ĂN CHAY LÀ MỘT PHÁP TU
* Chiến tranh tàn phá hung tàn
Gây bao chết chóc căm hờn đớn đau,
Súng gươm bom đạn biết đâu
Tình người khô cạn hố sâu hận thù..
*****
Người sinh ra ở trên đời
Nhân từ bác ái cho trời đất thương,
Những phường ăn nhậu sát sanh
Gây nhân đau khổ chiến tranh hận thù.
Ăn chay là một pháp tu
Tương rau đạm bạc công phu nhẹ nhàng,
Ăn chay diệt bớt lòng tham
Giữ gìn khẩu nghiệp chẳng ham hố gì.
Ăn chay mở rộng từ bi
Thương người giúp vật sân si tiêu mòn.
Ăn chay đạo nghiệp vuông tròn
Chúng sanh hoan hỉ không còn chiến tranh.
Muốn cho thế giới hòa bình
Bảo vệ sự sống phóng sanh muôn loài,
Cùng nhau xây dựng tương lai
Trần gian hạnh phúc tràn đầy niềm vui…
Seattle, 2-12-2014.
Thích Nguyên Kim
Ăn Chay Là Một Pháp Tu
Thích Nguyên Tạng
Ngày 20 tháng 3, 2010 (ngày đầu mùa xuân tại một số nơi trên thế giới) là kỷ niệm năm thứ 25 ngày thành lập Meatout (Ngày Thế Giới Không Ăn Thịt), với sự tham gia của nhiều cá nhân và đoàn thể trên 31 quốc gia.
Trong chiều hướng cổ động một lối sống hòa bình, thích hợp hơn với Thiên Tánh của chúng ta, Việt Nam Ăn Chay đã cung thỉnh Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng, chủ biên Trang Nhà Quảng Đức, ban đôi lời nhân Ngày Thế Giới Không Ăn Thịt cho lợi ích của công chúng. Thầy đã từ ái gửi tặng chúng ta bài pháp đầy tình thương sau đây. Hẳn Thầy thấu hiểu tâm trạng khắc khoải của bao người và vật đang mong mỏi Địa Cầu sớm dứt nghiệp sát sinh, nên Thầy đã hồi âm rất nhanh, khiến chúng tôi bỗng dưng cảm nhận được lòng một bậc chân tu quả thật bao la.
Nguyện xin Ơn Trên luôn gửi đến thế gian những sứ giả và bậc Thầy khai ngộ để dẫn dắt nhân loại vượt khỏi bến bờ vọng tưởng, mê lầm. Việt Nam Ăn Chay xin chân thành tri ân Thầy Nguyên Tạng tôn kính đã ban cho bài "Ăn chay là một pháp tu."
Ăn Chay Là Một Pháp Tu
Xin tán thán công đức của ban biên tập VietNamAnChay.blogspot.com, đã cổ võ cho phong trào ăn chay nhân ngày Meat out 20 tháng 3 năm 2010 này. Ăn chay là thể hiện lòng từ bi và tình thương không có điều kiện đối với các loài thú. Phật Giáo khuyên nhắc và kêu gọi mọi người không những phát tâm ăn chay mà con phải phóng sanh các loài vật.
Bản năng của chúng sanh là thích tự do, mình bắt bớ giam cầm loài thú hoặc nuôi chim lồng cá chậu, là trực tiếp gieo nhân ở tù trong tương lai, cho dù bị bắt bỏ tù lầm, đôi khi ở tù 10 năm mới được tòa án phát hiện là không có tội, dù có được bồi thường đi chăng nữa, mình đã bị nhốt tù rồi.
Không nên săn bắn, chài lưới, giết hại, cắt xẻ, chiên nấu các loài thú, biến chúng thành thức ăn cho mình, vì sự sợ hãi, đau đớn của chúng bây giờ sẽ trở thành sự đau đớn và sợ hãi của chính mình ở mai kia mốt nọ. Chư Tổ Đức từng nhắc chúng ta về sự đau đớn, oán hận này của loài thú bị giết ăn thịt:
"Thiên bách niên lai oản lý canh,
Oán thâm tự hải hận nan bình.
Dục tri thế thượng đao binh kiếp,
Thả thính đồ môn dạ bán thanh."
Có nghĩa là: "Ngàn năm oán hận ngập bát canh, oán sâu như biển, hận khó tan; muốn biết tại sao thế giới có chiến tranh, thì hãy lắng nghe tiếng kêu cứu, tiếng la hét đau đớn của loài thú ở lò thịt vào lúc nửa đêm khuya". Rõ ràng nhìn vào bát canh thịt, mình sẽ thấy được gốc rễ của sự oán hận và chiến tranh. Trong Kinh Phật cũng dạy " Nhất thiết chúng sanh vô sát nghiệp, hà sầu thế giới động đao binh", có nghĩa là hết thảy chúng sanh không còn giết hại lẫn nhau, thì làm gì thế giới này có chiến tranh? Do vậy muốn hết oán hận nhau, muốn hết chiến tranh đau khổ, ngay bây giờ chúng ta hãy chấm dứt ăn thịt.
Chúng tôi thường nói đùa rằng bao tử của con người là một loại hình nghĩa trang để chôn cất các loài thú, từ lúc sinh ra đến lúc nhắm mắt lìa cõi đời của một con người, không biết bao nhiêu con bò, heo, gà, vịt, cá… được chôn vào đó ? mọi người tự kiểm chứng lại sẽ biết.
Đức Phật cũng tuyến bố " tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, ta là Phật đã thành, các con là Phật sẽ thành". Chúng sanh ở đây bao gồm cả người lẫn loài vật, con người vì nghiệp chướng quá nặng nên không nhìn thấy các loài vật cũng bình đẳng như mình, cũng đều ham sống sợ chết, cũng đều sợ lưỡi dao của người đồ tể, đều sợ hãi việc chém cắt thân thể ra từng mảnh nhỏ, đều run sợ trước sự hung bạo và hiểm ác, vậy thì tại sao chúng ta không ngưng việc giết hại và trân quý sự sống bằng cách phát tâm ăn chay ? Muốn biết sự đau đớn như thế nào của loài thú khi bị giết, xin mời xem: http://www.quangduc.com/AnChay/41losatsinh.html
Theo tinh thần Bồ Tát Đạo, trong vòng luân hồi sinh tử này, tất cả chúng sanh đều đã từng là cha mẹ, là anh em, là quyến thuộc của ta, nếu ta ăn thịt các loài vật, cũng đồng nghĩa với việc mình ăn thịt của cha mẹ, anh chị em và giòng họ của chính mình. Biết rõ điều này, nên chúng ta sẽ phát tâm ăn chay.
Cuối cùng, theo Phật Giáo thì ăn chay là một pháp tu, pháp tu này có vẻ dễ mà kỳ thực không dễ thực hiện, đó là pháp tu về lòng từ bi, từ bi là thể tánh của Niết Bàn, ai đạt đến lòng từ bi không cùng tận, người đó đã đạt đến giác ngộ giải thoát, ngồi vào địa vị Phật.
Như đã nói ăn chay là một pháp tu, vì là pháp tu nên không ép buộc mà tự bản thân phát nguyện thọ trì để có lợi lạc cho chính mình. Người Phật tử đã quy y Tam Bảo và giữ gìn năm giới, giới đầu tiên là giới không sát hại chúng sinh. Giới này rất quan trọng trong năm giới, muốn giữ giới này một cách hoàn hảo việc trước mắt nên phát tâm ăn chay, ăn chay kỳ (mỗi tháng 2 ngày, 4 ngày, 6 ngày, 8 ngày, 15 ngày…hoặc một tháng hay ba tháng) hoặc phát tâm ăn chay trường, ăn suốt năm từ khi phát tâm cho đến cuối đời. Khi ăn chay hoặc làm nhà hàng bán thức ăn chay, cố gắng loại bỏ một cách tuyệt đối những tên gọi của các loài thú trên bàn ăn của mình như " cá kho", "gà chiên", " bò hầm"…hãy đưa giáo lý Phật vào thực đơn của mình như "khai vị tứ đế", " cơm chiên bát chánh đạo", " lẫu giác ngộ"…. vừa ăn chay có phước, vừa hiểu được giáo lý, sẽ giúp cho hành giả tiến mau trên đường đạo của mình.
Tóm lại, ăn chay hiện tại là một trào lưu mới cho sức khỏe, dù là Phật tử hay không Phật tử cũng nên áp dụng ăn chay vào đời sống của mình. Đối với người không phải là Phật tử, ăn chay sẽ giúp thân thể tráng kiện, khỏe mạnh, thanh tịnh, tránh được các loại bệnh thời đại lây nhiễm từ loài thú. Còn đối với người Phật tử, ăn chay là một pháp tu quan trọng để thành Phật, mình không ăn chay được là biết nghiệp của mình còn nặng, mình phải phát tâm sám hối, sám hối để nghiệp của mình chuyển, nghiệp chuyển cuộc đời mình sẽ thay đổi và thăng hoa.
Melbourne, ngày 19-03-2010
Tỳ Kheo Thích Nguyên Tạng
Từ bi thể hiện muôn loài chúng sanh
Trước nhất trong sạch tâm ta
Sân Si từ bỏ Tham này cũng qua