Đặc trưng về
Đại lễ Vesak tại một số nước châu Á
Vesak là một ngày lễ trọng đại được những người đệ tử Phật ở các nước Á châu tổ chức hàng năm. Ngày này thường rơi vào ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch. Tuy nhiên, tại một số quốc gia, ngày lễ Vesak được tổ chức vào những ngày khác nhau. Mặc dù Vesak là ngày kỷ niệm ba sự kiện trọng đại trong cuộc đời Đức Phật - Đản sanh, Thành đạo và Nhập diệt, nhưng tại một số nơi, Vesak chỉ là Đại lễ kỷ niệm sự kiện Đản sanh của Đức Phật.
Ngày Vesak tại Hàn Quốc, diễu hành lồng đèn trên đường phố Seoul
Đại lễ Vesak ở Singapore
Tại Singapore, Vesak luôn được tổ chức vào tháng 5 và đây là một lễ hội thường niên vô cùng quan trọng. Năm nay, ngày lễ Vesak tại Singapore rơi vào ngày 13-5.
Đông đảo Phật tử và người dân quy tụ về các chùa để dự lễ. Bên trong chánh điện các chùa, chư Tăng và Phật tử tụng kinh liên tục. Rất nhiều tín đồ Phật tử phóng sanh chim, cá để cầu phước. Vào ngày này, những người Phật tử trẻ ở Singapore thường tổ chức các chương trình hiến máu nhân đạo và tặng quà cho người nghèo. Vào các buổi tối, Phật tử thường tổ chức nghi thức rước nến đi bộ trên các đường phố.
Đại lễ Vesak tại Indonesia
Ở Indonesia, người ta gọi lễ Vesak là Waisak. Năm nay, lễ Waisak tại Indonesia rơi vào ngày 14-5. Theo truyền thống, lễ Waisak chủ yếu được tổ chức tập trung tại khu đền Bodobudur ở miền Trung Java.
Cộng đồng Phật giáo tại Indonesia thường tổ chức lễ Waisak gồm các nghi thức như: Lấy nước thiêng từ ngọn suối Jumprit ở vùng ngoại ô Temanggung và thắp đuốc với ngọn lửa vĩnh cửu của Mrapen, ở Grobogan; Thực hiện nghi thức “Pindatapa” - dâng cúng phẩm vật lên chư Tăng để tưởng nhớ đến việc chư Tăng đã cống hiến cả cuộc đời cho đạo pháp; Tọa thiền vào lúc đỉnh điểm của trăng tròn. Việc xác định trăng tròn được dựa trên tính toán của thiên văn học, do đó, đỉnh điểm của trăng tròn cũng có thể xảy ra vào ban ngày. Ngoài ra, trong ngày lễ Waisak, Phật tử Indonesia còn tổ chức đi kinh hành, diễu hành và các tổ chức hoạt động nghệ thuật.
Đại lễ Vesak tại Malaysia
Ở Malaysia, Vesak được gọi là Wesak - lễ hội quan trọng nhất của Phật giáo ở quốc gia này. Weksak 2014 tại Malaysia được tổ chức vào ngày 13-5.
Ngay từ tinh sương, Phật tử Malaysia đã tề tựu về các chùa trên khắp đất nước để cử hành lễ kỷ niệm. Họ thượng cờ Phật giáo và hát đạo ca để ngợi ca ngày Tam hợp thiêng liêng. Nghi thức cử hành đại lễ thường gồm lễ cầu nguyện, tụng niệm, cúng dường Tam bảo và đặt bát cúng dường chư Tăng. Bên cạnh đó, trong ngày này, người Phật tử cũng thường đem hoa, nến, nhang đèn đến chùa để cúng Phật và mua chim, cá phóng sanh.
Đại lễ Vesak ở Sri Lanka
Giống với Malaysia, ở Sri Lanka, Vesak được gọi là Wesak, thường diễn ra trong hai ngày. Năm nay, tại Sri Lanka, lễ Wesak được tổ chức vào ngày 13 và 14-5.
Trong hai ngày này, việc bán rượu và thịt bị cấm tuyệt đối theo nghị định của chính phủ. Dịp này, người dân phóng sinh rất nhiều chim, côn trùng và động vật.
Lễ kỷ niệm thường bao gồm nhiều nghi thức tôn giáo và đặt bát cúng dường chư Tăng. Những lễ đài Phật giáo thắp điện sáng trưng được dựng lên tại nhiều địa điểm khác nhau. Mỗi lễ đài thường minh họa một câu chuyện lấy từ 550 câu chuyện tiền thân của Đức Phật.
Ngoài ra, những chiếc đèn lồng đầy màu sắc, gọi là Vesak koodu, được treo dọc theo các đường phố và phía trước nhà dân. Nhiều tín đồ Phật tử phát tâm mặc áo quần trắng đơn giản và dành cả ngày trong chùa để thực hành Bát quan trai giới. Người Phật tử cũng thường lập những gian hàng dọc đường đi để bố thí thực phẩm và nước uống đến những người khách qua đường.
Lễ đài Phật đản tại Sri Lanka
Ở Ấn Độ, ngày lễ Vesak được gọi là Buddha Purnima (Ngày trăng tròn Đức Phật). Vào ngày này, người Phật tử không ăn thịt, đây được xem là một hành động thể hiện lòng từ bi đối với loài vật. Một số người còn lập các gian hàng dọc đường nhằm cung cấp miễn phí thức ăn và nước uống sạch cho mọi người. Lễ Buddha Purnima 2014 tại Ấn Độ được tổ chức vào ngày 14-5.
Trong ngày này, người Phật tử ở Ấn Độ thường đến các chùa, các tu viện để dự lễ và họ được nhà chùa cho ăn một bát cháo gạo pha sữa, được gọi là Kheer, xem như là một cách để gợi nhớ lại sự kiện nàng Tu-xà-đề dâng bát cháo sữa lên Đức Phật trong lúc Ngài đang tu tập.
Đại lễ Vesak ở Nhật Bản
Ở Nhật Bản, lễ Vesak được gọi là lễ Kanbutsu-e (Quán Phật hội), hoặc Yokubutsu-e (Dục Phật hội). Trước đây, lễ hội này thường được tổ chức vào ngày mồng 8 tháng Tư theo lịch Trung Quốc. Nhưng hiện nay, ngày lễ Kanbutsu-e được tổ chức vào ngày 8 tháng Tư dương lịch.
Vào ngày Kanbutsu-e, tín đồ Phật tử và người dân thường đến chùa cầu nguyện và dự lễ tắm Phật. Người ta dùng một loại nước thơm được pha chế từ một loại trà để tắm lên tượng Phật đản sanh với tất cả lòng thành kính.
Đại lễ Vesak tại Hàn Quốc
Tại Hàn Quốc, ngày Vesak được tổ chức theo lịch Âm dương và được gọi là ngày Seokga tansinil (Ngày Đản sanh của Đức Phật), hoặc ngày Bucheonim Osin nal (Ngày Đức Phật giáng trần). Năm 2014, lễ Seokga tansinil được tổ chức vào ngày 6-5.
Trong ngày này, các chùa đều treo lồng đèn hoa sen xung quanh chùa trong suốt cả tháng và trên các phố phường cũng được treo lồng đèn rực rỡ. Nhiều ngôi chùa cung cấp thức ăn chay miễn phí và trà cho tất cả các du khách đến chùa.
Những năm gần đây, dịp lễ Seokga tansinil, tại Seoul, Phật tử Hàn Quốc thường tổ chức tổ chức lễ hội Lồng đèn hoa sen với nội dung phong phú, đặc sắc, thu hút được sự tham gia đông đảo của mọi người. Nhiều du khách nước ngoài cũng rất thích thú khi được tham gia vào các hoạt động của lễ hội.
Đại lễ Vesak ở Thái Lan
Tại Thái Lan, lễ Vesak được gọi là lễ Visakha. Visakha được là một trong những lễ hội lớn, được tổ chức trên khắp cả nước. Lễ Visakha năm nay tại Thái Lan được tổ chức vào ngày 13-5. Tuy nhiên, lễ hội đón mừng ngày Visakha có khi được tổ chức kéo dài hơn cả tuần lễ.
Vào ngày Visakha, mọi người sẽ quy tụ về các chùa để cầu nguyện và bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đến Đức Phật. Trong ngày này, chư Tăng thường thuyết giảng giáo lý, chủ trì các khóa lễ suốt ngày, và các chùa thường tổ chức nghi thức thắp nến diễu hành khi đêm đến.
Đại lễ Vesak được tổ chức tại Thái Lan
Tại Trung Quốc - Hồng Kông - Đài Loan, ngày Vesak được gọi là ngày Guanfo (Tắm Phật) hoặc là ngày Yufo (Phật đản), được tổ chức vào ngày mồng 8 tháng Tư âm lịch hàng năm. Lễ kỷ niệm được bắt đầu từ sáng sớm. Tín đồ Phật tử tề tựu về các chùa từ tinh sương để hành thiền và tham dự khóa lễ tụng kinh, cầu nguyện dưới sự dẫn dắt của chư Tăng Ni.
Ngày này, những người đệ tử Phật thường cùng nhau đến thăm các trại trẻ mồ côi, các viện dưỡng lão, các trung tâm từ thiện để hỗ trợ tiền mặt và tặng quà cho những người nghèo khó. Họ cũng phóng sanh rất nhiều chim và cá. Nghi thức tắm Phật là một trong những nghi thức quan trọng của lễ Guanfo. Người ta dùng nước thơm để tắm lên tượng Phật đản sinh.
Minh Nguyên tổng hợp
Gửi ý kiến của bạn