(TUẦN THỨ 2 THÁNG 2, 2015)
Diệu Âm lược dịch
NEPAL: Ngôi chùa cổ Kakre Bihar sẽ được trùng tu
Kakre Bihar là một phế tích chùa cổ Ấn giáo-Phật giáo tọa lạc trên một đỉnh đồi nhỏ ở Thung lũng Surkhet. Chính phủ Nepal đã bắt đầu các việc chuẩn bị với một dự án kéo dài nhiều năm để trùng tu ngôi chùa Kakre Bihar ‘Shikhar Saili’ này, vốn được cho là có niên đại từ thế kỷ thứ 12.
Được xem là đứng thứ 2 chỉ sau Lâm Tì Ni về mặt ý nghĩa khảo cổ học và lịch sử, chùa Kakre Bihar xây bằng đá rắn với những tượng Đức Phật bằng đồng cùng với rất nhiều tượng thần Ấn giáo là một biểu tượng của sự hòa hợp tôn giáo giữa người dân trong khu vực.
Bhesh Narayan Dahal, tổng giám đốc Cục Khảo cổ học (DoA), nói rằng cơ quan của ông sẽ sớm mời đấu thầu cho việc cải tạo ngôi chùa cổ này. Với kế hoạch hoàn thành công việc tu sửa trong vòng 3 năm, ông Dahal nói dự toán ngân sách ban đầu để thực hiện việc cải tạo là khoảng 90 đến 110 triệu Rupee, và họ cũng sẽ phục chế những đồ tạo tác quan trọng nếu chúng đã bị mất.
DoA nói rằng các công trình cải tạo sẽ bảo tồn phong cách kiến trúc độc đáo của ngôi chùa, và rằng các kiến trúc sư sẽ phục chế những cấu trúc bị phá hủy hoặc không thể khắc phục. Theo DoA, di tích này sẽ được trùng tu giữ lại hình dạng ban đầu của nó chứ không có bất cứ thay đổi nào.
(ekantipur.com – February 9, 2015)
Phế tích chùa cổ Kakre Bihar, Nepal
Photo: Google
VƯƠNG QUỐC ANH: Phát hiện bản thảo cổ của Phật giáo Miến Điện tại ủy ban Quận Trafford
Sau khi một bản thảo đáng kinh ngạc có tính lịch sử của Miến Điện được phát hiện trong một hộp đầy bụi tại kho lưu trữ ủy ban quận Trafford, giảng viên lịch sử Tilman Frasch của trường Đại học Đô thị Manchester đã làm sáng tỏ nguồn gốc của văn bản nói trên.
Tiến sĩ Frasch tin rằng tài liệu này là một ‘nissaya’ – gồm những đoạn ngắn viết bằng tiếng Pali, xen kẽ với các phần dịch bằng tiếng Miến Điện.
Văn bản lạ thường này được cho là tập điều luật lịch sử dành cho tu sĩ Phật giáo. Các trang được làm bằng lá cọ xử lý bằng dầu để làm cho chúng mềm dẻo. Đáng tiếc là trang cuối, thường có ghi ngày tháng thực hiện bản thảo, đã bị mất.
Nhưng Tiến sĩ Frasch đã xem xét tình trạng của lá để ước tính tuổi của bản thảo nói trên và ông nhận ra nó được làm vào khoảng năm 1850.
(Manchester Evening News – February 10, 2015)
Tiến sĩ Tilman Frasch và bản thảo cổ của Miến Điện
Photo: Todd Fitzgerald
BHUTAN: Lễ hội Quốc tế lần đầu tiên được tổ chức trùng với Năm mới Phật giáo (Losar)
Bhutan được biết đến là quốc gia hạnh phúc nhất trên thế giới, và nó luôn luôn thu hút những du khách tò mò là nhờ có phong cảnh vùng Hi Mã Lạp Sơn hoang sơ hùng vĩ. Và từ ngày 14-2-2015, Bhutan dự kiến sẽ tiếp một làn sóng du khách chưa từng có khi đất nước này tổ chức lễ hội quốc tế đầu tiên về nghệ thuật và văn hóa kéo dài 10 ngày của mình.
Trùng với lễ kỷ niệm sinh nhật thứ 35 của Quốc vương thứ 5 và lễ Losar (Năm mới Phật giáo), lễ hội nói trên sẽ có sự tham gia của 80 nghệ sĩ và nghệ sĩ biểu diễn, bao gồm ngôi sao nhạc pop Lucky Ali (Ấn Độ) và nghệ sĩ dân gian Ấn Nick Mulvey (Anh quốc) cộng tác với các nghệ sĩ hàng đầu của Bhutan.
Trong lễ hội, các vũ công mang mặt nạ truyền thống sẽ trình diễn cùng với các tiết mục đương đại từ khắp thế giới, và du khách có thể tham dự các cuộc nói chuyện về các lý thuyết mới nhất về hạnh phúc.
(dailymail.co.uk – February 10, 2015)
Các tiểu tăng Bhutan trước Hoàng cung ở thủ đô Thimpu, ảnh do Đức Vua Bhutan chụp
Photo: Mail Online
ẤN ĐỘ: Hội nghị Phật giáo Quốc tế lần thứ 3 tại Bhubaneswar
Trong một nỗ lực để quảng bá các mạng mạch Phật giáo ở cấp quốc tế, chính quyền bang Odisha đã quyết định tổ chức Hội nghị Phật giáo Quốc tế lần thứ 3 tại Bhubaneswar từ ngày 13-2, Bộ trưởng Du lịch và Văn hóa Ashok Chandra Panda cho biết vào ngày 11-2-2015.
Ông nói sự kiện 3-ngày này sẽ có sự tham gia của khoảng 150 học giả Phật giáo và tăng sĩ từ khắp thế giới, trong số đó có Nhật Bản và Tích Lan. Họ sẽ dự hội nghị để thảo luận kỹ về lịch sử và văn hóa Phật giáo.
Bộ trưởng Panda nói các đại biểu sẽ thảo luận về các di tích Phật giáo tại Ấn Độ và bang Odisha, và về tiềm năng du lịch ở khu vực này.
Sẽ có một phiên họp riêng về kinh doanh dành cho các nhà khai thác tour du lịch để thu hút du khách đến thăm các di sản Phật giáo.
Trong khi có hơn 340 di tích Phật giáo tại Odisha, chính quyền bang đã đánh dấu 3 khu liên hợp Phật giáo Lalitgiri, Udayagiri và Ratnagiri là vùng Tam giác Kim cương.
(IANS – February 11, 2014)
Lối vào một tu viện ở Lalitgiri, bang Odisha (Ấn Độ)
Photo: wikipedia.org
PAKISTAN: Các di tích Phật giáo cổ đại ở Pakistan cần bảo tồn khẩn cấp
Nhiều di tích Phật giáo cổ tại Pakistan đang xuống cấp do thiếu sự nỗ lực bảo tồn thích hợp.Những di tích này đã bị hư hại thêm do sự thờ ơ và bỏ mặc của phía chính quyền.
Tiến sĩ Abdul Samad, giám đốc viện Khảo cổ học và Bảo tàng Khyber-Pakhtunkhwa, nói, “Có hơn 500 di tích quan trọng về lịch sử trong thành phố và hấu hết đang trong tình trạng hư hỏng. Chúng cần được bảo tồn và phục hồi ngay. Các nhà thầu và thợ xây thiếu kinh nghiệm được giao nhiệm vụ phục hồi đã làm hủy hoại thêm những công trình kiến trúc như vậy.” Ông nói thêm, “Các di tích lịch sử cần được giao cho chúng tôi để bảo quản bởi vì chỉ có các nhà khảo cổ học mới có thể làm được công việc như thế.” Tiến sĩ Samad cũng nói rằng mọt số báo cáo về hậu quả này đã được gửi đến chính quyền tỉnh, nhưng đã bị bỏ qua. “Chúng tôi có các chuyên gia bảo tồn và có khả năng thực hiện công việc bảo quản cho các di tích này. Chính quyền nên giao chúng cho chúng tôi”, ông nói tiếp.
Đồng thời, Trung tâm Di sản Văn hóa Nam Á của Nhật Bản, một tổ chức phi lợi nhuận, đã được thành lập để hỗ trợ việc bảo tồn các di tích Phật giáo cổ tại Pakistan và Ấn Độ. Nhóm người Nhật này lo ngại về việc di sản văn hóa bị mất đi do sự bỏ mặc và thiếu kinh phí. Nhóm có kế hoạch dùng công nghệ hiện đại trong việc hợp tác với Đại học Hazara của Pakistan để đánh giá nhu cầu bảo tồn của các di tích bị bỏ mặc.
(Buddhist Door – February 12, 2015)
Một công nhân đang tái tạo đầu của một tượng Phật tại Bảo tháp Jualian, Pakistan
Photo: Dawn.com
Tranh trên đá tại miền bắc Pakistan bị hỏng nặng
Photo: The Japan Times