Lịch sử không thường lặp lại, nhưng khi đã lặp lại thì có nhiều chuyện kỳ thú khiến ta không thể không lưu tâm.
Đầu thế kỷ XI, thời nhà Lý, lịch sử Việt nam đã từng có một cuộc tình thơ mộng giữa vì vua đang ngự trị với một cô thôn nữ hái dâu, nuôi tằm, dệt lụa, đó là Lý Thánh Tông với Ỷ Lan. Sáu trăm năm sau lịch sử Việt nam lại ghi tiếp một mối tình khác cũng thơ mộng không kém giữa chàng công tử con nhà Chúa: Nguyễn Phúc Lan với cô thôn nữ cũng theo nghề hái dâu, ươm tơ, dệt lụa: Đoàn thị Ngọc vào đầu thế kỷ XVII, dưới thời chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên.
Đối chiếu cuộc đời của họ, nói theo ngôn ngữ hiện đại ta có thể nói như một bản sao còn người xưa thì nói đó là duyên tái sinh.
Lý Thánh Tông tên thật là Nhật Tôn lên ngôi năm 1054, đến 40 tuổi vẫn chưa có con nối dõi, một hôm vua đi cầu tự, qua làng Thổ Lội (sau đổi là Siêu Loại rồi lại đổi là Thuận Quang), người đi xem đứng đầy đường, có một người con gái hái dâu, thấy xe nhà vua đi cứ đứng tựa vào cây lan chứ không ra xem. Vua thấy thế lấy làm lạ, truyền gọi đem vào cung, phong là Ỷ Lan phu nhân. Bà có thai sinh ra hoàng tử Càn Đức (vua Lý Nhân Tông) được tấn phong là Nguyên phi. (Trần Trọng Kim, Việt
Lý Thánh Tông và Thần Tông Nguyễn Phúc Lan xem ra có nhiều điểm tương đồng:
- Về dòng tộc
Nhà Lý 9 đời vua Họ Nguyễn 9 đời chúa
1) Thái tổ Lý Công Uẩn 1) Thái tổ Nguyễn Hoàng
2) Thái Tông Phật Mã 2) Hy Tông Nguyễn Phúc Nguyên
3) Thánh Tông Nhật Tôn 3) Thần Tông Nguyễn Phúc Lan
4) Nhân Tông Càn Đức 4) Thái Tông Nguyễn Phúc Tần
5) Thần Tông Dương Hoán 5) Anh Tông Nguyễn Phúc Thái
6) Anh Tông Thiên Tộ 6) Hiển Tông Nguyễn Phúc
7) Cao Tông Long Trát 7) Túc Tông Nguyễn Phúc Thụ
8) Huệ Tông Sam 8) Thế Tông Nguyễn Phúc Khoát
9) Chiêu Hoàng 9) Duệ Tông Nguyễn Phúc Thuần
Nhà Lý từ khi Lý Thái Tổ lên ngôi năm 1010 đến khi Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh năm 1225, trị vì được 216 năm.
Họ Nguyễn từ khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa năm 1558 đến khi Phú Xuân thất thủ Duệ Tông phải chạy vào Quảng Nam rồi vào Gia Định năm 1774, cũng cai quản Đàng Trong được 216 năm.
- Thánh Tông và Phúc Lan đều thuộc về thế hệ thứ ba:
Lý Thái Tổ - Lý Thái Tông - Lý Thánh Tông
Nguyễn Hoàng - Nguyễn Phúc Nguyên – Nguyễn Phúc Lan.
Cha Thánh Tông là Thái Tông vừa lên ngôi đã bị các em là Đông Chính Vương, Dực Thánh Vương và Vũ Đức Vương nổi loạn tranh ngôi, nhờ có Lê Phụng Hiểu dẹp tan.
Cha của Phúc Lan là Phúc Nguyên ở ngôi chưa được bao lâu thì bị hai em là Nguyễn Phúc Hiệp và Nguyễn Phúc Trạch mưu hại, nhờ có Nguyễn Phúc Tuyên trừ được.
- Ở ngôi không được lâu:
Lý Thánh Tông trị vì 17 năm, Nguyễn Phúc Lan ở ngôi chúa 13 năm.
- Cùng chết đột ngột ở tuổi tri thiên mệnh:
Lý Thánh Tông băng ở điện Hội Tiên, thọ 50 tuổi, Nguyễn Phúc Lan chiến thắng quân Trịnh trở về đến phá Tam Giang thì đột ngột qua đời trong tiếng trống khải hoàn lúc 48 tuổi.
- Cùng mất vào năm Tý:
Lý Thánh Tông mất năm Nhâm Tý 1072, Nguyễn Phúc Lan chết năm Mậu Tý 1648, tổng số của hai năm mất đó đều là 19 (vi diệu là do hai cách cộng khác nhau (10+7+2) và (1+6+4+8)
- Có chung một chữ Thần Võ:
Lý Thánh Tông sau khi thắng vua Chiêm là Chế Củ lấy được ba châu Bố Chính, Địa Lý, Ma Linh liền cải hiệu là Thần Võ.
Nguyễn Phúc Lan sau khi mất được con là Nguyễn Phúc Tần tôn thụy là Đại Nguyên soái thống suất Thuận Hóa Quảng Nam đẳng xứ chưởng quốc chính Uy Đoán Thần Võ Nhân Chiêu Vương.
- Cùng chú trọng văn học:
Năm Canh Tuất 1070 Lý Thánh Tông bắt đầu lập Văn miếu, đắp tượng Khổng Tử, Chu Công và Tứ Phối (Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư, Mạnh Tử, bốn học trò của Khổng Tử được thờ phụ ở bên Khổng Tử), vẽ tượng Thất thập nhị hiền ( bảy mươi hai người học trò giỏi của Khổng Tử), bốn mùa cúng tế, Hoàng thái tử đến đấy học để đề cao việc học.
Năm Đinh Hợi 1647 Nguyễn Phúc Lan bắt đầu mở khoa thi Chính đồ và Hoa Văn ở Đàng Trong, lấy được 7 người trúng cách về Chính đồ, 24 người trúng cách về Hoa Văn,tất cả đều được bổ dụng.
- Cùng có chiến công về phía Bắc:
Năm Kỷ Hợi 1059, Lý Thánh Tông đánh nhà Tống đến Khâm Châu rồi trở về, năm Canh Thìn 1640 Nguyễn Phúc Lan lấy được Châu Bắc Bố Chính rồi trả lại cho họ Trịnh.
- Cùng có công với đất phương
Năm Ất Dậu 1069, Lý Thánh Tông đem quân đánh Chiêm Thành bắt được vua Chiêm là Chế Củ cùng 5 vạn người Chiêm. Chế Củ muốn được tiếp tục làm vua nên xin dâng ba châu Bố Chính, Địa Lý và Ma Linh để chuộc tội.
Năm Mậu Tý 1648, sau khi chiến thắng quân Trịnh bắt được 3 vạn tàn quân, chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan bàn với các tướng đem số tàn binh bắt được giải vào Nam, chia ra từng nhóm 50 người làm một ấp, cấp lương thực, trâu bò để họ khai khẩn ruộng hoang tính kế lâu dài. Từ đó, từ Điện Bàn, Thăng Bình đến Phú Yên làng mạc liền nhau, dân cư không còn thưa thớt như trước.
- Cả hai đều là người nhân từ:
Mùa đông năm Ất Mùi 1055, trời rét lắm, Lý Thánh Tông bảo các quan tả hữu rằng: “Trẫm ở trong cung nào lò sưởi ngự, nào áo lót cầu còn rét như thế này, nghĩ đến người tù giam trong ngục, khổ sở về gông cùm, chưa biết rõ ngay gian, mà ăn không no bụng, áo không kín mình, gió rét khổ thân, hoặc có kẻ chết không đáng tội, trẫm rất thương xót. Vậy hạ lệnh cho Hữu ty phát chăn chiếu và mối ngày 2 lần phát cơm” (Đại Việt sử kí toàn thư, T1, NXB Văn hóa Thông tin, tr 318)
Nguyễn Phúc Lan thì cùng các tướng tá bàn cách khu xử những tàn quân Trịnh bị bắt. Có người cho rằng quân giặc tráo trở để đấy thì sợ sinh biến, không bằng đưa họ đi ở chỗ núi sâu hay nơi hải đảo để khỏi lo về sau; lại có người cho rằng giết tướng hiệu đi còn quân thì thả về miền Bắc. Chúa nói: “ Hiện nay từ miền Thăng (phủ Thăng Bình) Điện (phủ Điện Bàn) trở vào Nam đều là đất cũ của người Chàm, dân cư thưa thớt, nếu đem chúng an tháp vào đất ấy, cấp cho canh ngưu điền khí, chia ra từng bộ từng xóm, tính nhân khẩu cấp cho lương ăn để chúng khai khẩn ruộng hoang, thời trong khoảng mấy năm, thuế má thu được có thể giúp quốc dụng, và sau hai mươi năm, sinh sản ngày nhiều, có thể thêm vào quân số, có gì mà lo về sau!”
Bèn tha các tướng Gia, Lý và bọn tỳ tướng hơn 60 người về Bắc, rồi chia tan số binh ra cho ở các nơi, cứ 50 người làm một ấp, đều cấp cho lương ăn nửa năm (Đại Nam thực lục, T1,NXB Giáo Dục, tr 59)
- Về phương diện tình ái, cả hai đều gặp người yêu trên đường đi vãng cảnh, họ đều là người thôn dã, cùng một nghề hái dâu nuôi tằm, và tất nhiên đều có sắc đẹp mỹ miều khiến họ phải say mê, cả hai không chỉ yêu vì sắc mà còn cảm vì tài, hai cô thôn nữ đều đối đáp thông minh sắc sảo, đầy bản lĩnh.
Có điều khác biệt là Thánh Tông gặp Nguyên phi Ỷ Lan quá trễ, thời gian chăn gối không nhiều chỉ độ mười năm, thật là ngắn ngủi. Sáu trăm năm sau như để bù đắp lại cuộc tình dang dở vì hạn giới thời gian nghiệt ngã của Lý Thánh Tông với Ỷ Lan, Nguyễn Phúc Lan đã may mắn gặp Hiếu Chiêu Hoàng Hậu rất sớm ở tuổi đương thì, họ đã chung hưởng hạnh phúc dài lâu mà không hoài phí tuổi thanh xuân.
Bà Ỷ Lan chỉ là thứ phi của Lý Thánh Tông, với bà Hiếu Chiêu Hoàng Hậu việc này đã được điều chỉnh. Bà trở thành chính phi từ lúc tóc còn xanh.
Về việc tiếp cận đối tượng buộc họ phải chú ý đến mình, cả hai bà đều là những tay kiệt xuất. Bà Ỷ lan thì chọn cách tĩnh, bà đứng yên giữa dòng người như đang bôn ba không ngừng chen lấn, một mình tựa gốc Lan, giai nhân càng thêm yểu điệu, vừa như hững hờ, vừa như bất cần. Phong cách của bà đã làm cho lòng tự tôn của bậc vương giả kinh ngạc và thế là việc gì phải đến đã đến.
Bà Hiếu Chiêu thì có cách tiếp cận khác, không như Ỷ Lan bà dùng tiếng hát khua động đêm trăng tĩnh mịch, giữa bãi dâu ngút ngàn, bên con sông lặng lẽ, chờ đón thuyền rồng của chàng công tử đương tơ mà bà biết sẽ đi qua (cách Dinh Chiêm vài dặm, ai lại chẳng kháo nhau thuyền Chúa sẽ du hành, nhất là trên thuyền còn có cả một chàng vương tôn thiếu niên anh tuấn, giấc mơ của các cô gái đương thì). Thuyền rồng lững lờ trôi lại, cô thôn nữ Chiêm Sơn mơ màng cất tiếng hát:
Tai nghe chúa ngự thuyền rồng
Cảm thương phận thiếp má hồng nắng mưa.
Làm sao không xao xuyến khi nghe giọng hát mượt mà vang động cả dòng sông, làm sao có thể thờ ơ trước cảnh cô đơn của một người vẫn ra sức miệt mài lao động giữa đêm khuya khoắt, nhất là người đó lại là một thiếu nữ trẻ trung như tiếng hát của nàng. Câu hát vừa dứt thì tiếng hát của nàng lại tiếp tục ngân vang càng làm trái tim chàng thiếu niên công tử nôn nao:
Thuyền rồng, gác phượng đâu đâu
Thiếp thương phận thiếp hái dâu một mình.
Tiếng hát hòa theo tiếng sóng vỗ vào mạn thuyền, con thuyền lắc lư theo sóng nước, lòng chàng công tử cũng dâng tràn nỗi xót xa, phải chăng chàng có lỗi khi đang tựa lưng nơi thuyền rồng tận hưởng cảnh xa hoa quyền quý, để cho ai đó phải lầm lũi hái dâu một mình. Tiếng hát véo von từ xa vọng lại vừa trong, vừa ngọt, vừa chua chát, như than, như trách, như oán, như hờn. Công tử Nguyễn Phúc Lan hoàn toàn bị tiếng hát của cô thôn nữ bên gành Điện Châu thu hút, chàng không thể không đi tìm gặp nàng, thuyền rồng cập bến Điện Châu, dưới bóng dâu xanh tràn ngập ánh trăng vàng, công tử Nguyễn Phúc Lan đã diện kiến cô thôn nữ họ Đoàn. Không trông thấy mặt thì thôi, thấy rồi làm sao ngăn cản hai trái tim cùng chung nhịp đập.
- Cả hai đều mắc phải lỗi lầm trong cuộc đời:
Lý Thánh Tông đã nhọc sức dân để xây tháp Báo Thiên, phí của dân để làm cung Dâm Đàm còn Nguyễn Phúc Lan cầm quyền được mấy năm thì sa lưới Tống Thị (vợ của người anh cả là Nguyễn Phúc Kỳ mới vừa quá cố). Được chúa thương tình cho phép ra vào cung phủ, Tống Thị luôn vận dụng khả năng quyến rũ của người phụ nữ đang ở vào độ tuổi sung mãn, hấp dẫn nhất để làm cho chúa không thể cầm lòng đâm ra say đắm, xao nhãng việc triều chính, chỉ lo yến tiệc vui chơi bất chấp dư luận đàm tiếu. Chúa lại còn muốn xây lầu cao để hưởng lạc cùng Tống Thị, bắt dân lên rừng tìm gỗ quí dâng nạp. Các bậc công khanh can gián nhưng chúa không nghe, duy chỉ có Vân Hiên hầu dám nói thẳng mối hiểm họa, chúa mới đình chỉ việc xây lầu.
Ở trên đã nói cuộc đời của Lý Thánh Tông với Ỷ Lan và cuộc tình của Nguyễn Phúc Lan với Hiếu Chiêu như một bản sao, cách nói đó chỉ là gợi mở, một cách nhìn tổng quát còn đi sâu vào thì không có cuộc đời nào lại giống y chang cuộc đời nào. Ở họ có những điểm tương đồng nhưng cũng có những khác biệt rất lớn, họ như vừa là một nhưng không phải một, họ như vừa là hai nhưng không hẳn là hai. Cuộc đời họ hình như là một sự lặp lại nhưng lặp lại trong khác biệt, sự lặp lại như vừa tiếp nối vừa bổ sung, vừa điều chỉnh, giống như bản thân ta trong suốt cuộc đời là ta nhưng không hẳn là ta trong từng thời điểm.
Lý Thánh Tông gặp Ỷ Lan quá muộn màng ở tuổi 40 lại chỉ sống với nhau không trọn mười năm. Cuộc tình muộn và vắn đó hẳn đã để lại cho họ nhiều hối tiếc. Họ chỉ có tình già mà không có tình non trẻ, họ chỉ sống ở xứ Đàng Ngoài mà không có được xứ Đàng Trong. Nguyễn Phúc Lan và Hiếu Chiêu dường như sinh ra để bổ túc cho những gì họ ước ao mà chưa trọn vẹn. Phúc Lan và Hiếu Chiêu chỉ sống ở Đàng Trong để nối dài cho Đàng Ngoài của Thánh Tông và Ỷ Lan. Đó là sự nối tiếp chứ không nối lặp vì Lý Thánh Tông đã mở nước đến Bố Chính, Địa Lý, Ma Linh thì Phúc Lan đi tiếp từ Thuận Hóa đến Quảng Nam, Phú Yên chưa kể thời đó một số dân của ta đã vào khai hác miền Nam theo chân Công nương Ngọc Vạn, cho nên đã có lần Phúc Lan đánh chiếm được Bắc Bố Chính rồi cũng trả lại cho họ Trịnh.
Lý Thánh Tông thiếu mất đoạn tình ở trước tuổi 40, Phúc Lan đã bổ túc cuộc tình ở lứa tuổi thanh xuân, sôi nổi, mãnh liệt, nhưng chỉ đến tuổi 39 thì thôi. Đến tuổi này Phúc Lan đã rẽ ngang, ông không còn say mê chung thủy với Hiếu Chiêu, cuộc tình của ông đã có bước ngoặt.
Tống Thị đã bước vào đời Phúc Lan với xâu chuỗi bách hoa trăm sắc trăm hương nồng nàn quyến rũ làm cho Phúc Lan như si như dại, hẳn bà Thượng Dương ở dưới tuyền đài cũng hả dạ, Tống Thị đã giành được cái gì bà đã mất. Nhưng lần này Hiếu Chiêu Hoàng Hậu con người đoan trang hiền thục đã không phạm sai lầm như Ỷ Lan, hình như có một sự điều chỉnh, bà chỉ sống âm thầm trong cung cấm không để cho quyền lực cám dỗ, bà để Tống Thị tự do. Hiếu Chiêu không sát hại Tống Thị thảm khốc như Ỷ Lan đã nhẫn tâm ra tay với Thượng Dương Hoàng Thái Hậu.
Châu Yến Loan