Chưa ai thực thụ hay đã “định cư„ Cõi Cực Lạc của Đức A Di Đà để biết thế nào rồi...hiện hồn về kể cho chúng ta nghe. Thế nhưng bấy lâu, dựa theo kinh sách và óc tưởng tượng của mọi người đều phác họa một cảnh giới cực lạc đầy hoa thơm cỏ lạ, suối róc rách reo, chim muông ca hót, mây lững lờ trôi, gió vi vu thổi, rừng cây sum sê ăn trái, núi bốc hương thơm, sông hồ cá lững lờ lội, và cả châu báu kim cương, mã não, hổ phách…đầy đường đầy nhà muốn lúc nào cũng có…!
Tại Chiang Mai – Thái Lan, trên ngọn đồi trà vắng vẻ xa hẳn phố thị, Thầy Thích Hạnh Nguyện, đại đệ tử của Hòa Thượng Phương Trượng chùa Viên Giác-Đức quốc, cũng đã tạo dựng một cảnh giới đặc biệt với tôn tượng Phật A Di Đà cao lớn sừng sững bên cạnh đức Quán Thế Âm, đức Thế Chí Bồ Tát soi mình trên hồ sen thất bảo, ban đêm du dương tiếng nhạc trời hòa trong mùi thơm của hương sen ngào ngạt. Xung quanh thấp thoáng ẩn trong những đồi trà là khu Thất Tăng, Thất Ni, Thất Ưu Bà Tắc, Ưu Bà di chưa kể 48 tháp và nhiều tôn tượng lớn nhỏ với hai ngôi đại tự, một dành cho Tăng và một dành cho Ni. Với khung cảnh như thế, Thầy Hạnh Nguyện đặt tên cho thế giới đó là Cực Lạc Cảnh Giới Tự dù Thầy mới chỉ tạo dựng tầng Hạ phẩm Hạ sanh.
Riêng tôi, cũng có một thế giới tôi cũng nghiễm nhiên tự cho là Cõi Cực Lạc tầng Hạ phẩm Hạ sanh nhờ phong cảnh hữu tình, núi đồi chập chùng, mây lãng đãng bay, rừng thông xanh ngát, không khí trong lành, phố phường sạch sẽ và nhất là cỏ xanh mượt mà như chiếc thảm nhung trải khắp nơi nơi vô cùng mát mắt. Bên cạnh cảnh sắc như vậy, từ vật chất lẫn tinh thần cuộc sống êm ả thanh bình, đất nước thịnh trị, người người an ổn làm ăn, không ai lo lắng lo sợ về tương lai bất trắc, ăn được ăn ngon, mặc phải mặc đẹp, ở được khang trang đầy đủ tiện nghi, bịnh, già được chăm sóc tử tế, đói có chính phủ lo…đó chính là nước Thụy Sĩ.
Và năm nay, 2014, trên cái cõi tôi đánh giá là cực lạc đó, còn một cảnh giới cao hơn mà đồng bào Phật tử khắp năm châu, nhất là Âu Châu nô nức tụ về để có cơ hội bước lên một bậc nữa thuộc tầng Trung phẩm Trung sanh đó là khóa tu học Phật Pháp Âu Châu tổ chức tại Thụy Sĩ!
Vậy bây giờ, xin mời bà con, nhất là những người ở nhà chưa có duyên lên…cõi trên để thưởng thức thế nào là cõi cực lạc hãy chịu khó theo tôi đi từng ngõ ngách của khóa tu học.
Này nhé, trước khi bước vào khóa học, mời bạn loanh quanh ra hồ Schwarzsee (hồ…đen) gần đó, mặc dù nước trong xanh ngăn ngắt. Ai…ác ôn đặt cho cái tên oan uổng thế nhỉ? Dzô dziên thiệt! Nhưng thôi, nhằm nhò gì mấy cái lẻ tẻ ngoài lề ấy, chỉ biết nội dung tốt là được rồi; như đứng trên bờ hồ trong cơn gió nhẹ hiu hiu thổi, dưới cái nắng hanh vàng của mùa hè Thụy Sĩ, thả hồn dõi mắt về phía trước mặt, không nhìn cũng thấy những hàng thông xanh in bóng trên đồi cao, có đàn bò gặm cỏ để nghe tiếng lục lạc leng keng đeo trên cổ bò; và dưới chân đồi, một hồ nước trong xanh lững lờ đưa chị vịt lẻ loi thong dong bơi lội lướt nhẹ trên mặt hồ, chị còn cả gan bơi sát vào bờ du mỏ chờ xem chúng tôi có ném bánh mì cho chị không. Giữa vật và người thân thiện như…quen nhau từ kiếp trước…, thật thấy cõi đời này êm ả du dương biết chừng nào. Khóa học tọa lạc ở cõi thần tiên như thế đấy.
Thôi nhé, ngắm cảnh đủ chưa nào, bây giờ mời bạn vào văn phòng, nơi có vị bệ vệ như đấng Bố Đại Hoà Thượng với cái bụng…bầu, ồ không, bụng…bự như Phật Di Lặc ngự trị ở một góc phòng, đó là Thầy Thích Quảng Đạo, cùng nhiều Phật tử bao năm qua chuyên lo việc hành chánh cấp…visa cho chúng ta nhập vào cõi cực lạc. Học phí ăn ở tượng trưng 150 Euro thôi cho 10 ngày (lệ phí này mới chỉ trang trải đáp ứng cho tiền phòng). Đây là giá hời mà từ xưa nay, Cố Hòa Thượng Thích Minh Tâm, người thành lập đạo tràng, lúc sinh thời ấn định để bà con dễ dàng tham dự. Thiếu hụt tính sau, hy vọng người giàu san sẻ cho người nghèo để giàu nghèo gì cũng có cơ hội hưởng phước, kết duyên với Phật. Bây giờ, đóng học phí xong và nhận “visa„ xong (đó là sợi dây chuyền…vải màu vàng, chứ không phải dây chuyền…vàng 24 ca ra nhé, có bảng tên đeo cổ) xong tôi đưa bạn về phòng.
Bạn thấy đấy, phòng ốc năm nay rộng rãi, mỗi người một giường với nệm, chăn và gối; phòng vệ sinh, tắm rửa đều tiện nghi đầy đủ, thoải mái, vì đây là trại lính do chính Sư Ông quá cố đặt tiền cọc giữ chỗ trước. Tiền thuê cả hội trường tuy đắt 65 ngàn Euro cho 10 ngày, nhưng Hoà Thượng cứ liều rồi tới đâu hay đó. Cuối cùng nhờ phép Phật nhiệm mầu và cũng nhờ Thầy Quảng Hiền chùa Trí Thủ, trưởng ban tổ chức tại Thụy Sĩ biết vận động các cửa hàng Á Châu cùng Phật tử cúng dường thực phẩm đã biến niềm lo lắng thành niềm vui, chẳng riêng cho Thầy mà còn cho tất cả Chư Tôn Đức và đạo hữu Phật Tử. Tuy vậy, vẫn có một số đông ngoài dự liệu vì đăng ký trễ, đến trễ phải nằm giường xếp, hoặc ngoài hành lang…nhưng mọi người ai nấy đều hoan hỉ chấp nhận nếu có phải “ăn chay nằm đất„ vì là Phật tử mà. Nam Mô A Di Đà Phật!
Nhận phòng và cất hành lý xong, mời bạn vào chánh điện để đảnh lễ Phật. Sao, bạn thấy chánh điện thế nào? Trang nghiêm và đẹp đẽ quá phải không? Đó là công lao của Thầy Thích Nguyên Lộc và ban hương đăng đấy. Bao năm, năm nào cũng vậy, Thầy Nguyên Lộc, như một họa sĩ phải tự phác họa một bức tranh sống động mỗi năm mỗi khác lạ để mọi người thưởng thức. Nhìn lên chánh điện, chiêm ngưỡng tôn tượng Đức Thế Tôn, bạn thấy lòng an lạc lắm phải không? Đã bảo là Cõi Cực Lạc mà! Bạn cùng tôi đảnh lễ Phật đi nhé, xong, tôi đưa bạn vào phòng ăn.
Đi đường xa mệt, có tô phở nóng, ngon quá phải không bạn. Đây là công lao của ban trai soạn tất bật với công việc mà mặt mày ai nấy hoan hỉ ghê chưa. Tại nhà, chỉ lo phần cơm cho chồng con, bạn đã thấy chóng mặt rồi, thế mà tại đây cho hằng ngàn người, liên tục 10 ngày, ngày ba bữa: sáng, trưa, chiều tối giờ giấc rất chính xác: sáng 8 giờ điểm tâm, trưa dùng quá đường lúc 12 giờ, chiều đúng 18.30 thật đáng thán phục! Bạn nhớ kỹ nhé, không chỉ riêng giờ ăn như thế mà tất cả giờ tụng kinh cũng như học giáo lý ngày ba thời đều như thế (xin bạn đọc tờ chương trình của cả khóa học niêm yết ở khắp các cửa ra vào).Có như thế mới gọi là tu học. Và có tôn ti trật tự như thế, không hổ lốn hổ láo mới gọi là Cõi Cực Lạc. Bạn cứ trải nghiệm thử đi để rồi nhận ra rằng tổ chức khoá học Âu Châu đáng cho chúng ta phải nghiêng mình thán phục đó.
Lo việc ngủ nghỉ, ăn uống, tụng kinh xong rồi, điểm chính yếu phải học giáo lý. Vào đây không để chơi đâu bạn nhé. Ngay chính bạn cũng có công việc để làm: Ban hành đường (dọn bàn hay rửa chén), ban trai soạn, ban vệ sinh, ban hương đăng, công quả hay văn phòng…v.v…và…v.v…mỗi người tự chọn vào ban thích hợp. Làm là phục vụ cho nhau, chia xẻ nhau gánh vác mọi công việc theo châm ngôn “Phục vụ chúng sinh là cúng dường Chư Phật".
Học giáo lý có 4 cấp. Cấp 1 (1 có 3 lớp:1 và 1a,1b) dành cho trẻ nhỏ và thanh thiếu niên, cấp 2 dành cho người mới đến, cấp 3 cho những thâm niên trường kỳ chiến đấu cho đến khi thành Phật. Cấp 4 dành cho tu sĩ. Bạn mới đến xin vào cấp 2. Tuy nhiên, nếu bạn ngồi ngay cấp 3 vẫn không sao, vì các bài giảng của mọi lớp đều độc lập, không theo tuần tự như các lớp ở trường đời, do đó không ai cấm bạn…trèo cao, chỉ sợ bạn ngủ gục rồi…té xuống cấp 2 thôi.
Bạn rõ rồi ấy nhé. Bây giờ ta vào lớp thôi!
Tôi vào lớp 3, không phải do tôi giỏi đâu nhé mà do tôi…lão thành. Tham dự gần 20 khóa rồi mà tôi cứ ngồi mãi lớp này không lên nổi lớp 4 thì giỏi sao được?! Bạn lo học đi nhé, lớp 2 ấy, rồi sau đó, tôi và bạn trao đổi cho nhau những điểm chính yếu khiến cho bạn và tôi nhớ mãi không quên.
Bây giờ khóa học 10 ngày đã trôi qua, bằng cấp tu học ai cũng có. Tôi không ngờ bạn đậu thủ khoa lớp 2 dù bạn mới nhập học và bạn lại là tín hữu Thiên Chúa Giáo. Eo ơi, Trời ơi, tôi không ngờ bạn giỏi như vậy, được Phật độ đặc biệt đây rồi. Bồ Tát hóa thân đây rồi. Tôi cứ tròn xoe mắt ngạc nhiên khi nghe bạn kể, bạn theo Phật do nhân duyên đọc và nghe các bài giảng ở trên mạng, bạn thấy thích hợp, tìm hiểu kỹ rồi theo. Bạn đã từng qui y cách đây một năm và bây giờ ngay khóa học này thọ ngay Bồ Tát Giới. Wow, bạn tiến bộ và tinh tấn nhanh quá, tôi phải níu áo bạn mới được vì như bạn, thế nào cũng sớm thành Phật để độ tôi với.
Nhưng bạn ơi, bạn thọ Bồ Tát Giới dù tại gia không dễ đâu nha, phải nghiêm chỉnh giữ giới: 10 giới trọng và 48 giới khinh (giới nhẹ) và thực hiện đúng những điều đã thọ nguyện, phát nguyện. Trước tiên là bạn đừng mơ vào…Cõi Cực Lạc của cô Nhật Hưng tả đâu nhá mà là xuống ngay địa ngục không phải do bị đọa mà là để độ chúng sinh ở cõi đó. Với tâm Bồ Tát, tâm hóa độ chúng sinh “chúng sinh vô biên thề nguyện độ„ mà lị, thì hạnh phúc cao cả của người thọ giới là làm cho người khác hạnh phúc. Khổ trước cái khổ của người khác và vui sau cái vui của nguời khác. Như Ngài Địa Tạng Bồ Tát, ngự mãi địa ngục vì thề nguyện khi nào tất cả chúng sinh ở địa ngục thành Phật thì ngài mới thành Phật. Người thọ Bồ Tát Giới là như vậy đó, chứ không phải do bè bạn rủ rê cho đủ số lượng quí Thầy mới làm lễ thọ giới, khi bạn chưa ý thức rõ vai trò, trách nhiệm của Bồ Tát, hoặc khoác áo cho oai, cho đẹp theo phong trào, được ưu tiên ăn trên ngồi trước rồi…chảnh nha bạn!
Bạn ơi, những ngày ở khóa học, bạn học và hiểu gì kể tôi nghe với.
Quá khứ không truy tìm.
Tương lai không ước vọng.
Quá khứ đã đoạn tận.
Tương lai lại chưa đến.
Chỉ có pháp hiện tại.
Tu tập là trên hết.
Và tu tập là như thế nào hở bạn? Tu tập là định tâm biết giữ gìn Thân- Khẩu- Ý. Thân không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm. Khẩu không vọng ngôn, ỷ ngữ, lưỡng thiệt (nói lời hai chiều), ác khẩu. Ý không tham, sân, si. Có tu tập được như vậy trí huệ sẽ phát sinh để nhìn ra sinh tử luân hồi rồi rút ngắn con đường sanh tử, và sớm thành Phật. Mà muốn thành Phật bắt buộc phải giữ giới, vì giới là nền tảng của đạo đức không những gìn giữ hạnh phúc an tịnh cho mình, cho gia đình mình mà còn cho mọi người. Người biết tu tập là người biết thể hiện lòng từ bi nữa. Chỉ cần thể hiện một việc nhỏ nhoi thôi, chọn đồ xấu cho mình, dành đồ tốt cho người là đã tỏ lòng từ bi cho người rồi đấy, chưa nói đến những việc to tát rộng lớn hơn.
Có một câu chuyện đạo kể rằng, người em đi chợ mua trái cây mang về khoe với anh. Khi mở ra, toàn những trái cây trầy trụa sứt mẻ, người em bực mình nói: “Em đã chọn những trái tốt, thế mà người gói đã tráo những trái xấu cho em„ Người anh đã không trách em, thản nhiên cười nói: “Lần sau đi mua, em cứ chọn trái xấu mà lấy, đó là thể hiện lòng từ với người khác và giúp người bán khỏi tội tráo trở„ Chao ôi, sao mà tuyệt vời thế, trên cả tuyệt vời luôn. Là Phật tử bấy lâu ai đã thực hiện được như vậy hè?! Tôi thì…chưa!!!
Bạn ơi, ở khóa học, nhiều Thầy còn giảng…cao siêu lắm, chị Hoa Lan, người từng hai lần lãnh giải nhì về giáo lý, đã kể lại hết trong bài “Giáo Hội Mồ Côi„ cũng viết về khóa tu học này nè, bạn tìm đọc sẽ hiểu thêm nhé. Lần thi khóa này, chị Hoa Lan quyết giựt thủ khoa, chỉ bởi…trốn học một buổi ở lớp 3 để xuống lớp 2 phát hành sách mà chịu nhân quả tuột cả chì lẫn chài đấy, thế mà điểm vẫn khá cao…xém thủ khoa đó nha bạn. Còn tôi, tôi và bạn bàn chuyện “thấp siêu„ là là dưới đất thôi bạn nhé, những chuyện thông thường trước mắt mà một Phật tử ai cũng thực hiện được đó là bố thí, mà là bố thí Ba La mật theo lời giảng của Thầy Hoằng Khai nữa cơ, nếu không, bố thí mà thiếu bồ đề tâm sẽ hại mình hại người, tạo cho người nghèo sinh lòng tham mà thôi.
Vậy, bố thí Ba La Mật là gì? Là bố thí với cái tâm thanh tịnh, không thấy vật bố thí, không thấy mình bố thí và không thấy người nhận bố thí.
Bố thí là sự thể hiện lòng nhân từ muốn giúp chúng sanh, hành thiện với tâm bồ đề, tâm kiên cố. Có ba cách để thể hiện sự bố thí, bố thí với tâm:
- Kính điền: như cúng dường Tam Bảo.
- Ân điền: như tri ân cha mẹ, sư tổ dạy dỗ mình.
- Bi điền: với lòng thương tưởng người cơ nhỡ, đau khổ.
Tuy nhiên, bố thí còn cần sự trợ lực của Bát Chánh Đạo:
- Tin nhân quả mà bố thí: Đó là chánh kiến.
- Bố thí trong thanh tịnh suy nghĩ chân chánh: Chánh tư duy.
- Thanh tịnh nói năng: Chánh ngữ.
- Cung kính bố thí với thân khẩu ý thanh tịnh: Chánh nghiệp.
- Bố thí không cầu báo đáp: Chánh mạng.
- Siêng năng bố thí, tinh tấn làm thiện: Chánh tinh tấn.
- Niệm tưởng bố thí, luôn nghĩ việc bố thí: Chánh niệm.
- Dồn vào một chỗ để bố thí: Chánh định.
Bố thí với những cung cách như vậy mới là Phật tử, con ngoan của Phật, và mới được phước, chứ bố thí với lời ác khẩu: “Mày ăn cho mau rồi…xéo nhanh khuất mắt tao đi nhé„ hoặc là: “Tao nuôi mày lớn, sau này mày thành ông kia bà nọ, mày nhớ trả ơn tao nghen„…v.v… và…v.v…như vậy thì chẳng thà đừng bố thí còn được phước hơn!
Ngoài ra, người Phật tử hành bố thí là làm tất cả phương tiện gì để giúp chúng sinh, ngay cả việc tụng kinh cầu nguyện cho chúng sinh cũng là bố thí.
Sự bố thí chính là tinh thần tạo phước, làm phước. Nếu biết làm phước, ví như cái giếng, múc nước ra dùng thì nước mới ra tiếp. Còn đậy nắp giếng, không dùng, nước chẳng những không ra nữa, trái lại lâu ngày giếng tạo thán khí chết người như chơi!
Khi có phước rồi, tích tụ nhiều phước đức không chỉ đời này mà còn từ bao kiếp trước thì cuộc đời mới an nhàn thênh thang. Thầy Thái Siêu đã chẳng đánh giá và xếp loại nấc thang của đệ nhất phước là sẽ ít hay không bịnh tật đó. Đệ nhất thiện là gặp bạn thiện tri thức. Đệ nhất phú là biết đủ. Biết đủ thì chẳng bao giờ cảm thấy thiếu để mà đau khổ. Người giàu nhất thế giới là người tri túc!
Làm phước bố thí như kể trên để thấy lòng vui, an lạc. OK. Chứ bố thí để được 32 tướng tốt như lời Thầy Hoằng Khai lấy từ dung nhan, sắc đẹp của …của…súc vật như: mắt bồ câu, mắt phụng (mắt hí- phải tốn tiền sửa cho mắt to ra-), mày ngài (mày rậm rạp- tốn công nhổ-), bắp đùi nai, tay vượn (tay dài quá gối- trong khi thời đại này thiên hạ cần chân dài-), vai sư tử, hai má như sư tử, mí mắt như mắt trâu chúa.. v.v…thì tôi không nhận đâu. Thử ra đường gặp chị bạn mới vừa sửa sắc đẹp về, mình…khen: “Chị sửa mí mắt xong đẹp như mắt…trâu chúa„ mặc dù mắt trâu theo nhân tướng học được trường thọ và giàu có nhưng nghe vẫn không lọt tai tí nào, không chừng còn bị ăn đấm!
Thôi nhé, bạn nhé, giáo lý học…cỡ đó: Biết giữ giới, biết tu tập, có thêm lòng từ bi biết bố thí, nếu thực hành được mới có giá trị và cũng đủ thành Phật rồi. Vậy tôi cùng bạn cố gắng tu tập nhé. OK?!
Bạn ơi, qua lời tôi kể trên, và 10 ngày bạn sinh hoạt ở khóa học, thân tâm bạn an lạc, bạn được sống với toàn thiện hữu tri thức, sống với tình đời nghĩa đạo, những cảm giác nhẹ nhàng êm ái cứ len lỏi vào tâm hồn bạn, bạn có nhận ra đó là Cõi Cực Lạc không. Đúng há bạn. Thế thì, bạn có biết ai là người tạo ra cõi cực lạc cho chúng ta hưởng không, chính nhờ công lao thành lập đạo tràng này của cố Hoà Thượng Thích Minh Tâm, viện chủ chùa Khánh Anh Paris, người cả đời hy sinh cho đạo tới hơi thở cuối cùng, mà giữa khóa học có lễ tưởng niệm người đã khuất đấy. Chúng ta, nếu tri ân Thầy, thì cố gắng duy trì cõi cực lạc này thể hiện qua nếp sống đạo, bạn nhé.
Cuối khóa học thường có một ngày niệm Phật để lắng lòng hướng về cõi tịnh độ. Nếu Cõi Cực Lạc hôm nay tôi ví ở tầng Trung phẩm Trung sanh, thì ta sẽ lên một bậc nữa là Thượng phẩm Thượng sanh đó bạn.
Một đêm văn nghệ trước khi chia tay như níu kéo những giây phút êm đềm, những kỷ niệm mà chúng ta quây quần bên nhau trong khóa học, cho mọi người thư giản đầu óc sau những ngày học hành căng thẳng. Và sinh hoạt văn nghệ cũng dễ giúp mọi người mở rộng lòng để đón nhận nhau, gần gũi xích lại gần nhau hơn. Riêng năm nay, vì là năm đầu vắng bóng Sư Ông Khánh Anh, nên chủ đề hướng về tưởng niệm thương nhớ Sư Ông. Bao giọt nước mắt lại lặng lẽ đổ xuống…khôn nguôi!
Thôi nhé, chào bạn, hẹn gặp bạn ở khóa tu năm tới nha. Chúc bạn những ngày vui vẻ và tinh tấn trên đường đạo.
Trần Thị Nhật Hưng
Thụy Sĩ 2014
Hình ảnh ghi nhận tại khóa tu học Âu Châu
kỳ 26 tại Thụy Sĩ năm 2014