Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phật quốc bất thắng xuân

08/02/201410:30(Xem: 5479)
Phật quốc bất thắng xuân

PHẬT QUỐC BẤT THẮNG XUÂN!

Minh Đức Triều Tâm Ảnh




Tôi đi thăm Yên Tử thuở núi rừng còn hoang vu. Bồi hồi, xúc động. Những cội tùng già cỗi cằn, khô gầy ngạo nghễ giữa thời gian và năm tháng. Ồ, bên này là rừng trúc và bên kia là triền đá dựng. Có phải ở đây mà thuở trước là Cửa che giáo ngọc sum ngàn mẫu. Đá trải lược châu lửng nửa vời? (1) (Nguyễn Trãi). Theo từng dốc đá rêu phong, tôi lần bước leo lên, leo lên mãi… Mệt, thở chút đã! Dấu chân của vị vua xem ngài vàng như đôi dép rách dường như còn in dấu ở đâu đây? Chỗ này, chỗ ông ngồi nghỉ! Tôi cúi xuống, thò tay lên từng bậc đá. Phảng phất trong cảm thức, tôi còn nghe mơ hồ hương thơm minh triết hơn 700 năm đọng lại đâu đó trong sương mù, trong từng kẽ đá, trong cả từng viên sỏi lạo xạo dưới chân! Ôi! Sương khói, mây mù… tất cả đều xanh, xanh một màu: Xanh mơ màng, xanh tía, xanh lam, xanh thủy mặc, xanh tiêu sơ, xanh hư thực, xanh mộng ảo… tầng tầng, lớp lớp…

Trời đất mắt vời ngoài biển biếc. Nói cười người ở giữa mây xanh (2) (Nguyễn Trãi). Tịch mịch, cô quạnh. Càng lên cao, sương mù càng dày đặc. Dường như đã lên đến gần trời rồi thì phải! Cái chỗ chót vót đỉnh Yên Tử mà hễ ai nói to hoặc đánh một tiếng chuông là trời đổ mưa? Hay là cái chỗ có cái am xưa của vị thiền sư thi sĩ tài hoa, Am kề hơi khí lạnh. Cửa mở tít tầng mây (3) (Huyền Quang). Rồi ở đây, ở kia – có rất nhiều nhánh, nhiều cụm, nhiều nụ lan thảo thấp thoáng trong sương? Và còn có biết bao nhiêu là tiếng chim nhẩn nha, tíu tít hồn nhiên giữa cô tịch? Ồ, đây đúng là tứ thơ Tứ thời hoa điểu biệt nhân gian (Nguyễn Trung Ngạn)chăng? Trời đất sao mà thanh nhàn quá nhỉ? Chim thanh nhàn hay ông thiền sư thi sĩ tài hoa phất rũ áo mão Trạng nguyên cùng chốn quan trường hệ lụy mà tìm cõi thanh nhàn? Rừng trúc nhiều chim ngủ. Quá nửa bạn nhàn tăng (4) (Huyền Quang)… Còn nữa, còn ở đâu nữa, nơi cái am Vân Yên hay Tử Tiêu mà một vị vua anh minh đã cảm khái tán thán Này trăng, này gió, này người. Hợp thành tam tuyệt dưới trời là đây! (5) (Trần Anh Tông).

truc_lam_yen_tu_330Thế rồi, gần hai mươi năm sau tôi mới trở lại. Tôi bần thần. Ngắm nhìn ngơ ngác. Yên Tử bây giờ đẹp quá! Ôi! Biết bao nhiêu là công phu và tâm huyết! Tuy nhiên, có cái gì đó đã đổi khác hoặc có cái gì đó đã mất đi. Sừng sững những công trình xây dựng nhiều tài lực, lắm công của: Chùa viện tôn nghiêm, cáp treo tiện nghi, hiện đại lên tận chùa Đồng; nhiều lối đi thênh thang, nhiều quán nhà, cột đình sắc màu láng lẩy và sân vườn to rộng… Và cụm chùa Lân xưa – bây giờ là Trúc Lâm Yên Tử thì sao mà nguy nga và hoằng viễn quá! Nhưng như thế này thì tôi ngại rằng, không bao lâu nữa, ở đây rồi cũng sẽ như chùa Hương. Không! Hy vọng là không phải thế! Hy vọng là các bậc thức giả và chư tăng ở đây sẽ biết cách bảo vệ hồn thơ, hồn thiền và hồn minh triết Việt! Hy vọng đừng có nhiều khói hương vàng mã, nhiều hòm công đức, nhiều dịch vụ thần linh, xin xăm, cúng sớ; nhiều dịch vụ ăn uống, đặc sản thú rừng, rao hàng, quảng cáo; nhiều tiền giấy bạc lẻ rải trắng đó đây, nhiều tiền đô-la âm phủ và roi rói phồn hoa, lấm lem bụi tục!…

Không nhớ ai đó đã có nói rằng (tôi không nhớ), thế giới đương đại đang bị tách lìa hai âm tố DasSeinnơi chữ Dasein (6) trong triết học Đức để cho hiện thể, tồn thể, thực tại bản nguyên bị tách lìa tâm, vật? Thế gian triết lý, khoa học vật lý, văn hóa, xã hội, nhân sinh, kinh tế thị trường… tất thảy đều đã ôm vật mà quên tâmcả chăng? Nói cách khác, cũngcùng lý tận tính, nhưng thiên hạ đã chạy theo vật lý mà bỏ quên đạo lý (7) chăng? Cái tinh thần siêu việt, thượng thừa, cái minh triết trong vắt, cao cả của hồn thiền, của minh triết Việt, nói theo Heidegger là đã bị vật thể hóa– nên nó mới huy hoàng phàm tục mộng triệu như thế sao? Một ông vua từ bỏ ngai vàng lên non cao động vắng, sống đời bần hàn, Ăn rau trái, mặc áo sồi, coi nửa gian lều bằng nửa thiên cung (8) ; và, Khuất tịch non cao. Náu mình sơn dã. Vượn mừng hủ hỉ. Làm bạn cùng ta (9) ; rồi cái cảnh sống hằng ngày ở Yên Tử,Mặc cà-sa, nằm trướng giấy. Màng chi châu đầy lẫm, ngọc đầy rương. Quên ngọc thực, bỏ hương giao. Cắp nạnh cà một vò, tương một hũ (10) thì đâu có tương hợp với những công trình vật chất quy mô tráng lệ, đâu có tương thích với cảnh ngựa xe như nước, áo quần như nêmnhư tiết thanh minh tảo mộ của Tố Như tiên sinh?
yentu2

Tôi lại thở dài. Đúng là xã hội bây giờ nó vậy. Thời nào con người nấy. Tâm như vậy, cảnh như vậy. Ở đâu cũng thế cả thôi. Mình không thể hy vọng hão huyền là chúng sẽ khác đi. Phải trân trọng và cảm ơn mới phải. Cảm ơn những công trình hoành tráng, kiên cố, vững chắc của thời đại. Những giá trị văn hóa, lịch sử cần phải được trùng kiến, trùng tu, bảo vệ, gìn giữ! Tôi chỉ buồn cho mình thôi! Có lẽ là mình đã đầu thai nhầm thế kỷ (Vũ Hoàng Chương).Người ta đã nói đúng. Minh triết là cái tro xám, nguội lạnh; là cái già nua, nghèo nàn! (11) Đi tìm những cái hồn, những cái thơ, cái thẩn giữa thời đại văn minh này thì quả là tâm thần, là thần kinh! Nó là những chuyện tẻ nhạt, ỉu sìu, cùn mòn, ngán ngẩm, nguội lạnh và lẩn thẩn…như một số triết gia Tây phương đã nói. Bánh xe lịch sử không cưỡng cầu được. Tôi chỉ là người bơ ngơ, vô vị – đi mịt mờ, hoang liêu giữa thế giới đầy đặc sương mù với cảm thức không có trăng, không có sao; và vẫn mong rằng, ở nơi này và nơi kia, các giá trị minh triết đừng bị che khuất, bị giấu kín đằng sau mọi hiện tượng được gọi văn minh sổi, văn minh sượng, văn minh vội vã là quý hóa lắm rồi! Nhân gian thì khả thứ còn núi non thiền thì không thể!

chua_hoa_yen_ngay_nayÔi! Tôi nhớ làm sao là cái cảnh Vân Yên (12) thuở trước. Cái cảnh mà được tả là, Hồ sen trương tán lục. Suối trúc bấm đàn tranh. Ngự sử mai hai hàng chầu rập. Trượng phu tùng mấy khóm phò quanh…(Huyền Quang). Ai cũng biết, sen thanh khiết, trúc ruột rỗng, mai tiết khí và tùng là quân tử; vậy thì đây đâu phải là nơi cho bọn phàm phu tục tử như chúng tôi héo lánh đến! Hoặc, Chim gọi bạn cắn hoa cúng Phật. Vượn bồng con kề cửa nghe kinh (13)(Huyền Quang).Đúng là cõi Phật rồi!(Ảnh bên: Chùa Hoa Yên ngày nay)

Tôi cũng nhớ câu chuyện Thị Bích dựng chuyện tình vằng vặc trăng mai ánh nước làm cho Huyền Quang bị hàm oan. Nhưng trên đàn tế lễ hội Vô Già, Huyền Quang đã nhờ pháp lực mật niệm thần chú làm cho mọi thứ tạp vật (vàng bạc châu ngọc) trên pháp điện đều đã bị cuốn bay mất hết chỉ còn lại hương đăng và lục cúng (14) mới lấy lại danh dự. Ồ, cái thuở ấy, vàng bạc châu ngọc được coi là tạp vật, còn bây giờ cái tạp vật ấy lại là mục đích, lý tưởng của đời người!

Tôi đã quá lời. Xin lỗi thế gian. Tôi đã già nua, lẩm cẩm mất rồi, có phải thế không? Không! Tôi đang đi tìm cái hồn của minh triết! Cái hồn minh triết ấy là nội hàm của tất thảy cái gọi là vô vi, vô vị, bình đạm, vô tâm, vô niệm, vô ngã, vô ý, vô cố, vô tất(15),vô niệm, vô thủ, vô xả, vô cấu , vô không, vô hữu…;là tập đại thành tư tưởng của Phật, Khổng, Lão; là chỗ tiếp thu toàn bộ thiền học Khương Tăng Hội, Tỳ-ni-đa-lưu-chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường; lại còn là nơi dung chứa toàn bộ Khóa Hư Lục của Trần Thái Tông, minh triết ẩn tàng của Trần Thánh Tông cùng tư tưởng thiền học phóng khoáng, phiêu bồng của Tuệ Trung thượng sĩ để tạo nên dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử của thiền sư thi sĩ Trần Nhân Tông. Ông đã tiếp thu trọn vẹn cái biển học thời ấy, rồi quên nó đi hoặc tiêu hóa nó và biến nó thành máu huyết, hơi thở, thành thơ, thành thiền, thành đạo lý sống, chân lý sống cho cuộc đời hành động minh triếtchẳng hữu, chẳng vô của mình.

Cuộc đời hành động

Thuở nhỏ, Trần Nhân Tông có lẽ chưa thâm ngộ gì về Phật học nên sau này ông có nói,Tuổi trẻ chưa từng hiểu có, không. Hoa xuân trăm vẻ rộn tơ lòng. Chúa Đông, nay đã nhìn quen mặt. Nệm cỏ, sàng thiền ngắm rụng hồng! (16) Quả thật là kỳ lạ. Chưa hiểu gì về Phật mà đã trốn vào Yên Tử đòi đi tu? Rồi khi bị ép làm vua thì ông từ chối, muốn nhường ngôi lại cho em. Đối với người vợ mới cưới ông ta cũng rất lạnh lùng, lạt lẽo! Vậy, kiếp tu đã có sẵn tiền căn rồi. Là Kim Phật. Có hoa sen vàng to như bánh xe mọc nơi lỗ rốn!Rồi còn sứ mạng lịch sử nào đây với thanhgươm ngắnmà thần linh trao? Và quả đúng như vậy. Mới lên ngôi được vài tháng thì vua đã phải đối phó với phái bộ của Hốt Tất Liệt là tên Sài Thung ngạo nghễ và xấc xược. Vua đã vừa cương vừa nhu trong cách đối xử phải lẽ với sứ giả, đồng thời thảo những lá thư ngoại giao khéo léo để tránh cho đất nước khỏi nạn can qua.

Quả là một đống công việc, nhà vua trẻ phải lao tâm tổn sức vì sự sống còn của Đại Việt (17). Năm 1287, việc nước đang bề bộn, đang chuẩn bị cấp tập, ráo riết như dầu sôi lửa bỏng ở bên lưng (18) thì Hoàng thái hậu mất. Vua kể lại rằng, từ lâu đã đội ơn dạy dỗ của Tuệ Trung thượng sĩ (19),nhân lúc cư tang đau buồn bèn cho người mời ngài đến.Trong dịp này vua còn đủ tâm trí để học đạo, hỏi thiền. Thượng sĩ đã ân cần trao cho hai bộ ngữ lụcbảo phải cố gắng nghiên cứu ngày đêm (20). Vua ngờ vực quá – vì thấy đời sống của thượng sĩ rất phàm tục (21) nên đã tò mò dọ hỏi về việc tu hành. Và nhờ cuộc tiếp xúc, trao đổi này mà nhà vua dường như nắm được yếu chỉ tâm pháp của thiền Trúc Lâm tại núi Yên Tử – mà nghe đâu Tuệ Trung, cũng chính là Huệ Tuệ kế pháptruyền đăng, tục diệm (22) đời thứ năm (23). Như vậy, chứng tỏ nhà vua vừa chăm lo việc nước, vừa đánh giặc vừa nghiên cứu Phật học.

Thật là lạ lùng. Nhà vua dường như làm mà không làmtương tợ vô vi nhi vô bất vicủa Lão. Nhà vua dường như tùy công việc mà khởi tâm, mà tùy duyên, lấy tâm của muôn dân (thiên hạ chi tâm)làm tâm của mình như Trúc Lâm quốc sư dạy bảo cho vua Trần Thái Tông, chứkhông có ý riêng, không có nguyên tắc, không chủ trương quan niệm riêng;và cuối cùng là để cái tôi, cái bản ngã của mình ra ngoài – thì có khác gì vô ý, vô tất, vô cố, vô ngãtrong tứ tuyệt tứcủa Khổng? (24) Vậy đó! Sau trận chiến thắng Nguyên Mông lần thứ hai, 1288 (25), đứng trước ngôi mộ của ông nội đã bị giặc đào phá, đức vua cảm khái: “Xã tắc đôi phen chồn ngựa đá. Non sông nghìn thuở vững âu vàng” (26) mà cảm thấy nhẹ nhõm, dường như thanh gươm ngắn của thần linh trao đã làm xong sứ mạng của nó!

Như thế là chàng trai thanh niên trải qua hai cuộc chiến kinh hoàng khi tuổi vừa mới ba mươi! Thắng giặc đã khó khăn mà ổn định đất nước, xây dựng cơ đồ, tế thế an bang sau can qua đổ nát cũng không phải dễ dàng gì. Đức vua trẻ tuổi đã có một kế lược hậu chiến quy mô và hoàn bị (27) nên chỉ trong vòng 5 năm, dẫu trải qua hai trận mất mùa đói kém, người con trai tài hoa và trí dũng của chúng ta đã phát triển đất nước giàu đẹp từ đống đổ nát, điêu tàn của binh lửa. Công cuộc ngoại giao gìn giữ và bảo vệ hòa bình cũng đã đến hồi thắng lợi. Hốt Tất Liệt chết, mộng xâm lược Đại Việt cũng chết theo, Nguyên Thành Tổ lên ngôi gởi thư báo về việc bãi binh. Thế là nhân dân Đại Việt yên ổn làm ăn, bắt đầu của thời thái bình, thịnh trị.

Làm Thái thượng hoàng và Hương Vân đầu-đà

Khi đất nước đến hồi phát triển rực rỡ nhất, 1293, mới 35 tuổi, Trần Nhân Tông đã nhường ngôi, giao lại quyền bính cho con là Trần Anh Tông, lên làm Thái thượng hoàng. Thật là một nghĩa cử cao cả và tốt đẹp, để lại bài học cho muôn đời sau: Dạy cho vua cho chúa, dạy cho những người lãnh đạo, kẻ đã quá tuổi phục vụ – đừng có tham quyền cố vị, công đã thành rồi mà thân không chịu thoái, cứ khư khư đeo bám cho đến bạc tóc, cho đến nấm mồ! Dường như Trần Nhân Tông miễn cưỡng lên làm vua, nhưng khi làm vua là nhận lãnh một trách nhiệm với sơn hà xã tắc; làm vua là để lãnh đạo hai cuộc chiến tranh vệ quốc bất đắc dĩ (thanh gươm ngắn chứ không phải thanh gươm dài), không có chỗ để nghỉ ngơi trong suốt 14 năm tại vị (từ năm 1279 đến năm 1293). Như thế, rõ ràng là ngai vàng, danh vọng, quyền lực, phú quý, ngũ dục… chẳng hề động tâm đức vua ấy, đức Kim Phật ấy. Rồi, khi làm Thái thượng hoàng thì đã thật sự nghỉ ngơi chưa? Có, có chút ít nghỉ ngơi và để tâm nhiều hơn về việc học Phật, tu Phật.

Sử kể rằng, ông thường ngao du đây đó, yêu mến, thỏa thích chốn sơn thủy thanh u. Đặc biệt là cảnh trong bài thơ Vũ Lâm tươi đẹp với hình ảnh phác thảo chắt lọc, tinh tế; với sắc màu lặng lẽ, với tiếng chuông thinh không xa vắng… Cái chỗ mà Lòng khe vắt ngược bóng cầu hoa. Ngấn nước, lung linh vệt nắng tà. Lặng lẽ nghìn non, rơi lá đỏ. Làn mây mơ mộng tiếng chuông xa… (28) Thật là kỳ lạ quá sức. Mới sau những trận ác chiến kinh hoàng, sau năm năm xây dựng đất nước, tâm của vị Thái thượng hoàng này lại cảm nhận được cái động cựa, cái sức sống thiên nhiên ngoại vật: Cái vệt nắng trên ngấn nước! Cái lặng lẽ nghìn non, rơi lá đỏ; lại còn làn mây ẩm, làn mây ướt, nó mơ nó mộng tiếng chuông xa!Thật là tinh tế hết chỗ nói! Thi pháp nghệ thuật ấy cũng khá hiện đại đấy chứ! Vài nhà nghiên cứu nói rằng, năm này, 1294, Thái thượng hoàng xuất gia ở Vũ Lâm. Thật ra, lúc này ngài mới tập sự xuất gia, tìm chỗ non thanh cảnh vắng để nghiên cứu thiền học mà thôi. Tại sao vậy? Tại vì cái chứng chỉ tập sự xuất gia nó nằm nơi bài thơ, nó giấu kín tâm sự ở đó!

Chúng ta hãy xem nào! Chiếc cầu chạm vẽ nói lên thân thế hoàng gia của ngài. Cái thân thế ấy in ngược trên lòng khe như mộng, như ảo. Tuổi đã thu rồi, xế chiều rồi, chỉ còn vệt nắng cuối cùng lấp lánh nơi ngấn nước ngoài rìa bờ khe. Lặng lẽ nghìn non rơi lá đỏ. Sao lại nghìn non? Đứng ở điểm nào mà thấy cả nghìn non? Đây là tâm thấy chứ không phải mắt thấy. Nghìn non là vận vật. Vạn vật đã âm thầm, lặng lẽ báo triệu sự vô thường, thu rồi, chiều rồi; “ngô đồng nhất diệp lạc” đã báo thu rồi – huống hồ cả nghìn non rơi lá đỏ? Còn chần chờ, lần lữa gì nữa? Gẫm lại việc nước còn đa đoan, bề bộn, nặng nề quá; chẳng khác gì đám mây kia, đẫm nước, ướt nước không nhẹ nhàng bốc cao lên được; chỉ có việc chấp nhận tại thế, nằm đây mà mơ mà mộng tiếng chuông chùa xa mà thôi! Chưa xuất gia được đâu!Như vậy, thơ chính là tiếng nói u tịch, kín đáo của lòng mình; tâm cảnh tương quan, duyên khởi – không có ở đâu rõ ràng hơn thế! Còn nữa, Thái thượng hoàng yêu mến Trần Đạo Tải nên sai bày dọn sơn hào hải vị đãi Tải, ngài ngồi bên, nói thơ… Sơn tăng giữ tịnh giới. Cùng ngồi, không cùng ăn (29). Nhà vua tự gọi mình là sơn tăng – có vẻ như câu nói giỡn chơi của một người vừa tập sự tu hành; nhưng cũng đã chứng tỏ một cốt cách nào đó của con người đã lựa chọn chí hướng xuất trần cho đời mình.

Cũng trong năm này, 1294, ngài còn phải trở lại kinh đô để tiếp phái bộ của Trung Quốc; sau đó, thảo văn thư xin thỉnh Đại Tạng kinh với Nguyên Thành tổ. Thấy phương Bắc tạm yên, ngài cầm quân đi đánh Ai Lao (30). Việc chiến tranh là bất đắc dĩ nên lòng nhà vua đâu có vui, Lạnh lẽo đường xa mơ điện cũ. Rối ren sầu dấy thấm ly nồng… (31) Ngài lại còn sợ mai sau chuốc lấy lời chê như Hán Vũ đế là ông vua hiếu chiến; thế thì nam nhi ở trên đời lật đật, vội vã với việc chinh chiến là để mà làm gì? (32) Thế là đã rõ, nếu năm 1294 đã xuất gia rồi thì không thể cầm quân đi đánh giặc, không thể uống rượu và cũng không thể mơ cung điện cũ! Khi Ai Lao đã thuần phục, tháng 6 năm 1295, ngài trở về, sau đó xuất gia ở hành cung Vũ Lâm (33). Một số tư liệu khác thì nói đến năm 1299, Thái thượng hoàng mới xuất gia, sau đó vào Yên Tử, dựng Chi Đề tinh xá, thọ trì 12 pháp đầu-đà, tự gọi là Hương Vân đầu-đà! (34) Năm 1299 có lẽ đúng hơn năm 1295 – vì khi vị tỳ-khưu đã thọ trì 12 pháp đầu-đà thì họ nguyện giữ giới luật rất nghiêm túc, nếu không muốn nói là rất khắc khổ, rất thánh hạnh (35).

Tuy nhiên, ở đây, ta hãy bỏ qua những tồn nghi về năm tháng xuất gia và thầy truyền giới (36) vì nhiều sử liệu mâu thuẫn, phức tạp khó xác định chính xác. Có lẽ xuất gia rồi, Hương Vân đầu-đà dường như để tâm toàn bộ cho việc học đạo, hành đạo và dạy đao – do mở pháp độ tăng, người học đến rất đông (37); chỉ một lần ngài về kinh đô để nghiêm khắc chỉ dạy Trần Anh Tông trong một lần ông vua trẻ này uống rượu say (38). Năm 1301, Hương Vân đầu-đà cất bước nam du – có lẽ là tam y nhất bát– rời Yên Tử đến Bố Chính (39), ngụ ở am Tri Kiến (40), sau đó lần lượt bộ hành sang đất Chiêm. Và có lẽ đây là sứ mệnh ngoại giao cuối cùng của ngài đối với đất nước: Tìm sự yên bình lâu dài cho biên giới phía Nam. Ngài đi, lần này, chẳng võng lọng, nghi trượng, chẳng áo mão cân đai, chẳng ngựa xe hầu đón – mà chỉ là một vị sư đầu trần chân đất, ngàn nhà một bát xin ăn, sá gì cô lẻ chiếc thân dặm ngàn (41), tại kinh đô của đất Phật (42) để tìm sự bang giao hiếu hòa bền vững. Và nhờ vậy, mấy năm sau, Chế Mân dâng hai châu Ô, Lý để làm quà sính lễ cưới Huyền Trân công chúa. Vậy là tạm giải mã xong cái nốt ruồi bên vai tráigánh vác sơn hà xã tắc và thanh gươm ngắnthần linh trao để lãnh đạo hai cuộc chiến tranh tự vệ. Còn màu da vàng ròng như Kim Phật và đóa sen vàng to như bánh xe mọc nơi lỗ rốn là sao nhỉ? Đây có lẽ là giai đoạn lên làm Thái thượng hoàng để nhiều thì giờ hơn cho việc tu tập – và đặc biệt từ sau năm 1299 – lúc ngài thọ trì 12 pháp đầu-đà, tự xưng là Hương Vân đầu-đà!

Về thơ:

Có lẽ Trần Nhân Tông làm thơ không nhiều. Chỉ có 32 bài và ba đoạn phiến (43) tìm kiếm được thì quả là khiêm tốn. Đọc hết số thơ ấy, ta thấy rằng, nếu loại trừ 05 bài thơ xã giao, thù tạc;loại trừ thêm 03 bài Tây chinh, Khuê oán, Với Văn Túc Vương;bỏ luôn cả 03 bài có hơi hám Đế vương như Cây mai, Đêm 11 tháng 2, Ngày xuân thăm Chiêu Lăng;cũng bỏ luôn01 bài kệ thị tịch (vì kệ, không phải thơ);cũng bỏ luôn 03 đoạn phiến– thì số còn lại mới chính thật là thơ, thơ có hồn thiền, hình tượng thiền, có tư tưởng thiền, súc tích, cô đọng. Tôi xúc cảm, tôi hứng thú loại này hơn. Người ta nói rằng thơ văn ngài là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa cảm quan triết học và cảm quan thế sự, có tinh thần lạc quan, yêu đời, tấm lòng vị tha của một nhân cách cỡ lớn và sự rung động tinh tế, lòng yêu tự do thích thảng của một nhà nghệ sĩ. Ở đấy cũng thể hiện sự hòa hợp khó chia tách giữa một ngòi bút vừa cung đình vừa bình dị, dân dã, có cả những kiến thức sách vở uyên bác với sự từng trải lịch lãm (44). Bình như vậy quả là tuyệt; là quá trân trọng một nhà thơ lớn, một nhà nghệ sĩ lớn của dân tộc! Tuy nhiên, có ai ngờ rằng, nhận xét ấy là nhận xét của người cỡi ngựa xem hoa, chưa hiểu gì về thơ Trần Nhân Tông cả; vô tình đã hạ thấp giá trị minh triết và giá trị thiền học ẩn tàng trong ngôn ngữ nghệ thuật và hình tượng nghệ thuật của tác giả.

Trong 32 bài thơ và 3 đoạn phiến – không cần kể số đã loại trừ – không có chỗ nào là cảm quan triết họccả, có chăng là cảm quan thiền học. Dĩ nhiên, có triết học, nhưng triết học ấy đã bị lặn chìm, mất dấu; lý trí phân tích, suy luận cũng vắng mặt.Cảm quan thế sựư? Cũng không thấy. Nó có thể có nỗi buồn (Đêm 11 tháng 2, Tây chinh), có thể thương xót người thiếu phụ (Khuê oán), có thể có những câu nói khách sáo, xã giao với sứ Tàu – nhưng nhất định không phải là chuyện được mất, hơn thua, thành bại, sang hèn, giàu nghèo… của thế sự, của người đời, việc đời! Lại nữa, ta phải hiểu rằng, sau khi cả ba phương Bắc, Tây, Nam gươm giáo lặng, Hương Vân đầu-đà trở lại Yên Tử với cảnh tiên, tâm Phật; đặc biệt khi tự xưng mình là Hương Vân đầu-đà rồi, sống đời một khất sĩ khổ hạnh rồi, thì dường như ngài không còn một chút dính mắc gì nơi trần thế nữa: Trói buộc gì đâu, tìm giải thoát? Không phàm, hà tất kiếm thần tiên? Vượn nhàn, ngựa mỏi, người thêm lão. Như cũ, am mây, một chõng thiền!Tiếp theo, Phải, trái, niệm rơi hoa buổi sớm. Lợi, danh lòng lạnh trận mưa đêm. Rụng hoa, tạnh hạt, non yên tĩnh. Còn tiễn xuân tàn, một tiếng chim! (45) Thấy chưa? Ý niệm về chuyện phải trái nó rơi theo hoa buổi sớm rơi. Cái tâm về lợi danh nó lạnh ngắt giống như trận mưa lạnh ngắt đêm rồi! Và ngay chính cái rơi, cái lạnh ấy cũng không còn nữa, nó rụng, nó tạnh hết rồi, chỉ còn non yên tĩnh mà thôi.

Cái non yên tĩnhấy, các bậc thức giả có nghe không, có một tiếng chim vừa hót lên, nó đang tiễn xuân đấy! Thật là tuyệt! Kín đáo, ý vị, thi vị, thiền vị đến thế là cùng! Hoặc: Chim hót khoan thai khóm liễu hoa. Bóng thềm nhà vẽ mây chiều qua. Việc đời, khách đến thôi không hỏi. Cùng tựa lan can ngắm biếc xa (46). Không những việc đời không buồn hỏi – mà cả trăm việc, ngàn việc cũng như thế: Muôn việc nước xuôi nước. Trăm năm lòng hỏi lòng (47). Người tu thiền chỉ nên quán việc đời, quán cảnh, quán muôn việc, quán pháp vô thường, vô ngã, trôi chảy, dịch hóa, dịch biến; quán tâm, nghe tâm, lắng nghe tâm, quán thế âm, tâm ngữ tâmmà thôi! Không có đâu hiển ngữ rạch ròi như hai câu thơ ấy – cho nên đừng nóicảm quan thế sựmà có tội! Người ta nói, sai một ly đi một dặm; nhưng ở đây chỉ một sợi tơ, sợi tóc là đã cách biệt muôn trùng! Còn lạc quan, yêu đời? Có thế chăng? Tôi đã đọc đi đọc lại hằng chục lần thơ ngài nhưng chẳng thấy chỗ nào là lạc quan, yêu đời cả. Lạc quan, yêu đời là tốt ư? Nó có tốt hơn nhìn đúng chân tướng của sự vật, của muôn pháp không? Phật ôi! Có lạc thì phải có khổ, có yêu thì phải có ghét!Đức Đại sĩ của chúng ta sao lại còn phải khòm lưng, cúi đầu trong cái tròng nhị nguyên khốn khổ, tầm thường và tục lụy ấy? Xin thưa, thơ ngài chẳng lạc quan mà cũng chẳng bi quan, đa phần là nói thực, thấy thực, nghe thực, nghĩ thực – thực cảnh, thực tâm – nhưng cái thực cảnh, thực tâm ấy đã được chắt lọc qua cảm xúc tinh tế của nghệ thuật, của thiền tâm!Ta hãy nghe một vài. Khói thu, lạnh lẽo mái chùa xưa. Hiu quạnh, câu thuyền chuông vẳng đưa. Nước sáng, non yên, âu trắng lượn. Mây nhàn, gió lặng, đỏ cây thưa! (48)

Chúng ta để ý, ngoài cái thấy thực, nghe thực, chúng còn: Nướcsáng, nonyên, giólặng, mâynhànthì sẽ hiểu được cái tâm, cái trí và dụng ý của tác giả. Ở đây, thi sĩ đã sử dụng tu từ mà nhẹ nhàng, trong vắt dường như không cần phải dụng công tu từ: Sáng là tuệ;yên, lặng làđịnh; nhàn làtâm!Thế đấy, thực là thơ thiền thì không cần sử dụng ngôn ngữ kinh điển khô khan hoặc khái niệm trừu tượng của lý trí vọng thức đa sự! Bài khác: Đèn soi nửa cửa, sách đầy giường. Khí lạnh sân thu rỏ giọt sương. Thức dậy, mơ hồ chày đập áo. Trên cành hoa mộc, ánh trăng vương (49). Hai câu đầu là thực, tả thực, một nét phác thảo chắt lọc cảnh. Câu ba là âm thanh ở xa vọng lại, đã đi vào tâm. Câu bốn, nhờ tuệ, nhờ định mà chụp bắt ngay được cái tinh tế của thực tại hiện tiền: Trên cành hoa mộc,ánh trăng vừa lên!Tác giả không cần nói đương xứ tức chân (50) như Đại Niệm Xứ, như Vipassanā mà vẫn chụp bắt được cái đang là, cái như thị!“tuyệt cú”không chứ! Thêm một bài nữa. Xóm trước, làng sau tựa khói lồng. Bóng chiều nửa có, nửa dường không. Đi trong tiếng sáo, trâu về hết. Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng (51). Đây cũng là bài thơ tả thực, ngắm cảnh mà tả thực. Thật khó mà biết được tác giả có gởi gắm, có gói ghém toàn bộ tư tưởng của bài kệ Hữu cú, vô cú (52)siêu tuyệt có, không,chẳng dính mắc có không trong câu 1, 2 hay chăng?

Và nếu vậy thì nó là vọng âm thượng thừa tư tưởng ly cứ cú, tuyệt bách phicủa Thiền tông đểcắt đứt sắn bìm, cắt đứt tất cả huyền đàm hý luận của bọn thầy tu áo vá, đau não điên đầu; của bọn lập tông lập chỉ, đập ngói xoi rùa; của bọn tìm gươm khắc dấu mạn thuyền; của bọn chấp vào ngón tay mà quên mất mặt trăng; của bọn tra tra xét xét, phố chợ ồn ào… (53) để không còn cái xiềng xích nhị nguyên phân biệt bên này và bên kia, mê và giác, có và không, phiền não và bồ đề, sinh tử và niết-bàn…; và cũng có thể là tháo tung cảtám chữ (54) không còn nơi nào để bám víu nữa để tiêu diêu, để khoát hoạt, để thong dong tự tại… Nhưng để nói được ý tưởng đó, tác giả đã lồng ghép, hòa tan tư tưởng thiền với hình tượng nghệ thuật: Đi trong tiếng sáo, trâu về hết! Ngưu quy tận!Hình ảnh bức tranh cuối cùng trong mười bức tranh chăn trâu hiện ra trong tâm trí chúng ta: Trở lại cội nguồn, về với cội nguồn, vong ngã, vong pháp, thõng tay vào chợ hoặc trở về với thực tại hiện tiền “Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng” cũng y như nhau, cùng một lập nghĩa!

Thế đó, thơ của ông vua thiền sư thi sĩ, đọc đâu tôi cũng thấy ý tưởng thiền được ẩn tàng, không lộ liễu. Ngoài ra, có nói đến lòng vị tha. Nhưng nói vị tha thì không chuẩn xác, phải nói là tâm bi mới đúng – đó là bài Trúc nô minh: Tâm không đùa ngạo tuyết. Đốt cứng, dãi dầu sương. Mượn ngươi làm nô bộc. Lại ngại ngược tính thường! (55). Thật là bi mẫn tinh tế hết chỗ nói. Quý vị biết sao không, trúc nô, thanh nô, trúc phu nhân là tên gọi một loại gối tựa hoặc gối kê tay đan bằng sậy hay bằng trúc (56). Nhà vua thi sĩ của chúng ta (Hương Vân đầu-đà thì không được phép)khi sử dụng chúng vào mùa hè, luôn kề cận ở bên mình, lại chợt nhớ tới các hàng nô bộc (thời Trần còn nô lệ)ở xung quanh. Trong hàng ngũ nô tì ấy vẫn có những phẩm cách cao quý, vẫn có những anh hùng như Dã Tượng, Yết Kiêu – và chính bọn họ lại giúp cho nước nhà khi hữu sự; là những người hứng chịu hòn tên, mũi đạn! Ngoài ý nghĩa đó ra, bài thơ còn là vọng âm của Phật ngôn:Không có giai cấp trong giọt máu cùng đỏ, nước mắt cùng mặn!

Về phú:

Thơ thì Hán nhưng phú thì hoàn toàn sử dụng tiếng Nôm cho ai cũng hiểu được, là một bản tuyên ngôn phong phú, dị giản về đời sống thiền và tông chỉ của phái Trúc Lâm Yên Tử mà ngài đã là Sơ tổ. Bài phú Cư trần lạc đạo (không kể Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca)là một tuyệt tác văn học và thiền học bằng văn Nôm sớm nhất ở nước ta. Nó có nhiều tiếng Việt cổ, nôm na, dân dã mà ngày nay đã mất hẳn. Có cấu trúc biền ngẫu, có âm vang, nhịp điệu, có cân bằng, niêm đối chỉn chu. Có cách sử dụng danh từ, động từ tạo hiệu ứng, nhân hóa, ấn tượng mà ngày nay gọi là phép tu từ. Ngoài ra, chính ở bài phú nầy mới chứng tỏ kiến thức bác lãm, kinh lịch, chứng tỏ một sức học thâm uyên của tác giả. Trọn vẹn tư tưởng của bài phú này có thể tóm thâu là: Mọi việc trăm năm cõi thế, đời người, tử sinh không hỏi nữa; mọi ngõ ngách tư tưởng đã được tháo tung, mọi tham sân phiền não đã được giải quyết; và còn nhiều biên tế tư duy chập chờn đã được đèn tuệ soi tỏ; mọi thiền, mọi ngữ lục, mọi kinh điển đều đã bước qua; dứt tất thảy mối nghi, vằng vặc tâm, vằng vặc tuệ, vằng vặc giải thoát; và cuối cùng là để tâm hỷ xả, sống thung dung, an nhàn, tự tại giữa cuộc đời– đúng như tuyên ngôn trong Hội 01, mở đề: Mình ngồi thành thị. Nết dụng sơn lâm. Muôn nghiệp lặng, an nhàn thể tính. Nửa ngày rồi tự tại thân tâm.

Và rồi, dường như đọng lai, tụ lại nơi 4 câu kết, như là câu tuyên ngôn cuối cùng: Ở đời vui đạo hãy tùy duyên. Hễ đói thì ăn, mệt ngủ liền. Của báu trong nhà, đừng kiếm nữa. Vô tâm đối cảnh, hỏi chi thiền! (57) Thật ra cũng chỉ đơn giản như vậy thôi, hãy tùy duyên mà sống. Đạo tự nhiên như hơi thở, tự nhiên như đói thì ăn, khát thì uống. Ăn cơm chưa? Dạ rồi! Thì hãy uống nước đi!Hoặc, Đói ăn, khát uống, sờ ngay cửa!Nóng quạt, rét run, đá trúng sườn!Đạo là đó! Thiền là đó! Cũng là vọng âm của thiền Nguyên thủy Vipassanā: Ăn biết ăn, đi biết đi, ngồi biết ngồi…Và rốt ráo nhất của nó là Thấy như thực thấy, nghe như thực nghe… (58) Tinh yếu thiền giống nhau cả thảy. Cực Lạc, Tịnh Độ, Di Đà, Viên Giác, Kim Cương, Pháp Hoa, tính sáng, tính trong, tính giác, thực tại hiện tiền, bản lai diện mục, vô vị chân nhân, chân như, đàn không dây, câu không lưỡi, sáo không lỗ, khúc vô sinh, thái bình ca…gì gì đó đều có sẵn trong lòng mình, là viên minh châu còn nằm trong manh áo của thân tứ đại rách rưới này! Đừng hỏi gì về thiền nữa, thiền là đó, thiền là vô tâm, thiền là để tâm hư, tâm không, tâm rỗng rang không chấp trước vọng cầu – lúc đối cảnh, lúc giao tiếp với thiên nhiên, ngoại vật, pháp trần…

Thế rồi, chỉ còn hai chữ vô tâm lấp lánh, phát sáng. Vô tâm này chắc hẳn không phải là vô tâm của Trần Thái Tông: Chớ bảo vô tâm là đạo vậy. Vô tâm còn cách một ngăn rào (59). Đúng vậy, vô tâm của Trần Thái Tông là ý niệm vô tâm, chấp vào vô tâm hoặc vô tâm ấy là không có tâm, không có niệm… Thế là trệ không, dính vào không, kẹt không! Còn vô tâm của Hương Vân đầu-đà là không tính (60), là duyên khởi nên không,nó ở ngoài không có, nó sinh ra không có; là không của bên kia hữu cú, vô cú, của giải thoát, của mênh mông hề phương ngoại phương!Nói khác, vô tâm của Trúc Lâm đại sĩ nó ôm trọn Tứ tuyệt tứ của Khổng, vô vi của Lão, vô tâm của Đạt Ma, vô niệm của Huệ Năng…Tức là ở trên phạm trù triết học; chính là tinh yếu, là cốt lõi, là minh triết của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử Điều Ngự Giác Hoàng Hương Vân đầu-đà!

Dẫn kết:

Người ta thường nói, thiền Trúc Lâm Yên tử là Thiền Việt Nam! Đây là dấu hiệu tốt, một ý thức độc lập, tự chủ muốn ly thoát cái bóng vĩ đại của đế quốc phương Bắc đã phủ trùm dân tộc ta thuộc mọi lãnh vực. Vua Trần Nhân Tông, Thái thượng hoàng và Hương Vân đầu-đà đã làm như vậy trong ba giai đoạn đời người của mình (61). Tuy nhiên, không có cái gọi là thiền Việt Nam!Yếu tính thiền, yếu chỉ thiền là kiến tánh, thấy rõ thực tánh, liễu ngộ thực tánhthì thiền Nguyên thủy, thiền Đông độ, hay Zen đều giống nhau (62). Nếu nói là thiền mang bản sắc văn hóa dân tộc Việt thì nghe ổn hơn. Nhưng điều ấy cũng chưa nói được gì – vì rằng, Phật giáo đến quốc độ nào đều mang bản sắc văn hóa bản địa của dân tộc ấy; ví dụ, Trung Quốc kết hợp Phật với Khổng Mạnh và Lão Trang; và sau khi thiền Đông độ ra đời, sau Huệ Năng – thì thiền ấy trở thành thiền phù hợp với khẩu vị, bản sắc văn hóa Trung Quốc. Nhật Bản thì kết hợp với văn hóa truyền thống và tín ngưỡng Thần đạo dân tộc – mà biến thành Zen; Tây Tạng kết hợp với đạo Bon, tín ngưỡng thờ ma quỷ, huyền thuật mà thành Mật tông! Ấy là sự thật trong lịch sử Phật giáo thế giới, không có gì là đặc thù, khu biệt và mới mẻ cả.

Phải nói rằng, Trần Nhân Tông, sau khi tiếp thu trọn vẹn mọi nguồn, mọi tông phái thiền học đương thời, ngài vận dụng thêm tư tưởng nhập thế tích cực hơn để đáp ứng với tình thế đất nước – huy động toàn bộ nhân dân không kể đạo đời, tăng tục cùng đoàn kết chống ngoại xâm, xây dựng đất nước– thì khả dĩ hơn. Tôi nói khả dĩ hơn, vì thật ra, cái vận dụng nhập thế tích cực, đạo đời, tăng tục không có biên ranh thì đã có từ thời Lý Thánh Tông với thiền phái Thảo Đường; và gần nhất là các thiền sư cư sĩ như Ứng Thuận, như Tuệ Trung! Trần Nhân Tông chỉ là người tiếp lửacho xu hướng Phật giáo nhập thế tích cực ấy! Chính điều quan trọng nhất, mấu chốt nhất, cốt tử nhất mà chưa ai đề cập là: Thiền nhập thế ấy, kết hợp phong phú, sinh động bởi một con người minh triết, một vị tỳ-khưu, một Hương Vân đầu-đà– mới trở nên một cái gì vĩ đại, là cái điểm mốc, là cái dấu ấn vàng son trong lịch sử dân tộc. Thiếu một trong hai sẽ trở nên vô hồn, chỉ là cái xác khô rỗng.

Nó khập khễnh. Nói cách khác, khái quát và dung hợp trọn vẹn hơn: Thiền nhập thế ấy được thổi hồn sống, được tiếp truyền năng lượng tâm linh bởi một vị vua trẻ tuổi từng là một vị anh hùng lãnh đạo hai cuộc chiến tranh tự vệ oanh liệt; một nhà chính trị, quân sự kiên cương nhưng thầm lặng; một nhà ngoại giao cứng mềm tùy nghi nhẫn xả; một người xây dựng đất nước có chiến lược, có tầm nhìn xa, trông rộng; lại là một nhà văn hoá cầm đuốc dẫn đạo tiên phuông phục hồi, duy trì và phát huy ngôn ngữ Việt; một thiền sư sơ tổ Trúc Lâm đại sĩ tầm vóc lớn lao; một nhà tu khổ hạnh tam y nhất bát du phương, một nhà thơ trong sáng và tịnh định hồn thiền; một nghệ sĩ cốt cách mai hoa cam lộ lưu phương (63) mới chính thật là vô tiền, khoáng hậu! Trong lịch sử thế giới, ở đâu có sự tổng hợp, tương hòa, hỗn dung… kỳ diệu, tối đại thượng thừa như thế chứ? Không, không có! Và chưa hề có!

Tuy Trần Nhân Tông vĩ đại như vậy – nhưng gọi ngài là ” Phật Hoàng”,quả thật là “tự tôn dân tộc”một cách thái quá! Chưa có quốc gia Phật giáo nào biến một vị sư vĩ đại của quốc độ mình thành Phật cả! Vì tất cả họ đều đọc và hiểu sử Phật giáo, có trí tuệ và đức tin vững chắc vào Tam Tạng kinh điển. Chỉ có “Việt Nam ta” là ngang nhiên suy tôn như thế, bỏ lịch sử Phật qua một bên! Muốn trở thành một vị Phật, một đức Chánh Đẳng Giác phải trải qua tối thiểu là 20 a-tăng-kỳ và trăm ngàn đại kiếp mới tròn đủ công hạnh. Cụ thể là 9 a-tăng kỳ phát nguyện trong tâm, 7 a-tăng-kỳ phát nguyện thành lời và 4 a-tăng kỳ và trăm ngàn đại kiếp tu tập ba-la-mật. Còn nữa, đức Phật Gotama còn trong hiện kiếp, và vị Phật hậu lại chỉ có đức Phật Metteyya (Di Lặc) xuất hiện mà thôi!

Nói tóm lại, trở lại với chủ đề, dẫu tôi có nỗ lực giải mã một vài tứ thơ của Đại sĩ, ở đâu đó, cũng thản như đầu thượng trước đầu,cũng chỉ như tuyết thượng gia sương (64) mà thôi. Tôi đi tìm cái gì đó, một mùi thơm của đóa hoa minh triết 700 năm ư? Thiền sẽ nói, là kiếm tìm dấu chân trên cát, nắm bắt tượng mây giữa trời!Tất thảy đều vô vọng, bất lực như đang đối diện trước hố thẳm của ngôn từ! Cuộc đời này, trong lịch sử hoặc mọi cái đang xẩy ra, đang diễn ra trên thế giới, trong lòng trần gian – nó rối rắm, phức tạp lắm, tôi không hiểu, không biết gì đâu; tôi chỉ muốn nói đến con người, một nhân cách thấm đẫm nhân văn, nhân bản mà hồn thiền và minh triết Việt không còn biên giới. Đại sĩ là vậy. Con người Đại sĩ là vậy.

Chúng ta cũng thật xót xa mà nói rằng, thời này, mình ngồi thành thị, nết dụng sơn lâm thì có được mấy người, hay là đã hòa kỳ quang mà đồng kỳ trần (65) cả rồi? Hay hễ đói thì cứ ăn tự nhiên, khát thì cứ uống tự nhiênnhư Trúc Lâm sơ tổ? Tuy nhiên, vi tiếu chút vậy thôi, nếu ai cũng đại nguyện bồ-tát ngũ trược ác thế thệ tiên nhập (66) cả thì tôi đâu có dám lạm bàn, tụt lưỡi đấy! Cái đó là cái nguyện của mỗi người. Ai cũng đang thò tay đi những quân cờ giữa trận đồ duyên khởi tại thế; nó đang tiếp diễn, liên tục, dịch hóa, không thể dừng lại được; dừng lại là vũ trụ vỡ thành bảy mảnh!

Tôi đi tìm lại chút hương nơi cõi non xanh mây tíaấy, nhưng tôi tìm trong thơ, theo cách thi giải riêng của mình! Và tôi biết, phương pháp thi giải thì dễ thơ thẩn, lẩn thẩn, chủ quan, cảm tính và mơ hồ sương khói lắm; không nghiêm túc, công phu, bác học như phương pháp sử luận đâu! Nhưng lạy Phật, hương thơm minh triết hơn 700 năm qua, tôi cảm nhận trong riêng tư, cô tịch, thầm lặng là nó vẫn còn đây; vẫn còn bát ngát, khinh phiêu, du viễn giữa trần gian, giữa muôn cùng cát bụi. Và cuối cùng, bài thơ này thì tôi không thi giải được: “Thế số nhất tức mặc. Thời tình lưỡng hải ngân. Ma cung hồn quản thậm. Phật quốc bất thắng xuân”. Tôi không biết thếlà gì? Sốlà gì? Lại càng không biết thờilà gì? Lưỡng hải ngânlà gì? Rõ là nơi những con chữ ấy còn ẩn tàng nhiều lớp nghĩa. Đúng hơn là còn bí hiểm. Xin các nhà nghiên cứu, các bậc thức giả, trí giả giải mã cho!

Tôi chỉ tạm dịch: Số đời hơi thở lặng. Tình đời đôi mắt trong. Ma cung vây chặt cả. Nước Phật xuân mênh mông (67)!

MINH ĐỨC TRIỀU TÂM ẢNH


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
12/05/2024(Xem: 7128)
Thời gian gần đây hiện tượng sư Thích Minh Tuệ tu theo hạnh Đầu Đà đi bộ từ Nam chí Bắc đã được quần chúng đủ mọi thành phần ngưỡng mộ. Họ chờ đón sư ở dọc đường, cúi đầu hoặc quỳ xuống lòng đường để đảnh lễ, tặng đồ ăn thức uống, có khi tháp tùng sư một đoạn đường dài. Có khi họ tụ tập quanh sư tại nơi nghỉ chân, có khi là nghĩa địa, một ngôi nhà hoang, hoặc dưới tàng cây, ngồi quanh sư để nghe sư thuyết pháp hoặc vấn hỏi một số vấn đề. Đặc biệt tại Thanh Hóa có cả xe chở mấy chục học sinh Tiểu Học, tung tăng chạy tới để chiêm ngưỡng và vái lạy sư. Và lần đầu tiên một vị sư thuyết pháp tại một nghĩa địa.
03/04/2024(Xem: 1974)
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật Xin thông báo tổng quát lịch Pháp thoại, khóa tu, Phật sự và hành hương của Thầy Tánh Tuệ năm 2024 Kính chia sẻ cùng chư Tôn đức, Pháp hữu và qúy Phật Tử lịch trình Hoằng Pháp, sinh hoạt tu học & Phật sự... với sự chia sẻ của Th Tánh Tụê cùng với sự hiện diện của chư Tôn đức tham dự trong tháng 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11- 2024
25/11/2022(Xem: 6481)
Hành Hương Thắp Sáng Tâm Đăng và Cảm niệm Thâm Ân Đức Thế Tôn VỊ THẦY VĨ ĐẠI BẬC NHẤT CỦA NHÂN LOẠI. Suốt tuổi vị thành niên ưu tư, trăn trở, đến tuổi lập gia đình thấy mọi niềm vui, khoái lạc đều phù du, trống rỗng; tháng năm dài tìm cách giúp vua, cứu nước, Thái Tử Siddhārtha Gotama luôn cảm thấy mình làm cái việc của con dã tràng xe cát - vì không giải mã được hố thẳm của lòng người (nguyên nhân của khổ uẩn). Với ý chí kiên định, ngài thoát ly gia đình, vợ con, vương vị, quyết tìm ra con đường thoát khổ, giải trình giá trị và ý nghĩa vĩnh cửu cho kiếp nhân sinh.
13/03/2022(Xem: 22471)
Hành hương và chiêm bái Phật tích Ấn Độ là nhân duyên hy hữu và là một ước mơ ngàn đời của người đệ tử Phật trên khắp năm châu bốn bể. Nay ước mơ đó đã đến với Tăng Ni và Phật tử Tu Viện Quảng Đức, Melbourne, Úc Châu. Như chương trình đã sắp đặt trước cả năm, phái đoàn hành hương Ấn Độ gồm 51 người do Tu Viện Quảng Đức tổ chức đã lên đường đúng vào ngày 7-11 năm 2006. Phái đoàn do Đại Đức Phó Trụ Trì Tu Viện Quảng Đức Thích Nguyên Tạng, Sư Cô Hạnh Nguyên và Đạo Hữu An Hậu Tony Thạch (Giám đốc công ty Triumph Tour) hướng dẫn cùng với 38 Phật tử từ Melbourne, 6 từ Sydney, 1 từ Perth và 5 đến từ Texas, Cali, Hoa Kỳ.
08/02/2022(Xem: 9088)
Hai năm trước, khi tin Hòa Thượng Thích Minh Tâm viên tịch lan truyền khắp năm châu, ai ai cũng ngỡ ngàng thương tiếc. Hầu như các tự viện trên thế giới đều tổ chức lễ tưởng niệm tri ân Ngài. Tu Viện Quảng Đức cũng không ngoại lệ, buổi lễ truy niệm đã được tổ chức một cách trang nghiêm, trọng thể. Sau đó TT Thích Nguyên Tạng đã lên chương trình Hành Hương Âu Châu vào cuối tháng 7 năm 2015, với mục đích chính là tham dự lễ Đại Tường Tưởng Niệm HT Thích Minh Tâm, đồng thời dự lễ Khánh thành Chùa Khánh Anh. Phật tử TVQĐ thật hoan hỷ với tin này và đã cùng nhau lập ra kế hoạch tiết kiệm để tham dự chuyến Hành Hương Âu Châu.Thời gian hai năm tưởng là lâu, nhưng thoắt một cái ngày đi đã gần kề, mọi người nô nức chuẩn bị hành trang để lên đường. Phái đoàn Hành Hương có 83 người gồm:Melbourne: 38 người; Sydney: 21 người; Perth: 9 người;Adelaide: 5 người.
24/01/2022(Xem: 6277)
Tuyển tập Hành Hương Tứ Đại Danh Sơn Trung Quốc 2007 do Tu Viện Quảng Đức tổ chức
08/01/2022(Xem: 5330)
Nhận được Passport 10 năm vừa mới gửi về sau nhiều lần đắn do suy nghĩ có nên làm mới hay không(đã hết hạn 3 tháng rồi) giữa lúc đại dịch vẫn chưa khả quan lắm, tâm trí tôi miên man nghĩ tới hai chuyến hành hương sau cùng trước khi đại dịch xuất hiện: -Năm 2018 chuyến hành hương Chiêm Bái Danh Lam Phật Giáo tại Hàn quốc nhân mùa Anh Đào nở hoa ở Nhật Bản từ ngày 2/4/2018-16/4/2018 do TT.Thích Nguyên Tạng làm Trưởng Đoàn và Anh Tony Thạch làm phó trưởng đoàn. -Năm 2019 chuyến hành hương Miến Điện do TT Thích Tâm Thành hướng dẫn, lẽ ra tôi cũng được tham dự chuyến hành hương Bhutan vào năm này với TT Nguyên Tạng và Anh Tony Thạch nhưng sau chuyến hành hương Miến Điện tôi bị sưng đầu gối và không thể đi bộ nhiều nên đành xin hủy hẹn . .......Có thể nào mình lại có dịp một lần nữa sẽ tham dự một chuyến hành hương khác với Thầy và Anh Tony trong một chuyến tham quan và chiêm bái các địa danh của quý Tổ Sư Thiền Ấn, Trung và Việt Nam nơi mà hành trạng các Ngài còn ghi trong sử sác
16/11/2021(Xem: 9381)
Hạnh phúc luôn là “KPI” của mỗi người và mỗi quốc gia. Mỗi người hạnh phúc sẽ góp phần xây nên một một quốc gia hạnh phúc. Vậy quốc gia nào hạnh phúc nhất thế giới? Hãy cùng mayvesinhmienbac.com.vn gọi tên top 10 quốc gia hạnh phúc nhất thế giới trong năm 2021 nhé!
18/08/2021(Xem: 12178)
LỜI GIỚI THIỆU Trong Hán Tạng, kinh Đại Bát Niết Bàn do Ngài Đàm Vô Sấm dịch với thời Bắc Lương (thế kỷ thứ 5) có ghi lại lời dạy cuối cùng của Đức Phật với các đệ tử: „… Sau khi ta nhập Niết Bàn, đại chúng phải tinh tấn tu hành sớm ra khỏi ba cõi, chớ có giải đãi, phóng dật tán tâm…“ (Kinh Đại Bát Niết Bàn, phẩm 26)
10/07/2020(Xem: 4520)
Chính phủ Nhật đầu tư 12,5 tỷ USD để mời bạn đến du lịch Do chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán, số lượng du khách đến Nhật du lịch giảm mạnh. Vì thế chính phủ Nhật đã đề ra một phương án là đầu tư gói 12,5 tỷ USD để phục hồi ngành du lịch, trong đó bao gồm chi trả một phần chi phí cho du khách nhằm thu hút họ đến nước này.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com