Sự phát triển của Tịnh Độ tông
Tịnh độ tông là tên gọi chung của tất cả những giáo lí dạy rằng chúng sanh có thể thành Phật nếu
được vãng sanh về cõi Tịnh độ của đức Phật A-di-đà. Ở Ấn độ. giáo lí nầy được các ngài Mã Minh,
Long Thọ và Thế Thân giảng dạy trên cơ sở nhiều kinh điển khác nhau, như hai bộ kinh A-di-đà.
Lịch sử của Tịnh độ tông bắt đầu từ Ấn độ thời cổ đại, nhưng thời đó truyền thống đức tin chưa
được nhấn mạnh. Mặc dầu Ấn-độ lúc đó đã có một môn phái thờ đức A-di-đà, sự kính ngưỡng
Ngài chỉ là một trong các cách thực hành của Phật giáo Đại thừa lúc ban sơ.
Tịnh độ tông ngày nay là trường phái có nhiều tín đồ nhất ở Trung quốc và Nhật bản. Theo thống
kê chánh thức năm 1980, phái thiền Tào Động đứng thứ Hai sau Tịnh độ Chơn tông ở Nhật về số
tín đồ đông đảo nhất.
Trong thời kì trước Tổ Huệ Viễn (344-416), Tịnh độ chỉ là pháp môn nhiệm ý trong Phật giáo.
Ngài Huệ Viễn đã biến môn Tịnh độ thành một hoạt động độc lập, sau đó trở thành một tông
phái Phật giáo mới khi ngài thành lập Bạch Liên xã năm 402. Về sau, ngài Đàm Loan (476-542)
tổ chức lại Tịnh độ tông và được Nhật bản xem là Sơ Tổ của Tịnh độ tông Trung quốc. Tông nầy
nhấn mạnh đại nguyện của đức Phật A-di-đà, là đem tất cả những chúng sanh thành tín về cõi
An Lạc của ngài - và tập trung sự thực hành trong việc niệm danh hiệu A-di-đà Phật. Câu niệm
"Nam-mô A-di-đà Phật" (Chin: Nam-mo A-mi-to Fo) có nghĩa là "Kính lễ A-di-đà Phật". Bởi vì
tông nầy trông cậy vào sự cứu độ của đức A-di-đà Phật, nên được gọi là "Dị đạo" (đường dễ).
tiếng Trung quốc là "T'zu-li" và tiếng Nhật là "Tariki". Kinh điển của tông là A-di-đà Kinh và
Quán Kinh (tức Quán Vô Lượng thọ Kinh). Tông nầy truyền thừa qua nhiều vị Tổ trong đó có
Liên Trì (562-645), Thiện Đạo (613-681) và T'zu-min (680-748). Nhờ cách thực hành giản dị,
Tịnh độ tông có khả năng vượt qua các giai đoạn suy thoái và giai đoạn bức hại Phật giáo từ
năm 845 - hơn tất cả các tông khác. Tịnh độ tông Nhật bản được Pháp Nhiên thượng nhơn
(1133-1212) thành lập, về sau cùng với nhánh tẻ Tịnh độ Chơn tông, vẫn là tông phái có nhiều
tín đồ nhất.
Mục tiêu của Tịnh Độ tông
Mục tiêu tức thời của môn Niệm Phật là tạo nghiệp lành và điều kiện cho sự vãng sanh Tịnh độ.
Chân thành niệm Phật và khẩn thiết phát nguyện sanh về Tịnh độ là trung tâm của môn nầy. Tuy
nhiên, cũng quan trọng là sự tu tập để đạt được "nhất tâm" và "an ổn tâm" - một đặc tính mang
nhiều ý nghĩa, nhưng truyền thống tu viện cho là sự "tập trung tâm ý" hay là "đạt định". Dưới cái
nhìn của trào lưu Tịnh độ chính thức, thì "đạt định" là yếu tố cốt yếu và dấu ấn của sự thành công
trong việc tạo nghiệp lành cần thiết cho sự vãng sanh.
Một số độc giả có thể nghĩ mục tiêu duy nhất của tín đồ Tịnh độ tông là được sanh về cõi An Lạc
và Thanh tịnh của đức Phật A-di-đà...Nhưng thật ra, sự vãng sanh tự nó....không phải là mục tiêu,
mà mục tiêu là đạt được giác ngộ trong trụ xứ A-di-đà, nơi có các điều kiện thuận tiện tuyệt vời
để ta có thể sống đời Phật tử chân thật....Nếu ta có thể nói như thế, thì vãng sanh Tịnh độ chỉ là
phương tiện cho một mục tiêu cao hơn, đối với bất cứ môn phái Phật giáo nào, đó là sự đắc ngộ
và giải thoát...(D.T Suzuki, "Phật giáo Đông phương")
Tịnh độ Thực hành
Cách thực hành chánh yếu là niệm danh hiệu A-di-đà Phật, có hay không có quán tưởng đức Phật
và cõi Tịnh độ. Ba kinh chánh của Tịnh độ tông là 2 bộ kinh A-di-đà (A-di đà kinh + Vô Lượng Thọ
kinh) và bộ Quán Vô Lương Thọ kinh (gọi tắt Quán Kinh). Niệm danh hiệu Phật là nhằm kiểm soát
tâm ý và tạo điều kiện cho sự vãng sanh. Người niệm Phật thường tự đặt cho mình một số lượng
(thường là rất lớn) câu niệm Phật mỗi ngày. Có thể niệm lớn tiếng hay niệm thầm, có quán Phật
hay không cũng được. Đây là các thực hành thông dụng nhứt. Ít được dùng hơn là cách quán tưởng
Phật A-di-đà hay cõi Tịnh độ theo 16 cách quán khác nhau được dạy trong Quán Kinh, đặc biệt là
cách quán thứ 16. Phương pháp cao nhất là quán Phật A-di-đà không khác với tánh Phật của mình,
(gọi là Di-đà Tự tánh) tuy nhiên phương pháp nầy đễ bị lạc qua Thiền tông bởi vì sự vãng sanh có thể
trở thành thứ yếu. Tóm lại, niệm Phật hay quán Phật là những điều kiện bên ngoài, tin Phật (Tin Sâu)
và tha thiết cầu vãng sanh (Nguyện Thiết) là điều kiện bên trong. Chỉ khi nào có đủ hai điều kiện bên
trong nầy, hành giả mới có thể vãng sanh Tịnh độ.
Trong pháp môn Tịnh độ, bất cứ cách thực hành chánh đáng nào cũng đều có giá trị, miễn là công
đức được hồi hướng cho sự vãng sanh (của mình và tất cả chúng sanh). Tuy nhiên, lí tưởng nhất,
cách thực hành chánh phải là niệm danh hiệu Phật. Nếu người tu thực hành nhiều cách khác nhau,
không coi pháp nào là chánh, thì công phu mất tập trung và dễ quên đi mục tiêu chánh của mình
là vãng sanh Tịnh độ. Các môn tu phụ trợ có thể kể là: tu giới, trì chú, tụng kinh, v.v...
Ba yếu tố chánh của môn Tịnh độ là Tín, Nguyện và Hành. Người tu Tịnh trước hết phải tin chắc có
cõi Tịnh độ và đức Phật A-di-đà luôn luôn dang hai tay bảo hộ, sẵn sàng hoan nghinh và hướng dẫn
về Tịnh độ bất cứ chúng sanh nào tha thiết mong cầu sự cứu độ của Ngài. Đây gọi là Tín hay Tin Sâu,
điều kiện quan trọng nhất. Đã có đức tin, hành giả cần khẩn thiết mong cầu thoát khỏi cõi Ta-bà đầy
đau khổ và chướng ngại, để được sanh về cõi Tịnh độ đầy thanh tịnh và trang nghiêm. Đây gọi là
Nguyện Thiết. Sau khi có nguyện vững chắc rồi, hành giả phải cố gắng niệm danh hiệu A-di-đà đến
mức tâm mình với tâm A-di-đà là một (điều kiện lí tưởng để vãng sanh Thượng phẩm). Đây gọi là
Hạnh hay Hành Chuyên. Ba điều kiện Tin Sâu, Nguyện thiết và Hành Chuyên gọi chung là "Tư lương
của người tu Tịnh độ". Tin Sâu và Nguyện Thiết là hai điều kiện thiết yếu, nếu không có đủ thì sự
vãng sanh không có hi vọng. Phải Tin Sâu mới có Nguyện Thiết. Nhưng Tin Sâu và Nguyện Thiết mà
thiếu Thực hành thì rỗng, khó được vãng sanh hay chỉ vãng sanh ở phẩm vị thấp. Như một vị đại sư
đã nói: "Vãng sanh hay không là do Tín với Nguyện, phẩm vị cao hay thấp là do công phu tu hành"
(Xem thêm "Tư lương của người tu Tịnh độ")
Từ thời nhà Đường, chúng ta có nghe nói "Hành lang Tịnh độ" ở trong khuôn viên của các chùa lớn
hay đại tu viện, là nơi các khất sĩ Tịnh độ tụ họp thành nhóm để cùng nhau thực hành hay học tâp
Tịnh độ. Những thế kỉ sau đó, các đại sư Tịnh độ có uy tín đã tìm cách tổ chức những tu viện riêng
theo phương hướng Tịnh độ. Ngài Châu Hoằng (Liên Trì đại sư, 1535-1615) vào thời Minh, và ngài
Ấn Quang đại sư (1861-1940) thời Dân Quốc là hai nhân vật có ảnh hưởng sâu rộng trên hình thức
các tu viện Tịnh độ thời nay. Cả hai vị có chương trình qui mô nhằm áp dụng cách cấu trúc và các
qui luật cổ truyền về tu viện cho những nhu cầu riêng của Tịnh độ, như là xây các Niệm Phật đường
theo khuôn mẫu của các Thiền đường. Ngoài ra, các Tăng Ni Tịnh độ cũng có hình thức nhập tu riêng
gọi là Phật thất (Bảy ngày niệm Phật) mô phỏng theo Bảy Ngày Tỉnh Thức của Thiền tông, nhưng ở
trong khung cảnh tu viện khác hơn.
Các đặc điểm của Tịnh độ tông
Tịnh độ tông hay Liên tông là tông phái lâu đời nhất trong các tông phái Phật giáo ở Đông Á.
Ngoài ảnh hưởng của số tín đồ đông đảo, Tịnh độ tông sau cùng đã thâm nhập ở mức đáng
kể vào các tông phái khác. Không có yếu tố nầy, có lẽ Tịnh độ tông khó có thể giữ vững đuợc
thế mạnh trong lòng nhân dân Trung quốc, sau thời kì của Tổ Huệ Viễn.
Các đại sư cao cấp về Tam tạng thường nói rằng: "Phương pháp niệm danh hiệu Phật bao trùm
cả Thiền, Giáo, Luật và Mật tông. Tại sao niệm Phật có thể bao gồm cả bốn tông? Bởi vì trong
khi niệm Phật, ta trừ được vọng tưởng và bám níu - đó là Thiền. Danh hiệu Phật A-di-đà bao
gồm vô lượng diệu nghĩa, khi xướng lên thì đồng như tụng đọc giáo điển - đó là Giáo. Niệm
danh hiệu tới mức thâm sâu trừ được ba nghiệp của Thân Khẩu Ý - đó là Giới. Danh hiệu của
A-di-đà Phật có công năng như câu thần chú, trừ được phiền não và sai quấy, cắt đứt ác nghiệp,
thỏa lòng mong cầu và chế ngự tà ma - đó là Mật.
Trong bộ luận về kinh Tịnh độ, ngài Châu Hoằng (Tổ thứ Tám Liên tông) xếp kinh Tịnh độ vào
hàng Đốn giáo, cũng có đặc tính "Chung giáo" như kinh Pháp Hoa và tính Viên giáo như kinh
Hoa Nghiêm. Gọi là Đốn giáo, ngài nói, bởi vì người tu được vãng sanh Cực Lạc ngay sau khi
trông cậy vào danh hiệu đức Phật A-di-đà. Ngài Châu Hoằng cũng giải thích là tâm của người
niệm Phật rốt ráo cũng được an ổn như như tâm vô niệm của người tu Thiền. Cũng như Hàn
Sơn, ngài Châu Hoằng hiểu giáo lí Tịnh độ theo tinh thần Thiền tông, nhưng đồng thời cũng
tuyên dương khía cạnh sùng tín của pháp môn Tịnh độ. Trong cả hai người, môn Tha lực qua
sự cứu độ của đức Phật A-di-đà đã hòa chung với môn Tự lực giải thoát qua sự nỗ lực của
bản thân.
Việt dịch: Thích Phước Thiệt