Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Trường Đốc Thanh Chiêm - Đại học đầu tiên của Quảng Nam- Đà Nẵng

14/04/201717:43(Xem: 5399)
Trường Đốc Thanh Chiêm - Đại học đầu tiên của Quảng Nam- Đà Nẵng
Trường Đốc Thanh Chiêm
Đại học đầu tiên của Quảng Nam- Đà Nẵng
 
Châu Yến Loan



 

Trường tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng là trường Đại học đầu tiên của tỉnh nhà,  nơi hội tụ những quan Đốc học tài ba, đã đào tạo nên nhiều thế hệ Nho sinh xuất sắc hết lòng phục vụ nhân dân, những chí sĩ cách mạng giàu lòng yêu nước sẵn sàng hiến dâng trọn cuộc đời cho tổ quốc Việt Nam như Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp v. v…

Dưới thời nhà Nguyễn, trường tỉnh Quảng Nam đặt tại làng Thanh Chiêm, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn. Trường do một vị Đốc học điều hành nên nhân dân  quen gọi là trường Đốc Thanh Chiêm.

 

Từ khi Quảng Nam dinh được thành lậpnăm 1602, Thanh Chiêm - lỵ sở của Quảng Nam – được xem như kinh đô thứ hai của các chúa Nguyễn sau Chính dinh ở Thuận Hóa, quan Trấn thủ có quyền lực rất lớn, được quyết định mọi việc thuộc lãnh địa của mình. Đây cũng là nơi tập trung rất nhiều người trí thức, quan lại, nho sĩ, sư tăng, trưởng các giáo phái mà Francisco de Pina, người sáng tạo ra chữ Quốc ngữ, cho là nơi lý tưởng để học tiếng Việt: “Về vấn đề học ngôn ngữ thì luôn luôn ở Kẻ Chàm chính là nơi tốt nhất. Đây là kinh đô của triều đình. Ở đây người ta nói hay. Nhiều người trẻ quy tụ về đây. Họ là sinh viên(nho sinh). Gần họ những người mới bắt đầu học ngôn ngữ có thể được giúp đỡ” (Những người Bồ Đào Nha tiên phong trong lãnh vực Việt ngữ học, Roland Jacques, nxb Khoa học Xã hội 2007, tr 43).

Tuy thế vấn đề sống còn của các chúa Nguyễn trong buổi đầu ở Đàng Trong là phải lo tăng cường lực lượng quân sự để đối đầu với quân Mạc và quân Trịnh, phải ổn định xã hội đầy phức tạp và rối ren, phải lo sao cho những kẻ cùng đinh có miếng cơm manh áo, phải mở rộng lãnh thổ về phía Nam, khai khẩn đất hoang v.v…quá nhiều vấn đề quan trọng và cấp bách cần phải giải quyết do đó chưa có điều kiện quan tâm nhiều đến việc đào tạo các nhân tài có sở học uyên bác như các đời trước. Việc học hành thi cử dưới thời các chúa Nguyễn chủ yếu là để tuyển dụng những quan chức phục vụ cho bộ máy của nhà nước.

Thời chúa Tiên Nguyễn Hoàng và chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên vì phải tập trung lo củng cố quân sự và kinh tế nên  chưa có điều kiện để mở khoa thi, mãi đến tháng tám năm Đinh Hợi (1647), chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan mới mở khoa thi Chính đồ và Hoa văn, đây là kỳ thi đầu tiên của các chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Chúa định phép 9 năm thi một kỳ, ra lệnh cho các học trò đến công phủ để ứng thí.

 

 
Trường Đốc Thanh Chiêm- Đại học đầu tiên của Quảng Nam- Đà Nẵng

Quang cảnh trường thi

 

Chính đồ là khoa thi chọn người thi đậu ra làm quan, tương tự như thi Hương , thi Hội ở Đàng Ngoài. Thí sinh phải thi 3 ngày:

Ngày thứ nhất thi tứ lục, ngày thứ hai thi thơ phú, ngày thứ ba thi văn sách. Lấy văn chức, tri phủ, tri huyện làm sơ khảo; cai bạ, ký lục, nha úy làm  giám khảo; nội tả, nội hữu, ngoại tả, ngoại hữu làm giám thí.

Những người thi đậu được phân làm 3 hạng: Giáp, Ất, Bính.

Hạng Giáp là giám sinh được bổ làm Tri phủ, Tri huyện; hạng Ất là sinh đồ được bổ làm Huấn đạo; hạng Bính cũng là sinh đồ, được bổ làm Lễ sinh hoặc cho làm Nhiêu học mãn đại.

Hoa văn là khoa thi chọn học sinh viết chữ tốt ra làm thư lại. Thí sinh cũng thi 3 ngày, mỗi ngày viết một bài thơ. Người thi đậu cũng chia làm 3 hạng, được bổ làm việc ở ba ty Xá sai, Lệnh sử và Tướng thần lại và cho làm Nhiêu học.

Khoa thi năm Đinh Hợi (1647) lấy được 7 người trúng cách về Chính đồ, 24 người trúng cách về Hoa văn, tất cả đều được bổ dụng. (Theo Đại Nam thực lục, nxb Giáo dục 2002, T 1, tr 57)

Tháng tư năm Ất Mão (1675), chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần mở khoa thi. Ngoài hai khoa Chính đồ và Hoa văn còn mở thêm khoa Thám phỏng. Phép thi 1 ngày, hỏi về tình trạng binh, dân và việc Lê Trịnh. Người thi đỗ được bổ dụng vào ty Xá sai. Thi Thám phỏng bắt đầu có từ đấy.

Từ đó về sau, các chúa Nguyễn tiếp tục mở các khoa thi này cho đến khi Tây Sơn khởi nghĩa.

Đánh giá về việc đào tạo nhân tài của các chúa Nguyễn ở Đàng Trong, Lê Quý Đôn đã viết: “Họ Nguyễn trước chuyên giữ một phương, chỉ mở thi Hương, song chuyên dùng lại tư; không chuộng văn học, ít thu lượm được những người tuấn dị. Mỗi khi có khảo thí thì lấy học sinh Hoa văn nhiều gấp 5 lần Chính đồ và những nơi quan yếu thì ủy cho họ hàng coi giữ mà không cho người đậu Hoa văn giúp việc. Người đậu thi Hương bắt đầu bổ làm Tri phủ, Tri huyện, chỉ coi việc kiện tụng, thứ nữa là làm ký lục, thì chỉ giữ việc đòi thu thuế khóa, những kế lớn, mưu lớn thì không hỏi han gì đến, còn bọn tiểu học, hậu học sinh thì cũng không thấy có sự nuôi dạy tác thành, (thế mà) văn mạch một phương dằng dặc không dứt, thật đáng khen lắm (Lê Quý Đôn Toàn tập, T1, Phủ Biên tạp lục, nxb Khoa học Xã hội Hà Nội 1977,  tr 242, 243).

 Sau khi thu phục giang sơn, thống nhất đất nước, vua Gia Long rất chú trọng việc giáo dục, đào tạo nhân tài để giúp nước. Vua cùng bầy tôi bàn phép khoa cử, dụ rằng: “Khoa mục là con đường bằng phẳng của học trò, thực không thiếu được. Phải nên giáo dục thành tài, rồi sau thi Hương thi Hội lần lượt cử hành, thì người hiền tài sẽ nối nhau lên giúp việc.” (Đại Nam thực lục, nxb Giáo Dục 2002, T1, tr 527)

Vua cho lập Văn miếu ở các doanh trấn để thờ đức Khổng Tử và các môn đệ của ngài như Tứ phối (Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư và Mạnh Tử) và Thất thập nhị hiền (72 người học trò xuất sắc của Khổng Tử).

Lập trường Quốc tử giám ở kinh đô để dạy con quan và con thường dân ưu tú.

Năm 1802, đặt chức Đốc học ở các trấn Bắc thành. Cũng trong năm này trường tỉnh Quảng Nam được thành lập tại xã Câu Nhí, huyện Diên Phước đến năm 1835 thì dời về xã Thanh Chiêm.

Sách Đại Nam nhất thống chí, tỉnh Quảng Nam, quyển thứ 5, phần Học Hiệu ghi rằng: “Trường học tỉnh dựng ở xã Thanh Chiêm, huyện Diên Phước phía Nam tỉnh thành. Đầu niên hiệu Gia Long dựng tại xã Câu Nhí, niên hiệu Minh Mạng 16 (1835) dời qua xã Thanh Chiêm.” (Đại Nam nhấi thống chí, Quyển thứ 5, Tỉnh Quảng Nam, Tu Trai Nguyễn Tạo dịch, Nha Văn Hóa Bộ Quốc Gia Giáo Dục Sài Gòn, tr 19).

Trường tỉnh Quảng Nam do nhà nước lập ra, có một quan Đốc học phụ trách.

 

Sách giáo khoa :

 

Cũng như các trường tỉnh trong toàn quốc, học trò trường tỉnh Quảng Nam phải học những kinh sách do triều đình quy định. Hầu hết sách giáo khoa đều là sách của Trung Hoa, cũng có một số sách do người Việt Nam soạn như Tiết yếu diễn nghĩa của Bùi Huy Bích nhưng rất hạn chế.

Các sách phải học là :

Sách dạy cho học trò nhỏ:

-         Sơ học vấn tân

-         Ấu học ngũ ngôn thi

-         Minh tâm bửu giám

-         Minh đạo gia huấn

-         Hiếu kinh

-         Nhất thiên tự

-         Tam thiên tự

-         Ngũ thiên tự

-         Tam tự kinh v.v..

Sách dạy cho học trò lớn:

     -   Tứ thư gồm có Đại học, Trung dung, Luận ngữ và Mạnh Tử

     -   Ngũ kinh gồm Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Dịch và Kinh Xuân

          Thu

Ngoài hai bộ sách căn bản của Nho giáo kể trên, còn có thêm phần ngoại thư gồm:

     -   Một bộ Đường thi và mấy cuốn thi vận đời Đường.

     -   Một bộ Bắc sử ( Sử Trung Hoa) từ thời thượng cổ đến cận kim.

     -   Một bộ cổ văn khoảng vài mươi cuốn tuyển chọn các tác giả tiêu biểu   

          trong văn học Trung Quốc.

     -   Một bộ Nam sử (Sử nước ta) từ thời thượng cổ đến nhà Nguyễn.

Muốn thi đỗ, học sinh phải thuộc lòng các sách nói trên, phải luận cho đúng với tinh thần Nho giáo và gọt giũa câu văn cho hoa mĩ.

Năm 1827 vua Minh Mạng xuống chỉ chỉnh đốn lại các bản in Tứ thư, Ngũ kinh và Võ kinh trực giải có tại Văn miếu ở Bắc thành, bản in nào lâu năm mục nát thì khắc bản in khác bổ sung vào để đưa đến kinh đô giao cho Quốc tử giám  lưu giữ, phòng khi cần dùng in ra để ban cấp.

Vua Minh Mạng rất ưa thích sưu tầm sách vở, tài liệu văn học còn lưu giữ trong dân gian, người nào dâng sách lên đều được khen thưởng.

Tham Hiệp tỉnh Cao Bằng là Hoàng Đa Trợ dâng một bộ bản sao sách kiến tượng, vua xem thấy trong đó các phép suy lường, tính nghiệm độ số chưa được tinh vi. Nhưng vì nhiệt tình hưởng ứng phong trào sưu tầm sách nên vua vẫn chuẩn cho thu sách vào và khen thưởng để khuyến khích.

Không những người trong nước mà người nước ngoài dâng sách cũng được trọng thưởng.

Năm 1831, người nhà Thanh là Trần Úng dâng lên vua hai bộ sách Hoàng Thanh kinh giải và Thông giám tập yếu. Hai bộ sách đó trong kho đã có lại là sách góp nhặt thành bộ không mới lạ gì nhưng nghĩ đến tấm lòng thành kính của người dâng sách nên vua chuẩn cho thu một bộ Hoàng Thanh kinh giải giao cho Quốc tử giám để dùng và thưởng cho Trần Úng 20 lạng bạc.

Vua Minh Mạng còn cho người đi sưu tầm những di cảo thơ văn ngự chế thời Hồng Đức và các trước tác thơ ca, truyện, kí, tùy, phú hiện còn tàng trữ trong dân gian và ban thưởng cho các tỉnh những tập thơ ngự chế của vua. (Theo Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, TVII, nxb Thuận Hóa 1993, tr 182, 183)

Năm 1849 vua Tự Đức xuống dụ : “ Nay nhà nước yên ổn, văn tự rất thịnh; về việc giảng cầu, tu bổ văn hóa tin là hợp thời. Trước đây đã sai quan giảng át (chức quan nho thần giảng học) soạn sử ký các đời trước của nước Việt ta đem dâng trình để vua đọc. Nhân nghĩ nguyên bản sử trước trong đó ghi chép còn có chỗ không được thẳng thắn, sự lầm lẫn, thiếu sót còn nhiều, tất phải khảo cứu, tu sửa thêm, mới đủ tỏ ra tín sử, để truyền lại nghìn thu. Vậy chuẩn cho truyền dụ các địa phương từ hữu kỳ trở ra Bắc, phàm các nhà sĩ thứ, như có dã sử, tạp biên cùng sự tích đời Lê trung hưng về sau, mà nhà nào tàng trữ riêng được, đều chuẩn cho đem nguyên bản nộp quan, quan địa phương sở tại liệu cấp trả tiền bạc hậu cho họ để tỏ sự khuyến khích…; ngoài ra như các thơ văn, chí, kí xưa nay, tàng trữ ở bí các, còn không được mấy, cũng chuẩn cho các địa phương tìm mua để dâng lên” (Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ,  TVII, nxb Thuận Hóa 1993, tr 183, 184)

Những việc làm của  các vua nhà Nguyễn đều hướng tới mục đích cung cấp cho người đi học nhiều tài liệu học tập nhằm mở mang kiến thức, tinh thông văn học.

 

Chương trình giảng tập:

 

Năm 1803 vua Gia Long chuẩn y lời nghị về cách thức giảng tập:

Trường thứ nhất dùng kinh nghĩa

Trường thứ hai dùng chiếu, chế, biểu

Trường thứ ba dùng thơ, phú

Trường thứ tư dùng sách vấn.

 

Giảng sách:

 

Mỗi tháng nhà trường định kỳ giảng sách cho học sinh chia theo ngày lẻ, ngày chẵn. Đầu tiên giảng kinh truyện cho rõ ý nghĩa, sau giảng chính sử cho hiểu sự tích. Trong khi giảng chú trọng những điều vinh nhục, liêm sĩ, giải thích rõ nghĩa hiếu, đễ, trung, tín để chính tâm thuật.

Quan Đốc học vừa trông coi việc học cả tỉnh, vừa mở các lớp giảng tập. Đến ngày giảng sách “ Học quan mặc áo khăn ngồi trên nhà học, học trò mặc áo khăn ngồi im lặng nghe giảng. Còn người nào có thói xấu lười học tập, hạnh kiểm kém, cho phép đánh roi để cho biết nhục” (Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, T VII, nxb Thuận Hóa 1993, tr 187).

Thỉnh thoảng quan Đốc học cũng mở những buổi giảng tập về những điều cao siêu trong ý nghĩa kinh sách mà những Nho sinh xuất sắc nêu ra.

 

Làm văn:

 

Năm 1803 vua Gia Long chuẩn y lời nghị lấy các ngày mồng 3, mồng 9, 17, 25 ra đầu bài, học sinh đem về nhà làm đến kỳ hạn nộp bài (gọi là văn kỳ) hoặc làm ngay tại trường, trong một ngày phải xong (gọi là văn nhật khắc). Sau khi chấm, học sinh đến trường để nghe quan Đốc học nhận xét về các bài làm hoặc bình những đoạn văn hay, những bài xuất sắc.

Đôi khi các quan tỉnh yêu thích văn học cũng tham gia duyệt quyển bình văn. Trong tập Lô Giang tiểu sử ông Nguyễn Mại đã cho biết khi ông làm Án Sát ở Quảng Nam thì ông Trần Quý Cáp đang học ở trường Đốc Thanh Chiêm do ông Trần Đình Phong làm Đốc học. Trần Quý Cáp là một trong sáu người nổi tiếng thông minh, học giỏi của trường lúc đó là Phạm Liệu, Nguyễn Đình Hiến, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Quang và Trần Quý Cáp. Những lúc rảnh rỗi ông Nguyễn Mại thường lui tới trường Đốc Thanh Chiêm cùng với ông Đốc học Trần Đình Phong duyệt quyển bình văn nên đối với Trần Quý Cáp ông có tình thầy trò : “Trần Quý Cáp là người Quảng Nam. Lúc ta ngồi ở Quảng Nam, Trần quân là thượng hạng học sinh tú tài ở tỉnh ngang hàng với Phạm Liệu và Huỳnh Thúc Kháng. Ta tuy làm chánh chức nhưng khi rảnh lui tới trường học cùng với ông Đốc học Trần Đình Phong duyệt quyển bình văn. Đối với Trần quân có tình thầy trò.” (Lô Giang tiểu sử, tr 128, 129)

Ngoài việc giảng nghĩa lý của kinh sách, chương trình giảng tập cũng chú trọng tôi luyện kỹ năng làm văn giúp học sinh thuần thục các thể loại văn, thi, phú và trau chuốc câu văn cho hoa mỹ để tham dự các kỳ thi Hương, Hội, Đình.

 

 

 

Trường Đốc Thanh Chiêm- Đại học đầu tiên của Quảng Nam- Đà Nẵng
Lớp học ngày xưa

 

 

Quan Đốc học

 

Do triều đình bổ dụng được chọn lọc trong những người khoa bảng có tài đức. Quan đốc học là người trực tiếp giảng dạy và đào luyện học sinh nên nhà Nguyễn rất chú trọng đạo đức của các học quan.

Măm 1832, vua Minh Mạng xuống dụ: “ Đặt ra học quan đức tính mô phạm rất quan trọng. Nếu dùng không được người, thì mong sao tác thành được nhiều học trò” (Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, T VII, nxb Thuận Hóa 1993,  tr 193)

Vua đã triệu các viên Đốc học kém phẩm hạnh ở các tỉnh về kinh đô để  giáng chức như Vũ Thục, vào bệ kiến không thể nói ra được một lời, Vũ Đình Tuấn nguyên can án nặng, Đào Trinh hạnh kiểm kém bị hạch tội .

Vua truyền chỉ cho các Tổng đốc, Tuần phủ, Bố chánh, Án sát các tỉnh phải gia tâm kiểm tra các viên Đốc học và Giáo thụ, Huấn đạo thuộc địa phận của mình, người nào trình độ học thức còn thấp kém, hoặc phẩm hạnh có thiếu sót, không làm nổi nghề thầy, đều phải trung thực nêu tên lập tức cảnh cáo, đợi lệnh cách chức. Nếu quan nào cố tình bao che, thiên vị thì cũng bị xử tội cùng với học quan đó.

Để khuyến khích việc đào tạo nhân tài, triều đình cũng đặt ra phép thưởng phạt các học quan. Sau kỳ thi Hương, Bộ Lễ xét sĩ tử các hạt đỗ nhiều hay ít để làm cơ sở xét học quan hơn kém tâu lên, giao cho Bộ Lại chọn lựa thăng giáng.

Năm 1833, vua Minh Mạng lại chuẩn y lời nghị: Hạt nào từ trước văn học giảm sút, mà sau học quan dạy bảo có phương pháp, đến kỳ thi Hương đã có sĩ tử đỗ, lại không có ai bỏ giấy trắng, viết không đủ quyển thì học quan ấy được thưởng gấp bội lên. Hạt nào không có ai thi đỗ mà số thí sinh gấp đôi khoa trước, dù không ai bỏ giấy trắng, viết không đủ quyển, thì học quan ấy cũng theo lệ bị xử giảm một nửa. Hạt nào số ứng thí kém, lại không có người đỗ, mà có người bỏ giấy trắng, viết không đủ quyển thì học quan bị xử nặng thêm. (Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, TVII, nxb Thuận Hóa 1993, tr 193)

 

Học sinh trường Đốc Thanh Chiêm nhờ có truyền thống hiếu học lại được sự  giảng dạy tận tụy của các vị Đốc học nên đã đạt được những thành tích rất đáng tự hào. Qua 48 khoa thi Hương dưới triều Nguyễn từ khoa Đinh Mão, năm Gia Long thứ sáu (1807) cho đến khoa thi cuối cùng vào năm Mậu Ngọ, Khải Định năm thứ ba (1918), Quảng Nam có 254 Cử nhân. Và qua 39 khoa thi Hội từ khoa thi đầu tiên năm Nhâm Ngọ Minh Mạng thứ ba (1822) đến khoa thi cuối cùng năm Kỷ Mùi niên hiệu Khải Định thứ tư (1819), Quảng Nam có 39 người đỗ gồm 15 Tiến sĩ 24 Phó bảng. Nhờ thành tích học tập mà Quảng Nam được vinh danh là đất “Ngũ phụng tề phi”

 

 

 

                                                                             Châu Yến Loan

 

 

Địa chỉ :

Châu Thị Yến Loan

86/6/8A Âu Cơ- Phường 9- Quận Tân Bình- TP Hồ Chí Minh

ĐT : 0949.758.709

 

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com