Chúng ta cần 100.000 chữ ký cho đến hết ngày 26/5/2016
để lên tiếng vụ phá hoại môi trường sống của biển ở Hà Tỉnh, VN
Nam Mô A Di Đà Phật,
Kính bạch Chư Tôn Đức,
Kính thưa quý độc giả gần xa,
Chúng ta cần 100.000 chữ ký cho đến hết ngày 26/5/2016, để gửi thỉnh cầu lên Tổng Thống Obama lên tiếng yêu cầu chính phủ VN quan tâm và giải quyết vấn đề phá hoại môi trường sống của các vùng biển miền Trung VN, trong đó có Hà Tỉnh, Quảng Trị, Quảng Bình, và Huế. Đặc biệt, Hà Tĩnh là tỉnh nơi có khu kinh tế to lớn đang phát triển, trong đó bao gồm nhiều nhà máy công nghiệp do Trung Quốc và Đài Loan đầu tư nhiều tỷ đô la, một trong số đó là nhà máy thép do tập đoàn Formosa (China-Taiwan) làm chủ. Vừa qua nhà máy này đã nhập gần 300 tấn hóa chất cực độc để tẩy rửa nhà máy, rồi thải ra biển, làm cho cá chết hàng loạt và những loài động vật quý hiếm sống trong các vùng biển này, xin vào ký tên ngay ở đây:
https://petitions.whitehouse.gov/petition/help-vietnamese-people-prevent-environmental-disaster-ha-tinh-province-central-vietnam
Xin lưu ý: sau khi ký tên xong, phải xác nhận một lần nữa địa chỉ email trong mail box của mình.
Trân trọng kính thông báo,
Chủ biên Trang Nhà Quảng Đức
TK. Thích Nguyên Tạng
***
Formosa xin lỗi về
phát ngôn gây sốc vụ cá chết hàng loạt
Chiều 26/4, Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh tổ chức họp báo sau nghi vấn hệ thống xả thải của công ty (đóng tại thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) là nguyên nhân khiến cá biển tự nhiên, cá nuôi lồng bè và cá hồ nuôi ven biển chết hàng loạt.
Ông Trương Phục Ninh (đầu tiên, bên trái), ông Khâu Nhân Kiệt (giữa) và một số lãnh đạo công ty trong buổi họp báo. Ảnh: Đức Hùng. |
Mở đầu buổi họp báo, ông Trương Phục Ninh, Phó tổng giám đốc Công ty Formosa, cho rằng những phát ngôn của ông Chu Xuân Phàm, Phó phòng đối ngoại, đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới mối quan hệ tốt đẹp giữa Formosa, chính quyền Hà Tĩnh và Chính phủ Việt Nam. "Đây là ý kiến cá nhân của ông Phàm và công ty sẽ xử phạt nghiêm khắc", ông Ninh nói và cùng tập thể lãnh đạo công ty cúi đầu xin lỗi người dân Việt Nam.
Trước đó ngày 25/4, trả lời VTC, ông Chu Xuân Phàm đã nói: "Hồi xưa, khi giải phóng mặt bằng đã tính phương án hỗ trợ ngư dân đánh bắt cá chuyển sang nghề khác rồi, sao cứ phải đánh bắt quanh vùng biển này. Nhiều khi mình phải lựa chọn, tôi muốn bắt cá, bắt tôm hay muốn xây dựng ngành công nghiệp thép".
Lãnh đạo công ty Formosa cúi đầu xin lỗi người dân Việt Nam sau phát ngôn chỉ được chọn cá hoặc nhà máy. Ảnh: Đức Hùng. |
Phó tổng giám đốc Trương Phục Ninh khẳng định để vận hành nhà máy gang thép, Formosa nhập khẩu các máy móc, thiết bị từ châu Âu, đều thuộc diện hiện đại, tiên tiến nhất thế giới. Formosa đã đầu tư 45 triệu USD cho hệ thống xả thải, cũng thuộc diện "tiên tiến". "Vấn đề cá chết hàng loạt với nước thải có liên quan hay không phải đợi các cơ quan của Việt Nam kết luận", ông Ninh nói.
Giám đốc Formosa Khâu Nhân Kiệt cho biết thêm, mọi yếu tố xả thải ra môi trường đều được kiểm tra kỹ. Vừa rồi hệ thống của Formosa được Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá là đạt tiêu chuẩn.
Việc nhập gần 300 tấn hóa chất về súc rửa đường ống, Giám đốc Kiệt cho biết, Formosa có nhập một ít axit về rửa đường ống nhà máy, nhưng không phải là dùng cho đường ống xả thải. Ông Kiệt đề nghị các phóng viên gửi câu hỏi, công ty sẽ có văn bản trả lời. Giờ công ty đang có cuộc họp với UBND tỉnh, nên đề nghị dừng họp báo.
Từ đầu tháng tư, cá nuôi lồng bè của người dân gần khu kinh tế Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) bắt đầu chết. Hiện tượng bất thường này sau đó lan ra cá, tôm nuôi bằng nguồn nước biển, cá tự nhiên suốt dọc trên 200 km bờ biển từ Kỳ Anh (Hà Tĩnh) tới Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế).
Tại nhiều xã ven biển, chỉ trong một ngày, người dân vớt được cả tấn cá chết trôi dạt bờ, giắt lên các mỏm đá bốc mùi hôi thối. Từ con nhỏ vài lạng tới 35-50 kg. Thống kê đến ngày 25/4, tỉnh Hà Tĩnh có 10 tấn, Quảng Bình 25 tấn, Quảng trị 30 tấn cá biển tự nhiên chết dạt bờ.
Ngày 26/4, cá chết tiếp tục dạt bờ biển Hà Tĩnh, tuy nhiên số lượng ít. Ảnh: Đ.H. |
Từ ngày 20/4 đến nay, các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đều có đoàn vào khảo sát thực địa, lấy mẫu cá, mẫu nước và mẫu đất để truy tìm nguyên nhân.
Ngày 25/4, các nguyên nhân cá chết do bệnh dịch, do động đất, tràn dầu đều bị loại trừ. Lãnh đạo hai bộ Tài nguyên và Nông nghiệp đều khẳng định có độc tố rất mạnh từ môi trường tự nhiên là nguyên nhân gây họa. Tuy nhiên, độc tố đó là gì đến nay vẫn chưa được xác định.
Cá chết lan rộng ở miền Trung thế nào. |
Tất cả nghi vấn hiện đổ dồn về Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh khi có đường ống xả thải chôn dưới đáy biển. Đường ống này rộng 1m, dài 1,5 km, nằm ở độ sâu cách mặt nước 17 m và cách bờ khoảng 1,5 km. Vài ngày trước khi xảy ra cá chết hàng loạt, công ty đã tiến hành súc rửa đường ống. Khoảng 300 tấn hóa chất nhập về để làm việc này được đánh giá là cực độc.
Đức Hùng
vnexpress.net
***
Kiến nghị
về việc cá chết hàng loạt ở Việt Nam
xuất hiện trên trang web Nhà Trắng
Bản kiến nghị trên trang web Nhà Trắng. Ảnh chụp màn hình |
Một người lấy tên T.N hôm 26/4 đăng lên mục We the People (Tiếng nói của người dân) trên trang web chính thức của Nhà Trắng bản kiến nghị về việc cá chết hàng loạt tại dải ven biển miền Trung Việt Nam.
Trong bản kiến nghị có tên "Giúp người Việt tránh thảm họa môi trường tại tỉnh Hà Tĩnh, miền Trung Việt Nam", người này viết rằng Hà Tĩnh là nơi có khu kinh tế bao gồm nhiều nhà máy công nghiệp, trong đó có nhà máy thép hàng tỷ USD của tập đoàn Formosa.
T.N viết rằng hàng tấn cá, trong đó có những loài quý hiếm và sống ngoài khơi xa và những vùng nước sâu, đã được phát hiện chết hàng loạt và trôi dạt vào bãi biển dọc theo các tỉnh ven biển miền Trung là Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Bình và Huế. Nhiều người nghi ngờ chất thải độc hại từ các nhà máy thép gây ô nhiễm bờ biển là nguyên nhân.
"Chúng tôi đề nghị chính phủ liên bang hỗ trợ người dân Việt Nam bằng cách cung cấp đánh giá độc lập về tác động môi trường của nhà máy thép. Chúng tôi cũng đề nghị Tổng thống Obama nêu vấn đề này với chính phủ Việt Nam trong chuyến thăm vào tháng 5", bản kiến nghị có đoạn viết. Tính đến 22h30 giờ Việt Nam, bản kiến nghị đã nhận được hơn 43.000 chữ ký.
Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân hôm nay cho biết độc tố hóa học thải ra từ hoạt động của con người và hiện tượng tảo nở hoa, hay còn gọi là thủy triều đỏ, là hai nhóm nguyên nhân dẫn đến cá chết hàng loạt.
"Chưa có bằng chứng kết luận mối liên hệ của Formosa đến cá chết hàng loạt. Số liệu quan trắc cho thấy các thông số môi trường chưa vượt chuẩn quy định", ông Võ Tuấn Nhân nói thêm.
We the People là một mục trên trang web của Nhà Trắng, nơi các cá nhân có thể tạo kiến nghị, thu thập chữ ký để kêu gọi chính quyền liên bang có hành động với vấn đề nào đó. Một kiến nghị cần phải thu thập được 5.000 chữ ký để được công bố trên website Nhà Trắng và 100.000 chữ ký trong vòng 30 ngày để được chính quyền Tổng thống Obama xem xét.
Kiến nghị đạt yêu cầu phần lớn nhận được phản hồi từ các quan chức khác nhau trong chính phủ Mỹ, bao gồm cả nhân viên Nhà Trắng, chỉ có một số ít được Tổng thống Obama trả lời. Ngoài ra, thời gian phản hồi còn phụ thuộc vào chủ đề và số lượng đơn kiến nghị từ We the People.
Năm 2014, một kiến nghị trên trang web của Nhà Trắng, đề nghị chính phủ Mỹ trừng phạt Trung Quốc vì đã hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 ở thềm lục địa Việt Nam thu hút hơn 130.000 chữ ký. Nhà Trắng đã phản hồi kiến nghị này, tuyên bố không đứng về bên nào trong tranh chấp và ủng hộ giải quyết bất đồng bằng biện pháp hòa bình.
Phương Vũ
vnexpress