" và LỜI CÁM ƠN MUỘN MÀNG.
Ai cũng biết cuộc vượt biên, vượt biển sau ngày 30/4/1975 của người Việt là cuộc vượt biên lớn lao nhất của thế giới. Nhìn lại tuyến đường này, nhiều người còn cảm thấy hãi hùng, khiếp sợ. Cuộc hành trình tìm tự do được đánh đổi cả bằng mạng sống của mình và của chính gia đình mình.
Cho dù hiện tại, cuộc vượt biển vẫn còn tiếp tục, cuộc vượt biên vẫn còn diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau, nhưng cuộc tổng kết của Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc (Cao Ủy) chỉ tính từ 1975 tới 1990.
Theo tài liệu của Cao Uỷ thì 839,228 người đến các trại tỵ nạn của Cao Ủy, trong số đó, 42,918 người đi đến trại tỵ nạn Thái Lan bằng đường bộ. Cũng theo thống kê, 749,929 người được đi định cư tại các nước thứ ba trong thời gian này gồm có 402,382 định cư tại Hoa Kỳ, 108,808 người tại Úc, 100,012 tại Canada, chưa kể một số định cư tại Pháp, Anh và các quốc gia Bắc Âu, cũng như một số nhỏ được dịnh cư tại Phi, Mã Lai … Tuy nhiên, số tử vong cũng rất cao, được phỏng đoán từ 200,000 đến 400,000 người bỏ mình trên biển.
VAI TRÒ CỦA CAO ỦY TỴ NẠN LIÊN HIỆP QUỐC
Có một lúc nào đó, cháu ngoại hay cháu nội hỏi: “Làm sao ông bà đến được nước Úc?”.
Chúng ta trả lời dễ dàng là: “Úc đã nhận ông bà”.
Cháu sẽ hỏi lại: “Làm sao Úc biết mà nhận?”
- Ừ, thì ông bà đi ghe đến Malaysia ( hoặc Indonesia ), phái đoàn Úc đến và ông bà xin đi Úc.
- Ông bà là người Việt sao ông bà được ở Malaysia ( hay Indonesia ) ?
À, thì ra, đây là khởi đầu của câu chuyện.
Lúc đầu, các nước Đông Nam Á không kham nổi với tình trạng người tỵ nạn Việt Nam, họ đã cho cảnh sát kéo tàu người Việt ra khơi rồi bỏ lại đó. Tính tới cuối năm 1977, có khoảng 80, 000 người Việt bỏ mình ngoài khơi Singapore.
Chính Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc (United Nations High Commissioner for Refugees _ UNHCR) đã vận động các nước chấp nhận cho thuyền nhân Việt Nam tạm dung và cũng chính Cao Ủy đã vận động các nước thứ ba nhận cho người tỵ nạn định cư.
Trong thời gian tạm dung, chính Cao Ủy đã chi tiền cho thực phẫm, và xây dựng một số phương tiện tạm dung cho thuyền nhân qua sự giúp đỡ của nhiều mạnh thường quân..
Tại Thái Lan, các trại tạm dung còn chắp nhận cả những người vượt biên bằng đường bộ.
Tới đây, chúng ta thử đặt câu hỏi: “ Số phận chúng ta sẽ phải ra sao nếu không có bàn tay của Cao Ủy ? “, “Liệu chúng ta có cơ hội hiện diện ở Úc, Mỹ, Canada … hay bị trôi giạt trên biển như số phận những thuyền nhân không may mắn khác?”
Nếu không có Cao Ủy thì những chiếc ghe tình nguyện vớt người trên biển đông như Cap Anamur (do ông Rupert Neudeck, người Đức, đề xướng, khi nhìn thấy thảm trạng vượt biển và những hình ảnh đau thương , vô vọng của thuyền nhân Việt Nam), các thương thuyèn ...sẽ đem người tỵ nạn đi đâu để tạm dung?
Có thể có những người cho rằng “Tôi được bão lãnh theo diện đoàn tụ thì có dính dáng gì tới Cao Ủy ” ? hay “Tôi sinh ra tại Úc thì dính dáng gì đến UNHCR ” ? hay “Tôi được cưới hỏi sang đây mà!” …
Như vừa nói ở trên, nếu không có trước thì làm sao có sau. Nếu không có được sự giúp đỡ của Cao Ủy thì thuyền nhân làm gì có mặt ở nước thứ ba, thì làm gì có người được đi đoàn tụ, được sinh ra tại đây hay có người để về kết hôn …
Khi chúng ta chấp nhận được tiền đề thì chúng ta sẽ có được câu trả lời đúng đắn rằng Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc là ân nhân đầu tiên của người tỵ nạn Việt Nam.
LỜI CÁM ƠN MUỘN MÀNG
Từ bao lâu nay, vai trò của Cao Ủy như mờ nhạt trong tâm trí người tỵ nạn Việt Nam. Họ nhắc đến nơi tạm dung, họ nhắc đến nơi định cư, họ nhắc tới những nổ lực trong cuộc sống mới và sự thành công cá nhân và gia đình họ.
Tuy nhiên, cũng có một số người còn quan tâm, còn nghĩ đến những ân tình đó như quan niệm đáng yêu của truyền thống Việt qua câu: “Ăn trái nhớ kẻ trồng cây”.
Vì thế, một cuộc gây quỹ tri ân Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc được thực hiện trên toàn Úc Châu trong tháng 7/2016 này.
Tại Tây Úc, với sự ủy nhiệm của CĐNVTD Liên bang Úc Châu và CĐNVTD/TU cùng sự hổ trợ của tất cả các tôn giáo và đoàn thể, Hội Bạn Thiện Nguyện Tây Úc đảm nhận cuộc gây quỹ Cám Ơn Cao Ủy Tỵ Nạn được tổ chức với chi tiết sau đây:
Địa điểm: Vasto Hall
5 Vasto Place, Balcatta
Thời gian: 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều
Chủ Nhật, 17/7/2016
Đặc biệt còn có sự tham dự của bà Naomi Steer,Founding Director of Australia for UNHCR .
Đây là lời cám ơn muộn màng gởi tới những ân nhân, nhưng, thà muộn màng còn hơn không.
Lời cám ơn tuy muộn màng cũng sẽ nói lên trọn tâm tình của người tỵ nạn Việt Nam với một nền văn hóa “biết ơn” đáng quý.
Lời cám ơn muộn màng này sẽ có giá trị rất cao nếu người Việt Tây Úc nói riêng và người Việt tại Úc nói chung hổ trợ hết mình để các sự tổ chức được thành công mỹ mãn trong ngày gây quỹ.
Lời cám ơn muộn màng này cũng sẽ đưa uy tìn cộng đồng người Việt tại Úc lên cao cùng với những cảm tình thắm thiết thêm trong cộng đồng người địa phương.
Hãy tiếp tay và hổ trợ chương trình “ Bữa cơm gây quỹ đền ơn đáp nghĩa Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc”.