Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Từ Cảnh Giới Cực Lạc đến xứ Phù Tang

29/03/201317:21(Xem: 8938)
Từ Cảnh Giới Cực Lạc đến xứ Phù Tang

xu_phu_tang

Chuyến hành hương Thái Lan và Nhật Bản bắt đầu từ ngày 22 tháng 10 đến mùng năm tháng 11 năm 2012, vào một sáng mùa thu với nắng vàng ươm và se se gió lạnh. Có ai biết con số ghi tên tham dự chuyến hành hương Nhật Bản này lên đến bao nhiêu không? Trước giờ khóa sổ vào đầu tháng 10 là hơn một trăm vị, sau rút lui từ từ để dừng lại con số 85 với 14 quốc gia trên thế giới. Một con số đáng ngại trong lịch sử đi hành hương của quý Thầy.



Nguồn tin Hòa Thượng Phương Trượng chùa Viên Giác sẽ tổ chức một chuyến hành hương Nhật Bản vào cuối tháng 10 năm 2012, đã làm một số các đệ tử và „fans“ của Người giao động. Họ phân vân không biết có nên đập con heo đất dấu tiền tích trữ để theo Thầy một chuyến hay không? Đi Nhật là tốn tiền phải biết, ai thông thạo tiếng Nhật để hướng dẫn đây? Lại thêm nguồn tin của các nhà khoa học nghiên cứu về vũ trụ cho biết, đến cuối năm 2012 theo lịch của người Maya sẽ là ngày tận thế !!! (nhưng tin mới nhất của cơ quan NASA bên Hoa Kỳ đã phủ nhận điều này). Nhất là trong chương trình hành hương có viếng thăm Tượng Ngài Địa Tạng không đầu chữa bệnh rất linh thiêng. Từ những lý do đó ai mà không chụp lấy ngay nhỡ vô thường lững thững đến thăm có phải là “Làm người một kiếp cũng như không“ như câu thơ của một vị Thiền Sư nào đó.

Chuyến hành hương Thái Lan và Nhật Bản bắt đầu từ ngày 22 tháng 10 đến mùng năm tháng 11 năm 2012, vào một sáng mùa thu với nắng vàng ươm và se se gió lạnh. Có ai biết con số ghi tên tham dự chuyến hành hương Nhật Bản này lên đến bao nhiêu không? Trước giờ khóa sổ vào đầu tháng 10 là hơn một trăm vị, sau rút lui từ từ để dừng lại con số 85 với 14 quốc gia trên thế giới. Một con số đáng ngại trong lịch sử đi hành hương của quý Thầy. Chỉ nghĩ đến việc tổ chức làm sao cho từng ấy người ăn no ngủ yên và khỏe mạnh để họ leo lên xe buýt chạy cho đúng giờ thôi cũng đủ là cả một vấn đề. Điều này đã được thể hiện qua sắc thái và nụ cười lúc nào cũng nở trên môi của Hòa Thượng hướng dẫn đoàn, đã đánh tan bao điều tiếng cho rằng Người thật nghiêm khắc và khó tánh. Đấy là chuyện xa xưa tự thuở nào, chứ bây giờ Người còn sợ các Phật tử trong tương lai sẽ la rầy Thầy tại sao không chịu uống thuốc!

Như tên tựa đề bài viết được chia làm 2 phần cho rõ ràng mạch lạc, để các bạn khỏi phân tâm không biết mình đang ở trong cảnh giới gì: Cực Lạc hay Tiên cảnh nào đây?

A. Khóa Tu tại Cực Lạc Cảnh Giới Tự ở Chiang Mai:

Đến phi trường Chiang Mai bằng chiếc máy bay khổng lồ A-380 của hãng hàng không Thái Airway phái đoàn hành hương chỉ có 54 vị, ngoài Hòa Thượng trưởng đoàn ra còn có Thầy Giác Tâm và Chú Thân Phụng đến từ Hoa Kỳ, Thầy Huệ Pháp du học tại Ấn Độ, Sư Cô Huệ Ngọc ở Đức và các Phật tử ở khắp nơi, chia đều trên 6 xe buýt nhỏ đón phái đoàn về trú ngụ tại Cực Lạc Cảnh Giới Tự. Đường lên cực lạc thật không biết như thế nào, chứ đường ở đây cho dù đã được sửa sang tốt hơn 6 năm trước lắm rồi, cũng làm chúng tôi nao nao cả ruột gan. May nhờ xe của Hòa Thượng đi trước dẫn đường nên mọi người mới đi đến nơi một cái vèo, không phải lạc đường một cách thảm hại như những phái đoàn từ Việt Nam sang trong những ngày về sau.

Ngày đầu chúng tôi được nghỉ ngơi để lo nơi ăn chốn ngủ cho vào nề nếp và thăm viếng chốn cực lạc cảnh giới nhân tạo do Thầy Hạnh Nguyện, một đại đệ tử của Hòa Thượng đã dùng “Đại Nguyện“ để hoàn thành. Tuy công trình chưa hoàn tất nhưng tất cả các cảnh giới của Hạ Phẩm với tôn tượng của ngài A Di Đà cao sừng sững bên cạnh ngài Thế Chí và Quán Âm soi bóng trên hồ sen thất bảo đủ màu. Nhất là ban đêm khi ánh đèn chiếu sáng, ta thấy ngay một khung cảnh lung linh huyền ảo đến lạ thường.

Một quang cảnh thiên nhiên hùng vĩ với những cây cổ thụ cao vòi vọi, những khu rừng với cây lá muôn màu sắc được che phủ bằng những lớp sương mù như khói vào buổi sớm mai khi chúng tôi vội vã đến Chánh điện để tụng thời Kinh Lăng Nghiêm. Sáng tỏ ra ta sẽ thấy những rặng đồi trồng trà xanh thật xinh đẹp, bên dưới là những dòng suối, dòng nước uốn lượn quanh co, thấp thoáng trên cao là khu Thất Tăng, khu Thất Ni và cư sĩ Ưu Bà Di với đầy đủ các thiết bị cho đời sống, có cả mạng lưới Internet cho ta mỗi ngày viết Email cho Phật A Di Đà.

Thầy Hạnh Nguyện với đại nguyện cho năm tới là phải xây xong 48 Tháp với 48 lời nguyện của Phật A Di Đà đã được các Cao Tăng của Tây Tạng chú nguyện, mỗi Tháp cao khoảng 2 mét. Tháp thứ 49 cao độ 25 mét, đến lúc ấy chúng ta cứ việc tha hồ đi nhiễu chung quanh các Tháp để lấy công đức. Dĩ nhiên phái đoàn đã nỗ lực đóng góp rất nhiều cho việc xây Tháp, ai cũng muốn là người góp viên gạch đầu tiên. Mẫu các Tháp đã được Thầy Hạnh Nguyện lựa chọn gồm 7 kiểu đặc sắc sưu tầm từ các xứ Phật như Tích Lan, Ấn Độ, Nepal …

Trở lại khóa tu 4 ngày tại Cực Lạc Cảnh Giới Tự, không khí thật trang nghiêm và thanh tịnh. Mỗi sáng chúng tôi không cần để đồng hồ báo thức, cứ việc ngủ ngon lành cho đến khi tiếng nhạc trời văng vẳng vang lên từ những ống loa được dấu kỹ ở đâu đâu đánh thức dậy. Mặc dù phải tranh nhau phòng vệ sinh với tình trạng thiếu nước trầm trọng vì ở trên núi cao và số người quá tải, chúng tôi vẫn khắc phục mọi khó khăn để đến chánh điện thật đúng giờ cho kịp thời công phu khuya. Vừa bước chân đến trước thềm tôi và Nhật Hưng đã gặp Thầy Huệ Pháp cùng anh Quang đeo máy hình thật to đứng cười chào: Ồ! Tình cờ gặp 3 nhà báo. Tôi liên tưởng ngay đến nhà báo Đạo thầy Huệ Pháp, báo Đời chắc chỉ Nhật Hưng và Hoa Lan, còn báo hại chẳng lẽ là anh phó nhòm!

Khóa tu kỳ này thật thoải mái, chỉ tụng kinh một thời sáng sớm rồi nghe Pháp triền miên một ngày 2 thời, hết Hòa Thượng Phương Trượng giảng đến Thầy Hạnh Nguyện rồi Thầy Hạnh Bảo sang đến Thầy Huệ Pháp, tối đến thắp đèn trí tuệ đi kinh hành niệm Phật 3 vòng quanh ao sen của hồ Thất Bảo với tôn tượng Phật A Di Đà. Sau 3 vòng thật mệt nhoài và lợi lạc, bảo đảm các bạn hành hương sẽ ngủ ngon như chưa từng có và hết thao thức để nằm nghe các bạn Đạo nằm bên kéo tre đẵn gỗ trên ngàn.

Qua đến ngày thứ ba của khóa tu, phái đoàn Úc Châu của Hòa Thượng Bảo Lạc (bào huynh của Hòa Thượng Phương Trượng) đã tới Cực Lạc Cảnh Giới Tự với 3 mục đích: dự buổi giỗ Hòa Thượng Long Trí, dự lễ khánh thành an vị tôn tượng A Di Đà và gặp gỡ anh em thân bằng quyến thuộc xứ Quảng gần 50 vị sau 40 năm xa cách. Mục này thật cảm động đã được thể hiện trong buổi văn nghệ bỏ túi trước hôm chia tay, hết bác Tư lên sân khấu lộ thiên tặng hai vị Hòa Thượng một bài thơ, đến cậu cháu trẻ cúng dường hai ông cậu Hòa Thượng một bài hát, rồi cô cháu bên nội sang đến cậu cháu bên ngoại ca hát chiếm sân khấu đến đêm. Ngoài ra hai vị Hòa Thượng đã chu đáo dành riêng cả một buổi chiều để tiếp đón phái đoàn xứ Quảng tại Chánh Điện, một cuộc gặp gỡ thật hiếm có, chắc cũng có người rơi lệ vì cảm động.

Buổi sáng hôm khánh thành tôn tượng, ngoài hai vị Hòa Thượng thân thương của chúng ta còn có Thượng Tọa Tâm Minh chùa Trúc lâm ở Sydney, vị này quan trọng cho buổi Chẩn tế cô hồn vào buổi chiều. Nghe đâu trước cổng vào Cảnh Giới Tự là một lò thiêu, dấu vết còn sót lại cũng đủ cho những ai yếu bóng vía phải rùng mình. Thầy Huệ Pháp của chúng ta xem ra cũng có nhiều tài, ngoài tài chụp hình viết báo Thầy còn phụ giúp nghi lễ trong những đàn Chẩn tế với Thầy Tâm Minh và trên xe buýt Thầy là ca sĩ „Gia Hu“ hát cạnh tranh với ca sĩ Gia Huy những bài nhạc Đạo.

Sau buổi ăn sáng, Hòa Thượng trưởng đoàn ra chỉ thị cho các Ưu Bà Di tuổi từ 18 đến 80 phải sửa soạn áo dài truyền thống Việt Nam mặc đi dự lễ khánh thành, ai quá khổ được quyền mặc áo tràng.

Lệnh vừa tung ra cả đoàn nô nức trổ tài diện, ôi thôi người nào cũng mặt hoa da phấn, một số đã đổi cả pháp danh thành Diệu Đà tức là già điệu. Một vài bác trước ngày đi phải vào nhà thương cấp cứu mấy lần, bác sĩ và con cái ngăn cản không cho đi hành hương, thế mà hôm nay dám diện áo dài mang giầy cao gót đi kinh hành để mọi người được chiêm ngưỡng những bức ảnh đẹp tuyệt vời, có phải đây là hiện tượng được Phật độ không?

Tất cả các bài viết và hình ảnh đã được các Thầy Hải Châu và Huệ Pháp cập nhật ngay trên hai trang web của riêng họ, ai chịu khó vào mạng sẽ được thông tin đầy đủ chứ đâu khổ sở như tôi cả tháng sau mới ngồi gõ lọc cọc vài hàng, chẳng còn là tin sốt dẻo. Nhưng có vẫn còn hơn không các bạn nhỉ!

Có người tình cờ đọc được bài viết của Hòa Thượng trưởng đoàn về thú uống trà xanh trên Cực Lạc Cảnh Giới Tự, cứ đòi Thầy Hạnh Nguyện phải dành cho một buổi sáng Thiền trà ngay trên tận đỉnh đồi. Yêu cầu này xem ra cũng hợp lý quá đấy chứ! Thế là thầy trò cùng nhau khuân bánh kẹo, ly tách, bình nước sôi … leo bao nhiêu là bậc thang đi ngang qua chỗ sẽ xây cảnh giới Trung Phẩm thượng sanh, vẫn chưa tới, nhìn lên thật cao chắc Thượng Phẩm thượng sanh, nhưng may quá Thầy đã dừng chân bên một gốc cây cổ thụ già có treo tấm tranh viết bằng thư pháp hàng chữ „Uống Trà đi“ do ngòi bút khéo léo của Thầy Vạn Trí, Phó Trụ Trì ngôi Giới Tự phóng tay. Dĩ nhiên chúng tôi mỗi người chỉ được nhâm nhi vài ngụm trà nóng cho biết mùi chứ uống chưa đã một tí nào.

Nhưng văn nghệ cúng dường thật là dồi dào nhờ giọng hát truyền cảm của một cậu làm vườn được mệnh danh là „Gia Huy“ của núi rừng Chiang Mai. Dĩ nhiên trong khung cảnh thơ mộng và huyền ảo do sương mù che phủ, Hòa Thượng trưởng đoàn đâu thể làm ngơ mà không mở màn bằng một giọng ngâm xứ Quảng bài thơ Nhớ Chùa của thi sĩ Huyền Không.

Nhắc đến tài ngâm thơ của „Hòa Thượng to“, chữ dùng của anh chàng Luân người Thái gốc Việt, một đại gia sản xuất bún vừa tươi lẫn khô đến làm công quả, tôi nhớ tới tài ngâm thơ của vị „Hòa thượng to“ kia, cái vị bào huynh ấy! Người rất thích ngâm thơ, cho dù thế nào đi chăng nữa người cũng đòi đóng góp vài vần thơ. Ấn tượng nhất là đoạn Hòa Thượng ngâm đến câu: „Huynh có hay …“ rồi tắt nghẹn để khán giả trông chờ không biết người nhắn nhủ điều gì cho Huynh của người?

Nói đến vườn Trà mà không nhắc đến vườn trái cây của Thầy Hạnh Nguyện là cả một điều thiếu sót, nào là ổi, khế …, trái nào trái nấy to khủng khiếp. Muốn đi hái khế phải mang túi Ba Gang mà đựng, Thầy còn bảo sau này không có tiền chi phí, sẽ học hạnh ngài Quảng Khâm chỉ ăn trái cây trừ cơm cũng sống được. Vừa thấy vườn khế, Nhật Hưng đã xung phong làm món gỏi rau muống để cúng dường. Một món gia truyền của ông cụ bố chồng truyền lại để Nhật Hưng đem ra chia sẻ với mọi người, hôm ấy số người khá đông khiến Nhật Hưng phải vất vả.

Lúc phái đoàn tu học của chúng tôi đến đã có một nhóm các Phật tử ở Việt Nam sang làm công quả hộ trì, họ lo việc chợ búa tích trữ lương thực cho cả hàng trăm người ăn ngày ba bữa no đủ trong gần một tuần. Trưởng đoàn là chị Chung, một người phụ nữ xinh đẹp và tháo vát làm công quả ngày đêm không biết mệt, chị phải quản lý tất cả các khâu từ chiếc nệm tấm chăn đến các vòi nước quên khóa trong từng phòng. Hỏi ra mới biết chị là một đại gia kẻ hầu người hạ, ở nhà chưa động đến chân tay, nhưng khi đã thấm nhuần Phật Pháp chị xả thân hộ trì Tam Bảo. Trong đoàn của chúng tôi cũng có người đưa thân ra gánh vác việc bếp núc, anh Dũng ở München người có biệt tài chuyển âm phim bộ, lúc nào có dịp đi ngang nhà bếp tôi cũng thấy anh khiêng vác không nồi thì chảo, mặt mũi khá khẩn trương. Ngoài ra trong khóa tu có phái đoàn đến từ Việt Nam cũng có nhiều vị thật „đáng ngại“, họ xuất thân từ những giai cấp lãnh đạo, một thời hét ra lửa của một vùng. Hôm nay chịu quy y tam bảo, ngồi tụng kinh nghe Pháp cả mấy ngày. Hy vọng Phật pháp nhiệm màu cho tất cả chúng sinh cùng ngồi chung dưới một mái chùa núp bóng từ bi.

Để hòa đồng với đại chúng, Hòa Thượng trưởng đoàn chế luật mới, kể từ nay ban trai soạn không cần phải dọn riêng cho người, tất cả đều bình đẳng đứng xếp hàng lấy thức ăn. Chư Tăng Ni lấy trước xong đến Phật tử và đi rửa bát cũng thế phải xếp hàng. Các bác lớn tuổi quá đau lòng khi thấy Hòa Thượng của mình y áo trang nghiêm phải nhúng tay vào nước xà bông. Nhưng luật là luật phải chấp hành nghiêm chỉnh!

Một nhận xét nhỏ về các món ăn chay thật ngon được các Phật tử ở Việt Nam đem sang cúng dường. Món giò lụa trắng tinh, thật dai và thơm mùi lá chuối xanh biếc quấn quanh vòng, tôi chưa từng thưởng thức món giò lụa chay nào ngon như thế, ngon hơn cả giò lụa mặn nữa. Tuy trong bụng tôi biết chắc chắn rằng có bàn tay hóa chất của chợ Kim Biên vùng Chợ Lớn nhúng vào, không thể nào làm ngon và dai như thế được, nhưng tôi vẫn gắp đầy vào bát vì nghĩ rằng cơ hội hiếm có để thưởng thức sản phẩm Kim Biên rất ít đối với tôi.

Nhắc đến bạn Đạo tôi nhớ câu: Ăn cơm không canh như tu hành không bạn. Vâng, khóa tu này nếu tôi không tìm ra chị Thuyền Vị và các anh chị đi tháp tùng theo chị là xem như phí cả chuyến đi. Ấy! Nhật Hưng và Diệu Thành đừng vội lên tiếng, sẽ nhắc đến các bạn ở phần sau. Nhân duyên nào khiến tôi kết thân với chị, ấy là lòng mong cầu được gặp người Hà Nội chính tông 5 đời. Nhưng rất tiếc chị Thuyền Vị chỉ có bốn đời rưỡi vì đã sống ở Mỹ quá lâu, thôi không nên lục gia phả nhà chị, chỉ biết rằng chị là huynh trưởng gia đình Phật tử. Trong 4 chữ Tập, Tín, Tấn, Dũng, chị lọt vào cấp Tấn. Thế là Nhật Hưng (Thụy Sĩ), Hoa Lan (Đức) và Diệu Thành (Hòa Lan) đã nhập cùng với chị Thuyền Vị (Mỹ) thành một đoàn vũ chúng mình 4 đứa lấy tên là „Bà Nội của Oanh Vũ“ múa đệm cho Lão Bà Bà Thuyền Đàm hát bài Em đến Chùa, khai mạc cho buổi văn nghệ bỏ túi cúng dường. Anh Năm vì hay đội mũ nên được thiên hạ tặng cho mỹ danh cái ông Bến Thượng Hải, phải tháp tùng hai cô em vợ có thể ngã lăn bất tỉnh bất cứ lúc nào (nghe kể thế thôi, chứ trông hai nàng vẫn còn tươi rói).

Anh Đồng Pháp của công ty du lịch Nhi Phong rất dễ thương, với khuôn mặt dễ mến anh tháp tùng đoàn đi một cách trơn tru. Anh đã thiết kế một cái mũ trắng với Logo của chùa Viên Giác theo nhu cầu của Hòa Thượng trưởng đoàn để nhận diện phe ta trong đám rừng người du khách. Thế nhưng chim Ca Lăng Tần Già trên Cực Lạc Cảnh Giới của Thầy Hạnh Nguyện đã làm ngay một bãi trên đỉnh mũ của chị Thuyền Vị, khiến chị nảy sinh ý tưởng phơi khô rồi xin chữ ký của các bạn Đạo quanh thành mũ giữ làm kỷ niệm.

Người gây ấn tượng nhiều nhất vẫn là chị Thanh Nguyệt đến từ Hòa Lan, người được tôi gọi là Trăng Sáng Vườn Chè và phong luôn cho thương hiệu „Mít Thái Lan“. Tại sao thế nhỉ? Chẳng là chị Quảng Minh và một người đẹp Pháp quốc nào đó mặc hai chiếc váy quá đẹp, màu sắc từ tím nhạt đến tím than như màu tím hoa lan của xứ Thái, rất xứng đáng là „Miss Thái Lan“, nhưng rất tiếc lại là dân Mít. Nhân vật này đi đến đâu là nổi đình nổi đám đến đó, không có chị lo việc chợ búa phụ thêm và bồi dưỡng trái cây cho bà con ăn lấy gì thoải mái. Chị đã hy sinh việc tu học, ngày nào cũng theo xe hàng xuống chợ mua sắm hàng giờ, đến bữa dọn lên hôm thì bòn bon, măng cụt, mít, xoài ê hề. Còn một món khoái khẩu nữa, nhưng chỉ được để ngoài hàng hiên và chỉ có một lần, đấy là sầu riêng. Trái nào trái nấy to gần 5 ký, mùi thơm sực nức chỉ để dành riêng cho những tay ghiền hạng nặng. Tôi đứng ngay hàng đầu chuyền tay chia đều từng múi cho những bàn tay khắc khoải giơ lên, với lời nhắn nhủ thiết tha rằng đừng nên đến gặp Hòa Thượng trưởng đoàn thưa thốt điều gì, nếu được hãy đứng xa người ít nhất mười thước.

Nhân duyên gặp gỡ Phật pháp của chị Quảng Minh qua câu chuyện „miếng bánh của vị Bồ Tát“ xảy ra tại trại tỵ nạn ở Hồng Kông vào năm 1985. Lúc ấy „vị Bồ Tát“ của chị còn rất trẻ chỉ mới là Đại Đức và đẹp như ngài A Nan (theo lời kể của chị), đã đến trại ủy lạo với số tiền thật khiêm nhường 1.500 $US cho 3.000 người. Một trái chuối phải cắt làm 3 và miếng bánh đa bé nhỏ phải đổ nước vào cho nở phình ra. Buổi lễ được tổ chức tại sân banh ngày đó đã làm chị rơi lệ và sau này khi được định cư tại Hòa Lan chị luôn nhớ và âm thầm hộ trì Tam Bảo trong suốt 30 năm không thối chuyển. Ngày nay Vị Bồ Tát của chị đã trở thành Hòa Thượng và chị trở thành đại gia, cái vòng nhân quả xoay vần khiến chúng tôi được lợi lạc.

Câu chuyện anh chàng đại gia bán bún người Thái gốc Việt đến làm công quả trong thời gian chúng tôi tu học, đã đi vào huyền thoại với tài nói tiếng Việt sành sỏi của anh. Qua giọng kể của Thảo, hoa hậu Chim Cánh Cụt xứ Ái Nhĩ Lan, nếu ai hỏi thăm gia cảnh của anh cha mẹ còn mất ra sao? Anh rơm rớm nước mắt trả lời:

- Ông bà cụ tôi đã chết tươi rồi!

Hôm dẫn phái đoàn nhà bếp đi mua chuối cúng Phật, anh thương lượng với người Thái bán hàng như thế nào không biết, chỉ biết rằng họ tặng cho vài trái chuối rời thật ngon. Đang đói nên các chị tranh nhau bóc chuối ra ăn, anh vội cản bảo ra xe mới được ăn. Thì ra anh đã xin người bán hàng vài trái chuối về cho chó và mèo ăn.

Sau khóa tu chúng tôi được một ngày tự do đi thăm các Chùa nổi tiếng ở Chiang Mai, ngôi chùa vàng trên núi Doi Suthep một ngọn núi linh thiêng cao 1.676 m phải đi cáp treo lên chùa. Chùa Phrathat Doi Suthep chứa xá lợi xương Phật cách Bangkok khoảng 800 km. Người Thái hay kể cho khách du lịch câu: “Chưa đến Chùa Phrathat Doi Suthep là chưa đến Chiang Mai“. Trong chùa có tượng Phật bằng bích ngọc xanh biếc sáng ngời, ngoài sân các em bé Thái mặc quốc phục múa những vũ điệu dân tộc thật đặc sắc. Tôi có thể ở đó cả ngày để chiêm ngưỡng và thưởng thức văn hóa xứ chùa tháp, nhưng phái đoàn còn phải đi ăn trưa tại một quán do Hòa Thượng trưởng đoàn đãi. Tuy được tự do lựa chọn món ăn cho thỏa thích, nhưng trời nóng lại mệt mỏi chúng tôi chỉ dành giật nhau mấy món chè Thái nước dừa bỏ cục đá lạnh vào giữa.

Buổi chiều đến thăm một ngôi chùa có tháp thờ xá lợi Phật bằng bạch ngọc, nghĩa là ngọc xanh, ngọc trắng gì chúng tôi cũng chiêm bái cả. Họ còn thờ cả tượng voi trắng chở xá lợi ở ngoài hiên. Đến những xứ theo truyền thống tiểu thừa, các vị nữ lưu trong đoàn cần được nhắc nhở, không phải gặp bất cứ vị Sư nào cũng xà vào xin chụp ảnh lưu niệm. Phạm giới luật đấy! Phụ nữ muốn thưa gửi gì phải quỳ xuống, không được đứng ngang hàng. Cách hay nhất là „kính nhi viễn chi“ đứng xa mười thước là an toàn không bị khiển trách. Tôi nhớ một chuyện xảy ra trong ngày lễ Phật Đản của người Đức tại Berlin, họ mời tất cả các hội đoàn Phật Giáo của các nước đến tham dự và lên đọc diễn văn. Cô MC người Đức đã trao mi-crô cho một vị Sư người Thái, nhưng vô tình đụng vào tay vị này. Ôi thôi! Vị Sư đã lặng lẽ rời khỏi phòng trước ánh mắt bẽ bàng và sợ hãi của kẻ vô tình không hiểu luật.

Sau đó chúng tôi được đưa đến một trung tâm siêu thị to lớn để có cơ hội xài tiền, ai muốn xem quần áo, lụa là xứ Thái hãy đứng ở lầu trệt, còn tìm kiếm thức ngon vật lạ hãy nhanh chân chui xuống tầng dưới. Các chị kháo nhau tìm cho ra trái dừa nướng thơm mùi lá dứa, nhưng không biết diễn tả làm sao. Tôi hỏi có phải trái dừa màu hơi sậm, nhỏ xíu trông như cái đầu con khỉ không? Chị Thanh Thủy mừng rỡ rủ tôi đi tìm và cuối cùng mỗi người mỗi trái dừa đầu con khỉ với giá chỉ 25 Bath mà thôi, rẻ chán cho một cơn khát nước. Nếu Hòa Thượng trưởng đoàn đồng ý cho ở lại thêm một tiếng nữa, bảo đảm chúng tôi sẽ nếm đủ các mùi tại khu chợ „Bến Thành“ này. Cả tuần nay bị nhốt kín trên núi cao chẳng biết chi mô dưới hạ giới có gì, nhưng thôi biết đủ là đủ, chúng tôi ra về trong hân hoan, về để còn sắp xếp va-li cho chuyến đi Nhật ngày mai. Về để còn hàn huyên từ giã Thầy Hạnh Nguyện, còn tìm phương án để giải trình những bế tắt trong vấn đề xây dựng, đáp án đóng định kỳ mỗi tháng, góp gạch để xây tháp … xem ra được mọi người hưởng ứng.

Để kết thúc cho phần 1 tại Cực Lạc Cảnh Giới Tự, tôi xin được trích dẫn mấy vần thơ bị … rơi rụng của Hòa Thượng chùa Pháp Bảo gửi cho Huynh và Tỷ của mình. Bản văn với bút tích của Người được viết trên một tờ giấy học trò nhầu nát, đó là tờ hướng dẫn chương trình văn nghệ của MC Thuyền Vị, khi Thầy bảo tôi đưa cho tờ giấy và cây viết, sẵn gì trên tay tôi đưa hết cho Thầy :

Huynh có hay,

Lớp lớp rồi thêm tuổi hạ dày.

Tóc bạc da mồi tệ hại thay.

Tỷ có hay,

Mang thân vào chốn cửa Không này.

Khỏa khuây kinh kệ tu hành xả.

Mặc cuộc phù vân mãi vẫn xoay.

B. Xứ Phù Tang mắt thấy tai nghe:

Giã từ xứ Thái chúng tôi sửa soạn hành trang lên đường sang Nhật, nhận mật lệnh của Hòa Thượng trưởng đoàn, tuyệt đối không được mang trái cây theo cho dù là một trái táo. Nước Nhật rất khó khăn, ai mang trái cây vào sẽ bị phạt và bị vất ngoài phi trường một cách không thương tiếc. Ôi thương sao những trái na vừa chín tới, những trái ổi dòn tan phải vất lại, để những tháng ngày ở Nhật phải bị treo mỏ không dám đụng vào trái cây vì quá đắt. Một trái lê thật to với giá 8 Euro, thoạt nghe cứ tưởng lê hái trong vườn của Vương Mẫu Nương Nương. Có người được các bạn Nhật mách bảo, dấu trái cây trong hành lý gửi sẽ qua cầu một cách ngon ơ. Tuy biết thế nhưng tôi vẫn sợ vía của Hòa Thượng trưởng đoàn, không dám dấu có bao nhiêu trái na đem ra phi trường xơi hết, chẳng lẽ vì một trái na mà liên lụy đến Thầy!

Đến phi trường quốc tế Tokyo vào lúc nửa đêm về sáng, trên cao nhìn xuống thành phố rực rỡ ánh đèn, chẳng thấy vết tích gì của những tang thương ngày tháng cũ của những trận động đất, sóng thần và phóng xạ hạt nhân nguyên tử. Dĩ nhiên đấy chỉ là cái nhìn thoáng diện để chúc mừng cho xứ Nhật đã được hồi sinh.

Xe buýt thật to đón phái đoàn chúng tôi đến khách sạn New Otani Inn ở Tokyo. Tại đây chúng tôi gặp gỡ nửa phái đoàn hành hương còn lại từ các nơi đổ về, cái nửa chỉ thích đi hành hương Nhật Bản mà thôi. Có nhiều nhân vật đặc biệt lắm, đoạn sau tôi sẽ kể rõ. Kể từ đây tôi phải chia tay với Nhật Hưng, trả nàng lại cho ông Lang hay ông xã của đời nàng, rồi chia phòng với Diệu Thành người tôi đã gieo duyên trong một khóa tu nào đó hứa sẽ cùng nhau đi hành hương Nhật Bản với Hòa Thượng một chuyến. Thế rồi không hiểu sao tình cờ Hòa Thượng lại ghép kẻ Hòa Lan người Tây Đức vào chung một phòng.

Sáng ra trước sảnh đường của khách sạn, chúng tôi mừng reo khi thấy Sư Bà Bảo Quang xuất hiện, tả hữu hai bên là Ni Sư Minh Hiếu và Sư Cô Tuệ Đàm Nghiêm. Không vui mừng sao được khi thấy Sư Bà đã khắc phục bao khó khăn trong tình trạng sức khỏe như thế để đi hành hương Nhật Bản một chuyến với Hòa Thượng và một mục đích khác nữa cũng không kém phần quan trọng, dự buổi lễ khánh thành ngôi chùa Việt Nam đầu tiên trên xứ Nhật của Hòa Thượng Minh Tuyền.

Buổi ăn sáng đầu đời trên xứ Nhật với những món ăn truyền thống khó trôi như Natto, hạt đậu nành lên men, kéo đôi đũa lên là dính theo hàng loạt các „hạt đậu năm xưa đã nảy mầm“. Trong đoàn ai cũng ngoảnh mặt làm ngơ với món này, nhưng Hòa Thượng bảo bổ lắm, chỉ cần ăn một chung nhỏ là đầy đủ chất dinh dưỡng cho cả ngày. Tôi nghe thế cũng gồng mình ăn hết một chung, kẻo Thầy lại chê là không chịu hội nhập vào văn hóa của xứ Nhật. Đối với Thầy cái gì của Nhật cũng „hết xảy“ từ nước uống công cộng cho đến thái độ tính tình của người Nhật. Trên thế giới có 2 nước cung cấp hệ thống nước uống công cộng tốt nhất là Na Uy và Nhật Bản, theo nhận xét của tôi nước uống ở Na Uy ngon và thơm mát hơn. Người Nhật có 3 đức tính tốt: đúng giờ, sạch sẽ và trọng chữ tín. Cứ để từ từ chúng ta sẽ kiểm chứng xem người Nhật và đất nước của họ có đúng như những lời đồn đại từ trước đến nay chúng ta vẫn nghe hay không? Cái gì chứ đúng giờ thì Hòa Thượng của chúng ta còn đúng giờ hơn cả người Nhật nữa, ai không tin cứ việc leo lên xe buýt trễ giờ là sẽ biết ngay. Không cần đi đâu xa, ngay trong khách sạn từ sảnh đường đến phòng ăn ta đã thấy sự trật tự, ngăn nắp và sạch sẽ của người Nhật. Họ xếp hàng trong yên lặng, ngồi vào bàn tập trung ăn thật nhanh và rút lui như gió kiếm không để lại dấu vết gì, chẳng bù với đám người Việt của chúng ta. Thôi không dám so sánh nữa! Cần phải học tập nhiều!

Sau đó phái đoàn rời khách sạn đi thăm tượng Đại Phật A Di Đà cao 120 m tại Ushiku và những chùa viện tại Tokyo. Đặc biệt của Tokyo là có nhiều xa lộ trong thành phố, có nhiều tầng cao thấp khác nhau, vào giờ cao điểm tha hồ bị kẹt xe nhích nhích từng chút. Ai mua xe phải chứng minh có chỗ đậu xe và nhà đất ở đây còn đắt hơn cả vàng ròng, bằng chứng là tiền thuê khách sạn rất đắt mà phòng tắm nhỏ chỉ vừa đủ để di chuyển mà thôi, thật là thê thảm!

Đến nơi Đại Tượng chúng tôi cảm thấy mình thật bé nhỏ trước tôn tượng cao lớn của Ngài, vào bên trong phải đi thang máy đến tầng 3 mới chỉ đến bàn chân của Ngài. Nếu tính trung bình chiều cao mỗi người 2 mét, Ngài cao hơn đến 60 lần. Sau khi chụp hình lưu niệm một cách phủ phê đủ mọi kiểu loại, chúng tôi kéo nhau ra công viên ghế đá gần đó nhận phần cơm hộp của các Phật tử chùa Việt Nam nấu hộ trong những ngày hành hương tại địa bàn gần Tokyo, còn đi xa hơn phải đặt nhà hàng Nhật Bản. Phái đoàn hơn 85 người đi 2 xe buýt lớn làm sao dám vào tiệm ăn và khách sạn cũng phải chia hai, chẳng nơi đâu có đủ phòng cho chừng ấy người.

Buổi chiều chúng tôi đến thăm Chùa Quán Âm tại Asakusa ở Tokyo nghe nói nơi này rất linh thiêng, lúc nào cũng đông du khách tới vãng cảnh chùa và thắp hương van vái cầu xin. Chùa trang trí bằng những lồng đèn màu trắng chữ đen viết chằng chịt bằng tiếng Nhật, cái này xin chịu chẳng biết họ viết gì. Chẳng lẽ mỗi chốc lại nhờ Hòa Thượng giảng nghĩa, thôi đành câm nín tìm các hàng quán dọc bên hông Chùa thưởng thức các loại bánh bao chỉ. Nhật Hưng vừa cho mượn 1000 Yen khoảng 10 Euro để tiêu vặt vì chưa kịp đổi tiền. Tưởng rằng nhiều lắm, tha hồ ăn uống cho thoải mái xá gì ba cái bánh vớ vẩn ấy làm sao tiêu hết một ngàn. Không ngờ vừa mua cái bánh bao chỉ trà xanh tẩm bột chiên dòn đã hết 4 trăm. Bánh ngon quá, vừa thổi vừa ăn trong trời thu giá lạnh, lúc trở về chỗ xe đậu tôi thử thêm loại khác cho biết mùi. Ai dè tham ăn quá, tôi lú lẫn quên hết cả đường về, chỗ nào cũng giống chỗ nào làm sao về lại đường xưa. Nhìn đồng hồ đã quá giờ hẹn, tôi đâm hoảng không biết cầu cứu ai. Chợt nhớ lời Hòa Thượng kể, đây là chùa Quán Âm rất linh thiêng, tôi niệm danh hiệu Ngài cầu mong Ngài đưa đường chỉ lối cho về xe buýt thôi, không cầu thêm gì nữa. Linh nghiệm thay tôi lấy lại bình tĩnh, đi lần theo lối cũ gặp cây cảnh những chậu cúc đại đóa muôn màu muôn sắc chỗ tôi đã chụp hình, biết rằng đi đúng đường tôi tiến nhanh về phía trước để đến nơi đậu xe buýt. Hòa Thượng đã đứng trước xe chờ kẻ đi lạc, không trách móc điều gì khiến tôi lẳng lặng biến ngay vào chỗ ngồi. Thật hú vía! Nhỡ lạc không biết đâu mà lần, hỏi đường bằng tiếng Anh với người Nhật thà rằng đừng hỏi còn hơn, họ không trả lời đâu vì phát âm tiếng Anh của họ rất dở nên không thèm nói thế thôi. Đừng nghĩ là họ có tự ái dân tộc cao chỉ nói tiếng Nhật mà thôi!

Sau đó phái đoàn ghé thăm Hoàng Cung của Nhật Hoàng, đến hơi trễ sau 5 giờ chiều không cho du khách vào nữa, chỉ có thể dõi ánh mắt trông theo vào khe cổng nhìn các chú lính Ngự Lâm vác súng đi tới đi lui. Phía đối diện là rừng nhà cao ốc rất đẹp và rất Nhật, nên Hòa Thượng quyết định dùng cảnh này để làm nền phông cho những bức hình lưu niệm của phái đoàn từng nước. Chẳng hạn Mỹ hay Canada chụp chung với „Người mẫu Siêu Tăng“, rồi đến Na Uy-Thụy Điển, xoay vòng qua Ý-Thụy Sĩ, Áo-Pháp quốc, đến Đức quốc một phần vì đông quá, một phần vì cây nhà lá vườn nên không thấy có hình.

Tôi phải giải thích tại sao phái đoàn đến Hoàng Cung bị trễ giờ, Hòa Thượng đâu thể để kế hoạch tan vỡ một cách kỳ quái như thế được. Chẳng là xe số 1 của chúng tôi có nhu cầu đến nhà băng đổi tiền, anh Đồng Pháp cùng Thầy Huệ Pháp cực khổ góp tiền của bà con đi đổi. Số lượng quá nhiều rồi nhà băng tỉnh lẻ, mặc dù nằm trong thủ đô Tokyo, nhưng chỉ đổi tiền Đô La chứ không chịu Euro, khiến dịch vụ đổi tiền bị chậm trễ gần cả tiếng, làm phái đoàn mất cơ hội gặp gỡ Nhật Hoàng.

Tối về ở tại khách sạn Rembrandt vùng Atsugi cho xe buýt số 1, những ai ghi danh sớm đến số 45. Phần còn lại về khách sạn Okura ở Ebina, thế là một nửa bạn Đạo của tôi bị lọt sàng chỉ gặp gỡ chào hỏi nhau khi xe dừng bến đậu, rủ nhau đi uống miễn phí những ly trà xanh trong siêu thị, hay đi ăn thử những miếng bánh quảng cáo để có dịp tiêu tiền. Vật giá ở Nhật đắt đỏ nên cầm tiền Yen trong tay quay đi quay lại đã thấy bay đâu mất rồi. Tâm trạng của Diệu Thành cũng thế khi cầm 1000 Yen đi mượn của Nhật Hưng, hỏi mua một trái táo và một trái lê để cúng dường các Thầy trên xe, đưa tiền xong cứ đứng đấy chờ họ thối lại tiền. Ông bán hàng xí xố tiếng Nhật bảo đủ rồi và tặng Diệu Thành 2 trái quýt an ủi.

Sáng ngày 31 tháng 10 trước giờ phái đoàn kéo lực lượng hùng hậu gồm 2 xe buýt từ giã Tokyo đi Nara, Hòa Thượng Minh Tuyền lái chiếc xe be bé xinh xinh cùng Hòa Thượng Thông Hải đến khách sạn Rembradt chào đón phái đoàn chúng tôi và nhân thể nhận số tiền cúng dường cùng tiền cơm của phái đoàn trong thời gian ở Nhật. Nhờ vậy chúng tôi mới được ăn cơm Việt Nam do các Phật tử của chùa Thầy cung cấp.

Trên đường đi đến Kyoto chúng tôi viếng thăm các chùa như Thanh Thủy Tự, Đông Bổn Nguyện Tự và Kim Các Tự.

Thanh Thủy Tự tọa lạc trên núi cao bằng gỗ treo với 3 cái hồ dẫn nước ra, du khách xếp hàng đợi hứng nước uống từ 3 cái vòi, với 3 lời nguyện cầu: Tình, Tiền và Giải Thoát. Tôi sợ mình cầu được uống nước ở vòi giải thoát, lại xoay ngược chiều lộn sang vòi Tình ái thì vỡ nợ. Cái hay nhất là hứng hết nước từ cả 3 vòi để được tất cả.

Đông Bổn Nguyện Tự là một ngôi chùa lịch sử, có chỗ để tóc của hoàng hậu, thứ phi bện thành những con cúi cao 49 m. Chùa làm bằng gỗ thật vĩ đại, có những cây cột gỗ với 1.600 năm tuổi và hai người ôm không hết. Ngoài ra còn có Tây Bổn Nguyện Tự ở gần đấy vì chia làm 2 tông phái.

Kim Các Tự một ngôi chùa tuyệt đẹp bằng vàng, nằm trên một bờ hồ thật thơ mộng, chung quanh có những cây tùng tỉa gọt thật khéo. Từ đấy đã xảy ra nhiều tình sử kiểu Giai nhân và Hòa Thượng, một sáng mùa xuân khi chiếc xe ngựa của bà Hoàng Phi dừng lại bên bờ hồ của Kim Các Tự, nàng giơ tay vén chiếc rèm che để ngắm cảnh vật chung quanh. Tình cờ một vị Hòa Thượng già tưởng chừng sắp tu thoát kiếp nhìn thấy dung nhan của Hoàng Phi … để rồi „tình trong giây phút mà thành thiên thu“.

Đến Nara phái đoàn ở tại khách sạn Asyl Nara, chẳng lẽ lại dịch là „Trại tỵ nạn Nara“. Nara là thủ đô cũ của xứ Nhật vào thế kỷ thứ 5 và 6, đó là một thành phố cổ với dây điện giăng chằng chịt ngoài đường. Vua Thánh Đức Thái Tử đã đem Phật pháp đến xứ Nhật nên thành phố cổ này có rất nhiều Chùa cổ thật to lớn như Đông Đại Tự, Pháp Long Tự …

Trước khi đến Đông Đại Tự, chúng tôi phải đi ngang qua công viên Nara nuôi rất nhiều nai, các chú nai được thả rong đi tìm du khách để húc húc vào người xin thức ăn. Đi không khéo là giẵm vào ngũ cốc luân hồi của nai. Chúng tôi đến xứ Nhật vào mùa thu nên chỉ thấy lá phong đổi màu từ vàng đến đỏ, chưa được đỏ rực như chính thật là thu. Hình ảnh „Mùa xuân sang có hoa anh đào“ rất tiếc không được gặp, chỉ thấy những gốc cây anh đào trơ trụi dọc theo hai bên đường dẫn vào Cổng Thiền bằng gỗ sơn đỏ.

Như tên gọi ngôi chùa Đông Đại Tự thật to lớn với Tượng Tỳ Lô Giá Na Phật ngồi giơ tay tiếp dẫn bằng đồng đen. Thầy trò chúng tôi vào tụng một thời kinh ngắn, nếu không là Chú Đại Bi cũng là Bát Nhã. Sau đó tự do ngắm cảnh và tham dự một màn thật đặc sắc, chẳng là trong chánh điện về phía hậu liêu bên phải có một cây cột thật to. Phía dưới cột có khoét một lỗ vừa đủ cho một người ôm ốm cao cao chui qua. Truyền thuyết nói rằng, ai chui qua được sẽ hết sạch mọi tội lỗi. Các em học sinh Nhật mặc đồng phục chui qua cái một, chỉ trừ những em hay ăn „Fast food“ của Mc Donald. Nhật Hưng rất tự tin cho dáng vẻ của mình, đã cởi hết khăn quàng và áo len để chui qua. Nhưng người phải xoay ngang và bà con đứng ngoài phải tiếp sức kéo tay lôi ra, tôi nghĩ mình chui qua cũng lọt đấy, nhưng không muốn thấy cảnh bị lôi ra như một con nghé nên thôi. Ca sĩ Gia Huy đô con như thế mà cũng qua được, khiến mọi người bắt đầu tự tin đứng xếp hàng dài dài.

Pháp Long Tự tại Nara do Thánh Đức Thái tử xây vào thế kỷ thứ 6, ngôi chùa cổ kính với lối kiến trúc thật là Nhật, bằng gỗ mái ngói cong cong, có nơi lợp bằng tranh. Chung quanh bao bọc bằng những cây tùng, cây phong được tỉa gọt kiểu bonsai trông rất đẹp mắt. Khung cảnh trang nghiêm nhuộm sắc Thiền, cảm giác nhẹ nhàng sảng khoái khi đứng trong khuôn viên rộng lớn của những ngôi chùa Nhật, khác hẳn với các chùa ở xứ khác. Bây giờ tôi đã hiểu, tại sao Sư Phụ tôi lại yêu xứ Nhật đến thế!

Buổi tối về lại khách sạn „Trại tỵ nạn Nara“, thấy chiếc áo Kimono để sẵn trên giường, tôi lấy ra mặc thử và cầm hộp cơm đựng Sushi tạo dáng nhờ Diệu Thành bấm dùm vài tấm. Định đi bán Sushi cho bà con kiếm thêm chút tiền mua bánh bao chỉ, nhưng bà con chê cơm Nhật nuốt không trôi, cái gì cũng nhạt nhạt, lợ lợ, phải nuốt đến ngày thứ ba nên tối nay họ rủ nhau đi siêu thị đêm mua mì hộp về trộn nước sôi.

Tại khách sạn nhỏ bé và cổ kính này mới có màn tắm chung tập thể, một truyền thống lâu đời của xứ Nhật để giải quyết vấn đề thiếu nước và thiếu chỗ tắm. Các chị trong đoàn còn giữ truyền thống Việt Nam, có người đã giẫy nảy lên khi nghe tới đoạn „một trăm phần trăm em ơi!“ và nhất định không chịu hội nhập với màn văn hóa của Nhật kiểu này.

Sáng ngày 2 tháng 11 phái đoàn lên xe buýt đi đến Fuchu, nơi có Đức Địa Tạng linh thiêng không có đầu để lễ bái. Bức tượng chỉ cao khoảng từ 40 đến 50 cm kể cả đài sen, cách đây độ 100 năm một gia đình nông dân đêm nằm mộng thấy Ngài về mách bảo, sáng ra đào được một bức tượng không đầu. Nước Nhật rất văn minh và tân tiến trong vấn đề y khoa, tại sao có hiện tượng những người bị bệnh nan y đến cầu xin van vái được Ngài chữa lành bệnh. Mỗi năm lượng khách du lịch đến chiêm bái lên đến triệu người và năm nay phái đoàn gồm 85 người chúng tôi thật hân hạnh cũng có mặt tại đây. Hòa Thượng trưởng đoàn còn có một hạnh nguyện riêng là mang bản dịch bằng tiếng Việt gồm 3 cuốn viết về các sự màu nhiệm chữa bệnh của pho tượng không đầu này do các bệnh nhân được lành bệnh kể lại.

Xe buýt số 1 của chúng tôi đến đỗ tại bãi đậu dưới chân đồi, trong tư thế áo tràng thật trang nghiêm chúng tôi tiến nhanh đến khuôn viên của ngôi chùa nhỏ bằng gỗ thờ ngài Địa Tạng không đầu trên núi cao. Theo nghi thức được chỉ dạy, mỗi người nên thỉnh một chiếc khăn trắng có viết câu thần chú: Án Ha Ha Ha Vỹ Sa Ma Lý Ta Bà Ha bằng tiếng Nhật rồi đem đến tượng Ngài xoa nhiều lần lên pho tượng. Sau này đem khăn về cất kỹ, khi nào đau ở đâu cứ lấy khăn ra xoa trên chỗ đó để chữa bệnh. Bột nhang trong bình hương sẽ chữa bệnh ghẻ lở và nước ngoài vòi cũng dùng để chữa bệnh. Thầy Huệ Pháp hướng dẫn chúng tôi lạy Tam bộ nhất bái chung quanh khuôn viên pho tượng 3 vòng. Các bác lớn tuổi tùy thuận chúng sanh lạy được bái nào hay bái nấy không bắt buộc. Tôi nhờ luyện tập mỗi ngày trăm lạy nên chỉ đi 3 vòng không thấm thía vào đâu, nhưng nhịp lạy thay đổi, không đi 3 bước mà đọc hết câu thần chú của Ngài Địa Tạng rồi một lạy. Áo tràng phủ xuống mặt đất để sỏi đá khỏi đâm vào mặt, dùng phương tiện để đưa đến cứu cánh niết bàn (ví von hơi nhiều!).

Xe buýt số 2 còn bận đi đổi tiền nên đến hơi trễ, làm mất một cơ duyên hiếm có được lạy chung quanh khuôn viên pho tượng của Ngài.

Sau đó Hòa Thượng trưởng đoàn mời các vị đại biểu từng nước lên phát biểu cảm tưởng. Chị Thiện Vũ của phái đoàn Mỹ quốc cảm động đến rơi lệ khi được đến nơi linh thiêng này, phải chi người anh bác sĩ mang bệnh nan y của chị cũng được đến đây sớm hơn một năm. Vài hàng viết riêng về người đẹp Phi Yến, cách đây khoảng 40 năm nàng là đương kim hoa hậu Việt Nam 1973, lần đầu tiên Việt Nam được mời tham dự Hoa hậu trẻ thế giới (thí sinh dưới 21 tuổi) gồm 49 nước tại Tokyo. Lần ấy Hoa hậu Đan Mạch trúng giải mới 16 tuổi, còn Hoa hậu Việt Nam của chúng ta trúng giải Hoa hậu duyên dáng và cùng năm đó kết hôn với một bác sĩ học tại Pháp. Giờ đây tại nơi linh thiêng này bác sĩ nhi đồng Thiện Vũ đang run run cầm micrô nói lời cảm tưởng, có biết chăng bên dưới có ánh mắt trìu mến của bác sĩ Thiện Niệm trông theo. Họ sinh hoạt tại Chùa Hải Đức ở Florida, cũng vì ông Hội trưởng là bác sĩ nên quy tụ được 50 cặp bác sĩ hội viên.

Tiếp đến bác sĩ Phi Long đại diện phái đoàn bên Pháp lên nói cảm tưởng. Trời ạ! Có phải cái bác hiền lành ít nói, tình cờ bị gán vào chiếc xe buýt nhỏ có mấy tay phá phách trong vũ đoàn „Bà Nội của Oanh Vũ“, chúng tôi ca hát đùa giỡn suốt chuyến đi Chiang Mai chắc làm bác „vui“ lắm nhỉ?

Đại diện cho phái đoàn Canada lên phát biểu bác Lê Bảy Nguyên Pháp, người có tài về ngoại ngữ, mới đến Nhật có vài ngày bác đã thông thạo tiếng nước này, dám lên hát tặng bà con một bài bằng tiếng Nhật tự biên tự diễn.

Các bạn có thấy trong chuyến hành hương kỳ này có rất nhiều bác sĩ không? Theo tôi nghĩ, các bác sĩ hành hương của chúng ta đã đến tuổi về hưu, cả một đời chữa bệnh bằng khoa học nay muốn đến tận nơi Đức Địa Tạng linh thiêng xem Ngài chữa bệnh bằng tâm linh như thế nào?

Buổi chiều đoàn đi về thành phố Hiroshima trong cơn ác mộng của những năm 1945, thăm quảng trường kỷ niệm những hậu quả của 2 trái bom nguyên tử. Tại sao Mỹ và Đồng minh lại chọn thành phố này để thả bom? Cũng dễ hiểu thôi, chính đây là nơi cơ quan đầu não về tình báo và điệp viên. Trong thế chiến thứ hai cán cân thắng bại của hai phe đều nằm trong tay của những ai nắm được các điệp viên tình báo giỏi.

Hòa Thượng đã cùng phái đoàn hành hương tụng một thời kinh tại quảng trường trong ánh sáng lung linh của những ngọn đèn đường. Một không khí trầm uất nặng nề như thế nào ấy, không thể diễn tả được. Theo tôi những oan hồn chết oan trong trận chiến ấy cho dù đã gần 70 năm cũng chưa được siêu thoát hết vẫn còn lẩn quẩn đâu đây. Cảm giác này sẽ được diễn tả rõ hơn trong ngày Chẩn tế cô hồn tại Chùa Việt Nam hai ngày sau.

Trên đường về khách sạn ở Hiroshima trời rất tối, xe chạy ngang qua những khu phố sang trọng với các siêu thị toàn hàng hiệu nổi tiếng lấp lánh ánh đèn. Thành phố đã hồi sinh từ lâu không còn dấu vết gì của chiến tranh nguyên tử, ngoài ngôi nhà thờ bị đổ long nóc chuông và một bảo tàng viện chứa các tài liệu hình ảnh của tang thương ngày tháng cũ. Đoàn ở tại hai khách sạn Grand Hotel và New Hiroden.

Sáng ngày 3 tháng 11 đoàn lên xe buýt về lại Atsugi gần chùa Việt Nam, đây là đoạn đường khá dài khoảng 800 cây số, nếu khởi hành từ 9 giờ sáng phải đến chiều tối mới về tới Tokyo trọ lại hai khách sạn Rembradt và Okura như lúc ban đầu. Thế là chúng tôi có với nhau nguyên một ngày trời trên xe buýt để tâm tình, ca hát và phát biểu cảm tưởng của từng cá nhân. Cứ mỗi một trạm ngừng Hòa Thượng trưởng đoàn lại đổi xe buýt để nói chuyện với từng đoàn, giải thích về xứ Nhật và bắt từng cá nhân phải nói lên tiếng nói của con tim về chuyến hành hương. Ôi thôi, con tim của ai cũng cùng một nhịp đập, chẳng thấy ai than phiền hay chê trách gì cả.

Thầy Giác Tâm chỉ muốn giới thiệu tác phẩm Năm Bước Chân Đi, 5 giai đoạn của đời mình: Đi Học, Đi Lính, Đi Tù, Đi Mỹ và Đi Tu. Chú Thân Phụng là nhân viên bảo vệ môi sinh của Hoa Kỳ. Trong đoàn có rất nhiều bác sĩ, dược sĩ, kỹ sư, kiến trúc sư, nha sĩ, ca sĩ và cả văn sĩ nữa, dĩ nhiên tu sĩ phải đứng ở hàng đầu, nếu cho đi Tu cũng là một nghề. À quên, còn phóng viên của đài SBTN tại Canada, người đẹp Khánh Lan, kể chuyện cười tiếu lâm số một và đã được nhà thơ Trần Trung Đạo cho bản quyền hát bài “Đổi cả thiên thu tiếng mẹ cười”. Kỳ này Khánh Lan phải nghỉ phép để tháp tùng mẹ đi hành hương vì đã lỡ đổi cả thiên thu tiếng mẹ cười.

Khoảng sau 5 giờ chiều xe buýt đã về đến gần Tokyo, đoàn đã đến sớm hơn dự định những cả tiếng, cái này phải khen ông tài xế người Nhật vừa trẻ vừa lịch sự, sáng nào cũng phải khiêng bao hành lý chất vào xe, tối đến lại lôi ra, ngày nào cũng như ngày nào thế mà mặt mũi lúc nào cũng tươi như hoa. Có chị nhận xét, sao bảo là Nhật lùn mà ông tài xế lại cao ráo thế này!

Đến trạm nghỉ cuối cùng để về khách sạn, Hòa Thượng trưởng đoàn chỉ ngay dãy núi trước mặt nói, quý vị nhìn núi Phú Sĩ kìa! Cả đoàn nhốn nháo nhìn quanh tìm kiếm một hiện tượng kỳ quan nhưng chẳng thấy đâu. Gia Huy và tôi xách máy hình đi tìm nhưng ngơ ngác chẳng biết phương nào, rồi mỗi người mỗi hướng. Tôi may mắn gặp Hòa Thượng bèn hỏi ở đâu, người chỉ lên ngọn đồi trước mặt rồi bảo leo lên sẽ thấy. Eo ơi, đường thì dài dốc lại cao, mặt trời lại sắp lặn, không chạy nhanh nhỡ tắt nắng còn gì để chụp ngọn núi vạn niên. Thế là Thầy đi trước, trò xách máy hình chạy sau, khi leo đến nơi vừa nhìn thấy ngọn núi, tôi đã reo lên một tiếng thật bất ngờ, ngọn núi đẹp quá! Thật đúng như những gì thiên hạ đã ca ngợi.

Vài phút sau mặt trời đã từ từ lặn, trên đường đi xuống tôi mới thấy mọi người lục đục kéo nhau lên chụp hình lưu niệm. Đáng ngại nhất là Sư Bà Bảo Quang không cần ai dìu, bước nhanh lên để chiêm ngưỡng một kỳ quan. Thế mà Hòa Thượng cứ lo ngại cho sức khỏe của Sư Bà, đã sắp xếp cho người được ở tầng 2 thấp nhất trong khách sạn để được đi lại dễ dàng.

Sáng ngày 4 tháng 11, sau buổi ăn sáng mọi người lại được dịp diện áo dài để đến chùa Việt Nam dự lễ Khánh Thành. Nhật Hưng còn dám than phiền, sao Hòa Thượng không ghi rõ trong thông báo số 3 là mỗi người phải mang ít nhất 2 áo dài để thay đổi. Tôi bảo với nàng, kể từ đây Hoa Lan sẽ gọi Nhật Hưng là Diệu Đà chứ không gọi Diệu Như nữa. Cô nàng này tuổi đã ở đầu hàng sáu, nhưng tính tình chỉ như mười sáu mà thôi. Nàng còn đắc chí cho rằng mình lúc nào cũng trẻ trung, thế mới chết người chứ!

Buổi sáng hôm đó mặc dù trời thu nhưng tiết trời rất ấm, nắng lung linh rọi qua khe lá, nắng chan hòa ngập cả lối đi. Không thế sao đoàn chúng tôi đi đầu là Hòa Thượng, sau lưng là một đoàn áo dài thướt tha đủ màu đủ sắc, thong thả bước từng bước nở hoa sen đi dọc theo con suối Ái Xuyên (Aikawa) dẫn đến tận cổng Chùa. Ái Xuyên nghĩa là dòng suối của tình thương, do Hòa Thượng Minh Tuyền vô tình hay cố ý chọn để xây chùa bên suối cho hợp với tên của mình. Một ngôi chùa Việt Nam ở Hanbara (bán nguyên) bên dòng suối Aikawa ở ngoại ô của Tokyo.

Đến nơi khán đài các hàng ghế danh dự đã ngồi chật cả màu áo Vàng, các vị trụ trì của những chùa từ các nơi trên thế giới có nhân duyên với Chùa Việt Nam đã có mặt để chung vui. Rất nhiều Hòa Thượng và Sư Bà tôi không biết đến, chỉ biết Hòa Thượng Bảo Lạc lúc trước cũng du học bên Nhật, hôm nay với y áo, mũ mão thật rực rỡ lên đọc diễn văn thay lời Hòa Thượng Minh Tuyền, kể về huyền sử một ngôi chùa Việt Nam đầu tiên trên xứ Nhật sau 60 năm lưu lạc xứ người, lấy dấu mốc từ Hòa Thượng Thanh Kiểm người đầu tiên đặt chân lên xứ Nhật năm 1952. Dĩ nhiên Hòa Thượng Phương Trượng của chúng ta cũng đóng một vai trò không nhỏ trong việc xây dựng ngôi chùa này, năm ngoái 2011 với những thiên tai sóng thần, động đất, những tưởng rằng ngôi chùa Việt Nam khó lòng có lễ Khánh Thành nhanh chóng trong năm nay, nếu không nhờ lòng quyết tâm giữ đúng giờ, Mười giờ quá một hạt gạo cũng không được của Hòa Thượng. Người còn giữ phần thông dịch từ tiếng Việt ra tiếng Nhật và ngược lại cho các giới chức Nhật ở địa phương tới tham dự.

Đáng lẽ phần MC hướng dẫn chương trình do Thượng Tọa Nguyên Tạng ở Úc đảm nhiệm, cây cột trụ của trang web quangduc.com, nhưng Thầy đến Nhật trễ quá chỉ trước lễ Khánh Thành có một ngày không thể nắm hết tình hình quan khách đến dự. Do đó vị “Hòa Thượng trẻ” Thông Hải, trẻ người nhưng tuổi không trẻ, đã đảm trách công tác này một cách sống động và vui tươi vì đã sát cánh với Hòa Thượng Minh Tuyền cả một tuần nay.

Để mở màn cho chương trình buổi lễ, ca sĩ Gia Huy trong chiếc áo dài truyền thống màu cánh sen trong bùn, trên vẽ hàng chữ “Trong nẻo luân hồi hoa Sen vẫn nở giữa bùn mà thôi”, hát hai bài nhạc Đạo cúng dường. Sau buổi ăn trưa, Gia Huy vẫn cầm Mix hát giúp vui văn nghệ cho bà con, nhưng dàn nhạc điều chỉnh không ổn khấp khểnh lúc được lúc không, khiến Gia Huy nhiều lúc phải hát chay mới không bị bể tuồng. Sau cùng chán quá, anh chàng bỏ ra đi bán băng đĩa nhạc nghe đâu ký mỏi cả tay, tiền thu vào cũng đem đi cúng dường cho chùa một phần thôi.

Sau đó là màn tặng quà của các quan khách, tất cả các tấm lòng của người cho đều gởi gấm vào những tặng phẩm trao cho người nhận, nên món quà nào cũng đặc sắc. Trong phái đoàn của chúng ta ngoài Sư Bà Bảo Quang lên tặng quà, còn có một nhân vật kỳ tài tự vẽ ra một bức tranh Mạn Đà La thật lớn và thật đẹp trao tận tay Hòa Thượng Minh Tuyền. Nghe giới thiệu là một kiến trúc sư giỏi ở Mỹ, tôi về tra danh sách những người đi hành hương để đoán mò “Anh là ai?” nên không dám nêu tên chỉ chụp vội bức hình để nhận diện.

Buổi chiều sau khi cơm nước chè cháo no say, chúng tôi đợi xe buýt đến đón về khách sạn. Nhưng chúng tôi đã lầm, ban tổ chức cố tình giữ đoàn ở lại để chiêu đãi thêm món phở nóng cho ấm bụng và dự toàn buổi Chẩn tế cô hồn do Thầy Tâm Minh làm chủ xướng. Trời tắt nắng nên bắt đầu trở lạnh, chúng tôi đã thay hết áo dài cho thoải mái và trùm khăn áo từ trên xuống dưới cho ấm áp, thế nhưng sao cảm giác lành lạnh buốt hết cả toàn thân và đôi mắt như buông mành sập xuống không tài nào kéo lên nổi. Không chỉ riêng tôi mà Diệu Thành cũng cảm thấy ớn lạnh, mọi người đều cho đó là hiện tượng trúng gió hay cảm lạnh mà thôi. Quê nhất là lúc nói chuyện với anh Đỗ Thông Minh, một người “trên thông thiên văn, dưới làu địa lý” của xứ Nhật mà hai con mắt của tôi cứ sụp xuống, mặc dù đầu óc của tôi lúc ấy vẫn thu thập đầy đủ những điều anh nói.

Anh Đỗ Thông Minh được mời lên xe buýt để nói chuyện về nước Nhật cho chúng tôi tha hồ hỏi các câu hỏi hóc búa, chẳng hạn như tại sao nước Nhật chịu ảnh hưởng của Mỹ mà lái xe bên tay trái như người Anh. Theo anh, do thói quen từ ngàn xưa đi bộ bên trái để tránh mũi kiếm sắc của các võ sĩ đạo đeo bên hông khi ra đường. Tại sao bên Nhật không có số nhà, cũng không tên đường làm sao tìm, đấy là do chính sách 3 Không: Không chợ, Không đường, Không số nhà. Họ tổ chức theo hành chánh từ Tổ đến Phường rồi lên Khóm, nên người đưa thư phải theo thể chế cha truyền con nối học thuộc các nơi ở của bà con làng nước xóm giềng. Nếu bạn bè hay người yêu muốn hẹn hò nhau phải chọn nhà Ga làm điểm hẹn và khi xe điện đình công muốn về nhà phải ra Ga lội đường rầy về nhà. Ở Tokyo có khoảng 5 ngàn người Việt sinh sống và toàn xứ Nhật khoảng 40 ngàn, con số khiêm nhường so với xứ Đức hơn 120 ngàn.

Nếu ngồi nghe anh Đỗ Thông Minh nói chuyện chắc chẳng bao giờ biết chán và biết mệt vì tài dẫn giải của anh rất thứ tự lớp lang, đưa người nghe từ hiểu biết này sang hiểu biết khác đủ mọi đề tài. Tôi tự nghĩ, mình phải tìm một điểm nào ở xứ Nhật mà anh không biết mới tài. Tôi đố anh, ở đâu trên xứ Nhật có quận Chochi tên gọi là Rừng trúc Hà Nội theo âm chữ Hán. Anh lắc đầu không biết, tôi đắc chí reo to thế là một không rồi nhé! Chẳng là lúc xe buýt chạy về hướng Hiroshima gần phi trường, Hòa Thượng trưởng đoàn chỉ tôi xem cái biển chỉ đường với địa danh Chochi rồi nói, ở đây cũng có địa danh Hà Nội. Tôi tròn mắt lên hỏi, Thầy đọc chữ Hà Nội ở đâu? Thầy cười bảo, thì phiên âm chữ Hán mà ra.

Đến khách sạn, anh Đỗ Thông Minh vẫn tiếp tục nói chuyện với bà con thêm vài tiếng nữa, anh giải thích cách dùng từ ngữ tiếng Việt, đa phần chúng ta dùng sai rồi thành thói quen giữ luôn cái sai ấy, chẳng hạn như Hiệp Chúng Quốc là đúng, nhưng chúng ta lại gọi là Hiệp Chủng Quốc. Vợ chồng chia tay nhau, đàn ông phải nói là ly dị, còn đàn bà là ly hôn, nhưng rắc rối quá lúc ấy đâu còn hồn vía đâu để phân biệt thế nào là ly với tách nữa.

Trong lúc chị Thiện Liên hỏi anh về cách dùng từ ngữ tiếng Việt sao cho chính xác, vì đi du học sang Đức quá lâu nên thiếu tự tin khi viết lách. Tôi trộm nghĩ, Hòa Thượng sư phụ mà biết được sẽ bảo nhẹ một câu, thế mà cũng đậu Tú Tài môn Việt văn! Do đó tôi không dám tham gia vào cuộc thi trắc nghiệm đố chữ của anh, mặc dù Thiện Liên lúc nào cũng muốn kéo Hoa Lan vào vòng chiến. Tôi còn phải chia sẻ với anh Quang về cảm giác ớn lạnh khi dự buổi Chẩn Tế cô hồn tại Chùa lúc chiều. Anh ấy bảo:

- Dĩ nhiên rồi! Chị cứ tưởng tượng đi, lúc Thầy Tâm Minh mặc y áo cầm trích tượng dọng xuống đất 3 cái để mở cửa Địa ngục thì cả triệu oan hồn của sóng thần, động đất và bom nguyên tử, ùa ra đè lên vai chị mà chị vẫn chưa sao là may rồi đó!

Ờ nhỉ, sao lúc đó mình không chịu niệm Phật thì chẳng con ma nào dám động đến người, nơi đâu có Phật chỗ ấy vắng bóng ma. Nhưng những người đang trên đường học Phật thì eo ơi ma ở đâu cứ đeo theo như bóng với hình, chỉ khi nào thấy được con ma Ba Tuần là biết được ngày mình thành Phật cũng không xa.

Thôi trở về xứ Nhật đi, có nhiều điều hay cần phải viết lắm cơ! Chẳng hạn như hệ thống nhà vệ sinh của Nhật phải cho điểm tối ưu hạng nhất trên hoàn cầu, vào đấy rồi chỉ muốn ngồi mãi không ra, vì vừa ấm, vừa thơm lẫn vừa sạch. Buồn buồn bấm nút nhạc ở thành cầu sẽ được nghe nhạc cổ điển không lời, cứ theo hình vẽ mà bấm sẽ nhận được những tia nước ấm từ dưới bắn lên. Nếu cô cậu Hai Lúa nào mới đến xứ Nhật lần đầu, chắc phải giở nón nghiêng đầu bái phục cho hệ thống nhà vệ sinh tân tiến đã có từ 3 chục năm nay.

Một chút sơ qua về tiếng Nhật, ai đã biết tiếng Hán rồi chỉ cần búng tay, ấy quên chỉ cần phiên âm ra là đọc được tiếng Nhật. Điều kiện để vào đại học là phải biết ít nhất 10 ngàn chữ Hán. Động từ của tiếng Nhật thay đổi theo đối tượng và đặt sau cùng, chẳng hạn Tôi đi học, tiếng Nhật viết Tôi học đi. Những chữ đã được chuyển âm thành La Tinh như Arigatoo (cám ơn) hay Gozaimasu (rất nhiều), khá nghèo nàn về ý nghĩa để diễn tả, lúc nào cũng cần những bộ chữ Hán đi kèm theo để thêm phần phong phú.

Về vấn đề ẩm thực ai mà chẳng biết món Wasabi xông lên tận óc ăn chung với Sushi, người Nhật bảo trước tiên phải quyệt một tí Sơn quỳ không, đưa vào miệng để kích thích vị giác từ óc đưa xuống, rồi mới chấm với nước tương bỏ gừng miếng ngâm dấm vào. Món Miso-Súp cũng đầy chất dinh dưỡng vì nấu bằng loại tương đậu nành lên men Natto như đã nhắc đến ở đoạn đầu. Để thể hiện lòng từ bi nên Thầy trò chúng tôi mới ăn chay, không muốn nhắc đến các món thịt bò trứ danh của vùng Kobe. Đời chàng bò Kobe được nuôi dưỡng một cách độc đáo như thế nào, được cho ăn những thức ăn loại gì, tất cả đều nằm trong vòng bí mật, có lẽ không được ăn cỏ vì ở Nhật không có đất cho cỏ mọc; chỉ biết rằng chàng được mát-xa mỗi ngày bằng bia và thỉnh thoảng được nghe nhạc cổ điển thính phòng. Dĩ nhiên giá cả của chàng rất cao, nghe không cũng đủ “đoạn trường tân thanh” đứt từng khúc ruột.

Ngày xưa tôi hay nghe các cụ ví von “Ăn cơm Tàu, ở nhà Tây, lấy vợ Nhật”, làm đàn ông mà được cả 3 thứ đó là sướng như tiên. Nhưng bây giờ tôi có cái nhìn hơi khác một chút, ăn cơm Tàu dầu mỡ bột ngọt hơi nhiều chỉ mau chết sớm, ở nhà Tây tuy rộng nhưng không sạch sẽ, còn lấy vợ Nhật hãy hạ hồi phân giải. Không biết các cô gái Nhật tân thời bây giờ có còn mặc áo Kimono chờ chồng đi làm về để cúi xuống cởi giầy cho chồng không? Tuy nhiên một hình ảnh điển hình tại khách sạn Rembrandt trong buổi ăn sáng tất cả mọi người trong đoàn chúng tôi đều nhìn thấy, anh chồng Nhật Bản to lớn khỏe mạnh ngồi rung đùi nhịp chân chờ cô vợ bé nhỏ dẫn cậu con trai khoảng 8 tuổi đi lấy thức ăn. Hòa Thượng trưởng đoàn nhắc nhở các chị:

- Quý vị thấy đó! Làm phụ nữ Việt Nam vẫn hơn phụ nữ Nhật.

Ở Nhật có 2 “đài phát thanh tiếng nói Việt Nam”, đấy là 2 học giả Trần Đức Giang và Đỗ Thông Minh. Thầy Trần Đức Giang đã đi tu và theo môn phái Thiền Tào Động của Nhật nên phải lấy vợ. Các ông Thầy Tu ở Nhật đều được các vị trưởng lão trong đạo tràng chọn vợ, người phụ nữ nào đẹp nhất, học giỏi nhất và gia đình gia giáo nhất mới được gả cho Thầy Tu. Các bạn nhớ đấy, không có chuyện cô Ma Đăng Già nào dám mơ tưởng đến ngài A Nan ở xứ Nhật đâu!

Ngày vui qua mau, sáng ngày 5 tháng 11, chúng tôi phải về lại cố quốc nghĩa là chia làm 14 hướng của từng quốc gia. Chưa kể Hòa Thượng trưởng đoàn phải chuyển hướng bay về Ấn Độ và một số bắt được đường giây của người quen hay họ hàng bên Nhật ở lại chơi thêm vài ngày cho thỏa chí tang bồng. Trên đường đến phi trường, còn dư vài tiếng phái đoàn chúng tôi đến thăm pho tượng Daibutsu, tượng Phật lớn, Phật A Di Đà ngồi, bằng đồng đã ốc-xít hóa lên màu xanh biếc. Tượng Đại Phật có từ thế kỷ thứ 8, đã trải qua bao nhiêu trận động đất thăng trầm của cuộc đời, nhưng Ngài vẫn ngồi yên đến ngày hôm nay cho phái đoàn hành hương của chúng tôi đến chiêm bái.

Lúc vào phi trường quốc tế Narita cách Tokyo khoảng 60 km, xe buýt của chúng tôi bị xét giấy tờ bởi các chàng công an đeo súng. Nhưng Hòa Thượng trưởng đoàn đã trấn an chúng tôi bằng cách đưa thông hành của mình cho họ xem và xe được đi qua. Chẳng qua chính phủ Nhật chỉ sợ phái đoàn chúng tôi thuê xe buýt vào phi trường để biểu tình chống đối việc xây cất phi trường Narita làm thay đổi môi trường môi sinh gì đó nên kiểm soát thế thôi.

Chương trình hành hương Thái Lan và Nhật Bản đến đây đã tạm kết thúc, nhưng dư âm ngày tháng cũ vẫn còn vương vấn trên mỗi mọi người, làm sao quên được các bạn nhỉ? Cho dù các Thầy có giảng bao nhiêu về chữ Xả, phải buông bỏ tất cả các thọ khổ cũng như thọ lạc, tôi vẫn giữ những hình ảnh hiếm quý này. Tôi nhớ cảnh Nhật Hưng vừa gặp tôi ở Cực Lạc Cảnh Giới Tự đã bắt tôi đưa chân cho nàng tìm nốt ruồi dưới lòng bàn chân hay Sao “Thiên Di” chiếu mạng trong năm nay. Sao này chiếu tới đâu là khăn gói quả mướp đi tới đó, rồi ra về với túi rỗng tênh chưa kể phải ký thêm giấy nợ. Có thể năm tới sao Thiên Di sẽ chiếu vào sân chùa Pháp Bảo, vì tôi đã xin Hòa Thượng trụ trì cho một chân quét lá trong chùa, muốn được làm “thiên thần quét lá” một lần xem sao. Nhưng Hòa Thượng bảo, chùa Thầy chỉ quét lá Bồ Đề. Thế là mộng tưởng của tôi tan tành, lá Bồ Đề chỉ bay bay không đủ cho người ta nhặt, lấy đâu ra nhiều để quét như lá Đa, đến với Thầy chỉ có mưa Pháp mà thôi.

Để kết thúc cho bài viết, tôi xin được trích dẫn một bài vè về thuyết “ít, nhiều” của người Nhật Bản, đây là tặng phẩm của chị Đoan Trang Đồng Chánh, một người thuộc truyện Kiều từ lúc còn nằm trong bụng mẹ, nhân chuyến đi hành hương Nhật Bản ở lại tìm hiểu thêm ít nhiều về nếp sống của họ:

Ăn ít, nhai nhiều

Ăn thịt ít, ăn rau nhiều

Ăn đường ít, ăn quả nhiều

Ăn mặn ít, ăn chua nhiều

Mặc ít, tắm nhiều

Lo ít, ngủ nhiều

Giận ít, cười nhiều

Ngồi xe ít, đi bộ nhiều

Nói ít, làm nhiều

Tham lam ít, cống hiến nhiều

Hoa Lan
2012

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
15/10/2023(Xem: 21960)
Trang Nhà Quảng Đức App giúp xem được trên Iphone & Ipad Kính mời quý Phật tử vào download để xem nhanh và dễ hơn trên Iphone và Ipad của quý vị (Chân thành cảm ơn TT Tâm Hải đã giúp layout nhanh app này) Kính mời vào đây để download: https://apps.apple.com/us/app/quang-duc/id1580853777
13/07/2023(Xem: 7143)
Phật Học Danh Số Thông Dụng - Tập 2 (PDF)
13/07/2023(Xem: 4916)
Lời Đầu Sách Trước đây, chúng tôi đã cho ra đời ba tập thơ với chủ đề là Hướng Dương Thi Tập. Nói là thơ, thật ra chỉ là làm theo thể văn vần cho dễ đọc. Dựa theo những thể thơ mà các bậc tiền bối trước kia đã sáng tác. Trong ba tập thơ phần nhiều chúng tôi chỉ tóm yếu lại những gì mà Phật Tổ đã dạy trong các kinh điển và Ngữ lục. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ làm mà không có giải thích. Nay chúng tôi thể theo lời yêu cầu của một số độc giả mà giảng giải đôi điều cho dễ hiểu. Chúng tôi chỉ trích ra một số bài rải rác trong ba tập thơ để tạm nêu ra giải thích sơ yếu đó thôi. Thế nên, chúng tôi xin có vài lời thưa trước với quý độc giả, kính mong quý vị hiểu và thông cảm cho.
01/02/2023(Xem: 27679)
Tán thán công đức quý Phật tử gần xa đã cúng dường hộ trì Tam Bảo Tu Viện Quảng Đức, Melbourne, Úc Châu 🙏🙏🙏🌹🥀🌷🌷🌸🏵️🌸🏵️ HL Cụ bà Thiện Chánh (SA): $200 Nguyên Quảng Lương Ngọc Thủy: $300 Mai Thị Cao Trâm, Olivia: $200 ( Hồi hướng cho HL Stewart. J. Hibbert) Nguyên Như, Nguyên Quảng Bình: $500 ( Hồi hướng cho Mẹ Bạch Vân Phạm Thị Doan) Hoàng Lộc, Ái Định (hồi hướng cho cụ bà Diệp Tú Liên): $400 Tâm Thư (Sydney): $200 Nguyên Quảng Hương: $200 Thiện An, Thiện Lạc (Tiệm vàng Kim Châu, SA): $500 Lâm Tuyết Mai (Nguyên Quảng Anh): $1000 Diệu Tuyết Lệ Trinh (hồi hướng cho HL Phụ Thân Trần Tiêu): $500 Bé Mattis Hugh Le-Tang (Phước Lành): $100 Steve Nguyên Thiện Bảo, Tuyết Nguyên Thiện Hạnh: $500 Khánh Vân, Khánh Linh: $100 Cụ Bà Viên Huệ (Darwin): $200 Mỹ Lệ, Hoàng Em, Thanh Phong, Thanh Vũ (Hồi hướng cho Mẹ): $5000 Quảng Trí Chánh, Quảng Tuệ Dung (Cali, USA): $200 Bảo Diệu Hạnh (hồi hướng cho em trai Dương Hồng Anh): $500 Phi Thị Lan, Trần Văn Dũng (
02/09/2022(Xem: 5590)
CHÁNH PHÁP Số 130, tháng 9 2022 Hình bìa của MoeRasmi (Pixabay.com) NỘI DUNG SỐ NÀY: THƯ TÒA SOẠN, trang 2 TIN TỨC PHẬT GIÁO THẾ GIỚI (Diệu Âm lược dịch), trang 3 NẮNG HẠ NHÂM DẦN - 2022 (thơ ĐNT Tín Nghĩa), trang 6
16/08/2022(Xem: 3625)
CHÁNH PHÁP Số 128, tháng 7 2022 Hình bìa của Nhiên An NỘI DUNG SỐ NÀY: THƯ TÒA SOẠN, trang 2 TIN TỨC PHẬT GIÁO THẾ GIỚI (Diệu Âm lược dịch), trang 3 MƯA ĐÁ THÁNG BA (thơ ĐNT Tín Nghĩa), trang 6 NGHIÊN CỨU THỨC THỨ TÁM, t.t. (HT. Thích Thắng Hoan dịch), trang 7
16/08/2022(Xem: 3488)
CHÁNH PHÁP Số 127, tháng 6 2022 Hình bìa của Hồ Bích Hợp NỘI DUNG SỐ NÀY: THƯ TÒA SOẠN, trang 2 TIN TỨC PHẬT GIÁO THẾ GIỚI (Diệu Âm lược dịch), trang 3 CHA LÀ…, NGHĨ VỀ CHA (thơ Trần Hoàng Vy), trang 6 NGHIÊN CỨU THỨC THỨ TÁM, t.t. (HT. Thích Thắng Hoan dịch), trang 7 GIỮA ĐÔI BỜ TỈNH THỨC, CHẦM CHẬM THÔI… (thơ Tôn Nữ Mỹ Hạnh), trang 10 SEN NỞ TRONG LÒ LỬA VẪN TƯƠI (Nguyễn Thế Đăng), trang 11
11/08/2022(Xem: 4791)
CHÁNH PHÁP Số 129, tháng 8 2022 Hình bìa của Đặng Thị Quế Phượng NỘI DUNG SỐ NÀY: THƯ TÒA SOẠN, trang 2 TIN TỨC PHẬT GIÁO THẾ GIỚI (Diệu Âm lược dịch), trang 3 THÔNG BẠCH VU LAN PL. 2566 (HĐGP – GHPGVNTNHK), trang 6
20/06/2022(Xem: 9741)
Authors (Tác giả): Jing Yin, Ken Hudson & W.Y. Ho Illustrations (Minh họa): Yanfeng Liu Dharma for Youth Phật pháp cho Tuổi trẻ Biên soạn và chuyển ngữ:
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com