NHÌN ĐỜI NHƯ BỌT NƯỚC
Thích Tánh Tuệ
Câu chuyện này xảy ra khi đức Bổn sư ở tại Kỳ Viên với năm trăm Tỳ-kheo chứng quả.
Có năm trăm Tỳ-kheo nhận đề mục thiền định từ đức Bổn Sư, trở về rừng và nỗ lực thiền định. Nhưng mặc dù gắng sức chiến đấu hết mình, họ không thể nào phát triển tuệ giác.
Các thầy nghĩ thầm: "Chúng ta sẽ đổi đề mục khác thích hợp với chúng ta hơn". Các thầy lại chỗ Phật, trên đường đi các thầy thấy một ảo ảnh, tập trung mọi ý niệm về ảo ảnh ấy, các thầy khai mở tuệ giác. Khi bước vào sân tu viện, trời đổ mưa, các thầy đứng đấy nhìn những bọt nước nổi bập bềnh và tan nhanh chóng. Một tư tưởng trỗi dậy: "Tự ngã của chúng ta như bọt nước nổi tan". Lập tức các thầy tập trung tư tưởng vào ý nghĩ này. Đức Bổn Sư đang ngồi trong hương thất, bèn hóa thân đến trước các thầy, nói kệ:
(170) Hãy nhìn như bọt nước,
Hãy nhìn như cảnh huyễn!
Quán nhìn đời như vậy,
Thần chết không bắt gặp.
Nghe xong, các thầy chứng quả A-la-hán ngay tại chỗ.
(Kinh Pháp Cú 13 Phẩm Thế Gian)
***
- Đức Phật dạy chúng ta thường quan sát, quán chiếu, quán chiếu thân thể của mình, chẳng hạn như Tóc, Lông, Móng, Răng, Da,...v v. Vị thầy bảo chúng ta khaỏ sát ngay tại nơi đây.
Nếu chúng ta không nhận rõ bản chất của những thứ này, chúng ta không thể hiểu những người khác.
Vì chúng ta không BIẾT MÌNH thì không thể BIẾT NGƯỜI. Tuy nhiên nếu chúng ta hiểu biết và nhân rõ bản chất của THÂN và TÂM mình... mọi nghi vấn về những người khác đều sẽ tan biến.
Đây là bởi vì thân và tâm của mọi người đều như nhau. Chúng ta không cần phải quan sát bề ngoài của tất cả mọi người, bởi chúng cũng giống như thân thể của chúng ta. Nếu chúng ta hiểu được như vậy, gánh nặng của chúng ta sẽ giảm bớt...Không có sự hiểu biết nầy, tất cả những gì chúng ta làm chỉ là tăng thêm gánh nặng của mình mà thôi! -
Đức Phật dạy chúng ta phải làm THẦY của chính mình, (Tự thắp đuốc lên mà đi!) không ai khác có thể làm điều đó cho bạn... Khi chúng ta quán chiếu và hiểu biết sự hiện hữu của chính mình, chúng ta sẽ hiểu biết bản chất của mọi Pháp. Biết mọi người đều giống như nhau.
- Chúng ta đều có cùng "chất liệu" và đến từ một xưởng chế biến... chỉ có màu da, ngôn ngữ... một số quy ước, chế định là khác nhau thôi. Và chỉ có bấy nhiều! Cứ tiếp tục thực hành giữ chánh niệm giác tỉnh, quán chiếu, theo dõi Thân và tâm mình... dần dần bạn sẽ thông thạo, cho đến khi bạn nhìn thấy Thực Tại một cách rõ ràng.
Namo Buddhaya.
Trên Sóng
Khi vui tự nhủ lòng rằng
Niềm vui này chẳng thường hằng, bền lâu.
Vốn xưa Vui bạn với Sầu
Trong tia nắng đã in màu hạt mưa.
Lúc buồn, chẳng thiết đuổi xua
Buồn ni rồi cũng đong đưa, vô thường,
- Nhìn cho thấu rõ, tận tường
Vui, buồn tan dưới cội nguồn Chân Như...
Con Tâm này vốn huyễn hư
Cưỡi trên sóng bạc khoan thư.. ta về!
Hải Triều vang vọng sơn khê
Yên ngồi một chỗ..
tràn trề thái hư...
Như Nhiên
Thích Tánh Tuệ