Truyện Cổ Phật Giáo
Tập 1
Thích Minh Chiếu
Sưu tập
---o0o---
Phần 10
|
Một Lòng Vì Ðạo
Cũng một mùa xuân trong sáng đẹp đẽ như hôm nay nhưng là một mùa Xuân xa xăm lắm, một vị Quốc vương có tiếng nhân từ vui vẻ, ngự giá về các làng mạc thôn xóm, thăm viếng quần chúng và tặng quà tết cho kẻ nghèo. Ngài cùng chung vui với muôn dân. Ðó còn là một dịp để nhà vua được tìm hiểu đời sống và tâm tình của dân.
Khi ra đi ngài vui vẻ bao nhiêu, khi trở về Ngài lại buồn rầu lo âu bấy nhiêu.
Nhà vua thường khuyến khích mọi người phụng thờ Tam bảo, thực hành phép ăn chay, làm các việc thiện, hiếu thảo với cha mẹ, thuận hòa với anh em. Ngài tha sưu thuế cho tất cả những ai thực hành theo lời Ngài khuyên bảo.
Mọi người đều răm rắp làm theo.
Nhưng có ngờ đâu, bề ngoài họ mạng một lớp “đạo đức giả” để che đậy bao nhiêu điều xấu xa, hung ác, nham hiểm ở bên trong. Nhờ có cuộc kinh lý trong ngày Xuân hôm ấy ngày mới thấu rõ được lòng người. Từ đó Ngài luôn luôn suy nghĩ để tìm một giải pháp cải thiện dân chúng một cách hoàn bị.
Một tuần sau gương mặt Ngài trở lại tươi vui như trước. Rồi khắp dân chúng được ban truyền sắc dụ của nhà vua: “Kể từ nay ai còn ăn chay niệm Phật sẽ bị tội xử tử, còn người nào không theo đạo Phật được tự do, an phần chức nghiệp”.
Ðương nhiên những kẻ giả tâm đều trở lại hành động như cũ, không còn phải che đậy một chút gì.
Tuy thế, sáng kia người ta dẫn đến sân triều một cụ già tả tơi yếu đuối, cụ này đã không tuân lệnh nhà vua vẫn quy ngưỡng theo đạo Phật. Cụ nghĩ rằng: “Lâu nay ta nghèo khổ trọn ngày chỉ có một bữa cơm rau nhưng được quy y Tam bảo, được nghe giáo lý của Chư Phật, lòng ta sung sướng vô cùng. Còn dẫu sống một cuộc đời sung túc trên châu báu ngọc ngà hay có được lên cõi Thiên đàng hưởng thụ mãi mãi cuộc sống Thần tiên đi nữa mà không được nghe đến một câu kinh, Phật, đối với ta cũng chỉ là ngục hình”.
Cụ già khẳng khái tâu:
- Tâu Bệ hạ, bần dân này đã có tội không tuân lệnh của Ngài xin Ngài cứ việc chặt đầu.
Nhà vua phán:
- Nếu người biết tự hối và thi hành theo sắc lệnh mới của Trẫm, Trẫm sẽ tha tội và phong chức tước cho. Còn kẻ làm dân mà không tuân theo quốc pháp Trẫm sẽ xử chém đặng răn kẻ trái phép về sau.
- Tâu Bệ hạ, nếu bỏ chánh pháp mà làm đến bực vua chúa, hưởng thụ tất cả mọi khoái lạc trong cõi Nhân Thiên, bần dân này cũng không ham.
- Ngươi cãi lệnh ta sẽ truyền đem xử tử ngay tức khắc.
- Tâu Bệ hạ, trong Kinh Phật có dạy: “Nếu chúng sanh tự gieo mình vào ba đường ác thì khó được làm người và có làm người chăng nữa cũng không thể sanh vào nước có đạo đức, không xem được Kinh Phật, không gặp được các cao Tăng để cúng dường và nghe pháp”. Nay tôi được biết pháp Tam bảo, hiểu được chút ít Kinh Phật, vậy có lẽ kiếp trước tôi đã dày công tu luyện lắm. Thế thì dẫu Bệ hạ có bỏ tôi vào nước sôi hay nung vào lửa đỏ đi nữa tôi vẫn giữ trọn một niềm theo Tam bảo mà thôi.
- Ngươi là ai mà còn khí khái với ta? Trước cái chết mà vẫn còn hùng hổ.
- Tôi tên là Thanh Tiến Sử, tâu Bệ hạ cứ việc xử tội, tôi không bao giờ oán than hay van xin một điều gì.
Quân sĩ hãy đem chém ngay ông lão Thanh Tiến Sử nầy.
Rất nhanh, các tên lính xáp đến dẫn cụ già ra pháp trường.
Trước pháp trường, bên cạnh những lưỡi gươm sáng quắc đang sẵn sang đưa lên cổ, Thanh Tiến Sử vẫn thản nhiên vui vẻ và khuyên người con trước khi vĩnh biệt: “Con ơi! Con sanh gặp thời có Phật pháp, biết sùng bái Tam Bảo là một điều phước đức của con. Con hãy vững dạ tu học, noi gương cha đây, dẫu đầu cha phải rơi vì sắc lệnh nghiêm ngặt của nhà vua. Cha vẫn vui lòng và quyết theo Chánh đạo không bao giờ lãng bỏ”.
Vừa dứt lời, vị cận thần truyền cho quân lính dẫn cụ trở về triều.
Khi vị cận thần về tâu lại lời khuyên con của Thanh Tiến Sử, nhà vua rất cảm động và vô tình những dòng nước mắt tươm chảy trên đôi má nhăn nheo của vị vua hiền đức. Ngài bước xuống bệ rồng ra tận cửa thành ôm lấy Thanh Tiến Sử. Mọi người đều ngạc nhiên. Cụ già cũng trố mắt nhìn vua vì không hiểu chuyện gì. Nhà vua đưa cụ vào cung một cách ân cần vui vẻ, song Thanh Tiến Sử cũng chưa rõ điều gì nên chỉ biết cúi đầu sát đất lạy tạ ơn vua. Nhà vua liền đỡ lấy tay Thanh Tiến Sử rồi thân mật bảo: “Trong quốc dân này chỉ có một Thanh Tiến Sử! Chỉ có một Thanh Tiến Sử thuần thành theo Phật pháp, quyết một lòng vì đạo. Ngoài ra đều giả dối, đều vụ lợi. Chiếu dụ của Trẫm ban ra chỉ cốt để thử lòng người mà thôi. Vậy từ nay xin ngươi hãy sống cùng Trẫm, giúp Trẫm trong việc truyền bá Phật pháp thức tỉnh nhân tâm”. Rồi cả hai chuyện trò vui vẻ. Sau đó nhà vua phong cho Thanh Tiến Sử chức Tướng quốc.
Câu chuyện ấy được truyền tụng trên môi quần chúng lan ra tận các hang cùng ngõ hẻm, và cũng từ đó tiếng chuông cảnh tỉnh ngân vang trong tâm hồn mọi người.
Chẳng bao lâu dân chúng được sống trong cảnh êm ấm, thân yêu, an hòa, vui vẻ, ai ai cũng đều quay về với Ðạo Phật.
Vị Quốc vương ấy chính là tiền thân của Ðức Thích Ca.
Ðức Thượng
Thà có đạo đức mà chết, chớ không chịu mất đạo đức để được sống.
Nai Hiền
Ngày xưa…
Ngày xưa trong một khu rừng ven bờ sông Hằng Ðộ, xuất hiện một con Nai hiền. Nai đẹp vô cùng, sừng màu trắng vươn cao như pha lê lóng lánh: da óng ánh vàng như gấm đính thêm từng hành minh muôn màu. Cả thân hình Nai thanh tú ấy có thể đã tập trung hết mọi vẻ đẹp của trần gian. Nhưng đôi mắt Nai buồn lắm thế? Có cái chi u ẩn như thương cho cuộc sống mê lầm.
Nai chính là hiện thân của một vị Bồ tát. Nai nghe và nói được tiếng người. Thú trong rừng thương Nai, quay quần bên Nai như một bà mẹ hiền, theo lời Nai như một bậc thầy sáng suốt. Nai đem tình thương hòa vào cuộc sống muôn loài, núi rừng vì thế ít nhuộm màu hồng, con cháu trong rừng chỉ ăn cỏ cây.
Vốn biết thân mình là một miếng mồi thế nhân hằng ao ước, Nai chỉ ở trong rừng sâu, không để cho loài người được thấy. Những đêm trăng sáng. Nai vui cùng muôn thú cảnh thanh bình. Nhưng mà nếu cuộc đời chỉ là có thế thì còn đâu nước mắt đầy vơi?
Có một sáng mùa thu, rừng vừa qua cơn mưa lớn. Nước sông Hằng chảy mạnh. Những dòng suối nhỏ từ lâu vẫn hiền hòa róc rách giữa những triền đá trắng phau, hôm nay mở rộng bờ hung hăng như trăng lớn phun nước vào dòng sông cả. Nai đủng đỉnh xuống bờ sông uống nước.
Nhìn dòng nước cứ mãi tuôn đi, bọt trắng tóe tung trên mặt sông một màu xanh biếc, Nai bỗng thấy lòng ngập tràn chua xót. Không biết bao giờ vạn vật mới thôi quay cuồng trong bóng tối vô minh để trở về với thanh tịnh? Nai tử nhủ: “Nếu cần thì thân này có tiếc chi?”.
Bỗng một tiếng kêu cứu từ xa vọng lại:
- Ai cứu tôi với! Trời ơi, tôi sẽ chết mất giữa dòng sâu.
Tiếng kêu càng lúc càng rõ. Nai ngước mắt nhìn ra giữa dòng sông Hằng hung bạo: Một người đang chới với trên một thanh củi mục. Có lẽ y đã chìm đò ở phía trên kia và nhờ niú được thanh củi mục mà khỏi chết. Nhưng tình thế thì cũng đã ngặt nghèo lắm. Y nổi lên chìm xuống, đôi tay co quắp một cách tuyệt vọng. Chắc sức cũng đã yếu rồi. Tiếng kêu càng lúc càng khan, mất dần trong tiếng reo hát điên cuồng của sóng nước. Nai biết giờ phút quyết định sự sống còn của người kia đã đến. Không lẽ làm ngơ? Lòng Bồ tát bỗng dạt dào một tình thương cao cả. Ðau khổ của người là đau khổ của mình, cứu người là tự cứu mình. Nhìn người quằn quại ai thấy vui chi?
Nai lao nhanh xuống dòng nước lũ. Tình thương đã làm nên tất cả. Không quản nhọc nhằn và nguy hiểm, Nai lướt qua sông lớn và cõng người kia lên bờ. Người kia tỉnh lại, ngạc nhiên vô cùng khi biết một con Nai đẹp đã cứu mình thoát nạn. Quá cảm động y quỳ xuống đội lên đầu công đức của Nai. Y nói:
- Hỡi vị Nai thần, tôi không biết làm sao để nói tất cả tấm lòng. Ngài đẹp lắm, nhưng chính lòng vị tha của Ngài mới đẹp hơn cả. Kể từ nay, thân tôi là của Ngài, tùy Ngài sử dụng.
Nai hiền rưng rưng nước mắt. Quả thật không ngờ lại có người biết ơn đến thế. Nai nói:
- Ông ơi, tôi tưởng sẽ không bao giờ tìm được một người tốt ở cõi thế sa đọa này. Lòng biết ơn của ông đã làm cho tôi vô cùng sung sướng. Nhưng nói làm chi đến chuyện trả ơn. Ông còn vợ con ở nhà, không nên nán lại đây lâu, chắc họ đang nóng lòng chờ đợi. Nhưng ông đừng đem chuyện gặp tôi đây mà nói lại với ai, họ sẽ không ngại gì mà đến tìm bắt tôi. Hãy sống vì đời, vì người. Là thú rừng, tôi không biết nói lời gì đẹp đẽ hơn.
Người kia hứa chắc với Nai, xá tạ xong y lên đường về chốn cũ.
Lúc y về đến thành chính là lúc Hoàng hậu vừa chiêm bao thấy một con Nai vàng kỳ dị. Bà thấy trên một ngôi báu cao sang có một con Nai hiện đang giảng pháp bằng tiếng người. Mình Nai gắn đầy châu ngọc, da Nai óng ánh như những lớp gấm đẹp nhất của đời. Hoàng hậu liền đem chuyện ấy thỏ thẻ với nhà vua.
Bà nói:
- Tâu Bệ hạ, thần thiếp nghĩ không còn vật chi quý giá hơn con Nai vàng trong mộng ấy. Nếu vườn thượng uyển này mà có nó… trời ơi, Bệ hạ hãy tìm cách bắt đi!
Vua tin ngay lời Hoàng hậu, ở đời đã có được mấy người đàn ông không nghe lời vợ, không nghe lời thỏ thẻ của một người đàn bà, nhất là người đàn bà đẹp? Thế là vua cho truyền khắp nước:
“Trong sử có chuyện một con Nai vàng mình đầy châu ngọc. Ðã nhiều người thấy nó, nhưng không biết bây giờ ở đâu. Nếu ai bắt được, hay chỉ cho người khác bắt, vua sẽ thưởng cho quyền cai trị một làng giàu có và vô số bạc vàng”.
“Quyền cai trị một làng giàu có và vô số bạc vàng”. Ai mà không ham? Người được Nai cứu lắng nghe cho rõ lời truyền rao của vua rồi bất giác y nhìn xuống chiếc áo đã sờn, đôi hài há miệng: Y nghèo quá! Một tiếng thở báo trước cơn giông tố của lòng. Y biết chắc chắn vợ con y đã hai hôm rồi nhịn đói. Ngay những lúc có y ở nhà, nai lưng người ra đối lấy bát cơm, gia đình y vẫn không lúc nào no đủ, huống hồ là y đã đi vắng những hai ngày.
Y nhắc lại lời truyền rao: “Nếu ai bắt được, hay chỉ cho người khác bắt, vua sẽ thưởng cho quyền cai trị một làng giàu có và vô số bạc vàng”. Có thể như thế được không? Sung sướng giàu sang đến thế ư? Trong lòng con người vừa thọ ơn bỗng nổ ra một trận chiến gay go giữa tham lam và đức hạnh. Ðức hạnh như nói với y: “Anh có thể quên được công đức của Nai hiền sao? Nếu không có Nai thì bây giờ có anh không? Cứ bội ước đi rồi không còn một kiếp nào anh cất đầu lên được!”. Nhưng tham lam nhỏ to than thỉ: “Hãy chỉ chỗ của Nai đi! Anh sẽ được vinh hoa phú quí, vợ con anh sẽ được no đủ”.
Lòng y thật như guồng chỉ rối. Y không biết nên theo đạo đức hay giàu sang, trung thành hay phản bội. Con quỷ tham lam gớm guốc vẫn cứ kề bên than thỉ. Cuối cùng, quỷ tham đã thắng. Một chút lương tâm còn nuối lại trong lòng, y tự nhủ:
- Ta quyết chỉ chỗ Nai ở cho nhà vua. Kể ra thì cũng tàn nhẫn thật nhưng còn dịp nào để được giàu sang. Bạc tiền và danh vọng trên hết!
Y cười lên sặc sụa, cái cười khoái trá của một con người sắp thỏa mãn. Nhưng y có biết không, bắt nguồi từ cái cười ấy, gương mặt y từ hiền lành chất phát bỗng trở thành gớm ghiếc lạ thường. Nếu soi gương, chắc y ngạc nhiên về sự đội thay của mình lắm.
Y vào cung tâu vua biết chỗ ở của Nai hiền. Như mở nước cờ, vua ra lệnh đi săn Nai ngay buổi chiều ấy, khu rừng bị quân lính nhà vua vây kín. Từng đàn chó dữ ào ạt sủa cắn vang động cả một vùng. Chúng lục lội từng hóc núi, bụi lùm. Tiếng kèn săn rền vọng lên như một lời kết tội.
Nai choàng dậy trong giấc ngủ. Sau cơn hoảng hốt ban đầu, Nai biết mình không thể thoát khỏi tay người hung ác. Cũng vừa lúc ấy, vua và người được Nai cứu đến kề bên.
Y đưa tay chỉ chỗ cho Vua:
- Ðó, Bệ hạ xem, con Nai vàng kỳ dị!…
Những tia nắng cuối của chiều thu chiếu lên mình Nai lộng lẫy, từng hang châu ngọc lóe sáng muôn màu. Vua say nhìn Nai đẹp. Cung tên đã sẵn sàng, bọn lính định bắn quị linh thú, nhưng vua ngăn lại:
- Ðừng bắn, hãy bắt sống cho ta!…
Nhưng chưa đuổi bắt thì Nai đã tự dẫn mình đến trước mặt vua và nói lớn:
- Thưa Ngài, tôi không hiểu tại sao Ngài có thể tìm được chỗ trú của tôi!
Nhà vua ngạc nhiên – có thể nói là sửng sốt – vì Ngài chưa từng thấy Nai nào lại biết nói tiếng người. Vua đáp:
- Hởi Nai thần, chính người này đã chỉ cho ta.
Mặt Nai và vua đồng một lúc quay về người được Nai cứu. Bỗng nhà vua kêu lên kinh hãi: mặt người kia chỉ trong một khắc trở thành lở loét gớm ghê. Mủ máu chan hòa trên gương mặt trước kia hiền lành chất phát.
Nai lên tiếng giảng:
- Thưa Ngài không có gì lạ cả. Ðó chính là cái quả báo mà nguyên nhân là sự vong ân của y. Thưa Ngài, người này trước kia đã được tôi cứu khỏi chết đuối, nhưng y đã quên lời hứa mà chỉ chỗ của tôi cho vua. Tham lam đã làm mờ mắt nhân gian. Trong bóng tối vô minh ác nghiệt con người quên hết liêm sĩ và ân tình. Ôi tham lam, gốc nguồn của bao tội lỗi! Vua chợt hiểu. Ngài bỗng thấy ghét cay ghét đắng người được cứu. Quay mũi tên về phía y, vua hét lên dữ dội:
- Kẻ vong ân bội nghĩa kia, mi đã làm nhơ nhuốc danh người. Ta quyết vì đời cho mi chết! Dây cung trương lên, nhưng Nai hiền đã đến chận phía trước. Mình Nai đã biến thành bình phong che chở cho người kia đang run như một cái đuôi thằn lằn. Nai nói với vua:
- Không nên Ngài ạ! Quả báo bao giờ cũng đến với người gây nhân như hình với bóng. Không cần và cũng không có một người nào thưởng phạt hay định đoạt quả báo cả. Chính gương mặt lở loét kia đã trừng phạt y nhiều lắm. Tôi xin Ngài hãy tha cho y. Phần tôi, tôi đang chờ Ngài quyết định.
Vua bỗng thấy ánh sáng đạo. Ngài thấy kính phục Nai hiền cùng tột. Ngài kêu lên:
- Ðối với kẻ mưu hại mình Nai còn tỏ lòng từ bi cao cả như thế. Nai ơi, trong lốt thú rừng man dã ấy, chính Nai mới thật là người, một con người đúng nghĩa. Còn chúng tôi đây, Tuy mang lốt người, nhưng quả thật chưa bằng muông thú.
Rồi vung tay ra hiệu, vua hét vào tai tên phản bội:
- Ta tha cho ngươi. Hãy đi đi, đi cho khuất loài người.
Y lầm lũi bỏ đi, mặt cúi gầm xuống đất. Bóng y đổ dài trên nền cỏ rừng, lưng y quay lại phía mặt trời, y đang bước lần, bước lần vào bóng tối…
Vua nói với Nai:
- Thưa Ngài, Ngài đã hoàn toàn tự do. Từ nay, không ai trong nước này lại động đến thân Ngài nữa.
Về phần tôi, những lời cao đẹp của Ngài đã làm tôi trong phút chốc giác ngộ được chân lý. Tôi sẽ khắc những lời đó vào tim và đem chí hướng từ bi của Ngài gieo vào lòng nhân loại.
Thế rồi vua từ giả Nai, kéo quân về chốn củ. Rừng trở lại thanh bình như xưa. Người và vật từ nay hiểu nhau, không còn tìm cách sát hại nhau nữa. Rừng già thổi vọng tiếng kèn săn hung hăng, máu hồng thôi hoen trên cỏ màu xanh. Con cháu trong rừng ngày một đông thêm, phơi phới lớn lên, không lo loài người tàn bạo.
Và đêm đêm, lúc trăng ngà dọi bóng xuống rừng hoang, đàn thú hiền lành quây quần chung quanh Nai như để nghe lời giảng đạo.
Huyền Thanh
Ở hiền thì gặp lành,
Hễ ai làm dữ tan tành ra tro.
Năm Giọt Mật
Ngày xưa có một tên tử tù vừa vượt thoát khỏi lao ngục, chạy bán sống bán chết. Ðàng sau hắn, hai con voi say đang đuổi theo, do sự tổ chức truy nã của nhà cầm quyền.
Trong cơn hốt hoảng, chẳng may hắn ta rơi tõm xuống một cái giếng sâu ở dọc đường.
Nhưng trong cái rủi ro cũng còn được chút may mắn: Khi thân mình chưa rơi tới đáy, không biết quờ quạng vùng vẫy như thế nào mà hắn ta níu được một cái rễ cây mọc thòng xuống giếng.
Hú vía ! qua giờ phút nguy ngập ấy, hắn tưởng chừng như đã yên thân: hai con voi sẽ chẳng biết mình ở đâu mà tìm. Nhưng ý nghĩ ấy thoạt biến mất theo hơi thở: hai con voi say đã đến bên miệng giếng, gầm rống vang động, hút phăng tất cả những cây cỏ mọc trên miệng giếng như để thị uy.
Nếu hắn mà lên thì phải chết!
Hắn hốt hoảng quá. Nếu sợi dây đang đeo mà đứt thì thật là chắc chết mười phần. Hắn ta tính phăng tuột lần xuống đáy giếng để may ra có chút hy vọng nào không. Nhưng bất đồ nhìn xuống đáy giếng sâu thẳm, hắn ta thấy ba con rồng đang múa vuốt, giơ nanh, miệng phun lửa dữ, như muốn bay đến nuốt trửng hắn. Ðiếng hồn, hắn đành phải cố bám chặt sợ dây, đeo lủng lẳng giữa chừng. Nhưng có phải được vậy là yên thân đâu? Ác nghiệt làm sao, kề trên miệng giếng, hai con chuột cống xù, một đen một trắng, đang đua nhau ráp cắn sợi dây. Ác nghiệt hơn nữa là bao quanh thành giếng, theo những lỗ trũng gần hắn nhất, bốn con rắn độc bây giờ xuất hiện, ngóc đầu, thè lưỡi toan mổ.
Những biến cố dồn dập xẩy tới tấp làm cho hắn ta hết phương trốn tránh, ý nghĩ liều mạng lại hiện đến: bề nào cũng không khỏi chết, thà leo ngược trở lên mặt đất, rồi bỏ chạy, dù có chết cũng còn thây. Thế là hắn ráng phăng lần leo ngược trở lên. Khốn khổ quá, phần lo sợ, phần đuối sức, bồ hôi bồ kê ướt dầm. Miệng khô cổ cháy, hắn ngước mặt lên trời mà than rằng: “Trời sao nỡ hành hạ ta đến nông nỗi này”.
Càng mệt, càng thở, hơi thở càng lúc càng ngắn dần; thở bằng mũi không kịp, hắn phải há miệng để thở phụ, trong giờ phút mạng cùng tuyệt vọng ấy, bỗng một bầy ong mật bay ngang qua làm rơi vào miệng hắn 5 giọt mật… Hắn ta chíp ngay, chắp chắp thấy ngon ngon… mê tít… và trong giây phút, quên mất bao nhiêu sự nguy nan đang bao vây hắn…[1]
Người ta có thể quên bẳng đi được tất cả bao nhiêu khổ sở, đau đớn, khi người ta nhận được chút ít an ủi bằng Danh lợi, Tiền tài, Sắc đẹp, Tiếng khen, Ăn ngon, Ngủ kỹ.
Chỉ vì năm giọt mật “Ngũ dục” không đáng giá trong lòng lúc dục vọng đang khao khát trông chờ, mà người trong giếng có thể quên đi được bao nhiêu sự nguy hiểm đang bao bọc quanh mình; loài người vì năm món dục lạc mà quên đi tất cả những gì khổ não, tạm bợ, mạng sống không khác nào như chỉ mành treo chuông!
Ðức Phật với Con Voi dữ
Thời kỳ Phật hành đạo tại thành Vương Xá, kinh đô của Vua A Xà Thế, vua A Xà Thế rất tham lam hung bạo, đã sát hại vua cha để dành ngôi báu. A Xà Thế lại hay thù ghét và manh tâm làm hại những kẻ trung lương nên thường lập vây cánh bè đảng làm hậu thuẫn.
Trong số bè cánh nhà vua lại có Ðề Bà Ðạt Ða em họ Ðức Phật. Vị này cũng sẳn lòng ganh tỵ với kẻ khác, thấy Ðức Phật được nhiều người cung kính, Ðề Bà Ðạt Ða cũng giả cách tu hành như Phật, nhưng không hề được ai cung kính, nên tức giận muốn tìm cách hại Phật. Nhưng những điều không may có bao giờ đến với những người có lòng từ bi cao cả, đấng Giác ngộ đã tu hành trong nhiều kiếp. Nhưng chứng nào tật nấy, ông liền liên kết với vua A Xà Thế cầu xin nhà vua cộng tác trong việc sát hại Phật. Nhờ sự bằng lòng của nhà vua, nên Ðề Bà Ðạt Ða đến tại sở nuôi voi năn nỉ với bọn nài: “Ta đây là bạn thân với nhà vua, các người giúp ta việc này, ta sẽ xin nhà vua cho lương cao chức lớn. – Sáng mai thầy Gotama (Ðức Phật) sẽ đi trì bình khất thực qua đây, các ngươi cứ việc thả voi hung dử Nalagiri ra để làm thịt thầy”.
Sáng hôm sau, Ðức Phật cùng một số đệ tử đi vào thành Vương Xá để trì bình khất thực, trông thấy bóng Ngài, bọn nài thả voi Nalagiri ra. Dân chúng nội thành phải tán loạn, dày xéo nhau mà chạy, lo sợ cho tánh mạng của mình, kẻ leo lên cây người núp ở tường cao nhà kín. Sau khi đã tìm được chỗ ẩn núp chắc chắn, những con mắt hiếu kỳ hay lo sợ cũng cố tình mắt để nhìn cho được sự việc sắp xảy đến.
Voi thấy bóng người đàng trước, nó cong đuôi, thẳng vòi chống tai xông tới như vũ bão. Các vị đệ tử thấy cơ nguy mới bạch với Ðức Phật:
- Bạch Thế Tôn! Con voi Nalagiri nó có tánh hung dữ và thù ghét loài người đã đến nơi kìa! Ðức Phật vẫn thản nhiên dạy rằng:
- Này các Tỳ kheo, các người không nên sợ hãi. Không bao giờ một vị Chánh Giác phải chết vì một tai nạn ghê gớm như thế. Những đấng Như Lai chỉ tịch diệt khi thì giờ đã đến bằng cái chết tự nhiên và vẫn sống mãi trong tâm linh mọi người.
Trong khi ấy có tiếng bàn tán nhỏ to của mọi người đang ẩn núp. Những kẻ thiếu đức tin, u mê cho rằng: đó là một sự hy sinh vô lý, nên thốt ra những câu đầy mỉa mai:
- Chà, uổng quá, vị Sa môn kia trẻ đẹp như thế mà lại hy sinh cho con voi hung dữ giết hại thì thiệt là một việc dại khờ.
Nhưng nhóm người có đủ đức tin hơn là hiểu biết chân lý đôi chút thì cho rằng: đó là một cuộc thử thách, sự tranh đấu giữa loài vật với vị Từ phụ của loài người.
Voi hung hăng đã phóng tới trước mặt Ðức Phật, mọi người phập phồng lo sợ. Nhưng Ngài vẫn điềm nhiên đem tất cả lòng Từ bi vô lượng để đối lại với sự hung dữ của con voi. Voi như bị một sức thôi miên huyền bí, từ từ hạ vòi và quỳ ngay trước mặt Ngài.
Ðức Phật dịu dàng thoa vào đầu quy y cho voi và nói:
- Này voi ơi! Ngươi nên ăn ở hiền lành để đạt đến an vui chớ nên hung hăng như trước nữa.
Voi như hiểu được lời Ngài, từ từ lấy vòi hút tất cả bụi đã bám vào châm Ngài và rải lên khắp đầu nó như để chứng tỏ nó đã biến ăn năn và xin phục thiện. Ðoạn cúi đầu đảnh lễ Ngài rồi trở về chuồng cũ.
Từ đó về sau voi Nalagiri trở nên hiền lành dễ thương. Và đó cũng là một trong những nguyên nhân làm cho Ðề Bà Ðạt Ða biết hối hận! Vua A Xà Thế biết trở về với Chánh Pháp.
Tiến Mạnh
Công Chúa Nhật Quang
Công chúa Nhật Quang là con thứ hai của vua Ba Tư Nặc nước Xá Vệ.
Công chúa rất đẹp, một vẻ đẹp thùy mị hơn hẳn các thiếu nữ đương thời ở nước Xá Vệ; Công chúa lại rất thông minh học đâu nhớ đấy. Không những công chúa sắc sảo về môn nữ công mà còn tinh thông các triết lý học thuật; đức hạnh công chúa cũng quán chúng, tuy sanh trong giai cấp vua chúa cao sang, nhưng vẫn giữ thái độ khiêm tốn nhã nhặn, nhất là đối với hạng nghèo khổ tật nguyền, công chúa thành thật yêu mến và luôn luôn tìm cách giúp đỡ. Vì thế nên công chúa được rất nhiều người kính trọng. Người nào đã hân hạnh gặp công chúa một lần, họ sẽ nhớ mãi nụ cười hiền hòa và lời nói thanh tao của công chúa. Ðối với cha mẹ, công chúa thật là người con hiếu hạnh, nàng hầu hạ vua và hoàng hậu hết sức chu đáo, và không bao giờ nói một lời hay làm một việc trái ý vua và hoàng hậu.
Ba Tư Nặc vương được một người con xứng đáng như vậy, vua rất cưng quý, có thể nói công chúa Nhật Quang là viên ngọc vô giá của vua nước Xá Vệ. Những cuộc quan sơn ngoạn thủy của vua, công chúa đều được tham dự, mỗi khi quốc sự rảnh rang, nhà vua thường đòi công chúa đến hầu chuyện, hỏi những vấn đề thắc mắc công chúa đều trả lời trôi chảy, nhà vua rất đẹp dạ.
Một buổi chiều nhà vua đang dùng trà tại vườn ngự uyển, có công chúa đứng bên cạnh, nhà vua nhìn con rồi vui miệng phán rằng: “Khắp nước Xá Vệ này không ai được hạnh phúc bằng con, đời con được như thế thật là hoàn toàn nhờ sức của cha mẹ tác thành vậy”.
Công chúa Nhật Quang thành thật trả lời: “Tâu phụ vương, công ơn sanh dưỡng của Phụ hoàng và Mẫu hậu như trời bể con không hề dám quên. Nhưng đời con được hạnh phúc như thế này, con thiết tưởng cũng có ảnh hưởng của cha mẹ một phần nào, nhưng phần lớn nhờ kiếp trước con đã tu nhân tích đức nhiều vậy”.
Câu nói của công chúa không ngờ đã chạm lòng tự ái của vua Ba Tư Nặc quá mạnh, vua liền đứng dậy, lặng lẽ trở vào cung.
Ðêm hôm ấy, nhà vua không hề chợp mắt, suy nghĩ mãi lời nói của công chúa, và vua rất bực tức, đứa con yêu và ngoan ngoãn của mình chưa bao giờ trái ý mình dù là một cử chỉ nhỏ nhặt, hôm nay lại xúc phạm đến lòng tự ái của mình, có thể nói là không thừa nhận một lý thuyết (nghĩa là hạnh phúc của con hoàn toàn do cha mẹ tác thành) mà ông cho là muôn đời bất biến và ai cũng phải công nhận.
Muốn bảo thủ thành kiến của mình, nên mới sáng tinh sương, Ba Tư Nặc vương liền đòi viên cận thần thân tín bảo rằng: ta cần một thanh niên trạc tuổi công chúa Nhật Quang mà hiện sống trong một cảnh nghèo hèn, cơm không có ăn, áo không đủ mặc, ngươi phải tìm cho ra một người có đủ điều kiện ấy, dẫn về đây cho ta.
Ba ngày sau, viên cận thần dẫn về một thanh niên hành khất, mặt mũi khôi ngô, nhưng trong người chỉ mặc vỏn vẹn một chiếc khố rách đến yết kiến vua Ba Tư Nặc. Vua rất mừng ban thưởng viên cận thần xong, quay lại hỏi thân thế thanh niên hành khất rồi bảo rằng: Ta thấy ngươi nghèo khổ, chưa có gia thất, nay ta đem công chúa Nhật Quang gả cho ngươi, ngươi được quyền dẫn công chúa đi đâu tùy ngươi.
Thanh niên nghèo khổ kia không biết trả lời ra sao chỉ cúi đầu vâng lệnh.
Vua lại kêu công chúa Nhật Quang đến phán rằng: hôm kia con đã nói: “Hạnh phúc của con hiện tại phần lớn là do con đã tu nhân tích đức ngày trước. Nay ta muốn thí nghiệm lời ấy, nên ta đã gả con cho một thanh niên hành khất, nếu con có phước báo thì con cũng trở nên giàu có sung sướng. Con hãy sửa soạn ngày mai lên đường với chồng con, khi nào có chiếu chỉ mới được trở về cung”.
Với nét mặt đầy nghiêm nghị của Vua Ba Tư Nặc vương, công chúa không dám nói gì, chỉ yên lặng trở về hậu cung.
Sáng ngày công chúa vào lạy cha mẹ, từ biệt mọi người, rồi bình tĩnh ra đi với thanh niên hành khất.
Hoàng hậu và thần dân đều thương xót và khóc lóc, lo ngại cho số phận công chúa, nhưng ý vua đã quyết nào ai dám mở lời khuyên can!
Ra khỏi hoàng cung, công chúa hỏi thanh niên hành khất rằng: Cha mẹ chàng đâu? Nhà cửa chàng đâu? Vì sao chàng lại nghèo khổ đến thế?
Thanh niên buồn rầu đáp: “Gia đình tôi trước cũng giàu có, vì được cha mẹ cưng quý, tôi tiêu xài hoang phí, ham chơi bời với chúng bạn, có học tập nhưng không đâu đạt gì, đến khi cha mẹ qua đời, tôi bán hết ruộng đất nhà cửa, hiện nay chỉ còn một sở vườn cách đây ba trăm dặm cỏ lác mọc đầy, cho người ta mướn họ không mướn, bán họ không thèm mua, hết của cải, không nghề nghiệp không biết nghề gì nuôi thân, nên phải hành khất độ nhật. Hôm nay tôi đang lang thang giữa đường, thì gặp một vị quan của vua, ông ta hỏi cặn kẽ về gia thế tôi, rồi ông dẫn tôi yết kiến nhà vua, không biết gì sao nhà vua lại đem công chúa gã cho một kẻ nghèo hèn như tôi?”.
Vẫn nét mặt ôn hòa công chúa nói với thanh niên hành khất rằng: “Dù sao từ nay chúng ta cũng đã là vợ chồng, chúng ta phải tìm phương kế làm ăn và trước hết phải tìm nơi tạm trú”.
Không biết tìm chỗ nào khác, nên công chúa và thanh niên hành khất liền dẫn nhau đến sở vườn của cha mẹ thanh niên để lại - thật là một mảnh vườn hoang phế, cỏ lác um tùm sỏi đá lởm chởm. Hai người bàn định cắt cỏ đốn cây che một chiếc chòi nhỏ vừa tạm ở, những người quanh đấy có người biết công chúa Nhật Quang nên cùng nhau đến giúp đỡ công việc cho công chúa. Ðến khi đào đất để dựng cột nhà, vừa đào được vài lát đất thì gặp ngay ba cái chum lớn niêm khằn cẩn thận. Công chúa liền mở chum ra thì thấy trong ba cái chum ấy, vô số là vàng bạc châu báu, công chúa vui mừng sung sướng đem bán bớt một số châu báu rồ9 mướn ngườ9 dọn dẹp cỏ rác, trồng tỉa hoa quả, tạo lập lâu đài… Vốn sẵn tánh hiền lành lạ9 sẵn lòng yêu thương giúp đỡ mọi người, nên thợ thuyền tôi tớ rất trung thành tận tụy, không bao lâu đám vườn hoang phế kia đã biến thành một vườn hoa trăm sắc muôn màu; lâu đài trang hoàng lộng lẫy, người vô kẻ ra tấp nập không khác dinh thự của bậc đế vương.
Từ khi công chúa rời khỏi cung điện, vua Ba Tư Nặc sanh lòng hối hận đêm ngày trông nhớ, nhà vua đinh ninh rằng: Công chúa lâu nay chắc gặp nhiều khổ sở và định đón công chúa trở về cung để an hưởng cảnh đoàn viên phú quý. Nhà vua liền phái một số cận thần tìm nơi công chúa ở và dò xem đời sống của công chúa ra sao?
Sau một thời gian dò xét, các cận thần về tâu với nhà vua: “Công chúa ở cách xa cung điện nhà vua chừng ba trăm dặm và hiện đang ở trong cảnh phong lưu sung sướng giàu có ức triệu”. Vua Ba Tư Nặc không tin, liền đến nơi dò xét quả đúng như lời các cận thần. Nhà vua nói với kẻ tả hữu rằng: “Trẫm thấy đời sống của vợ chồng công chúa Nhật Quang hiện tại, tuy trẫm là vua một nước, thật cũng không sung sướng bằng”.
Nhưng vua cũng băn khoăn thắc mắc không biết tiền kiếp công chúa đã tu những nhân lành gì mà nay được nhiều phước báo như vậy.
Vốn nghe Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni là bậc đại giác, nên vua thân hành đến Tịnh xá nơi Phật thuyết pháp, cung kính bạch rằng: Bạch Thế Tôn! Nghe danh Ngài là bậc đại giác chứng nhất thế trí, hiểu thấu việc trong ba đời, nay đệ tử có điều nghi xin Ngài chỉ dạy: “Nhật Quang công chúa thứ hai của đệ tử, không biết đời trước tạo nhân lành gì, mà ngày nay tướng mạo đẹp đẽ, thông minh xuất chúng, giàu có sang trọng… Ðệ tử đã gả công chúa cho một kẻ hành khất nghèo hèn thế mà công chúa cũng đào được vàng bạc rồi trở nên sang trọng hơn người.
Ðệ tử cứ thắc mắc mãi mong Ngài từ bi khai thị cho đệ tử rõ?”
Ðức Phật Thích Ca nở nụ cười hiền hòa muôn thuở thong thả dạy rằng: “Nghi vấn Ðại vương sẽ được tiêu tan sau khi nghe câu chuyện này:
- Nầy Ðại vương! Xưa kia khi Ðức Phật Ca Diếp ra đời, có hai vợ chồng người lái buôn giàu có, người vợ rất tôn kính Tam bảo, thường khuyến khích mọi người bỏ việc ác làm lành, quy y Tam bảo, lại hay làm việc bố thí cúng dường, nhất là đối với kẻ tàn tật, nàng hết sức thương mến và tận tâm chăm sóc. Người chồng lại có tánh bỏn sẻn, mỗi khi thấy vợ làm việc cúng dường bố thí, thì tỏ ra thái độ bất bằng, tìm cách ngăn cản.
Một hôm gặp ngày nguyên đán, người vợ thành tâm sắm sửa lễ vật để cúng dường Tam bảo và bố thí kẻ nghèo trong ba ngày, người chồng thấy vậy bực tức nói rằng: “Hãy để dành tiền của lại sắm sửa thêm nhà cửa ruộng đất, chứ làm những việc ấy thêm hao tốn, phỏng có ích gì!”. Người vợ dịu dàng trả lời: “Của cải là vật vô thường ta không bỏ nó, rồi nó sẽ bỏ ta; hơn nữa những kẻ nghèo khổ hiện tại, theo trong kinh Phật dạy, đều do đời trước tham lam ích kỷ, không biết dùng tiền của làm các việc phước thiện; ngày nay đời sống của vợ chồng chúng ta tạm gọi là khá giả, chúng ta nên dùng một số tiền làm các việc phước thiện để bảo tồn hạnh phục tương lai cho chúng ta, và cũng gọi là góp một phần trong công việc nghĩa chung vậy”.
Nghe mấy lời giải thích của vợ, người lái buôn mới tỉnh ngộ và cảm động, từ đó anh không ngăn cản vợ mà lại rất hăng hái trong công việc làm phước đức…
Này Ðại vương! Vợ người lái buôn xưa kia chính là công chúa Nhật Quang ngày nay, đời trước nàng thường khuyến khích mọi người bỏ ác làm lành, quy y Tam bảo, nên được quả báo thông minh xuất chúng; đời trước sốt sắng cúng dường bố thí, nên nay được quả báo sung sướng giàu sang, nhiều người mến phục; đời trước tận tâm săn sóc giúp đỡ kẻ tàn tật, ngày nay được quả báo nhan sắc đẹp đẽ, tướng mạo đoan trang.
Người lái buôn xưa kia chính là chồng công chúa hiện tại, ngày trước lúc chưa tỉnh ngộ, anh ta bỏn sẻn hay ngăn cản việc làm phước thiện của vợ, nên ngày nay phải chịu đói rách một thời.
Vua Ba Tư Nặc nghe Phật kể rõ tiền kiếp của công chúa Nhật Quang, nhà vua mới tỉnh ngộ, và rất thâm cảm đạo lý nhân quả tội phước của Phật. Rồi vua cúi đầu đảnh lễ Ðức Phật ra về.
Về đến cung, công việc đầu tiên của vua là cho người đón rước vợ chồng công chúa Nhật Quang về. Gặp công chúa, vua Ba Tư Nặc khôn xiết vui mừng, vua không quên nói nhiều lời hối hận, với công chúa Nhật Quang cũng rất sung sướng được gần gũi phụng sự cha mẹ, và giúp vua cha trong việc trau dồi đạo đức, bảo quốc an dân. Thanh niên hành khất chồng công chúa, cũng được vua phong cho một chức quan cao cấp trong triền đình.
Quảng Tiến
Sướng gì hơn sướng làm lành
Cho bao nhiêu của để dành bấy nhiêu
[1]Nhà cầm quyền ví dụ cho vô thường. Hai con voi say: Sanh và Tử. Sợi dây: Mạng căn. Rơi vào giếng: Sự hốt nhiên thọ sanh. Hai con chuột đen và trắng: Ngày, đêm. Ba con rồng: ba độc (tham lam, giận dữ và si mê). Bốn con rắn: Bốn đại (đất, nước, gió, lửa). Năm giọt mật: năm món dục lạc (tiền tài, sắc dục, danh vọng, ăn uống và ngủ nghỉ).