- 01. Về Thăm Lại Đức Vua Seniya Bimbisāra
- 02.Veḷuvana (Trúc Lâm Tịnh Xá)
- 03. Hai Vị Đại Đệ Tử
- 04. Thâu Nhiếp Mahā Kassapa
- 05. Mùa An Cư thứ hai
- 06. Về Thăm Quê Hương
- 07. Hóa Độ Quyến Thuộc
- 08. Các Ông Hoàng Quý Tộc Ra Đi
- 09. Mùa An Cư thứ ba
- 10. Thần Y Jīvaka Komārabhacca
- 11. Đức Tin Phát Sáng
- 12. Lấy Vàng Đổi Đất
- 13. Ngũ Minh(1) Cũng Chưa Đủ
- 14. Viếng Thăm Kỳ Viên Đại Tịnh Xá
- 15. Tại Rừng Mahāvana
- 16. Dạy Dỗ Bậc Đại Trí Thức
- 17. Mùa An Cư thứ tư
- 18. Chuyện Tình Của Chàng Nhạc Sĩ Càn-Thát-Bà
- 19. Vesāli Thiên Tai, Dịch Hoạ
- 20.Chậu Nước Bẩn, Thau Nước Sạch Và Cái Vòi Voi
- 21. Máu Quý Hơn Nước
- 22. Thăm Phụ Vương Lần Cuối
- 23. Câu Chuyện Về Bộ Tam Y Quý Giá
- 24. Lúc Nào Thì Đức Phật Metteyya Xuất Hiện
- 25. Những Bàn Tay Kỳ Diệu
- 26. Lễ Hỏa Táng Đức Vua
- 27. Thành Lập Giáo Hội Bhikkhunī
- 28. Mùa An Cư thứ năm
- 29. Hóa Độ Kỹ Nữ Ambapālī
- 30. Cảm Hóa Thủ Lãnh Tướng Quân Sīha
- 31. Mùa An Cư thứ sáu
- 32. Tiếp Chuyện Đức Vua Seniya Bimbisāra
- 33. Bà Quý Phi Xinh Đẹp
- 34. Duyên Xưa, Lối Cũ
- 35. Thần Thông Cảm Hóa Ngoại Đạo
- 36. Mùa An Cư thứ bảy
- 37. Với Đức Vua Pāsenadi
- 38. Cuộc Luận Chiến Về Chiêm Tinh
- 39. Với Chàng Thanh Niên Nô Lệ
- 40. Thêm Một Vị Đại Đệ Tử
- 41. Về Sợi Dây Luyến Ái
MÙA AN CƯ THỨ NĂM
(Năm 583 trước TL)
Ổn Định Ni Chúng
Sau khi ni giới được thành lập, dư luận quần chúng xôn xao, bàn tán từ nơi này sang nơi khác. Một số đông sương phụ tỳ-khưu hân hoan vui mừng vì họ sẽ có cơ hội xuất gia theo chồng. Một số thành phần trí thức trong xã hội cảm kích vì đức Thế Tôn đã giải phóng cho nữ giới, rộng tay mở cửa nhân, thiên và Niết-bàn với tâm bình đẳng, thoát khỏi sự ràng buộc, phân biệt, coi thường nữ giới có được từ luật Manu của bà-la-môn giáo đã hằng ngàn năm trước. Tuy thế, đa phần là chống đối, do truyền thống trọng nam, khinh nữ đã ăn sâu trong tâm thức nhân gian, trên mọi sinh hoạt xã hội.
Đức Phật và chư vị thượng thủ A-la-hán mỉm cười, chấp nhận chuyện đương nhiên sẽ xảy ra. Tội nhất là các vị tỳ-khưu trẻ, lúc đi trì bình khất thực thường bị các cô gái trẻ chọc ghẹo. Nào là, “ông đi thì bà cũng đi, có đôi có cặp rứa thì dễ tu”. Nào là, “sa-môn xin hãy đợi em, không duyên tơ tóc thì duyên trọc đầu!” Chuyện phiền phức không chỉ có chừng ấy. Các công nương cành vàng lá ngọc vốn là những cô gái xinh đẹp. Dẫu là cung nhân, cung nữ hoặc sương phụ các chàng trai Sākya thì đều là thành phần quý tộc, cao sang đã được tuyển chọn theo kiểu lựa vung úp nồi! Bây giờ dẫu họ đã cạo đầu, mặc y màu hoại sắc, cũng không giấu hết nét xuân sắc, diễm kiều. Chỉ trong vòng mươi hôm khi các vị tỳ-khưu-ni đi trì bình khất thực trong thành phố hoặc các thôn làng là dường như ở đâu cũng gặp các chàng trai đủ mọi thành phần giai cấp tụ năm, tụ ba dòm ngó, chỉ trỏ. Do tôn kính và hàm ơn đức Phật và tăng chúng đã tận tình cứu thoát nhân dân qua ba đại nạn thảm khốc; họ chưa có thái độ gì sàm sỡ quá đáng, nhưng cũng gây trở ngại ít nhiều cho một số tỳ-khưu-ni bản chất mềm yếu và cả thẹn. Chưa thôi, cứ hễ chiều đến là rất đông thanh niên, trai tráng đến tụ tập lác đác xung quanh khu rừng, có lẽ một phần do tò mò, một phần để lộ sự dòm ngó bất chánh. Biết chuyện ấy, các vị trưởng lão đã cho một số tỳ-khưu thuộc dòng Sākya, sau khi trì bình khất thực về, tìm chỗ nơi các hang động, miếu hoang, cội cây xung quanh ni viện để bảo vệ, canh chừng. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp tình thế, nhất thời. Do mùa mưa luôn luôn là sự trở ngại cho chư tỳ-khưu. Lại nữa, ai mà có thể vừa canh chừng kẻ gian vừa thiền định, thiền quán có hiệu quả cho được?
Đức Phật biết mọi chuyện xảy ra, nên hôm kia, cùng với các vị đại trưởng lão, ngài qua khu rừng tỳ-khưu-ni, ban bố một số giới điều quan trọng vào buổi đầu(1), thứ nhất là đem lại sự an toàn cho ni giới, thứ hai là để cho đời sống trong ni viện có nền nếp, kỷ cương, thứ ba là tạo môi trường lành mạnh để tấn tu, hỗ trợ cho phạm hạnh. Đây được xem như nội quy, thanh quy cho ni viện:
- Ban đêm không được đi ra khỏi cửa rừng hoặc ra ngoài rừng cây.
- Khi có việc phải đi, không được đi một mình mà phải có hai người.
- Chiều tối không được đi đến nhà thí chủ hoặc nhà người quen.
- Đi trì bình khất thực không được đi riêng lẻ mà phải đi từng nhóm, từ hai người trở lên.
- Không được đi, đứng hoặc ngồi trước mặt vị tỳ-khưu.
- Không được mang dù dép, ngoại trừ bị bệnh; không được ngồi xe, ngồi kiệu.
- Đến nhà thí chủ không được ngồi hay nằm tại chỗ của gia chủ; phải ngồi đúng chỗ chỉ định, xong công việc không được la cà chuyện này chuyện kia.
- Không được đem chuyện trong ni viện để kể lại với tỳ-khưu hoặc với hàng cư sĩ; không đem chuyện ngoài đường về kể lại cho tỳ-khưu-ni bạn hữu.
- Không được ngủ chung với nhau; hai tỳ-khưu-ni không được ngủ đắp chung một tấm chăn tăng-già-lê.
- Khi có việc phải gặp tỳ-khưu, nam cư sĩ... lúc nói chuyện phải có bạn bên cạnh, tối thiểu phải có người thứ ba.
- Phải chia tổ, chia chúng để quản lý sinh hoạt. Mọi yêu cầu, thỉnh thị ý kiến, có công chuyện gì phải trình qua ni trưởng Gotamī.
- Không được tự ý đi tìm y, bát chỗ này chỗ kia. Không được gợi ý thí chủ dâng cúng vật này vật nọ.
- Mặc y nội, ngoại phải đúng quy định, không được tự cắt may, chế tác giống như áo váy của người đời. Màu phải hoại sắc, nhuộm bằng rễ cây, vỏ mít... nhạt đậm từ màu cọng rơm đến màu cánh gián.
- Không được tự ý đi hỏi đạo bất kỳ một vị tỳ-khưu nào. Việc giáo giới tỳ-khưu-ni sẽ có hai vị đại đệ tử và các trưởng lão thay đổi nhau.
- Khi đến đức Phật để nghe pháp, có thể chỉ đứng (nếu không có chỗ) hoặc ngồi (nếu có chỗ) theo kiểu xếp chân một bên, không được ngồi bán già hay kiết già!(1)
- Ngoại trừ trong phòng riêng, hễ bước ra khỏi phòng là phải mặc y kín mình.
- Lúc có kỳ(1)phải ở lại tịnh xá, được thọ dụng vật thực dự trữ thường để dành cho người ốm, người bệnh hoặc bạn đạo đi giúp hai bát.
- Những tỳ-khưu-ni không được tìm cách chà xát, xoa bóp cho nhau.
- Không được sử dụng nước hoa, vật thơm; không được tắm nước có hòa bột hương, dầu hương, bã mè, xác hoa, vật thơm...
- Không được đeo mang bất kỳ loại trang sức nào ở cổ, ở tay, ở tai, ở đầu – kể cả hoa, tràng hoa...
- Không được nuôi chim, thỏ, sóc, chó, mèo... trong ni viện, trong cốc liêu..
21 điều ấy, đức Phật vừa giáo giới xong là đã được tôn giả Sāriputta đúc kết lại. Tôn giả Ānanda có trí nhớ tốt, tuyên đọc lại ba lần cho hội chúng tỳ-khưu-ni dễ nhớ, dễ thuộc.
Ni trưởng Gotamī chợt hỏi:
- Bạch đức Thế Tôn! 21 điều ấy là rất tốt, rất chính xác – nhưng nếu có người vi phạm thì sao?
- Hãy tùy nghi, hãy linh động, này ni trưởng! Hội chúng tỳ-khưu-ni hiện nay đa phần là người có học thức, đã được sống nhiều năm trong kỷ cương đạo đức, có lẽ chưa xảy ra chuyện gì hệ trọng quá đáng đâu. Vậy thì ni trưởng và các vị giáo thọ hãy xử phạt; ví dụ như quét rác, dọn rửa phòng tắm, nhà vệ sinh, múc nước, gánh nước hoặc chăm sóc người bệnh, lao động nhẹ các công việc vườn tược, rừng cảnh cho sạch sẽ, khang trang...
Ni trưởng Gotamī lĩnh ý, sau đó lại thưa hỏi về việc thâu nhận người nữ xuất gia phải cần có điều kiện, trình tự thủ tục, giới điều như thế nào?
Đức Phật đặc biệt lưu ý về điều này, ngài nói:
- Trong giai đoạn này, ở đây, chưa nên nhận người xuất gia thêm vì có nhiều vấn đề phức tạp. Ni chúng vừa mới thành lập còn quá mới mẻ. Phải đợi đến lúc di mẫu và các vị tỳ-khưu-ni ở đây nắm hết căn bản pháp học, pháp hành, có đời sống luật nghi thanh tịnh, ổn định, vững chắc – lúc ấy mới tính đến việc ấy(1). Hiện giờ phần việc cho nữ giới xuất gia tỳ-khưu-ni là do Như Lai và chư vị trưởng lão tăng đảm trách(2).
Ni trưởng Gotamī hỏi về một số người nữ đến xin làm công quả, học tu thì phải làm thế nào?
Đức Phật dạy:
- Điều ấy cũng khá phức tạp. Tục lệ tảo hôn của xã hội ta, đôi nơi con gái 8 tuổi đã gả chồng. Vậy người nữ đến xin học tu đã được sự đồng ý của cha mẹ hoặc người chồng hay chưa? Nếu được sự chấp thuận của gia đình – thì được phép. Vị ni trách nhiệm giáo thọ phải kèm cặp, giáo giới kỹ càng sau hai hoặc ba năm, có thể cho xuất gia sa-di-ni. Lúc ấy, Như Lai sẽ chế định, ban hành học giới cụ thể.
Như vậy, rõ là đức Phật và chư vị trưởng lão tăng còn quá nhiều việc phải làm. Riêng ni chúng sẽ còn phát sanh hằng trăm hàng ngàn chuyện lớn, nhỏ trong tương quan giữa nhau cùng cộng đồng xã hội.
Điều ni trưởng thưa trình với đức Phật là đúng, vì thời gian không lâu sau, người nữ đủ mọi thành phần, giai cấp trong xã hội đến xin học tu rất đông. Một vài trường hợp ngoại lệ, chỉ có đức Phật mới quyết định cho xuất gia tỳ-khưu-ni hay không; còn đa phần, họ đều phải tuân hành mấy chục giới điều (chưa phải luật) khá khái lược ở trên, để chuẩn bị cho ni giới tự điều hành và quản lý sau này.
(1)Chú giải nói là để tránh tình trạng phàm ni tự kích thích mình!
(1)Kỳ kinh nguyệt của phụ nữ.
(1)Thời điểm này chưa có quy định Hòa thượng ni tối thiểu đủ 12 mùa hạ lạp.
(2)Sau hạ thứ 20, đức Phật mới quy đinh: Tỳ-khưu 10 hạ, tỳ-khưu-ni 12 hạ mới đủ tiêu chuẩn làm thầy thế độ cho giới tử thọ đại giới.