KONTUM VÀ SỨ MẠNG HOẰNG PHÁP
"Hoằng pháp thị gia vụ" đó là câu nằm lòng cho những trưởng tử Như Lai, khi bước chân vào đời. Mọi việc qua bốn oai nghi đều mang trọng trách: "Tác Như Lai sứ". Và khi hành động bất cứ việc gì cũng đều là việc Phật: "Hành Như Lai sự".
Qua 35 năm thành hình một tổ chức Phật giáo thống nhất ba miền với các hệ phái, Phật sự từ đó cũng được đáp ứng tùy từng giai đoạn. Mỗi hệ phái, tông phong cũng được duy trì và phát triển chung với sự phát triển của Giáo Hội.
Tuy nhiên, với thời gian như thế, Giáo Hội vẫn chưa phủ kín 59 trên 64 Tỉnh thành từ Nam chí Bắc. Nhất là vùng Tây Bắc vẫn còn bỏ trống. Một số Tỉnh được lập thành BTS thì nhân sự không đủ đáp ứng, vì thế việc kiêm nhiệm đã sanh ra lắm vấn đề và Phật sự cứ phải dẫm chân tại chỗ.
A/. Tình hình chung là vậy, riêng Phật giáo Kontum, từ khi tách Gia Lai khỏi địa bàn vào năm 1991 và 1995, đến nay đã qua 4 nhiệm kỳ, việc Hoằng pháp nói riêng và các Phật sự nói chung vẫn chưa có nét vượt trội. Sự có mặt một số cơ sở thờ tự nơi vùng sâu vùng xa chưa phải là điều đáng nói, nếu nhân sự và tín đồ tại chỗ chưa thấm nhuần giáo lý và chưa củng cố niềm tin quần chúng trước những cám dỗ thử thách khách quan. So với công lao của tiền bối khi đặt chân lên vùng cao nguyên đất đỏ do các vị từ miền Trung như Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Huế, Bình Định.
Để có cái nhìn tổng quan, ta lược sơ qua vài nét chính:
- Năm 1932, từ một Âm Linh miếu, Quan Tổng trấn Võ Chuẩn thành lập Tổ đình Bác Ái, cung thỉnh trưởng lão Ht Thích Hoằng Thông lên chứng minh đạo tràng và thỉnh Tăng cang T. Từ Vân về trụ trì chùa Bác Ái.
- Năm 1936 HT Huệ Chiếu từ Bình Định lên, thành lập chùa Trung Khánh, đó là những nền móng đầu tiên để Phật giáo có mặt tại Kontum. Mặc dù trong thời chiến, vẫn có những cao Tăng như HT T. An Khánh, HT T. Thiện Bình, HT T. Thiện Nhơn, HT T. Đổng Minh... cùng một số Tăng tài từng đến Tây nguyên hoằng hóa.
B/. Tiếp nối công lao của các bậc tiền hiền liệt tổ, sau 1975, Phật giáo Kontum đã dậm chân tại chỗ. Mãi đến năm 1981 thành lập GHPGVN, gần 15 năm sau, Kontum mới ra mắt được BTS Tỉnh. Lúc bấy giờ các huyện vẫn chưa thành lập được BĐD, vì thế, trên danh nghĩa, PG Kontum có tổ chức nằm trong hệ thống tổ chức chung, nhưng sinh hoạt vẫn mang tính cục bộ, tông môn và địa phương. Thời gian gần đây, khi mà bánh xe Giáo Hội trung ương có chuyển dịch thì Phật giáo Kontum mới hình thành một số ban ngành tương ứng với hệ thống dọc; nhưng thực tế, hiệu quả hầu như y như cũ, nghĩa là chẳng có một thành tích đáng kể, ngoại trừ vài cơ sở vật chất được xây dựng.
C/. Công cuộc hoằng pháp vẫn là lối mòn truyền thống, hầu như các nơi đều như thế. Người dân đến chùa chỉ được hướng dẫn tu tập, ít khi được nghe diễn giảng của thầy trụ trì. Chư Tăng nói chung và Ban Hoằng pháp nói riêng, chưa chủ động đến với người dân để mang giáo lý giúp họ hiểu về Phật giáo; ngay cả giáo lý sơ đẳng như: Nhân Quả, Nghiệp Báo, Trai Tịnh, Giới Luật cư sĩ...
Trong khi Tin Lành, Mục sư vào tận thôn xóm, tiếp xúc với dân lành. Thiết nghĩ, Ban Hoằng pháp trung ương nên xét lại phương cách hoằng pháp để có hiệu quả hơn. Trên 95 triệu dân mà số tín đồ thực thụ hiểu giáo lý đạo Phật chưa bằng Kito giáo có mặt 5 thế kỷ nay là chuyện lạ.
D/. Báo cáo của Đại hội công tác Phật sự tỉnh hội nhiệm kỳ III nêu rõ, Phật giáo tỉnh Kontum có 23 cơ sở tự viện với 60 Tăng Ni tu tập, và 16.004 tín đồ, chiếm 5,67% dân số toàn tỉnh. Có 16 đơn vị GĐPT đang sinh hoạt với số lượng trên 500 em, hơn 200 huynh trưởng đã qua khóa trại huấn luyện. Một bộ phận nhỏ Tăng Ni chưa thật sự hòa hợp, đoàn kết gây ra những khó khăn trong công tác hoạt động. Như vậy, nhiệm kỳ IV vẫn chưa có nhiều phát triển về tu sĩ cũng như các BTS cấp quận huyện, phường xã nơi vùng sâu vùng xa, trong đó, cộng đồng tu sĩ vẫn chưa thống nhất, đoàn kết về Phật sự.
Theo báo cáo của chính quyền: Kontum là tỉnh nằm ở cực Bắc Tây Nguyên, có đường biên giới dài gần 270 Km giáp với hai nước Lào và Campuchia; có vị trí địa lý thuận lợi, là địa bàn trọng yếu về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng nên KonTum cũng là nơi tập trung nhiều tổ chức tôn giáo, có đông đảo chức sắc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo sinh hoạt..., với nhiều hoạt động tôn giáo diễn ra đa dạng, phong phú. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 4 tôn giáo chính đang hoạt động gồm: Công giáo, Phật giáo, Tin Lành và Cao Đài. Với tổng số tín đồ khoảng 195.724 người (chiếm khoảng 40% dân số toàn tỉnh) và một số ít tín đồ của Phật giáo Hòa Hảo. Toàn tỉnh hiện có khoảng 166 chức sắc, 228 nhà tu hành, 1276 chức việc, 112 cơ sở tôn giáo hợp pháp. Về mặt tổ chức, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam tỉnh KonTum đã có ban đại diện, ban trị sự. Công giáo có giáo phận riêng (giáo phận Kontum), dưới giáo phận có các giáo hạt, giáo xứ và họ giáo. Đạo Tin lành có 16 hệ phái Tin Lành hoạt động với 03 chi hội...
Qua những báo cáo giữa Giáo Hội Phật giáo và chính quyền quản lý Tôn giáo và hành chánh cho thấy, hệ thống tổ chức Phật giáo có khung sườn, nhưng hiệu quả phát triển hoằng pháp mà Phật giáo có mặt rất lâu trên vùng cao nguyên nầy, vẫn đứng sau các tôn giáo bạn, nhất là Tin Lành, Phật giáo chỉ hơn Cao Đài và Hòa Hảo tại bản địa.
E/. Từ đó, vấn đề đặt ra là gì? BTS PG Tỉnh cần hỗ trợ Ban Hoằng pháp về nhân sự và kế hoạch để chủ động sinh hoạt. Cần chấn chỉnh và thay đổi nhân sự trẻ có khả năng làm việc. Những vị quá tuổi quy định hoặc không có khả năng tích cực hãy nhường lại cho Tăng sĩ trẻ. Lực lượng tu sĩ trẻ tốt nghiệp các trường Phật học hiện nay khá nhiều nhưng vẫn là lực lượng ăn không ngồi rồi chờ giao việc chứ không thể xin việc. HT trưởng BTS PG Tỉnh cũng như T.Ư cần thấy rõ vấn đề nầy và cần phải canh tân ngay khi mà xã hội đang đứng trước kỷ nguyên hội nhập.
Tóm lại, trước tình hình mới, Kontum cần có nhiều thay đổi theo xu hướng mới, thì phật giáo Kontum cũng phải theo kịp đà tiến của xã hội, phải canh cải phương thức hoạt động. Trong đó Ban Hoằng pháp cũng phải chủ động đi vào quần chúng. Cần bổ sung và chuyển giao nhân sự có tâm và có tầm mới hy vọng bộ mặt mới của Phật giáo tương xứng với cao trào các tôn giáo bạn hiện hữu.
Kỷ niệm 35 năm thành lập Giáo Hội, BTS PG Kontum đứng trước nhiệm kỳ 5 cũng cần cân nhắc. Và cầu chúc Giáo Hội thành đạt nhiều kế hoạch tốt đẹp.
NAM MÔ CÔNG ĐỨC LÂM BỒ TÁT MA HA TÁT!