Thích Hạnh Nguyện - Thích Hạnh Tấn
Lâm Tỳ Ni [Lumbini]
Lần đầu tiên đến Lâm Tỳ Ni là cả một kinh nghiệm cam go và đầy gian nan. Sau một chuyến xe lửa mệt mỏi tôi, thầy Hạnh Nguyện và thầy Minh Tánh đã đến Gorakhpur, một thị trấn tương đối lớn và tấp nập, nhưng lúc đó tâm tư tôi đâu có để mà ngắm cảnh. Trên chuyến xe lửa thầy Hạnh Nguyện khuyên tôi không nên đi Lâm Tỳ Ni, ‘vì ở đó cũng chẳng có gì cả, ngoài gạch đá đổ nát mà thôi’. Nhưng tôi đã cương quyết, đã đến Ấn Độ mà không đi Lâm Tỳ Ni thì thật tức cười. Khi đến Gorakhpur thì thầy Hạnh Nguyện cảm thấy mệt nên lấy xe buýt đi Câu Thi Na Thành trước vì từ đây đi đến đó cũng chỉ tốn khoảng thêm ba tiếng nữa thôi. Tôi và thầy Minh Tánh tiếp tục lên đường mặc dầu cũng không kém mệt. Trước tiên là tôi múa vé xe buýt đi tới biên giới Sonauli của Ấn Độ. Đoạn đường chỉ hơn 85 km mà tôi phải ngồi xe quá ba tiếng rưỡi, những đoạn đường đúng ra rất là lý thú nếu tôi không bận phải vịn cho khỏi tưng lên đụng đầu khi xe chạy vào những ổ đà điểu (không thể nào gọi là ổ gà được nữa vì nó đã quá là lớn).
Khi đến biên giới lớ ngớ trời đã vào trưa mà trong bụng hai người tôi chưa có gì. Dừng lại bên một nhà hàng cũng có vẻ tươm tất lắm để đợi ăn trưa. Có lẽ vì quá tươm tất, mà sau khi ăn thì đồng hồ chúng tôi đã chỉ hai giờ chiều. Làm thủ tục giấy tờ ra khỏi Ấn Độ và xin Visa vào Nepal thật chẳng đơn thuần chút nào. Khi đó còn phải làm quá nhiều thủ tục, nhưng rồi tất cả cũng phải xong. Đi bộ qua bên kia biên giới tìm một chiếc xe buýt để tiếp tục cuộc hành trình. Chúng tôi đã vớ phải một chiếc xe chỉ chạy đến Siddharta Nagar, cách biên giới 4 Km. Nhưng cũng may một chặng đường nữa đã qua! bây giờ mới thật là đau khổ, đúng với nghĩa đứng giữa ngã ba đường, chúng tôi không biết tìm đâu ra một chiếc xe để tiếp tục đi. Sau 15 phút chờ đợi thì thời may có một chiếc xe Jeep được sửa làm xe chở khách trờ tới tôi phải chịu cảnh ngồi kẹp giữa một anh Ấn Độ hôi mùi hành và một chú bê hốt hoảng, chút chút là dậm chân, giật đầu. Thật là không biết bên ngoài phong cảnh ra sao chứ trong này tôi luôn phải phòng né những cú bò đá để không bị mang tiếng là đi năm châu bốn bể về bị bò đá trên chiếc xe thồ (mặc dầu là chú bò đó chỉ là một chú bê đi chăng nữa). Xe chạy cứ khoảng 1 Km là ngừng để cho khách xuống và đón khách lên. Đã hơn nửa tiếng rồi tôi không còn đếm số trạm ngừng nữa, đúng ra tôi cũng không được phép than vãn gì, vì cũng chính có những lúc xe ngừng như vậy mà chúng tôi có thể ngồi đây.
Sau hơn một tiếng rưởi đồng hồ để đi một đoạn đường 30Km thật là một vận tốc lịch sử! chúng tôi đã đến được Lâm Tỳ Ni trong một quang cảnh của ráng chiều. Có lẽ trời còn thương tôi, nên đã cho tôi cảm thọ Lâm Tỳ Ni trong ánh nắng đỏ ối này. Nếu tôi chỉ đến sớm hơn chừng nửa tiếng hay trể hơn một tiếng thì tôi đã oà khóc vì sự hoang tàng đổ nát của một thời là danh lam thắng cảnh của bậc đế vương. Nhưng ánh ráng đã cho thánh địa vay một chút huy hoàng thời xa cũ. Những đống gạch đá ửng lên như hồng ngọc, những chiếc lá bồ đề đong đưa trong gió như bằng vàng đỏ. Ngay cả ngôi đền thờ hoàng hậu Maya đổ nát cũng mang một ý nghĩa cao cả hơn. Chúng tôi vội vã đi kinh hành quanh đền và dừng lại chiêm ngưỡng phần còn lại của chiếc trụ đá A Dục. Ánh sáng lúc đó chỉ còn lờ mờ như khẳng định với tôi rằng tất cả sanh thể đều phải theo quá trình hủy hoại của thời gian. Tôi đành phải trở ra đường cái để đón xe về lại Ấn Độ. Lần này may mắn hơn tôi đón được chiếc xe chạy khá nhanh, nhưng cũng chỉ đến Siddharta Nagar mà thôi. Bấy giờ tôi không hề có ý tưởng là mình có thể ngủ lại đấy! thật lạ lùng! tôi và thầy Minh Tánh lủi thủi đi trong màn đêm, và giơ tay đón xe khi có một ánh đèn lóe lên từ phía sau. Cuối cùng chúng tôi cũng đã đến được biên giới Ấn Độ - Nepal sau một ngày mệt mỏi nhưng cũng thỏa mãn ước nguyện.
Lâm Tỳ Ni-Một thời vang bóng.
Giống như sư tử bước,
Nhìn khắp cả bốn phương,
Xuống đất đi bảy bước,
Nhân sư tử cũng vậy,
Lại như rồng lớn đi,
Khắp nhìn cả bốn phương,
Xuống đất đi bảy bước,
Đấng nhân long cũng vậy,
Đấng phúc trí sanh ra,
An lành đi bảy bước.
Vào thời vua Tịnh Phạn vườn Lâm Tỳ Ni là một khu vườn đầy hoa tươi cỏ lạ. Trong vườn có đầy cây xanh và bóng mát. Vẻ đẹp của Lâm Tỳ Ni đã quyến rũ đến độ hoàng hậu Maya trên đường từ Ca Tỳ La Vệ về lại quê bà là Devadaha phải ngừng chân lại mà nghỉ và thưởng ngoạn.
Sau những dặm đường mệt mỏi được ngồi nghĩ chân dưới bóng răm của tàng cây xanh quả là một cảm giác nhẹ nhàng thoải mái. Trong tâm trạng đó hoàng hậu Maya vui chân theo những hàng hoa xinh tươi, bà mãi mê ngắm từng nụ tầm xuân đủ màu đang nhẹ nhàng hé cánh tơ đào để khoe sắc cùng thiên nhiên kề bên những nụ hoa đang độ đặm đà hương sắc và những nụ hoa tan tác lúc tàn phai. Mỗi một trạng thái thiên nhiên đều ẩn tàng những triết lý cao siêu và những vẻ đẹp không gượng gạo. Hoàng hậu đặc biệt chú ý đến một cây cổ thụ cao to có tàng thật rậm mát, trên cây muôn ngàn chim đang đua nhau hót như đón chào và mời mọc hoàng hậu quá bước. Bà vô cùng vui và nghĩ rằng muôn vật đang chung vui với bà trong niềm hân hoan với bầu thai muộn mà bà không nghĩ rằng mình còn cơ hội để đón nhận. Dầu sao với số tuổi 45Ạ bà không nghĩ mình sẽ có mang nữa.
Trong tâm tưởng bà, giấc mộng kỳ diệu kia vẫn còn như thật. Đôi khi bà tưởng chừng như mình thật sự cảm giác trạng thái nhồn nhột sung sướng khi chú voi trắng sáu ngà đưa chiếc vòi xinh xắn vào hông bà để mở đường cho một đóa sen tinh khiết. Ngày hôm sau, bà đã thuật lại giấc mộng cho nhà vua và nhà vua cũng cảm thấy giấc mộng phải mang một ý nghĩa gì quan trọng. Khi lâm triều ngài đã cho truyền các vị đạo sĩ đoán mộng. Thật không ngờ, tất cả đều dự đoán hoàng hậu đã thọ thai một hoàng tử có đầy đủ điều kiện để nối ngôi nhà vua sau này. Tháng ngày mõi mòn trôi, chưa bao giờ nhà vua và hoàng hậu cảm thấy thời gian đi chậm như lúc bấy giờ. Thời gian dần trôi, hoàng hậu xin nhà vua về lại quê để có thể sanh thái tử ở bên ngoại. Mặc dầu nhà vua không an tâm để hoàng hậu ra đi nhưng vì đây là phong tục nên ngài đã phải ưng thuận và cho chuẩn bị một đoàn tuỳ tùng thật chu đáo.
Đứng dựa gốc cây hoàng hậu nghe lòng lâng lâng theo tiếng gió rì rào và tiếng chim hót líu lo trên cành, bỗng bà phải đưa tay vịn vào cành cây vì một cơn đau quặn. Từ bên hông phải bà đã hoài sanh một thái tử bụ bẫm mà không một chút bợn nhơ. Mặc dầu vậy, bà không khỏi ngạc nhiên khi tiếng sáo trời hoà cùng nhịp điệu của thiên nhiên. Từ trên không trung bỗng tưới xuống hai dòng nước một ấm một mát thơm ngạt ngào để thái tử tắm gội. Khi dòng nước tắt, ngài đã dõng dạt bước đi về phương đông bảy bước và lạ kia từ dưới đất những búp sen tuyệt trần đã nở ra để tránh gót chân ngài phải dính bụi trần. Một tay chỉ trời, tay chỉ đất ngài tuyên bố:
“Sẽ dứt khổ sanh tử,
Đương lúc Ta mới sanh,
Đã là đấng vô thượng,
Tự quán nhân sanh tử,
Thân này là sau cùng.
Trên trời dưới đất, duy chỉ có ta là tôn quý!
Ta muốn độ chúng sanh thoát khỏi sanh, già, bệnh, chếtϼ/b>
Hoàng hậu không khỏi ngỡ ngàng trước những mầu nhiệm xảy ra xung quanh sự hạ sanh của Thái tử. Hoàng hậu cho thu xếp hành trang để về lại Ca Tỳ La Vệ. Nhà vua đã vui mừng đón tiếp phu nhân và đặt tên cho thái tử là Sĩ Đạt Ta (Người được mãn nguyện). Lễ đặt tên thái tử được cử hành long trọng, nhà nhà đều kết hoa, người người đều vui chơi. Tại hoàng cung tiếng sáo nhạc vang trời rượu chảy như suối thịt chất như non, trái cây được bày ra như những phẩm vật của cõi trời. Khi ấy ngoài cổng thành bỗng xuất hiện một đạo sĩ già nua đen kịt. Đạo sĩ này xin được vào yết kiến nhà vua, đoàn quân gát cửa chần chờ nhưng cũng tội nghiệp trước sự thành khẩn của ông ta nên cũng vào thông báo. Sau khi nghe tin, nhà vua nghĩ rằng hôm nay là ngày vui cũng nên cho ông ta triều kiến. Đạo sĩ già kia tự xưng là A Tư Đà, khi ông ta đang thiền định tại một khu rừng bỗng nhiên vào ngày trăng tròn tháng năm (lịch Ấn Độ) đất chuyển bảy lần, rông tóc ông đều rởn cả lên, thấy điềm lạ này ông liền xuất thiền đi vào phố thì được tin thái tử hạ sinh. Chủ đích ông ta đến cung cũng là để được nhìn mặt thái tử. Nhà vua rất hài lòng vì thấy sự ra đời của con mình mà phải khiến một vị đạo sĩ đức độ lìa khỏi nơi tu tập. Ngài ra lệnh thể nữ mang thái tử ra cho đạo sĩ xem mặt. Khi nhìn thái tử ngài A Tư Đà cười khan ba lần rồi lại khóc ba lần. Quá ngạc nhiên trước phản ứng lạ kỳ, nhà vua và hoàng hậu đều rời ngai vàng đến bên đạo sĩ để hỏi nguyên do. Đạo sĩ cười vì theo phước tướng của thái tử thì phải là bậc đại đế trong đời, trị quốc an bang cái thế, còn nếu chọn đường thoát tục phải trở thành đấng trí tuệ giác ngộ cao siêu. Ngài đã khóc vì nhận ra mình quá già không còn cơ duyên để được nghe giáo lý siêu thoát từ kim khẩu của bậc, mà theo ngài sẽ là thầy của trời và người.
Bối Cảnh Lịch Sử.
Lâm Tỳ Ni nằm trên một ngọn đồi thuộc chân dãy Hy Mã Lạp sơn (Himalaya), ngày nay thuộc vương quốc Nepal và trên đường từ thành Ca Tỳ La Vệ đi Devadaha. Theo các sử liệu thì thái tử Shiddharta đản sanh vào ngày Vesak (tức là ngày trăng tròn tháng năm theo lịch Ấn Độ) vào năm 624 hoặc 625 trước tây lịch.
Tuy rằng Lâm Tỳ Ni là một trong những nơi quan trọng của thánh tích Phật Giáo nhưng nhiều năm tháng đã bị bỏ hoang; ngay cả sau khi đã được nhà khảo cổ người Đức, ông Fóhrer, phát hiện vào năm 1895 qua tàn tích trụ đá vua A Dục (Asoka), nhân một cuộc du ngoạn dưới chân ngọn đồi thuộc rặng núi Churia.
Lâm Tỳ Ni, dầu ngày nay điêu tàn nhưng khi đại đế Asoka đến viếng thì vẫn còn là một thôn thịnh vượng có nhiều cảnh trí nên thơ. Nhà vua đã cho dựng bốn ngọn tháp và một trụ đá bằng sa thạch có tượng một con ngựa trên đầu trụ. Tiếc rằng ngày nay tượng không còn để các nghệ thuật gia có thể so sánh nó với tượng chú ngựa bay đời đường. Trên trụ đá ngày nay chúng ta vẫn còn thấy hàng chữ: “Sau hai mươi năm lên ngôi, vua PriyadarsiẠ, người được chư thiên yêu mến, đã thân hành viếng thăm và cúng dường cũng như lễ bái nơi đây, bởi vì đức Phật, thánh nhân dòng họ Thích, đã được sanh ra nơi đây.Ϡ
Lâm Tỳ Ni đã từng là nơi mà những nhà chiêm bái học giả như ngài Pháp Hiền vào thế kỷ thứ V và ngài Huyền Trang vào thế kỷ thứ VII cũng như ngài Thích Minh Châu vào thế kỷ thứ XX. Trong cuốn Phật Quốc Ký, ngài Pháp Hiền đã ghi lại như sau: “Năm mươi lý về phía đông của cung thành là một vườn ngự uyển mang tên Lâm Tỳ Ni; chính nơi đây hoàng hậu đã tắm rửa và sau đó đi về phía bắc khoảng hai mươi trượng bà vịn vào một nhánh cây, khi bà dõi mắt về phương đông bà đã sanh ra thái tử. Khi sanh ra, thái tử đã đi bảy bước và hai vị vua rồng đã phun nước để rửa thân thể ngài. Nơi này về sau đã được đào thành một cái giếng, ở đây nó giống như là một cái hồ, những nhà sư dùng nước trong đó để uống.ϠNgài Huyền Trang đã tường trình như sau trong cuốn ký sự của mình:“Từ cái giếng tên [tiễn tỉnh-nơi mũi lao của đức Phật ghim vào và tạo thànhẠ] đi về phía đông bắc 80 hay 90 lý gì đó, chúng ta sẽ gặp vườn Lâm Tỳ Ni. Nơi đây có một hồ tắm của giòng họ Thích, nước trong hồ chói sáng và trong suốt như một tấm gương, trên mặt hồ nở nhiều loại hoa.
Về hướng bắc cách hồ khoảng 24, 25 trượng là một cây hoa Vô Ưu, mà bây giờ đã tàn rụi; đây chính là nơi bồ tát đã ra đời vào ngày thứ tám hạ tuần của tháng Vaisakha, tương ứng với ngày tám tháng ba của lịch ta. Thượng tọa bộ thì cho rằng ngày đản sanh nhằm vào ngày 15 của hạ tuần tháng đó, trùng với rằm tháng ba của ta. Phiá bắc của cây là một cái tháp được dựng bởi vua A Dục, chính là nơi mà hai con rồng đã tắm thái tử. Khi bồ tát hạ sanh ngài đã đi không cần ai dìu dắt về bốn hướng, mỗi hướng bảy bước và nói rằng: ‘Ta là vị chúa tể duy nhất trên trời và trên đất. Từ đây trở đi ta không còn sanh nữaϮ Nơi nào mà chân ngài chạm đến nơi đó nảy sanh một hoa sen lớn. Hơn tất cả, hai con rồng bay bổng lên và lượn trên không, từ trên đó phun ra một dòng nước lạnh và một dòng nước ấm để tắm thái tử.
Phía đông của tháp là hai cái vòi nước tinh khiết, bên hông đó được dựng lên hai cái tháp. Đây là nơi mà hai con rồng đã từ đất vọt lên. Khi bồ tát hạ sanh những thể nữ đã tuả đi tứ hướng để tìm nước cho việc tắm thái tử. Khi đó thì hai dòng nước ấm lạnh tuôn chảy từ đất ngay phía trước hoàng hậu, họ đã dùng nước đó để tắm rửa cho ngài.
Đi về phía nam cũng có một cái tháp. Đó là nơi vua trời Đế Thích Sakra đã đón bồ tát vào tay mình. Khi bồ tát hạ sanh từ phía hông bên phải của mẹ ngài, bốn vua trời đã dùng lụa vàng kim để quấn ngài, đặt ngài trên một cái mâm vàng và đưa cho mẹ ngài, họ nói: ‘hoàng hậu hãy vui mừng, vì đã khai sanh một đứa bé may mắn thế này’. Nếu chư thiên đã vui mừng như thế thì loài người phải mừng vui đến bực nào!
Bên hông của tháp này và không xa là một trụ đá lớn đã được dựng nên bởi vua A Dục, bên trên trụ là tượng một con ngựa. Sau đó một con rồng hung ác đã làm gãy đổ cây trụ ngay chính giữa. Bên hông nơi đó là một dòng sông nhỏ chảy về hướng đông nam. Những thôn dân nơi đây gọi là dòng sông dầu. Đây chính là dòng nước mà chư thiên đã hoá ra như là một hồ nước trong và chói rạng để hoàng hậu, sau khi sanh thái tử, tắm rửa. Bây giờ thì nó đã biến thành một dòng sông, mà nước của nó vẫn còn thấy nhớt.Ϡ
Theo hồi ký của ngài Minh Châu thì: “Ngày xưa cảnh vật tươi đẹp bao nhiêu, thì ngày nay khu vườn lại tàn tạ tiêu điều bấy nhiêu. Mặc dù có cây cối đền tháp, nhưng cảnh trí không được huy hoàng như xưa và nhất là không tốt đẹp như các thánh tích thuộc chánh phủ Ấn Độ mà tôi đã chiêm bái. Chánh phủ Nepal đang cố gắng sửa sang lại thánh tích này, nhưng có lẽ vì cách trở đường xá nên công việc chưa mấy kết quả! Tôi hơi buồn cho thánh tích tiêu sơ này.... Ϡ
Vào thế kỷ thứ XIV, 1314, vua Ripu Malla của tây Nepal đã đến đây chiêm bái và khắc tên mình lên trụ đá. Từ đó đến nay Lâm Tỳ Ni đi vào quên lãng. Mặc dù đã bị bỏ hoang từ nhiều thế kỷ trước, khi ngài Pháp Hiền và ngài Huyền Trang đến đây thì không còn có dân cư ở đó nữa, Lâm Tỳ Ni vẫn còn là một nơi chiêm bái cho những người Phật Tử. Sau khi được khai quật trở lại nhân vào đại hội Tăng Già Thế Giới lần thứ tư 1958 vua Mahendra đã cúng dường hơn 100.000,00 Rúp để trùng tu Lâm Tỳ Ni. Năm 1967 Tổng Thư Ký của Liên Hiệp Quốc U.Thant đã thành lập một hội đồng trùng tu Lâm Tỳ Ni và biến chương trình này thành một vấn đề quốc tế. Tháng 10 năm 1978 đại hội Phật tử thế giới tại Nhật đã tuyên bố năm 1979 là năm của Lâm Tỳ Ni.
Những chiến tranh tôn giáo đã tàn phá thánh tích Phật Giáo này và đưa nó vào quên lãng hơn sáu thế kỷ. Nhưng thông điệp của đức Phật đã bất diệt, lớn dần và trở nên quan trọng qua từng thế kỷ. Nhất là trong thế kỷ này Giáo lý Phật Đà lại càng có giá trị hơn bao giờ hết. Những lời dạy về từ bi, hoà bình, khoang dung và con đường giác ngộ đã được tất cả tôn giáo trên thế giới đón nhận.
Lâm Tỳ Ni, nơi thiêng liêng mà Phật giáo bắt đầu vào năm 623 trước tl., một lần nữa đã trở thành một trong những thánh tích tôn giáo lớn nhất thế giới.
Những di tích lịch sử.
Trụ đá A Dục:
Ngày nay chúng ta đến Lâm Tỳ Ni thì, không còn gì nữa cả. Chỉ còn chăng là một trụ đá chơ vơ bị bào mòn bởi thời gian, và gãy đổ bởi giông bão. Trụ đá được bao bọc bằng một hàng rào sắt han rỉ đầy tiêu điều tang thương. Tất cả khách hành hương đều phải ngậm ngùi dừng bước nơi chân trụ đá để tụng một thời kinh như luyến tiếc không thể trở ngược thời gian để chứng kiến cảnh ra đời của một vị cứu thế. Trụ đá làm bằng một loại sa thạch, có lẽ ngày xưa cũng bóng láng như đầu sư tử tại viện bảo tàng Sarnath. Nguyên thỉ trụ cao bao nhiêu không biết, nhưng ngày nay chúng ta thấy một cây cột trên nhỏ dần, đường kính khoảng nửa thước và cao khoảng 5 thước. Trên trụ còn khắc hàng chữẠ như trên đã thuật, ngoài ra còn có thêm một hàng nữa là ‘dân làng Lâm Tỳ Ni được giảm thuế và chỉ phải đóng một phần tám thuế lợi tức mà thôi’
Đền thờ hoàng hậu Maya Devi:
Kế bên trụ đá vua A Dục là một ngôi đền của hoàng hậu. Trong đó có một bức phù điêu chạm hình đức Phật hạ sanh, đây là nơi được cúng bái từ đầu kỷ nguyên tây lịch. Bức phù điêu diễn tả hoàng hậu đang giơ tay vịn cành cây với một đứa trẻ đứng thẳng người trên một toà sen, phóng một vòng hào quang tròn quanh đầu, trong khi hai nhân vật thượng giới đang tưới nước và rãi hoa từ những bảo bình để cúng dường.
Bức phù điêu này đã được vua Malla của triều đại Naga dâng cúng, một triều đại đã cai trị vùng Karnali của Nepal vào thế kỷ XI đến thế kỷ XV. Ngài Minh Châu đã ghi nhận rằng đền thờ này bên trên còn rất mới trong khi nền đá dưới hiện rõ nét rêu phong.
Những nhà nghiên cứu cho rằng đền thờ này được xây dựng trên nền của một ngôi tháp do chính vua A Dục cúng dường. Theo Tây Du Ký thì việc này rất có thể, vì ngài Huyền Trang đã ghi nhận kế bên trụ đá là một ngôi tháp đánh dấu nơi vua trời đế thích đã đưa tay đỡ thái tử khi hạ sanh.
Ngày nay đền thờ này đã được dời sang một căn chòi, ngay cửa vào vườn để nhường chỗ lại cho một phái đoàn khảo cổ sửa sang lại nền tháp.
Hồ nước:
Không xa trụ đá là một hồ nước, đánh dấu nơi hoàng hậu tắm sau khi sanh thái tử. Đứng xa xa nhìn hồ nước vô cùng nên thơ, bầu trời phản chiếu trong nước một màu xanh ngọc bích, màu xanh da trời đã bị màu xanh rêu của nước biến thể đi, và tàng cây bồ đề to lớn với những cành dài vươn trên hồ như muốn tắm mình trong nước thật là nên thơ. Nơi này cũng được du khách ưa chuộng để làm phong cho những bức ảnh lưu niệm.
Một số nền tháp:
Đã được khai quật chung quanh trụ vua A Dục như nhắc nhở ta trong cảnh tiêu điều ngày nay, vẫn còn vương vấn đâu đây hình bóng của một thời vàng son.
Các Tự Viện:
Xưa nhất nơi đây có thể nói là chùa Tây Tạng gồm một chánh điện lớn với tượng bổn sư trong tư thế xúc địa ấn (tay chạm đất). Ngoài ra cũng còn nhiều tự viện đang được xây cất từ khi có chương trình tái thiết lập Lâm Tỳ Ni, trong đó Việt Nam ta cũng dự phần qua hai vị tiên phuông là giáo sư Lâm Trung Quốc -Thầy Huyền Diệu (Dr.Lam như những người Ấn Độ gọi) và sư cô Trí Thuận thuộc giáo hội Linh Sơn. Chùa Việt Nam Lâm Tỳ Ni của gs Quốc đã gần xong dãy nhà khách đồ sộ sẽ ‘được các đệ tử Âu Mỹ của Thầy trợ giúp và thiết kế sang trọng để đón các bậc quốc khách, riêng phật tử Việt Nam thì mỗi người được phép ở lại 1 ngày trong đời mình miễn phí϶à đang tiến hành xây chánh điện. Trong khi đó thì phái đoàn của hoà thượng Linh Sơn cũng đã sang Ấn Độ năm 1995 để làm lễ đặt viên đá đầu tiên cho chùa do sư cô Trí Thuận đứng ra đảm trách xây.
Để viếng Lâm tỳ ni.
Quý Phật tử có thể từ hai ngã đến Lâm Tỳ Ni, một trực tiếp từ ngã Nepal qua phi trường Kathmandu, rồi chuyển máy bay đi Bhairawa, một nơi cách Lâm Tỳ Ni khoảng 18 Km. Sau đó thì lấy taxi để đi tiếp.
Ngã thứ hai đi từ Ấn Độ. Phần đông quý vị hành hương đều theo ngã này. Sau khi viếng thăm Câu Thi Na Thành, hay trên đường đến Câu Thi Na Thành cũng thế, phái đoàn phải băng qua một tỉnh mang tên là Gorakhpur. Từ Gorakhpur đến biên giới Ấn Độ - Nepal, Sonauli khoảng 140 km. Sau khi xong thủ tục hành chánh phái đoàn tiếp tục cuộc hành trình khoảng 40 km nữa.
Trong trường hợp quý vị nào thích làm lữ hành riêng lẽ thì phải chọn nhà ga Gorakhpur làm điểm trục dầu mình đến từ đâu đi chăng nữa. Từ đó mới đổi xe bus đi Sonauli và sau khi ‘vượt biên’ thì đi tiếp tục xe bus vào Lâm Tỳ Ni. Dĩ nhiên là vẫn có những trường hợp xảy ra như kinh nghiệm tôi đã được. Dĩ nhiên là an toàn hơn hết là mướn một chiếc Taxi đi từ Gorakhpur.
Ngủ lại đâu?
Là một vấn đề mà nhiều khách hành hương thường băng khoăn. Ở một nơi thánh tích như thế tất nhiên là có nhiều nhà trọ, thí dụ:Lumbini Guest House hay
Nepal Goverment Guest House, nhưng nếu quý vị nào không quen có thể cho rằng những nơi đó không được vệ sinh lắm.
Ngoài ra còn có một khách sạn của Nhật HOKKE rất sang trọng và sạch với giá biểu đặc biệt .... mắc.
Một phương cách nhẹ nhàng và dễ chịu hơn, là đi lùi lại cách biên giới khoảng 4 Km. Thị trấn Shiddarta Nagar rất phồn thịnh và cũng là nơi mua sắm đồ ngoại với giá đặc biệt rẽ. Tại đây có những khách sạn đủ cỡ đủ hạng, tôi đặc biệt giới thiệu:
Khách sạn Nirvana (tel.&fax. 977-71-20837) mới vừa khánh thành tháng 10 năm 95 với những nhà tắm hơi và tiệm ăn tương đối hạp khẩu vị. Khách sạn tuy bốn sao nhưng so với Ấn Độ thì phải cho vào hạng năm sao deluxe. Giá phòng chiếc khoảng 120 và phòng đôi khoảng 150 Mỹ kim.
Ngoài ra cũng còn có một khác sạn loại trung bình ngay tại ngã tư đường, đó là khách sạn Maya. Khách sạn này giá biểu bình dân, nhưng nhà hàng lại không được tiện nghi cho lắm.