Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài 3: Trở về Đạo Phật Nguyên Chất

14/09/201615:34(Xem: 3209)
Bài 3: Trở về Đạo Phật Nguyên Chất

NHẬN XÉT VỀ BÀI

TRỞ VỀ ĐẠO PHẬT NGUYÊN CHẤT

ĐỂ PHỤNG SỰ NHÂN SINH

CỦA THƯỢNG TỌA Thích Nhật Từ

(Trả lời vấn đáp trong mùa An cư tại Tịnh xá Trung Tâm, ngày 27/5/2014)

Toàn Không

(Tiếp theo)

 

 

Câu hỏi 4:  Ngày nay phải nương vào đâu để tứ chúng đồng tu đều có kết quả, như Thọ Bát Quan Trai được hướng dẫn cho Phật tử? Kính xin Thượng Tọa triển khai thêm về pháp hành của người xuất gia ?

 

Trả lời: Câu hỏi gồm 2 vế liên hệ đến thực tập và ứng dụng lời Phật dạy trong đời sống cho người tại gia và xuất gia.

Vế đầu của câu hỏi liên hệ đến bát quan trai giới. Chúng ta phải ghi nhận rằng bát quan trai giới là những giới pháp được đức Phật dạy cho những người đang tập sự xuất gia, do đó, không nên truyền và phổ biến cho các Phật tử không có nhu cầu này. Trung Quốc và Việt Nam đang thiên cực trong việc truyền giảng bát quan trai giới vào các tuần chủ nhật hoặc ít nhất nửa tháng một lần tại các chùa. Do không nắm rõ được nguồn gốc và đối tượng tu bát quan trai giới là ai, phương pháp làm đạo này đã khiến cho các quý ông mặc cảm với đức Phật và ngại không cho vợ của mình đi chùa.

Cốt lõi của bát quan trai giới là tập tu hạnh xuất gia trong một ngày, trong đó cái khó nhất là không quan hệ tình dục trong 24 giờ, không dùng trang sức phẩm làm đẹp, không sống một đời sống vương giả, vì vốn những thứ này thúc đẩy sự đòi hỏi tính dục. Các bà, các cô tham dự bát quan trai giới một thời gian, một số ngộ nhận, về nhà…“cấm vận” chồng.

Trung Quốc đã cường điệu rằng tu một ngày bát quan trai giới sẽ thoát khỏi các cảnh giới địa ngục, ngã quỷ, súc sinh và đạt được nhiều kết quả cao quý trong một kiếp người. Thực ra phải tu tập chuyển hóa thường xuyên mới đạt được kết quả đó, chứ không phải một ngày một đêm. Điều này dẫn tới việc nhiều Phật tử nữ “mê” sự thực tập này, vô tình cấm vận chồng, dẫn đến tình trạng sứt mẻ hạnh phúc vợ chồng, từ đó, kéo theo tình trạng các quý ông không tán đồng việc vợ, con gái, chị, mẹ… mình đi chùa, vì sợ bị rơi vào thiên cực vừa nêu.

Thực chất, bát quan trai giới là cơ hội tìm người có năng khiếu xuất gia trở thành xuất gia thật. Thời đức Phật có xuất gia đoản kỳ. Trung Quốc đã áp dụng xuất gia đoản kỳ vào ba tháng an cư, hoặc thời điểm thích hợp trong năm, để những Phật tử thuần thành sau thời gian xuất gia thử, nếu thấy thích hợp, phát nguyện đi tu luôn.

Các nước theo truyền thống Nam tông như Thái Lan, Campuchia, Lào biến xuất gia đoản kỳ trở thành cơ hội báo hiếu và xây dựng nhân cách, để xã hội dễ dàng chấp nhận và tôn trọng về sau.

Năm 2007, khi HT. Thích Trí Quảng chủ xướng khóa tu tại Chùa Phổ Quang, thì chúng tôi đã đề xuất với Hòa thượng đặt tên khóa tu là "Một ngày an lạc" chứ không phải là tu bát quan trai giới. Một ngày an lạc thì ai cũng có thể học được. Là Phật tử hay chưa phải là Phật tử, người thọ giới hay chưa thọ giới đều có giá trị giống như nhau. Khóa tu an lạc thường là một ngày, buổi sáng nghe hai vị giảng sư thuyết giảng, một vị giảng sư lão thành, một vị giảng sư trẻ cùng khai thác một vấn đề từ góc độ và cấp độ khác nhau. Sau đó là thời kinh, ăn cơm trong chính niệm. Đầu giờ chiều có thời vấn đáp Phật pháp, đào sâu vào chuyên đề mà mình được nghe buổi sáng, dưới hình thức các câu hỏi, với sự tham gia của ba cho tới sáu giảng sư cho một buổi hội luận. Sau đó là một thời kinh. Một ngày tu như thế chú trọng vào việc dùng trí tuệ giải quyết các vấn đề nghi vấn và đào sâu vào việc thực tập.

Ngày nay, một số tỉnh thành đã bắt đầu nhân rộng mô hình khóa tu "Một ngày an lạc" và không đặt nặng về việc thọ giới. Giới chính trị, giới thương gia rất ngại tiếp nhận năm điều đạo đức của Phật, vì trong đó có hai điều, người tại gia khó giữ: đối với người nam là giới không ngoại tình và giới không uống rượu, đối với người nữ là giới không ngoại tình và giới không nói dối. Chúng ta nên giới thiệu một đạo Phật minh triết. Đừng quá đặt nặng về đạo Phật giới đức vì người ta sẽ ngại, không dám đến đạo Phật. Chỉ trong những thời điểm thích hợp, chẳng hạn như khóa an cư,  ta có thể mở bát quan trai, một ngày, hai ngày, ba ngày, hay một tuần để tìm những người có hạt giống tu trở thành người tu. Không nên sử dụng sai đối tượng và không nên lạm dụng khóa tu bát quan trai giới cho những người không có ý định xuất gia.

 

Nhận xét:     Vấn đề này cũng nên được Hội Đồng Phật Giáo thảo luận và có đường hướng chung rõ ràng cho các chùa theo đó mà hành trì. Để chứng minh cho việc Đức Phật khuyến khích Phật tử tại gia tu hành, chúng tôi xin trích một đoạn kinh trong Tạp A Hàm do Hòa Thượng Thích Minh Châu chỉđạo dịch, quyển 4, Kinh số 1121, trang 116 ghi: 

“Một thời đức Phật ngự tại vườn Ni Câu Luật nước Ca Tỳ La Vệ, khi ấy dân chúng dòng họ Thích đi đến chỗ Phật bấy giờ Đức Phật hỏi:

- Quý vị dòng họ Cù Đàm, trong các ngày trai giới có thọ trì và tu tập gì không?

   Trưởng giả họ Thích thưa:

- Bạch Thế Tôn: Chúng con vào những ngày trai giới có khi giữ được, có khi không; tu tập công đức cũng khi có khi không.

   Đức Phật dạy:

- Như vậy là qúy vị không gặt hái được những lợi ích tốt đẹp, qúy vị là những người kiêu mạn sẽ đem lại sự buồn rầu khổ não, tại sao lại khi giữ được khi không?

   Ví dụ như người mưu cầu tài lợi, hàng ngày lợi vào gấp đôi, một ngày hai tiền, hai ngày bốn tiền, ba ngày sáu tiền, bốn ngày tám tiền, năm ngày mười tiền v.v… Như thế tiền bạc tài sản tăng lên giàu có. Nếu cứ tăng giàu mãi như thế, lại muốn tâm vui vẻ an lạc, trụ vào Thiền định khoảng mười năm, liệu có được không?

   Mọi người đều đáp:

- Bạch Thế Tôn! Không.

   Đức Phật bảo:

- Hoặc chín năm, tám năm, . . . cho đến một năm; thôi không tính năm, hoặc mười tháng, chín tháng, tám tháng, bảy tháng v.v…cho đến một tháng; thôi không tính tháng, liệu có được hai mươi ngày, mười ngày, chín ngày, tám ngày, v.v… cho đến một ngày đêm tâm an lạc vui vẻ trụ vào Thiền định có được không?

- Bạch Thế Tôn! Không

   Đức Phật dạy:

- Quý vị nên biết, trong hàng Thanh Văn, có người được Ta giáo hóa, sáng sớm giáo hóa, chiều tối có thể tăng tiến vượt bội. Do nhân duyên này, nên trong trăm nghìn vạn năm tâm an lạc vui vẻ trụ vào Thiền định, thành tựu qủa vị Thánh.

   Bấy giờ những người họ Thích thưa:

- Bạch Thế Tôn! Từ hôm nay, những ngày trai giới, chúng consẽ thọ trì Tám Trai Giới (Bát Quan Trai Giới), tùy sức bố thí tu tập công đức không quên . . . .

 

     Chúng ta thấy rõ ý của Đức Phật trong đoạn kinh nêu trên, Ngài không những khuyến khích Phật tử tại gia tu hành mà còn quở trách nếu không tu là “người kiêu mạn sẽ đem lại sự buồn rầu khổ não”. Ngài khuyến khích Phật tử tại giatu được nhiều chừng nào tốt chừng ấy, nếu không tu được nhiều thì trong một tháng Phật tử tại gia nên tu ít nhấtlà một ngàyđêm, vào ngày Trai Giới để có tâm vui vẻ an lạc, và Đức Phật đã im lặng chấp thuận việc Phật tử tại gia thọ trì Tám Trai Giới.

Ngoài ra trong Trường A Hàm do Hòa Thượng Thích Minh Châu chỉ đạo dịch, quyển 1, kinh Xà Ni Sa, từ trang 267 nói về Đức Phật thọ ký cho các cư sĩ, tùy theo mức độ tu mà được chứng qủa  hoặc Tu Đà Hoàn, hoặc Tư Đà Hàm, hoặc A Na Hàm, hoặc sinh các cõi trời… Như vậy chứng tỏ thời Phật tại thế có nhiều Phật tử tại gia tu hành vậy.

 

Bây giờ, xin nói về pháp hành của người xuất gia. Vào thời đức Phật, bát chính đạo là trọng tâm nhất. Chính kiến và chính tư duy giúp ta có tầm nhìn đúng để đi đến pháp môn đúng, nhờ đó ta dễ dàng đạt được chính niệm, chính định trong quá trình tu tập thiền. Chính ngữ, chính nghiệp, chính mệnh, chính tinh tấn là những yếu tố đạo đức, giúp cho chính niệm đạt được như ý. Thực tập chuyển hóa trong các kinh, thực ra là thực tập tứ niệm xứ. Cốt lõi của tứ niệm xứ là xoay quanh việc làm chủ thân và tâm. Quán thân để ta biết thân là vô thường, bất tịnh nên ta không tôn vinh thân như thượng đế, theo kiểu chủ nghĩa vật dụng và hưởng thụ của phương Tây. Ta cũng không xem thân là nguồn gốc tội lỗi như chủ nghĩa khổ hạnh cực đoan của Ấn Độ giáo và Khổng giáo của Trung Quốc.

 

Nhận xét:     Đồng ý về sự quan trọng bậc nhất của Tám Chính Đạo, nó là căn bản của Phật giáo, là xương tủy của mọi pháp môn tu, nó được ứng dụng để giải thoát khỏi khổ trong mọi tình huống.

     Về tu khổ hạnh, chúng ta biết rằng chỉ có một phái của Ấn Độ giáo tu theo khổ hạnh mà thôi. Về việc này, như chúng ta đã biết Đức Phật từ bỏ lối sống khổ hạnh, chỉ trích lối sống hưởng lợi dưỡng, Ngài vạch ra đường lối trung đạo và biết rằng bằng đường lối trung đạo sẽ tác thành nhẫn, tác thành định đưa đến trí, sẽ dẫn đến giác ngộ. Còn Khổng giáo cũng gọi là Nho giáocó lý thuyết về nhân sinh xã hội, cách cư xử của con người và cách trị quốc an dân của vua chúa cai trị v.v….

 

Khổ đau bám vào thân và tâm. Quán vô ngã trên thân thì các đau nhứt trên thân được loại trừ. Cảm xúc dễ làm chúng ta bị chìm đắm nhất, cho nên phải thực tập làm chủ cảm xúc. Cần thấy rõ được tính nhị nguyên của tâm như tâm thiện, tâm ác, tâm chân, tâm vọng, tâm tốt, tâm xấu, tâm phàm, tâm thánh… để loại trừ các hạt giống tiêu cực, thay thế chúng bằng các hạt giống tích cực trong kho tàng tâm. Tu thật ra là chuyển hóa như vừa nêu. Dựa vào tiêu chí này thì công thức tu của ngài Thần Tú là “chuẩn” so với đức Phật hơn là công thức của ngài Huệ Năng. Pháp tu của ngài Huệ Năng đại diện cho quan điểm của Trung Quốc. Pháp tu của ngài Thần Tú đại diện cho quan điểm của đức Phật gốc.

 

Nhận xét:     Theo lịch sử Thiền tông Ấn Độ, chúng ta thấy cách tu và ngộ của 28 vị Tổ bên Ấn Độ và cách ngộ của ngài Huệ Năng không khác. Như vị Tổ thứ nhất là Tôn giả Ca Diếp, nhân trong hội Linh Sơn khi Đức Phật đưa lên cành hoa, mà đốn ngộ chân tâm, trở thành vị Tổ thứ nhất; không ai có thể chối cãi được ngài Ca Diếp là Tổ thứ nhất bên Ấn Độ. Ngài Ca Diếp đã tiệm tu nhưng đốn ngộ, ngộ một cách đột ngột khó hiểu; còn tu như ngài Thần Tú là tiệm tu tiệm ngộ, tu từ từ ngộ cũng dần dần, là trường hợp của đa số người tu.

Riêng ngài Huệ Năng là người mù chữ, chẳng phải là người dốt nát, chỉ vì hoàn cảnh nhà nghèo nên không được đi học mà thôi; nhưng rất đặc biệt là không thấy ngài tu mà đột nhiên đốn ngộ, nên có người nghi ngờ. Vì chẳng phải ai tu một đời cũng đắc qủa được hết, mà có khi phải tu nhiều đời, thì đây là trường hợp của ngài Huệ Năng.Ngài tu từ kiếp trước đã gần chín mùi rồi mà chưa ngộ, nên kiếp ấy dù không tu gì cả, nhưng khi ngài nghe một câu của kinh Kim Cang: “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm” (không đặt để tâm vào bất cứ gì thường hay sinh ra tâm tánh rất kỳ đặc) là bùng nổ đốn ngộ. Như vậy thì tu theo kiểu nào, ngộ kiểu nào, cũng đều làđại diện cho quan điểm của Phật, chẳng có cái nào là của Trung Quốc cả.

 

Các ý niệm trong tâm thường liên hệ đến quá khứ và tương lai. Đức Phật dạy chúng ta cắt đứt ký ức quá khứ, cắt đứt vọng tưởng tương lai để có chính niệm, bây giờ và tại đây. Cốt lõi của phương pháp thiền minh sát tuệ là giúp các hành giả đạt được sự làm chủ các giác quan trong các tư thế: đi, đứng, nằm, ngồi; nói, nín; động, tĩnh; thức, ngủ… Cốt lõi tu chỉ đơn giản như vậy. Làm được chừng đó thôi, chúng ta đã đang đi trên con đường hướng tới thánh và đạt được thánh quả. Cái tu của người xuất gia là thế. Người tại gia đừng nên ngộ nhận và bận tâm tới việc giải thoát như các pháp môn của Trung Quốc khởi xướng.

Trung Quốc đưa ra quá nhiều khẩu hiệu mang tính khích lệ nhiều hơnlà mô tả chân lý. Chẳng hạn Thiền tông tuyên bố “ngồi thiền thành Phật”, Mật tông tuyên bố “trì chú thành Phật” và Tịnh độ tông tuyên bố “niệm Phật thành Phật”. Còn trong giáo hóa kẻ tội lỗi thì Trung Quốc có những câu nói cường điệu như: “buông dao đồ tể, lập tức thành Phật.”

 

Nhận xét:Đồng quan điểm rằng người tu hành thì phải quên qúa khứ, chẳng nghĩ tới tương lai, làđiều mà mọi người tu dù với pháp môn nào cũng phải tôn trọng, để dễđưa tâm vào định tĩnh. Ngoài ra người tu còn phải giữ gìn sáu căn không cho dính mắc lôi kéo bởi sáu trần, do tham sân si, mạn nghi v.v… dẫn dắt, mà người dù tu pháp môn Nam hay Bắc truyền nào cũng phải giữ gìn.

     Riêng về câu nói có tính cách khích lệ “Buông dao thành Phật” do tác giả nêu ra, đó chỉ có mục đích khuyến khích những người ác đừng làm ác nữa mà nên tu hành, như trường hợp Angulimala là người đã giết và chặt 999 ngón tay của 999 người. Khi Angulimala gặp Phật, toan giết Ngài nhưng không giết được vì Ngài dùng thần thông khiến cho không đuổi kịp, sau đó do mấy lời khai trí của Phật mà tỉnh ngộ; rồi xin Phật chấp nhận cho xuất gia và tu hành được đắc qủa A La Hán,đó là bằng chứng buông đao để tu hành sẽ dẫn tới đắc đạo mà không ai có thểchối cãi được.

Câu tuyên bố “Ngồi thiền thành Phật, hay trì chú thành Phật, hay niệm Phật thành Phật”, nên hiểu là có theocác đường lối của Phật tu hành thì sẽ có ngày thành Phật, chứ chẳng phải tu một đời mà thành Phật ngay đâu.

     Như Thiền tông và Mật tông, khi đạt kiến tánh hay chứng ngộ cũng chỉ tương đương như đạt qủa Tu Đà Hoàn, qủa Tư Đà Hàm, qủa A Na Hàm, hay qủa A La Hán, tùy theo mức độ chứng ngộ cao hay thấp. Người chứng qủa tương đương A La Hán nào không muốn cứu khổ chúng sinh thì có thể nhập Niết Bàn, không còn sinh tử luân hồi nữa, còn người nào phát nguyện cứu khổ chúng sinh sẽ tiếp tục tu hạnh Bồ Tát cho tới ngày thành Phật trong tương lai lâu xa về sau.

  Riêng về tu Tịnh Độ cũng vậy, chẳng thể thành Phật ngay kiếp này được, nếu tu niệm Phật mà được vãng sinh, thì tùy theo sự tu hành mà được vào địa vị của một trong chín bậc nơi Tây phương Cực Lạc, bậc cao nhất khó đạt tới nhất cũng chỉ tương đương với A La Hán hay Bồ Tát bậc 5 hoặc 6,còn bậc thấp nhất thì phải 12 kiếp (tức 12 x 16,800,000 = 201,600,000 năm) hoa sen mới nở, và mới bắt đầu phát tâm Bồ Đề tu hành.

Chỉ có một điều lợi cho người vãng sinh là ở Tây phương không có tạo tội thêm nghiệp, không bị thoái chuyển vào 3 đường dữ, được ở chung với các bậc Thượng thiện nhân đích thực, để học hỏi tiến tới ngày thành Phật dù thời gian có xa thăm thẳm, còn hơn ở cõi Ta Bà nghiệp ngày càng chồng thêm và không biết được ngày nào thoát khỏi khổ ải trầm luân.

 

Khoảng tám tỷ năm nữa trong tương lai đức Phật Di Lặc mới ra đời. Trong chừng ấy tám tỷ năm, không có đức Phật thứ hai, ngoài đức Phật Thích Ca, trên cùng một hành tinh. Nói theo Phật giáo Trung Quốc thì bây giờ Trung Quốc đã có vài trăm, vài ngàn vị Phật do “kiến tánh”, tương tự, trong Tịnh độ tông nhiều vị thành Phật do niệm Phật, và trong Mật tông cũng có nhiều vị thành Phật, do trì thần chú. Thực tế trong một hiện kiếp chỉ có một đức Phật. Nói cách khác, nói phương tiện chỉ mang tính khích lệ, chứ không mô tả chân lý.

 

Nhận xét:     Có lẽ có sự nhầm lẫn nào đó nên nói:“Khoảng tám tỷ năm nữa trong tương lai đức Phật Di Lặc mới ra đời”,vìcon số 8 tỷ nghĩa là còn tới khoảng 6 đại kiếp nữa, tức là còn 6 lần trái đất này bị hủy diệt bởi Hỏa tai hoặc Thủy tai hoặc Phong tai nữa Phật Di Lặc mới ra đời.Sự thực thì theo Trung A Hàm, quyển 2 và kinh Chuyển Luân Thánh Vương (Cakkavati Sìhanàda Sutta) thuộc kinh Trường bộ Nam truyền (Majjhima Nikàya) nơi trang 346, do Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch có nói về thời gian khi Đức Di Lặc thành Phật.

     Chúng ta biết rằng hiện nay đang ở kiếp thứ 9 của trung kiếp trụ (Hiện kiếp) đang giảm tuổi thọ, từ thời Phật Thích Ca, Ngài nói tuổi thọ trung bình của con người là 100, bây giờ  sau 25 thế kỷ, tuổi thọ trung bình còn 75 (100 năm giảm 1 tuổi). Tới khi tuổi thọ xuống tới tối thiểuthì tuổi thọ bắt đầu tăng lên ở kiếp thứ 10 tới tối đa (84,000 tuổi), rồi khi tuổi thọ giảm xuống còn 80,000 (8 vạn) tuổi thì Phật Di Lặc ra đời; tính ra là còn khoảng 8 triệu 8 trăm nghìn năm, và đúng như tác giả nói: “Từ nay tới khi Phật Di Lặc ra đời không có một đức Phật nào ra đời cả”.

Như đã nói ở trên, cách nói thành Phật chỉ là khuyến khíchthôi, chứ thật sự thì khi chứng qủa, tùy theo cao thấp màtương đương với các tu chứng của Nam truyền, chứ chẳng thể thành Phật mau chóng được như chúng ta đã đề cập đến ở trên. Nếu bảo là những người tu theo Bắc truyền đã thành Phật cảrồi là hiểu sai sự thực, nhưng những vị ấy chắc chắn sẽ có một ngày thành Phật một khi các vị ấy nguyện tiếp tục tu hạnh Bồ Tát cho tới ngày viên mãn.

 

Theo kinh Trung Bộ, ngoài bát chính đạo không có thánh nhân, ngoài bát chính đạo không có chính đạo, ngoài bát chính đạo không có giải thoát, ngoài bát chính đạo không có chứng đắc đích thực. Chúng ta không cần phải đi Ấn Độ, Miến Điện, Tích Lan, Thái Lan, Tây Tạng, Trung Quốc để học đạo, vì cốt lõi của Phật pháp là tứ diệu đế, gọn lại là bát chính đạo; đi đâu cũng chỉ có chừng đó thôi. Có chăng là sự khác nhau trong cách diễn đạt ngôn ngữ của các vị tăng sĩ ở nơi này, nơi kia mà thôi.

Nhờ thực tập và sống theo bát chính đạo mà người tại gia có thể trở thành chân nhân, v́ họ tu tập không phải với mục đích giải thoát, và người xuất gia trở thành thánh nhân là vì muốn giải thoát nhờ chính niệm và chính định. Giải thoát là điều người tại gia không làm được, vì còn tham ái (dục ái, hữu ái và vô hữu ái).

Chính định gồm có bốn cấp độ: Sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền. Cốt lõi của sơ thiền là chuyển hóa tính dục (ly dục sinh hỷ lạc). Không có người tại gia nào đang sống với tình yêu và tính dục có thể đạt được sơ thiền. Do đó, người tại gia không giác ngộ được, không giải thoát được. Ngoại trừ, những người tại gia độc thân, quyết tâm tu giống như các tu sĩ, đúng phương pháp Phật dạy thì có khả năng chứng đắc được sơ thiền, để từ đó đạt được tứ thiền, trên nền tảng này, chứng được Tam minh, trở thành A-la-hán.

 

Nhận xét:     Bốn Diệu Đế, Tám Chính Đạo và nhiều thứ khác nữa là căn bản của Phật pháp mà ai cũng phải học, phải hành theo, nhưng không phải tu các pháp môn là không áp dụng các điều căn bản đó. Nếu nói rằng người tu theo pháp môn Bắc truyền không hành theo căn bản Phật pháp là chưa hiểu rõ. Nếu chúng tasuy tưquán chiếu kỹ càng, sẽ thấy các pháp môn tu vốn đầy đủ Bát Chính Đạo, thì sẽ không còn hiểu lầm nữa.

     Thí dụ tu niệm Phật của pháp môn Tịnh Độ, thì trước hết người tu phải suy xétvề pháp môn này có do Phật dạy không, có thích hợp không, có thể thực hành được không, có đưa đến vãng sinh hay không? Đó là Chính Tư duy. Người tu phải thấy rõ pháp môn không trái với lời Phật dạy, không phải là tà pháp, đó là Chính Kiến; nói năng thì phải suy nghĩ cho kỹ, đó là Chính Ngữ, mà người suốt ngày niệm Phật thì đó là Chính Thiện Ngữ rồi.Hành động hay làm gì thì phải chân chính đúng với chân lý và lẽ phải, đó là Chính Nghiệp; sống bằng nghề lương thiện, tránh làm các nghề tà ác, đó là Chính Mạng. Khi tu hành niệm Phật siêng năng chuyên cần, không buông lung lười biếng đó là Chính Tinh Tấn. Chuyên một lòng nhớ niệm Phật A Di Đà, đó là Chính Niệm; chỉ tập trung hành trì niệm Phật trong bốn oai nghi đi, đứng, ngồi, nằm miên mật, thì sẽ đạt niệm Phật tam muội, đó là Chính Định. Xem phân tích như vậy thì tu niệm Phật đâu có đi ra ngoài Tám Chính Đạo, phải không?

     Không nên làm nản lòng người tại gia tu hành, mỗi người có quyền tự do của họ, ngay cả cha mẹ vợ chồng con cái cũng không có quyền ngăn cản. Không nên mang cái khó ra để hù dọa không cho người tại gia tu, vì cho rằng người tại gia không thể đạt đạo, mà trái lại đã có những trường hợp người tại gia tu đạt đạo. Bằng chứng như lịch sử Thiền tông bên Trung Hoa ghi có một gia đình cả nhà hai vợ chồng và hai người con tu hành đều đạt đạo cả, đó là gia đình cư sĩ Bàng Uẩn (740-808), tóm tắt như sau:

    Lần đầu cư sĩ tham kiến Thiền-sư Thạch-Đầu, ông hỏi:

- Chẳng cùng với muôn pháp làm bạn là người gì?  

Thiền SưThạch-Đầu liền lấy tay bịt miệng ông lại, ông bỗng nhiên có ngộ nhập (tiểu ngộ).  

     Sau đó ông đến tham vấn Thiền sư Mã-Tổ (709-788), và cũng hỏi như trên, ngài Mã-Tổ đáp:

- Đợi ông hút hết nước Tây giang ta sẽ nói với ông.  

  Nhân câu nói đó Cư-sĩ đại ngộ; từ đó ông tiếp tục tu và hướng dẫn cho vợ con cùng tu, ông có bài kệ:

Có con trai không cưới,

Và con gái chẳng gả,

Cả nhà chung hội họp,

Cùng bàn việc vô sinh.

     Về sau, khi Cư-sĩ sắp tịch, ông bảo con gái ra xem mặt trời đúng trưa vào cho ông hay; cô gái Linh-Chiếu ra xem, vào thưa:

- Mặt trời đã đúng trưa, nhưng bị sao Thiên Cẩu ăn mất!

      Ông rời chỗ ra xem, khi trở vào thấy con gái ngồi chỗ của ông và đang thu Thần hóa xác. Ông cười nói: “Con gái ta lanh lợi qúa”, rồi ông chờ bảy ngày sau mới hóa.

       Cư-sĩ Bàng-Uẩn trước khi viên-tịch có quan Tổng-Đốc (Tỉnh-Trưởng) hỏi:

- Trước khi viêntịch, ngài có gì để lại cho mọi người và hậu thế không? 

     Cư-sĩ Bàng-Uẩn nói:

- Những cái gì có bỏ hết, cái gì không có đừng đem vào.

     Xong Cư-sĩ nói một bài kệ để lại như sau:

Chỉ tự vô tâm cùng vạn vật,

Ngại gì vạn vật thường quấy nhiễu,

Trâu sắt chẳng sợ sư-tử rống,

Giống như người gỗ xem chim vẽ,

Người gỗ bản thể tự vô tình,

Chim vẽ gặp người cũng chẳng kinh,

Tâm cảnh như như chỉ thế ấy,

Nào sợ Bồ-đề đạo chẳng thành.

      Nói kệ xong, ngài ngồi mà tịch.

Vợ ông hay được việc ấy nói: “Con gái ngu si, ông chồng vô tri”, bà đi báo cho con trai đang làm việc ngoài đồng; người con trai đang cuốc đất nghe tin xong bèn đứng mà tịch, rồi sau đó bà lặng lẽ tịch luôn.

Xem như vậy, màcho rằng“Giải thoát là điều người tại gia không làm được, vì còn tham ái (dục ái, hữu ái và vô hữu ái)” là không được chính xác; vì khôngcó ai có thể phủ nhận rằng gia đình Cư sĩ Bàng Uẩn chưa đạt đạo cả.

 

Theo kinh A-di-đà, năm tiêu chí vãng sinh Tây phương là có: (i) căn lành lớn, (ii) công đức lớn, (iii) nhân duyên tốt lớn, (iv) quán pháp âm lớn, (v) nhất tâm bất loạn. Căn lành lớn được hiểu là hết tham ái, sân hận, si mê, chấp thủ và điều này Phật tử tại gia làm không được. Nhưng người Trung Quốc cứ hô hào: giác ngộ, giải thoát, vãng sinh Tây phương trong khi còn nghiệp phàm. Tu tập giải thoát đâu dễ thế. Kinh A-di-đà nói rất rõ Cực lạc Tây phương là nơi “chư thượng thiện nhân câu hội nhất xứ”, tức là nơi hội tụ của các bậc thượng thiện. Bậc thượng thiện có nghĩa là từ sơ quả A-la-hán trở lên hoặc bất thoái chuyển về đạo đức và tuệ giác. Bất thoái chuyển là tam quả A-la-hán trở lên, ở đó, không có người phàm.

 

Nhận xét:Vấn đề được vãng sinh hay không là do tùy thuộc nhiều yếu tố như: Tham ái dục, sân hận, tật đố, chấp thủ, ngã mạn, nghiệp báo, hành trì v.v…, nếu nói rằng Phật tử tại gia không làm được là hạ giá họ.Có rất nhiều bằng chứng, naytheo bộ “Tây phương Sát chỉ” (Quê Phật ở Tây phương) của Trung Hoa viết: Bồ Tát Giác Minh Diệu Hạnh từ thời vua Minh Đế đời nhà Tấn, ngài là một người nghèo khổ cùng cực, nên khi gặp được người dạy niệm Phật, bèn lập nguyện lớn rằng: “Vì đời trước tôi gây ác nghiệp nặng, nên nay mang quả báo khổ sở này. Nếu kiếp này tôi không được thấy đức Phật A Di Đà, không được sinh về cõi Cực Lạc hầu thành tựu các công đức, thì dù cho thân này có chết rã ra tôi cũng quyết không dừng nghỉ niệm Phật”.

     Ngài nói: “Thề nguyện xong, ta chuyên cần niệm Phật suốt đêm ngày. Đến ngày thứ bảy, tâm trí ta bỗng nhiên khai thông, thấy đức Phật A Di Đà tướng đẹp quang minh chiếu sáng 10 phương. Đức Phật đưa tay xoa đầu ta, thụ ký cho ta, năm 75 tuổi ta ngồi kết già niệm Phật mà bỏ thân ấy, được Phật và Thánh chúng rước về Cực Lạc. Nhưng vì bản nguyện độ sinh nên ta trở lại cõi Ta Bà này, tùy thời hiện thân giáo hóa. Có khi làm tăng, làm cư sĩ, làm vua, làm quan, làm ăn mày, v.v... để giáo hóa chúng sanh.”

     Đời nhà Minh, năm Sùng Trinh thứ 16, ngài tái sinh (giáng thần) ở Ô Môn, đến đời nhà Thanh, năm Thuận Trị thứ tư, ngài ứng cơ thuyết pháp dạy truyền pháp môn Tịnh độ.

     Ngài dạy rằng: Pháp yếu của Chư Phật rất vi diệu bí mật không thể nghĩ bàn, vì không thể nghĩ bàn nên không ai diễn nói hết được; Đức Phật Thích Ca vì thương xót muốn dìu dắt chúng sanh ra khỏi khổ sinh tử mà nói chỗ không thể nói, đó là:

Do đại nguyện của Phật A Di Đà nhiếp thụ mọi loài, nên hễ ai nghe danh Ngài mà siêng niệm hiệu Ngài, hiện tiền thấy Phật A Di Đà, và khi lâm chung quyết định được vãng sanh Tịnh Độ.”

     Nói về nghiệp phàm, xin nhắc lại về người có nghiệp nặng vẫn vãng sinh được, cũng như người tội nặng vẫn đat đạo được như trường hợp Angulimala là người đã giết và chặt 999 ngón tay của 999 người. Sau khi Angulimala gặp Phật nhận cho xuất gia và tu hành được đắc qủa A La Hán, đó là bằng chứng có tội nặng, có nghiệp nặng vẫn đắc đạo không ai chối cãi được; do đó người tu Tịnh Độ có thể mang nghiệp vãng sinh vậy.

     Riêng nói về người niệm Phật có nghiệp mang nghiệp vãng sinh được nói trongkinh Quán Phật Vô Lượng Thọnhư sau: “Đức Phật bảo Tôn giả A Nan và bà Vi Đề Hi: Có chúng sanh tạo nghiệp ngũ nghịch, thập ác. Do ác nghiệp phải đọa ác đạo trải qua nhiều kiếp thọ khổ vô cùng. Người ngu ấy lúc sắp lâm chung gặp thiện tri thức nói diệu pháp dạy bảo niệm Phật. Ngưòi ấy bị khổ bức không rảnh niệm (tức bị bệnh đau đớn hành hạ).

     Thiện hữu bảo rằng nếu ngươi chẳng thể niệm Phật kia được thì ngươi xưng danh hiệu Nam mô A Di Đà Phật, chí tâm xưng danh chẳng dứt. Do xưng danh hiệu Phật nên trừ nhiều tội sanh tử. Lúc chết thấy hoa sen dường như mặt trời, rồi được vãng sanh Cực Lạc thế giới ở trong hoa sen, (đây là đới nghiệp vãng sanh); mãn 12 kiếp hoa sen ấy mới nở, Quan Thế Âm Bồ Tát và Đại Thế Chí Bồ Tát dùng âm thanh đại bi vì người ấy diễn nói thật tướng các pháp, nói pháp trừ diệt tội, người ấy nghe pháp rồi rất vui mừng liền niệm Phật phát tâm Bồ Đề” (đây gọi là người hạ phẩm hạ sinh, làbậc thấp nhất).

Phật A Di Đà không cứu nổi người ấy nếu người ấy không dũng mãnh sám hối và thiết tha niệm Phật, đây là do cái tâm kiên cố của người ấy ngày đêm không ngưng nghỉ niệm cho tới nhất tâm bất loạn, tức là đạt được tâm thanh tịnh nhất như, như thế mới có thể được vãng sinh, chứ chẳng phải dễ đâu.

     Bất thoái chuyển ở kinh này có nghĩa là không bị đọa sinh vào 3 đường dữ nữa, chứ không phải ám chỉ về đạo đức và tuệ giác, người có nghiệp nặng dù được vãng sinh về đó, nhưng ở bậc thấp nhất phải chờ một thời gian qúa dài (12 kiếp) hoa sen mới nở và lúc đó mới được cùng chung với các bậc Thượng Thiện nhân.

 

Tịnh độ tông trong kinh A-di-đà khác hoàn toàn với Tịnh độ tông được Trung Quốc truyền bá. Tịnh độ tông do Trung Quốc truyền bá dựa vào “tín, hạnh, nguyện” vốn không do đức Phật dạy trong các Kinh về Tịnh độ. Không thể tìm ra tín, hạnh, nguyện trong kinh A-di-đà. Nếu theo Tịnh độ tông thì hãy dựa vào kinh A-di-đà làm chuẩn. Khi đạt được năm tiêu chí của kinh A-di-đà nêu ra thì chúng tôi tin chắc rằng lúc đó không ai còn muốn sinh Tây phương Cực lạc làm gì nữa. Lúc đó, người đạt năm tiêu chí vãng sinh đã trở thành thánh, nên đối với họ, ở đâu cũng là cực lạc và niết-bàn. Cốt lõi triết lý của kinh A-di-đà nằm ở chỗ này, chứ không phải sinh Tây phương.

 

Nhận xét:     Có thể có những sai biệt giữa kinh Nam truyền và kinh Bắc truyền do sự biên tập và diễn giải kinh khác nhau, còn nếu chỉ vì kinh Nam truyền không có Tín Hạnh Nguyện mà bác bỏ kinh Bắc truyền thì không nên, tại sao? Vì tu theo pháp môn nào, dầu tu theo Nam truyền hay Bắc truyền cũng đều phải có sự tin kinh, đó là Tín, nếu không tin kinh thì làm sao yên lòng mà tu? Tu theo pháp môn nào cũng phải có hạnh, nếu không tinh tấn hành trì thì không thể đưa tới kết qủa, đó là Hạnh. Muốn có tâm cương quyết theo đuổi tới cùng thì phải nguyện với lòng mình quyết tâm giữ vững lập trường không bỏ ngang, không thoái lui, đó là Nguyện. Như vậy thì dù tu theo cách nào cũng cần có “Tín Hạnh Nguyện”, chúng ta không nên phân biệt chỉ trích.

Bằng chứng trong kinh A Di Đà do Hòa Thượng Thích Trí Tịnh dịch, đoạn Đức Phật nói về diệu thắng Phật A Di Đà và cõi nước Tây phương, ở cuối đoạn này Ngài bảo Tôn Giả Xá Lợi Phất rằng: “Chúng sanh nào nghe những điều trên đây, nên phát nguyện cầu sinh sang cõi nước đó, vì sao? Vì: được cùng với các bậc Thượng thiện nhân ở cùng một chỗ”.

Đức Phật nói về phát nguyện lần thứ hai ở cuối đoạn nói về nhân vãng sanh, Ngài nói:“Xá Lợi Phất, ta thấy có những lợi ích ấy nên nói những lời như thế, nếu có chúng sinh nào nghe những lời trên, nên phát nguyện sinh sang cõi Cực Lạc”. Ngài nhắc lại lần thứ ba ở cuối đoạn nói về Chư Phật khuyên tin như sau: “Xá-Lợi-Phất! Cho nên các thiện nam tử thiện nữ nhân, nếu người nào có lòng tin thì nên phát nguyện sinh về cõi nước kia”, câu này nói rõ người có lòng tin thì nên phát nguyện.

 Kinh A Di Đà rất ngắn mà Đức Phật nói tới 3 lần phát nguyện, thì đủ biết rằng sự phát nguyện của người tu quan trọng đến mức nào rồi. Mặc dù lòng tin chỉ nói có một lần, nhưng nếu không có lòng tin thì làm sao phát nguyện được, nên Đức Phật không cần phải nói nhiều lần tin là vì thế. Còn nếu đã phát nguyện rồi mà không có hạnh hành trì tinh tấn thì thành ra phát nguyện suông hay sao? Nhưng đối với các vị Tổ là người hướng dẫn chúng sinh hành trì thì phải diễn tả ý của Phật cho đầy đủ rõ ràng, do đó vì sao tu theo pháp môn Tịnh độ phải có “Tín Hạnh Nguyện” là vậy.

 

Điều đó cũng giống như Hoa Kỳ yêu cầu các ứng cứ viên muốn trở thành công dân của nước này phải có 500,000 Mỹ kim trong tài khoản không sử dụng đến và có công ty làm việc ổn định tại Hoa Kỳ. Nếu ở Việt Nam, người nào có được 500,000 Mỹ kim, chỉ cần gửi tiết kiệm ngân hàng mỗi tháng đã được khoảng 50 triệu đồng Việt Nam rồi, cần gì phải qua Mỹ để thành người mà trong 12 con giáp, tuổi nào cũng là “tuổi con trâu”!

 

Nhận xét:Như chúng ta đều biết nếu ở cõi Ta Bà mà tu hành được giải thoát thì còn gì tốt hơn, nhưng vì con người luôn luôn lo sợ nghiệp qủa, sợ tu không thành trong kiếp này sẽ bị trôi lăn không biết tương lai sẽ ra sao. Do đó họ chọn pháp môn niệm Phật và dựa vào 48 lời Nguyện của Bồ Tát Pháp Tạng (Tiền kiếp của Phật A Di Đà) trong kinh Phật Vô Lượng Thọgiúp chúng sinh nguyện sinh sang Tây phương Cực Lạc, mang theo nghiệp mà vãng sinh. Khi về đó được rồi không còn bị thoái chuyển sẽ tiếp tục tu,dù thời gian có vô cùng lâu dài, còn hơn làở cõi Ta Bà bị trôi lăn trong sáu đường luân hồi sinh tử vôđịnh, không biết đến ngày nào mới thoát khỏi, đó là lý do tại sao đã có nhiều người tu theo pháp môn này vậy.

 

Do đó, cốt lõi tu của người xuất gia, xét cho cùng, chỉ là giới, định và tuệ. Các pháp môn của Trung Quốc không phản ánh được đầy đủ ba phương diện này. Luật tông nhấn mạnh về giới luật. Niết-bàn tông, Hoa nghiêm tông, Pháp hoa tông, Tam luận tông, Câu-xá tông… nhấn mạnh về tuệ. Thiền tông nhấn mạnh về định. Từ kinh điển Pali, A-hàm cho đến Đại thừa, thiền công án và thoại đầu là do Trung Quốc sáng tạo ra, rất xa lạ với thiền của đạo Phật gốc. Từ lâu, chúng ta không mạnh dạn nói việc này vì cả nể Trung Quốc, và nhất là sợ động đến các vị tổ sư. Nếu xét về góc độ truyền thống thì thiền tông Trung Quốc là thiền không chính thống, bởi đức Phật không dạy loại thiền này trong Kinh điển.

 

Nhận xét:     Như đã nói ở trên, các pháp môn ngày nay còn được hành trì chỉ còn Thiền tông, Giáo tông có Pháp Hoa tông, Tịnh Độ tông và Mật tông, còn các tông khác ở Việt Nam không còn người hành theo nên không cần bàn tới.

     Nếu hiểu cặn kẽ thì sẽ không bài bác Thiền tông và Tịnh Độ tông, chỉ nhìn phớt qua thì sẽ hiểu sai; từ hiểu sai đưa đếnchỉ trích làđiều dễ hiểu. Nếu nói rằng các pháp môn không có Giới Định Tuệ là không chính xác, chúng ta thí dụ về tu tham Thiền của Thiền tông: Trong khi tham miên mật ngày đêm trong bốn tư thếđi, đứng, ngồi, nằm thì làm gì còn thời giờ mà phạm giới, không phạm giới, đó là giữ Giới đầy đủ; khi tham thiền liên tục không có kẽ hở lâu ngày thì sẽ đưa tâm vào định tĩnh, đạtchính Định, được định thì sẽ đạt Tuệ, như vậy làm sao nói pháp môn Thiền tông không có Giới Định Tuệ?

     CònTịnh Độ tông cũng tương tự, người niệm Phậtđêm ngày trong bốn tư thế, không còn thời giờ rảnh để làm ác, nói bậy và suy nghĩ tưởng nhớ lung tung, thìđó là giữGiới đầy đủ. Niệm Phậtmiên mật liên tục lâu ngày cho tới vô niệm, đó là được Định; được định rồi thì sẽđạt Tuệ vậy. Cách hành trìnày khác với Thiền định vì nó không phải chỉ có ngồi, mà đi đứng ngồi nằm đều hành trì được cả, như vậy thì cách nào phóng khoáng tiện lợi hơn? Thiền định chỉ là căn bản, nhưng nếu cố chấp vào ngồi, thì tỏ ra là qúa bảo thủ vì đây là cưỡng bức thân trói thân, có thể gây đau tê mỏi, người già, bệnh, tật, yếu không thể ngồi thiền lâu; tại sao có phương cách hành trì dễ dàng phóng khoáng ta lại bỏđi cho được?

Như đã nói ở trên rằng Thiền tông bắt nguồn từ Đức Phật Thích Ca truyền cho Tôn giả Ca Diếp là Tổ thứ nhất, căn cứ theo truyền thống Thiền tông bên Ấn Độ. Nếu nói Thiền tông không chính thống là không chính xác, có lẽ trong kinh sách Nam truyền không thấy ghi chép lại, là vì cónhững điều Đức Phật dạy khó hiểu, có vẻ vô nghĩa nên bỏ qua. Thí dụ như Đức Phật cầm cành hoa đưa lên, thì cho là chẳng có ý nghĩa gì cả nên không ghi lại, do đó mới có sự cho rằng Thiền tông không phải của Phật; vì vậy, chúng ta nên suy nghĩ (Chính Tư Duy) cho thật kỹ để có cái nhìn chân thật (Chính Kiến) về việc này.

 

Pháp hành của người tại gia thấp hơn rất nhiều so với pháp hành của người xuất gia. Pháp hành tại gia giúp con người trở thành chân nhân, sống hạnh phúc và biết chia sẻ phước báu. Pháp hành xuất gia là tu tập giới-định-tuệ, giúp hành giả trở thành thánh ngay trong đời sống hiện tại này. Hai con đường tại gia và xuất gia hoàn toàn khác nhau. Mười pháp môn của Trung Quốc không pháp môn nào phân biệt giữa pháp hành giữa tại gia và xuất gia.

 

Nhận xét:     Phật pháp có hai con đường cho người tu và cho người không tu, người tu thì phải tuân thủ những điều dành cho người tu, người không tu mà muốn có phước thì có những điều dành cho họ. Những điều nêu ra trên đây là sự kỳ thị đặt ra hàng rào cản không muốn cho người tại gia tu hành, tại sao lại bất công, ngăn cản bước tiến tu của các người này? Một điều chúng ta thấy là Đức Phật không hề ngăn cản Phật tử tại gia tu hành mà còn khuyến khích họ tu càng nhiều càng tốt như đã chứng minh ở trên.

 

Người tại gia và xuất gia tu cùng một kiểu, đọc cùng một nghi thức, thực tập chung một con đường và cho rằng cả hai đều được giải thoát như nhau. Như vậy là không đúng.

 

Nhận xét:Có một cách tu chung, đó là cải cách tiến bộ, tại sao lại phân biệt kỳ thị giữa người xuất gia và người tại gia? Không nên nhìn hời hợt bên ngoài, không nên cho rằng người tại gia tu không có kết qủa. Trường hợp nếu những người Phật tử tại gia tu kiếp này vì hoàn cảnh và thời gian eo hẹp không thể đạt qủa thì những người này đã gieo được hạt giống tu hành, để rồi kiếp sau có cơ hội tiếp tục tu.Như vậy vẫn có lợi ích hơn là không tu; vì vậy không nên có cái nhìn hạn hẹpđể bác bỏ việc tu hành của Phật tử tại gia.

 

 

Việc ứng dụng sai lời Phật dạy và không phân biệt các thực phẩm tâm linh dành cho hai đối tượng tại gia và xuất gia đã làm cho Phật giáo Trung Quốc, thông qua đạo Phật pháp môn,dẫn đến việc người ta phải “nhón chân” và “với tay” mãi mà không đạt được kết quả tu chứng.

 

Nhận xét:     Nhón chân với tay ý nói cao qúa không thể với tới, không thể lấy được, đây là nói xa sự thực chứ không phải vậy. Nhưđã chứng minh ở trên, Đức Phật đã thọ ký cho các cư sĩ tại Ấn Độ thời Phật tại thếđạt qủa là bằng chứng rõ ràng. Lịch sử Phật giáo Trung Hoa đã chứng minh, có những người là Tể Tướng (Thủ Tướng), Tổng Đốc (Tỉnh Trưởng), con gái 13 tuổi, cho đến bà già bán rong cũng đã kiến tánh. Ở Việt Nam có ngài cư sĩ Tuệ Trung Thượng Sĩ, ngài là thầy dạy đạo của vua Trần Nhân Tông, ngài có vợ con đầy đàn vẫn đạt đạo kiến tánh, thì làm sao có thể nói là người tại gia không thể tu hành đạt đạo được? Đó là những bằng chứng không thể phủ bác việc cư sĩđạt được kết qủa tu chứng vậy.

 

Đây chính là sự “cầu bất đắc khổ” mà đức Phật nói trong kinh Chuyển Pháp luân. Người tại gia không thể giải thoát được mà yêu cầu họ, khích lệ họ cần giác ngộ, cần giải thoát. Cho nên nhiều tu sĩ, Phật tử tu theo phong cách này một thời gian thì tự nhiên muốn rũ bỏ mọi trách nhiệm gia đình và xã hội, họ tưởng mình đã được tiến bộ. Thực ra đó là sự thiếu tinh tấn, là mất kiên trì, trái với đức Phật dạy.

 

Nhận xét:Nếu cho rằng người tại gia tu không giải thoát được là không đúng với sự thật nhưđã chứng minh ở trên, còn người tu lui sụt có ở mọi loại hạng, mọi thời, chứ không riêng một loại nào thời nào. Ngay thời Đức Phật còn tại thế, có bằng chứng, trong hàng Tỳ Kheo cũng có người thoái bỏ tu hành như Tỳ Kheo Thiện Túc là Thị giả của Phật phá giới bỏ đạo trước thời Tôn giả A Nan Đà làm Thị giả. Rồi Tôn giả Tôn Đà La Nan Đà là em ruột cùng cha khác mẹ của Phật, vì tham dục muốn xả giới bỏ đạo, may nhờ Đức Phật dùng thần thông giáo hoá nên mới qua khỏi, chứ nếu như ngày nay thì chẳng có ai ngăn cản nổi. Người tu thì phải bỏ bớt những gánh nặng, ràng buộc gia đình và xã hội, thì mới rảnh rang hành trì được; nếu tu mà còn quấn quýt bận rộn với gia đình xã hội thì chẳng thể tu hành được, đó làđiều dễ hiểu.

 

Phật tử tại gia tiêu biểu thời đức Phật có mười cư sĩ nam, trong đó điển hình nhất là Cấp Cô Độc và mười cư sĩ nữ, trong đó điển hình nhất là Visakha. Hai ông bà này là các đại gia, vẫn tiếp tục làm giàu cho đến cuối đời và đồng thời họ dấn thân làm Phật sự và thiện sự. Nhờ tu đúng lời Phật dạy, họ phụng sự xã hội năng động hơn, chứ không phải tu rụt, tu rị theo kiểu ngày mai sẽ chết. Nhiều người tu cực đoan chỉ cần biết gõ mõ, tụng kinh là hết, nhấn mạnh đến các khóa lễ tín ngưỡng. Hướng làm đạo theo phong cách của đức Phật bị mất dần trong đạo Phật tổ sư. Đó là sự khác biệt giữa pháp hành của người tại gia và xuất gia.

 

Nhận xét:Phật tử tại gia ngày nay chỉ làm phước không tu có rất nhiều chứ chẳng phải làít; mặt khác, ngày nay có nhiều phương tiện như kinh sách, báo chí, truyền thông, mạng lưới (Internet), v.v… Vì vậy cho nên mọi người từ Phật tử, cho đến cả người ngoại đạo đều có cơ hội đọc và tìm hiểu Phật pháp, do đó họ hiểu giáo lý của đạo Phật vàthấy sự lợi ích của việc hành trì. Bằng chứng là ngày nay đã vàđang có nhiều Linh Mục, người ngoại đạo, các nhà khoa học v.v… học thiền.

Vào thời Phật tại thế ngày xưa không có chữ viết, không có máy thu băng không có những thứ tiến bộ của khoa học như ngày nay, nên lời Phật giảng chỉ có người nào đi tu mới được nghe lời dạy để thực hành. Còn các người tại gia vì bận rộn công việc gia đình nên không có cơ hội được nghe Phật giảng; đó là lý do muốn tu phải xuất gia và người tại gia không tu được, chứ không phải là Đức Phật không muốn người tại gia tu đâu.

     Đời người là biển khổ, sinh tử luân hồi trầm luân, cái chết không tránh một ai, đó là căn bản Phật dạy, đúng nó là như thế. Nếu không nói đến, không nhắc nhở chúng sinh còn mải mê quay cuồng với dục vọng, thì chẳng thể dẫn dắt chúng sinh theo con đường thoát khổ. Xin không nên nói những lời châm biếm rằng “tu rụt, ti rị theo kiểu ngày mai sẽ chết”, do chẳng có ai biết được mình sẽ sống được bao lâu, vì có thể chết bất cứ lúc nào không phận biệt nam nữ già trẻ lớn bé. Nói đến sinh tử khổ ải trầm luân là nói ra sự thật để nhắc nhở Phật tử lo lắng về sự sống chết, làm bàn đạp cho sự tạo nghiệp tốt, cùng tinh tấn tu hành hầu thoát khỏi khổ, chứ chẳng phải là hùdọa đâu.

    Vấn đề muốn cho người Phật tử xuất gia và tại gia hành trì đúng theo lời Phật dạy là phải có một sự hợp tác bàn thảo, làm việc chung giữa các tông để có một kế hoạch sao cho thích hợp và tiến bộ. Những thứ mê tín dị đoan thì phải dẹp bỏ, những chữ viết, biểu tượng không phải của dân tộc tại các Đình, Chùa, Lăng, Miếu phải sửa lại. Những chùa tu hành sai ý kinh thì phải sửa lại cho đúng với nghĩa của kinh; các buổi lễ, các khóa tu nên được sửa đổi theo một đường lối chung cho cả nước. Đó là cải cách và làm được bấy nhiêu điều thì Phật giáo Việt Nam sẽ có một bộ mặt mới, vì nếu làm được như thế làtiến bộ lắm rồi, chúng ta không mong gì hơn vậy.

 

Câu hỏi 5: (Còn tiếp)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
12/03/2024(Xem: 1151)
“Thật-giả” nghe có vẻ như lẫn lộn và khó phân biệt nhưng không phải vậy, nó chỉ khó phân biệt khi chúng ta chỉ mới nhìn thoáng qua mà chưa có thời gian tiếp cận và thử thách, một khi đã có dấu chân của thời gian cùng với sự nhìn nhận từ vô số con người thì thật giả đều sẽ bị phơi bày, dù là sự ngụy trang tinh xảo nhất, thế nên người chân tu sẽ không bao giờ phải sợ hãi trước bất kỳ điều gì, họ sẽ luôn bình thản đón nhận mọi sóng gió, thị phi, bởi họ có tâm bồ đề kiên cố, có như vậy họ mới là thạch trụ minh sư soi sáng cho tầng tầng lớp lớp phật tử đi theo. Ngược lại, người chưa có tâm tu hành thật sự sẽ dễ dàng bị chao đảo trước những làn sóng thị phi, họ sẽ cất công tìm mọi cách che chắn cho mình rồi từ đó lại có những hành động nhất thời làm mất đi hình ảnh, mất đi sự uy nghiêm, vững chãi.
08/03/2024(Xem: 499)
Chúng ta sinh ra làm người đã là khó, xuất gia lại càng khó hơn. Nhưng xuất gia rồi lại được học Phật, học Phật rồi lại được chiêm nghiệm lời Phật dạy và sau khi chiêm nghiệm lời Phật dạy rồi, thấy pháp học này, pháp hành này thích ứng với chúng ta và chúng ta đưa pháp học, pháp hành đó ứng dụng vào trong đời sống của chúng ta lại là rất khó. Và khó hơn nữa là chúngta ứng dụng pháp học pháp hành ấy vào trong đời sống chúng ta mà dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu trong tâm thức ta hoàn toàn lắng yên, tịch lặng, khiến cho hết thảy điều ác từ nơi thân khẩu ý không còn có điều kiện để biểu hiện, khiến cho tất cả những điều thiện luôn luôn biểu hiện nơi thân ngữ ý của chúng ta lại là rất khó. Và khó hơn nữa, là chúng ta luôn luôn giữ tâm ý thanh tịnh đúng như lời Phật dạy, đó là thiên nan vạn nan trong đời sống tu học của chúng ta
23/02/2024(Xem: 393)
Tôi viết bài này với tư cách là một tu sĩ Phật giáo cấp cao người Mỹ gốc Do Thái, người đã cực kỳ đau khổ trước cuộc tấn công quân sự của Israel vào người dân Gaza. Tôi nhìn thấy chiến dịch này có lẽ là cuộc khủng hoảng đạo đức bi thảm nhất trong thời đại chúng ta. Những trận bom dữ dội, số người chết tăng không ngừng, cuộc phong tỏa chết chóc đối với những nhu yếu phẩm thiết yếu, trận hủy diệt sinh mạng của những người vô tội - tất cả những sự kiện này đốt cháy ý thức đạo đức như một bàn ủi nóng đỏ và đòi hỏi một tiếng hét lớn từ sâu thẳm tâm hồn: “Trời ơi, hãy dừng lại đi!” Thực vậy, với giọng điệu kín đáo của mình, Tòa án Công lý Quốc tế (International Court of Justice) đã đưa ra một tiếng hét như vậy, nhưng nó như dường đã bị rơi bỏ đối với những tai điếc.
25/07/2023(Xem: 1512)
Trong số những lý do Tổng thống Nga Vladimir Putin viện dẫn, qua diễn văn dài trên đài phát thanh truyền hình Nga chiều tối ngày 21 tháng 2 năm 2022 để chuẩn bị và biện minh cho cuộc tấn công vào Ukraine từ ngày 24 tháng 2 năm 2022, ngoài những lý do chính trị và quân sự, còn có lý do tôn giáo, gọi là để “bênh vực Giáo hội Chính thống Nga tại Ukraine bị chế độ của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy áp bức”.
14/04/2023(Xem: 4064)
Xưa nay ngoài chư Tăng đắp y vàng, tín đồ phật tử chỉ mặc áo tràng, khất sĩ gọi là áo giới để phân biệt tôn ti.Người Tàu có nhóm đạo tràng cho cư sĩ đắp y nâu, cũng thâm nhập vào Việt Nam, nhưng chưa phổ biến trong các chùa. Giờ đây lại xuất hiện một nữ cư sĩ đắp y vàng, vài ba vị nam cạo đầu đắp y ngồi làm Duy na duyệt chúng trong buổi lễ do vị nữ cư sĩ đắp y vàng làm chủ lễ. Mọi người tôn xưng là sư phụ; xuất hiện tại một ngôi chùa tại miền Bắc Trung Việt.
25/02/2023(Xem: 1290)
Giá trị của một Tôn giáo, không chỉ nhìn vào số lượng tín đồ, nhìn vào cơ cấu tổ chức hay vào mức độ phát triển,thậm chí thời gian tồn tại. Mỗi Tôn giáo có một quy luật, một giáo chế để củng cố tổ chức; giới luật dành cho tu sĩ càng khắc khe,thì thân hành càng hiển lộ uy đức, phước tướng càng phát sanh.
03/11/2021(Xem: 3664)
Đoạn tuyệt với Facebook để vun xới tình người Facebook do Mark Zuckerberg sáng lập năm 2004 khi đang theo học năm thứ hai Đại học Harvard. Zuckerberg ra mắt Công ty Facebook năm 2012 ở vai trò Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành và trở thành tỉ phú trẻ tuổi nhất thế giới được nằm trong danh sách 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất toàn cầu. Facebook hiện có 2.7 tỷ người tham gia. The Forbes xếp Mark Zuckerberg hạng 5 trong tốp 10 tỉ phú hàng đầu với tổng số tài sản lên tới 97 tỷ USD.
16/06/2021(Xem: 12174)
Thời gian như đến rồi đi, như trồi rồi hụp, thiên thu bất tận, không đợi chờ ai và cũng chẳng nghĩ đến ai. Cứ thế, nó đẩy lùi mọi sự vật về quá khứ và luôn vươn bắt mọi sự vật ở tương lai, mà hiện tại nó không bao giờ đứng yên một chỗ. Chuyển động. Dị thường. Thiên lưu. Thiên biến. Từ đó, con người cho nó như vô tình, như lãng quên, để rồi mất mát tất cả... Đến hôm nay, bỗng nghe tiếng nói của các bạn hữu, các nhà tri thức hữu tâm, có cái nhìn đích thực rằng: “Đạo Phật và Tuổi Trẻ.” “Phật Việt Trong Lòng Tộc Việt.” “Dòng Chảy của Phật Giáo Việt Nam” hay “Khởi Đi Từ Hôm Nay.” Tiếng vang từ những lời nói ấy, đánh động nhóm người chủ trương, đặt bút viết tâm tình này. Đạo Phật có mặt trên quê hương Việt Nam hai ngàn năm qua, đã chung lưng đấu cật theo vận nước lênh đênh, khi lên thác, lúc xuống ghềnh, luôn đồng hành với dân tộc. Khi vua Lê Đại Hành hỏi Thiền sư Pháp Thuận về vận nước như thế nào, dài ngắn, thịnh suy? Thì Thiền sư Pháp Thuận đã thấy được vận nước của quê hương mà
26/04/2021(Xem: 4417)
Dịch Covid-19 "càn quét" Ấn Độ khiến quốc gia Nam Á rơi vào tình trạng nghiêm trọng, với cảnh các bệnh viện không còn giường trống và thi thể xếp hàng dài trước các cơ sở hỏa táng.
16/04/2021(Xem: 4948)
Từ chuyện bộ phận có trách nhiệm, một vài địa phương đưa ra yêu cầu những ai muốn khai tôn giáo là Phật giáo trong thủ tục Căn Cước Công Dân (CCCD), phải có giấy chứng nhận là tín đồ mới được chấp nhận. Đây là một chuyện lạ gây ra nhiều thắc mắc trong giới Phật tử, vì từ trước đến nay chưa thấy xảy ra. Ngay cả trong thời gian còn nhiều lo toan, từng bước ổn định và hoàn thiện bộ máy hành chính và quản lý nội chính sau năm 1975, điều này vẫn chưa xảy ra. Nếu ai đến khai vào mục tôn giáo là không tôn giáo hay có tôn giáo là Phật giáo, thì bộ phận chuyên trách vẫn ghi vào theo lời khai ấy. Thí dụ người viết bài này làm thủ tục xin cấp Chứng Minh Nhân Dân (CMND) tại Sở Công An TP.HCM (ảnh 1-xem biên nhận), ngày 16/05/1978, tôi vẫn ghi rõ ràng tôn giáo là Phật giáo mà không ai làm khó dễ gì. Thời gian sau đó sau một vài lần cấp mới, gần nhất là ngày 26/03/2011 làm lại, tôi vẫn ghi Tôn giáo Phật đàng hoàng (ảnh) mà vẫn không thấy có một cản ngại nào. Đó mới là chuyện bình thường (ảnh 2-
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567