Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Nhân đọc bài “Chất vấn TT. Nhật Từ về tự ý đổi tên nhân vật trong kinh Phật” của Minh Thạnh trên trang nhà Phật tử Việt Nam

14/08/201406:43(Xem: 5911)
Nhân đọc bài “Chất vấn TT. Nhật Từ về tự ý đổi tên nhân vật trong kinh Phật” của Minh Thạnh trên trang nhà Phật tử Việt Nam



thichnhattu
Nhân đọc bài “
Chất vấn TT. Nhật Từ
về tự ý đổi tên nhân vật trong kinh Phật” của Minh Thạnh trên trang nhà Phật tử Việt Nam

Minh Chiếu

Đọc bài “Chất vấn TT. Nhật Từ về tự ý đổi tên nhân vật trong kinh Phật” của anh Minh Thạnh (MT) đăng trên Phật tử Việt Nam, [1] tôi lấy làm tiếc khi anh MT nghiên cứu không đến nơi đến chốn, lại thích “múa rìu qua mắt thợ”, khi phê phán Thầy Thích Nhật Từ (TNT) một cách nặng lời như “tự ý đổi tên nhân vật trong kinh Phật”, “việc làm ngẫu hứng, tự phát, tùy tiện, tùy hứng”. Trong tâm trạng đắc thắng, MT chất vấn thầy TNT: “Rồi tại sao là vứt đi danh từ riêng Angulimala ghi rõ trong kinh Phật? Lý do để loại bỏ từ này và thay bằng một cụm từ hình tượng nhưng tùy tiện, ngẫu hứng, tự tạo, tự chế.” Hay gay gắt hơn, cho rằng việc làm đó là làm “biến dạng” Kinh Phật: “người soạn dịch [thầy TNT] có phải không chỉ đổi tên nhân vật, mà muốn đưa ra một phương pháp, một cách thức tạo hình tên mới: Nếu như vậy thì kinh Phật sẽ rơi vào tình trạng biến dạng vô cùng vô tận, không còn sự chính xác.” Mấu chốt của bài viết của anh MT là do anh MT ngộ nhận rằng “tên nhân vật Angulimala được [thầy TNT] tự ý thay đổi thành “tên khủng bố Vòng Hoa Tay Người”.

Sau khi đọc kỹ bài viết nêu trên của anh MT, tôi thấy anh MT đang rơi vào tâm trạng, dựa vào một số điểm tác giả Nguyên Giác khen tặng quyển “Kinh Phật cho người tại gia” do thầy TNT soạn dịch, MT tiến hành phê phán ngược lại. Không biết tác giả MT có tư thù gì với thầy TNT hay không, qua cách viết với lời lẽ quy tội chủ quan, anh MT đang cố chứng minh mình có kiến thức hơn Nguyên Giác và thầy TNT. Tiếc là vì anh MT không biết chữ Pali mà lại thích dạy đời thầy TNT, bài viết của anh MT đã thể hiện ác ý và nhiều sai sót. Qua bài viết ngắn này, tôi mong rằng MT nên cẩn trọng hơn, không nên vội chụp mũ và quy tội sai người và sai tình huống, khi chưa nghiên cứu đến nơi đến chốn. Việc làm của anh MT đã gây hoang mang cho người đọc về một tác phẩm mà theo tác giả Nguyên Giác: “Đây là một tác phẩm hiếm gặp, được biên soạn công phu bởi Thầy Thích Nhật Từ, thích hợp và cần thiết cho hầu hết các gia đình cư sĩ Việt Nam. Có thể nói, đây là một tuyển tập kinh cực kỳ quan trọng, vì nơi đây biên dịch lại tất cả những lời dạy thích nghi của Đức Phật để xây dựng một xã hội hòa hài, người người tôn trọng và yêu thương nhau, và trong tận cùng là xa lìa tham sân si để chứng ngộ Niết bàn.”[2]

Theo tôi, các phê phán sai lầm của anh MT về thầy TNT là do anh MT không nắm vững ba vấn đề chính sau đây:

1) Angulimala chỉ là biệt hiệu, chứ không phải là danh từ riêng

Angulimala trong bài Kinh được thầy TNT dịch không phải là một “danh từ riêng” như anh MT đã nhầm lẫn. Nguyên nhân nhầm lẫn này là do anh MT không biết chữ Pali, nhưng lại làm công việc “thích sửa lưng” thầy TNT, một tu sĩ mà tôi tin rằng hiểu vững hơn MT về vấn đề này.

Thực chất, từ “Angulimala” chỉ là một biệt hiệu. Trong Kinh Pali, Angulimala là con trai của ông Bhaggava và bà Mantani. Kinh Trung bộ và các kinh Pali không nói đến tên thật của Angulimala là ai. Biệt hiệu “Angulimala” được quần chúng đặt theo hành động sát nhân kỳ quái của anh này. Sau khi giết người, anh này chặt ngón tay rồi xâu các ngón tay của các nạn nhân thành một vòng tròn, đeo vào cổ như một vòng hoa trang sức.

- Từ “angulimala” trong tiếng Pali được kết hợp bởi 2 thành tố “anguli” và “mala”. Từ “anguli” có nghĩa đen là “ngón tay” và “mala” có nghĩa đen là “vòng đeo”, “vòng hoa”, “vòng chuổi”, “xâu chuổi”… Khi kết hợp hai thành tố lại, “angulimala” có nghĩa đen là “[người đeo] vòng cổ được kết bằng các ngón tay người” (finger necklace) hoặc “[người đeo] vòng hoa được kết bằng các ngón tay người” (finger garland). Đại đức Thanissaro Bhikkhu dịch Kinh Angulimala thuộc Kinh Trung bộ 86 ghi trong đoạn đầu của kinh như sau: “He wore a garland (mala) made of fingers (anguli)” có nghĩa là “anh ta đeo vòng hoa trên cổ được làm bằng các ngón tay người”.[3] So sánh giữa hai cách dịch, thầy TNT dịch gọn hơn mà vẫn đủ nghĩa.

Vì là biệt hiệu, người ta có khuynh hướng viết hoa “Angulimala”. Do đó, “angulimala” này không phải là danh từ riêng như “Moggalanna” (phiên âm là Mục-kiền-liên). Dựa vào điều nêu trên, việc thầy TNT dịch biệt hiệu “Angulimala” trong tiếng Pali thành “Vòng Hoa Tay Người” (viết hoa) trong tiếng Việt là sát nghĩa đen của từ Pali gốc. Trong tiếng Việt, “angulimala” có thể được dịch thành “Vòng Đeo Tay Người”, “Tràng Hoa Tay Người”, “Xâu Chuỗi Tay Người” đều được cả, vì các cụm từ trên đều diễn tả đúng nghĩa đen của từ Pali gốc.

2) Danh từ riêng và biệt hiệu: Dịch nghĩa được hay không?

Câu trả lời là tùy quan điểm. Về cấu trúc từ, biệt hiệu “angulimala” (vòng hoa tay người) giống như biệt hiệu “Anathapindika” mà Hán Việt thường dịch sát nghĩa đen là Cấp Cô Độc. Từ ghép “Anathapindika” có nghĩa đen là “người trợ cấp, giúp đỡ những người cô đơn, cơ nhỡ” là biệt hiệu cao quý mà quần chúng thường gọi và tôn vinh cư sĩ Tu Đạt.

Các dịch giả Trung Quốc có khuynh hướng dịch nghĩa các danh từ riêng và biệt hiệu ra chữ Hán, để người đọc dễ hiểu ý nghĩa và dễ nhớ. So với các vị tiền bối dịch kinh nổi tiếng như ngài Cưu-ma-la-thập và ngài Huyền Trang của Trung Quốc, thầy TNT không phải là người đầu tiên làm công việc này. Xin đơn cử, tôn hiệu “Avalokiteśvaratrong tiếng Sanskrit có nghĩa đen là “[Bồ-tát] người nhìn xuống [thế gian]” (Lord who looks down) được các dịch giả Trung Quốc dịch nghĩa thành hai từ khác nhau: a) “Quán Thế Âm” (觀世音, Guānshìyīn), có nghĩa đen là “[vị Bồ-tát] quan sát âm thanh [kêu cứu] của thế gian, như trong Phẩm Phổ Môn thứ 25 thuộc Kinh Diệu Pháp Liên Hoa (bản dịch của Cưu-ma-la-thập) và “Quán Tự Tại” ( 觀自在, Guānzìzài), có nghĩa là “[vị Bồ-tát] quán chiếu một các tự tại” như trong Bát-nhã tâm kinh, bản dịch của ngài Huyền Trang.

Angulimala trong tiếng Pali thường được phiên âm trong tiếng Hán Việt là Ương-quật-ma-la (央掘魔羅). Vì là một biệt hiệu, việc thầy TNT dịch sát nghĩa của từ “Angulimala” ra tiếng Việt là “Vòng Hoa Tay Người”, theo tôi, là điều không có gì là sai, rất ngắn gọn nhưng vẫn đủ nghĩa.

3) Angulimala có thể được gọi là kẻ khủng bố?

Trong các bản dịch tiếng Anh, các dịch giả mô tả về “Angulimala” như là tên cướp (bandit), kẻ giết người, tên sát nhân (killer), kẻ vấy máu (bloody-handed one), kẻ không có tình thương với chúng hữu tình (showing no mercy to living beings). Trong tác phẩm Kinh Phật cho người tại gia, thầy TNT mô tả Angulimala là “kẻ khủng bố Vòng Hoa Tay Người.” Tôi cho rằng Thầy TNT không đổi tên nhân vật như MT đã hiểu sai (như tôi đã phân tích ở trên). Thầy TNT dùng khái niệm hiện đại có hàm nghĩa Angulimala “giết người một cách man rợ, gây sợ hãi” tại thành Xá-vệ, nhằm thể hiện hậu quả xã hội mà “Angulimala” đã tạo ra qua việc “giết người rồi xâu kết các ngón tay của nạn nhân thành xâu chuổi, đeo lên cổ của y”. Hành động sát nhân của “Angulimala” quả thật đáng sợ hãi, gây ra sự khủng bố xã hội trong thời của vua Ba-tư-nặc, người trị vì nước Xá-vệ.

Trong bản sớ giải của Trưởng lão Tăng kệ, tên sát nhân đáng sợ “Angulimala” còn được gọi bằng một biệt hiệu khác là “Himsaka”, có nghĩa là “kẻ bạo động”, “kẻ bạo lực”, “kẻ khủng bố” (ở nghĩa đơn giản nhất là người gây sợ hãi bằng hành động giết người). Trong ngữ cảnh xã hội hiện đại, mô tả về hành động giết người một cách man rợ, đeo vào cổ vòng hoa bằng tay người của “Angulimala” thật đáng sợ, thầy TNT dùng cụm từ “Kẻ khủng bố Vồng Hoa Tay Người” không có gì là quá đáng. Khi được đức Phật hóa độ Angulimala làm tu sĩ, kẻ sát nhân cuồng tín này được gọi là “Ahimsaka”, để đánh dấu sự “chuyển hóa nghiệp chướng” (cách dùng từ của thầy TNT) của y. “Ahimsaka” được dịch trong chữ Hán là “Vô Não”, người không não hại, người không bạo động, người hết bạo lực, người không (còn) khủng bố….

Khủng bố trong ngữ nghĩa rộng nhất bao gồm các hành động giết người, hành động bạo lực, hành động gây thương tổn mạng sống, hành động gieo rắc sợ hãi… Vậy, việc thầy TNT gọi “Angulimala” là kẻ khủng bố có bị lạc đề không? Ta hãy khảo sát 2 ngữ nghĩa của kẻ khủng bố (terrorist) trong hai quyển tự điển tiếng Anh sau đây.

Theo Từ điển “Collins English Dictionary – Complete and Unabridged”, trong ngữ cảnh quốc gia, chính trị và ngoại giao, “kẻ khủng bố là người sử dụng hành vi khủng bố, hay chủ nghĩa khủng bố, đặc biệt là như một vũ khí chính trị” (terrorist is a person who employs terror or terrorism, esp as a political weapon).[4] Theo Từ điển Quân sự và các thuật ngữ liên hệ (Dictionary of Military and Associated Terms. US Department of Defense 2005), “Kẻ khủng bố là cá nhân dùng bạo động, hành động gây khiếp sợ và sự hăm dọa nhằm đạt được một kết quả” (An individual who uses violence, terror, and intimidation to achieve a result). Theo ngữ cảnh thứ hai này, việc thầy TNT dùng từ hiện đại mô tả “Angulimala” là “kẻ khủng bố Vòng Hoa Tay Người” không hề lạc đề, nhất là khi sự mô tả hành động giết người gây sợ hãi của Angulimala gắn liền với ngữ cảnh được kinh Trung bộ ghi nhận là: “…bị nạn cướp giết của tên khủng bố Vòng Hoa Tay Người, thợ săn vấy máu, sát hại, hung tàn, không chút tình thương đối với con người.” (trích bản dịch của thầy TNT).

Phê phán của anh MT về thầy TNT cho thấy anh MT trở nên thiên cực, khi cho rằng khái niệm “kẻ khủng bố” chỉ được mô tả trong bối cảnh hoặc vì mục đích chính trị, còn các hành động giết người và gây sợ hãi vì mục tiêu nào khác và vhướng đến các kết quả khác là không thể chấp nhận. Nên nhớ, đây chỉ là ý kiến chủ quan của anh MT, còn các nhà từ điển học thì không như thế. Đây chính là sự khác biệt giữa một nhà báo (MT) và một nhà từ điển (như tác giả của Dictionary of Military and Associated Terms. US Department of Defense 2005).

4. Thay lời kết

Những điều nên trên cho thấy anh MT hoặc do tư thù với thầy TNT hoặc do háo thắng đã tấn công thầy TNT bằng những lời lẽ thiếu thiện chí của một Phật tử. Dù phát xuất từ động cơ nào, việc anh MT phê phán thầy TNT một cách chủ quan, do thiếu hiểu biết, hoặc do hiểu chưa tới nơi tới chốn, nên tránh trong tương lai, để không rơi vào tình trạng “phe ta đánh phe mình”, một kiểu “nhiệt tình thành phá hoại.”

Mong sao anh MT nên lấy đây làm bài học kinh nghiệm để không tiếp tục xúc phạm đến thầy TNT nói riêng và các Tăng Ni khác nói chung, như anh MT đã từng viết và đăng trong Phật tử Việt Nam và trang Facebook của riêng mình. Tôi xin trích ra đây câu nói tôi đọc đâu đó, đã quên tác giả, để cùng chiêm nghiệm: “Mặt trời giữa trưa thực sự thì không cần khoe ánh sáng như những con đom đóm về đêm!”



[1] http://www.phattuvietnam.net/diendan/28845-ch%E1%BA%A5t-v%E1%BA%A5n-tt.-nh%E1%BA%ADt-t%E1%BB%AB-v%E1%BB%81-t%E1%BB%B1-%C3%BD-%C4%91%E1%BB%95i-t%C3%AAn-nh%C3%A2n-v%E1%BA%ADt-trong-kinh-ph%E1%BA%ADt.html

[2] http://thuvienhoasen.org/a19414/kinh-phat-cho-nguoi-tai-gia-can-co-cho-moi-phat-tu

[3] http://www.accesstoinsight.org/tipitaka/mn/mn.086.than.html

[4] Collins English Dictionary – Complete and Unabridged © HarperCollins Publishers 1991, 1994, 1998, 2000, 2003


Kinh Phat cho nguoi tai gia
Chất vấn TT. Nhật Từ về tự ý đổi tên nhân vật trong kinh Phật

Mục tiêu của bài viết này là được Thượng tọa Thích Nhật Từ, người soạn dịch “Kinh Phật cho người tại gia” (Nhà xuất bản Hồng Đức, Hà Nội, 2014) giải thích về cách làm khá đặc biệt của thượng tọa khi soạn dịch kinh Phật làm kinh nhật tụng.

Đó là việc tự ý đổi tên nhân vật trong kinh Phật. Nếu đây là một thử nghiệm sáng tạo, có giá trị, có kết quả, thì đề nghị được thuyết giải, minh chứng, trình bày rõ quan điểm, căn cứ để thực hiện.

Còn nếu ngược lại, nếu đây chỉ là một việc làm ngẫu hứng, tự phát, tùy tiện, tùy hứng, thì bài viết này là tiếng nói để bảo vệ sự chính xác, trong sáng của kinh Phật.

Chúng tôi chất vấn việc đổi tên nhân vật qua một trường hợp cụ thể, tên “Angulimala” trong bài “Kinh chuyển hóa nghiệp chướng” (sách đã dẫn, trang 227). Trong trường hợp này, tên nhân vật Angulimala được tự ý thay đổi thành “tên khủng bố Vòng Hoa Tay Người”, chính xác là giới hạn trong cụm từ viết hoa “Vòng Hoa Tay Người”.

Trước đây, do nhược điểm phải đọc Đại tạng kinh qua Hán Văn, nên cách dùng tên người, phiên âm tên người, phải chịu sự khúc xạ của chữ Hán, xa rời nguyên bản. Ngày nay do việc tiếp xúc trực tiếp với các kinh tiếng Pali, thì các danh từ riêng, đặc biệt là tên người, xuất phát từ kinh Pali, được giữ nguyên dạng chữ viết La tinh tiếng Pali hay phiên âm La tinh với gần như nguyên dạng Pali. Việc làm này rõ ràng đã đưa người đọc kinh đến với kinh Phật ở mức chính xác cao nhất so với lời từ kim khẩu Đức Phật. Đây là môt thành tựu lớn trong việc dịch kinh Phật, giúp những danh từ riêng giữ được cách phát âm gần như trong nguyên bản kinh Phật.

Thế nhưng, trong “Kinh Phật cho người tại gia”, một bản kinh soạn dịch để đọc tụng hàng ngày, thì lại có việc đi ngược lại với thành tựu nói trên. “Kinh chuyển hóa nghiệp chướng” trong phần “phụ lục 1 xuất xứ các bài kinh” có chú thích “nguyên tác là kinh Angulimala, thuộc kinh Trung bộ thứ 86” (trang 886, sách dẫn trên). Như vậy là đã có việc đổi tên tựa đề kinh, đổi từ một danh từ riêng (Angulimala) sang một cụm từ (chuyển hóa nghiệp chướng).

Xin hỏi thượng tọa soạn dịch, tại sao phải làm như vậy, mà không giữ nguyên tác căn bản khi xử lý dịch thuật, biên tập, xuất bản kinh Phật là tôn trọng nghiêm nhặt nguyên tác, bảo tồn sự chính xác tuyệt đối kinh Phật? Tiêu chí nào là căn cứ cho việc đổi tựa đề kinh, làm người đọc tất nhiên rối rắm, lúng túng khi tra cứu.

Tuy nhiên, điều đáng nói nhất là đổi tên nhân vật Angulimala thành Vòng Hoa Tay Người, và dùng kèm với một từ rất hiện đại là “khủng bố”.

Câu chất vấn được đặt ra ở đây là liệu đã có việc hiện đại hóa nhân vật đi xa khỏi kinh Phật hay không?

Chẳng rõ người soạn dịch hiểu từ “khủng bố” ra sao, nhưng đây là một khái niệm hiện đại.

Quyển sách có định nghĩa từ khủng bố được dịch ra tiếng Việt mới đây, quyển “Thập niên tiếp theo đế quốc và nền cộng hòa trong một thế giới đang thay đổi”, tác giả George Friedman, nhà xuất bản, Chính trị Quốc gia – Sự Thật, Hà Nội, 2014 đã giải thích rõ khái niệm khủng bố như sau: “khủng bố là một hành động bạo lực mà mục đích căn bản của nó là gây ra nỗi khiếp sợ và qua đó đạt được mục tiêu chính trị”.

Tiêu chí để xác định khủng bố đó là mục tiêu chính trị, mục tiêu cao nhất của hành động. Tác giả George Friedman đã minh họa rất rõ (trang 115): “Vụ đánh bom London của Đức trong Chiến tranh thế giới thứ hai là một trường hợp tấn công khủng bố, trong đó mục tiêu không phải là vô hiệu hóa khả năng tiến hành chiến tranh của Anh, mà là tạo ra một bầu không khí chính trị và tâm lý có thể chia rẽ công chúng và chính phủ, đồng thời buộc chính phủ phải ngồi vào bàn đàm phán. Hành động khủng bố của Palextin trong hai thập niên 1970 và 1980, từ âm mưu ám sát đến cưỡng đoạt máy bay, nhằm mục đích thu hút sự chú ý vào sự nghiệp của họ và tối đa hóa sự hiện diện của sức mạnh Palextin. Như tôi đã ra sức chứng minh, hành động khủng bố của Al Qaeda cũng nhằm mục tiêu chính trị. Vấn đề thật đơn giản: so với các nhiệm vụ chiến lược khác, nhiệm vụ chấm dứt khủng bố và hậu quả của nó cần nỗ lực ở mức nào?

Chính sách khủng bố thông thường được thực hiện thay cho hành động hiệu quả hơn. Nếu người Đức có khả năng hủy diệt hải quân Anh hay người Palextin có thể hủy diệt quân đội Ixraen, thì chắc chắn họ đã làm như vậy. Đó sẽ là một lộ trình trực tiếp và hiệu quả hơn hướng tới mục tiêu của họ. Chính sách khủng bố bắt nguồn từ sự yếu kém, đánh vào tâm lý để khiến kẻ khủng bố có vẻ mạnh mẽ hơn bản chất thực tế. Mục đích của kẻ khủng bố là muốn được coi là mối đe dọa lớn trong khi thực tế thì không phải như vậy. Đúng như hàm ý của từ “khủng bố”, kẻ khủng bố đang tạo ra một trạng thái tâm lý. Mục tiêu sau cùng của kẻ khủng bố là muốn được coi là một mối đe dọa kinh hoàng, bằng cách đó sẽ gây dựng nền tảng cho tiến trình chính trị mà kẻ khủng bố muốn khởi xướng. Một số [đối tượng khủng bố] chỉ muốn được coi là quan trọng. Al Qaeda muốn thuyết phục thế giới Hồi giáo hiểu rằng lực lượng của mình mạnh đến mức đã trở thành nỗi ám ảnh thường trực nhất trong tâm trí của người Mỹ”.

Như vậy, cách hiểu. cách dùng từ khủng bố đã rất xa với Angulimala, một kẻ cướp dùng bạo lực, không phải là một người làm chính trị bằng cách gây sợ hãi.

Đọc từ “khủng bố” trong “Kinh Phật cho người tại gia”, Kinh “Chuyển hóa nghiệp chướng”, tôi cứ nghĩ là có một bản kinh mới về Angulimala, trong đó, Angulimala làm… chính trị (!).

Nhưng điều đáng nói hơn là việc đổi tên Angulimala ra thành “Vòng Hoa Tay Người”. Căn cứ vào đâu để chọn một cái tên như thế mà đổi. “Vòng Hoa Tay Người” nếu tách riêng ra khỏi ngữ cảnh thì đây là một hình ảnh đẹp, tay người kết thành một vòng hoa, như trong các điệu múa.

Rồi tại sao là vứt đi danh từ riêng Angulimala ghi rõ trong kinh Phật? Lý do để loại bỏ từ này và thay bằng một cụm từ hình tượng nhưng tùy tiện, ngẫu hứng, tự tạo, tự chế.

Cũng theo cái cách ngẫu hứng, tùy tiện, thì sau này ai đó soạn dịch kinh Phật sẽ đổi tên thành “Xâu Chuỗi Tay Người”, “Đeo Dây Tay Người”, “Tràng Hoa Tay Người”, v.v…, đủ kiểu cũng được vậy?

Một câu hỏi chất vấn nữa, là người soạn dịch có phải không chỉ đổi tên nhân vật, mà muốn đưa ra một phương pháp, một cách thức tạo hình tên mới: Nếu như vậy thì kinh Phật sẽ rơi vào tình trạng biến dạng vô cùng vô tận, không còn sự chính xác.

Trong dịch thuật, danh từ riêng là yếu tố cần được cố định triệt để. Trong tổ chức biên soạn, danh từ riêng là yếu tố cần tôn trọng tối đa. Nếu không, Nguyễn Du có thể bị đổi sang tên (viết hoa) “Người Viết Truyện Thơ”, “Tài Hoa Sáng Tác”, “Vòng Hoa Văn Học”…, tùy ý.

Tôn trọng sự chính xác trong kinh Phật dịch thuật đã là một yêu cầu rất cao. Huống nữa đây là một bộ Kinh tụng, để tụng đọc hàng ngày. Kinh văn của Phật là thiêng liêng, theo tôi không ai có quyền muốn sửa là sửa theo ý mình, dù là làm cho hoa lá, màu mè, đọc nghe kêu tai, gợi hình.

Mong rằng thượng tọa trả lời chất vấn này. Có thể, vì một lý do riêng nào đó, theo một phương pháp riêng nào đó, từ đó có thể sửa đổi kinh Phật như vậy, mà người đọc chưa được biết, qua trả lời chất vấn sẽ được làm sáng tỏ.

Còn nếu không, cũng xin giải quyết vấn đề với tinh thần hộ pháp, bảo trọng, giữ gìn sự tuyệt đối chính xác của pháp bảo, sớm đính chính, phục hồi tên các nhân vật đã đổi về lại nguyên bản Kinh Phật trong lần tái bản gần nhất.

MT

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
19/07/2024(Xem: 570)
Có lẽ một lúc nào đó khi tầng nhận thức của chúng ta được nâng cao theo quá trình tiến hoá của sự tu tập, khiến cho lời khai thị đã chấn động, và tự nhiên khiến chúng ta sẽ nhìn nhận vấn đề đang được đề cập một cách sâu sắc hơn nhiều trong khi tâm linh là một lĩnh vực sâu và cần thời gian rất dài để khai sáng. Và người viết cũng từng được dạy rằng: “Trong vấn đề tu tập hãy dùng trí tuệ mình để tìm Phật chứ đừng được dạy gì thì nghe nấy, vì thực tế tuy chúng ta cần nghe những lời giảng về Ngài từ những người khác, nhưng chúng ta sẽ tìm Ngài trong sự chiêm nghiệm cuộc sống, trong sự biến đổi không ngừng của tự nhiên, trong mọi thứ với vị trí trí của mình ở tầng nhận thức nào.”
03/07/2024(Xem: 776)
Như vậy là các bạn học sinh sinh viên đã chính thức nghỉ hè. Với các em, đây là quãng thời gian quý giá để nghỉ ngơi, thư giãn, phát triển bản thân, tìm hiểu và học hỏi những gì hợp nhất, cần nhất, tốt nhất cho chính mình. Nắm bắt được nguyện vọng và nhu cầu này, năm nay một chương trình rất thú vị được tổ chức ngay trong những ngày tới. Với chủ đề “Ươm Mầm Thiện Nhân”, trại hè Phật Giáo tổ chức tại chùa Đại Tùng Lâm Hoa Sen mong muốn tạo môi trường sinh hoạt hè bổ ích giúp các bạn trẻ, đặc biệt là gieo thiện duyên để các em biết đến Đạo Phật và được trải nghiệm tu học Phật Pháp, tiếp thu những giá trị tốt đời đẹp đạo mà Đức Phật đã tìm ra và để lại cho chúng ta để ứng dụng vào đời sống học tập, làm việc, sinh hoạt hàng ngày.
30/06/2024(Xem: 549)
Đã tử lâu lắm rồi, người Phật tử đã nghe nói về thời mạt pháp. Nhưng mấy lúc gần đây nhân lỗi lầm của một hai vị sư khi thuyết pháp đã dấy lên một làn sóng nói rằng Phật Giáo tiêu ma rồi, thời mạt là đây chứ còn đâu nữa khiến hàng Phật tử hết sức dao động và lo lắng. Thế nhưng tại sao giữa thời mạt pháp mà: -Chùa Hoằng Pháp, Chùa Giác Ngộ liên tục tổ chức các khóa tu hoặc thuyết pháp hoặc giao lưu, xuất gia gieo duyên cho vài ngàn người, có khi lên tới cả chục ngàn bao gồm quý vị cao niên, thanh viên sinh viên và trẻ em?
25/06/2024(Xem: 430)
Sự xuất hiện của hành giả Thích Minh Tuệ đã tạo ra một biến động chưa từng có trong lịch sử Phật Giáo Việt Nam. Qua các triều đại Đinh, Lê, Lý Trần, Lê, Nguyễn và cận đại chúng ta có biết bao thánh tăng, danh tăng, thiền sư chứng đắc. tu hành cả đời, đã đóng góp vào sự hưng thịnh của đất nước đồng thời giữ gìn giềng mối đạo đức cho dân tộc. Thế nhưng chưa bao giờ có một khối người, có khi lên tới cả ngàn, tràn xuống đường, tung hô, bái lậy như bái lậy hành giả Thích Minh Tuệ. Họ coi đây như một vị thánh, một A La Hán, thậm chí một vị Phật Sống trong khi ông khẳng định mình chỉ là một công dân bình thường đang tụ tập theo lời dạy của Đức Phật.
22/06/2024(Xem: 884)
Thuyết âm mưu không phải là vấn đề mới, nó vốn xảy ra từ xa xưa, bên Đông hay bên Tây đều có cả. Khi một thế lực chính trị hay một nhóm nào đó muốn thay đổi cán cân quyền lực thì việc đầu tiên là tạo ra những dư luận xấu cho đối phương và có lợi cho mình để lèo lái tư tưởng quần chúng. Tạo ra dư luận giả chính là thuyết âm mưu vậy. Thuyết âm mưu tác động nhân tâm, điều này sử sách gọi là “tâm công” nghĩa là đánh vào lòng người!
12/06/2024(Xem: 958)
Gần đây trong việc học tập mới, người viết đã sử dụng Excel để làm một tờ lịch cho năm 2025 với những danh ngôn của các học giả uyên bác nhờ vậy mới chiêm nghiệm ra sự khác nhau quá xa giữa Tri Thức và Trí Tuệ trong đạo Phật. Quả thật vậy, AI chỉ giúp ta lượm lặt những hiểu biết của người khác rồi từ đó nghiên cứu nghiền ngẫm suy tư một cách rộng rãi hơn qua nhiều lĩnh vực khác nhau ( triết học, nhân văn, khoa học) để phát minh nhiều sáng tạo mới rồi trở lại sử dụng với kiến thức mới, mà chưa thể giúp con người có khả năng phát khởi những thành tựu tiến bộ tâm linh trên con đường giải thoát thông qua tinh tấn nỗ lực.
12/06/2024(Xem: 756)
Một buổi sáng thức dậy, bạn mở điện thoại lên, sẽ có nhiều những thông tin hiện ra trên một màn hình phẳng, đập vào mắt chúng ta sẽ là những dòng tin tức nóng hổi ở nhiều lĩnh vực, thể loại khác nhau, thông tin như một sa bàn, chằng chịt, đa dạng và dường như tiếp nối bất tận, có những thông tin thuộc về chính thống, có những thông tin trái chiều như cách người ta thường gọi và chia ra. Dường như chúng ta đang bị trôi trong dòng thông tin đa chiều phức tạp ấy, đôi lúc hỗn loạn và mù mịt, mù mịt không phải vì thiếu thông tin mà mù mịt vì quá nhiều thông tin đổ dồn về một lúc, khiến người ta khó có thể phân biệt được cái gì là thật, cái gì là giả. Con người cũng chia ra làm nhiều thái cực để tranh luận, phản biện, nhìn nhận vấn đề theo nhiều hướng khác nhau, mỗi nhóm tư duy sẽ bảo vệ lý lẽ, luận điểm cho mình và dường như khó tìm được một điểm chung đồng thuận. Như một quy luật tự nhiên, khi mặt đất bên dưới lớp nước bị dịch chuyển lên xuống đột ngột sẽ gây ra những đợt sóng
02/06/2024(Xem: 611)
Hiện nay hiện tượng hành giả Minh Tuệ đã đi vào thời điểm bùng nổ quá độ không sao kiểm soát được nữa. Đã có một người đàn ông 47 tuổi, từ Mỹ về hối hả tham gia cuộc đi bộ với hành giả Minh Tuệ, say nắng, mệt lả và chết tại bệnh viện Quảng Trị. Rồi lại có những người quá ái mộ nói rằng hành giả Minh Tuệ đã thành Phật hay là một vị Phật sống. Có thật hành giả Minh Tuệ đã thành Phật rồi chăng?
02/06/2024(Xem: 1797)
Trong một thời gian, cộng đồng Khoa học đã đưa ra những cảnh báo nghiêm trọng, về tình trạng khẩn cấp bởi môi trường toàn cầu, dự đoán một cuộc khủng hoảng với bằng chứng không thể chối cãi, đã chồng chất trong nhiều thập kỷ. Đại dịch là một trường hợp bệnh lây truyền từ động vật sang người, hệ sinh thái toàn cầu sẽ sớm rối loạn và sụp đổ và hậu quả là nguy cơ an ninh lương thực toàn cầu, sự cạn kiệt tài nguyên vật chất và biến đổi khí hậu đã đặt chúng ta vào một kỷ nguyên chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Mô hình kinh tế xã hội mà chúng ta đã đạt được, cá nhân và tập thể, buộc chúng ta phải lựa chọn giữa việc duy trì đặc quyền của mình hoặc tạo ra một hành tinh xanh, vì một không gian sinh tồn bền vững và hạnh phúc cho tất cả các thế hệ mai sau.
02/06/2024(Xem: 803)
Năm 2023 có đến 22.000.000 bài văn của sinh viên do AI viết, tỷ lệ giáo viên, giáo sư dùng AI để chấm bài cũng tăng thêm 23%. Hiện nay AI đã và đang xâm nhập vào mọi mặt của đời sống con người, làm thay con người, trợ giúp và cả làm hại con người. AI có thể viết sách, vẽ tranh, chụp hình soạn nhạc, lái máy bay, tàu chiến để bỏ bom một cách chính xác và theo như số liệu tin tức vừa nói ở trên thì tương lai sắp đến học sinh – sinh viên sẽ không làm bài, không viết bài, không làm luận văn nữa, giáo sư cũng không cần phải đọc bài, chấm bài… tất cả dùng AI khỏi tốn công tốn sức. Nếu cứ cái đà này thì con người không cần suy nghĩ, tư duy, động não. Con người chẳng cần cảm xúc, rung động từ tâm hồn hay trái tim nữa. AI làm thay tất cả cho người.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com