Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Nổi Đau Của Bé Chi Yeon 5 tuổi

20/04/201407:53(Xem: 14504)
Nổi Đau Của Bé Chi Yeon 5 tuổi

Be_Kwon
Nổi Đau Của Bé Chi - Yeon 5 Tuổi

(Khi chuyến phà Sowel bị đắm thảm khóc: 16/04/2014)

Sáng nay sương động trên cành
Mà như nước mắt lanh đanh phương nào
Tuổi thơ chưa biết ước ao
Chợt đâu nỗi khổ ba đào ập lên.

Chuyến phà nghiệt ngã khắc tên (Sowel)
Cướp đi sinh mạng bao người buồn thay
Một gia đình nhỏ chẳng may
Cùng chung số phận một ngày buồn tanh.

Theo cha mẹ cùng người anh
Lên phà vượt biển để đành sinh nhai
Hoạn nạn tiếng sét bên tai
Cướp đi tất cả để lại Bé thơ.

Một mình đứng khóc bơ vơ
Ông Kim thấy được sống nhờ từ đây
Chuyển tay bốn người trong tay
Cùng nhau thoát nạn mới hay kiếp người.

Bé gái mới năm tuổi đời
Mà nay cha mẹ phương trời nào đây
Nước mắt dù có đong đầy
Cũng không tả hết khổ này trần ai.

Xin Mẹ hóa thân Như Lai
Dang tay cứu lấy mảnh đời bé thơ
Để Bé thoát kiếp bơ vơ
Có nơi an ổn như đời Bé thơ.

Liễu Nguyên xin cảm thông nơi đây.



kwon-ji-yeon-02

Bé Kwon Chi – Yeon mang trong mình hai dòng máu: Mẹ là người Việt Nam (xem bài), Bố là người Hàn Quốc. Theo Cha Mẹ và anh trai mới 6 tuổi lên chuyến phà Sewol để đến đảo Jeju lập nghiệp. Thật không may, chuyến phà chở hơn 476 (trong đó phần lớn là học sinh) người đã gặp đại nạn bị đắm chìm vào ngày 16/04.

Hiện tại lực lượng tuần duyên Hàn Quốc đã cứu sống được 174 người, 108 người đã chết, những người còn lại vẫn còn mất tích hoặc bị kẹt lại trong phà đã bị đắm chìm hoàn toàn (mà khả năng sống sót nay đã hết) trong đó có gia đình của Bé Chi – Yeon. Theo lời ông Kim người đã sống sót kế lại thì thấy Bé đứng một mình bơ vơ khóc trong Cabin, Ông đã ôm chặt bé và chuyển tay thêm 4 người nữa mới cùng nhau thoát chết. Khi cấp cứu ở bệnh viện bớt hoảng loạn, Bé kể lại rằng: đã được anh trai 6 tuổi và Mẹ mặc áo phao và đẩy lên Cabin và nhắn nhủ rằng: “Mẹ và anh hai không có áo phao nên không đi cùng con được”. Thật cảm động, Anh trai bé mới 6 tuổi mà đã biết nhường sự sống cho người Em mình gái 5 tuổi.

Cảnh đau thương của nhân thế không sao mà tả nỗi nên lời. Xin hết thảy nhân loại cùng chia sẻ những nỗi đau và mất mát lớn lao này mới phần nào cảm thông nỗi đau cùng Bé Kwon Chi mới 5 tuổi mà phút chốc đã mất hết cả gia đình. Phải chăng tình Mẹ cao cả như vậy nên chư Phật mới tôn xưng Cha Mẹ như Phật tại tiền? Xin cầu nguyên cho hết thảy hương linh tử nạn trọng vụ chìm phà Sowel được vãng sanh về cỏi Tịnh Độ.

Xin chia buồn với những thân nhân đã mất đi những người thân trong vụ phà Sowel bị đắm chìm ngoài khơi Hàn Quốc (16/04), nguyện cầu hết thảy nhân loại luôn được sống trong bình an và hạnh phúc.

Tin tức và ảnh từ: http://thongtinhanquoc.com/sewol-be-gai-5-tuoi-goc-viet-kwon-ji-yeon/

Chìm phà Sewol: Bé gái 5 tuổi gốc Việt Kwon Ji Yeon mất gia đình


Nối tiếp những nỗi đau là câu chuyện về gia đình bé Kwon Ji Yeon 5 tuổi. Gia đình bé Ji Yeon đang trên đường đến Jeju để xây dựng cuộc sống mới sau 5 năm làm lụng tích cóp tiền của.

Kwon Ji Yeon 5 tuổi là con thứ hai trong gia đình đa văn hóa Hàn – Việt, anh trai của bé 6 tuổi.

Chị Pha Ngọc Thanh (29 tuổi, tên tiếng Hàn là Han Yun Ji) cùng chồng là Kwon Jae Geun (51 tuổi) đã cùng nhau lao động cật lực trong 5 năm ở Seoul bằng nghề lau chùi cầu thang trong các khu chung cư.

Ngày 16/4/2014 gia đình chị Thanh và anh Kwon Jae Geun cùng hai con lên phà Sewol để chuyển nhà tới Jeju. Tại đây, gia đình chị Thanh sẽ gây dựng một trang trại trồng quýt như chồng chị vẫn mơ ước.

Khi thảm họa chìm phà Sewol ập đến, gia đình chị Thanh chỉ có duy nhất một chiếc áo phao. Chị Thanh đã mặc áo phao cho bé Ji Yeon và đẩy bé ra khỏi phà với lời nhắn nhủ rằng mẹ và anh không có áo phao nên không ra được.

Sau khi bé Ji Yeon được cứu, các nhân viên cứu hộ không thể xác định được nhân thân của bé, nhưng may thay một người thân của bố Kwon Jae Geun đã tìm đến Jindo ngay sau khi tai nạn xảy ra để xác định danh tính cho bé Ji Yeon.

Hiện tại, cả bố mẹ và anh trai của bé Ji Yeon vẫn đang nằm trong danh sách những người mất tích.

Chìm phà Sewol: Bé gái 5 tuổi gốc Việt Kwon Ji Yeon mất gia đình

Bé Kwon Ji Yeon và anh trai trong một bức ảnh cũ.

Chìm phà Sewol: Bé gái 5 tuổi gốc Việt Kwon Ji Yeon mất gia đình

Bé Kwon Ji Yeon trong bệnh viện sau khi được cứu thoát khỏi vụ chìm phà Sewol.

Chìm phà Sewol: Bé gái 5 tuổi gốc Việt Kwon Ji Yeon mất gia đình

Tổng thống Park Geun Hye hỏi thăm bé Ji Yeon sau khi bé được cứu thoát và ở trong nhà thi đấu thể thao Jindo.

Một phụ nữ Việt

mất tích trên phà chìm của Hàn Quốc

Một phụ nữ Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc có mặt trên phà Sewol mất tích, và chính là mẹ của em bé 5 tuổi được cứu sống.

Cô tên là Phan Ngọc Thanh, sinh năm 1985, đến từ Cà Mau. Hiện gia đình cô Thanh từ Việt Nam đang trên đường đến Seoul, dự kiến sáng sớm mai họ sẽ có mặt ở hiện trường vụ tai nạn, ông Dương Chính Chức, tham tán phụ trách Lãnh sự và bảo hộ công dân của sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, trao đổi với VnExpress.

Cô Phan Ngọc Thanh chính là mẹ ruột của bé gái Kwon Chi-yeon, 5 tuổi, được cảnh sát cứu sống khỏi chiếc phà chìm hôm 18/4. Cô Thanh lúc đó đang cùng chồng và hai con đi trên chuyến phà Sewol đến tới đảo Jeju định cư. Bé Kwon Chi-yeon đã được trao trả lại cho người thân, là em gái bố cô bé. Cảnh sát Hàn Quốc chưa công bố họ tên chồng cô Thanh.

em-be-vn-4036-1397911505.jpg

Bé Kwon sau khi được cứu lên bờ.

Trước đó, báo Korea Times cho biết gia đình bé Kwon Chi-yeon, gồm cha mẹ và anh trai 6 tuổi lên chuyến phà Sewol để đến đảo Jeju lập nghiệp. Cha cô bé định trở thành nông dân trồng quýt chuyên nghiệp tại Jeju, rời xa cuộc sống đô thị. Chiếc phà chở theo đồ nội thất gia đình và cả hy vọng về một cuộc sống nông thôn tại hòn đảo nơi người cha từng sống.

Các y tá ở bệnh viện Hankuk ở thành phố Mokpo cho biết bé Kwon khi được cấp cứu ở trong tình trạng hoảng loạn. Bé không bị thương, nhưng những dấu hiệu về vết thương tâm lý rất rõ, y tá cho hay. Lời kể duy nhất của Kwon cũng đủ để mô tả khoảnh khắc kinh hoàng.

"Mẹ và anh mặc cho con một chiếc phao và đẩy con lên", bé nói.

Một hành khách tên Kim nhớ lại rằng bé Kwon ở một mình khi ông thấy bé ở một cabin trên phà. Kim ôm chặt bé gái khi trèo lên chiếc phà đang bị nghiêng. Bé được chuyền tay qua 4 người đàn ông khi họ tìm đường thoát khỏi phà chìm.

Ông Dương Chính Chức cho biết thêm, ngay từ khi biết thông tin có người Việt trên phà hôm 18/4, sứ quán đã cử cán bộ đến hiện trường vụ tai nạn để phối hợp với các cơ quan hữu quan của Hàn Quốc nhằm xác minh danh tính nạn nhân. Các cán bộ này vẫn có mặt ở cảng Jindo để hỗ trợ gia đình cô Thanh từ Việt Nam sang vào sáng mai.

Đại sứ quán Việt Nam cùng với Bộ Ngoại giao Hàn Quốc và Bộ Bình đẳng giới nước này sẽ tổ chức đón gia đình cô Thanh tại sân bay và đưa ra gas Seoul, từ đó đi đến cảng Jindo. Hiện trường vụ tai nạn cách thủ đô Seoul khoảng 700 cây số.

Cô Phan Ngọc Thanh mới nhập quốc tịch Hàn Quốc năm ngoái. Hiện tổng số cô dâu Việt lấy chồng Hàn là hơn 60.000 người, theo ông Chức.

Lực lượng cứu hộ Hàn Quốc sáng nay phát hiện những thi thể đầu tiên trong khoang hành khách trên phà Sewol. Con phà chìm nghỉm vào chiều qua, làm tăng thêm lo ngại về khả năng sống sót của người mất tích và khiến lực lượng cứu hộ khó tiếp cận thân phà.

Hiện 29 trong số hơn 400 người trên phà Sewol được xác nhận đã thiệt mạng, còn gần 270 người mất tích.


Việt Anh

vnexpress.net

Phà Sewol nghiêng rồi lật úp trong vòng 90 phút

Phà Hàn Quốc Sewol được cho là đâm phải đá ngầm và bị nghiêng, rồi chìm dần trong khi hành khách mặc áo phao vào rồi ngồi yên theo lệnh. Xác phà hiện chìm ở độ sâu 30 m với hàng trăm người bên trong.

Phà Sewol khởi hành từ cảng Incheon, phía tây bắc Hàn Quốc, đi đảo nghỉ dưỡng Jeju tại phía nam, vào đêm 15/4. Theo video của Tomo News US, có 475 hành khách trên khoang, trong đó 324 em học sinh của trường cấp ba Danwon ở thành phố Ansan, gần Seoul.

Vào 8h30 sáng 16/4, khi chỉ còn khoảng ba giờ là đến đảo Jeju, phà được cho là đâm phải một dải đá ngầm. Các nhân chứng kể rằng họ nghe thấy một tiếng động lớn và con phà bắt đầu nghiêng dần.

Thủy thủ đoàn của phà Sewol đã phát tín hiệu cấp cứu về đất liền. Tuy nhiên, thay vì chuẩn bị sơ tán hành khách, thuyền trưởng lại yêu cầu mọi người mặc áo phao và ngồi yên tại chỗ, thậm chí cả khi nước tràn vào trong khoang bắt đầu dâng cao.

Một số học sinh được cho là đã nhắn tin về gia đình để kêu cứu khi họ không thể thoát ra ngoài do phà nghiêng quá mạnh. Sau khoảng 90 phút, từ khi phát tín hiệu cấp cứu lúc gần 9h, cho đến khi nó bị lật úp hoàn toàn vào khoảng 10h30, thì 95% thân phà đã nằm dưới mặt nước biển.

Hàng chục trực thăng và tàu cứu hộ Hàn Quốc được điều động nhưng chỉ cứu sống được 179 người. Gần 270 người mất tích có khả năng đang bị kẹt trong xác phà chìm ở độ sâu 30 m, với nhiệt độ nước biển chỉ là 12 độ C.

Anh Ngọc

Cơ hội cứu sống người

trong phà gần như bằng không

Thời tiết bất lợi, biển đục và dòng hải lưu mạnh đang cản trở việc tìm kiếm, trong khi một quan chức cứu hộ bình luận rằng gần như không có cơ hội tìm được người sống sót trong thảm họa chìm phà Hàn Quốc.
74289457-021941772-1-9214-1397793053.jpg

Gió to, sóng lớn, hải lưu mạnh và nước đục ngầu khiến hoạt động tìm kiếm cứn nạn phà Sewol trở nên khó khăn. Ảnh: AFP

"Chúng tôi tiến hành tìm kiếm dưới nước năm lần từ nửa đêm cho đến sáng sớm hôm nay, nhưng dòng chảy mạnh và nước đục ngầu là trở ngại rất lớn", Kang Byung -kyu, Bộ trưởng An ninh và Hành chính công Hàn Quốc, nói với BBC.

Theo ông Kim Soo-hyun, trưởng Trụ sở Tuần duyên phía tây Hàn Quốc, hàng trăm người tham gia cuộc tìm kiếm cứu nạn phải đối mặt với gió to và sóng lớn trong quá trình tiếp cận con phà. Tuy nhiên, họ không thể vào được các cabin.

Ông Kim phủ nhận thông tin rằng có ba người tham gia tìm kiếm bị dòng nước cuốn đi và được đồng đội cứu giúp.

Lính hải quân và lực lượng tuần duyên phải sử dụng đèn pha và pháo sáng để hỗ trợ quá trình tìm kiếm khi màn đêm buông xuống. Tổng cộng, có hơn 500 người, 171 tàu và 29 máy bay được huy động tham gia rà soát.

Một số quan chức thừa nhận rằng khả năng các hành khách còn bị mắc kẹt được tìm thấy sống sót là rất thấp. "Thành thật mà nói, tôi cho rằng cơ hội tìm thấy người còn sống là gần bằng không", một quan chức của lực lượng tuần duyên Hàn Quốc nói với nhà báo AFP ngay trên chiếc thuyền cứu hộ.

74292540-7317fe45-55c5-4a5c-81-7227-2024

Đèn pha và pháo sáng được sử dụng vào ban đêm. Ảnh: Reuters

Hải quân Mỹ đã gửi tàu tấn công đổ bộ USS Bonhomme Richard đến hỗ trợ việc tìm kiếm. Các cần trục cũng sẽ đến khu vực chiếc phà bị chìm trong hôm nay. Số người chết được xác nhận tăng lên 28 và hàng trăm thợ lặn vẫn nỗ lực tìm kiếm người sống sót, khi gần 270 người còn mất tích.

Các nhà điều tra vẫn đang xem xét các khả năng khiến chiếc phà tải trọng hơn 6.300 tấn bị nghiêng rồi chìm. Cảnh sát đang điều tra thông tin nói rằng thuyền trưởng Lee Joon-seok là một trong những người đầu tiên rời phà Sewol. Ông này có thể đã vi phạm luật của thủy thủ khi thoát khỏi phà chìm và bỏ mặc các hành khách ở lại trong hiểm nguy. Thuyền trưởng Lee là tay lái giàu kinh nghiệm với 8 năm lái tàu trên tuyến Incheon - Jeju.

Phà Sewol chở 475 hành khách và thuyền viên, đang trên đường từ thành phố Incheon tới đảo Jeju thì chìm ngoài khơi tây nam Hàn Quốc. Trong số các hành khách, có hơn 325 học sinh từ trường trung học Danwon ở Ansan, phía nam Seoul, tham gia chuyến dã ngoại kéo dài 4 ngày. Hiện giới chức mới giải cứu được 179 người.

Thân nhân các hành khách còn mất tích trên phà Sewol tập trung ở đảo Jindo để chờ đợi và theo dõi tin tức. Nhiều người tỏ ra giận dữ và chỉ trích rằng chính phủ Hàn Quốc chưa được cung cấp thông tin đầy đủ về vụ tai nạn và không nỗ lực hết sức trong việc cứu hộ.

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye hôm qua tới hiện trường tai nạn để động viên lực lượng cứu hộ và thăm hỏi các thân nhân đang tập trung ở đảo Jindo. Bà yêu cầu các lực lượng phải nỗ lực hết khả năng của mình để tìm kiếm các nạn nhân đang mất tích, đồng thời cam kết truy cứu những người chịu trách nhiệm trong vụ việc.


Trần Trang

vnexpress.net

Người Việt mất tích trên phà chìm ở Hàn Quốc khi về quê chồng

Chờ cha mẹ xây xong nhà mới sẽ cùng gia đình về Cà Mau chơi, nhưng Thanh cùng người chồng Hàn Quốc và cậu con trai 6 tuổi đã mất tích trên chiếc phà Sewol.

Ba ngày qua, từ khi hay tin vợ chồng cô con gái với đứa cháu ngoại 6 tuổi mất tích trong vụ chìm phà trên đường ra đảo Jeju, bà Nguyễn Thị Nga ở khóm 5, thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân (Cà Mau) như người mất hồn.

Chốc chốc người phụ nữ ngoài 60 tuổi này lại mang hình ảnh gia đình con gái Phan Ngọc Thanh ra xem rồi khóc ngất. Trước căn nhà cấp bốn đang xây dở gần cửa biển, người mẹ đặt hương án cầu nguyện tổ tiên phù hộ cho 3 thành viên trong gia đình con gái được bình an dù cơ hội rất mong manh.

ba-Nga-2895-1397988776.jpg

Bà Nga chực chờ nước mắt khi nhắc đến vợ chồng con gái và cháu ngoại mất tích. Ảnh: Ái Nam.

Theo bà Nga, sáng 18/4, có người gần nhà biết tin vụ chìm phà Sewol. Họ thấy hình bé gái 5 tuổi Kwon Chi-yeon rất giống cháu gái của bà nên chạy sang báo tin. Lúc này chồng bà là ông Phan Văn Chạy (Tư Chạy) cùng các con đang đi ghe ngoài biển đã được gọi về. Đến trưa, em chồng Thanh nhờ người biết tiếng Việt điện về báo bà Nga tin dữ.

"Hay tin xấu vợ chồng tôi điếng người. Ba đứa con trai động viên, an ủi vì sợ tôi xỉu do bệnh huyết áp. Trong đêm 18/4, ba tụi nó với con gái út tức tốc lên TP HCM liên hệ cơ quan chức năng để bay sang Hàn Quốc tìm kiếm vợ chồng Thanh với đứa cháu trai 6 tuổi mất tích", bà Nga nói.

Hiện người thân của Thanh từ Việt Nam sang đã có mặt tại Hàn Quốc để nắm thông tin. Đại sứ quán Việt Nam cùng với Bộ Ngoại giao Hàn Quốc và Bộ Bình đẳng giới nước này sẽ tổ chức đón gia đình chị tại sân bay và đưa ra Seoul, từ đó đi đến cảng Jindo. Hiện trường vụ tai nạn cách thủ đô Seoul khoảng 700 km.

Thanh là con gái thứ tư trong gia đình ngư phủ có cuộc sống tương đối khó khăn. Hết lớp 6 cô đã nghỉ học đi nhặt cá vụn, vá lưới thuê kiếm tiền phụ giúp cha mẹ. Gần 9 năm trước, Thanh lên TP HCM làm công nhân may. Sau đó hơn 6 tháng thì chị được người đàn ông Hàn Quốc lớn hơn 24 tuổi chọn làm vợ. Hai người nhanh chóng làm thủ tục đăng ký kết hôn và chú rể về quê vợ chơi một tuần trước khi đưa Thanh sang Hàn Quốc sống.

nha-ba-Nga-7552-1397988777.jpg

Căn nhà ông Tư Chạy đang xây bằng tiền con gái ở Hàn Quốc gửi về. Ảnh: Ái Nam

Người thân của Thanh cho biết, gia đình bên chồng em gái có nhà cách sân bay quốc tế Incheon khoảng 10 phút đi taxi và vợ chồng Thanh làm nghề trang trí nội thất. Trong 8 năm xa xứ, đều đặn cứ một đến hai ngày Thanh gọi điện cho cho mẹ để hỏi thăm người thân.

Vài tháng, cô lại gửi tiền về cho gia đình. Căn nhà ông Tư Chạy đang xây với chi phí dự kiến trên 100 triệu đồng cũng từ tiền Thanh gửi về. Trước khi rời thành phố để cùng chồng con ra đảo Jeju, cô còn gửi thêm 1.000 USD. Sáng 16/4, em gái Thanh đi nhận tiền của chị gửi về thì 2 giờ sau chiếc phà Sewol gặp nạn.

"Thanh sang Hàn Quốc rất được nhà chồng thương và đã bồng con về thăm cha mẹ 2 lần. Quê con rể tôi ở đảo, nơi đó có vườn cam quýt của cha mẹ để lại và được vài người bà con trông coi. Cuối năm ngoái những người này trả lại vườn nên vợ chồng Thanh quyết định rời thành phố để về quê làm nông”, bà Nga cho biết. Tháng trước Thanh định cùng chồng con về Cái Đôi Vàm chơi nhưng bà khuyên nên chậm lại, chờ cất nhà xong hãy về.

Sáng 15/4, cô gọi điện báo tin cho mẹ rằng đã gửi xe cùng đồ đạc trên phà Sewol, vợ chồng với 2 con sẽ mua vé máy bay ra đảo. Vì vậy, khi hay tin Thanh cùng người thân mất tích ngoài biển, gia đình cô nhận định có thể họ không mua được vé máy bay nên đã đi phà. Mấy ngày qua, bà Nga gọi được vào máy điện thoại của Thanh nhưng không có người nghe máy.

Trước đó, ông Dương Chính Chức, tham tán phụ trách Lãnh sự và bảo hộ công dân của sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc xác nhận với VnExpress về trường hợp một người Việt mất tích trên phà Sewol là Phan Ngọc Thanh. Người phụ nữ sinh năm 1985 quê ở Cà Mau này mới nhập quốc tịch Hàn Quốc năm ngoái và chính là mẹ của bé gái 5 tuổi Kwon Chi-yeon được cứu sống trên phà.

Bé Kwon Chi-yeon đã được trao trả lại cho người thân là em gái bố cô bé. Cảnh sát Hàn Quốc chưa công bố họ tên người chồng Hàn Quốc của Thanh.

em-be-vn-4036-1397911505.jpg

Bé Kwon sau khi được cứu lên bờ.

Báo Korea Times cho biết gia đình bé Kwon Chi-yeon, gồm cha mẹ và anh trai 6 tuổi lên chuyến phà Sewol để đến đảo Jeju lập nghiệp. Các y tá bệnh viện Hankuk ở thành phố Mokpo cho biết bé Kwon được cấp cứu trong tình trạng hoảng loạn. Một hành khách tên Kim nhớ lại rằng bé Kwon ở một mình khi ông thấy bé ở một cabin trên phà. Kim ôm chặt bé gái khi trèo lên chiếc phà đang bị nghiêng. Bé được chuyền tay qua 4 người đàn ông khi họ tìm đường thoát khỏi phà chìm.

Đã 4 ngày kể từ khi phà Sewol bị chìm. Chuyến phà chở 475 hành khách và thuyền viên từ thành phố Incheon tới đảo Jeju. Trong số các hành khách, có hơn 325 học sinh từ trường trung học Danwon ở Ansan, phía nam Seoul, tham gia chuyến dã ngoại kéo dài 4 ngày. Con số thiệt mạng hiện lên đến gần 60 người.



Ái Nam

vnexpress.net

Tổng thống Hàn

coi thuyền trưởng bỏ phà là sát nhân

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye vừa chỉ trích mạnh mẽ thuyền trưởng và thuyền viên phà Sewol vì bỏ mặc hàng trăm hành khách, cho rằng hành động này ngang với "giết người".

Ông Lee Joon-seok, thuyền trưởng phà Sewol. Ảnh: Reuters

Ông Lee Joon-seok, thuyền trưởng phà Sewol. Ảnh: Reuters

"Trên hết, hành vi của thuyền trưởng và một số thuyền viên là không thể hiểu được xét trên lẽ thường, và nó giống như một hành động giết người không thể và không nên được dung thứ", bà Park hôm nay nói trong cuộc họp với các quan chức cấp cao.

Theo Tổng thống Park, việc thuyền trưởng Lee Joon-seok trì hoãn sơ tán hành khách một cách không cần thiết khi phà bắt đầu chìm và "bỏ họ" khi thoát khỏi phà đầu tiên là điều ngày càng rõ ràng.

"Không chỉ trái tim tôi, mà còn của tất cả người dân Hàn Quốc đang tan vỡ, ngập tràn nỗi tức giận và cơn sốc", tổng thống cho biết. Bà Park thề sẽ làm sáng tỏ mọi vi phạm liên quan đến hoạt động của phà và buộc những người có trách nhiệm phải nhận các biện pháp "hình sự và dân sự", bất kể chức vụ của họ là gì đi nữa.

Theo Yonhap, bà Park cũng thừa nhận phản ứng ban đầu của chính phủ Hàn Quốc đối với thảm họa có những vấn đề nghiêm trọng.

Thuyền trưởng Lee cùng hai thuyền viên khác cuối tuần trước bị bắt. Ông Lee bị cáo buộc khinh suất và không thể bảo đảm an toàn cho hàng trăm hành khách, hầu hết trong số đó là các học sinh đang trên đường đến đảo Jeju dã ngoại.

Ông Lee cùng hầu hết các thuyền viên đã thoát thân, và bị chỉ trích vì đã không kịp thời ra lệnh sơ tán hành khách khỏi phà khi nó nghiêng và chìm xuống biển. Phà Sewol chìm lúc hơn 10h sáng ngày 16/4 khi đang chở tổng cộng 476 người. Có 179 người được cứu sống, số còn lại đã được xác nhận chết hoặc mất tích. Thợ lặn đã vớt được 60 thi thể.

Trọng Giáp

vnexpress.net

Hiện thực phũ phàng dập tắt hy vọng trong vụ chìm phà

Hơn hai chục cha mẹ, có con mất tích trong phà chìm ở Hàn Quốc, chiều qua tụ họp nhau để bàn về một chủ đề mà 5 ngày nay họ không đủ can đảm để nhắc đến.

"Thực tế là", một bậc phụ huynh mở lời, "chúng ta đành phải thừa nhận rằng không còn hy vọng được thấy các con còn sống".

Không một vị phụ huynh nào phản đối.

jindo-7650-1398055749.jpg

Thân nhân những người mất tích mỏi mòn chờ đợi ở cảng Jindo. Ảnh: Reuters.

Tối qua khi các thợ lặn hải quân Hàn Quốc liên tục đưa lên từ con phà chìm những thi thể người xấu số, bức tranh u ám của tấn bi kịch ngày càng trở nên rõ ràng hơn.

Cha mẹ các học sinh mất tích cùng nhau bàn về cách thức nào tốt nhất để mang thi thể con họ trở về, đưa những đứa trẻ tuổi 16-17 lên khỏi mặt nước càng nhanh càng tốt. Họ đành lòng đồng ý rằng đây sẽ là nhiệm vụ mà chính phủ giờ cần phải ưu tiên.

Từng người một phát biểu ý kiến. Mắt họ nặng trĩu. Giọng họ nặng trĩu. Một số người liên tục rít thuốc lá. Chính phủ Hàn Quốc đã hỏi ý kiến của họ về những bước tiếp theo của quá trình tìm kiếm cứu hộ, và giờ đây họ phải bàn xem sẽ đồng ý cho chính phủ trục vớt phà lên hay phải yêu cầu thợ lặn vào trong khoang tìm hết các thi thể trước đã.

"Hy vọng tan biến thật nhanh", Yoo Kyeong-geun, cha của một học sinh lớp 11 nói. "Cho đến hôm qua, không một ai dám nói đến việc kéo con tàu lên khỏi mặt nước", bởi việc này chắc chắn gây hại cho những người sống sót - nếu có - bên trong tàu. "Nhưng giờ đây đã có nhiều người đồng ý với khả năng đó. Chỉ là vì chúng tôi muốn còn được nhìn thấy mặt con lần cuối, trước khi thi thể các con bị hủy hoại trong nước".

5 ngày giận dữ, phẫn nộ đã trôi qua, giờ đây thân nhân của những người mất tích thể hiện sự đau đớn theo cách trầm lặng hơn, khi tại cầu cảng, thi thể những người xấu số lần lượt được đưa vào bờ. Mỗi lần hai hoặc ba chiếc cáng.

Con phà bị lật khi chở 476 người đang trên hành trình từ Incheon tới đảo Jeju, phần lớn trong số hành khách là các em học sinh trung học đang đi dã ngoại. Những tin nhắn cuối cùng của các em đã vẽ ra một cảnh tượng hỗn loạn và tuyệt vọng, trong đó các em được ra lệnh mặc áo phao và ở nguyên tại chỗ khi phà bắt đầu nghiêng.

Trong vòng 19 phút kể từ khi phà phát thông báo cấp cứu, thủy thủ đoàn ba lần liền thông báo với trạm kiểm soát hàng hải rằng họ không thể di chuyển trong phà, bởi độ nghiêng quá lớn. "Không thể sơ tán được", một thành viên thủy thủ đoàn nói khi đó. Những người sống sót kể rằng họ không hề nhận được lệnh sơ tán, và những người tuân thủ lệnh ngồi im sẽ nhiều khả năng bị kẹt trong các khoang của phà nhất.

Thân nhân của những người mất tích đang chờ đợi trong tuyệt vọng. Một số người ở trong khu nhà thể thao trên đảo, nhưng nhiều người khác ngày ngày ngồi ngay bên cầu cảng để ngóng chờ. Các tình nguyện viên đã dựng lều, mang thức ăn, chăn ấm và nước uống đến cho các thân nhân. Một chiếc lều đặc biệt, bên trong chỉ có tấm bảng trắng với dòng chữ "Danh sách". Luôn có hàng chục người đứng quanh, hoặc chụp ảnh tấm bảng, hoặc vừa nhìn chăm chăm vào nó vừa khóc sụt sùi.

Mỗi khi các thi thể được đưa lên cầu cảng, một quan chức đi đến bên danh sách, tay cầm cái bút. Sáng hôm qua, danh sách có 36 cái tên, và đến tối có 58. Sáng thứ hai, có 62 tên. Một số người chỉ được mô tả vẻ ngoài, chứ cũng chưa có tên. Số 48 là Guk Seung-hyeon, một trong 325 em học sinh. Số 49 là một người đàn ông cao 170 cm, mặc quần jeans xanh và áo sơ mi.

Trong bốn ngày đầu, số lượng thi thể được đưa lên với tốc độ chậm chạp, chỉ khi các dòng hải lưu cuốn người xấu số ra khỏi thân phà, đẩy họ vào lòng biển Hoàng Hải. Nhưng từ chiều chủ nhật, các thủy thủ đục một lỗ trên thân phà và mở đường vào bên trong. Kể từ lúc đó, cứ khoảng hai tiếng, cảnh sát lại đưa lên bờ cảng Jindo vài thi thể.

Ba người, mang các số từ 50 đến 52 lên bờ lúc 2 h chiều, khiến các thân nhân từ trong những mái lều đổ dồn về cầu cảng. Hàng chục sĩ quan cảnh sát đứng thành hàng rào; cứ 6 cảnh sát khiêng một chiếc cáng đi về phía chiếc lều mang tên "Nhận dạng". Một quan chức tụ họp thân nhân lại và thông báo về đặc điểm của ba người mới được vớt lên. Một chiếc áo phông New Balance. Quần dài. Đám người lắng nghe rồi tản đi các phía.

Cả chiều chủ nhật, Yoo và các bậc phụ huynh khác vẫn đang bàn cách đẩy nhanh việc tìm kiếm thân nhân. Họ nghĩ đến việc đặt một phà nổi ở khu vực phà Sewol chìm để cho các thợ lặn nghỉ ngơi và bố trí thiết bị. Hiện trường phà chìm cách bờ đảo gần 20 km. Họ cũng tính đến khả năng nâng con phà Sewol lên bằng cách dùng cần cẩu.

"Anh có biết nếu kéo tàu lên thì mất bao lâu không?", một người cha trong nhóm hỏi. "Tôi nghe họ nói mất 20 ngày đấy".

Yoo đáp nếu không dùng máy mà chỉ trông vào con người, thì đó là phương thức cũ "30 hay 40 năm rồi". Con gái của ông, Yoo Ye-eun, là một trong số các học sinh trường Danwon, gần Seoul, có mặt trên phà.

"Tôi sẽ ở đây chừng nào việc tìm kiếm hoàn tất", người cha nói. "Chừng nào chưa nhận lại con gái tôi, tôi chưa về".


Ánh Dương (theo WP

vnexpress.net

Vì sao thuyền trưởng phà Sewol không cho sơ tán sớm

Việc sơ tán hành khách trên một con tàu đang chìm có thể gây hỗn loạn và nguy hiểm, trong khi chính bản thân con tàu có thể là chiếc phao tốt nhất. Nhưng với phà chở ô tô như Sewol, sơ tán tức khắc là nguyên tắc sống còn.

Ông Lee Joon-seok, thuyền trưởng phà Sewol. Ảnh: Reuters.

Ông Lee Joon-seok, thuyền trưởng phà Sewol. Ảnh: Reuters.

Trong những tình huống nhất định, như trường hợp Sewol gặp phải, các phà chở xe hơi thường bị lật một cách nhanh chóng. Với những con phà có cấu tạo như vậy, năng lực của thủy thủ đoàn trong việc nhanh chóng sơ tán hành khách, hoặc ít nhất là tập trung họ lại trên boong để sẵn sàng rời tàu, trong trường hợp xảy ra sự cố, là rất quan trọng.

Trên thực tế, thuyền trưởng phà Sewol, ông Lee Joon-seok, vẫn trì hoãn việc sơ tán trong ít nhất nửa giờ từ khi con phà bắt đầu lật. Hơn 470 hành khách, phần lớn là học sinh trên đường đi dã ngoại, lúc đầu được yêu cầu ở yên tại chỗ.

"Giá như thuyền trưởng không nói gì với hành khách, họ sẽ lên boong tàu để kiểm tra xem chuyện gì đang xảy ra", và như vậy bước quyết định trong việc sơ tán có thể đã được thực thi, Mario Vittone, cựu thanh tra và điều tra tai nạn hàng hải thuộc lực lượng tuần duyên Mỹ, nói. "Thà họ đừng ra lệnh gì cho hành khách, tình hình đã đỡ tồi tệ hơn.

Ông Lee có khoảng 40 năm kinh nghiệm đi biển, bao gồm cả phà và tàu chở hàng. Hãng tin Yonhap dẫn lời đại diện công ty Chonghaejin Marine, nơi Lee làm việc, cho biết thuyền trưởng 69 tuổi này có 8 năm kinh nghiệm lái phà trên tuyến từ thành phố Incheon, gần thủ đô Seoul, tới đảo Jeju ở phía nam.

Oh Yong-seok, một thuyền viên trong nhóm của Lee, nói rằng ông Lee làm việc trên phà khoảng 10 ngày mỗi tháng.

Sau khi bị bắt giữ với cáo buộc sơ suất trong lúc lái phà và bỏ mặc người bị nạn hôm 19/4, thuyền trưởng Lee lên tiếng xin lỗi vì "gây ra một sự xáo trộn" nhưng vẫn bảo vệ quyết định cho hành khách ngồi đợi khi tàu đang nghiêng.

"Lúc đó, dòng nước rất mạnh, nước biển lạnh. Tôi nghĩ rằng, nếu mọi người rời phà mà không phán đoán (đúng), nếu họ không mặc áo phao, và dù có mặc áo phao đi nữa, họ sẽ bị cuốn đi và phải đối mặt với nhiều khó khăn khác nữa", Lee nói. "Các tàu cứu hộ lúc đó chưa đến và cũng không có tàu ngư dân hay tàu nào khác ở gần".

Vittone và Thad Allen, cựu chỉ huy lực lượng tuần duyên Mỹ, cho rằng lời giải thích đã trên bỏ sót một vấn đề quan trọng. Thuyền trưởng có thể yêu cầu hành khách lên boong cho dù không chắc chắn sẽ sơ tán họ khỏi phà. Allen nêu rõ có hai việc cần phải làm đồng thời lúc đó. "Cố gắng cứu phà, đồng thời giảm thiệt hại về người bằng cách chuẩn bị cho hành khách rời phà", Allen viết.

Ông Vittone phân tích rằng việc sơ tán có thể kèm rủi ro, nhưng việc đưa hành khách về những "điểm tập trung", khu vực mà thủy thủ đoàn xác định trong buổi diễn tập an toàn từ trước, thì hoàn toàn an toàn. Từ những khu vực này, thuyền viên có thể đảm bảo được hành khách đã mặc áo phao hay chưa rồi hướng dẫn mọi người tới các lối thoát khẩn cấp.

"Ông ấy có thể thay đổi mệnh lệnh nếu phà thôi chìm", Vittone viết. "Tình huống xấu nhất khi đó sẽ chỉ là các hành khách phải chịu bất tiện vì phải đứng trên boong vài phút".

"Việc tập trung hành khách lại rất quan trọng bởi cuối cùng sẽ có lệnh sơ tán và mọi người cần phải được chuẩn bị sẵn sàng", Len Roueche, CEO của Interferry, hiệp hội đại diện cho ngành công nghiệp phà trên thế giới, nói. Ông cảm thấy khó hiểu khi thuyền trưởng phà Sewol không yêu cầu hành khách di chuyển về các điểm tập trung.

"Hiệu ứng mặt thoáng"

fig5-10-2593-1398067981.jpg

Hình ảnh mô tả sự mất cân bằng do "hiệu ứng mặt thoáng" gây ra, trong đó trường hợp (C) ổn định hơn do được chia thành nhiều ngăn. Đồ họa: maritime.org.

Nhà chức trách hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân khiến phà Sewol chìm. Tuy nhiên, những con phà chở theo xe hơi có thể bị lật nhanh chóng bởi "hiệu ứng mặt thoáng". Theo đó, khi nước tràn vào khoang chở ô tô, những vật dễ lăn theo dòng nước (với phà Sewol là các xe hơi), sẽ dồn về một phía và khiến tàu bị nghiêng nhanh chóng. Với loại phà mà khoang gần mặt nước được chia thành nhiều ngăn, vấn đề được giảm thiểu hơn nhiều.

Sau hai vụ chìm tàu ở châu Âu, gồm phà Herald of Free Enterprise năm 1987 và tàu Estonia năm 1994, làm hơn 1.000 người thiệt mạng, Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) đã nghiên cứu các lỗ hổng trong thiết kế cũng như tìm phương án sơ tán tốt nhất đối với các phà chở ô tô.

Những thay đổi, bao gồm lối thoát thuận lợi hơn và yêu cầu phân tích cách sơ tán trong quá trình thiết kế, được áp dụng với những con tàu mới đóng trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, phà Sewol được đóng vào năm 1994 nên nó chưa có những thay đổi này.

Thủy thủ đoàn trên phà chở theo ô tô nên hiểu rằng, một khi con phà mất thăng bằng, việc nhanh chóng sơ tán hành khách là vấn đề cần thiết, các chuyên gia hàng hải nhận định.

Viện nghiên cứu Tàu và Kỹ thuật Hàng hải Hàn Quốc từng nhắc đến vấn đề trong quá trình sơ tán hành khách trong một nghiên cứu năm 2003. Nguyên nhân là hành khách không quen với các lối đi hẹp và phức tạp, "họ bối rối trong lúc chọn lối thoát. Điều này khiến thời gian sơ tán bị trì hoãn và có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng", tác giả nghiên cứu viết.

Nghiên cứu còn cho biết dù trong tình trạng thuận lợi, việc sơ tán trong thực tiễn vẫn chậm hơn rất nhiều so với tính toán. Năm 1995, một tàu hai thân cao tốc bị nghiêng khi nó đang ở trên eo biển Manche. Quá trình sơ tán 308 hành khách lúc đó mất hơn một giờ dù biển lặng và vào ban ngày. Trong khi đó, quá trình sơ tán trong buổi diễn tập trước đó chỉ mất 8 phút.

Thông tin chi tiết về phà Sewol. Nguồn: Yonhap/AP/Reuters.

Thông tin chi tiết về phà Sewol. Nguồn: Yonhap/AP/Reuters.

Theo quy định của Liên Hợp Quốc, thủy thủ đoàn phải diễn tập sơ tán ít nhất hai tháng một lần. Tuy nhiên, phà Sewol không đi lại giữa các quốc gia nên nó chỉ cần tuân theo các quy định của Hàn Quốc.

Các đơn vị vận hành tàu được yêu cầu phải có quy định trong xử lý tình huống khẩn cấp, Kim Jae-in, người phát ngôn lực lượng tuần duyên Hàn Quốc nói, nhưng ông không biết liệu Chonghaejin Marine có quy định nào như vậy không. Yonhap cho biết hãng tin nhận được bản quy định của Chonghaejin Marine và phát hiện thủy thủ đoàn phà Sewol đã không tuân theo một số mục nhất định, trong đó có việc chỉ định người chịu trách nhiệm chăm sóc hành khách bị thương cũng như triển khai xuồng cứu sinh.

Hàn Quốc yêu cầu thường xuyên có những buổi tập huấn cho thuyền viên, đồng thời hành khách cần được thông báo ngắn gọn về vấn đề an toàn trước khi lên tàu. Theo Luật Thủy thủ, đăng tải trên website Bộ Tư pháp Hàn Quốc, thuyền trưởng "không được phép rời tàu cho đến khi toàn bộ hàng hóa được dỡ xong hoặc toàn bộ hành khách xuống tàu", và "phải làm hết sức có thể để cứu người, tàu cũng như hàng hóa trong tình huống khẩn cấp".

Allen, cựu chỉ huy lực lượng tuần duyên Mỹ, cho rằng trong trường hợp tình huống vượt ngoài khả năng cứu hộ, thủy thủy đoàn cần chuyển từ cứu tàu sang cứu hành khách.

"Nếu có thể, thuyền trưởng phải làm cho tàu ổn định lại, và đó là điều tốt nhất ông ấy có thể làm cho cả con tàu lẫn hành khách", Allen nói. "Nhưng ngay khi nào họ biết con tàu trở nên nguy ngập rồi, họ phải lập tức đưa hành khách lên xuồng phao cứu sinh".


Như Tâm
(theo AP)

vnexpress.net


Tang lễ đẫm nước mắt của nạn nhân phà Sewol

Hàng trăm người không kìm được nước mắt khi tiễn biệt Kim Cho Won và Jeon Young-Soo, hai trong số các nạn nhân thiệt mạng trong thảm họa lật phà Hàn Quốc.

Tang lễ của Kim Cho Won, một giáo viên trường trung học Dawon có mặt trên chuyến phà Sewol, được tổ chức hôm qua tại thành phố Ansan, tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc.

Những người mặc quân phục khiêng chiếc quan tài đựng thi thể của Kim. Giáo viên trẻ qua đời trong chính sinh nhật của cô.

Người đàn ông mang di ảnh Kim cúi mặt, lặng lẽ bước đi.

Một người thân trong gia đình cô gái trẻ.

Những người có mặt tại lễ tang không kìm nén được cảm xúc, nhiều người ôm mặt khóc nức.

Đám tang của Jeon Young-Soo, một học sinh trường Danwon, diễn ra cùng ngày.

Hàng trăm người có mặt để đưa tiễn nạn nhân xấu số trong thảm kịch lật phà bi thảm nhất ở Hàn Quốc từ năm 1993.

Kim Cho Won và Jeon Young-Soo là những người đầu tiên được tổ chức tang lễ sau vụ chìm phà. Chuyến phà tên Sewol chở 476 hành khách và thuyền viên từ thành phố Incheon tới đảo Jeju. Trong số các hành khách, có 325 học sinh từ trường trung học Danwon ở Ansan tham gia chuyến dã ngoại kéo dài 4 ngày.

Chỉ có khoảng 75 học sinh trong số 174 người được cứu. Tính đến sáng nay, 64 người đi phà được xác định đã chết, trong khi 238 người vẫn mất tích. Hoạt động tìm kiếm cứu hộ đã bước sang ngày thứ 6 với hơn 212 thuyền, 32 tàu hải quân, 34 phi cơ và 556 nhân viên cứu hộ tham gia.



Trần Trang
(Ảnh: Sipa USA/REX

vnexpress.net

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08/11/2024(Xem: 281)
Khẩy từ địa ngục thâm u Diệu âm Bát Nhã thiên thu vọng đời Thiền ca đốn tiệm không lời Kim cang uy dũng chuyển dời núi non Xuất thần Kim cổ bác thông Véo von lắng đọng Qua sông thả chèo Tiếng đàn reo Tiếng đàn reo Vượt băng qua khúc ngặt nghèo vô tri
08/11/2024(Xem: 66)
Quy hồi cựu xứ đã về đây Nguyên thể an nhiên chẳng đổi thay Trúc biếc tịnh thanh màu cổ pháp Hoa vàng u nhã nét xưa nay Cát tường diệu thể Tào Khê lộ Biến mãn bảo trân Bát Nhã mây Tam Bảo hồng ân thường chiếu tỏa Cội nguồn huyền tịch khéo vần xoay!
02/11/2024(Xem: 406)
CHỜ khuya hỏi chuyện ngân hà MƯA còn giọt buốt chén trà hoang mang TẠNH mây duyên hội trời quang TA nâng huyền thoại lên ngàn tấn hương TRẢI tâm lấp lối lót đường TRĂNG xưa u mặc tưới vườn thiền ca LÀM cho đá hoá ngọc ngà CHIẾU hoa vi diệu lục hoà ngồi chung
02/11/2024(Xem: 451)
Giữa lúc tuyệt vọng nhất, bạn ơi hãy nhớ: “CUỘC SỐNG CHẲNG BAO GIỜ KHÉP CỬA “ một ai Và chỉ đến do chính mình có đủ sáng suốt, chuyển xoay Ngồi yên mà đợi, khó vượt qua thử thách !
28/10/2024(Xem: 852)
Bạn gửi thông báo chuyến đi cứu trợ bão lũ Kèm theo lời tâm sự xã trưởng một địa phương (1) Bao não phiền vụn vặt thôi hết vấn vương Chừng nào lòng thương cảm, trắc ẩn của một con người được tăng trưởng ?
26/10/2024(Xem: 871)
Hành trình cả đời người là con đường học hỏi ! Mà sự hiểu biết là bao la đại dương Muốn khám phá, 4 nguồn nước phải tỏ tường Chảy vào và nuôi dưỡng từ … Kiến thức, kinh nghiệm, thông minh, trí tuệ !
23/10/2024(Xem: 547)
Bàn tay… Một bộ phận quan trọng trong cơ thể ! Giúp cầm nắm, khả năng sáng tạo tinh vi(1) Nhận diện, định danh cá nhân bất tư nghì Vì đường chỉ tay, dấu vân tay không trùng lập Thuận tay mặt, tay trái thể hiện đặc trưng sinh học (2)
22/10/2024(Xem: 316)
Nếu tin Phước ảnh hưởng lớn trong cuộc đời. Tự nhiên gặp điều Thiện tức thời làm ngay. Lại tin hành Tùy Hỷ Công Đức tuyệt thay. Rất nhiều Phước báo tạo hàng ngày chẳng sai.
20/10/2024(Xem: 317)
Thiệt Dinh-Chánh Hiển bậc Cao Tăng Kiến lập Phước Lâm Phật đạo hoằng Giới đức chu toàn đèn tuệ sáng Tông phong vĩnh chấn thể tâm an Quảng Nam vạn thuở trăng huyền rạng Chúc Thánh bao thu pháp diệu tràn Phố Hội êm đềm gương hạnh dẫn Ân Triêm Hoà Thượng ánh từ quang…!
18/10/2024(Xem: 655)
Hai mươi tháng mười hôm nay Tâm Vân tu nữ tròn đầy sáu mươi Trải qua hơn nửa cuộc đời Chuyên tâm tu niệm, nụ cười vui an Dáng đi thanh thoát dịu dàng Lời kinh nhịp tụng âm vang nhẹ nhàng Người nghe thoáng thấy bình an Tâm tư lắng đọng tỏa lan khí hòa
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com