CON NGƯỜI SỢ NHẤT LÀ ĐÁNH MẤT CHÍNH MÌNH?
Do người ta đánh mất chính mình nên bị tham lam, ích kỷ, tham muốn quá đáng chi phối rồi sinh ra sân giận, thù hằn, ghét bỏ mà tìm cách giết hại lẫn nhau. Có một chú tiểu sau nhiều năm tu học ở chùa mới cung kính thưa hỏi hoà thượng:
“Thưa sư phụ, con người ta sợ nhất cái gì?” Hoà thượng hỏi lại vị đệ tử: “Vậy theo con thì sợ nhất cái gì?” “Dạ thưa sư phụ, có phải là sự cô độc không ạ?” Hoà thượng lắc đầu: “Không đúng!” “Dạ thưa sư phụ, vậy là sự hiểu nhầm chăng?” - “Cũng không đúng!” - “Là sự tuyệt vọng?” - “Càng lại không đúng!”
Rồi chú tiểu liền đưa ra mười mấy phương án khác nhưng hết thảy hoà thượng đều không chấp nhận. Chú cảm thấy mất tự tin trước những lời xác định là không nên vặn hỏi lại sư phụ: “Vậy là gì thưa sư phụ?” - “Là chính mình?” Chú tiểu bất ngờ nhận ra chính mình là tâm trong sáng, thanh tịnh.
Lúc này, Hoà thượng mới từ tốn nói: “Thực ra, những điều con vừa nói như sự cô độc, sự hiểu lầm, sự tuyệt vọng hoặc vô vàn những sự kiện khác… đều là cái bóng phản chiếu của tính biết sáng suốt, nó là cảm xúc do sự vọng động của chính mình mà ra. Nếu ai cũng nghĩ những thứ đó là đáng sợ thì chúng ta tự đánh mất chính mình. Ngược lại, chúng ta không sợ gì hết vì nghĩ rằng không có nhân quả nghiệp báo thì vô tình tạo thêm nhiều tội lỗi làm tổn hại cho người và vật.” Sau câu nói của sư phụ, chú tiểu đủ niềm tin biết mình có tâm thanh tịnh, sáng suốt ngay nơi thân này.
Câu chuyện trên luôn nhắc nhở chúng ta sống ở đời cần có sự suy gẫm, chớ nên buông xuôi mọi việc. Có lẽ ai cũng đã từng đôi ba lần đánh mất một thứ gì đó. Trong tất cả những điều bị đánh mất, có khi nào chúng ta tự hỏi lòng mình rằng chúng ta lo sợ bị đánh mất điều gì nhất không? Thật ra, trong mọi thứ bị đánh mất, đánh mất chính mình mới là điều đáng sợ nhất, nên từ đó con người ta mới tham lam, ích kỷ, sân hận, ganh ghét, tật đố rồi tìm cách tạo vây cánh, bè phái đấu tranh, giành giựt, giết hại lẫn nhau.
Những người đang yêu nhau tha thiết không muốn rời xa nhau vì đam mê, vì say đắm, vì luyến ái nhớ nhung và có lẽ sợ nhất là mất người yêu. Có người thì sợ mất gia đình người thân mà mình yêu quý nhất như cha mẹ lo cho con cái, như vợ chồng thương yêu nhau, như anh em cùng vui vẻ, thuận thảo, thương mến nhau… Và những người đang thăng tiến trên con đường công danh, sự nghiệp thì có lẽ sợ mất quyền cao chức trọng và sợ không còn ai cung kính, tôn trọng khi bị thân bại danh liệt… Nói chung, tất cả chúng ta sợ bị đánh mất rất nhiều thứ, toàn là những điều có liên quan đến sự sống gia đình và xã hội. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất, quý giá nhất mà chúng ta đã đánh mất nó từ lâu là chính mình.
Chúng ta đừng bao giờ vì muốn được lòng một ai đó mà tự đánh mất chính mình. Thế gian này đã từng có rất nhiều người đánh mất cả cuộc đời chỉ vì quyền lợi riêng tư, mong được có địa vị danh vọng và mau thăng quan tiến chức mà sống trong lừa đảo, dối trá, bóc lột kẻ dưới… Chính vì vậy, “nhận biết chính mình” mới là điều cần thiết và quan trọng nhất. Nếu chúng ta biết tất cả mọi thứ trên đời, trên thông thiên văn, dưới am tường mọi sự việc mà lại không biết chính mình là ai, là gì, mình từ đâu đến và sau khi chết đi về đâu thì sự hiểu biết ấy chỉ đáp ứng được giá trị bên ngoài nên không thể giúp ta hoàn thiện chính mình để thật sự sống bình yên, hạnh phúc.
Người xưa nói “biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. Thắng ở đây không chỉ là thắng theo kiểu chiến trận, thắng ở đây cũng chưa hẳn là thắng người hay thắng kẻ thù mà thắng ở đây là thắng chính mình. Chúng ta chiến thắng những dục vọng thấp hèn có tính cách tham lam, sân hận, si mê để vươn lên vượt qua cạm bẫy cuộc đời nhờ biết cách làm chủ bản thân để không bị các thói quen xấu ác có tính cách làm tổn hại cho người và vật.
Chúng ta cần biết được chính mình để sống tốt hơn trong mối quan hệ với gia đình người thân, với bạn bè, với đồng nghiệp và với tất cả mọi người trong xã hội. Ngày xưa, thời Phật còn tại thế, có vị tỳ kheo đã hoàn tục và xuất gia đến lần thứ 7. Gia tài của thầy chỉ có cây cuốc cùng miếng ruộng nhỏ, ấy thế mà đã làm cho thầy điên đảo vọng động, tính toán hơn thua. Sau nhiều lần hoàn tục chỉ vì tiếc nuối cây cuốc, dù xuất gia nhưng thầy vẫn giấu cây cuốc vào chỗ kín để đến khi cần thì lấy ra xài. Lần thứ 6 khi hoàn tục thầy cảm thấy bất an bởi cuộc sống chẳng có gì khấm khá hơn. Trong thời gian đó, thầy quán chiếu về sự hiện hữu của thân này nên thấy rõ nó là một chuỗi nhân duyên hòa hợp giả có, không thực thể. Vậy cái gì là tôi mà muốn chiếm hữu để rồi từ đó thấy mọi thứ là của tôi mà chúng ta tham đắm, dính mắc vào đó rồi làm khổ đau cho nhau.
Sau lần thiền quán đó đã giúp thầy khai thông trí tuệ, thấy rõ được bản chất thật của thân này là vô thường, tâm suy tư nghĩ tưởng là vọng dối, hoàn cảnh sự vật thì đổi thay nên tất cả đều vô thường. Nhưng ngay nơi thân này có tính biết sáng suốt, thấy chỉ là thấy, nghe chỉ là nghe, mũi-lưỡi-thân-ý cũng lại như thế. Rồi thầy ra bờ sông quăng cây cuốc xuống dòng sông và la lớn lên trong sự mừng rỡ: “Ta đã chiến thắng rồi! Ta đã chiến thắng rồi!”
Lúc này, vua Ba Tư Nặc cùng quan quân vừa mới dẹp loạn xong và đang trên đường trở về, nghe tiếng thầy tỳ kheo nói “Ta đã chiến thắng rồi” nên Vua Ba Tư Nặc mới tự nghĩ thầm trong bụng “Ta mới chính là người đã chiến thắng” rồi đến thưa hỏi thầy tỳ kheo kia: “Thầy đã chiến thắng cái gì?” Thầy tỳ theo mới nói: “Tôi đã 7 lần hoàn tục và xuất gia, hôm nay mới chiến thắng được chính mình là biết cách chuyển hóa phiền não tham-sân-si do lầm chấp thân này là tôi và của tôi.”
Chúng ta từ xưa nay mải mê tìm cầu bên ngoài để kiếm tìm hạnh phúc mà tự đánh mất chính mình. Một số người cho rằng chết là hết nên đánh mất chính mình. Kẻ tin có đấng thần linh thượng đế ban phước giáng họa nên cũng đánh mất chính mình. Còn có nhiều người quan niệm cõi này là cõi tạm, cõi bên kia mới là cõi vĩnh hằng rồi từ đó đánh mất chính mình trong hiện tại. Một số người nói rằng tất cả đều là ngẫu nhiên, khi không nên cũng đánh mất chính mình. Rồi kẻ cầu khẩn, van xin, ỷ lại vào người khác càng đánh mất chính mình nhiều hơn nữa.
Tại một làng nọ có một ông già sống nghèo khổ trên mảnh đất khô cằn, đá sỏi của mình. Sau nhiều năm cày sâu cuốc bẩm, siêng năng đầu đội trời chân đạp đất nhưng chẳng có gì khá hơn. Rồi một buổi sáng đẹp trời ông đang chuẩn bị công việc hằng ngày thì bỗng nhiên người ta phát hiện bên dưới miếng đất của ông có một mỏ đá kim cương. Từ đó, ông già trở nên giàu có, ông sắm một chiếc xe hơi sang trọng với số tiền khổng lồ để mỗi ngày đi du lịch đó đây mà ngắm cảnh xem hoa, vui thú trong quãng đời còn lại.
Tuy nhiên, có một điểm đặc biệt là ông già đó chẳng bao giờ phải tốn tiền mua xăng. Ông đã dùng hai con ngựa để kéo chiếc xe đi hết nơi này sang nơi khác. Nhiều người trong chúng ta hiện nay cũng đang sống một cuộc đời như thế, nhưng đáng tiếc là hầu như tất cả mọi người đều lãng phí thời gian vô bổ để tìm cầu bên ngoài mà tự đánh mất chính mình. Chúng ta quay lại chính mình ở đây không có nghĩa là ta tự hủy diệt thân xác, đày đọa bản thân, mà chúng ta biết cách làm chủ bản thân qua ý nghĩ, lời nói và hành động để không làm tổn hại một ai.
Để hoàn thiện chính mình chúng ta cần phải nhận biết những khuyết điểm của bản thân để tìm cách khắc phục và chuyển hóa. Chúng ta có thể làm tốt hơn tất cả mọi công việc nếu chúng ta quyết tâm và nỗ lực làm mới lại chính mình. Ngay từ giờ phút này mọi người hãy lắng lặng tâm tư để quay về với tuổi thơ, khi còn nhỏ có lẽ ai cũng biết chơi trò đá dế, xem đá dế và cổ động đá dế. Một con dế trống bình thường chỉ thích gáy để ra oai với các nàng dế mái mà không thích đánh nhau, nhưng một khi đã bị con người quay cho chóng mặt rồi thì gặp đâu đá đó, cắn xé điên cuồng với đồng loại. Cuộc đời chúng ta cũng giống như thế, ta bị dòng đời cuốn trôi theo tiền tài, sắc đẹp, quyền cao chức trọng, ăn ngon mặc đẹp, ngủ nhiều nên chúng ta không còn biết chính mình là gì nữa.
Mỗi một ngày chúng ta hãy dành cho mình một chút ít thời gian, một không gian yên tĩnh để quay lại chính mình mà biết cách làm chủ bản thân trong cuộc sống bộn bề với những được mất, hơn thua, phải quấy, tốt xấu. Ta có thể vận dụng thiền trong đời sống hằng ngày bằng cách làm chủ suy nghĩ của mình. Một niệm ác dấy lên ta liền không theo hay trụ tâm vào hơi thở hoặc niệm Phật, Bồ tát để dần hồi chuyển hóa các tạp niệm lăng xăng mà làm mới lại chính mình.
Có một vị thương gia sau nhiều năm lập nghiệp kiếm được rất nhiều tiền và rất thành công. Tuy nhiên, trong thời gian kinh tế toàn cầu khủng hoảng anh bị phá sản rồi nợ nần chồng chất. Cuối cùng, không tìm ra cách giải quyết nên anh định kết liễu cuộc đời. Nửa đêm, anh lần mò ra bờ sông và chợt nhìn thấy một người thiếu nữ xinh đẹp đang ngồi than khóc thảm thương, động lòng hiếu kỳ nên anh đến hỏi cô gái:
“Có chuyện gì mà đêm khuya thanh vắng cô ngồi khóc một mình ở đây?” Cô gái buồn bã nói trong nghẹn ngào, uất ức: “Em bị người yêu bạc đãi nên không còn muốn sống nữa, không có anh ấy em không thể nào sống nổi.” Vị thương gia nghe xong liền lập tức dùng lời khuyên nhủ: “Trước khi quen bạn trai em vẫn bình thường sống một mình mà!” Cô gái vừa nghe xong liền thức tỉnh và cám ơn chàng thương gia rối rít, sau đó bỏ ngay ý định tự tử. Lúc đó, cô gái quay sang hỏi vị thương gia: “Còn anh, sao nửa đêm anh ra đây làm gì?” Vị thương gia hổ thẹn quá nên đành nói dối là chỉ dạo mát ngắm trăng, nhìn dòng sông thơ mộng.
Chàng thương gia và cô gái cả hai đều đánh mất chính mình nên trong cuộc mưu sinh phải chịu vật vã trong khổ đau, thậm chí đến đường cùng đành chọn giải pháp quyên sinh khi mất mát xảy ra. Xét cho cùng cũng chỉ thiệt cho mình mà thôi vì trước khi mất mát chúng ta đâu có gì.
Con người do bám víu vào sắc thân này mà cho là thật ta nên làm cái gì cũng để đáp ứng nhu cầu cho thân. Chúng ta ai sinh ra đời cũng với hai bàn tay trắng, vậy mà khi lớn lên sự chấp ngã ngày càng nhiều nên si mê, sân giận, tham lam chiếm đoạt giành lấy về phần mình làm khổ đau cho nhiều người khác. Chính vì thế, Phật dạy từ con người cho đến muôn loài vật đều chịu sự chi phối của vô thường, thay đổi vốn là bản chất của cuộc đời này để chúng ta bớt làm tổn hại nhân loại.
Ốc sên con một hôm thắc mắc hỏi mẹ: “Mẹ ơi! Tại sao chúng ta từ khi sinh ra phải đeo cái bình vừa nặng, vừa cứng trên lưng như thế mà các loài khác không có như vậy?” Ốc sên mẹ nói: “Vì cơ thể chúng ta không có xương để chống đỡ nên phải mang cái vỏ cứng bên ngoài để bảo vệ thân này.” - “Chị sâu róm cũng không có xương nhưng tại sao chị ấy không cần đeo cái vỏ như mình vậy mẹ?” - “Vì chị sâu róm sẽ biến thành bướm nhờ có đôi cánh nên tung bay đó đây và nhờ bầu trời bảo vệ.” - “Ủa, sao cô giun đất cũng không có xương, cũng không biến hóa được nhưng cô ấy không đeo cái vỏ như mình vậy mẹ?” - “Vì cô giun có khả năng chui xuống đất được nên lòng đất sẽ che chở cô ấy.”
Nghe mẹ nói như thế ốc sên con vừa khóc vừa nói: “Loài ốc chúng ta thật bất hạnh hơn các loài khác vì không có bầu trời bảo vệ và lòng đất cũng chẳng che chở cho chúng ta. Vì vậy mà chúng ta phải đeo cái vỏ nặng nề này.” Ốc sên mẹ mới nói với con rằng: “Chúng ta không dựa vào trời, cũng chẳng dựa vào đất, chúng ta phải dựa vào chính bản thân mình để được sống và tồn tại con ạ.”
Hình ảnh mẹ con ốc sên nói chuyện với nhau về cái vỏ bọc che thân mang ý nghĩa do ngu si chấp thân làm ngã nên phải bị đọa vào loài ốc sên để chịu quả báo. Loài bướm, loài giun được ví như các tín đồ cuồng tín không hiểu lẽ đúng sai của cuộc đời nên chấp nhận đấng tối cao ban phước giáng họa để sống một đời mê muội chẳng hiểu biết gì.
Cuộc sống của muôn loài vật được sinh ra bởi do thói quen chấp trước nhiều đời nên mới có thân tướng, hình dạng khác nhau. Làm người dù xấu xí, đen đúa, khó coi nhưng vẫn tốt hơn các loài vật vì còn biết suy nghĩ, tìm tòi, nghiệm xét, phân biệt tốt xấu, đúng sai. Các loài súc sinh chỉ sống theo nghiệp nên không có khả năng suy nghĩ, do đó chịu sống một kiếp tối tăm, mê muội vì đã hoàn toàn đánh mất chính mình.
Con người hơn các loài vật ở chỗ biết phân biệt, nếu gặp người khác chỉ dạy, nhắc nhở hoặc tự chiêm nghiệm, suy xét sẽ dễ nhận ra sai sót của mình mà thức tỉnh trở lại. Khichúng ta luôn sống với chánh niệm tỉnh giác thì nhờ vậy ta lúc nào cũng để hết tâm ý vào những gì mình đang tiếp xúc. Chúng ta biết quan sát sự việc đang diễn ra một cách rõ ràng, tường tận và trung thực. Nhờ vậy, ta dễ dàng làm chủ bản thân mà không đánh mất chính mình để bình thản, an nhiên trước mọi xung đột, đổi thay của dòng đời nghiệt ngã.
Khi ta quét dọn nhà cửa hay lau chùi, chúng ta chỉ chú tâm vào việc mình đang làm. Ta biết rõ từng cử chỉ, hành động của mình mà không bị vướng kẹt vào bất cứ đối tượng nào thì việc dọn dẹp nhà cửa cũng được gọn gàng, sạch sẽ và mau chóng hơn.
Khi lái xe cũng vậy, ta phải dùng tâm biết để điều hành mắt nhìn thẳng phía trước hoặc liếc ngang, liếc dọc để quan sát từng diễn biến xảy ra. Tai nghe tiếng còi xe, mắt nhìn thấy đèn xin cho xe qua mặt hoặc quẹo trái, quẹo phải. Tay giữ lái, mắt quan sát, hai chân chủ động đạp số hay thắng để đảm bảo an toàn khi lái xe. Thân ta đang ngồi trên xe còn tâm ý đang nhớ nghĩ chỗ khác nên không làm chủ được tốc độ, do đó dễ gây ra tai nạn, gây thương tổn đến tính mạng và thiệt hại tài sản. Mặt khác, trong lúc lái xe đèn đỏ là cơ hội giúp ta biết dừng lại và tâm trở về với chính mình. Khi gặp đèn đỏ, chúng ta ngồi yên ổn để toàn thân thư giãn nhẹ nhàng giúp cho tâm được an ổn, thoải mái.
Con người do đánh mất chính mình nên mới tham lam, thù hận, ganh ghét, tật đố, vu oan, phỉ báng, tìm cách triệt hạ lẫn nhau. Chính vì vậy, vua Trần Nhân Tông hiểu thấu được lời Phật dạy nên đã từ bỏ quyền lực cao nhất mà giao lại cho con để ra sức tu tập, cuối cùng đạt được giác ngộ, giải thoát. Sau đó, ngài đem tư tưởng Phật học, đặc biệt là Thiền học được đưa vào áp dụng rộng rãi trên khắp mọi miền đất nước nên mọi người nhờ biết quay lại chính mình mà làm chủ từ suy nghĩ cho đến lời nói và hành động. Ngài khuyên tất cả dân chúng quy hướng Tam bảo, giữ gìn năm giới, tu mười điều thiện, phá bỏ những tập tục mê tín và các tín ngưỡng khác có tính cách giết hại. Chính nhờ vậy mà đại đa số người dân đều sống có ý thức, trách nhiệm, thương yêu đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau bằng tình người trong cuộc sống.
Để không đánh mất chính mình chúng ta phải sống tỉnh giác, khi làm việc gì ta phải biết rõ việc đó; khi đi biết mình đang đi, khi uống nước biết mình đang uống nước, khi tiếp xúc với công việc thì biết mình đang làm cái gì… Thông thường, tâm ý chúng ta hay chạy theo những buồn vui, thương ghét nên lúc nào cũng sống trong phân biệt phải quấy, tốt xấu, đúng sai… Chúng ta hay nhớ nghĩ về quá khứ tốt và xấu rồi tiếc nuối những gì đã qua, tương lai chưa đến mà chúng ta lại mơ mộng ảo huyền, hy vọng đạt được những điều tốt đẹp mà trong hiện tại chúng ta lại không chịu gieo nhân thiện lành, do đó đành cam chịu đánh mất chính mình để bị dòng đời cuốn trôi mà làm những điều xấu ác.
Quay lại chính mình để nhận ra tâm Phật thanh tịnh, sáng suốt ở ngay nơi thân mình. Do đó, chúng ta biết cách làm chủ bản thân từ ý nghĩ cho đến lời nói, hành động không làm tổn hại một ai và luôn mở rộng tấm lòng từ-bi-hỷ-xả để đem tình yêu thương chân thật đến tất cả muôn loài bằng trái tim hiểu biết.