hoang Phong chuyển ngữ