NGUYỄN XUÂN CHIẾN
Sự tích NIỆM PHẬT KIẾM
qua chuyện kể của
Ngài Cưu ma La thập
Đọc để chuyển hóa và kiên cố niềm tin…
(Ngài La Thập nói chuyện cùng với mẫu thân:)
- Giáo nghĩa Đại Thừa Phương Đẳng rất sâu, phải hoằng truyền và xiển dương khắp Đông Độ, tất cả đều do nơi trí lực và sở đắc của con. Nhưng nếu con chỉ lo cho bản thân thì chẳng được lợi lạc gì cho ai. Việc này con nghĩ như thế nào?
Ngài thưa cùng mẹ:
- Thưa mẹ, đạo của các bậc Bồ Tát đại sĩ là giác ngộ tâm linh cho chúng sinh và phải quên đi bản thân. Như vậy mới làm cho đại đạo lưu truyền, giác ngộ kẻ phàm phu mê muội.
Được thế, thì dẫu thân con bị ném vào lò lửa, hoặc bị quăng vào vạc dầu mà nấu, chịu đủ đắng cay khổ sở, con cũng không tiếc hận. Chỉ nguyện sao cho ánh sáng Chánh Pháp vĩnh viễn tỏ rạng, mặt trời Đại Thừa dẫn dắt muôn vạn sinh linh ra khỏi vòm mê tối, thì con thỏa dạ vô cùng...
NIỆM PHẬT KIẾM
qua chuyện kể của
Ngài Cưu ma La thập
PHẦN I: LƯỠI KIẾM THẾ GIAN
Vào cuối đời Tây Tấn, vua Huệ Đế ngu tối, việc triều chính đều do hoàng hậu Giả thị chủ trương. Giả hậu là người nham hiểm, lại biết quyền biến đởm lược, mưu giết các thân vương, phế bỏ Thái tử.
Triệu Vương Luân bèn phẫn uất, cử binh giết Giả hậu, truất phế vua Huệ Đế mà tự xưng lên làm vua. Các thân vương khác thấy vậy cũng dấy binh tranh giành lẫn nhau, cốt nhục tương tàn, làm cho nhà Tấn suy yếu.
Lúc ấy, ở phía Tây Bắc trung nguyên, có năm giống rợ gọi là Ngũ Hồ, gồm rợ Hung Nô, rợ Yết, rợ Tiên Ri, rợ Chi và rợ Khương thấy nhà Tấn có nội loạn, rợ Ngũ Hồ bèn cất quân vào chiếm giữ dần dần cả vùng lưu vực sông Hoàng Hà và phía Bắc của Trung Nguyên, uy hiếp các vua nhà Tấn. Rồi Ngũ Hồ lần lượt nối nhau xưng đế, xưng vương, dựng thành 16 nước.
Tư Mã Duệ là tằng tôn của Tư Mã Ý, phải chạy về dựng nghiệp ở Đông Nam, lên làm Hoàng đế, sử sách đời sau gọi là Đông Tấn.
Nhưng uy thế Đông Tấn quá kém cỏi, nên các thân vương, chư hầu nổi lên giành giật địa khu và quyền lực, tranh chấp không ngớt. Chiến tranh dấy động liên miên, sưu cao thuế nặng, dân tình ly tán và thảo khấu lộng hành, cường hào tác tệ, áp chế muôn dân rất khắc nghiệt. Gặp những năm hạn hán mất mùa, người dân nghèo phải đổi con nhau mà ăn thịt cho qua cơn đói. Có ai quan tâm đến thịnh suy của xã tắc và an nguy của người đồng bang, thì không khỏi ngậm ngùi rơi nước mắt.
Bậc chí nhân ra khỏi ngõ, thấy thây người như rạ, nằm đầy thị thành, phơi khắp sông chợ, bèn kinh tâm động phách, bàng hoàng xúc cảm, nhưng chẳng biết phải làm thế nào để chuyển đổi vận nước. Bậc trí giả cũng muốn tay kiếm tay cờ, mưu đồ đại sự, nhưng cũng đành khoanh tay bó gối, chẳng biết làm thế nào để đưa xã tắc trở nên thịnh trị, giúp bá tánh an cư lạc nghiệp.