rất cần một quá khứ minh bạch
HỎI: Tôi năm nay 24 tuổi, công việc ổn định và yêu một anh bạn đồng nghiệp, hai chúng tôi dự định ba tháng nữa sẽ làm lễ cưới (lễ hằng thuận) ở chùa. Vừa rồi, tôi đưa anh ấy ra Bắc, nơi chùa chị tôi xuất gia tu học để làm lễ quy y cho anh. Quy y xong, anh được nhà chùa cho tụng kinh, khi tụng xong thì chuyện bất ngờ xảy ra, chồng sắp cưới của tôi xin phép thầy xuất gia.
Sự việc xảy ra quá nhanh khiến tôi hết sức bất ngờ, buồn vui lẫn lộn. Nếu anh ấy xuất gia được thì hủy lễ cưới luôn. Thầy bảo sẽ trợ duyên cho anh ấy ở chùa tập sự một năm mới được xuống tóc và gửi đi học. Bây giờ, ngoài việc niệm Bồ-tát Quan Thế Âm ra, tôi chẳng biết làm gì nữa.
Ba tháng nữa là tổ chức lễ cưới, tiệc cưới đã sắp xếp xong hết rồi, tôi đang lo gia đình hai bên sẽ phong ba bão táp, không dễ gì chấp thuận chuyện này. Tôi định vẫn tổ chức đám cưới nhưng không đăng ký kết hôn, xong xuôi rồi hai đứa sẽ lần lượt xuất gia. Tôi sợ ba tôi bị bệnh tim khi biết sự thật sẽ sốc chịu không nổi.
Tôi mới hỏi sơ sơ là để từ từ sang năm cưới thì ba đã mắng tôi quá trời. Tôi rối quá không biết phải sao cho đúng cả. Tổ chức đám cưới chỉ là để an lòng hai gia đình, vì gia đình hai bên chưa hiểu đạo, chỉ chuyện hai đứa ăn chay trường và đãi tiệc cưới chay đã phản đối ầm ầm. Tôi phải làm sao?
(THU HÀ, nhattam0609@gmail.com)
Bạn Thu Hà thân mến!
Qua lời sẻ chia, dù thông tin hạn chế, chúng tôi vẫn tôn trọng quyết định biến “xuất giá thành xuất gia” của hai bạn. Các bạn đã trưởng thành nên có toàn quyền tự quyết cuộc đời và tương lai của mình. Tuy nhiên, sự việc đảo chiều xảy ra quá bất ngờ, nếu không tìm phương cách để giải quyết các vấn đề liên quan thì có thể gây nhiều bất ổn và hệ lụy về sau.
Thiết nghĩ quan niệm về tình yêu và hôn nhân của các bạn dường như có vấn đề, nhất là đối với người chồng sắp cưới của bạn. Quy y Tam bảo là tốt, phát tâm xuất gia cũng rất tốt nhưng chỉ tụng xong một thời kinh mà đành đoạn hủy đám cưới đang cận kề để xin xuất gia là hy hữu, nếu không muốn nói là bất thường.
Chúng ta không đề cập đến chuyện Phật pháp nhiệm mầu hay anh ấy “giác ngộ” điều gì, không bàn đến nhân duyên xuất gia khác nhau, cũng không quan tâm đến việc đằng sau đó có ẩn ý gì không, chỉ xét riêng về phương diện chuẩn bị kết hôn thì cách hành xử của anh ấy bộc lộ sự bất ổn nghiêm trọng. Theo chúng tôi, anh ấy đã quyết định xuất gia (hủy hôn) vào thời điểm sắp kết hôn thì hãy tạo điều kiện cho anh ta được toại nguyện là sáng suốt nhất.
Mặt khác, việc nhà chùa hứa trợ duyên cho “chú rể” xuất gia trong thời điểm nhạy cảm này cũng là điều bất cập. Nếu như nhà chùa nói: Hủy hôn là việc cá nhân của các bạn, sau khi hủy hôn xong, nếu các bạn có tâm nguyện xuất gia thì hãy trở lại đây chúng tôi sẽ trợ duyên, xem ra thuận tình và hợp lý hơn.
Bước tiếp theo, các bạn là Phật tử, lại có ý xuất gia nên cần phải đối diện và tuyệt đối tôn trọng sự thật. Việc các bạn định “tổ chức đám cưới nhưng không đăng ký kết hôn, để an lòng hai gia đình, xong xuôi rồi hai đứa sẽ lần lượt xuất gia” là hoàn toàn không nên vì như thế là lừa dối cha mẹ, bà con, bè bạn và tất cả mọi người. Các bạn đã có đủ bản lĩnh để hủy hôn thì nên mạnh mẽ chủ động sắp xếp lại các việc liên quan một cách nghiêm túc, với đầy đủ lương tâm và trách nhiệm.
Ba tháng là thời gian không dài nhưng vẫn đủ để cho các bạn sắp xếp các việc liên quan đến hủy hôn một cách êm thấm và ổn thỏa.
Vì tương lai của hai bạn là hướng đến sự nghiệp xuất gia nên rất cần một quá khứ minh bạch. Công khai việc hủy hôn về sau sẽ tốt cho các bạn hơn việc ngụy tạo kết hôn, để lại nhiều dị nghị, miệng tiếng của thế gian.
Xuất gia là hướng đến chân lý, sống với sự thật. Nếu những bước hướng đến xuất gia đầu tiên không được đặt trên nền tảng sự thật thì về sau tất cả sẽ hỏng. Rất mong hai bạn nhận chân được điều này, hãy can đảm đối diện và tôn trọng sự thật để từng bước giải quyết các vấn đề còn tồn đọng cũng như tương lai phía trước của đời mình.
Chúc bạn tinh tấn!
TỔ TƯ VẤN
(tuvangiacngo@yahoo.com)
Gửi ý kiến của bạn