Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 9. Sắc đẹp

18/07/201509:43(Xem: 2658)
Chương 9. Sắc đẹp
TỰ TRUYỆN MỘT NGƯỜI TU 
Thích Hạnh Nguyện 

Nhà xuất bản Hồng Đức 2015
CHƯƠNG 9
SẮC ĐẸP

Đừng nhìn lâu vào sắc đẹp, hãy để nó tự tỏa rạng, cũng đừng nhìn sâu vào, hãy để nó tự che mắt người, và đừng nên nhìn gần, nó có thế cháy bỏng. Nếu ta thích, nó sẽ gạt; nếu ta yêu, nó sẽ phiền. Nếu ta săn đuổi nó sẽ tàn phá mình. Nếu có cái đức theo bên, nó sẽ là trái tim thiên đường. Nếu có cái trí theo cạnh, nó sẽ là linh hồn trong sạch. Nó là ánh đèn soi cho người trí và là ngọn lửa đốt kẻ ngu khờ. Quayles, một nhà thơ người Anh. (1592-1644)

Nói đến cái sắc đẹp thông thường người ta nói đến cái sắc mặt và vẻ đẹp nơi người phụ nữ. Con người ta khi được sinh ra nơi cõi đời này đều là do duyên và nghiệp với nhau mà thành; nhưng bên trong cái duyên nghiệp ấy, mỗi con người lại được trang bị những vũ khí lợi hại cho chính họ. Người phụ nữ thì được  trang bị bởi sắc đẹp như là một yếu tố cần thiết để chinh phục lòng người. Người nam thì cũng được trang bị bằng những lời nói khéo đưa đẩy, khôn ngoan trong cách học, cách ăn và cách nói để lôi cuốn người. Và tôi nghĩ cho cùng cả hai dù bằng cách nào đi nữa, dù mang một ý nghĩa nào chăng khi tìm đến với nhau thì cũng là cách sống, nói và làm theo cái nghiệp câu thúc từ bao nhiêu đời. Khi đến với nhau thì thường là người ta đến trước nhất với cái sắc đẹp nam cũng vậy mà nữ cũng chẳng ra ngoài biệt lệ. Vậy thì phải chăng cái sắc đẹp chính là cái thước đo mẫu mực giữa người và người với nhau để trong đó người ta tìm ra được chút ý vị và hạnh phúc của cuộc đời. Đôi lúc người ta chấp nhận cái đẹp, sở hữu được cái đẹp dù phải chịu nghèo hèn, mất danh giá hoặc đôi khi bị hủy hoại hy sinh cả cuộc đời.

Khi bàn đến sắc đẹp thì mỗi người lại mỗi ý trong cách nhìn, cách đánh giá, nhận xét. Nhà văn, nhà thơ nhìn sắc đẹp với một cái nhìn khác, kẻ hạ tiện ngu dốt nhìn cái đẹp khác. Người trí thức, kẻ cao sang nhìn sắc đẹp khác và kẻ nghèo cũng nhìn sắc đẹp trong cái nhìn khiêm tốn của họ. Người phàm tục nhìn sắc đẹp khác, người xuất gia cũng nhìn sắc đẹp với cái nhìn khác. Trong Hạnh Du già của bậc Bồ tát, ngài Thánh Thiên có viết rằng:

"Dầu ai đó thấy sắc diện của nàng; Tự nghĩ lòng thỏa mãn. Nhưng hãy xem chó, các loài khác cũng vậy. Sao, ta kẻ khờ dại lại còn bị mê đắm."

Giải thích bài kệ trên, ngài cho rằng cái sắc mà người ta cho là đẹp ấy, chẳng qua là do vì cái thấy của nghiệp nên lòng tự cảm thấy thỏa mãn, như người này say đắm người kia thì cho là đẹp dù người ấy chẳng đẹp tí nào. Ví như loài vật con chó, con quạ, con gà cũng cho đồng loại của nó là đẹp. Rồi những con quỷ, dạ xoa cũng thích thú say mê sắc đẹp của những con quỷ, dạ xoa cái của nó dù rằng chúng ta thấy cũng phải kinh sợ đến nổi da gà. Có một chuyện kể rằng, một bọn quỷ và dạ xoa nọ tranh cãi với nhau rằng vợ của ai đẹp hơn và ai cũng đòi cho là vợ mình đẹp hơn cả. Cuối cùng không phân được hơn thua, bọn chúng, bèn đến hỏi một vị tăng và vị này trả lời rằng: "Người mà ông say mê nhất chính là người đẹp nhất".

Riêng tôi thì có những cảm tưởng và rung động thế nào đối với sắc đẹp đây! Thật ra tôi nghĩ cái rung động trong con tim của tôi đối với cái sắc đẹp cũng chẳng khác gì người đời là mấy, vì tôi chỉ là một con người bình thường như bao nhiêu người. Nhưng khi xuất gia thì tôi phải học cách nhìn và rung động trước cái sắc đẹp, theo cách rung động của người xuất gia. Đó là cách rung động trong ý thức, có sự giác tỉnh, biết quán sát, suy tư và có sự tự chế với chính mình. Biết tự chế, suy tư và định tĩnh đối trước mọi sắc đẹp, có lẽ còn cảm nhận cái sắc đẹp đó hơn cả bình thường nữa kìa, nếu ngắm nhìn cùng cảm nhận với cái đẹp ấy mà đừng khởi tâm tham ái chấp thủ thì có lẽ đức Phật cũng tha cho cái tội! Cái sắc hay cái đẹp của con người, của vạn hữu tự nó chẳng phải là cái tội hoặc lỗi lầm mà có chăng là do cái chất liệu tham ái, si mê và chấp thủ của con người rót vào mà ra. Trong những sách về thiền có tả những cái đẹp ấy của con người, vạn hữu và ví nó như cái đẹp trong sáng, tinh sơ như bầu trời, như mây trắng và ở đó có cái đẹp, trong trắng, bao la và lồng lộng nhưng ví cái tâm tham ái, và chấp thủ - mà người ta muốn đem những cái đẹp của bầu trời, của đám mây trắng kia cất giữ vào trong những chiếc bình chiếc lọ - là bản ngã và si mê. Ta vẫn có thể nhìn cái đẹp ấy ở bên ngoài với trời cao lồng lộng, với mây trắng bạt ngàn mà vẫn thấy đẹp và hạnh phúc vô cùng. Tôi thích cái ý tưởng khoáng đạt này lắm, vì có những ý tưởng khoáng đạt thì tâm hồn mới cởi mở và bao dung, còn không thì chỉ nghĩ biết có mình, có ta. Tất cả những gì hiểu biết xuất phát từ si mê và bản ngã, đều làm cho con người sống ích kỷ hơn, gò bó và bao trọn chung quanh một gia đình. 

Sinh ra trong cuộc đời này đâu phải chỉ có mình ta với cha mẹ ta, hay mình ta với vợ ta, con cái và gia đình ta. Cả thiên hạ nay gần 7 tỷ người hiện đang ở đây, chung quanh ta; cả thiên hà đại địa với trời cao đất rộng và cả muôn ngàn tinh tú, muôn triệu hành tinh xa xôi. Thấy và biết mình chỉ là một phần tử cỏn con giữa cuộc đời, như hạt bụi nhỏ nhít giữa sa mạc là ta thấy rõ hơn được cuộc sống mà ta đang sống. Biết được rõ hơn về cuộc sống, con người chung quanh và mình chính là ta thấy được niềm vui và hạnh phúc của cuộc đời. Hạnh phúc của cả cuộc đời mà trong đó có ta đang sống chứ không phải chỉ là hạnh phúc của ta và riêng ta mà thôi.

Cũng là con người mà mỗi người có nhận thức mỗi khác về cái đẹp, thì trong đạo Phật cũng có những nhận thức khác nhau về cái đẹp. Phật giáo đại thừa qua tinh thần của Bồ tát đạo luôn luôn nhìn cuộc đời với tràn đầy vẻ đẹp, với những tính chất sâu xa vi diệu của nó. Chính đức Phật trong kinh Pháp Hoa cũng đã nhìn cõi ô trược và bất tịnh này, với cái nhìn thanh tịnh và trong sạch như pha lê, như lưu ly sao. Ngài không thấy các chúng sinh đáng sợ, đáng xa lánh khi họ mang đầy những cấu uế và phiền não si mê trong tâm, mà ngài chỉ thấy nơi họ có tràn đầy tính Phật. Trong cùng một sự giác ngộ và thấy biết như vậy, nên hàng Bồ tát luôn luôn đi vào cuộc đời với những nụ cười tràn đầy và hoan hỷ. "Tôi không dám khinh các ngài, các ngài đều là Phật sẽ thành" và đó là lời chúc tụng của Bồ tát Thường bất khinh trong kinh Pháp Hoa.
 
Trong khi hàng Bồ tát đại thừa luôn luôn thấy cái đẹp nơi con người và cõi mà họ đang sống, thì các vị hành giả nguyên thủy lại nhìn con người với đầy đủ những sự nhơ nhớp bất tịnh, cũng như côi này đầy các sự xấu ác. Họ luôn luôn khởi tâm niệm nhàm gớm nó để cầu giải thoát. Tuy cả hai trường phái có cái nhìn khác biệt về con người và thế giới chung quanh, nhưng thật sự lại không mâu thuẫn, nó còn bổ túc cho nhau nữa, để nếu chúng ta biết tu và hành trì thì chúng ta sẽ có được rất nhiều lợi lạc. 

Trong thời gian tu tập, tôi đều cố gắng tu tập ở cả hai tư tưởng. Về mặt thực hành tự thân tôi thường hay áp dụng những pháp môn của Phật giáo nguyên thủy như bất tịnh quán, vô thường quán và những pháp môn này rất thực tiễn, dễ ứng dụng trong đời sống hàng ngày nhất là ở xứ Ân Độ này. Nhưng về mặt nhận thức cuộc đời và tư duy quán sát tôi lại thường dùng tư tưởng và tinh hoa Đại thừa. Tư tưởng và tinh hoa ấy cao vời và bao la, nó ôm trọn mọi hiện tượng giới trong đó có cả muôn loài chúng sinh khắp cùng các cõi Nó cho tôi hiểu rộng hơn về sự tương quan giữa tôi và người, giữa tôi và vạn hữu chung quanh để thấy rằng, tôi không thể nào tách ly mình ra khỏi nỏ được dù là mang một ý nghĩa giải thoát. Tôi cũng thích nhìn con người và cuộc đời này với tràn đầy tính chất và cái đẹp của nó. 

Có thể, có những lúc tôi bị quên đi cái nhìn đẹp về người và về vật nhưng không hẳn vậy, mà người và vật ấy lại không có, hay mất đi những cái đẹp của nó. Trong mỗi con người chúng ta đều có quá nhiều cái đẹp mà ta thường không nhận ra, không biết tìm lại nơi mình và phát triển nó. Cái đẹp đó chẳng phải là cái đẹp bên ngoài của sắc mặt, của quần áo y phục thướt tha, cái đẹp của hình hài tươi tốt, mặn mà, hoặc cái vẻ duyên dáng, mà cái đẹp ấy là cái đẹp của trí tuệ, cái đẹp của lòng từ ái, lòng bi mẫn, cái đẹp của tâm chơn chất, trong sáng và cái đẹp của Phật tính. Ngay như Ninon de L'Enclos, một có gái rất đẹp người Pháp, một triết gia cũng là một người buôn hương bán phấn thuộc hàng quý phái cũng đã xác nhận rằng:

"Cái đẹp không phải luôn luôn là điều tốt, nhưng điều tốt luôn luôn là cái đẹp." 

Nếu tôi và bạn hai ta nhìn nhau và nhận ra nhau nơi mỗi người có những cái đẹp ấy, thì tôi tin rằng cuộc đời của tôi và bạn bớt khổ nhiều lắm rồi. vì chính khi nhìn được vậy thì tham ái và si mê đã chẳng có cơ hội để phát sinh. Nó chỉ phát sinh khi ta nhìn và tin tưởng vào những cái đẹp giả dối bên ngoài, để rồi chính ta bị nó lừa phỉnh. 

Cách đây không lâu tôi có dịp đến chơi ở nhà một người bạn Ấn tại Bombay. Ở đó tôi gặp một ông khách cũng đến chơi nơi nhà, và nhân thấy tôi mặc đồ là lạ nên ông bèn hỏi:

"Ông là người tu à!"

Tôi đáp: "phải. "

"Vậy ông có lập gia đình không?"

"Người tu thì không lập gia đình."

"Thế thì không có con hả?"

Tôi đáp: "dĩ nhiên là không." Trong bụng thầm nghĩ rằng: "coi bộ ông này như hơi bị lẩm cẩm, vì đã không có vợ thì sao lại có con mà cũng hỏi. Cứ tưởng những anh chàng Ấn thất học, vô công rồi nghề nên mới tìm chuyện nói dóc bậy bạ cho qua thời gian chứ ông ấn này học thức giàu có mà hỏi cũng là vô duyên quá." Tôi cảm thấy mất hứng khi nói chuyện tiếp với ông ta. Nhưng rồi không biết tôi nghĩ negative về ông, nên ông ta vẫn cứ tiếp tục hỏi: 

"Ông còn trẻ mà đã đi tu rồi thì khi đối diện với sắc đẹp của mấy cô gái, ông sẽ phản ứng ra sao? Có cách gì kiềm chế không?"

Khi mới vô chuyện là nghe ông ta hỏi về gia đình, vợ con, nay thì hỏi đến sắc đẹp, đến mấy cô gái; tôi bỗng chợt nhiên chú ý và nhìn kỹ vào ông ta. Ông ta tướng người to lớn và đẫy đà với chiếc bụng phệ. Cặp mắt ông mở thao láo và hai má phệ xị xuống như muốn kéo chùn cả một khuôn mặt bự xuống đất. Cái cuống họng ông ta chẳng còn có thể nhìn được nữa vì bị cái nọng mỡ to tướng che lấp; tôi liền biết ông ta không phải là thứ vừa trong hàng ăn chơi. Con người ta là vậy, không tiền thì làm hôm làm khuya cực nhọc để mong có tiền mà nuôi sống cho mình và gia đình. Có tiền nhiều và dư giả rồi thì chỉ ăn uống, chơi bời cho thỏa thuê cái thân này mà bất kể cái đau của đồng loại cái khổ của người chung quanh. Tuy nhiên tôi muốn nhân dịp này, mở cho ông biết một chút ánh sáng của đạo Phật, nên cũng cố gắng từ tốn mà trả lời ông ta.

Khi gặp những cô gái đẹp à! Tôi có nhiều phương pháp để tự kềm chế lòng mình. 

Một là quán tưởng những điều nhơ nhớp bất tịnh trong thân của cô ta, ngay sau lớp da mặt phấn son lòe loẹt kia chứ đâu xa. Trong đó toàn là thịt, là gân, xương, máu mủ rồi đến cả người của cô ta nếu nhìn sâu vào và phân tích kỹ bên trong thì cũng toàn là đồ dơ bẩn. Các chất dơ bẩn nhất trên đời này đều xuất phát từ thân người, mà đại điện là qua chín lỗ: hai mắt, hai tai, hai lỗ mũi, miệng, hậu môn và hạ căn. Horace, một nhà thơ thế tục nhưng khi nói về cái đẹp ông ta cũng cho rằng: 

"Chẳng có cái gì gọi là đẹp khi nhìn từ một quan điểm nào đó." 

Hai là quán sát lý vô thường nơi cô gái đẹp ấy. Tôi biết rằng cái đẹp đây chỉ là nhất thời, giả tạm mà thôi. Có chăng là chỉ 10 năm đến 20 năm là cùng và sau đó cái đẹp ấy phải xấu xa: da nhăn, tóc bạc và lưng còng. Cứ nhìn những bà già trên đường phố, trên xe buýt hoặc ngay cả trong nhà ta thì đủ thấy. Cái đẹp kia của người con gái ấy sẽ đến giai đoạn đó và không xa lắm đâu. Khi ấy thì chẳng còn đẹp nữa và ta chẳng còn ưa chút nào. Rồi đến cái vô thường của sự chết chóc nữa, nó có thể xảy ra tức thời đối với những ai mà họ coi mình là đẹp nhất. Cái chết đến bất kể đối với mọi người mà chẳng chừa ai xấu chết trước, ai đẹp chết sau. Luyến ái và ham thích cái đẹp bao nhiêu thì khi phải bị xa rời, bị mất mát, chết chóc tất phải khổ sầu và đau đớn bấy nhiêu. Quán sát đến những cái kết quả tất nhiên sẽ xảy đến với cái sắc đẹp như vậy, tôi thấy sợ hãi và bớt lòng say đắm, tham muốn chiếm hữu cho mình. 

Ba là quán sát người đó như là mẹ mình nếu cô gái đó đáng tuổi mẹ mình, xem họ như chị mình nếu cô ấy, đáng tuổi chị mình, xem họ như em mình nếu họ đáng tuổi em, và xem cô ấy như bạn nếu trạc tuổi bằng mình. Bằng cách quán sát như vậy, tâm tôi có sự ngay thẳng và không khởi lên những ý tưởng tà vạy; những ý tưởng tham ái khác do đó không phát sinh. 

Bốn là quán sát và tư duy lời Phật, nghĩ đến con đường thánh thiện mà các chư Phật, thánh chúng và mình đang theo để quên đi cái phàm phu, tục lụy mà người trần thế đang vướng vào. Để làm cho khởi tâm kính tin vào con đường phạm hạnh và nhàm chán con đường hư huyển của thế gian - con đường chỉ dẫn đến khổ đau và đọa lạc; đức Phật đã có nhung lời khuyên răn hàng tỳ kheo đệ tử của ngài khi đối trước sắc. Trong kinh Mộc tích dụ của Trung a hàm ngài nói:

"Các thầy nghĩ sao khi có đống cây lớn phựt lửa và cháy bừng bừng, và nếu ta đến ôm nơi cây lửa đó hoặc là ta đến ôm một người con gái có sắc đẹp, đang tuổi thanh xuân, mình mẩy ướp hương thơm, có tràng hoa chuỗi ngọc trang sức và người ấy ăn vận y phục lộng lẫy đẹp đẽ. Hoặc ta tới ôm cô gái, hoặc ngồi hoặc nằm với cô hoặc ôm thân cây lửa đang cháy kia thì việc nào có sự sung sướng hơn".

"Các thầy liền đáp: Bạch đức Thế tôn, dĩ nhiên là ôm cô gái đẹp với những tính chất kia sẽ sung sướng hơn."

Đức Phật bèn dạy rằng: "Đừng nên làm như vậy vì ta là Tỳ kheo nên phải giữ phạm hạnh của Tỳ kheo chớ để mất mát. Thà là ta chịu ôm cây có lửa đang cháy bừng bừng kia để chịu bị khổ, hoặc bị chết cháy còn hơn là ôm thân người nữ đẹp đẽ với hương sắc và y phục. Vì sao, vì nếu ôm thân cây có lửa kia thì dầu có bị khổ bị chết cũng là bị trong một đời, nhưng sau đó sẽ được sinh mãi mãi vào các cảnh giới lành, còn ôm thân người nữ kia thì tất sẽ phải thọ quả báo xấu ác sau khi qua đời phải bị sinh vào các cõi của địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh"

Trong nhiều kinh khác đức Phật cũng nói đến cái khổ của sự tham luyến sắc đẹp, tham sắc dẫn đến ràng buộc, đến khổ sầu ưu não; tham sắc dẫn đến sân hận và si mê, tham sắc dẫn đến trầm luân và đọa lạc.

Năm là quán sát đến tánh không của sắc đẹp. Quán sát cái sắc đẹp đang hiện hữu trước mắt ta là gì, nếu không phải là một sự kết hợp của duyên và nghiệp. Tìm một cái đẹp độc lập tự có của nó đã chẳng thấy. Cái gì là đẹp nơi bộ mặt kia, nơi con người kia. Phải chăng mắt kia là đẹp, nếu đẹp thì chẳng phải có sự dơ nhớp của máu, của thịt của gân, của gèn gụa bên trong. Phải chăng cái mũi kia là đẹp hay cái miệng kia là đẹp; nếu đẹp thì cất cái mũi kia ra một mình, cắt cái miệng kia ra để xem cái đẹp, nếu đẹp thì cũng chẳng có sự dơ nhớp của máu, thịt, gân, xương, cứt mũi, nước miếng, đờm. Ta sẽ không tìm thấy có cái đẹp nào cả nếu tách rời từng thứ ra. Chẳng có một cái gì thật cả bên trong cái đẹp ấy. Tự tánh của nó rỗng rang, trong suốt chẳng hề có cái sắc đẹp này, cái sắc đẹp kia mà chỉ do tự duyên tự nghiệp kết cấu nhau mà thành, để rồi qua màng lưới của vô minh, của bản ngã ta thấy có cái này, cái kia được xem là đẹp, là không đẹp.

Cái ông người Ấn kia nghe tôi giảng giải một hồi thấy có vẻ nhức đầu và tiêu cực quá đỗi về cái sắc đẹp, nên chỉ chờ cho tôi vừa nói dứt phương cách thứ năm mà tôi dùng chế ngự sắc đẹp, thì ông cũng khoát tay xin lỗi là bận việc nên xin cáo từ ra về. 

Tôi thở phào nhẹ nhõm vì đã cho ông ta biết một bài học về cái sắc đẹp. Tôi biết ông sẽ để ngoài tai những lời tôi nói, vì nó chẳng thực tế đối với ông mà chỉ thực tế đối với tôi, đối với những người tu đang sống một cuộc đời muốn tìm sự giải thoát. Còn ông, là một con người với vợ con và với gia đình thì ông sẽ phải hưởng. Hưởng tất cả những gì mà ông đã ôm được, hoặc chưa ôm trọn được. Sắc đẹp sẽ không bao giờ là cái đáng sợ đáng phải tránh xa mà nó là những gì đẹp đẽ nhất, ngọt ngào nhất, yêu thương nhất, và hạnh phúc nhất của ông và của cả con người sống trong trần thế này. Con người ta thường chỉ biết sống với bản năng hơn là biết sống theo lẽ phải của suy xét, của tư duy và của trí tuệ. Dẫu cho họ có biết rằng: "Sắc đẹp là chiếc móc câu chết người" như lời của John Lyly, một nhà viết kịch danh tiếng người Anh vào thế kỷ 16, thì họ cũng chẳng sợ hãi và có thể nghĩ rằng, cái móc câu chết người đó là móc câu và làm chết người ta, chứ có móc chết mình đâu mà sợ. Đó là những lời nói của bản ngã vì cái gì xấu xa, hư hoại, chết chóc thì chỉ xảy ra cho người chứ không xảy ra cho mình, còn cái gì đẹp đẽ sung sướng và hạnh phúc thì xin hãy ban cho mình chứ đừng cho người. Và có thể ông cho tôi là lý luận gàn, nói xấu cho cái đẹp của ông. Và cũng có lẽ trong tâm trí mờ mờ mịt mịt của ông, ông cho rằng tôi là một người khờ, một người sống mà cũng như chết vì đã không được hưởng, và biết cách hưởng cái sắc cái đẹp của trời ban cho con người. Dù cho là ông ta có nghĩ thế nào về tôi đi nữa, có chê tôi là ngu ngốc dại khờ đến đâu thì tôi cũng vẫn tự biết mình có cái hiểu như cái hiểu của đạo, cái hiểu xuất phát từ con đường chơn chánh, và sẽ đưa tôi đi trên con đường chơn chánh của kiếp nhân sinh này.

Ông ta đã đi rồi mà tôi vẫn còn bồi hồi với những gì mà tôi vừa nói với ông ta. Tôi cũng tin rằng cỏn có nhiều phương pháp khác để chế ngự nó vì mỗi một con người, mỗi một tôn giáo đều có những phương pháp chế ngự riêng. Tuy nhiên phải công nhận là cái sắc đẹp có tính chất dối trá, và nguy hiểm nhất trên trần gian này. Trong kinh Tứ thập nhị chương, đức Phật cũng đã nói rằng: 

"May mà trên đời này có một cái sắc, chứ nếu có hai cái thì chẳng ai còn có thể tu được nữa." 

Chứng tỏ là đức Phật cũng thừa nhận cái giá trị và sức phá hoại của nó phải là ghê gớm lắm.

Một người khác, bà Sara Teasdale một nhà thơ người Mỹ (1884-1933), cũng có nói: 

"Sắc đẹp là gì nếu không phải là sự cay đắng, làm đổ vở trái tim của con người." 

Đó là những lời than, những câu nói bất hủ mà chính những người thế gian này đã cảm nhận và thốt lên thành lời. Tôi biết có nhiều người sẽ cười và chê tôi là có cái nhìn phiếm diện, và bi quan về cái đẹp của người phụ nữ. Có thể họ cũng cho là tôi lập dị và nói xấu về những điều này, nhưng với tôi thì đây không là những cảm nghĩ của riêng mình mà là những điều mà tôi học được từ giáo lý đức Phật. Nếu có trách thì hãy xin đừng trách tôi, mà hãy trách đức Phật và giáo lý của ngài, đã chỉ toàn là nói cái xấu và dơ nhớp của cái sắc đẹp này. Nói đến trách đức Phật thì có lẽ chẳng ai dám, nhưng nếu nói trách tôi thì có lẽ sẽ có rất nhiều.

Tôi còn nhớ một lần đọc câu chuyện về bà Khema, thứ hậu của vua Bimbisara. Bà là người có sắc đẹp tuyệt trần nên thường hãnh diện với sắc đẹp của mình đối với mọi người. Biết đức Phật hay thuyết giảng về sự dơ nhớp của thân người, và cái không thật của sắc đẹp nên bà ta không ưa đức Phật và hay tránh né ngài, mặc dù vua Bimbisara cố tìm cách đưa bà đến gặp Phật để nghe giảng. Một hôm nhân lúc bà đang dạo chơi trong một khu rùng, đức Phật bấy giờ đang thuyết pháp trong một giảng đường không xa gần đó, và ngài khi ấy biết là bà đã đến cơ duyên được độ nên khiến bà đi lần hồi đến giảng đường. Khi đến nơi thấy mọi người tăng cũng như tục đông đảo đang chăm chú lắng nghe, tò mò bà cũng đứng lại nghe thử xem ngài đang giảng gì. Nếu chê bai sắc đẹp là ta sẽ bỏ đi, lòng bà thầm nghĩ như vậy. Đọc được tâm niệm ấy của bà, đức Phật dùng thần thông hóa hiện ra một cô gái đẹp tuyệt trần trăm lần hơn hẳn bà Khema, đứng sau lưng ngài hầu quạt. Quá ngạc nhiên với sắc đẹp chưa từng thấy của cô gái, bà Khema mải miết ngắm nhìn mà quên cả lời đức Phật đang giảng, và đồ chúng hiện tiền. Khi ấy đức Phật bèn làm cho cô gái biến thể, từ một thiếu nữ đẹp tuyệt trần cô bỗng biến dần sang giai đoạn trung niên và già nua, tóc bạc răng long, da nhăn lưng còng và cuối cùng kiệt sức ngã khụy xuống đất. Lúc ấy bà Khema bỗng chợt nhiên giật mình thức tỉnh, bà đã giác ngộ về lý vô thường của thân người và cái hư dối của sắc đẹp. Bà tự nghĩ: "thân hình xinh đẹp tuyệt vời kia mà phút chốc trở nên suy tàn dường ấy thì thân ta, sắc đẹp của ta cũng sẽ tàn phai nào có khác gì. Hiểu được tâm niệm bà, đức Phật thuyết lên bài kệ: 

"Những người chịu làm nô lệ luyến ái với sắc đẹp sẽ bị cuốn hút, như loài ruồi muỗi bị cuốn hút trong lưới tơ nhện. Nhưng với người đã cắt na những trói buộc, sẽ có sự thảnh thơi hướng về vùng trời cao rộng, bỏ lại sau lưng mọi dục lạc ngũ trần." 

Về sau bà đạt được thánh quả A La Hán, và bà xin phép vua cho bà được xuất gia làm ni. Qua thời gian tu tập bà đã  trở thành một trong những vị cao ni trong hàng ni chúng sau này.

Cũng có một câu chuyện khác về sắc đẹp của một người con gái thuộc dòng Bà La Môn. Cô cũng hay tự kiêu với cái đẹp của mình. Cha mẹ cô ta lại thuộc hàng quyền quý nên cũng muốn chọn một người con rễ xứng đáng cho con gái của mình, nhưng tìm mãi vẫn chưa được vừa ý. Một hôm trông thấy đức Phật đi khất thực trong làng, ông mừng rỡ và chạy về gọi cô con gái ra xem mặt một tu sĩ đẹp và cao sang, đó là đức Phật. Khi cùng cô con gái đến trước đức Phật, ông bày tỏ lòng sùng kính của mình đối với ngài, nhưng cũng không quên giới thiệu cô gái con mình, xem như là một báu vật hiếm có trong làng và có ý muốn gả nàng cho đức Phật vì mến hình dáng và oai đức của ngài. Đức Phật mỉm cười và nói bài kệ rằng: 

"Ta đã nhận ra ái dục, bất mãn và tham vọng. Chẳng hề thích thú trong dục lạc của ái tình. Thể xác đầy ô trược này có nghĩa gì? Ta không bao giờ muốn sờ đến nó, dầu là chỉ sờ bằng chân."

Người cha do có nhiều căn lành nên khi nghe đức Phật nói bài kệ xong, ông liền đắc quả A Na Hàm, còn cô con gái do vì sự kiêu sa với sắc đẹp của mình, nên xem những lời Phật nói là một sự sỉ nhục. Ôm lòng hận đó, cô bỏ ra về và sau cô tìm cách làm quen với những người hoàng tộc, cuối cùng cô được vua Udena cưới làm Hoàng hậu. Thời gian sau khi gặp đức Phật khất thực trong làng và do căm hận mối thù cũ, cô đã thuê người đi theo đức Phật suốt mấy ngày để mắng chưởi ngài. 

Do vì những bậc giác ngộ thường nhìn con người và cuộc đời với cái nhìn trí tuệ, mà trí tuệ thì có thể thấu suốt cả ba ngàn thế giới hà huống là thân này, nên chẳng gì có thể qua mắt và dối gạt những vị ấy. Do đó mà các bậc giác ngộ đi đâu, làm gì cũng an nhiên tự tại và làm cho người được an vui, bớt khổ. Học Phật tôi vẫn biết là vậy và thường cố gắng tập cho mình có cái nhìn trí tuệ, thay vì cái nhìn từ sự chi phối nghiệp lực như các chúng sinh. Tập hoài và tập mãi mà trong tôi vẫn cứ hay quên mà chỉ nhìn và hiểu theo cái của nghiệp chỉ dẫn.

Có hai phương pháp mà tôi thường hay hành trì trong việc chế ngự tâm tham ái sắc đẹp đó là, quán bất tịnh và phương pháp tự kỷ ám thị. Quán tưởng về những sự dơ nhớp trong thân, giúp tôi chế ngự được sự ham muốn sắc đẹp và những ý tướng tà vạy trong người, mỗi khi đối diện với người nữ. Hình hài duyên dáng xinh đẹp lộng lẫy kia là gì, nếu không phải là sự che mắt bên ngoài những vật dơ nhớp bên trong. Cũng không phải chỉ có ở nơi những người có sắc đẹp mà bên trong tôi, bên trong bạn, ai người trong chúng ta lại không có đầy đủ những sự dơ nhớp ấy. Kìa bộ xương đáng sợ nếu ta có dịp quán sát sâu vào, kìa là thịt, là da, là đờm dải, máu mủ, là tủy thận tim gan, lá lách, ruột phổi, bao tử, cẩu uế, đâu đâu cũng toàn là vật bất tịnh đáng nhờm đáng nhổ. Có điều chúng ta quá mê mà không thấy, quá mờ bởi vọng nghiệp che đậy, nên cứ cho là thật đẹp để rồi theo đuổi ôm ấp và bám víu vào. Trong kinh Khổ ấm, đức Phật cũng nói cho các đệ tử của Ngài nghe về cái chất ngọt của sắc đẹp, cùng những tai họa theo sau của nó rằng: 

"Như có các thiếu nữ dòng Sát đế lợi hay Phạm chí, cư sĩ lúc đến tuổi 14, 15 là lúc có sắc đẹp mặn mà nhất. Nếu chúng ta trông thấy sắc đẹp ấy, có được nhân duyên nhìn thấy sắc đẹp ấy thì lòng sinh vui mừng hoan hỷ, vị ngọt của sắc đẹp chỉ tạo cho ta cảm giác đến tột cùng đó chứ không hơn nữa, nhưng tai họa của sắc đẹp theo sau thì có rất nhiều.

Thế nào là tai họa của sắc? Nếu thấy nàng ấy về sau trở nên hết sức già yếu, đầu bạc, răng rụng, lưng còm gối rũ, chống gậy mà đi, tuổi trẻ đã tàn, mạng sống sắp hết, thân thể run rẩy, các căn hư mòn; ý các thầy nghĩ sao? Có phải sắc đẹp trước kia đã biến mất mà sinh ra tai họa chăng?

Lại nữa, nếu nàng ấy bị bệnh nằm liệt giường hay lăn lóc trên đất, vì khổ bức thân, chịu khổ cùng cực; ý các thầy nghĩ sao? Có phải sắc đẹp trước kia đã biến mất mà sinh ra tại họa chăng?

Lại nữa, nếu thấy xác nàng ấy đã chết từ một hai ngày đến sáu bảy ngày, đang bị quạ, diều hâu mổ, hoặc đã được hỏa thiêu hay chôn lấp, hay đang bị mục nát hư hoại, ý các thầy nghĩ sao? Có phải sắc đẹp trước kia  đã biến mất mà sinh ra tại họa chăng? 

Lại nữa, nếu thấy xác nàng ấy ở trong nghĩa địa, hài cốt xám xanh, mục nát quá nữa, xương vãi trên đất ý các thầy nghĩ sao? Có phải sắc đẹp trước kia đã biến mất mà sinh ra tại họa chăng?

Lại nữa, nếu thấy xác nàng ấy ở trong nghĩa địa, tiêu hết da thịt, máu huyết, chỉ còn dính gân, ý các thầy nghĩ sao? Có phải sắc đẹp trước kia đã biến mất mà sinh ra tại họa chăng?

Lại nữa, nếu thấy xác nàng ấy ở trong nghĩa địa, xương rời từng đốt, tản mác khắp nơi: xương chân, xương đùi, xương đầu gối, xương sống, xương vai, xương cổ, xương sọ, mỗi thứ một nơi, ý các thầy nghĩ sao? Có phải sắc đẹp trước kia đã biến mất mà sinh ra tại họa chăng?

Bạch Thế tôn, tất cả đều đúng như vậy. 

Tất cả đó đều là tai họa của sắc."

Những lúc nhớ nghĩ đến lời dạy của đức Phật, và khởi niệm quán sát cặn kẽ như vậy, tôi bỗng cảm thấy mình tỉnh hẳn ra và thêm tinh thần sau những giờ phút bị tán tâm, loạn động.

Còn phương pháp tự kỷ ám thị cũng có khả năng chế ngự rất lớn không kém pháp quán bất tịnh. Tự kỷ ám thị là một cách thường xuyên lặp đi lặp lại nhiều lần trong tâm những lời nhắn nhủ như vầy: Sắc đẹp không thật đâu? Bề ngoài là vậy nhưng bên trong dơ bẩn và tanh hôi hết chỗ nói, nó chỉ che mắt và dối gạt được người đời, chứ làm sao mà gạt được người tu như tôi đây! Lại nữa, ham mê sắc đẹp để làm gì? muốn lập gia đình ư? Lập gia đình thì cái khổ đau của gia đình sẽ đổ ập đến như cơn thác lũ và nhà ngươi (cái bản ngã si mê của tôi) trong nhiều năm qua đã thấy và kinh nghiêm quá rõ rồi. Đó là chưa nói sâu xa hơn về cái khổ luân hồi sẽ muôn kiếp bị chìm đắm, một khi vướng vào đời sống tục lụy gia đình. Đó là những lời tôi tự nhắc lấy chính mình mỗi khi thấy tâm bị lung lay, chao động đối với sắc đẹp của một người nào đó. Nếu không có pháp quán bất tịnh và pháp tự kỷ ám thị như trên thì có lẽ tôi đã phải bị sa ngã không biết bao nhiêu lần rồi, vì tôi là người có quen biết, tiếp xúc và đi lại nhiều nhất so với những bạn đồng tu cùng trang lứa. Cái dịp đi năm châu bốn bể của tôi là một cơ hội để quen biết, để chuyện trò rồi thì khi kết bạn, khi thầy trò cũng quá đủ cho tôi một sự thân tình để tiến tới một mức sai phạm nào đó – nếu xảy ra. Thế nhưng cũng nhờ giáo lý Phật đà, cũng nhờ ở những phương cách tu quán và cũng nhờ những lời phát nguyện tu hành trọn đời, giữ chiếc áo xuất gia này trọn kiếp, mà tôi đã vượt qua nhiều gian nan thử thách của cuộc đời. Tuy nhiên đường tư học còn dài, thử thách thì còn vô kể nhất là cứ hay nhắm đến những người tu, nên tôi dù có nguyện lực, có những pháp Phật và giới luật quanh mình cũng chẳng lấy đó làm tự mãn mà lơ là và khinh thường nó. Trong quá khứ chẳng phải đã không có biết bao nhiêu bậc thầy, bậc đàn anh đi trước tôi gục ngã trước sắc đẹp, mỹ miều của những người con gái đó sao. Trông những cô nàng đó tội nghiệp và ngây thơ thật nhưng tôi chắc chắc một điều đó là, ngây thơ vô số tội! vì khi dính vào có mấy ai lại không tạo nên nghiệp dĩ và tội lỗi để rồi phải mãi mãi trầm luân trong chốn luân hồi.

Là một người xuất gia tôi được học rằng mình phải có sự cứng rắn và quả quyết, không để những tình cảm bi lụy và ủy mỵ như người thế gian. Sự cứng rắn đó có khi còn phải biểu lộ qua trạng thái lạnh lùng đến độ như vô tình. Dĩ nhiên vẻ lạnh lùng và vô tình ấy, nhưng bên trong là một tâm hiểu biết của trí tuệ và lòng mẫn cảm thương xót con người; đây là một điều có thể chấp nhận. Đạo Phật dĩ nhiên không chủ trương của một người để lãng quên muôn người, mà phải biết có sự hy sinh trong đó. Hy sinh tình cảm và sự hoan lạc của cá nhân mình để đạt mục tiêu tối hậu là giải thoát. Hy sinh thì phải biết chọn lựa sự hy sinh nào cao đẹp và đầy ý nghĩa nhất, còn để hy sinh lý tưởng cao đẹp cho một mình mình, hay vài người nào đó, thì cần phải đặt lại vấn đề, dù rằng nó mang một ý nghĩa cao cả nào đi nữa. Tôi viết đây cũng là viết cho chính tôi vì chung quanh tôi đã có bao nhiêu người rơi ngã rồi, mà phần nhiều họ rơi ngã bởi cái sắc đẹp. Trong một xã hội mà luôn luôn cái sắc và cái đẹp được củng cố và tô bồi như ngày nay, thì quả thật sự phấn đấu nơi mình sẽ không là chuyện dễ.

Trong luận phẩm 400 bài kệ hành hạnh Du già của bậc Bồ tát, ngài Thánh Thiên (Aryadeva) đã nói về cái sắc đẹp như sau: 

"Có ý nghĩa gì với một người đàn bà trong cái sắc đẹp tuyệt trần dưới mắt một người có trí tuệ, khi họ nhận biết rằng những phần bất tịnh của thân thể cô ta đều luôn tuôn chảy ra những thứ nước bất tịnh. Thân thể ấy tựa như nhà xí, nơi chứa đầy các phần uế".

Chẳng ra gì là về mặt tự thể của nó nhưng tác dụng của nó thì quả thật là ghê gớm. 

Đã là người phụ nữ và là người phụ nữ có sắc đẹp thì ai cũng biết điều này, và họ hay dùng nó để đạt đến mục tiêu cho cuộc đời của họ. Mục tiêu của một người phụ nữ có sắc đẹp như chim sa cá lặn hay xấu xí thật ra cũng chẳng khác biệt gì mấy, ngoài việc tìm kiếm người tình thích hợp cho mình qua tính tình ôn nhu, giàu có, bằng cấp và đẹp trai chẳng hạn. Ambrose Bierce một nhà văn, một chủ bút người Mỹ có nói: 

"Sắc đẹp của một người đàn bà là gì nếu không chỉ là cái ma lực để dụ dỗ một người tình và làm họ sợ hãi".

Lấy một cái nhìn khách quan và toàn vẹn về một người có sắc đẹp từ trẻ cho đến già và từ già nhìn ngược lại, ta sẽ chẳng thấy có gì đáng phải quan tâm. Tất cả rồi cũng trôi qua như một giấc mộng phù du, dù là cũng chính người ấy khi về già và nhìn lại cuộc đời của họ khi còn sắc đẹp, còn niên thiếu. Nhưng cái sắc đẹp khi họ còn sở hữu trong tay, còn được thao túng để làm điên đảo cho hàng trăm, hàng ngàn người khác phái thì quả thật là thời gian thú vị, thời gian của dầu sôi lửa bỏng mà họ đang thủ một vai chính đầy quyền hành.

Tôi được sinh ra trong cuộc đời này là do vì tôi có nghiệp và do vì tôi có nghiệp, nhất là nghiệp ái nên tôi cũng ưa thích sắc đẹp của người phụ nữ như bất cứ người thanh niên nào ưa thích. Sự ưa thích ấy cũng có thể phù hợp theo câu nói của nhà vật lý học lừng danh Albert Einstein:

"Một chàng trai ngồi gần cô gái đẹp trong một giờ đồng hồ, họ cảm thấy như là chỉ mới một phút. Nhưng khi ngồi bên một lò lửa nóng một phút, họ lại cảm thấy lâu hơn cả một giờ".

Cái tâm lý ưa thích sắc đẹp ấy không phải đột nhiên tan biến khi tôi đi xuất gia và học đạo, mà nó đã được câu thúc lại và chuyển hóa qua thời gian tu học. Sắc đẹp đã chẳng phải dễ hiểu và đáng yêu như phần đông người ta lầm tưởng, mà nơi nó là cả một chiều sâu khó hiểu. Nếu chỉ hiểu sắc đẹp đem lại khoái lạc và hạnh phúc cho con người thì cũng chưa chắc, vì bao nhiêu bi kịch và thảm họa trong quá khứ đã không phải do nơi sắc đẹp mà ra sao? Nếu nói nó chỉ mang đến thảm họa thì chắc cũng chẳng đúng, vì bao nhiêu người đã sống với nó và cũng có được hạnh phúc. Rồi cũng có bao nhiêu người có sắc đẹp, nhưng họ cũng là người rất tốt, biết tu niệm và làm những điều lành lánh điều ác và cũng có nhiều người không có được cái sắc đẹp, nhưng họ lại cũng rất xấu và rất ác. Thế nên chưa hẳn cái sắc cái đẹp là điều hại điều xấu mà ở đây tôi tin rằng, khi người ta có một ý thức soi sáng về cái sắc đẹp và sử dụng đúng với giá trị của nó, thì người ta sẽ có được lợi lạc an vui và hạnh phúc không những cho mình mà cả cho người xung quanh. Không hiểu mà dùng hoặc chạy theo nó với những tâm ý thấp hèn mê mờ, sa đà với dục vọng thì họ chỉ có sống với những khổ đau và nuối tiếc.

Theo đạo Phật thì một người sinh ra và sở hữu được sắc đẹp là một điều quý báu. Điều này không phải tự nhiên mà có, cũng không phải do may mắn hoặc do một vị thượng đế nào ban cho, mà do chính tự phước đức gây tạo của người ấy trong những kiếp quá khứ. Thế nên được sinh ra làm người là một điều quý báu, thân thể và sắc mặt được đẹp lại càng quý báu hơn. Tuy nhiên nếu ý thức được điều quý báu này thì ta sẽ cố làm cho nó đẹp và quý báu hơn ở nhiều kiếp sống tới nữa, còn nếu chỉ để dùng nó trong một đời người, hay chỉ trong khoảng một thời thanh xuân của niên thiếu thì quả là một điều thiếu khôn ngoan. 

Do tác lực của nghiệp, nên con người đến với sắc đẹp tựa như ong thấy hoa, như bê con thấy vú mẹ, trong kinh Pháp Cú đức Phật mô tả như vậy. Người ta đến với sắc đẹp, tìm cầu và quy lụy về nó mà bất chấp thân mạng, danh giá của họ. Họ không sợ bị khổ, chẳng kể mưu chước sai quấy, gian tà gì chỉ để mong sao chiếm được cái sắc đẹp kia thế nhưng khi chiếm được rồi, họ cũng chẳng có mấy được niềm vui và hạnh phúc hơn lúc ban đầu. Khác với thế thường, đạo Phật dạy cho người tu những phương cách để nhìn và biết được về sắc đẹp. Không vội vã chạy đến với nó mà phải nhìn, phải hiểu thật sâu và để quán sát cùng chiêm nghiệm. Một khi thấy rõ được cái thật của sắc đẹp thì có thể thấy rõ được cái thật của cả cuộc đời, vì cuộc đời và sự sống này có vượt ra khỏi những cái đó đâu.

Dường như thế giới ngày nay là thế giới của cái đẹp. Con người với những tiến bộ về kỹ thuật và nhận thức, đã làm cho con người và thế giới này được khả quan hơn bởi cái đẹp. Trong phạm vi con người cái đẹp gần như đã được chinh phục qua các sáng tạo và các khám phá mới trong ngành y dược, và giải phẫu thẩm mỹ. Các loại mỹ phẩm và đồ đạc trang sức trong cái nét thẩm mỹ thời đại cũng được đa dạng hóa, nên có thể nhìn chung con người đang tự mở ra cho họ một vòm trời mới về cái sắc và vẻ đẹp của con người. Đây quả là một điều khích lệ đối với con người chúng ta, nhưng mặt khác riêng tôi có một cảm giác là lạ trong người. Có lẽ là vì giờ đây tôi phần nào hiểu biết được về cái đẹp và cái sắc của người phụ nữ ở trong sự tương đối và giả tạo của nó, nên đôi khi -trong trường hợp tâm không tịnh- tôi thấy mình bị quyến rũ bởi cái sắc đẹp của người đối diện, nhưng lúc chiêm nghiệm và suy gẫm lại tôi thấy nó giả dối làm sao. Phải chăng trong tôi ít nhiều đã có những ảnh hưởng và tác động ngấm ngầm của lời dạy đức Phật.

Nhớ hồi còn nhỏ tôi thường thấy những người lớn đánh phấn thoa son, cùng trang sức các thứ trước khi ra đường. Tôi cho đó là chuyện tự nhiên của má tôi hay đó cũng là chuyện tự nhiên của người phụ nữ. Thế nhưng cũng những chuyện ấy giờ đây tôi thấy nó kỳ lạ làm sao. Kỳ lạ ở nơi người ta làm nó để làm gì? để họ được đẹp hơn hay để làm cái bổn phận mà người phụ nữ phải làm. Nếu đánh phấn thoa son để được đẹp thì không lẽ không đánh phấn thoa son, họ lại xấu đi nhiều hơn sao? Con người khi sống là sống cho chính họ, hay là sống cho người; nếu chỉ sống cho người và vì người thì họ có thật là người tốt, và là một người có sự hiểu biết chân chính không? Nếu sự làm đẹp ấy mỗi ngày có mục tiêu của nó là làm người ta kính trọng mình, kết thân với mình thì sự không làm trong một thời gian nào, đó có bị người khác xa lánh và khinh bỉ mình chăng? Có lẽ từ khi tôi xuất gia và học đạo, thì trong tôi mới nảy sinh ra những cái nhìn và đánh giá khác lạ về sự việc này, về một sự việc mà đối với con người là một điều tất nhiên và khỏi cần nghĩ bàn vì nó tựa như ta ăn cơm, ta uống nước thì có gì để nói. Vậy mà tôi cũng phải nói và viết như một lời than van cho cái khác biệt giữa cái nhìn và làm khác nhau của đạo và đời. Sự ích lợi của việc trang điểm như thế nào, mà mỗi ngày chỉ tính việc làm đẹp của người phụ nữ qua việc sửa soạn mái tóc, trét phấn, thoa son, kẻ mi cũng mất cả giờ đồng hồ. Đó là việc sửa soạn của người đơn giản, còn với những ai xí xọn thì ít nhất cũng phải tốn vô bổ vài giờ trong ngày cho việc làm này. Cứ nhìn những cô em tôi làm những chuyện ấy, là tôi cũng cảm thấy có cái gì buồn cười rồi. Quả thật là người thế gian có những cách sống và tiêu pha thời gian rất thường tình, mà đối với tôi lại là cả một sự phí phạm.

Có lẽ là thật sự chúng ta không hiểu được chính mình, mà chỉ biết sống cho bên ngoài nên bên ngoài họ làm gì, họ muốn gì chúng ta đều phải làm theo cho giống họ. Đôi khi việc làm của chúng ta, của người nam hay của phụ nữ chỉ là một việc làm máy móc theo thói quen của con người. Nhưng con người lại thường thường làm theo cái nghiệp chỉ dẫn. Nghiệp của người phụ nữ là nghiệp của sự mê đắm cái đẹp, mà chính là nơi khuôn mặt của họ. Nếu có những phụ nữ nào sinh ra với gương mặt xấu, là họ cảm thấy buồn khổ vô cùng đến độ tuyệt vọng. Còn những người với sắc đẹp trung bình thì họ tính chuyện sửa sang, và làm đủ mọi cách để cho được đẹp. Mới đây tôi nghe tin tức thì được biết rõ thêm về những kết quả bi thương của những người muốn có một sắc đẹp. Theo thống kê thì trong năm qua ở tại Trung Quốc đã có trên 500,000 người bị hư mặt vì đi lầm những thẩm mỹ viện ma. Thế nên, thay vì được đẹp thêm họ lại phải chịu mang thương tật cho gương mặt mình đến suốt cả đời. 

Đôi lúc tôi tự nghĩ cái phi lý của con người rằng, họ có thể bỏ ra hàng ngàn usd để sửa cái bề ngoài cho được đẹp để rồi cuộc sống họ có thêm được hạnh phúc; nhưng rồi cái đẹp ấy cũng chưa chắc thật sự mang lại hạnh phúc, cái đẹp ấy lại bị già nua và xấu đi dần qua năm tháng. Nhưng để sửa cái tâm mình được đẹp mãi mãi, chẳng mất tiền và chắc chắn sẽ đem lại hạnh phúc cho đời mình, con người ta thường lại lơ là và tìm cách chối bỏ. Chính vì nhận lầm cái giả cho là thật, cái không đẹp cho là đẹp, gốc của cái khổ lại cho là vui; còn cái thật, cái đẹp, cái gốc của niềm vui và hạnh phúc chân thật thì họ cho là không, nên do đó mà con người ta vẫn mãi mãi quờ quạng sống trong cảnh khổ sầu, mặc dù họ vẫn luôn là những người mong tìm cách để thoát khổ.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
01/01/2025(Xem: 673)
Chiều ngày 25/12/24 Anh Chị Em Huynh Trưởng khắp liên bang hội tụ về tu viện Quảng Đức với tư thế sẵn sàng cho buổi họp tổng kết một năm hành hoạt và kế hoạch năm mới của Ban Hướng Dẫn Úc Đại Lợi. Trại sinh Huyền Trang bắt đầu giai đoạn 2 với đề thi nhập trại (Trại Huyền Trang kéo dài 3 năm/3 giai đoạn: giai đoạn 1 học hàm thụ trực tuyến, giai đoạn 2 thụ huấn 5 ngày tại trại, giai đoạn 3 hội thảo kết khoá vào cuối năm 2026) Lễ Khai Mạc Liên Trại Sáng ngày 26/12/24, tại Chánh điện chùa Quang Minh, Melbourne, lễ khai mạc liên trại đã diễn ra trong không khí trang nghiêm mở đầu hành trình 5 ngày tu học và rèn luyện dành cho các Huynh Trưởng từ khắp nơi. Sau lễ khai mạc, trại sinh cùng Ban Quản Trại di chuyển đến Alexander Resort, nơi chương trình trại chính thức triển khai theo đúng đề án đã định.
20/12/2024(Xem: 355)
Sáng hôm nay Hiền vẫn về Tu Viện như thường lệ, trời mùa đông Melbourne từng làn gió hắc hiu mang theo hơi lạnh rít từng hồi thấm sâu vào da thịt, trên thềm cỏ vẫn còn giọt nước sương đêm chưa tan dù mặt trời đã tỏa nắng, Gió thổi nhẹ khiến cho nhành liễu trước tượng đài Bồ Tát Quan Âm đu đưa như bàn tay đang vẫy gọi. Xoa mạnh hai lòng bàn tay nóng lên rồi đưa lên má vài lần cho ấm, Hiền bước vào Tu Viện. - Dạ bạch Thầy! Vị Sư phụ tháo cặp kiếng dày cộm đưa tay dụi mắt nở nụ cười hiền từ. - Hiền đấy con? Hôm nay con không đi làm sao? - Dạ hôm nay hãng con đóng nên con về Tu Viện làm công quả - Vậy à! Con giúp thầy nhỏ cỏ trong những chậu hoa xung quanh Tượng Đài - Dạ mô Phật !
23/09/2024(Xem: 2141)
Chuyến đi về Việt Nam lần này có thể nói ngoài sự dự tính của chúng tôi. Mặc dù, tôi cũng có ý muốn đến viếng thăm Hà Nội một lần nữa. Vì năm 2003, tôi có dịp đến trung tâm thành Phố Hà Nội và viếng thăm một vài nơi khác chung quanh Hà thành. Nhưng lần này, là do các Phật tử Bảo Khánh, Hiếu Hoa, Từ Nhẫn và Liên Thu có nhã ý mời chúng tôi về Hà Nội và rồi cùng đoàn đi hành hương Trung Quốc, đặc biệt là chỉ hành hương tham quan trong phạm vi tỉnh Vân Nam thôi. Nói đúng
29/06/2024(Xem: 2755)
Những tháng đầu năm 2021, Út Bình bên Mỹ vẫn thường âm thầm theo dõi Facebook của tôi, thấy biết tôi đang tích cực phụng sự Đạo pháp, theo chư Tăng lên các chùa ở sâu vùng xa để chụp ảnh, viết bài, đưa tin đến các trang Phật giáo trong và ngoài nước, liền nhắn tin tặng tôi chiếc laptop của Út còn cất trong tủ ở nhà từ đường. Ý của em là tiếp sức cho tôi có phương tiện hiện đại hơn để truyền tin tại chỗ, chứ đi dự lễ các chùa trên vùng núi cả buổi, chiều về mới ngồi vào máy tính viết tin bài, chọn ảnh để gửi đi thì chậm quá
22/06/2024(Xem: 2293)
Có nhiều người khi sinh con ra, bên cạnh tên thật hay, thường có một tên khác gọi ở nhà dí dỏm dễ thương, hay tên thật dở để khỏi bị “bà” bắt. Bà ở đây là bà nào không ai biết được, thế nhưng nhiều người vẫn sợ rồi kiêng. Riêng đối với bà Thịnh, bà không tin như thế, ngược lại, bà cần con cháu bà tên thật hay, phải có ý nghĩa nữa để đem may mắn vận vào cuộc đời nó.
12/05/2024(Xem: 8782)
Thời gian gần đây hiện tượng sư Thích Minh Tuệ tu theo hạnh Đầu Đà đi bộ từ Nam chí Bắc đã được quần chúng đủ mọi thành phần ngưỡng mộ. Họ chờ đón sư ở dọc đường, cúi đầu hoặc quỳ xuống lòng đường để đảnh lễ, tặng đồ ăn thức uống, có khi tháp tùng sư một đoạn đường dài. Có khi họ tụ tập quanh sư tại nơi nghỉ chân, có khi là nghĩa địa, một ngôi nhà hoang, hoặc dưới tàng cây, ngồi quanh sư để nghe sư thuyết pháp hoặc vấn hỏi một số vấn đề. Đặc biệt tại Thanh Hóa có cả xe chở mấy chục học sinh Tiểu Học, tung tăng chạy tới để chiêm ngưỡng và vái lạy sư. Và lần đầu tiên một vị sư thuyết pháp tại một nghĩa địa.
02/05/2024(Xem: 2800)
Biến cố 30 tháng 4 năm 75 không những làm đảo lộn cuộc sống của người dân miền Nam, làm xóa tan một chính thể Cộng Hòa nhân bản mà từ Đệ Nhất tới Đệ Nhị Cộng Hòa đều mang đến tự do, hạnh phúc cho người dân. Không như sáo ngữ "Cộng Hòa Xã hội chủ nghĩa - Độc Lập - Tự Do - Hạnh Phúc", nghe như một liều thuốc tê làm mất hết cảm giác và trở thành con người vô cảm lúc nào không hay!
03/04/2024(Xem: 3408)
Có thể do một sự thần khải, thiên khải, mặc khải hoặc một phép mầu nhiệm, phép linh thiêng, phép huyền bí nào đó, hoặc do đại giác ngộ, đại ân sủng mà toàn thể loài người bỗng dưng trở thành tu sĩ! Thật đại phúc! Vui mừng khôn xiết! Mấy ngàn năm qua với bao lời rao giảng, truyền đạo, răn dạy mà con người vẫn cứ mê luyến vào cuộc sống phàm tục, sinh con đẻ cái, làm giàu, hưởng lạc thú trong cái cõi đời ô trọc này. Nay thì - đúng là ước mơ đã thành hiện thực của các giáo hội. Trong nỗi vui mừng khôn tả đó, việc đầu tiên là phải giải tán ngay phái bộ truyền giáo bởi vì mọi người đã trở thành tu sĩ rồi thì cần gì phải truyền đạo nữa? Tuyên truyền cho ai bây giờ? Còn đất đâu? Còn dân ngoại đạo nữa đâu mà tuyên truyền? Thôi thì cả triệu tấn giấy, hình ảnh, tài liệu, phim ảnh, CD, DVD, Video được đem ra đốt, bao nhiêu đài phát thanh, chương trình truyền hình, website truyền đạo cũng đều dẹp bỏ. Tuy nhiên trong nỗi hân hoan ấy việc chuyển hóa cả một cấu trúc xã hội thế tục vô cùng phức tạp qua
01/04/2024(Xem: 2042)
Sáng thứ Bảy cuối tuần rảnh rang, tôi rong xe về phố, qua bên kia đầu cầu Hà Ra ghé thăm đạo huynh Duy Pháp-Đinh Hoà ở dốc Đoàn Kết. Ngồi ngoài ban-công sân thượng, huynh đệ vừa uống trà, nhâm nhi tách cà phê nóng bên mấy chậu kiểng hoa hồng, vừa trò chuyện đổi trao chuyện Đạo trong Đời, Đời có Đạo, thật thân tình và đầy hứng khởi... Đây là lần thứ ba tôi có mặt trên "tịnh thất sân thượng" của huynh Duy Pháp. Lần trước là vào dịp Tết mới rồi, khi tôi đứng phóng mắt ngắm cảnh xa gần chung quanh, thấy được bóng dáng của chùa Kỳ Viên Trung Nghĩa trên núi Sinh Trung hiện ra xa xa ở góc nhìn lạ, nên lần này tôi không quên mang theo máy ảnh gắn ống kính tele để "săn cảnh già lam"...
30/10/2023(Xem: 3402)
🐄Bò làm mệt, than với chó: " Tao mệt quá ". 🐶 Chó gặp mèo tâm sự: " Bò nó kêu mệt, chắc làm quá sức, chắc nó đòi nghỉ một chút". 🐱 Mèo gặp dê tám chuyện: " Bò nó muốn nghỉ một ngày vì công việc làm nó mệt quá, có lẽ ông chủ bắt nó làm quá sức". 🐐 Dê gặp gà: " Bò nó đòi nghỉ làm, ông chủ bắt nó làm đến kiệt sức thì phải". 🐔 Gà gặp heo nói: " Biết chuyện gì chưa, bò nó định đổi chủ và bỏ việc đấy".
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]